Có phải tốt nghiệp ngành Văn học chỉ làm nhà văn, nhà thơ?

Theo PGS.TS. Phan Mạnh Hùng, học văn ở bậc đại học là học khoa học về văn chương, tìm trong văn chương những ứng dụng cho nghề nghiệp thực tế trong đời sống.

Đại văn hào của nước Nga Xô Viết – Maxim Gorky từng có câu nói nổi tiếng “Văn học là nhân học”. Chỉ vỏn vẹn năm từ, nhưng câu nói trên đã thể hiện rõ đặc trưng bản chất của Văn học.

Nói đến chức năng của văn học là nói đến vai trò, tác dụng của loại hình này đối với đời sống xã hội, với con người. Đến với Văn học là đến với môn học về nghệ thuật, giúp làm phong phú tình cảm, tâm hồn con người; đồng thời giúp ta học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống và cũng như một tấm gương để ta tự soi chiếu bản thân mình.

Văn học cũng là một ngành khoa học cơ bản. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngành học này đang có xu hướng bị “phớt lờ”. Thậm chí, nhiều người còn đánh giá chưa đúng vai trò của ngành học này trong cuộc sống.

Học Văn có phải chỉ để phân tích văn, thơ?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành học này của trường cung cấp những kiến thức chuyên sâu về Văn học nói chung và Văn học Việt Nam nói riêng.

20240404 4Hoạt động của sinh viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Mạnh Hùng: “Học ngành Văn học ở bậc đại học không chỉ để hiểu, phân tích được các tác phẩm văn thơ hay, mà còn giúp người học hiểu được quy luật hình thành, vận động của nền văn học, cách thức sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm; cách đọc tác phẩm văn học từ góc độ phương pháp khoa học chuyên ngành để phát hiện ra những đặc trưng có tính quy luật của thể loại, trào lưu tư tưởng, thẩm mỹ, triết học.

Người học Văn được trang bị các khối kiến thức giáo dục đại cương (kiến thức lý luận chính trị, kiến thức khối ngành nhân văn), kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành (nhóm ngôn ngữ và Hán Nôm, nhóm lý luận và phê bình văn học, nhóm lịch sử văn học), kiến thức định hướng nghề nghiệp (hướng báo chí và xuất bản, hướng nhóm nghiên cứu và giảng dạy, hướng biên kịch điện ảnh – truyền hình)”.

Mục tiêu đào tạo của ngành Văn học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là tạo ra những cử nhân có tri thức chuyên môn vững vàng và những phẩm chất nhân văn tốt đẹp; có kiến thức chuyên ngành vừa rộng vừa sâu, có kỹ năng làm việc tốt, thích ứng tốt với công việc liên quan đến văn hóa, văn học, ngôn ngữ, Hán Nôm, có ý thức phục vụ cộng đồng, hòa nhập quốc tế và ý thức học tập suốt đời.

Ở cơ sở giáo dục đại học này, sinh viên có thể chọn chương trình giáo dục chuyên ngành Văn học, Hán Nôm hoặc Biên kịch Điện ảnh – Truyền hình.

“Ra trường, nếu có năng khiếu và đam mê, người học có thể theo đuổi sáng tác và trở thành nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, không phải ai học ra trường cũng trở thành nhà thơ, nhà văn, nhưng chắc chắn sẽ là người hiểu sâu về văn học, có khả năng viết và nói tốt” – thầy Hùng nhận định thêm.

Cũng có những quan điểm tương đồng, Tiến sĩ Thái Thị Hoài An – Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ, khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng: “Với mục tiêu đào tạo sâu rộng, có thể khẳng định việc học Văn không chỉ để hiểu, để phân tích các tác phẩm văn thơ. Bởi hiểu và phân tích các tác phẩm văn học chỉ là một trong số rất nhiều các kỹ năng mà người học được đào tạo trong quá trình học tập ngành học này”.

94f98515cb2b64753d3a.jpg

Tiến sĩ Thái Thị Hoài An – Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ, khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Theo đánh giá của cô An, sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học có nhiều cơ hội việc làm. Trong đó, có thể kể đến công tác nghiên cứu tại các viện, trung tâm, cơ quan đoàn thể xã hội liên quan tới lĩnh vực báo chí, xuất bản; theo dõi và quản lí hoạt động văn hoá, Văn học, ngôn ngữ,…; trở thành chuyên viên của các phòng, sở, các ban ngành liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ và văn học. 

Bên cạnh đó sinh viên có thể bổ sung khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên, giảng viên dạy Ngữ văn/Văn học tại các cơ sở giáo dục (cả phổ thông và đại học).

Đặc biệt, sinh viên ngành Văn học có nhiều cơ hội để tiếp tục học lên sau đại học các ngành thuộc văn học, ngôn ngữ, văn hóa và báo chí.

