Từ Thủy nguyệt đến Bệnh trăng rằm: Tính nữ hay là nguyệt tính

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"

Từ Thủy nguyệt đến Bệnh trăng rằm: Tính nữ hay là nguyệt tính

Nguyễn Đỗ An Nhiên

ThS., Đại học Meio, Okinawa, Nhật Bản

 

TÓM TẮT

Thủy nguyệt (『水月』 Suigetsu) được công bố vào năm 1953, trên tạp chí văn Bungei Shunju, còn Bệnh trăng rằm (『名月の病』Meigetsu no yamai) được đăng trên báo Miyako Shimbun, năm 1926. Truyện ngắn Thủy nguyệt nổi tiếng, luôn được nhắc đến như một tác phẩm tiêu biểu của Kawabata Yasunari. Ở Việt Nam, Thủy nguyệt đã được dịch sang tiếng Việt và đưa vào sách giáo khoa môn Văn cấp phổ thông trung học tại Việt Nam như một bài đọc thêm trong một thời gian dài. Còn Bệnh trăng rằm là một truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata ít được biết đến ở cả Nhật Bản lẫn Việt Nam. Hay nói đúng hơn, Bệnh trăng rằm mới được một thành viên Học hội Kawabata Yasunari Nhật Bản, tiến sĩ Fukasawa Harumi, khai quật vào khoảng năm 2015 và được giới thiệu trở lại trên tạp chí Shincho vào tháng 4 năm 2018.

Bệnh trăng rằm không được đưa vào toàn tập lẫn tuyển tập các tác phẩm Kawabata trong quá khứ nhưng theo đánh giá của Fukasawa Harumi, đây là một trong những tác phẩm quý, thể hiện sống động tính văn học thanh tân và tư chất của tác giả Kawabata Yasunari giai đoạn đầu sáng tác.

Thông qua tham luận lần này, tôi muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam tác phẩm mới được khai quật này. Bên cạnh đó, thông qua "Từ Thủy nguyệt đến Bệnh trăng rằm", người viết bài muốn đề cập lại một vấn đề có thể đã được nhiều người đề cập nhưng vẫn có thể phát triển, có thêm phát hiện mới, đó là "tính nữ" hay là "nguyệt tính" trong tác phẩm của Kawabata Yasunari.

Từ khóa: Thủy nguyệt, Bệnh trăng rằm, truyện ngắn trong lòng bàn tay, nữ tính, nguyệt tính

Danh mục website