Những tấm lòng đáng trân quý với văn học Nam Bộ

(Đôi điều suy ngẫm từ công trình Văn học Nam Bộ 1945-1954)

Đời sống văn học phương Nam ngày càng được chú trọng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sinh hoạt văn chương nước nhà. Vùng đất mới trên đường Nam tiến dần đạt được những thành tựu đáng kể, những cột mốc đáng giá, cùng chung tay bồi đắp nền văn chương quốc dân. Do đó, những tấm lòng với văn chương phương Nam, dầu gì cũng thật sự đáng quý, đáng trân trọng, cần được ghi nhận công lao và tâm huyết.

Nhà văn Trần Bảo Định

1. Không chỉ ở lãnh vực sáng tác văn học mà ở lãnh vực nghiên cứu văn học cũng có những dấu hiệu khả quan cho việc tìm hiểu xác định vị trí và thành tựu văn học Nam Bộ. Một trong số những công trình về văn học Nam Bộ được ấn hành gần đây có công trình: “Văn học Nam Bộ 1945-1954” của tập thể nhà nghiên cứu: PGS.TS Võ Văn Nhơn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, ThS Lê Thụy Tường Vi, TS Phan Mạnh Hùng và TS Nguyễn Thị Phương Thúy, do nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2021. Tập thể tác giả thật sự cẩn trọng và có tinh thần khoa học đáng quý. Bởi, khi cầm trên tay công trình chuẩn mực này, bạn đọc dễ nhận ra ngay sự công phu và tâm huyết của tập thể tác giả. Sách màu sắc bìa thanh nhã, mục lục rõ ràng thuận tiện tra tìm và tài liệu tham khảo chỉn chu, tiệm cận quy chuẩn quốc tế, được các tác giả kê cứu cẩn thận đã tạo ấn tượng tốt đẹp nơi người đọc. Đặc biệt, việc phân chia giai đoạn văn học Nam Bộ 1945-1954 theo thể loại thật sự thuận tiện cho độc giả trường ốc; đồng thời kích hoạt sự đọc ở các bạn trẻ đang trên đường tìm tòi nghiên cứu văn học Nam Bộ.

Khởi sự nghiên cứu, có lẽ, chỉ vì một chữ “Thương”! Nhóm tác giả nghiên cứu với tấm chơn tình và lòng mong mỏi xác lập giá trị xứng đáng cho một giai đoạn văn học phức tạp đầy sóng gió, song cũng không ít mờ mịt gian khó trên đường truy tầm tài liệu cũng như khởi phát lập luận. Nói như vậy để thấy rằng, điều đáng ghi nhận hơn cả ở công trình này chính là tấm chơn tình và lòng thành với tiền nhân, với quê hương. “Do hoàn cảnh lịch sử mà văn học Nam bộ giai đoạn 1945-1954 suốt mấy mươi năm qua chưa được tìm hiểu một cách tương xứng và đánh giá một cách toàn diện thỏa đáng. Quyển sách này được biên soạn trong giới hạn khả năng của nhóm tác giả với mong muốn tái hiện bức tranh tổng thể của văn học Nam bộ 1945-1954 và hy vọng sẽ cung cấp thêm tư liệu cho những người quan tâm, muốn đi sâu tìm hiểu giai đoạn đặc biệt này của văn học Nam bộ” (tr.7). Do đó, tập thể tác giả chuyên khảo biết “thương”; vì thương nên xót xa cho một giai đoạn văn học đáng ra cần được bàn luận nhiều hơn, tìm hiểu thấu đáo hơn…

Điều đáng ghi nhận tiếp theo là nỗ lực và ý thức sâu sắc về sự phức tạp, “đặc biệt” của giai đoạn văn học này. Nhất là, những vấn đề lịch sử cho thấy nhóm tác giả rất chừng mực và thận trọng. Với tâm thế ấy, nhóm tác giả dấn bước vào địa hạt chữ nghĩa mịt mờ lẩn khuất, trở ngại về cả tư liệu lẫn những thám cứu xung quanh cần thiết. Trên hết, nhóm tác giả vẫn giữ lòng trong sáng – sự trong sáng của những con người muốn tìm kiếm và lưu giữ những giá trị quý giá của văn học dân tộc.