Là một cựu sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đang lựa chọn học tiếp cao học, bạn Hạ Thị Mỹ Hạnh cho biết, mong muốn của bạn sau khi ra trường là được giảng dạy ngành Văn học.

Chính vì thế, Hạnh đã quyết định theo học chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva (Nga) để chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng. Chuyên ngành bạn lựa chọn theo đuổi là nghệ thuật học.

“Mình lựa chọn hướng đi chính là nghệ thuật học, vì mình có niềm đam mê nghiên cứu điện ảnh. Các bộ phim luôn tạo cho mình nhiều cảm hứng khác nhau.

Bộ môn nghệ thuật học của khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã để lại cho mình nhiều trải nghiệm thực sự đáng nhớ trong quãng đời sinh viên. Trong thời gian học đại học, mình đã tiến hành 2 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan nghệ thuật học.

Bên cạnh đó, mình cũng được tiếp cận với các bộ môn khác, trong đó có Văn học Nga. Nhờ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, mình dần có cảm tình với môn học và đất nước này, khiến mình lựa chọn Nga là điểm đến khi học nâng cao trình độ” – bạn Mỹ Hạnh chia sẻ thêm.

Quan điểm Văn học chỉ dành cho những người “bay bổng” là sai lầm

Hiện nay, một bộ phận học sinh không cảm thấy hứng thú khi học Văn, cho rằng đây chỉ là môn học để thi.

Cũng có một số ý kiến đánh giá không đúng về vai trò của Văn học trong cuộc sống, như cho rằng đây chỉ là một bộ môn phù hợp với những người có tâm hồn “bay bổng”, không thực tế,…

cc1dfea8-1fbb-4d76-b973-4848d45bc5a3.jpg

Bạn Hạ Thị Mỹ Hạnh - sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này, bạn Hạ Thị Mỹ Hạnh cho rằng: “Đây là tâm lí chung của khá nhiều người, đặc biệt là những người chưa thực sự hiểu rõ về Văn học. Tuy nhiên, đây lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lệch về văn học.

Điều này phần lớn xuất phát từ tâm lí của người học, họ luôn cho rằng văn học là sự sao chép, là khuôn mẫu có sẵn và không thể thay đổi. Trên thực tế, một bài văn thường không có một kết quả chính xác như các môn khoa học tự nhiên khác.

Văn học đưa con người đến sự sáng tạo và khai phá khả năng tư duy của mỗi người. Chỉ có sự sáng tạo và tư duy độc lập mới có thể khám phá và đi vào thế giới của văn chương. Thông qua văn học chúng ta cũng có thể tìm được những điều từ chính thực tế cuộc sống, thậm chí tìm thấy bản thân chúng ta ngay trong những trang sách”.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, Tiến sĩ Thái Thị Hoài An cho rằng, môn Văn khác biệt với các môn học khác ở chỗ, ngoài là một môn học, đây còn là một môn nghệ thuật.

Với tư cách là một môn nghệ thuật, Văn học có thể kiến tạo nên thế giới tinh thần phong phú cho con người thông qua sự tác động về mặt tình cảm. Bên cạnh đó, văn chương còn có thể tăng cường năng lực thẩm mỹ cho học sinh, giúp học sinh nhạy cảm hơn, tinh tế hơn trong cuộc sống.

Trên thực tế, văn chương không mang lại cơm ăn, áo mặc khi đói khát, không thể thay thế thuốc thang khi ốm đau bệnh tật. Nhưng văn chương có thể an ủi, chia sẻ và cảm thông cùng con người, nâng đỡ con người vượt qua những nghịch cảnh của cuộc sống, để sống, yêu cuộc đời và hướng tới tương lai.

Còn với tư cách là một môn học, văn chương ngoài việc cung cấp các tri thức về Văn học, còn cung cấp các tri thức về văn hóa, xã hội, con người, mở rộng sự hiểu biết của con người đối với thế giới, giúp học sinh mở rộng môi trường giao tiếp với một thế giới rộng lớn.

Vì vậy, đừng nghĩ rằng môn Văn chỉ dành cho những người bay bổng, thiếu thực tế, chỉ chuyên tầm chương trích cú hay mơ mộng hão huyền theo những câu chuyện phiêu lưu.

“Cũng như các môn học khác, môn Văn cũng có tính chất công cụ. Học Văn, người học sẽ được cung cấp công cụ tư duy, công cụ giao tiếp và hiệu quả nhất chính là ngôn ngữ… Chính vì những lẽ đó, môn Văn luôn là môn chính khó có thể thay thế trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Nhiều học sinh, sinh viên khi học trong nhà trường chưa ý thức được vai trò của ngành học này đối với công việc về sau. Nhưng khi ra trường, khi tiếp xúc công việc thực tế, họ mới nhận ra được tầm trong quan trọng của việc học ngôn ngữ và thực hành ngôn ngữ như một công cụ để tư duy và giao tiếp” – Tiến sĩ Hoài An khẳng định thêm.

