Cội nguồn triết học của tinh thần thiền nhập thế Trần Nhân Tông ( 陈 仁 宗)

Nguyễn Kim Sơn[1]

Từ then chốt: Phật tính; tam giáo; bất nhị; hòa quang đồng trần; lạc đạo, nhập thế. ( 佛性; 三 教; 不二; 和光 同 尘; 乐道; 入 世)

Tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông là tư tưởng Thiền nhập thế. Đây cũng là đặc điểm chung của tư tưởng các vị tiền bối của ông  như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung.  Điều này đã được học giới cơ bản thống nhất công nhận. Tinh thần nhập thế đó thể hiện rõ ràng trong cả hành trạng, ứng xử, các lời thuyết giảng, thảo luận và trong thơ văn của Trần Nhân Tông. Điều này cũng  từng được nhiều người nói tới và đề cập trong các công trình nghiên cứu. Người  viết bài này tán thành với các nhận định về khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Thiền Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là, hầu như chưa có công trình nào tập trung lý giải một cách tường tận về nguồn gốc tư tưởng, những lý do thực tiễn, những căn nguyên hay nói theo cách của Phật học là những duyên khởi của tinh thần nhập thế  trong tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng có một vài ý kiến động chạm tới vấn đề này, thì  lại quá nhấn mạnh tới yếu tố tinh thần thời đại, khí thế dân tộc và cho đó là căn nguyên của tinh thần nhập thế. Vấn đề hầu còn bỏ ngỏ đó là đối tượng và hứng thú cho người viết thực hiện sự thảo luận nhỏ này.

Tính khuynh hướng của một trường phái triết học, một giáo phái  hay cách ứng xử của một cá nhân, một nhóm xã hội  bị quy định bởi rất nhiều nhân tố. Nó thường là một tổng thể phức tạp, đan xen hữu cơ. Tách bạch một vài nhân tố và coi đó là nguyên nhân của các khuynh hướng thực khó có thể lột tả được đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên nó vẫn là việc không thể không làm. Theo quan điểm của người viết, tinh thần nhập thế, khuynh hướng nhập thế hay tư tưởng nhập thế của Thiền học Trần Nhân Tông cần được nhìn nhận từ hai phương diện, một là những căn cội triết học và hai là cơ sở thực tiễn, những lý do thực tiễn. Bài viết này tập trung thảo luận về những căn cội triết học, nền tảng triết học của tinh thần Thiền  nhập thế Trần Nhân Tông.

Có thể nhìn một cách tổng quan về căn cội triết học của tinh thần nhập thế, mà nói theo cách của chính Trần Nhân Tông, là " cư trần lạc đạo", đó là  một hệ thống với Phật tính luận, phương pháp tu luyện, con đường giác ngộ của Thiền Tông, đặc biệt là Thiền Huệ Năng làm trục tâm. Trên cơ sở  đó, nó kết hợp với tư tưởng Hòa quang đồng trần trong triết học Lão tử, tư tưởng Vô sở đãitùy tục trong tư tưởng Trang tử,  và đương nhiên không thể thiếu tư tưởng lạc đạo của Nho gia. Xét về cơ cấu nó là sự hội nhập triết học và phương pháp tu dưỡng, cảnh giới tinh thần của cả Tam giáo, lấy Thiền làm cơ sở để tiến hành hội nhập. Nhìn tư tưởng Thiền đời Trần trong thế hợp nhất của Tam giáo cũng không phải điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, họ đã lấy những gì của Tam giáo, dung hợp là dung hợp cụ thể của những gì thì hầu như chưa được công trình nào đề cập cụ thể. Mặt khác, khi nói tới dung hợp Tam giáo, nhiền người nhìn thấy nó là một thực tế tư tưởng không thể nói khác, nhưng khi phân tích thì hoặc để cao Phật giáo, hoặc đề cao cực đoan tư tưởng dân tộc mà coi tư tưởng Nho, Đạo như những thứ làm giảm giá trị tư tưởng của Trần Nhân Tông. Họ  đã bỏ qua một điêu, chính các tư tưởng gia đời Trần không hề  coi nhẹ Nho gia và Đạo gia. Họ thực sự thung dung thoải mái trong sự dung hợp Tam giáo, đó mới chính là đặc sắc của họ.

Sự khái quát này không phải từ một đoán định mang tính tư biện mà xuất phát từ thao tác phân tích đối với chính những gì Trần Nhân Tông đã nói, đã thể hiện trong các tư liệu văn hiến có liên quan.

1. Bụt ở trong nhà -trục tâm của tư tưởng

Trước hết, ta đọc kỹ lại chính những gì Trần Nhân Tông đã viết, tự nói về con đường tu hành của mình. Mọi người đều biết ông là đệ tử của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi nói về Tuệ Trung, Trần Nhân Tông hầu như không tiếc lời nào để ca ngợi. Ngoài sự quý mến theo tình sư đệ thông thường, ông ca ngợi Tuệ Trung về tư tưởng, về con đường tu hành, chứng ngộ. Tuệ Trung Thượng Sĩ có cái đặc sắc trong tư tưởng để truyền thừa và nó là bí truyền của Thiền phái. Trong sự ca ngợi ấy biểu lộ  rất rõ ràng rằng, ông được nhận một thứ, có thể  coi là Tâm ấn  từ Tuệ Trung. Trong bài Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông kể lại quá trình ông tiếp cận Tuệ Trung, sau nhiều lần thăm dò, đối thoại suy ngẫn, Trần Nhân Tông mới thực sự nhận thấy Tuệ Trung Thiền phong cao vọi. Ông kể: " nhất nhật thỉnh vấn bản phận tông chỉ. Thượng sĩ ứng vân: Phản quan tự kỷ bản phận sự; bất tòng tha đắc( 自己 本分事, 从他得). Ngã khoát  nhiên đắc cá nhập lộ. Nãi khu y  sự sư yên." [2]( Thượng sĩ hành trạng) ( Một hôm, ta xin hỏi ( Tuệ Trung ) về tông chỉ  mà bản thân cần theo. Thượng sĩ đáp:  Quay  nhìn vào bản thân mình chính là việc cần làm, không nên tìm kiếm ở đâu khác. Ta bỗng nhiên ngộ được con đường cần đi, bèn bái làm sư phụ). Cái tâm ấn mà họ truyền cho nhau chính là phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc. Việc cần phải làm, tức con đường để đạt tới giác ngộ, chính là quay nhìn  vào bản thân mình, tìm kiếm chính ở nơi mình mà không phải ở nơi nào khác. Cái đó là " pháp hải độc nhãn" ( Biển pháp duy nhất cách nhìn)  [3] của Tuệ Trung Thượng sĩ đem trao cho Trần Nhân Tông. Thiền gia thường nói " Khổ hải vô nhai, hồi đầu thị ngạn", ( Khổ hải không có bờ bến, quay nhìn vào tâm mình, đó chính là bến). Hai chữ Hồi đầu thực là đại tông chỉ của người tu Thiền. Đấy cũng chính là Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch [4]( trong nhà có của quý cần gì phải tìm kiếm ở đâu khác) theo cách nói của Trần Nhân Tông.

