Góp chuyện đầu xuân

Năm Tân Mão này, tôi vừa tròn lục thập hoa giáp. Khác với tết cổ truyền những năm trước, tôi quyết định xuất hành đầu xuân từ sớm mồng hai. Đi xa hơn lệ thường. Nơi đến đầu tiên là thành phố Bảo Lộc, cách Đà Lạt nơi tôi sinh sống chừng 100 km2. Chẳng là ở đó có một gia đình hiếu học nổi tiếng địa phương, con cái đều nuôi chí học hành, đến mức khá chểnh mảng với chuyện gia thất. Trong số sáu người con lấy bằng Cao học thì tới ba chị em gái đi theo nghề dạy văn là Bảo Thúy, Bảo Trâm, Bảo Thu, và, thật vinh dự, đều chọn làm luận văn Thạc sỹ Văn học với tôi. Cuộc gặp gỡ, thăm hỏi đầu năm thật thân tình và ấm áp nghĩa thầy trò. Điểm đến sau đó là Lộc Thắng, trung tâm của huyện mới Bảo Lâm, nơi tôi có người bạn văn hết sức đặc biệt là nhà thơ Vũ Phán. Vợ anh học cùng đại học với tôi khóa 1968-1972. Vốn ưa yên tĩnh và thích xê dịch, anh chị mới chuyển từ Hà Nội vào Cao nguyên Di Linh chừng hơn một năm nay. Không ai dám chắc đây sẽ là chỗ đậu cuối cùng của cặp vợ chồng quen phiêu du này. Tôi vừa bảo anh là một bạn văn hết sức đặc biệt. Bởi nhiều lẽ. Trước hết, thơ anh hay, hay một cách lạ lùng, theo kiểu riêng, nhất là so với mặt bằng thi ca chung, nhưng thú thật lại rất kén độc giả. Thêm vào đó, và nguyên do này mới quyết định, là từ lâu rồi, ngay từ thời trai tráng, anh đã coi việc làm thơ là sứ mệnh thiêng liêng của đời mình. Vậy nên, ngay từ đầu năm, như mỹ tục tồn tại từ hàng ngàn năm nay trong giới chữ nghĩa ở xứ ta, anh không quên khai bút đầu xuân. Bài thơ nặng về suy tưởng, có cái kết thật gợi: trước sự vần vũ, nổi trôi của sự đời, phận người thì biết Tin ai đây? Câu trả lời với anh thật dứt khoát: Tin vào thời gian!

 Nhà thơ Vũ Phán trân trọng chép tặng tôi đứa con tinh thần mới sinh hạ, coi như món quà đầy ý nghĩa ngày xuân. Suốt chặng đường trở về Đà Lạt, ý tưởng của bài thơ cứ lay động tâm tưởng tôi hoài. Anh tin - như bao người khác đều tin: thời gian mầu nhiệm sẽ hóa giải tất cả. Bao sự lớn nhỏ ở đời, dầu quanh co, úp mở đến đâu thì cuối cùng, bằng sự kiểm nghiệm nghiệt ngã mà công minh của năm tháng, sẽ lồ lộ ra hết cả. Chẳng thể lừa dối nổi ai! Hầu như không có ngoại biệt. Tuy nhiên, Vũ Phán khi viết hình như hơi nghiêng về sự giả định ở thì vị lai. Riêng tôi lại nghĩ nhiều tới thì quá vãng. Nói một cách khác, để có thể tin tưởng vào ngày mai chưa đến thì hãy bám chắc vào những bài học của lịch sử, tức những gì được sáng tỏ qua sự sàng lọc khốc liệt, không nhân nhượng của thời gian… Thế là tôi quyết định mang theo tâm thế ấy đến với cuộc tranh luận văn chương mới được khai mở từ cuối năm Canh Dần chung quanh việc viết về đề tài lịch sử như thế nào qua trường hợp truyện ngắn Dị hương [6] của Sương Nguyệt Minh. Cũng xin được bày tỏ ngay, ở đây, điểm tựa của tôi trong quá khứ - kết tinh chính là ý kiến của văn hào Nga L. Tolstoi (1828 - 1910). Chẳng là năm 2010 vừa rồi, cả nhân loại tiến bộ trong đó có nước ta đã long trọng kỷ niệm tròn 100 năm ngày qua đời của ông.

