Mấy ghi nhận về công trình "Văn học dân gian Vĩnh Long" vừa xuất bản

20210328 2

Có thể ví von công việc sưu tầm văn học dân gian trong điều kiện hiện nay như việc “đãi cát tìm vàng”, bởi lẽ trong nhịp sống hiện đại, một số thể loại dân gian đã không còn được cảm hứng lưu truyền và có nguy cơ mai một.

Trong nỗ lực gìn giữ những giá trị văn học dân gian có nguy cơ bị thất truyền trong xã hội hiện đại, công trình Văn học dân gian Vĩnh Long do Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh xuất bản (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) là một công trình có ý nghĩa thể hiện được tâm huyết cũng như thái độ làm việc khoa học nghiêm cẩn của nhóm tác giả biên soạn. Công trình này đã đạt được giải thưởng của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2019.

Đây là công trình sưu tầm điền dã văn học dân gian của tỉnh Vĩnh Long được các giảng viên và sinh viên của Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai sưu tầm trong 2 đợt vào năm 2013 và 2014, làm việc tại địa bàn 23 xã, thị trấn trong TP Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít.

Kết quả sưu tầm cả 2 đợt được 2.750 đơn vị tác phẩm ở nhiều thể loại. Trong 2 đợt điền dã ấy, với sự hướng dẫn trực tiếp của 13 giảng viên, 307 sinh viên đã có 1.851 cuộc tiếp xúc với cộng tác viên là nhân dân địa phương.

Sau thời gian dài làm công việc tinh chọn, phân loại và chỉnh lý, nhóm biên soạn gồm TS. La Mai Thi Gia, TS. Phan Xuân Viện và ThS. Lê Thị Thanh Vy đã tuyển lựa và đưa vào tập sách được 623 câu đố, 497 câu tục ngữ, 177 truyện kể, 1.156 câu ca dao và 79 bài vè.

Tập 1 của công trình “Văn học dân gian Vĩnh Long” là kết quả của việc sưu tầm các thể loại tục ngữ và câu đố. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu thì “tục ngữ là một thể loại rất phát triển tại Vĩnh Long” (tr 15).

Với thể loại tục ngữ, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 497 đơn vị. Trong đó áp đảo là lượng tục ngữ đề cập đến đời sống tinh thần cũng như những quan niệm về nhân sinh vũ trụ. Tục ngữ Vĩnh Long vẫn là những câu tục ngữ quen thuộc đã thấy xuất hiện khắp mọi miền đất nước được ghi nhận trong nhiều tuyển tập tục ngữ được sưu tầm trước đây.

Với thể loại câu đố, thể loại cận văn học, các tác giả đã dày công phân nhóm dựa trên nội dung câu đố như: Câu đố về hiện tượng tự nhiên, về các công trình kiến trúc, về loài vật, về các loại cây, về củ quả, về các loại hoa, về các loại bánh, về địa danh, về dụng cụ học tập, về danh nhân, về chữ nghĩa, về con người, về các đồ vật, về các sự việc trong cuộc sống.

Trong thể loại câu đố ở Vĩnh Long có hiện tượng “liên văn bản” khi người bình dân vận dụng ngữ liệu của những văn bản khác để biến chúng thành chất liệu “thông tin gợi ý” cho người được đố, ví dụ như với câu đố: “Quê em ở chốn đảo xa/ An Tiêm thuở ấy làm quà tặng vua”, đòi hỏi người được đố phải biết sự tích dưa hấu mới có thể giải mã được nội dung câu đố hoặc người Vĩnh Long còn vận dụng những bài thơ của Hồ Xuân Hương như bài thơ “Bánh trôi nước”, “Trái mít” để biến thành ngữ liệu cho câu đố.

Cũng trong tập 1, các tác giả cũng đã sưu tầm thể loại vè. Vè sưu tầm được ở Vĩnh Long có số lượng không nhiều nhưng cũng đã góp phần kiến tạo nên bộ mặt đầy đặn của văn học dân gian Vĩnh Long với những chủ đề quen thuộc như vè kể việc, vè thế sự, vè lịch sử. Nội dung của những bài vè được sưu tầm ở Vĩnh Long đã phản ánh đời sống của nhân dân lao động cũng như sự trù phú của sản vật tự nhiên nơi đây.