Nhìn lại tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông, ta thấy những biểu thị rất sinh động của tinh thần hướng nội vào bản tâm để truy cầu sự giải thoát. Đó là sự thể ngộ trong thực tế tu hành phương pháp chứng ngộ trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành phật do Bồ Đề Lạt Ma, tổ sư của Thiền Tông đúc kết. Của quý trong nhà mà Trần Nhân Tông kiên trì tìm kiếm và đã thấy, đã an lạc trong đó không gì khác chính là Phật tính. Phật tính có trong tâm của tất cả mọi người. Phật tính là vấn đề hạt nhân của  Phật giáo. Nó chỉ tính khả năng để thành Phật. Phật, trong Phật giáo đại thừa là một  bản thể. Bản thể Phật tính trong Phật giáo Ấn Độ là một bản thể  trừu tượng, bản thể siêu việt. Trong quá trình tiếp biến với văn hóa và mô thức tư duy của Trung Quốc, bản thể Phật tính  dung hợp với nhân tínhtâm tính và định hướng tu dưỡng " cầu chư kỷ vô cầu chư ngoại"[5] (truy cầu ở nơi bản thân mình, không truy cầu ở nơi ngoài mình) theo quan niệm của Nho gia. Nó vẫn là bản thể Phật tính, nhưng trong cách cảm nhận và tư duy của người Trung Quốc, Phật tính chuyển dần từ bản thể trừu tượng, siêu việt sang vừa là bản thể siêu việt lại vừa là thực thể tinh thần nội tại. Nó được diễn đạt và cảm nhận theo cách của Nho gia. Nó hình thành nên con đường hướng nội kiến tính, trực chỉ nhân tâm.

Trong Đàn kinh[6]Huệ Năng  đưa ra mệnh đề rất quan trọng tức tâm tức Phật ( tạm dịch là Tâm đấy chính là Phật đấy). Ông chỉ rõ nhất thiết chúng sinh và chư Phật đều quy kết ở một điểm chung, đó là " Tự tâm":

" Thính ngô thuyết pháp, nhữ đẳng chư nhân, Tự tâm thị Phật, cánh mạc hồ nghi, ngoại vô nhất vật nhi năng kiến lập, giai thị bản tâm sinh vạn chủng pháp. Cố kinh vân: tâm sinh chủng chủng pháp sinh, tâm diệt chủng chủng pháp diệt.

Ngô kim giáo nhữ, thức tự tâm chúng sinh, kiến tự tâm Phật tính.

Nhữ kim đương tín, Phật tri kiến giả, chỉ nhữ Tự tâm, tiện vô biệt Phật...ngô diệc khuyến nhất thiết nhân, vu tự tâm trung thường khai Phật chi tri kiến.

Cố tri vạn pháp, tận tại Tự tâm."[7]

(Các ngươi nghe ta thuyết pháp,  Tự tâm chính là Phật, sao lại còn hồ nghi,  ngoài tâm ra thì không có vật nào kiến lập cả,  bản tâm sinh vạn pháp. Cho nên mới nói: Tâm sinh vận pháp sinh, Tâm diệt vạn pháp diệt.

Nay ta dạy các ngươi, biết tự tâm chúng sinh, thấy tự tâm Phật tính.

Các ngươi nay nên tin rằng,  thấy biết Phật, chỉ là tự tâm, ngoài ra không có Phật nào khác...Ta cũng khuyên tất thảy mọi người, tự trong tâm mình thường  khai mở tri kiến Phật. Cho nên, biết về vạn pháp, tất thảy đều ở Tự tâm).

Tâm mà Huệ Năng nói tới là Tâm của con người sống động và cụ thể. Phật tính tồn tại tự trong Tâm, tức tâm tức Phật. Ngoài Tâm ra không có Phật nào hết [8]. Ông lại nói:

"Bồ đề chỉ hướng tâm giác, hà lao hướng ngoại cầu huyền? thính thuyết ỷ thử tu hành, Tây phương chỉ tại nhãn tiền. Cố tri, nhất thiết vạn pháp, tận tại tự thân chi trung, hà bất vu tự tâm đốn hiện chân như bản tính? Phật thị tự tính, mạc hướng thân ngoại cầu. Tự quy y Phật, bất  ngôn quy ỷ tha Phật. Tự tính bất quy, vô sở ỷ xứ."[9]( Bồ đề chính chỉ hướng giác ngộ ở nơi tâm, sao lại nhọc nhằn đi cầu điều huyền hư ở bên ngoài? Dựa theo điều này mà tu hành, Tây phương ở ngay trước mắt.  Cho nên cần biết, vạn pháp tất thảy đều ở trong tự thân ta,  sao chẳng quay về tự tâm đốn hiện chân như bản tính? Phật chính là Tự tính, chớ hướng ra ngoài thân mà truy cầu. Tự quay về quy y Phật nơi mình, không nói quy y Phật nào khác. Tự tính không quy, sẽ không có chỗ nào mà dựa hết).

Huệ Năng đã  đem Phật tính hay Tâm thể trừu tượng trong Phật giáo Ấn Độ chuyển thành một loại tôn giáo nội tại, chuyển từ sùng bái Phật ngoại tại sang sùng bái chính bản tâm của mình. Phật tính cũng là Nhân tính, Nhân tính cũng là Phật tính, do đó kiến tính, tri tính, minh tâm kiến tính chính là con đường giải thoát, con đường giác ngộ thành Phật. Điều này có thể giải thích được  nguồn cội sâu xa của tinh thần tự tín, tự lập, tự cường cực mạnh mẽ ở Tuệ Trung Thượng sĩ cũng như ở Trần Nhân Tông.