Cho tới giờ, tôi mới được đọc hai bài viết khá ngay ngắn, nghĩa là có bài bản, lớp lang về Dị hương, một của nhà thơ Trần Mạnh Hảo mang tiêu đề “Dị hương”: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế? (trannhuong.com; Nguoibanduong.net), và một của nhà nghiên cứu Trần Đình Thu mang tên “Dị hương” không giống “Kiếm sắc” nhưng… (trannhuong.com). Xin có đôi lời trao đổi với Trần Đình Thu trước, bởi anh gần như tán đồng hoàn toàn với quan niệm chính yếu của Trần Mạnh Hảo trong việc khẳng định tác giả Dị hương hạ thấp nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh khi viết rằng: “Nguyễn Ánh trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh hiện lên thật tệ hại. Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo viết… như sau: “Dị hương mô tả Nguyễn Ánh là một hôn quân dâm tặc, suốt ngày chỉ mê đắm chuyện phòng the, kinh tởm hơn Lê Ngọa Triều ngày xưa trong chuyện hoang dâm vô độ”. 

Trước hết, có thể thấy anh Trần Đình Thu hình như tự mâu thuẫn trong tư duy. Bởi, ngay từ đầu bài viết, anh đã quả quyết: “Cái giống nhau (giữa Dị hươngKiếm sắc) có chăng là cùng viết về đề tài Nguyễn Ánh. Nhưng trong khi Nguyễn Huy Thiệp viết về một Nguyễn Ánh chính trị thì Sương Nguyệt Minh viết về đời sống tình ái của ông, ẩn dưới một câu chuyện huyền hoặc…” - Những chỗ in nghiêng là do tôi chủ ý nhấn mạnh. Nói tới “một Nguyễn Ánh chính trị” thì có thể đòi hỏi cao ở con người lịch sử qua sự soi sáng của tư tưởng lịch sử; còn với “đời sống tình ái” của Nguyễn Ánh thì tính lịch sử (nhân vật và tư tưởng) nếu có cũng không thể là điều chính yếu được! Đấy là chưa nói, Dị hương lại được chính anh coi là một tác phẩm văn chương hoàn toàn hư cấu “ẩn dưới một câu chuyện huyền hoặc…”. và

Thêm nữa, xem ra ở đây Trần Đình Thu có phần nhầm lẫn giữa tư tưởng văn chương với tư tưởng sử học khi chú tâm nhấn mạnh: “Điều tôi muốn nói không phải là chất lượng của tác phẩm, mà là tư tưởng của nhà văn – PQT lưu ý”. Tôi không nghĩ tư tưởng cao thấp của nhà văn lại không thuộc về “chất lượng” của một tác phẩm, lại càng không nghĩ nó có thể tách rời cấu trúc nghệ thuật cụ thể, riêng biệt, độc đáo của tác phẩm. Vì, như văn hào L. Tolstoi từng yêu cầu: “Cần có những người chỉ ra được sự vô lý của việc đề xuất những tư tưởng rời rạc trong tác phẩm nghệ thuật và thường xuyên hướng dẫn độc giả trong cái mê lộ bất tận của những mối liên kết, nơi tựu thành bản chất của nghệ thuật và theo những quy luật vốn là nền tảng của những mối liên hệ ấy” [1, tr.31]. Mà tư tưởng của truyện ngắn Dị hương thì chẳng có gì là khó cảm nhận cả. Đó là mối quan hệ giữa vẻ đẹp với cường quyền và bạo lực. Mùi hương sẽ biến mất, người đẹp sẽ chỉ còn là cái xác khô cứng, vô hồn nếu một thế lực nào đó chỉ muốn chiếm đoạt nó bằng mọi giá, không cần hiểu và không biết cách trân trọng, nâng niu nó. Chỉ cần đọc đoạn mở đầu của truyện ngắn Dị hương cũng đã gợi mở điều đó:

“Nhợt nhạt. Khô xác. Và thất sắc.

