Tôi học được nhiều ở thầy

 

Tôi gặp thầy Trần Hữu Tá từ đầu những năm 1990, khi ấy anh Lê Tiến Dũng dẫn tôi đến gặp thầy để ba thầy trò làm một quyển sách dạy văn cho nhà sách T.. Ngày ấy T. còn là một sạp sách báo ọp ẹp ở trước cổng trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cũ kỹ xác xơ. Nhà thầy còn ở khu tập thể của Trường Sư phạm. Bước qua hẻm phía sau mấy tiệm cơm, tiệm photo ngổn ngang xô chậu mới đến nhà thầy. Nhà thầy chật, nhưng phòng khách luôn tươm tất, bàn ghế sạch sẽ, trà ngon, đúng như phong cách trí thức Hà Nội thời trước. Tôi bị thu hút bởi phong cách lịch lãm, chuyện trò thông thái và thái độ ân cần của thầy. Thầy trò làm việc với nhau rất ăn ý, thầy tỏ ra rất tin tưởng tôi, dù lúc ấy tôi mới hơn 30 tuổi. Trong quyển sách, tôi được vinh dự đứng tên chung với thầy. Sách bán rất chạy, tái bản liên tục. Hết hạn hợp đồng tôi vẫn thấy sách được tái bản mà chủ nhà sách chẳng liên hệ và trả nhuận bút cho thầy trò gì cả. Tôi gặp nhóm xuất bản hỏi chuyện, nhưng họ chối ngay là họ không xuất bản (để khỏi trả nhuận bút), và họ thách thức: nếu các tác giả muốn kiện thì họ sẵn sàng đi hầu, đến đâu cũng theo! Sau không thấy họ tái bản nữa, tưởng họ đã thôi, nào ngờ đi tỉnh lại thấy sách tái bản ở một nhà xuất bản tỉnh, để tránh bị nhóm tác giả phát hiện, và khỏi phải trả mấy đồng nhuận bút còm. Đến nay thì thầy trò vẫn nghèo vậy, còn chủ nhà sách kia trở thành trùm xuất bản và phát hành sách. Thế tôi mới thấm thía chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam đã hình thành với sự keo bẩn điển hình của giai cấp ấy trong giai đoạn tích lũy tư bản như thế nào.

Ấn tượng sâu sắc nữa là thầy trò cùng làm việc với nhau trong chương trình “Cửa sổ văn học” do HTV tổ chức vào cuối những năm 1990. Chương trình rất được học sinh, sinh viên yêu thích. Giai đoạn cuối cuộc thi, chỉ còn 2 đại biểu kỳ cựu nhất là Trường Phổ thông năng khiếu (thuộc ĐHQG TP.HCM) và Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP TP.HCM. Trong Ban Giám khảo bên Đại học Quốc gia có tôi với TS.Phan Thu Hiền (lúc ấy chưa là PGS), bên ĐHSP có thầy Tá và anh Hoàng Dũng. Hai đội dự thi đội nào cũng xuất sắc, bên Năng khiếu có nhóm Hồ Khánh Vân, Long Hòa, Thanh Trâm.., (bây giờ là giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), bên Khoa Ngữ văn ĐHSP có Hoàng Phong Tuấn, Phạm Ngọc Lan… (bây giờ đều là giảng viên của Khoa Ngữ văn). Khi thi câu hỏi nào vừa đưa ra là cả hai đội đều bấm chuông ngay, không cần suy nghĩ. Thậm chí có cả câu đố “làm thơ trong vòng 7 bước” (như Thất bộ thi của Tào Phi), các bạn ấy cũng bấm chuông và hoàn thành ngay lập tức. Trong hai đội, đội Phổ thông Năng khiếu có vẻ nhỉnh hơn một chút. Thế là trong số các giảng viên phụ trách đội Khoa Ngữ văn Sư phạm có ý nghi ngờ bên tôi làm “lộ đề” cho “gà nhà”. Tôi và cô Thu Hiền không bao giờ làm chuyện đó. Thầy Tá là trưởng ban giám khảo cũng tỏ ý tin tưởng tôi và cô Hiền. Cuộc thi kết thúc suôn sẻ. Và thời gian, dư luận chứng minh niềm tin của Thầy đã đặt đúng chỗ.