Từ quan niệm về Phật tính như trên, Thiền Huệ Năng đã mở ra một đường hướng tu hành, đường hướng giác ngộ cho số đông. Những người có thể biết chữ có thể không biết chữ, có thể xuất gia, có thể không xuất gia, ai có thể quay về với bản tâm tự tại thanh tĩnh của  mình, có thể diệt vọng niệm, loại thị phi... là có thể kiến tính thành Phật. Mọi công việc đời thường  và công việc tu hành không phân biệt. Bổ củi, gánh nước đều là diệu đạo. Và cũng do nhân tính và Phật tính hợp làm một, nên Phật tính cũng không tách rời nhận thức cảm tính bình thường. Quan niệm về Phật tính và phương pháp tu hành minh tâm kiến tính là hai vấn đề không thể tách rời. Phật tính luận là tiều đề triết học, cơ sở triết học, còn minh tâm kiến tính là phương pháp tu dưỡng. Chính đặc sắc này đã tạo ra cho Thiền Tông nói chung và Thiền Trần Nhân Tông tinh thần nhập thế, tinh thần " cư trần lạc đạo".

Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông đều là Thiền sư, điều này tự Trần Nhân Tông cũng đã nói rõ, chúng ta không cần phải bàn thêm về điều này. Gốc rễ xa xôi tư tưởng của Trần Nhân Tông là Thiền Huệ Năng cũng là điều nhiều người công nhận. Cái đặc sắc của Trần Nhân Tông chính là sự đúc rút và thể ngộ của một thực tiễn tu hành. Ông chứng ngộ trong thực tiễn con đường tu tâm một cách phù hợp với bản thân ông và người Việt đương thời. Điều mà Quốc sư Phù Vân nói với Trần Thái Tông : " Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật"[10], hay như điều mà Trần Nhân Tông nói : " gia trung hữu bảo hưu tầm mịch; Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền", thực chất là  sự thể nghiệm và truyền thừa tư tưởng cốt lõi Thiền Tông.  Cả chiều hướng nội về Tự tâm, kiến tính và đối cảnh vô tâm đều tạo cơ sở cho tinh thần nhập thế, có được lạc thú giữa đời thường. Nó là một loại lạc thú mang tính tôn giáo. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ " Đối cảnh vô tâm". Khi tâm đạt tới thanh tĩnh, mà thanh tĩnh vốn là bản tính của tâm, thì vạn pháp không sinh, vạn pháp không diệt. Cảnh không làm động tâm, tâm không làm động cảnh. Ở trần mà không còn tâm danh lợi, ở trần mà thị phi sạch làu, ở trần mà động niệm không khởi...Đó là nhập thế mà không còn thế, trong nhập thế có xuất thế, xuất thế ngay trong cuộc đời.

Đọc lại một bài Cư trần lạc đạo phú, đúng như đầu đề của nó, toàn bài phú diễn tả một cách sinh động  rất nhiều phương diện của đời sống tu hành, với  những lạc thú tinh thần trong cõi tục, trong đó tư tưởng Phật tính tự tâm và phương pháp tu tâm là trục xuyên suốt và kết nối. Ông nói:

Nếu mà cốc ( biết),

Tội ắt đã không.

Phép học lại thông,

Gìn tính sáng, mựa ( chớ) lạc tà đạo.

Thửa ( biết) mình học, cho phải chính tông,

Chỉn( chỉ) Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ.( Hội thứ Ba)

" Gìn tính sáng", " Bụt là lòng", thực chất là nói chuyện Minh tâm kiến tính, tức tâm tức Phật. Lại nói:

Vậy mới hay!

Bụt ở cong ( trong) nhà.

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuấy bổn(  quên gốc) nên ta tìm Bụt;

Đến cốc ( biết)hay chỉ Bụt là ta. ( Hội thứ 5)

Đó vẫn là tư tưởng Phật tại tâm, tức tâm tức Phật. Hay chuyện  tâm bản thanh tĩnh, minh tâm kiến tính được ông thông diễn Nôm rất thành công : "Dồi cho vằng vặc tính gương, Nào có nhuốm căn trần huyên náo" ( Hội thứ 6). Vẫn những tư tưởng quan trọng trên được diễn tả bằng nhiều những cách thức hình ảnh khác, nhưng tựu trung tâm là những vấn đề ấy:

"Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi,

Nội tự tại kinhLòng hằng đọc.

Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài,

Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiền phen lựa lọc. ( Hội thứ 8).

Cái Phật tâm thanh tĩnh sáng láng được người nghệ sĩ  Trần Nhân Tông thể hiện một cách hình tượng hơn, tươi tắn hơn trong những bài thơ khác, chẳng hạn bài  Sơn phòng mạn hứng(I):

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Hoa tận, vũ tình sơn tịch tịch,

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

( Niệm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,

Tâm danh lợi lạnh đi cùng trận mưa đêm.

Hoa rụng hết, mưa tạnh núi tịch mịch,

Một tiếng chim kêu báo một mùa xuân nữa lại qua.)

Cái tâm đã không còn thị phi, danh lợi, cái tâm tịch mịch đó chính là cơ sở để an lạc giữa cõi trần. Rõ ràng  chính Phật tính luận và phương pháp tu Thiền theo cách minh tâm kiến tính, đốn ngộ thành Phật là cơ sở triết học quan trọng nhất của tinh thần cư trần lạc đạo, tinh thần nhập thế của Thiền học Trần Nhân Tông.

2. Vô sở đãi và tùy duyên tùy tục- người dật sĩ tiêu dao giữa cõi trần

Như trên đã trình bày, thái độ nhập thế, cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông cần được nhìn nhận là một thể phức hợp tư tưởng, nó có yếu tố trục tâm và các phương quy chiếu, hội tụ khác. Triết học nhân sinh của Đạo gia có mặt một cách khá đậm nét và là một cách " nói hộ" cho nhiều tư tưởng Thiền.