Nằm đườn đưỡn tựa hồ cái xác vô hồn. Dị hương sang trọng quý phái thanh tao biến mất. Yểu điệu dịu dàng chỉ còn trong hình cũ bóng xưa. Không còn là mỹ nhân thanh mai trúc mã thuở nào. Chẳng còn ngọc ngà sắc nước hương trời ngày trước. Cứ mỗi lần ân ái xong là Đức phi tam cung Ngọc Bình như con cá ươn nằm trên thớt. Hết sạch hứng thú, lòng lạnh nguội, Nguyễn Ánh chỉ muốn đạp Đức phi ra khỏi long sàng. Đã đôi lần Ánh tức giận và chán chường, muốn gọi thái giám đem nàng đang khỏa thân héo rũ giam vào lãnh cung. Cái gì đã làm cho nàng tàn tạ, ươn lạnh?” [6, tr.197].

 

Từ đó, cả đoạn dài Trần Đình Thu dẫn ý kiến các nhà sử học Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc trong cái nhìn mới mẻ về vai trò của chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong bài viết, theo tôi, là không còn cần thiết nữa. Vả lại, tôi không bao giờ tin sức mạnh quyết định trong lịch sử lại thuộc về một triều đại hay một dòng tộc cả. Đó phải là sức mạnh “chở thuyền và lật thuyền” (ý của Nguyễn Trãi) của chính nhân dân lao động. Cụ thể: công thống nhất và mở mang bờ cõi của đất nước trong suốt mấy trăm năm có đóng góp quan trọng của chúa Nguyễn và triều Nguyễn, nhưng nhân tố quyết định là ở bao công sức và máu xương đã đổ ra của nhiều thế hệ người dân miền Nam cần cù, trung dũng, luôn sẵn lòng hy sinh tất cả vì Tổ quốc thiêng liêng. Không hiểu được lẽ đương nhiên này không thể nói là đã thật sự đổi mới trong tư duy sử học.

Ngoài ra, tôi cũng không nghĩ như anh Trần Đình Thu là “Nguyễn Huy Thiệp không hề có chút phỉ báng vua Gia Long…”. Xin hãy đọc đoạn sau trong Kiếm sắc: “Ánh là người đa mưu túc kế, tính kiên trì, không tin ai, dùng người lấy chữ hiệp, chữ lễ làm trọng, không coi nhân, nghĩa, trí, tín ra gì… Người Đàng trong sợ Ánh hơn là thích Ánh” [2, tr.159]. Một nhân vật lịch sử lại là vị vua khởi nghiệp của một vương triều hiện lên như vậy sao có thể bảo là không “phỉ báng” cho được. Vậy là, từ tất cả những gì đã trình bày ở trên, tôi không thể tán đồng với kết luận của nhà nghiên cứu Trần Đình Thu: “Với Dị hương, Sương Nguyệt Minh dù viết sau Nguyễn Huy Thiệp đến hai mươi năm nhưng lại có cách nhìn “cũ” hơn Nguyễn Huy Thiệp”.