Dựa trên những cứu xét thận trọng, các tác giả của công trình này nêu cao tinh thần nhiệt huyết đấu tranh của người và đất Nam Bộ trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng của đất nước. “Vào những năm 1945, 1946 và cả những năm về sau nữa, tinh thần kháng chiến của người Nam bộ nói chung và của người Sài Gòn nói riêng rất cao. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, nhiều người đã bỏ “thành” ra “bưng” tham gia chiến đấu. Trong đó có thanh niên nam lẫn nữ, học sinh, sinh viên, thợ thuyền. Thậm chí có cả người tu hành bỏ luôn áo cà sa, tự nguyên vô khu để làm một cái gì có ích cho đất nước. Các văn nghệ sĩ trí thức cũng vậy, nhiều người đã rời bỏ thành phố hoa lệ để đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước” (tr.43-44). Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh đây là đặc trưng trước hết, nổi bật nhất của văn học giai đoạn này. Vượt qua những vấn đề thuần túy nghệ thuật, điều đáng ghi nhận ở văn học Nam Bộ giai đoạn này là tấm lòng với dân tộc khát khao Độc Lập và xứ sở không còn là xứ sở thuộc địa Pháp. Có lạ gì khi những người con của quê hương hết lòng yêu mến quê hương, đấu tranh cho độc lập của quê hương và chuyển tải những giá trị đó vào trang văn. Chẳng riêng gì người và đất Nam Bộ, bất cứ người Việt nào trong thời cuộc ấy không ý thức sâu sắc trách nhiệm với non sông thì đều coi như chưa xứng đáng với tiền nhân. Và, văn học nói riêng – văn hóa văn nghệ nói chung –  đã trở thành mặt trận tranh đấu sôi nổi, thể hiện tấm lòng trong sáng của người Nam Bộ. Đó cũng là truyền thống nhiều thế hệ từ buổi lưu dân vào Nam đến khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ – truyền thống “văn dĩ tải đạo” và xa hơn, là truyền thống yêu nước cùng truyền thống nhân nghĩa vốn có của văn học Việt Nam từ buổi dựng nền độc lập đến nay. Ngẫm nghĩ lại rõ ràng, văn học Nam Bộ – dù con non trẻ, chẳng phải luôn nằm ở dòng chủ lưu của văn học nước Việt đó sao! Nhận ra dòng chảy đó, trân quý giá trị đó, nhóm tác giả “Văn học Nam Bộ, 1945 – 1954” đã góp phần giữ gìn và phát huy thêm tinh thần học phong phương Nam, đề cao đạo đức, nhân bản đẹp đẽ của người Việt ở Nam Bộ dù thời gian vỏn vẹn chín năm và chín năm ấy, đích thực là vĩ sử thời gian của văn học Nam Bộ mà cho đến nay cho sáng tỏ.

Bàn về đặc điểm văn học Nam Bộ giai đoạn này, nhóm tác giả cho thấy nỗi khổ ưu trong việc khảo cứu đưa ra nhận định. Khối lượng tác phẩm, tác giả đồ sộ, phong phú, đa dạng lĩnh vực; bao trùm nhiều phương diện đời sống từ chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế sản xuất… Điều này, khẳng định góc nhìn rộng rãi bao quát mà tập thể tác giả hướng đến. Chính vậy, những cứu xét có tính chất chất kết liên “đồng đại” thuyết phục. Minh chứng xác thực tỉ mỉ. Đáng nói hơn, bạn đọc liệu có lờ mờ nhận ra dòng chảy âm thầm trên mảnh đất phù sa kinh rạch chằng chịt, cũng như những con nước nhỏ âm thầm tưới mát quê hương, dẫu rằng không lớn lao uy vũ nhưng bền bỉ và tràn đầy tin tưởng. Nhóm tác giả có thể còn bỏ ngõ chưa khai thác hoặc giả, dành phần cho bạn đọc xa gần chung tay nghĩ tiếp. Ấy là, vấn đề dòng chảy tư tưởng nhân sinh Nam Bộ. Dầu thế sự thăng trầm biến đổi, dường như vẫn có hằng số nào đó trong tâm tính con người Nam Bộ được chuyển tải và ghi dấu ấn trong trang văn. Dòng chảy tư tưởng ấy, dầu ở luồng văn học nào (ở bưng, ở thành, hay đứng ngoài cuộc) (tr.43-52) vẫn thể hiện tính chất hướng ngoại và dấn thân (như đã được trình bày trong công trình) (tr.52-63). Đồng thời có kết cấu tinh thần và tư tưởng vững chãi không gì lay chuyển được. Có lẽ, gọi là cá tính tâm hồn và dân gian tính đâm đà chăng! Vấn đề này, công trình còn bỏ ngõ, bạn đọc gần xa hẳn sẽ nghĩ và bàn luận tiếp!

Điểm qua những tên tuổi trước và sau 1945, nhóm tác giả nghiên cứu công trình đã làm bật được tính chất trẻ trung sôi nổi của văn học Nam Bộ. Công trình có nêu lại quan điểm cho rằng nếu sau bước ngoặt 1945, hoạt động văn hóa văn nghệ ở Bắc và Trung Việt có phần đình trệ thì không khí sáng tác tại miền Nam trở nên sôi nổi năng động hơn giai đoạn trước (tr.47-48). Nguyên nhân xuất phát từ việc bồi tụ hun đúc khuyến khích lực lượng sáng tác mới cho đời sống văn học miền Nam (tr.63). Việc này không ngừng mở rộng, bành trướng hoạt động văn học ở nhiều khu vực (bưng, thành) mà còn đa dạng hóa nội dung tư tưởng và chất lượng sáng tác. Nếu bạn đọc có dịp xem qua bài viết mang tính tổng kết “Nam kỳ văn học năm vừa qua” của Nguyễn Trần trên tập kỷ yếu Xuân Tây Đô của Hội khuyến học Cần Thơ xoay quanh hai ý hướng chủ đạo “tưởng nhớ người xưa” và “khuyến khích tuổi trẻ”[*]; thì tính chất tranh đấu, dấn thân, yêu nước, đề cao nhân nghĩa và trách nhiệm con người với quê hương dân tộc, tiếp nối di sản tiền nhân đã là tinh thần chủ đạo xuyên suốt ở Nam Kỳ từ trước 1945. Dòng chảy tư tưởng ấy vẫn bền bỉ chuyển dịch tấn tới. Việc này, có lẽ cũng góp phần lý giải vì sao từ 1945, trong khi ở Bắc và Trung hoạt động văn hóa văn nghệ có phần đình trệ thì ở Nam Bộ đời sống văn học bỗng trỗi dậy cơi mở thêm sức sống như được tiếp thêm sinh khí đâm chồi nảy lộc. Hoàn cảnh đất nước chống ngoại xâm: Nam Bộ kháng chiến, Toàn quốc kháng chiến càng thổi bùng tinh thần yêu nước thương nòi ở Nam Bộ. Dù trước hay sau 1945, cá tính và bản lĩnh tâm hồn người Nam Bộ trước áp bức bất công nô lệ vốn đã có từ buổi lọt lòng, là bản dạng tư tưởng của tộc Việt ở phương Nam.