Cũng trong bài Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông viết về người thầy của mình: " Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ,  cố năng thiệu long pháp chủng..."( Thượng sĩ  hòa ánh sáng cùng đời, chưa từng trái vật, cho nên đã hoằng dương Phật pháp). Tuệ Trung Thượng sĩ từng đắc pháp với Thiền sư Tiêu Dao ( một pháp danh khiến người ta nghĩ tới Trang tử hơn là mạch truyền thừa của Thiền Tông),  lại " nhật dĩ Thiền duyệt vi lạc"[11]( ngày ngày lấy lạc đạo Thiền  làm vui).  Có thể diễn đạt lại những thông tin mà Trần Nhân Tông nói ở trên về sự nghiệp tu hành của Thượng sĩ là:  hòa quang đồng trần, tiêu dao tề vật, không phân biệt ta và vật, ngày ngày tràn ngập lạc thú trong việc tu Thiền, và cũng chính bằng cách đó ông phù trì mở mang được Phật pháp. Nhận xét đó là Trần Nhân Tông nói về sư phụ, nhưng nó cũng  là đắc pháp của chính ông. Một vài tinh thần quan trọng của Đạo gia được vận dụng, vừa là sự bổ sung tư tưởng, vừa là một cách nói cho Thiền.

"Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần - 其光 "[12] là một đặc sắc tư tưởng của Lão tử. Lão tử nêu quan điểm hòa quang đồng trần để giải thích về lẽ Huyền đồng(玄同). Vương Bật chú là: " Không có chỗ nào đặc biệt vinh hiển, thì vật không có chỗ nào tranh nhau; Không có chỗ nào đặc biệt ty tiện, thì vật không có chỗ nào thẹn-无所特显,则物无所偏争也;无所特贱,则物无所偏耻也"). Ngô Trừng chú là: "Hòa, cũng là Bình vậy, biểu thị ý nén mà giấu đi; Đồng, là để nói bình đẳng mà không có chỗ nào khác. Gương vì bụi mà không sáng, phàm đã sáng thì tất có mờ tối, cho nên trước hãy tự giấu ánh sáng đi để hoà  cùng với bụi kia, không muốn thể hiện cái sáng của mình, như vậy thì trước sau không bao giờ bị mờ tối和,犹平也,掩抑之意;同,谓齐等而与之不异也。镜受尘者不光,凡光者终必暗,故先自掩其光以同乎彼之尘,不欲其光也,则亦终无暗之时矣"). Người đời sau dùng " Hòa quang đồng trần" để chỉ triết lý sống nổi chìm cùng thế tục, tùy tục tùy thời hành xử, không để lộ ra một sự khác biệt hay đặc biệt nào. Trong cách nói của Trần Nhân Tông- Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ,  cố năng thiệu long pháp chủng, ta có thể nhận thấy  nó vừa mang nghĩa tùy tục tùy thời hành xử, đồng thời ở tầng thừ triết học, nó cũng để chỉ cả tinh thần bình đẳng, bất nhị, tề vật, một tư tưởng quan trọng ở Thượng sĩ.  Những tư tưởng ấy của Thượng sĩ cũng ảnh hưởng và thể hiện sinh động trong tư tưởng của Trần Nhân Tông.

Như trên đã trình bày, trong sự tu tâm để giác ngộ kiến tính, "Dồi cho vặc vặc tính gương; Nào có nhuốm  căn trần huyên náo", đương nhiên là chính đạo để hành. Tâm đã sáng như gương, căn trần huyên náo không thể vướng bận. Giữ Tâm sáng, mà là thực sáng thì không gì làm mờ được, có cái đó có thể giữa cõi trần mà lạc đạo được. Nhưng  giữ cho gương luôn sáng thì giấu cái sáng đi để hòa cùng bụi kia cũng là thêm một cách. Nó là " Phật- Đạo hỗ bổ"( Phật Đạo bổ sung cho nhau). Tinh thần Hòa quang đồng trần vừa giải thích rõ thêm phương pháp minh tâm, nhưng cũng là gợi ý về con đường nhập thế, cách sống nổi chìm cùng thế gian. Cư trần lạc đạo phú có những đoạn đầy ắp tinh thần Đạo gia:

Say đạo đức, dời thân tâm,

Định nên thánh trí

Mày ngang mũi dọc,

Tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau(Hội thứ Mười).

Đây chính là nhắc tới tinh thần tọa vongtâm trai để đạt tới tề vật, vô sở đãi của Trang tử. Các thiên Tiêu dao duTề vật luận trong sách Trang tử tập trung thảo luận về vấn đề căn cội khiến con người không mất tự do. Con người sở dĩ bị trói buộc tinh thần chính do thái độ phân biệt tốt xấu, thiện ác, bỉ thử, nhân ngã, giàu nghèo, tâm vật...tức là : Đãi. Muốn đạt tới tự do tiêu dao tuyệt đối, người ta cần  loại bỏ chấp đãi, đạt tới Vô sở đãi . Vô sở đãi là  dạng chân thể Một duy nhất của đạo, đó là dạng độc nhất mà vô nhị của vận vật. Nhân cách lý tưởng của Trang tử là : "Chí  nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh  nhân vô danh至人无己,神人无功,圣人无名", cả ba cái đó thực chất là vô sở đãi, là bất nhị, không phân biệt. Trang tử hướng tới cái tự do tiêu dao tuyệt đối, sống hòa làm một với đạo, tức sống theo chân thể, sống theo bản tính. Đó là xét về mặt triết lý, còn phương châm sống thực tế, Trang tử chủ trương sống thuận tự nhiên, sống theo bản tính tự nhiên, sống tùy tục, không cố gắng làm trái, làm khác, đáng làm gì thì làm cái đó theo lẽ tự nhiên, an theo thời xử theo thuận.

Trần Nhân Tông nói Cư trần lạc đạo thả tùy duyên; Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Về chữ nghĩa, tùy duyên là chữ nhà Phật, nhưng sống tùy duyên, đói ăn, mệt ngủ mà tìm lạc thú trong chính cái tùy duyên đó thì nó cũng lại là Trang, mà chất Trang là nhiều. Đó chính là đem tư tưởng tùy tục an thời xử thuận của Trang tử để diễn tả triết lý nhậm vận tùy duyên. Trần Nhân Tông cũng nói rõ ông chẳng khác nào dật sĩ tiêu dao:

Ai ghẻ ( chia rẽ, phân biệt) có sơn lâm thành thị,

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.