Bây giờ, tôi xin được phép hầu chuyện nhiều hơn với nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Mục đích dụng bút của anh Hảo được tỏ bày rất tập trung và rõ ràng: “Chúng tôi viết bài báo nhỏ này không nhằm phê bình cả tập truyện “Dị hương” của tác giả, mà cốt thông qua truyện ngắn “Dị hương” nhằm phê phán thái độ bôi bẩn lịch sử một cách vô lối của tác giả”. “Sự bôi bẩn” mà anh muốn nói tới lộ rõ ở tiêu đề bài viết “Dị hương”: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế? Như đã nói ở trên, Dị hương của Sương Nguyệt Minh chỉ nhằm thông qua nhân vật lịch sử là Nguyễn Ánh để bộc lộ ý tưởng văn chương về con người đời thường nên có lẽ sự quy kết như vậy là có phần không trúng. Còn nếu cứ khư khư cho rằng, dù thế nào, ở đây cũng phải coi nhân vật lịch sử - Nguyễn Ánh là “nguyên mẫu” thì tôi xin đưa ra ý kiến của văn hào L. Tolstoi để cùng suy ngẫm. Nhớ lại, vào năm 1868, khi bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình được công bố, L. Tolstoi đã quyết định viết đôi lời tâm sự với bạn đọc, “coi như lời tựa” của cuốn sách, nhằm “trình bày quan điểm của mình” vốn không thể bày tỏ rõ ràng qua tác phẩm, tập trung ở 6 điểm chính. Tôi đặc biệt lưu tâm tới điểm thứ 5, ông trực tiếp phát biểu quan niệm của bản thân về sự khác biệt giữa lịch sử và tiểu thuyết viết về lịch sử. Nhà văn cho rằng: “Nhiệm vụ của nhà sử học và nhà nghệ sỹ là hoàn toàn khác nhau, và sự không ăn khớp giữa tôi và nhà sử học trong việc miêu tả các biến cố và các nhân vật sẽ không làm cho ai ngạc nhiên” [3, tr.319]. Một khẳng quyết tưởng không gì lay chuyển nổi! Bởi nó dựa trên kinh nghiệm sáng tạo dồi dào hầu như đã được sự chứng nghiệm hoàn toàn của thời gian. Có thể thấy sự khác biệt đó trong miêu tả các biến cố lịch sử, ở chỗ “nhà sử học làm việc với kết quả của các sự kiện, còn nhà nghệ sỹ thì với bản thân các sự kiện đó”  [3, tr.315]. Nhưng cái chính là sự khác biệt trong xây dựng nhân vật lịch sử. L. Tolstoi viết: “Trong khi miêu tả một thời đại lịch sử, nhà sử học và nhà nghệ sỹ có hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Nhà sử học sẽ không đúng, nếu định trình bày một nhân vật lịch sử trong toàn bộ sự toàn vẹn của anh ta, trong toàn bộ tính phức tạp của các mối quan hệ với các mặt của cuộc sống. Cũng vậy, nhà nghệ sỹ sẽ không thực hiện được công việc của mình nếu chỉ trình bày nhân vật trong ý nghĩa lịch sử của anh ta”. Điều này được ông nhấn mạnh thêm ngay sau đó: “Đối với một nhà sử học đang đối diện trước một mục đích nào đó, theo nghĩa tương trợ, thì tồn tại các anh hùng; còn với các nghệ sỹ, theo nghĩa tương hợp của nhân vật với mọi khía cạnh của đời sống không thể và được có các anh hùng, mà phải là những con người – PQT lưu ý”. Rồi cảm thấy trình bày như vậy dường như vẫn chưa đủ, ông viết tiếp: “Trong khi bẻ cong chân lý, nhà sử học đôi lúc buộc phải dồn tất cả các hành động của nhân vật lịch sử vào một tư tưởng duy nhất, mà ông ta định đặt vào nhân vật. Trái lại trong chính tính đơn nhất của tư tưởng ấy, nhà nghệ sỹ lại nhìn thấy sự không thích hợp với nhiệm vụ của anh ta và cố gắng chỉ hiểu và biểu hiện một con người, chứ không phải một nhà hoạt động nổi tiếng – PQT nhấn mạnh” [3, tr.314]. Tôi nghĩ, mọi chuyện như vậy xem ra đã quá rõ ràng!

