Chiêu Hổ -Phạm Đình Hổ

Chuyện này lâu nay không ai đề cập đến nữa bởi dường như các nhà nghiên cứu đều nhất trí với quan điểm phủ nhận bắt đầu từ cụ Vũ Tuân Sán: Chiêu Hổ không phải/ không thể là Phạm Đình Hổ(1). Kể cả cố PGS. Đào Thái Tôn, người có những nghiên cứu chuyên sâu về Hồ Xuân Hương cũng không có ý kiến khác.

Tôi nghiên cứu về Phạm Đình Hổ nên vẫn băn khoăn vấn đề này. Cũng như cụ Vũ Tuân Sán, ban đầu tôi cũng nghĩ, cái người đã tự bạch là “Dù có đem các tích truyện Nôm hoặc các trò cờ bạc ca múa rê ta thì ta cũng bịt tai lại chẳng muốn nghe. Ta đã học qua sử thư vậy mà chữ Nôm chẳng biết hết, câu ca bản đàn qua tai rồi lại chỉ nhớ láng máng…” (Vũ trung tùy bút) thì khó lòng mà thích được “cái kiểu” Hồ Xuân Hương.

Gần đây, tìm đọc được một số tài liệu liên quan đến Phạm Đình Hổ tôi lại có suy nghĩ khác.

Chân dung ngài Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Phạm Đình Hổ (范廷琥, 1768 - 1839), quàn tại từ đường Phạm Đình tộc (thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Việt Nam). Ảnh wikipedia

1. Phạm Đình Hổ được phép xưng là Chiêu Hổ

Cụ Vũ Tuân Sán cho rằng, chữ “Chiêu” chỉ dùng cho con của những người đỗ Tiến sĩ, mà thân phụ Phạm Đình Hổ không đỗ Tiến sĩ, nên Phạm Đình Hổ khó có thể được gọi là Chiêu. Thực ra, chính Phạm Đình Hổ trong sách Châu Phong tạp thảo có nói về chữ Chiêu này. Ông cho biết, điển chế thời Hồng Đức nhà Lê quy định, con trai của các quan ở ban văn từ hàm tam phẩm trở lên được bổ vào học ở Sùng Văn quán. Thời Trung hưng, đổi Sùng Văn quán làm Chiêu Văn quán, cho con các quan từ hàm ngũ phẩm vào học. Thời Lê mạt, chế độ thụ nghiệp ở Chiêu Văn quán bị bỏ bê, không được thực hiện nữa, nhưng người ta vẫn theo thói quen gọi con các quan hàm ngũ phẩm trở lên là Chiêu… Phạm Đình Hổ có cha là quan hàm Tam phẩm, theo điển chế, mẹ ông được gọi là Cung nhân, và ông - vốn là một người rất am hiểu điển lễ và thích chứng tỏ mình là loại con nhà nên đương nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội tự xưng là Chiêu - Chiêu Hổ.

2. Phạm Đình Hổ là bậc tài tử

Sách Quốc sử di biên (QSDB) (vừa rồi do nhóm Nguyễn Thị Oanh dịch chú và đã xuất bản), ở tờ 23b (trang 96, QSDB) chép: “Bấy giờ, Thành Quận công là người chuộng văn học, cho nên các văn sĩ ở Bắc Hà như Nguyễn Hồng ở Hải Dương, Phạm Hổ ở Đan Loan, Vũ Dĩnh ở Mộ Trạch, Phan Hoành Hải ở Sơn Nam… đều là khách thường xuyên trong phủ của Quận công, đều là bạn văn chương, được gọi là bậc tài tử”.

Tờ 57a (trang 307, QSDB) chép: “Vua triệu Phạm Hổ vào làm Thự Quốc tử giám Tế tửu. Phạm Hổ là tài tử của đất Đan Loan. Khoa thi năm Kỷ Mão ông đỗ Sinh đồ, đến năm Ất Dậu được đổi là Tú tài. Năm Tân Tỵ được vời vào bái yết nhà vua. Bề trên rất trọng người này, vì thế đem bạc lụa đến mời ra làm quan”.

Như vậy theo tài liệu này, đương thời, Phạm Đình Hổ được xem là bậc tài tử. Mà chữ tài tử thì từ xưa đến nay vẫn thường dùng để chỉ những người có tài, tính cách phóng túng, tự do. Từ điển cũng định nghĩa như vậy.