Chiền vắng am thanh,

Chỉn thực cảnh đạo nhân du hý. ( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Mười)

Không có sự phân biệt nào giữa sơn lâm hay thành thị,  rừng hoang hay chùa vắng, đạo nhân, dật sĩ hay Thiền sư. Tất cả đều tùy duyên mà lạc đạo giữa cõi trần.

Có rất nhiều cách nói, điển cố trong sách Trang tử được Trần Nhân Tông dùng, hoặc tái tạo để diễn tả những trạng thái tinh thần và hành động của đời sống tu Thiền, chẳng hạn:

Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà Hữu[13];

Kinh xem ba biến, ngồi ngơi mái quốc Tân la. ( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Năm)

Hay:

Địch chăng có lỗ[14],

Cũng bấm chơi xướng thái bình ca. .( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Năm)

Còn trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Trần Nhân Tông thể hiện tinh thần phóng khoáng, tự do tiêu dao không khác gì dật sĩ tu đạo, dưỡng chân.

Công danh chẳng trọng,

Phú quý chẳng màng.

Tần Hán xưa kia,

Xem đà hèn hạ.

Yên bề phận khó,

Kiếm chốn dưỡng thân.

Khuất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Vượn mừng hủ hỉ,

Làm bạn cùng ta.

Vắng vẻ ngàn kia,

Thân lòng hỷ xả.

Thanh nhàn vô sự,

Quét tước đài hoa...

Đọc những bài phú Nôm của các nhà Nho ẩn dật chốn lâm tuyền hay nơi thôn dã  ta cũng đều thấy hình ảnh con người nhiệm tự nhiên, thiên tính bất biến, an nhiên tự lạc như vậy.

Chính tư tưởng hòa quang đồng trần, vô đãi, bất nhị vật, tiêu dao tùy tục an nhiên tự đắc của tư tưởng Lão Trang đã góp phần tạo nên căn cơ triết học cho tư tưởng phàm thánh bất nhị, nhậm vận tùy duyên, cư trần lạc đạo của cả dòng Thiền đời Trần nói chung và Thiền học của Trần Nhân Tông nói riêng. Một chữ Lạc của Trần Nhân Tông có sự góp mặt của cả Tam gia- Nho, Phật, Đạo.

3. Bậc " trượng phu trung hiếu" tu Thiền lạc đạo.

Sự dung hợp tư tưởng Nho Phật đã diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn hình thành Thiền Tông Trung Hoa. Phật tính luận theo kiến giải của Huệ Năng là sự dung hợp quan niệm bản thể Phật tính với Nhân tính, Tâm tính luận của Nho gia.  Không phải chỉ dung hợp về nội hàm của các khái niệm, phạm trù, sự dung hợp đó còn thể hiện ở cả tính khuynh hướng và phương pháp tu dưỡng.

Nho gia là học thuyết nhập thế. Tâm tính học của Nho gia chủ trương tu tâm dưỡng tính ngay trong các quan hệ nhân tình thế tục cha con, anh em chồng vợ. Phương pháp tu dưỡng của Nho gia là hướng vào nội tâm, tự phản tỉnh, tự điều tiết. Nhà nho rất ráo riết trong phương diện truy cầu nội tâm và tự ngã tu dưỡng. Khổng tử nói: " Vi nhân do kỷ diệc vi nhân hồ tai"; " Cầu chư kỷ vô cầu chư ngoại", hay " kiến bất thiện nhi nội tự tụng"...

Quan niệm về Nhân tính là cơ sở triết học của thuyết tu dưỡng. Tu dưỡng theo Nho gia, là nhằm đạt tới sự hoàn thiện của nhân cách, trong tu dưỡng có lạc thú của sự rèn luyện và chế ước. Nho gia không hướng tới thế giới siêu việt, không có cõi giải thoát chung cục, nhưng lại cũng có một thế giới tinh thần tự lạc phong phú đủ làm thỏa mãn tinh thần con người. Lạc thú của Nho gia là lạc thú trong chính sự tu dưỡng, trong việc xử lý các quan hệ. Lạc thú của Nho gia là lạc thú trong cõi hiện thế, cõi đời thực. Họ cảm thấy lạc thú khi học được điều gì áp dụng vào thực tiễn đạo đức tu thân sửa kỷ của mình " học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ", hay cảm giác tự lạc xuất hiện khi phản tỉnh nội tâm thấy không có điều gì lầm lỗi" nội tỉnh bất cứu tắc hà ưu hà hoạn"...Sự siêu việt của Nho gia chính là một loại siêu việt đặc biệt- siêu việt nội tại, siêu việt trong chính tâm tính.

Không thể phủ nhận được, trong  Phật tính luận và phép minh tâm kiến tính, truy tìm nơi mình, không tìm bên ngoài của Thiền phương Nam có sự hiện hữu của Nho gia. Nho gia tiếp nhận của Thiền học rất nhiều để hình thành nên Nho học đời Tống- Minh, cả Lý học và Tâm học, đặc biệt là Tâm học của Vương Dương Minh. Nhưng xưa nay, người ta nói nhiều tới ảnh hưởng của Phật tới Nho mà ít thấy sự ảnh hưởng của Nho tới Phật. Nho gia đã góp phần đáng kể vào việc hình thành quan niệm sự giác ngộ không tách rời con người. Bản thể Phật tính đặt giữa nhân tâm sống động bồi hồi những hỷ nộ ai lạc. Chỉ có điều, hỷ nộ ai lạc trong tâm sẽ được nhà nho làm cho hoàn toàn phù hợp với Lễ, còn Phật gia thì làm cho như nhất, sáng láng, thanh tĩnh.

Trần Nhân Tông còn tiến thêm một bước so với các vị tiền bối của Thiền tông, ông cho rằng nhân nghĩa đạo đức cũng chính là Phật, so với giữ giới hạnh, bỏ tham sân si cũng không có gì khác:

Tích nhân nghì, tu đạo đức,

Ai hay này chẳng Thích Ca.

Cầm giới hạnh, đoạn xan tham,

Chỉn thực ấy là Di Lặc. ( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Tư)

Cái đích của tu hành là giải thoát, thành Phật, nhưng  thành Phật bằng cả con đường tích nhân nghĩa, tu đạo đức thì rất độc đáo, độc đáo theo con mắt dung hợp Nho Phật của Trần Nhân Tông. Ông đặt các phạm trù, các hình mẫu của Nho gia thành các cặp song hành đối đẳng, hỗ bổ với Phật:

Sạch giới lòng, dồi giới tướng,

Nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm.