               Về động cơ cầm bút, anh Hảo cũng không hề có ý định úp mở - như bản tính thường bộc lộ ở anh, ấy là vì: “Truyện ngắn “Dị hương” (là điểm nhấn quan trọng để cả tập truyện được giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam) của Sương Nguyệt Minh  Hội Nhà văn khen đồng thời có nhiều báo lề phải ca tụng lên mây… - PQT lưu ý”. Ở điểm này, trong tôi - và có lẽ nhiều bạn đọc như tôi - có gợn lên một chút băn khoăn. Liệu có nên phân biệt lề phải với lề trái khi bảy tỏ quan niệm của mình trên công luận không nhỉ? Tôi nhớ tới câu nói rất có ý nghĩa của GS. Ngô Bảo Châu – tác giả của Huy chương Fields năm vừa rồi mà có nhà văn đã xem như là “bổ đề cơ bản” giúp trở thành một con người chân chính: “Đi theo lề là việc của đàn cừu, không phải của con người tự do!”. Vậy, có lẽ tốt hơn cả là ta nên thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, chân tình trao đổi với nhau trên tinh thần đồng nghiệp, hoặc nếu không được như thế, thì trên tinh thần đối thoại của những con người hiểu biết, chớ đẩy nhau vào sự đối lập không đáng có thì vẫn tốt hơn! Cho nên, những giả định sau của anh Hảo thật khó có thể thuyết phục được những bạn đọc nghiêm chỉnh: “Nếu một kẻ nào đó, lôi ông tổ của nhà văn Sương Nguyệt Minh ra để chửi bới thậm tệ như ông đã làm với vị Hoàng đế nước Việt Nam Gia Long, một người đã có công thống nhất đất nước, liệu ông Sương Nguyệt Minh có để yên hay sẽ nhảy dựng lên đòi kiện bọn vô cớ bôi bẩn ông cha mình ra tòa? Nếu một kẻ cầm bút vì lý do tiến thân nào đó, tự nhiên lôi ông tổ của nhà thơ Chủ tịch ra vu cáo thậm tệ theo kiểu Sương Nguyệt Minh vu cáo tổ tiên của hoàng tộc Huế, liệu ông Chủ tịch có dám trao giải thưởng cho hay không?”.

Với tinh thần của một con người tự chủ, tự do như cần phải có, anh Trần Mạnh Hảo cũng chớ nên lấy ý kiến bình luận ngắn trên mạng của Bùi Công Thuấn (Đồng Nai) đánh giá Dị hương chỉ là sự “sao chép”, “bắt chước” nhợt nhạt Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp làm điểm tựa cho đánh giá của mình. Vì sao vậy? Nhận xét này, theo tôi, được viết ra vội vàng, đầy cảm tính. Các luận điểm nêu ra không hề được chứng minh, luận giải đến nơi đến chốn. Thái độ của người viết như vậy là không thật nghiêm chỉnh. Vả lại, chỉ cần  đọc hai truyện ngắn này với một sự công tâm nhất định và một trình độ thưởng thức bình thường, thì câu trả lời đã nằm gọn trong lòng bàn tay, như anh Trần Đình Thu đã chỉ ra rằng: “Sau khi đọc cẩn thận hai tác phẩm này tôi xin nói ngay: “Dị hương” không hề sao chép “Kiếm sắc”. Hai tác phẩm này hoàn toàn khác nhau”.