2. Thơ ca Nam Bộ kháng chiến giai đoạn này được các nhà nghiên cứu làm rõ, đồng thời tô đậm đặc trưng đáng quý của thơ ca khu vực này. Sở dĩ nói vậy, bởi nhóm tác giả đã cho thấy nét riêng bên cạnh sự ảnh hưởng, tiếp nối từ thơ ca thời kháng chiến chống Pháp ở khu vực khác (như việc nhắc đến sự ảnh hưởng của Quang Dũng và Chính Hữu đối với thơ kháng chiến Nam Bộ). Thế nhưng, tinh thần lãng mạn cách mạng, sự thi vị hóa và ít nhiều mang dáng dấp Kinh Kha (tr.77) (kiểu Người ra đi đầu không ngoảnh lại) ở Nam Bộ đã biến thành tinh thần lạc quan, tin tưởng chiến thắng và chất hiện thức sống động. Đó là, cái nhìn trực diện vào thực tiễn của những tác giả như Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Ngọc Tấn, Xuân Miễn, Hoàng Tấn, …Nhóm tác giả nghiên cứu đã mang lại một trắc diện khác của thơ ca Nam Bộ giai đoạn 1945-1954. “Khuynh hướng trở về truyền thống mạnh mẽ nhiều khi đến cực đoan đã lấn át những tìm tòi mang tính chất hiện đại; phương châm phục vụ quần chúng là đúng đắn, song những suy nghĩ về vấn đề này còn đơn giản, sức khái quát tổng hợp còn yếu. Thế nhưng, nhìn chung thơ kháng chiến Nam bộ giai đoạn này vẫn là một tài sản đáng quý. Đó là những viên đá góp phần đặt nền móng cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam trong giai đoạn sau, cả về nội dung lẫn phương thức biểu hiện” (tr.86). Đúng như tinh thần “gạn đục khơi trong”, nhóm tác giả nghiên cứu tỏ ra thận trọng và cảm thông để đánh giá một cách khách quan thành tựu, đóng góp của thơ ca Nam Bộ giai đoạn này vào dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại. Điều này cho thấy tâm thế của người nghiên cứu, đứng vững trên cả hai lập trường: nghệ thuật và nhân sinh. Và khía cạnh nào cũng quan trọng, đáng quý, đáng ghi nhận.

Nhìn một lượt dòng chảy văn học Nam Bộ, nhóm tác giả nghiên cứu đã phát hiện tính chất tiên phong của vùng đất phương Nam. Chẳng phải như không mà mọi người vẫn nói “miền Nam đi trước về sau”! Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đời sống sinh hoạt văn chương Nam Kỳ đã tiên phong trên con đường hiện đại hóa văn học nước nhà. Đến giai đoạn 1945-1954, văn học Nam Bộ nói chung thơ ca kháng chiến Nam Bộ nói riêng lại có những bước đi tiên phong. “Trong những năm thơ ca miền Bắc phải cố gắng để làm quen và thích nghi với điều đó thì chưa bước sang thập niên 50 của thế kỷ 20, thơ ca Nam bộ nhanh chóng, một lần nữa lại đi tiên phong, chuyển hóa thành thơ ca kháng chiến và đạt được những thành tựu nhất định” (tr.115). Phải chăng, vùng đất này, là mũi tàu đưa con tàu đất nước tiến lên phía trước, hòa nhập vào quãng đường hiện đại và song hành, tiệm cận với từng vận hội nóng hổi của thời đại. Thơ ca kháng chiến Nam Bộ bám sát tình hình đất nước, kịp thời phản ánh và nhanh chóng chuyển mình phù hợp với biến động thời đại và quê hương. Vùng đất Nam Bộ ngày ấy, chưa tới ba trăm năm – rất trẻ trung sôi nổi, cũng như tràn đầy nhiệt huyết, nhạy bén với vận hội và cái mới. Chính vậy, đất Nam Bộ luôn nhiệt thành ở vị trí tiên phong, dũng cảm đứng đầu sóng ngọn gió khi lịch sử hoặc dòng chảy văn học gặp phải phong ba bão táp.