Đặc biệt với mảng vè lịch sử, tuy số lượng sưu tầm được không nhiều nhưng cũng đã phản ánh những sự kiện lịch sử và thái độ của nhân dân Vĩnh Long nói riêng và nhân dân Nam Bộ nói chung đối với giặc ngoại xâm như “Vè đánh Tây”, “Vè giặc thả bom”, “Vè Tổng Diệm”, “Vè Bắc Nam”.

Trong tập 2, các tác giả đã trình bày kết quả sưu tầm về thể loại ca dao và truyện dân gian. Có thể nói ca dao, dân ca là thể loại đặc sắc có tổng cộng 1.156 đơn vị ca dao được đưa vào công trình. Soạn giả cũng đã dày công khi phân loại ca dao dân ca thành những nhóm như: tình yêu quê hương đất nước và lao động sản xuất, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, nhân sinh và các chủ đề khác.

Ca dao dân ca Vĩnh Long bên cạnh việc thể hiện những chủ đề của ca dao cả nước nói chung, còn thể hiện những nét đặc trưng về thiên nhiên, phong cảnh cũng như tính cách lối sống của người dân Vĩnh Long:

Vĩnh Long đất lịch người xinh

Ruộng vườn tươi tốt dân tình hiền lương

Rất nhiều bài ca dao ca ngợi sự trù phú của sản vật địa phương, sự tự hào về đất địa linh nhân kiệt… Mảng ca dao về tình yêu nam nữ chiếm số lượng lớn gắn trong đó có nhiều bài ca dao thể hiện sự hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa và sự tự hào về sản vật trù phú của quê hương Vĩnh Long:

Cù lao An Bình vườn cây xanh mát

Dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông

Thương em chỉ để trong lòng,

Biết bao ngày đợi tháng trông mỏi mòn

Còn lượng truyện dân gian sưu tầm được là 177 truyện. Truyện dân gian của Vĩnh Long được các soạn giả phân loại thành các tiểu loại như: truyền thuyết (25 truyện), cổ tích (35 truyện), truyện cười (94 truyện), ngụ ngôn (7 truyện).

Trong số các truyện dân gian có thể thấy dấu ấn địa phương đậm nét qua những truyền thuyết về địa danh lịch sử văn hóa như: Sự tích sông Bưng Trường và cầu Vĩ, Sự tích Bến Đổi, Sự tích vùng đất Nông Thành, Sự tích sông Mang Thít, Sự tích Gò Ân, Sự tích chùa Vĩnh Lạc, Sự tích cù lao Lục Sĩ Thành, Sự tích chợ Mã Tấu,…

Qua việc thống kê việc sưu tầm truyện kể dân gian trong 10 năm (2004- 2014), các tác giả đã làm công tác đối chiếu với số lượng truyện dân gian được sưu tầm ở các địa phương khác để từ đó nêu lên những trăn trở trong công tác sưu tầm bảo lưu thể loại truyện dân gian. Đó là “vấn đề mai một trầm trọng trữ lượng văn học dân gian địa phương/vùng/miền là đáng được các giới quan tâm lên tiếng báo động ở cấp cao nhất có thể” [tr 190]

Cuối phần tác phẩm sưu tầm của mỗi thể loại, nhóm sưu tầm điền dã đều ghi rõ thông tin của những cộng tác viên đã cung cấp cho nhóm những tác phẩm trên. Đây là điểm rất đáng quý của công trình thể hiện sự nghiêm cẩn, sự trân trọng những người dân bình dị đã góp công lưu giữ di sản văn hóa quý báu của cha ông.

Có thể nói, đây là một công trình điền dã đồ sộ, chi tiết, tỉ mỉ, nghiêm túc và trung thực... Một tài liệu rất hữu ích cho những ai quan tâm đến việc tiếp nhận, giữ gìn và nghiên cứu những văn học dân gian Nam Bộ nói chung, văn học dân gian Vĩnh Long nói riêng.

Trầm Thanh Tuấn

Nguồn: Báo Vĩnh Long, ngày 23.3.2021

Thông tin truy cập

60772796
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16966
10454
60772796

Thành viên trực tuyến

Đang có 713 khách và không thành viên đang online

Danh mục website