Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng

20190512 Dien anh

Sách: Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hoá và ảnh hưởng, NXB Thông tin và Truyền thông 2019

LỜI NÓI ĐẦU

Điện ảnh Nhật Bản luôn có cách kể chuyện độc đáo, ngôn ngữ hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả trên toàn thế giới. Các nhà làm phim kỳ cựu như: Steven Spielberg, Martin Scorsese, George Lucas, Sergio Leone, Francis Ford Coppola, Wes Anderson... đã học cách làm phim của các đạo diễn Nhật Bản để áp dụng cho phim của mình. Tiếc là, tại Việt Nam, vì nhiều lý do, khán giả chỉ chú ý đến điện ảnh Châu Âu, điện ảnh Mỹ và điện ảnh Hàn Quốc. Có rất ít khán giả tiếp cận được với nền điện ảnh Nhật Bản độc đáo và vô cùng thú vị này.

Những cơn mưa bên ngoài cổng La Thành ướt đẫm mái tóc Lý An khi cô rời khỏi quê nhà đầy bí ẩn như người samurai bị giết trong rừng sâu. Bước chân nặng nề của vị lãnh chúa Hidetaro trong phim “Loạn” bỏ lại đằng sau toà lâu đài ngùn ngụt lửa đầy rệu rã như chiếc xe bồng bềnh nước lụt của Duyên trong “Chơi vơi”. Một cô bé luôn mang một quả trứng bên mình trong hành trình khám phá bản thân, nỗi cô đơn và sự tồn tại, gặp một chàng trai với những câu hỏi không lời đáp mà những người dân miền Trung lam lũ trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vẫn luôn tự hỏi: “Tất cả những loài động vật trên Trái Đất đều chết. Những con chim, gia cầm, thú hoang, tất cả những loài bò trên mặt đất và tất cả con người. Chỉ có Noah và những loài động vật trên con thuyền của ông là sống sót. Rồi ông cho một con bồ câu do thám xem nước đã rút bớt trên mặt đất chưa. Ông đợi thêm bảy ngày và lại cho nó bay đi… nhưng nó không trở về nữa. Con chim đã đậu nơi đâu? Hay là nó đã kiệt sức và bị những làn nước nuốt chửng? Không ai biết được”.  Chiếc bông tai đung đưa phát ra âm thanh như những tiếng chuông gió của công chúa Mononoke quyện vào tiếng gõ nhịp song lang để ca lên lời ca dân tộc. Bầy tanuki trong trò chơi bảo vệ nòi giống và lãnh thổ cũng tuân thủ luật chơi của trò chơi đời người trong “Bao giờ cho đến tháng mười”. Nàng công chúa Kaguya đau khổ vì lòng người, u sầu như những đoá hoa sen buổi sớm của Hạnh trong “Trăng nơi đáy giếng”. Bên trong cánh cửa vừa hé mở, nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Murakami đón chào người tri âm Trần Anh Hùng của mình bằng câu nói ngắn gọn: “Nếu không phải là anh thì tôi sẽ không nhận gặp mặt ai cả về dự án này!” Dự án Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hoá và ảnh hưởng đã tập hợp những cuộc đối thoại điện ảnh hai nước như thế qua ba phần: điện ảnh Nhật Bản đương đại, điện ảnh Việt Nam đương đại và điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam: tiếp nhận và cải biên.

Trong những năm gần đây, điện ảnh Nhật Bản cũng đã bắt đầu có những tác động nhất định đến giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là các nhà làm phim, các nhà phê bình và công chúng. Mặc dù ở Việt Nam chưa có nhiều bộ phim thể hiện sự ảnh hưởng rõ rệt từ điện ảnh Nhật Bản nhưng khán giả bắt đầu thể hiện sự yêu thích của mình đối với điện ảnh Nhật thông qua các tuần lễ phim, các liên hoan phim và các bài phê bình, nghiên cứu về điện ảnh Nhật trong các hội thảo điện ảnh và trên báo chí.

Dự án Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hoá và ảnh hưởng không phải là tập sách tập hợp các bài nghiên cứu sâu về điện ảnh Nhật Bản và điện ảnh Việt Nam mà là tập sách thể hiện điểm nhìn đa chiều về điện ảnh Nhật Bản và điện ảnh Việt Nam của các chuyên gia lẫn các nhà phê bình mới. Tập sách có những bài nghiên cứu sâu sắc về sự ảnh hưởng của điện ảnh Nhật Bản đối với điện ảnh Việt Nam qua bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” của TS. Nguyễn Nam, tiếp cận điện ảnh Nhật Bản từ phương diện phiên dịch và cải biên qua bộ phim “Loạn” của TS. Hoàng Cẩm Giang, tiếp cận cách cải biên tiểu thuyết Rừng Na Uy của một đạo diễn Việt Nam của TS. Đào Lê Na, tiếp cận trạng thái người trẻ trong phim “Chơi vơi” của ThS. Hồ Khánh Vân. Nhiều bài phê bình vận dụng nhiều lý thuyết và vấn đề mới để viết về một bộ phim cụ thể như: phê bình sinh thái, lý thuyết trò chơi, nghệ thuật thị giác, triết lý Phật giáo, nhiều bài phê bình tiếp cận bộ phim trên cơ sở ngôn ngữ điện ảnh như: góc quay, âm thanh, dàn dựng.

Hiện nay trên thế giới, các dự án nghiên cứu tập thể luôn có sự hiện diện của các chuyên gia để hỗ trợ những người trẻ nghiên cứu. Nhờ dự án Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hoá và ảnh hưởng các nhà nghiên cứu trẻ có động lực hơn để viết về điện ảnh Nhật Bản và mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ, ý kiến của mình. Những bài viết của các nhà phê bình trẻ về điện ảnh Nhật Bản trong tập sách này cho thấy xu hướng quan tâm của khán giả Việt Nam về điện ảnh Nhật Bản vẫn là phim hoạt hình. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua tập sách này, người đọc sẽ hiểu thêm về điện ảnh Nhật Bản và một số nét tương đồng của điện ảnh Việt Nam trong cách kể chuyện, một số vấn đề chung về văn hoá, xã hội và tâm linh mà nền điện ảnh hai nước có thể chia sẻ. Từ dự án này, chúng tôi hy vọng rằng sẽ phát hiện thêm một số nhà phê bình trẻ có khả năng viết về điện ảnh Nhật Bản và điện ảnh Việt Nam để tiếp tục khuyến khích họ phát huy tiềm năng của mình cho những dự án tiếp theo, nhất là dự án Điện ảnh Nhật Bản tại Việt Nam.

Đào Lê Na

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60860494
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2681
17592
60860494

Thành viên trực tuyến

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

Danh mục website