20220215

Bìa tập Văn học Nam Bộ 1945 – 1954

3. Phải chăng nhóm tác giả nghiên cứu công trình, ngoài đặc trưng của văn học kháng chiến còn nhắm đến bộc lộ chân phương thắm thiết cá tính con người Nam Bộ. Và, nếu như, đề cập đến đặc tính văn học kháng chiến giai đoạn này thông qua so sánh giai đoạn văn học trước đó (cũng như so sánh văn học ở Bắc và Trung Bộ) thì việc ấy chỉ đóng vai trò bệ đỡ cho việc thể hiện cá tính con người Nam Bộ trong văn học kháng chiến mà thôi (tr.128). Do đó, mục tiêu hướng đến (thậm chí có thể nói là mục tiêu cốt lỏi) chính là việc thể hiện đặc trưng tâm hồn Nam Bộ trong văn chương và thời đại. Đóng góp của công trình cũng chính ở ý hướng này. Bởi lẽ, nếu có tấm lòng nào tiếp nối có thể sử dụng công trình này như sự bổ sung giúp ích cho việc chắp nối một dòng chảy âm thầm mà bền bỉ của tình yêu nước và yếu tính văn hóa Nam Bộ nói riêng và văn hóa người Việt ở Đàng Trong nói chung. Công trình nghiên cứu của nhóm tác giả có thể là sự bổ khuyết rất hữu ích và cần thiết cho nỗ lực khai thông dòng chảy học phong văn chương phương Nam. Chợt nghĩ và thầm lặng mừng thay vẫn còn nhiều, rất nhiều tấm lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở trong sáng và nhiệt thành!

Về góc nhìn, hẳn nhiên xuất phát từ tâm thế và góc nhìn khác nhau, cùng với “tầm đón đợi” và “chân trời sự kiện” khác nhau, hẳn sẽ phát hiện ra sự vận động tiếp nhận văn học kháng chiến Nam Bộ thời kỳ 1945-1954 trổ ra những đặc thù khác nhau. Góc nhìn ngược lại không hẳn để khám phá đối tượng mà có thể dựa theo đó nhìn lại “chủ thể cái nhìn”. Vậy thì, với tầm đón đợi đương thời, với tâm thế của người tiếp nhận chuyên sâu, liệu ta có thể cởi bỏ cái nhìn ấy để thành thực nhìn nhận ký Nam Bộ (1945-1954) bằng chỗ đứng của người trong cuộc. Kẻ hậu sinh, khó có thể trực tiếp cảm nghiệm những gì tiền nhân đã trải qua. Do đó, không thể tránh khỏi sự “chênh phô” trong cảm nhận và thẩm bình. Phải chăng, hậu bối nên nhìn nhận ký như là ký báo chí (cũng như tác giả tập sách đã nhận xét) (tr.148-149). Khi nhìn nhận ký Nam Bộ 1945-1954 như là ký báo chí thì không thể cho rằng ký Nam Bộ thiếu tính chất khái quát, thiếu chiều sâu lý luận. Có lẽ, nên nhìn nhận ký Nam Bộ với sự chi phối của đặc trưng và đời sống sinh hoạt của báo chí Nam Bộ bấy giờ. Và, như vậy, mới thật sự công tâm trong cái nhìn về ký giai đoạn tuy ngắn ngủi thời gian mà dài thậm thượt bao sự sự kiện, hằng hà sa số điều muốn nói nhưng chưa thể nói!

4. Từ vấn đề góc nhìn đối với Ký kháng chiến Nam Bộ, thiết nghĩ cần bận tâm đến hệ quy chiếu khảo cứu. Và, khi khảo cứu khu vực văn học thuộc giai đoạn văn học nào đó, có lẽ nên nghĩ thêm đến hệ giá trị văn hóa vùng (thậm chí tiểu vùng văn hóa) làm đường hướng xác định thành tựu và đóng góp của đối tượng được khảo cứu. Khi xác lập dựa trên hệ giá trị văn hóa vùng, chợt bạn đọc sẽ nhận ra sự bất khả trong việc so sánh. Và, rốt cuộc, sự so sánh chỉ để nhằm làm chúng ta nhận ra rằng kỳ thực, không thể so sánh được. Rồi, cũng chỉ là để cho thấy sự chênh phô, trật vuột, khác biệt không thể chung kéo về một mối ngõ hòng so với sánh. Không so nhau được thì làm sao sánh và chẳng sánh cùng nhau, lấy gì so! Cho nên, giả tỷ sử dụng hệ quy chiếu văn chương khu vực văn hóa Bắc Bộ (tr.163) để đánh giá sự biểu hiện (dù ở nội dung hay hình thức nghệ thuật) ngõ hòng định vị văn chương khu vực văn hóa Nam Bộ, có lẽ trang viết sẽ khiến độc giả ít nhiều lấn cấn, ngờ ngợ! Và, khái niệm “tính hiện đại” hầu như chỉ là di chứng của quan niệm Âu tâm luận (Eurocentrism). Do đó, khái niệm “hiện đại” (tr.163) tỏ ra vẫn võ đoán từ trong gốc tủy. Trên thực tế, khái niệm hiện đại (lẫn tính hiện đại) mang bản chất như khế ước nhiều hơn là thực tiễn phổ quát. Vì vậy, lấy “biến số” làm “định số” hòng lập định “biến số” khác, độc giả có nguy cơ sa vào “tập bất định” của phương trình. Nhóm tác giả của công trình Văn học Nam Bộ 1945-1954 có lẽ đã nhận ra điều này, và rất thận trọng trong việc nhìn nhận sự vận động về phía hiện đại của văn học kháng chiến Nam Bộ nói chung và truyện ngắn Nam Bộ nói riêng, cũng như so sánh nhưng vẫn xem xét đối tượng trong chính hệ quy chiếu tự thân đối tượng. Điều ấy, chứng tỏ nhóm tác giả của công trình đã nghiêm túc và có trách nhiệm khi tham cứu nhiều góc nhìn trước đó, chiết trung, sàng lọc để nhắm đến nhìn nhận chân phương xác đáng nhất có thể.