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,

Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu. ( Cư trần lạc đạo phú - Hội thứ Sáu)

Sự khôn ngoan của Thiền tông chính là không phủ nhận các phạm trù đạo đức của con người thế tục, đặt  các phạm trù trung hiếu vào ngay chính con đường tu dưỡng để minh tâm kiến tính, ngộ đạo giải thoát. Nó dễ được cộng đồng những người cư sĩ tu tại gia chấp thuận và cả Phật tử bình dân không xuất gia khác cũng thấy gần gũi dễ tu. Đọc những dòng này của Trần Nhân Tông, ta mới thấy hết tinh thần khoan dung, phóng khoáng của ông. Nó khác hẳn tinh thần của một số người muốn đề cao tư tưởng Phật giáo của ông nên có phần coi nhẹ sự dung hợp tư tưởng. Đó vừa không đúng tinh thần của ông, vừa làm nghèo nàn chúng.

Cư trần lạc đạo phú là bài phú thể hiện chỉ nam của việc tu hành để chứng ngộ giải thoát, nhưng nó cũng có dáng dấp một bài thánh huấn của Nho gia, dạy dỗ giáo hóa đệ tử, chúng dân. Trần Nhân Tông  khuyên đệ tử, đồng thời cũng là tự khuyến tự miễn:

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo.

Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Bẩy)

Như vậy, người thực hiện đạo quân thần phụ tử,  thờ  chúa thờ cha ngay thảo, là một thực tiễn đạo đức, thực tiễn tu dưỡng. Nó là việc của đời sống thế tục, nhưng tận đạo ấy, tâm tính cũng an nhiên tự lạc. Cái tự lạc đó đồng nhất với việc kiến tính thành Phật. Nó là sự triển khai của tinh thần nhập thế, là hiện thực hóa của cư trần lạc đạo. Nói cách khác nó lại cũng chính là tùy duyên tự lạc. Với nhân nghĩa đạo đức ấy, lại thêm chay lòng lắng dục, "thể tính an nhàn", "muôn nghiệp đều lặng", con người ấy có thể  tùy tục:

Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;

Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa. ( Hội thứ Năm)

Thực chẳng khác gì nhà Nho ẩn dật, an bần lạc đạo với giỏ cơm, bầu nước, gối lên khuỷu tay mà nhìn phú quý tựa chiêm bao, tận hưởng thân tâm nhàn dật.

Những vấn đề của Nho gia được nói tới trong các trước tác của Trần Nhân Tông hoặc là những vấn đề của thực tiễn đạo đức rất gần gũi, thường nhật mà không phải là những vấn đề lý luận cao siêu. Nó được thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc, là những vấn đề đã qua sự chiêm nghiệm, thực hành của bản thân người viết. Nó thành lời khuyên nhủ ân cần giản dị, và đương nhiên gắn kết rất chặt chẽ với thực tiễn tu Thiền. Ở một góc độ nào đó có thể coi Trần Nhân Tông là người đầu tiên chuyển dịch Nôm những khái niệm đạo đức căn bản của Nho gia, chẳng hạn: Trung- ngay; hiếu- thảo; thiện- lành; tâm- lòng; tiến thoái- đi đỗ; tôn sư- thờ thầy...

Có một vài chỗ Trần Nhân Tông đã dùng ngôn từ và cách nói của Nho gia để chuyển tải nội dung tư tưởng của Thiền, chẳng hạn  trong bài tán Tuệ Trung Thượng sĩ:

Vọng chi di cao,

Toản chi di kiên.

Hốt yên tại hậu,

Chiêm chi tại tiền.

Phù thị chi vị,

Thượng sĩ chi Thiền.

( Càng ngẩng nhìn càng thấy cao,

Càng đục  thấy càng cứng.

Thoắt ở đằng trước,

Bỗng lại phía sau.

Cái đó gọi là,

Bậc Thượng sĩ Thiền)

Nguyên  văn của những câu chữ này trong sách Luận ngữ[15]. Nó vốn là lời của  Nhan Hồi ca ngợi  Khổng tử và đạo của ông[16]. Nó đã được Trần Nhân Tông vận dụng và đã " hoán cốt đột thai" cho nó để ca ngợi thầy của mình. Điều đó cũng thuyết minh thêm về sự gần gũi  và sự vận dụng tư tưởng và những vấn đề của Nho gia để khế hợp, hỗ trợ cho tư tưởng Thiền, và đương nhiên nó không hề mâu thuẫn trong tư tưởng của ông.

Về sự vận dụng tư tưởng của Nho gia để  dẫn tải tư tưởng Thiền nhập thế, có những lý do khác thuộc về nhu cầu thực tiễn, hoạt động thực tiễn mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần tiếp sau của bài viết.

 

4. Ông hoàng, nhà chính trị Phật gia - từ triết học đến thực tiễn của Thiền nhập thế

 

Trần Nhân Tông  hòa nhập Thiền cùng nhân thế, ông đem giải thoát và hành động thực tiễn hòa làm một. Đó là một khuynh hướng hành hành động, một cách tư duy và một loại triết lý sống. Nó có cơ sở triết học sâu xa, nhưng  đồng thời nó cũng là sản phẩm của sự thúc ép từ những lý do chính trị, từ nhu cầu chính trị. Những nhu cầu chính trị, thực tiễn trị quốc chính là nhân tố khiến cho những căn cội triết học có điều kiện nảy nở trong thực tiễn hành động.