Sau này được làm chung nhiều việc với thầy trong chuyện sách vở, hội thảo khoa học hay công việc của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.Hồ Chí Minh, tôi càng hiểu thầy và càng học được ở thầy nhiều điều.

Thầy có một kiến thức rất uyên bác, nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học ngữ văn. Thầy giỏi tiếng Pháp, cố nhiên rồi, như thế hệ của thầy. Thầy chuyên môn sâu về văn học Việt Nam hiện đại, nhưng cũng rất hiểu, rất thuộc văn học cổ điển Việt Nam và Trung Quốc. Thầy hay ngâm nga thơ cổ điển Việt Nam. Tôi cứ nhớ mãi, có lần trong bài viết của tôi tôi có trích thơ Vương Chi Hoán nhưng lại ghi lầm là Đỗ Mục, thầy đọc và phát hiện ra ngay. Tôi cứ phục mãi.

Thầy là một người ngay thẳng và cầu thị. Từng trải qua thời khó khăn của văn nghệ, thầy ngại đụng chạm, nhưng chưa bao giờ thầy nói ra những điều trái với suy nghĩ của mình. Hồi trước 1975 thầy được phân công theo dõi mảng văn học đô thị miền Nam, hồi ấy do hạn chế lịch sử nên thầy có nhiều ý tưởng và lời văn cứng rắn, không thật khách quan. Sau này thầy đã thẳng thắn nhìn nhận những chỗ sai lầm của mình và khắc phục điều ấy trong Từ điển văn học (bộ mới). Tôi nhớ có tờ báo kia nói năng báng bổ, hàm hồ quá, thầy gặp lãnh đạo Thành phố là thầy nhắc ngay, nhờ vậy mà tờ báo ấy dịu giọng hẳn lại xuống, ít dùng bài hung hăng, báng bổ nữa. Tôi rất tâm đắc thái độ trí thức của thầy: người trí thức đích thực không nói thì thôi, nhưng đã nói ra thì chỉ nói những điều mình tin là lẽ phải.

Thầy là một người yêu thích công việc, làm việc không biết mỏi. Thầy sốt sắng với Hội thảo 100 năm Đông Kinh Nghĩa thục (2007), Hội thảo 80 năm Thơ mới và Tự lực văn đoàn (2012), Kỷ niệm 100 năm nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (2015)... Thầy lúc nào cũng bận rộn với ý tưởng làm sách vở, hết Vũ Trọng Phụng đến Từ điển văn học, rồi chân dung các nhà văn, nhà giáo. Thầy còn dự định làm từ điển tri thức bách khoa ngữ văn, nhưng rồi sức khỏe không cho phép nên thầy đành gác lại. Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học liên tục năm nào cũng xuất bản niên san Bình luận văn học, đều có công tổ chức, biên tập và đôn đốc của thầy.

Năm nay thầy đã tám mươi. Sức khỏe thầy giảm đi rõ rệt nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt. Tôi biết thầy còn dở dang nhiều công việc, nhiều ước muốn mà chưa làm được. Chúng tôi nhiều lần mong mỏi và thúc giục thầy: thầy viết cho cuốn hồi ký, cuốn hồi ký ghi lại một thời đầy nhiệt huyết, lãng mạn mà cũng lắm gian truân. Không biết chừng nào cuốn hồi ký ấy hoàn thành. Riêng tôi được gần thầy nhiều, tôi học được rất nhiều ở thầy, qua những trang văn của thầy, và nhất là qua cách sống, cách nghĩ, cách làm của thầy.

                                                                                    Đoàn Lê Giang

                                      (Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP. HCM)

Nguồn: Nhiều tác giả  (2017), Trần Hữu Tá - Từ bục giảng đến văn đàn, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 68 - 71.

Thông tin truy cập

60523151
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4644
10018
60523151

Thành viên trực tuyến

Đang có 206 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website