Đáng bàn nhất là gợi ý trực tiếp để anh Hảo cầm bút viết bài của mình là ý kiến của nhà văn Trần Hoài Dương, người đầu tiên lên tiếng trên công luận (lethieunhon.com; trannhuong.com) trong một bài phỏng vấn về truyện ngắn Dị hương, mà nguyên văn trong bài của anh Hảo thế này: “Trong ‘Dị hương’, Nguyễn Ánh hiện ra là một nhân vật rất xấu, có thể nói là thô bỉ, hiếu sắc, hiếu sát... Tôi không tin là một nhân vật như thế có thể dựng nên một vương triều…”. Thực ra, ý kiến của anh Trần Hoài Dương trong bài trả lời phỏng vấn nói trên dài hơn, nhất là thận trọng và kín kẽ hơn nhiều. Anh bảo: “Vì thấy hiếm có cuốn sách nào được sự nhất trí cao từ phía giám khảo như vậy nên tôi náo nức đi mua cho bằng được ‘Dị hương’. Truyện ngắn được chọn đặt tên cho cả tập, chắc phải là truyện ưng ý của tác giả, nên tôi đọc kỹ và hơi băn khoăn...”.  Sự băn khoăn có mức độ của anh ở chỗ: “Trong ‘Dị hương’, Nguyễn Ánh hiện ra là một nhân vật rất xấu, có thể nói là thô bỉ, hiếu sắc, hiếu sát... Tôi không tin là một nhân vật như thế có thể dựng nên một vương triều mà hôm nay hậu thế còn cần đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học về công lao lẫn tội lỗi... - PQT nhấn mạnh. Tất nhiên, chỉ qua một truyện ngắn không thể đòi hỏi quá nhiều, nhưng dẫu sao, qua một truyện ngắn tâm huyết của tác giả, người đọc vẫn mong muốn được thấy chân dung xác thực của một nhân vật lịch sử có tầm cỡ như Nguyễn Ánh...”.  Tôi cảm phục thái độ đúng mực và cẩn trọng đáng làm gương cho nhiều người cầm bút của nhà văn đàn anh. Anh Hảo trích không đầy đủ là có dụng ý của mình. Và dụng ý ấy thể hiện rõ ràng ở đoạn sau: “Công của vua Gia Long là thống nhất đất nước sau 300 năm chiến tranh loạn lạc. Công lớn hơn nữa của vua Gia Long và chín đời Chúa Nguyễn là mở rộng gấp đôi bờ cõi Việt Nam, phỏng có triều đại nào làm được hơn thế…”. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: lẽ nào Gia Long chỉ có công mà không có tội? Rồi: “Vua Gia Long… còn là vị vua lớn của nước Việt Nam, đã sinh ra một triều đại lớn: triều Nguyễn, có nhiều ông vua yêu nước chống Pháp như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân…”. Thế còn những vị vua khác của triều Nguyễn thì sao? Anh Hảo tại sao không nhắc tới? Chỉ thuần một giọng tán dương thì rất khó tránh khỏi phiến diện. Hoàn toàn không giống yêu cầu chí lý của nhà văn Trần Hoài Dương là phải “đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học về công lao lẫn tội lỗi” của nhà Nguyễn và triều Nguyễn (!?).    
             Đặc biệt, có thể thấy, nhà văn Trần Hoài Dương đã tiếp nối thành tựu của quá khứ, không hề tỏ ra lạc hậu về tư duy văn học khi anh nhìn nhận một cách hài hòa rằng: “Tôi quan niệm khi viết truyện lịch sử hay có liên quan đến lịch sử, không nhất thiết nhà văn quá lệ thuộc vào chính sử. Nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu, tưởng tượng, nhưng cái cốt lõi là bản chất của nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử phải được tôn trọng. Mọi hư cấu, tưởng tượng của nhà văn rốt cuộc cũng chỉ để đạt được yêu cầu tối thượng sao cho nhân vật lịch sử ấy, sự kiện lịch sử ấy bộc lộ đúng nhất bản chất cốt lõi của mình”. Nói vậy là bởi tôi nhớ lại cuộc tranh luận chung quanh ba truyện ngắn viết về đề tài lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào đầu thời kỳ Đổi mới cách đây trên hai mươi năm [5]. Xin không dẫn ra những ý kiến của các nhà nghiên cứu văn chương bàn về sự khác biệt của việc chép sử với việc viết văn. Nhà sử học Tạ Ngọc Liễn, khi ấy, một mặt bảo rằng: “Viết lịch sử, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cũng phải phục tùng sự thật, đúng bản chất lịch sử, không được làm cho diện mạo lịch sử méo mó đi”. Ông còn nhấn mạnh thêm:  “Ngòi bút hư cấu của nhà văn không thể tuỳ tiện, phải có mức độ, đặc biệt khi viết về những sự kiện lịch sử quan trọng, những nhân vật có tầm vóc lớn, thân thế và sự nghiệp họ đã gắn liền với vận mệnh đất nước, số phận nhân dân” [4, tr.468]. Ta không thấy có gì phải bàn thêm khi Tạ Ngọc Liễn trao quyền hư cấu có giới hạn của nhà văn khi viết về đề tài lịch sử, xem đây là một vấn đề có tính nguyên tắc. Nhưng mặt khác, chính ông còn cho rằng: “Người sáng tác văn học, dù viết một đề tài lịch sử nghiêm túc nhất vẫn có quyền hư cấu, nghĩa là thêm thắt những cái được tưởng tượng ra, không có trong thực tế lịch sử. Với độc giả, việc nhà văn hư cấu chuyện này, chuyện nọ không quan trọng. Điều người đọc quan tâm chủ yếu là qua hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, họ muốn biết nhà văn nói gì, giải quyết vấn đề gì, những cái đó có phản ánh đúng bản chất lịch sử không?…” [4, tr.171]. Một bạn đọc tên là Thủy Minh, theo nhà phê bình sân khấu Hồ Ngọc, cũng nói: “Nhà văn có quyền được thể nghiệm, tìm tòi, khai phá những con đường mới mà xưa nay chưa ai đi, chưa ai làm. Chẳng hạn Nguyễn Huy Thiệp đã làm và đã viết về các danh nhân anh hùng trong lịch sử ở bình diện con người bình thường với mọi khía cạnh đời thường của các vị ấy” [4, tr.539]. So sánh như vậy để có thể dễ nhận ra tư duy văn học của nhà văn Trần Hoài Dương không hề đoạn tuyệt với những thành tựu của khoa văn học theo tinh thần đổi mới như thế nào!