Trường hợp truyện ngắn kháng chiến Nam Bộ, người khảo cứu thực sự có cái nhìn sâu sắc và chính xác. Ở chỗ đã nhận ra tâm tư chữ nghĩa của người cầm bút kỳ thực đặt ở nỗ lực kháng chiến, đấu tranh cho độc lập quê hương chứ không đặt trọng tâm ở kiến lập sự nghiệp văn chương. Từ trước đó, những tên tuổi có tiếng tăm trên văn đàn và chính trường như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, … thì trước tác không nhiều, thậm chí sơ sài. Thế nhưng, nếu nhìn nhận khái niệm văn bản rộng hơn, hay nhìn nhận diễn ngôn như là sống, bạn đọc hẳn phát hiện, nhân sĩ Nam Bộ thường viết như là sống và khi sống, – với đời, với người, với quê hương –  thì chẳng khác như là viết. Việc khảo cứu hẳn phải dựa trên “phần dư” hòng thuyết phục người đời. Nhưng, cũng nên hiểu thêm đặc trưng cá tính Nam Bộ trong việc trước tác. Họ quen nói và làm. Viết đối với họ tức là sống. Phải chăng, ở đây, nên hiểu cặn kẽ ý hướng “diễn” để lập “ngôn” của con người Nam Bộ để lấy đó là căn cớ luận xét sự trước tác của họ. Cho nên, nói văn chương chữ nghĩa Nam Bộ cạn cợt hoặc sơ sài ít ỏi… Có lẽ, hoặc là chưa hiểu thấu đáo; hoặc là sa vào nếp nghĩ định kiến hẹp hòi. Hiểu vậy, để thấy thêm rằng, những sáng tác truyện ngắn Nam Bộ dường như không thực sự chịu buộc và ràng bởi khuôn “chuẩn mực” thể loại. Ý thức thể loại đối với người cầm bút Nam Bộ nói chung hầu như không quá quan trọng. Vì, với họ, viết tức là sống! Cuộc sống vốn không có những quy thúc của nhà lý luận. Nhưng, liệu có phải vì sự “vượt rào” khỏi quy chuẩn mà chữ nghĩa Nam Bộ rơi vào ngọn lửa thời cuộc, hoặc bị “chê” do cái nhìn ngoại tại từ hệ quy chiếu khác(?). E có lẽ, mọi người (nhất là nhóm tác giả của công trình nghiên cứu) cho đến nay cũng dần nhận ra tình cảnh ép uổng chữ nghĩa Nam Bộ và mong muốn đánh giá lại một cách đúng mực giá trị văn chương khu vực này. Bởi vậy, nhóm tác giả của công trình này được người đọc đón nhận trong sự ngưỡng mộ và được đánh giá cao về tấm lòng chân thật đối với văn chương Nam Bộ giai đoạn 1945-1954, cũng như văn chương phương Nam nói chung.

5. Sau khi đọc và theo dõi từng mảng văn chương kháng chiến Nam Bộ (từ thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết), có lẽ độc giả cũng nhận ra hình như nhóm tác giả bám sát vào quy hệ thi pháp để luận bàn giá trị tác phẩm văn chương kháng chiến Nam Bộ, bám vào quy hệ lý luận cảm thụ dựa trên quan điểm tiếp nhận văn học (chẳng hạn vấn đề chân trời chờ đợi, tr.226), đồng thời dựa trên bối cảnh lịch sử để lý giải các khía cạnh tác phẩm (tr.198). Đây là, góc nhìn thường thấy trong nhiều công trình văn học sử. Công trình Văn học Nam bộ 1945-1954 cũng nằm trong lịch trình tiếp nhận văn chương nói chung. Nên chăng, ta có thể đa dạng góc nhìn từ lịch sử, văn hóa, xã hội, tư tưởng, … trong cái nhìn của nhà viết văn học sử. Mở rộng ánh mắt, biết đâu bạn đọc có thể phát hiện thêm ý nghĩa nào đó từ tiểu thuyết 2747 của Trần Vạn An, Con đường sáng (Làng nhỏ bên bờ Hàm Luông) của Lê Tâm, Cá bống mú của Đoàn Giỏi, … Đặc biệt Cá bống mú của Đoàn Giỏi đặt trong bối cảnh làng quê Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX hay nửa đầu thế kỷ XXI, vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là, việc tác giả hình tượng hóa cá bống mú là thần đào hang quậy phá lòng đất, xây “biệt thự sang trọng đồ sộ ngay mé sông” (tr.197), thiết nghĩ chẳng thua kém gì so với các tác phẩm thuần túy thực hiện nhiệm vụ lịch sử (và đã hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ ấy để bây giờ chỉ còn là ký ức văn học sử). Cách nhìn nhận ấy, có thể mở rộng chiều kích không gian, thời gian và tầng nghĩa của sáng tác văn chương Nam Bộ. Rồi nhận ra, sự cạn cợt hay sức khái quát còn hạn chế, là do lòng dạ còn hạn chế trong ánh mắt và góc nhìn. Đáng ghi nhận hơn nữa chính là công sức sưu tầm, khảo đính tỉ mỉ, dõi theo sinh mạng của từng tác phẩm, từng tạp chí (ví dụ như truyện vừa Con đường sáng của cây bút nữ Lê Tâm (Bến Tre)) (tr.195). Chẳng có chi ngần ngại, khi nói lời chân thành cảm ơn nhóm tác giả nghiên cứu đã làm được một việc thật đáng làm mà ba phần tư thế kỷ qua, người Nam Bộ hằng mong đợi.