Cụ Vũ Tuân Sán cho rằng “Toàn bộ văn chương của Phạm Đình Hổ chứng minh rằng ông lúc nào cũng là một học giả chín chắn… không thể là một nhà nho có một đời tư bừa bãi hoặc một nhà nho ngông cuồng…”, cho nên “khó lòng hợp với tính cách của Hồ Xuân Hương, là một người muốn phá phách lễ giáo phong kiến”. Nhưng ở đây Phạm là một tài tử trong một nhóm tài tử nổi danh ở Bắc thành đương thời. Ông từng nhiều lần đi chơi, đi hát cùng bè bạn. Bài thơ Vấn Phan Hoành Hải kể việc ông hẹn Phan đến nghe hát ở đình Chèm nhân dịp tế thần nhưng Phạm không đến:

“Hoành Hải kim tiêu hà vãng

Thiên vương từ lý thính ca

Mặc khách hồng nhan tương đối

Đăng tiền nguyệt hạ như a”

[Hoành Hải đêm nay đi đâu

Trong đền Thiên vương nghe hát

Để khách thơ với người đẹp ngồi nhìn nhau

Trước đèn dưới trăng thế này ?]

Thơ ông còn có nhiều bài rất hay kể về các cuộc hát xướng, nhắc đến đào nương, vậy thì không thể nói là ông không thích hát xướng; ông lại từng làm cả cuốn tự điển chữ Nôm Nhật dụng thường đàm nên cũng không thể bảo là không biết nhiều chữ Nôm.

Với việc Phạm Đình Hổ được liệt vào hàng tài tử, nhận định Phạm Đình Hổ là một nhà nho nghiêm nghị chuẩn mực cần phải xem lại.

3. Phạm Đình Hổ là kẻ thị tài

Phạm Đình Hổ là người thị tài và cũng rất ngang ngược, sự thị tài của ông đã khiến ông bị đồng liêu ghét. Sách Quốc sử di biên chép: “Thự Tế tửu là Phạm Hổ xin từ chức, Hổ là người thẳng tính, giáo pháp rất nghiêm, các học trò từng theo học thầy khác ông không cho nhập môn. Bấy giờ ông đang ở Giám, có vị công tử ra học, ông rút guốc ra ném. Công tử vặn rằng: “Đánh roi là hình phạt trong dạy học, nay ông rút guốc ném tôi là thế nào”. Liền lấy guốc ném trả. Lại nói: “Không phải đại khoa thì không đủ làm khuôn mẫu cho người. Hổ thẹn quá dâng biểu xin về Bắc thành dưỡng bệnh, vua ban cho 100 quan tiền” tờ 64a (318).

Tờ 79b (377) chép: Tháng 8, lại triệu Phạm Hổ thực thụ Quốc tử giám Tế tửu. Trước đó năm Đinh Hợi, Hổ xin về Bắc thành dưỡng bệnh. Nhà vua trọng người ấy nên để trống vị trí đó đợi. Đến đây mệnh cho Quyền Tri phủ Diễm cùng thầy thuốc đến thăm khám. Thấy bệnh đỡ hạ chiếu triệu vào. Hổ từ chối, lấy cớ là chưa thấu suốt sách vở thánh hiền, chưa thỏa lòng mong mỏi của sĩ phu từ sông Gianh trở ra Bắc. Vua không cho, ông lại trở về kinh.

Khi Hổ ở Bắc thành gặp kì thi Hương, con ông làm văn hộ người khác, bị Giáo thụ Hoài Đức đánh roi. Hổ giận nói: “Ta hận không được làm đại quan thôi, chứ còn như đám giáo thụ thì môn đồ ta khối”. Người đời cho là ông quá quắt.

Lại có viên ở đội Cẩm y xin tiền không được, ra đường nói hỗn. Hổ đánh cho chảy máu. Viên Cẩm y ngã xoài ra, ông liền mang nồi đồng ra treo vào cổ anh ta, vu là ăn trộm giữa ban ngày, làm bản cáo trạng tố lên Hình tào Nghi. Nghi sai Quyền Tri phủ Diễm tra hỏi. Diễm đến xử, chỉ bắt tội khi quân và nói: “Hoàng thượng nhiều lần hạ chiếu triệu khanh, khanh lấy cớ dưỡng bệnh từ chối. Đang lúc dưỡng bệnh nặng mà có thể đánh ngã người khỏe mạnh thì ai khỏe đây?” Hổ giận quá đập đầu vào bàn. Diễm cười mà nói: “Cho dù khanh cởi khăn ra đập vỡ đầu cũng không thể vu cho ta tội bức tử khanh, huống hồ đầu vẫn còn quấn khăn thì có đập vào bàn cũng chẳng phương hại gì”. Rồi bắt trói viên Cẩm y cùng chứng cứ, lập án trạng xong bảo với Hổ rằng: “Khanh có quan phẩm, lại được hoàng thượng trọng dụng, Hình tào ở Bắc thành không dám xét xử, phải chờ làm bản sách tấu lên, sự thể phải như vậy”. Hổ sợ, cố xin giảng hòa nên được miễn tội.