Cả khi còn ngồi trên ngai vàng lẫn khi đã xuất gia sống đời sống tu hành, Trần Nhân Tông luôn quan tâm tới chính trị, tới lợi ích dân tộc, lợi ích của hoàng tộc. Ở nơi ông, con người của tôn giáo và nhà đại quý tộc chưa từng tách rời nhau. Nó chính là sự kết hợp giữa chính trị và tôn giáo, giữa tôn giáo và vấn đề dân tộc. Vị giáo chủ không chính thức, ông hoàng, nhà dân tộc chủ nghĩa hợp làm một.  Điều này cũng không có gì thực đặc biệt. Các ông vua Nho giáo đời  sau vừa làm vua trên phương diện chính trị, vừa lo tế Khổng, tế Giao, phong cho các thần như một giáo chủ thực thụ. Các nhà quý tộc từ Đông tới Tây đều là những người vừa nắm quyền lực chính trị, vừa thực hành các lễ nghi tôn giáo, vừa đảm nhiệm chỉ huy quân đội, lo việc võ bị với tinh thần tự nhiệm, tự trọng sâu sắc. Thể chế quý tộc và tinh thần thượng võ, tự trọng, tự nhiệm của các vua, các lãnh chúa đời Trần cần nhìn nhận trong một cơ chế thống nhất. Điều này cũng có thể dùng để giải thích nhiều điều về tư tưởng và hành động của Trần Nhân Tông. Rời bỏ ngai vàng đi tu, ông muốn tìm sự thỏa mãn của nhu cầu tâm linh, nhu cầu giải thoát, tìm lạc thú cá nhân. Nhưng với ý thức gốc rất mạnh mẽ về sứ mệnh của quý tộc và lợi ích dòng họ, ý thức dân tộc, ông không chỉ tìm sự giải thoát cho riêng mình. Trần Nhân Tông trong thực tế đã rất tích cực trong việc hoằng dương Phật pháp, súc tiến sự ra đời của một dòng Thiền Việt và một tổ chức có dáng dấp một giáo hội Phật giáo trong cả nước.Ông hành động vừa vì lý tưởng tu hành, nó được giáo lý Phật giáo khuyến khích, nhưng đồng thời  nó lại phục vụ đắc lực cho việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, cố kết nhân tâm. Ông làm điều này rất có kết quả vì người dân nhìn ông với tư cách Phật tử, tín đồ với vị cao tăng, nhưng đồng thời ở đó vẫn có cái nhìn của thần dân với ông vua.  Khi ông phát ngôn và hành xử trong lĩnh vực tu hành, người ta vẫn thấy cái uy của ông hoàng. Khi  nghĩ về ông với tư cách ông hoàng, người ta lại có cái tôn kính tin tưởng của đệ tử, tín đồ với bậc  cao tăng đắc đạo.

Đời Trần đem Phật giáo làm quốc giáo, đó là một hoạt động có chủ đích, nó có tác dụng đề cao vương triều, củng cố ngai vàng và uy tín của dòng tộc. Nhưng chính nhiều vấn đề cũng phát sinh từ đó. Nó không phải không có mâu thuẫn. Khi Trần Nhân Tông khuyên sĩ dân bỏ tham dục, tránh sát sinh, trau dồi thiện tâm, điều đó là đương nhiên  của nhà tu hành. Nhưng ông lại không thể chỉ khuyên họ biết có Phật, biết có xuất gia cầu chứng ngộ giải thoát. Lý thuyết về sự bình đẳng , xóa đi mọi sự phân biệt đẳng cấp, ngã nhĩ...của Phật giáo không phải lúc nào cũng nói  cho xuôi được với tất cả mọi người. Ngoài Phật còn có vua, ngoài bình đẳng còn có tôn ty, có nghĩa quân thầm, có trách nhiệm thần dân với triều đình với quốc gia. Thành ra ông vừa phải khuyến giới, tự khuyến tự miễn  mọi người gắng gỏi để thành bậc Bồ tát trang nghiêm lại vừa khuyên trở thành đấng Trượng phu trung hiếu, vừa lưu ý họ về Đức Phật, lại vẫn phải lưu ý còn có vua, có cha mẹ, có tôn ty trong cuộc sống. Đem tư tưởng Phật giáo để củng cố triều đại, kiến tạo khối đoàn kết dân tộc, chăm lo nhân tâm, Trần Nhân Tông thực chất đã phải làm công việc giáo hóa dân, giáo hóa bằng tư tưởng Phật giáo chứ không phải gì khác. Điều đó khiến ông phải cân nhắc tìm ở đó những gì có thể để cái cao siêu của Thiền không xa cách với cuộc đời. Để giải quyết điều đó tư tưởng Nho gia là hướng bù đắp tốt nhất. Loại tri thức này đã từng được dạy cho các hoàng tử từ thời còn trẻ, nó đã thành tư tưởng chính trị, công cụ để các thiền sư đời Lý đời Trần đi vào triều đình, vào cuộc đời. Làm chính trị không thể chỉ trông chờ ở kinh sách Phật giáo dẫu phong phú sâu sắc bao nhiêu. Tư tưởng Nho gia là một sự bổ sung và cũng là một con đường tạo ra tinh thần tự lạc giữa cuộc đời của Thiền đời Trần. Lợi ích dân tộc và hoàng tộc là sự thúc ép thiền sư Trần Nhân Tông hành động, vừa hoằng pháp vừa, giác ngã, giác tha, vừa lo toan viễn kế cho dân tộc.

Đôi điều tâm đắc -thay lời kết

Tinh thần nhập thế và cư trần lạc đạo của Thiền học Trần Nhân Tông tuy gần nhau và có nhiều điểm giao thoa, xuất nhập,  nhưng thực chất không phải là một. Tinh thần nhập thế chỉ tính khuynh hướng của cả tư tưởng và hành động, nó vừa thuộc tư tưởng Thiền vừa là hoạt động thực tiễn của con người  trước những yêu cầu đa dạng của cuộc sống. Cư trần lạc đạo là chỉ một cảnh giới tinh thần, một phương pháp tu luyện. Trần Nhân Tông nói nhiều tới cái lạc thú ở cõi trần, vẫn vui với đạo, nhưng cư trần ở đây là phân biệt với cõi siêu việt. Người ta còn sống là còn cư trần. Ngay khi đã vào núi tu khổ hạnh, đó vẫn là cảnh giới cư trần.  Trần Nhân Tông nói tới cư trần lạc đạo trên cơ sở nền tảng Phật học vững chắc, một quá trình tu luyện công phu, nội lực mạnh mẽ và trí huệ thượng thặng.  Cũng có thể dùng lời ngợi ca Tuệ Trung Thượng sĩ để nói về ông: " Pháp hải độc nhãn; Thiền lâm tam giác". Ông  thung dung trong Thiền thú,  dấn thân vào đời, hoằng pháp với cái Thiền lý sung mãn. Ta còn nhớ lời  Tuệ Trung Thượng sĩ dặn dò kín đáo Trần Nhân Tông rằng, tự pháp mà ông trao không thể nói cho kẻ phàm nhân được. Vì sao vậy? Triết lý của thầy trò họ giản dị, chan chứa nhân tình, nhưng cũng rất cao sâu, đi mãi không cùng. Kẻ phàm dễ hiểu lầm mà sinh ra xằng bậy.  Giữa cư trần lạc đạo của kẻ đắc pháp với cái tùy tục vô nguyên tắc, đem cái lòng tục hòa với cái tục của đời, cách biệt nghìn trùng nhưng lại cũng gần trong gang tấc. Hiểu đúng  đạo của đấng Giác Hoàng mà noi theo, thì tịnh tiến không ngừng trong Thiền hải, lại có thể đem  tấm lòng Bồ tát cứu thế mà sửa trị, dẫn dắt nhân tâm con người trong thời vị lợi cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Nhưng nếu hiểu sai, hoặc cố ý hiểu sai, thì trước  hết đắc tội với tiền nhân, sau lại nặng nề thêm  nghiệp.