Tấm lòng của những nhà nghiên cứu còn biểu hiện qua góc nhìn văn học giải trí. Rõ ràng, nhóm tác giả nghiên cứu đã đứng trên lập trường văn hóa và đạo đức dân tộc, bảo vệ tự do độc lập và sự phát triển giống nòi. Do dó, nhóm tác giả công trình nghiên cứu đã thẳng thắn phê phán biểu hiện nguy hại dần tiêm nhiễm đời sống tâm hồn con người (chủ yếu thị dân ở thành thị). Các tác phẩm như Cung đàn lỗi nhịp, Hồng và Cúc, Biết sống, Bên dòng sông Trẹm, Những ngày mưa gió (tr.217-218), … hầu như chỉ phản ánh đời sống tâm hồn con người một cách hạn chế. Nói như nhóm tác giả nghiên cứu trong công trình này, đó là “những nhân vật này luôn chỉ xoay trong mâu thuẫn ái tình, với các mối quan hệ tình cảm tay ba, tay tư, những hiểu lầm và hóa giải hiểu lầm quen thuộc” (tr.217). Tính chất nguy hại của những trang văn ấy, được các nhà nghiên cứu làm rõ. Đó là sự tiêm nhiễm của văn hóa độc hại Âu-Mỹ vào tâm hồn con người. “Sự nở rộ của loại văn học giải trí, đặc biệt là những tiểu thuyết giải trí diễm tình đã khiến nhiều người lo ngại. Những tác phẩm liệt kê ở trên đều là những tác phẩm nổi bật, có sự đầu tư nhất định về nội dung và nghệ thuật, nhưng rất nhiều tác phẩm diễm tình khác rất sáo rỗng, chủ yếu là những lời văn mơ mộng sướt mướt với cốt truyện đơn giản cũ mòn […]. Nhiều người tin rằng đây là một trong những biểu hiện rất sớm của Mỹ trong việc âm mưu tấn công nước ta về mặt văn hóa, mượn ái tình, tình dục, thuốc phiện để nhấm chìm ý chí chiến đấu chống ngoại xâm của người Việt, vì vậy mới dấy lên phong trào chống văn hóa đồi trụy mạnh mẽ, với những tuyên ngôn đanh thép trên khắp các mặt báo Sài Gòn bấy giờ” (tr.220-221). Sở dĩ, bạn đọc nên chú ý vào luận điểm này của nhóm tác giả nghiên cứu, bởi chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại “văn học giải trí”/ “văn hóa giải trí”/ “văn hóa đại chúng”, nói rộng ra chính là toàn bộ đời sống văn hóa truyền thông hiện nay. Chẳng phải đời sống bây giờ đầy rẫy những tác phẩm văn chương giải trí hầu như chỉ quanh quẩn ở chuyện ngôn tình, tình ái đô thị; cho tới điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… rốt cuộc chỉ rao rả những chuyện yêu đương vô vọng đau đớn khổ lụy, … Cớ gì đời sống xã hội Nam Bộ giai đoạn 1945-1954 “dung túng” cho những tác phẩm tiểu thuyết đô thị Nam Bộ tràn lan vào lòng dân, và cớ gì đời sống đương thời “làm ngơ” cho những tác phẩm dễ giải, rẻ rúng đầu độc tâm hồn thanh niên đương thời! Còn lương tri, hẳn ai cũng bận tâm nghĩ ngợi. Nhìn lại để nhìn tới và có lẽ ít nhiều nhận ra, thực trạng đáng báo động của những vấn đề tình ái mục ruỗng vô nghĩa, nhìn thấy đời sống tâm hồn đổ nát hoang tàn của thời đại mà văn hóa dân tộc bị xem nhẹ khiến cho văn hóa ngoại lai từng bước diễn tiến “xâm lược mềm” sát hại văn hóa dân tộc, đục khoét ý chí giống nòi. Bởi, văn hóa dân tộc mai một (trong đó có văn học nghệ thuật) thì nền tảng nhân sinh, đạo đức, thẩm mỹ của dân tộc, há có thể tồn tại sao? Luận điểm nhóm tác giả nghiên cứu nhiệt tâm đề đặt, ấy là sự nhắc nhớ đối với người hôm nay, cả đối với người mai sau… Những ai thực sự còn bận tâm gìn giữ hồn cốt văn hóa quê nhà nước Việt!.

