Tinh thần nơi chốn trong tiểu thuyết Kawabata

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Tinh thần nơi chốn trong tiểu thuyết Kawabata

 

Nguyễn Phương Khánh

TS., Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

TÓM TẮT

Triết gia người Đức Martin Heidegger, người có ảnh hưởng rất lớn đến các trào lưu triết học chủ đạo hiện nay như hiện tượng học, hiện sinh luận và giải kiến trúc, đã trình bày khá nhiều quan niệm liên quan đến lý thuyết về nơi chốn, về sau còn tạo nên xu hướng trong thiết kế kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc đô thị. “Tinh thần nơi chốn” trong hiện tượng học của Heidegger là một lý thuyết khá trừu tượng, bởi nó đặt con người trong nơi chốn với sự tương tác giữa bản thể bên trong và thế giới bên ngoài. Nơi chốn không chỉ là nơi chốn, đó là môi trường khẳng định, xác nhận sự tồn tại, hiện hữu một cách duy nhất của con người. Nơi chốn bao gồm sự gắn kết của tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, nơi chốn bao gồm cả tinh thần nơi chốn, tính cá biệt, tính ổn định, cảm giác của nơi chốn. Thậm chí nó còn đưa đến các khái niệm như bản sắc của nơi chốn, tình trạng không nơi chốn, tức cái chết của nơi chốn…

Tiểu thuyết của Kawabata Yasunari có thể nói là bức tranh của không gian và con người Nhật Bản thuần khiết. Ở một góc độ nào đó, tác phẩm của ông chính là “bản lai diện mục” cho chân dung văn hoá Nhật. Các sáng tác của “người nghệ sỹ ưu sầu lang thang đi tìm cái đẹp” đậm tính không gian, khắc hoạ những cảnh sắc đặc trưng của xứ sở hoa anh đào như khung cảnh cố đô với chùa chiền, vườn cảnh, rừng thông, núi non, hoặc xứ tuyết hoang sơ bốn mùa thay lá… Cảnh quan dưới con mắt của Kawabata mang trái tim aware, và là nơi để con người khám phá chính mình. Hành trình của các nhân vật (nhân vật chính trong truyện của Kawabata hầu như không ở yên một chỗ cố định) gần như không để thực hiện các công việc cụ thể, mà thật sự là một cuộc tìm kiếm nơi chốn, để chữa lành, để hiện hữu.

Bài viết muốn đọc lại tác phẩm của Kawabata dưới lý thuyết nơi chốn của hiện tượng học kiến trúc để một lần nữa làm rõ hơn cái nhìn của Kawabata về cảnh sắc Nhật Bản, theo cách của tinh thần Đông phương, mỹ học Nhật Bản, như chính ông đã viết trong lời diễn từ nhận giải Nobel - “Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản”.

Từ khóa: lý thuyết nơi chốn, kiến trúc, mỹ học, aware

Danh mục website