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;,

Sơn lâm chẳng cốc( biết), họa kia thực cả đồ( uổng) công.

Đọc lại lời xưa thấy văng vẳng, bồi hồi.

(Bài viết gửi tham dự Hội thảo kỉ niệm 700 năm ngày mất của Trần Nhân Tông năm 2009)

Hà Nội, thu vãn, năm Mậu Tý

Tại lậu xá Mỹ Đình

[1] PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

2 Thượng sĩ hành trạng

[3] Thượng sĩ hành trạng- Kệ tán Tuệ Trung Thượng Sĩ

[4] Cư trần lạc đạo phú- Kệ yết hậu

[5] Khổng tử- Luận ngữ

[6] Đàn kinh...

[7] Đàn kinh

[8] Chúng ta thấy trong tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông đều nhấn mạnh, tư tưởng: Tâm sinh vạn pháp sinh; Tâm diệt vạn pháp diệt.

[9] Đàn kinh

[10] Trần Thái Tông-Khóa hư lục

[11] Thượng sĩ hành trạng

[12] Câu này  xuất xứ ở chương thứ 56 sách Lão tử. , "挫其锐解其忿,和其光,同其,谓玄同"Tỏa kỳ nhụệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị huyền đồng.

[13] Quê Hà Hữu, trong thiên Tiêu Dao du, Trang tử nói tới địa danh Vô hà hữu chi hương, làng không nơi nào, để chỉ nơi trồng cây Vu, cây Lịch cao mấy vạn dặm và hưởng hết tuổi trời.

[14] Cũng thiền Tiêu Dao du, Trang tử nói tới cây sáo không lỗ, coi đó là Thiên lại( sáo trời). Sáo trời không lỗ, nhưng phát ra thế giới âm thanh tuyệt mỹ, phong phú, và chí lạc mà sáo của người hay sáo của đât không thể  sánh được.

[15] Luận ngữ - cuốn sách ghi lại ngôn từ của Khổng tử và những đối thoại của ngài với học trò.

[16] Nhan Hồi cảm thán về Đạo của thầy: " ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu, dục bãi bất năng, ký kiệt ngô tài nhi hữu sở lập trác nhĩ" (Càng ngẩng trônng càng thấy cao, càng đẽo càng thấy cứng, vừa thấy trước mặt, bỗng lại thấy sau lưng, muốn bỏ cũng không thể được, ta đã vận dụng hết tài trí của ta mà như vẫn có bức tướng sừng sững trước mặt không thể vượt qua được ). Luận ngữ- Nhan uyên.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

  1. Nhiều tác giả: Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần. NXB KHXH, H.1981
  2. Nhiều tác giả: Thiền học thời Trần. NXB Tôn[16] giáo, 2003.
  3. Nguyễn Hùng Hậu: Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. NXB KHXH, H.1997
  4. Nguyễn Duy Hinh: Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam. NXB Hội nhà văn Việt Nam, 1999
  5. Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Lý - Trần nhìn từ thể loại. NXB GD, H.1996.
  6. Nguyễn Phạm Hùng: Thơ thiền Việt Nam - Những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật. NXB ĐHQG, H.1998
  7. Nguyễn Phạm Hùng: Các khuynh hướng văn học thời Lý Trần- NXB ĐHQG, HN. 2008.
  8. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. Tập I. NXB KHXH, H.1977
  9. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. Tập III. NXB KHXH, H.1978
  10. Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần. Tập II. Quyển thượng. NXB KHXH, H.1989
  11. Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam, NXB GD, 1999
  12. Bùi Duy Tân: khảo luận dòng văn học trung đại Việt Nam. NXB ĐHQG, H.2005
  13. Nguyễn Đăng Thục: Thiền học Việt Nam. NXB Thuận Hóa, 1997
  14. Nguyễn Đăng Thục: Thơ Thiền Việt Nam. NXB Thuận Hoá, 1997
  15. Ngô Tất Tố: Văn học đời Trần Việt Nam. NXB Mai Lĩnh, H.1942
  16. Phan Cẩm Thượng: Bút pháp nghệ thuật Phật giáo. NXB Mỹ Thuật, 1996
  17. Nguyễn Duy Hinh: Yên Tử - Vua Trần - Trúc Lâm. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2, H.1977
  18. Nguyễn Duy Hinh: Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. TM.217
  19. Nguyễn Duy Hinh: Phật giáo với văn học Việt Nam. TCVH, số 4, 1992.
  20. Trần Thị Băng Thanh: Thử phân tích hai mạch cảm hứng trong dòng văn học mang dấu ấn Phật giáo thời trung đại. TCVH, số 4. H.1992
  21. Trần Thị Băng Thanh: Những nghĩ suy từ văn học trung đại- KHXH, HN 1999.
  22. Đoàn Thị Thu Vân: Một vài nhận xét về ngôn ngữ thơ Thiền Lý - Trần. TCVH, số 2, H.1992
  23. Đoàn Thị Thu Vân: Quan niệm con người trong thơ Thiền Lý - Trần. TCVH, số 3, H.1993
  24. Tầm Vu: Tìm hiểu đặc điểm của tư tưởng Phật giáo Việt Nam trong thời đại Lý Trần qua tác phẩm văn học. TCVH, Số 2, H.1972

Nguồn: http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=243:trannhantong&catid=85:trit-hc-m-hc-vn-hoa-hc&Itemid=256

Thông tin truy cập

60521505
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2998
10018
60521505

Thành viên trực tuyến

Đang có 187 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website