Chỗ dựa khác của anh Hảo trong bài viết của mình về mặt tư liệu lịch sử là mạng Wikipedia. Tôi nghĩ chỉ nên xem đó là một trong nhiều nguồn thông tin cần tham khảo thôi. Chớ nên nghĩ ở đấy chỉ toàn những sự thật lịch sử. Trên mạng nguoibanduong.net mới đây có công bố truyện Tài – tai của nhà văn Thái Doãn Hiểu rất ý vị. Càng ngẫm càng thấy thấm. Anh Hiểu viết về nhân vật lịch sử Lê Ngô Cát. Ấn tượng nhất là đoạn văn kể về Lê Ngô Cát khi rời miền núi về sống ở đế đô. Bắt đầu cảnh: “Ơn vua lộc nước, áo mão xênh xang, ăn trắng mặc trơn. Ngày ngày, ngồi ở Quốc sử quán, Cát lục lọi bí thư các sắp xếp chỉnh lý tài liệu, xắn cao tay áo viết tiếp lịch sử thời vua Lê chúa Trịnh đến hết thời Lê Chiêu Thống, rồi vắt qua đương triều. Cát viết miệt mài ngày đêm, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này qua năm kia - viết theo lệnh của đức vua! Dĩ nhiên, ăn cơm chúa phải múa… thành ra cái gì của triều Nguyễn cũng phải hay phải đẹp. Sự nghiệp cát cứ Nam Hà của chúa Nguyễn là chính danh, thuận lẽ trời, hợp lòng người. Còn những gì ở phía bên kia nhà Tây Sơn đều là ngụy tặc, xấu xa đáng căm ghét phỉ nhổ, Cát nhúng bút vào hắc ín bôi đen tuốt… Cặm cụi mấy năm, năm 1860, Cát hoàn thành bộ sách. Sách dâng lên vua… Tự Đức ngự độc, rất hài lòng: ‘Khanh đã làm trúng ý trẫm’”. Đã rõ: Lê Ngô Cát viết thế “chỉ vì tùy thời và chiều vua. Tu chùa nào phải tụng kinh chùa ấy. Vả, Cát cũng ngã lòng buông xuôi chữ tiết…”. Vậy có nên hoàn toàn đặt niềm tin vào các cuốn lịch sử thuộc các loại khác nhau trước nay không nhỉ?