6. Với loại hình sân khấu kịch và văn học kịch, nhóm tác giả nghiên cứu hình như chú trọng nhiều hơn ở mối quan hệ tương tác giữa tác phẩm và công chúng. Việc đánh giá đời sống và giá trị thẩm mỹ nghệ thuật của tác phẩm kịch đều dựa trên định hướng sáng tác của tác giả và ảnh hưởng của tác phẩm đến công chúng. Hay nói khác đi, hoạt động sân khấu kịch và kịch văn học hầu như đều hướng đến người tiếp nhận. Phải chăng đây là biểu hiện cho thấy đặc trưng của văn nghệ Nam bộ nói chung – “văn học xem trọng công chúng, đặc biệt là công chúng bình dân” (tr.217) – khởi đi từ dân gian và hướng đến hòa mình vào dân gian. Hơn nữa, theo sự phản ánh của nhóm tác giả nghiên cứu, bạn đọc có thể nhận ra kịch ở vùng kháng chiến thực chất là sự nối dài và phát triển của sinh hoạt diễn xướng dân gian Nam Bộ. “Kịch ở vùng chiến khu tuy thiếu điều kiện kinh tế nhưng lại thừa nhiệt tình tập thể đã sản sinh ra nhiều tác phẩm sáng tác nhanh, diễn xuất gọn, phản ánh kịp thời đời sống kháng chiến và cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân Nam bộ” (tr.233). Chẳng cần gì điều kiện dàn dựng cầu kỳ, người nghệ sĩ và người xem đều sống trọn vẹn cùng vở kịch. Tâm hồn và sức tưởng tượng sống động của người bình dân chính là sân khấu cảnh trí và phục sức cho vở diễn đi đến thành công. Bằng chứng là sự phát triển hình thức kịch lửa trại/kịch ứng diễn (kịch cương) (tr.234) và “kịch sáng tác tập thể” (tr.235). Đây là, đặc trưng đáng chú ý mà nhóm tác giả nghiên cứu đã làm rõ; để từ đó, lý giải vì sao kịch hát và kịch nói phát triển hơn so với kịch thơ ở Nam Bộ. Phải chăng kịch hay nghệ thuật sấn khấu ở Nam Bộ nói chung, vốn có truyền thống hướng đến đối tượng công chúng bình dân (nói rõ là những người nông dân nghèo khổ lam lũ. phần đông bị mù chữ) khác với sân khấu ở Bắc Bộ vừa phục vụ công chúng bình dân lẫn đối tượng khán giả trí thức. Đồng thời, đây cũng là gợi ý thú vị cho những ai quan tâm sau nữa, bỏ công sức làm rõ thêm mối quan hệ giữa các hình thức kịch ở chiến khu và đời sống diễn xướng dân gian Nam Bộ.

Phải chăng, với góc nhìn và tâm thế như vậy, nhóm tác giả tập sách đã thẳng thẳn phê phán một số quan niệm cực đoan một thời với kịch và sân khấu Nam Bộ nói chung. “Do trình độ hạn chế, nhận thức phần nào ấu trĩ tả khuynh của một số chính quyền địa phương và cơ sở cách mạng mà một số loại hình kịch hát dân tộc trong đó có tuồng và cải lương phải chịu đựng những quan điểm lệch lạc và quyết định sai lầm. Phong Lê, Vũ Tuấn Anh và Vũ Đức Phức (1986) ghi lại những ý kiến trong Hội nghị tranh luận về sân khấu tại Việt Bắc (1950) phê phán các loại hình sân khấu truyền thống, đặc biệt là kịch liệt lên án cải lương, cho rằng cải lương “là sản phẩm của giai cấp tư sản Việt Nam lúc mới lên, nhưng nó cũng chóng trở thành công cụ của tầng lớp tư sản mại bản” (tr.65) và “là một nghệ thuật quái gỡ, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại để giải trí cho một lớp người cuồng vọng […] là sản phẩm của thời đại đen tối nhất của dân tộc ta”” (tr.231-232). Sự thẳng thắn của nhóm tác giả nghiên cứu trong công trình Văn học Nam bộ 1945-1954 khi đối diện với quá khứ, biểu hiện quá trình vận động của nhận thức thời đại. Và, liệu bạn đọc có nhận ra, ý thức thời đại lúc này lúc khác, nhưng bất cứ gì phục vụ và hướng đến lợi ích phát triển của nhân dân, của dân tộc thì đều vượt qua hết những thị phi bàn luận lùm xùm nông nỗi. Có khi, ấy là những thị phi tất yếu, những đàm tiếu cần thiết có, để thực hiện chức năng nào đó giữa bốn bề vận hội. Và, nhiều khi, phải chấp nhận những thị phi cũng như thẳng thẳn lắng nghe điều thị phi.