Còn theo thầy Hùng: “Trong thực tế, nhiều người vẫn lầm tưởng việc học văn ở bậc đại học giống bậc phổ thông. Tuy nhiên, mục tiêu dạy văn ở mỗi cấp bậc có khác”.

Nếu ở phổ thông, dạy văn thường chú trọng đến việc giáo dục thẩm mỹ, cách cảm thụ cái hay, cái đẹp trong những tác phẩm cụ thể, hướng đến tình yêu cái đẹp trong ngôn ngữ và cuộc sống; thì ở bậc đại học, ngoài những mục tiêu vốn có như bậc phổ thông, học văn là học khoa học về văn chương, tìm trong văn chương những ứng dụng cho nghề nghiệp thực tế trong đời sống. Do đặc thù của tính thẩm mỹ hình tượng, văn học đòi hỏi có sự tưởng tượng, liên tưởng cao.

“Nếu có sẵn năng khiếu thì việc học văn khá thuận lợi, còn chưa sẵn thì không phải là một rào cản. Bởi chúng ta có thể gây niềm hứng thú qua việc đọc và trải nghiệm cuộc sống, từ đó nâng dần khả năng cảm thụ và viết văn. Việc gặp được thầy cô khuyến khích, khơi nguồn cảm hứng cũng là rất quan trọng.

Vì thế, học văn không nên cốt để đi thi và ai cũng có thể học giỏi nếu có phương pháp và sự yêu thích” – Phó Giáo sư Phan Mạnh Hùng cho hay.

Cần thu hút nhiều hơn học sinh giỏi chọn học Văn

Trong những năm gần đây, sinh viên thường có xu thế chạy theo các nhóm ngành có nhiều cơ hội việc làm và khả năng tạo ra thu nhập trước mắt như kinh tế, quản lý,... Vì thế, những ngành khoa học cơ bản, trong đó có Văn học rơi vào tình trạng khó tuyển sinh.

image_6483441 (2).JPG

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nhận định về vấn đề này, Phó Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản nhìn chung khá khó khăn.

Lí do một phần do việc học tương đối khó, còn một phần do tính thực dụng ít hơn. Người học thường phải gắn kiến thức khoa học cơ bản với một ngành ứng dụng nào đó. Ví dụ, văn học và báo chí, văn học và biên kịch điện ảnh truyền hình, giảng dạy văn học”.

Tuy nhiên, theo thầy Hùng, việc tuyển sinh ngành Văn học của trường trong những năm qua tương đối ổn định, và điểm chuẩn ngành ở mức tương đối.

Để có cái nhìn khách quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có thống kê điểm chuẩn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm gần nhất (2021 – 2023).

Trong 3 năm này, trường xét tuyển ngành Văn học theo 3 tổ hợp C00, D01, D14.

z5307684459754_16d85125abebc1ba631ec7daef8e833d.jpg

Điểm chuẩn ngành Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm từ 2021 – 2023.

Điểm chuẩn dao động từ 25.6 – 27 điểm (theo thang điểm 30). Trong đó, có điểm hệ số 2 môn chính và được tính theo công thức: (tổng điểm ba môn thi sau khi nhân đôi môn chính) x 3 ÷ 4, làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Năm 2023, điểm chuẩn khối C00 ngành Văn học của trường này là 27 điểm.

Được biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ góp phần hình thành một ngành học mới là Nghệ thuật học, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước giai đoạn hội nhập.

“Vấn đề tuyển sinh đặt ra cho ngành này là cần thu hút nhiều hơn những học sinh giỏi từ các trường trung học phổ thông. Nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp trong đó có việc nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra, tăng cơ hội nghề nghiệp cho người học, thực hiện tốt công tác tư vấn tuyển sinh là những phương thức để thu hút người học” – Phó Giáo sư Hùng nhận định thêm.

Ngoài ra, theo các thầy, cô giảng dạy ngành Văn học, để đáp ứng được yêu cầu khi học tập và có thể phát triển tốt trong công việc khi ra trường, sinh viên ngành Văn học trước hết cần phải có sự yêu thích, niềm đam mê và hiểu được bản chất của văn học. Khi đó, sinh viên sẽ tìm được hứng thú trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, sinh viên cần tạo thói quen đọc sách, không chỉ đọc tác phẩm văn học mà nên đọc mở rộng sách chuyên ngành xã hội như: triết học, tâm lý học, lịch sử.... và cần trau dồi kỹ năng viết và nói.

Học tốt ngoại ngữ cũng là một điều cần lưu ý, giúp sinh viên tiếp cận được với nhiều tài liệu nước ngoài, trong đó có văn học thế giới. Từ đó, kiến thức văn học sẽ tốt hơn, thích ứng tốt trong nhiều công việc.

Kim Minh Châu

Nguồn: Giáo dục Việt Nam, ngày 03.4.2024.

Thông tin truy cập

60949061
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12160
9732
60949061

Thành viên trực tuyến

Đang có 295 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website