Cuối cùng, tôi thật sự ái ngại về sự tóm lược truyện Dị hương cùng những đoạn trích được anh Hảo dẫn ra liên tiếp nhằm chứng minh cho chủ đích nhất quán cho rằng tác phẩm của Sương Nguyệt Minh đã “mô tả Nguyễn Ánh là một hôn quân dâm tặc” như thế nào. Riêng việc kể lại một tác phẩm văn xuôi, dầu có cốt truyện đi chăng nữa, thì theo lý thuyết văn chương hiện đại, là điều hết sức tối kỵ. Nên phân biệt cái có thể kể lại, tức truyện nền hay để bản với truyện hay bản kể của một tác phẩm tự sự. Chỉ có cái sau mới có thể xem là văn bản nghệ thuật vì nó thấm nhuần giọng điệu, điểm nhìn qua lời kể của nhà văn. Đấy là chưa nói, khi tóm tắt lại, người thưởng thức tất phải theo mạch tư duy cùng thái độ của chính mình. Hãy thử đọc đoạn tóm lược truyện ngắn Dị hương sau của anh Hảo: “… Nguyễn Ánh tranh hùng với anh em nhà Tây Sơn và cha con Nguyễn Huệ, khi chiếm được kinh đô Phú Xuân, Nguyễn Ánh đã bắt được tác giả mùi thơm mê hồn kia là Lê Ngọc Bình - hoàng hậu của vua kẻ thù Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản). Nguyễn Ánh vừa nhìn thấy Ngọc Bình đã mê mệt mùi thơm lạ từ thân thể nàng tỏa ra, đến nỗi mất hết hồn vía. Ngay lập tức, vợ của vua bại trận Ngọc Bình đã ôm chầm lấy vị vương thắng trận để cả hai biến thành hoang dâm vô độ y hệt Trụ Vương - Đát kỷ ngày xưa. Nguyễn Ánh phát hiện ra Trần Huy Sán đã xơi tái mùi hương lạ của Ngọc Bình trước mình, bèn chém đầu Sán. Ngọc Bình bị Nguyễn Ánh dày vò quá mức thành ra mất hết mùi thơm và lãnh cảm, bị chết thê thảm dưới bụng Nguyễn Ánh khi hai người đang giao hoan. Hết chuyện”. Không, đó chỉ đơn thuần là lời kể và giọng điệu của Trần Mạnh Hảo chứ không phải văn của Sương Nguyệt Minh. Với sự trải nghiệm của một người sáng tác thì việc làm đó lại càng trái tự nhiên. Xin soi tỏ bởi ý kiến của L. Tolstoi. Ông bảo: “Tất cả hay như hầu như tất cả những cái mà tôi đã viết ra, đều là cái nhu cầu khiến tôi tập hợp các tư tưởng vốn được liên kết nội tại để thể hiện chính bản thân mình, nhưng mỗi một tư tưởng, được diễn đạt bằng lời lẽ đặc thù, sẽ đánh mất ý nghĩa, bị mất giá khủng khiếp khi trơ trọi một mình và thiếu đi sự liên kết mà nó hiện diện ở đó” [1, tr.30&31].

 

Nói gọn lại, nếu là nhà thơ Trần Mạnh  Hảo, tôi sẽ không dụng bút như thế!

 

                                                    Đà lạt, mồng tám năm Tân Mão

                                                     PQT.

 

           ……………………………………………………………………………………

 

                                                TÀI LIỆU CHÚ THÍCH

 

  1. Lotman, Iu. - Cấu trúc văn bản nghệ thuật - Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
  2. Nguyễn Huy Thiệp - Những ngọn gió Hutát - Nxb Văn hóa, 1989. tin, 2001.
  3. Nguyễn Trường Lịch - Tiểu thuyết Lev Tônxtôi - Nxb Văn học, 2010.
  4. Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn) - Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hóa Thông tin.
  5. Phạm Quang Trung - Về những ý kiến tranh luận xung quanh chùm truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp - web: pqtrung.com.     
  6. Sương Nguyệt Minh – Dị hương – Nxb Hội Nhà văn, 2009.                       

 

Danh mục website