Trải qua thăng trầm biến đổi, văn học nghệ thuật cũng như văn hóa tư tưởng, chẳng phải đều là phương trình vận động giữa hai biến số thời đại và nhân tâm đó sao!

Có thể, ta thấy tiếc nhưng đồng thời, ta thấy thương và biết thương!

7. Trong lãnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ giai đoạn 1945-1954, nhóm tác giả nghiên cứu đã chân thành và cẩn thận thừa nhận hiện trạng khó khăn trong việc sưu tầm tài liệu khảo cứu. Sự chân thành này, khiến nhóm tác giả nghiên cứu thận trọng trong việc đánh giá nhận định, cũng như kêu gọi sự đồng cảm chia sẻ cùng độc giả. Chính vậy, bạn đọc thấu hiểu những khó khăn trong việc nghiên cứu khảo cứu, hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Nam Bộ 1945-1954. Và, có lẽ vậy, như chính nhà nghiên cứu cũng thừa nhận, những ý kiến đánh giá chỉ mang tính tương đối, chủ quan, chưa bao quát toàn diện. Lưu ý này của nhóm tác giả nghiên cứu nhắc nhở bạn đọc nên giữ tâm trong sáng khi tiếp nhận các nhận định đánh giá. Chẳng hạn, ý kiến cho rằng “với những điều kiện hạn chế (về người viết, về thực tế sáng tác, về công chúng và phương tiện công bố), phê bình văn học kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ còn rất thô sơ, mộc mạc. Quan niệm văn chương là phương tiện đấu tranh đôi khi được hiểu một cách cụ thể, thô thiển, cực đoan. […]. Tính thực tiễn và tính thời sự lấn át tính khoa học và tính nghệ thuật, điều mà phê bình ở đô thị Nam Bộ còn ít nhiều lưu giữ được” (tr.294). Hình như chẳng phải lấn át mà, tính thực tiễn và tính thời sự là ưu tiên (thậm chí mang tính định hướng). Do đó, phải xem xét tình hình nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Nam Bộ giai đoạn này trong những ràng buộc bao vây, người cầm bút khó có thể tiến xa trên đường luận lý văn học. Nói về những điều kiện hạn chế, một khi đã thừa nhận là những hạn chế điều kiện thế thì không thể xuất phát từ tâm thế người nghiên cứu lý luận chuyên sâu của thời bây giờ để đánh giá hạn chế. Mà, có lẽ, nên đánh giá vai trò chức năng của hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình văn học trong bức tranh toàn cảnh văn học bấy giờ. Còn xét trên dòng lịch đại, thông thường người đương thời luôn nhận ra những hạn chế trong quá khứ, đó cũng là cơ chế và động lực cho thời đại vận động đi tới, cho hoạt động ở lĩnh vực đó ngày càng tiến xa hơn. Có lạ gì nếu hậu thế nhận ra hạn chế của tiền nhân. Cái đáng nói, là nhận ra để xoay trục nhìn nhận người đương thời và theo đó gìn giữ những giá trị cốt lỏi, bồi bổ phát triển những thành tựu đã có và bổ khuyết những vấn đề còn tồn đọng. Nếu, được vậy, thì sự khảo cứu nghiên cứu lý luận phê bình văn học Nam Bộ 1945-1954, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa tư liệu mà còn có ý nghĩa thực tiễn cho thời đại bây giờ; đồng thời đánh động nhận thức trách nhiệm của nhà nghiên cứu lý luận phê bình hôm nay. Để hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình văn học không chỉ là khối u trên cơ thể chữ nghĩa mà còn, là bộ phận hiệp thành lương tri, tâm và tính của sinh hoạt văn chương.

***

Bàn chuyện xưa để làm bài thuốc chữa trị cho căn bệnh hôm nay!

Giữ lấy tâm trong sáng dành cho quê hương giữa bồn bề điên đảo “truyền” mà chẳng “thông”, nhà nghiên cứu văn học nói riêng, người trí thức nói chung, rằng liệu có nhận chân “bản mệnh” gìn giữ lương tri và văn hóa dân tộc Việt trên vùng đất Nam Bộ hay không!

Văn học Nam Bộ, 1945 – 1954 của nhóm tác giả PGS.TS Võ Văn Nhơn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, ThS Lê Thụy Tường Vi, TS Phan Mạnh Hùng và TS Nguyễn Thị Phương Thúy đã khởi động chuyến tàu khởi hành đầy thú vị đến ga Nam Bộ.

Một chân trời xán lạn về nghiên cứu Văn học Nam Bộ sẽ hình thành và lố dạng nay mai, tôi tin! Vậy, bạn là người thích tìm hiểu, nghiền ngẫm Văn học Nam Bộ thì chần chờ gì, không mua vé lên tàu!

Trần Bảo Định

Nguồn: Hội nhà văn, ngày 13.02.2022.

______________________

[*] Nguyễn Trần (1944), Nam kỳ văn học năm vừa qua, Tập kỷ yếu Xuân Tây Đô, Hội Khuyến học Cần Thơ, Nhà in Xưa Nay, Saigon, tr.33

Thông tin truy cập

60842693
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2472
13943
60842693

Thành viên trực tuyến

Đang có 353 khách và không thành viên đang online

Danh mục website