Khi Hổ được phục chức thường qua lại Lục bộ đường, bị quan Ngự sử đề tấu lên mách với nhà vua. Nhà vua tha cho và nói: “Hiểu biết, rèn luyện, du chơi và nghỉ ngơi vốn là bản sắc của bậc Nho giả”. Rồi miễn nghị tội. Có viên nhậm tử nọ ở Bối Khê từng chê trách Hổ rằng: “Ông nổi tiếng về văn học, được hoàng thượng trọng dụng, thế mà xuất xử đều sai trái. Bị trong triều ngoài nội đàm tiếu, chỉ riêng ông là không hối chăng?”

4. Phạm Đình Hổ và Hồ Xuân Hương là cặp đôi tài tử - tài nữ

Phạm Đình Hổ và Xuân Hương thân nhau trong khoảng 20 năm đầu của thế kỷ XIX.

Qua một số tài liệu mới phát hiện gần đây, có thể phác ra đôi nét tiểu sử Hồ Xuân Hương như sau: Bà sinh vào cuối thế kỷ XVIII, khoảng từ năm 1770 - 1780, là con gái thuộc dòng họ Hồ nguyên quán làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Họ Hồ là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan ở thời Lê. Theo bài tựa tập thơ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương do Tốn Phong thị viết thì bà là em gái Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785), một đại thần đầu triều thời Lê Hiển Tông - Trịnh Sâm. Nếu vậy thân phụ bà là Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783). Hồ Sĩ Danh đỗ Hương cống năm 1732, ông không ra làm quan nhưng nhờ uy vọng của con mà được ban chức Hàn lâm viện Thừa chỉ(2), hàm Thái bảo, cuộc sống gia đình khá dư dả. Có thể khi Hồ Sĩ Đống làm quan to ở kinh, Hồ Sĩ Danh thường đi về giữa Nghệ An và Thăng Long, tại Thăng Long, ông lấy một người thiếp rồi sinh Hồ Xuân Hương, Xuân Hương là em cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống. Năm 1783, ông Hồ Sĩ Danh mất. Năm 1785, Hồ Sĩ Đống bị trọng bệnh qua đời. Năm 1786, quân Tây Sơn vào Thăng Long phò Lê diệt Trịnh rồi không bao lâu nhà Lê sụp đổ. Gia đình Xuân Hương cũng như nhiều gia đình quan lại ở Thăng Long đang quen sống bằng bổng lộc nhà Lê, sau những biến động dữ dội, trở nên sa sút cơ cực. Từ thời kỳ này bà sống cùng mẹ trong nếp nhà cũ của họ Hồ là Cổ Nguyệt đường(3) ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (khu vực gần Hồ Tây Hà Nội), cha và anh đều đã mất, không còn chỗ dựa, cuộc sống của hai mẹ con khá chật vật, mẹ bà phải buôn bán ngoài chợ để sinh sống. Tuy nhiên, sinh ra trong một dòng họ quyền thế, có truyền thống Nho học, Hồ Xuân Hương lúc nhỏ được đi học và được thừa hưởng nhiều tri thức Nho học từ sách vở của cha anh để lại, vốn là bậc thông minh mẫn tiệp, bà dần có tiếng trong đám văn nhân tài tử đất kinh thành.

Đầu niên hiệu Gia Long nhà Nguyễn, Hồ Xuân Hương đã là một phụ nữ trên dưới 30 tuổi. Bài tựa tập thơ Lưu hương ký cho biết, trong con mắt kẻ sĩ đất cố kinh bấy giờ, Xuân Hương là một người “học rộng và giỏi văn, nhà nghèo mà đẹp, tư tưởng lạ mà diễm lệ, thơ đúng luật mà thanh thoát, xứng đáng là một tài nữ”. Sách Quốc sử di biên cũng chép: “Xuân Hương giỏi thơ văn, hiểu chính sự nên được người đời xưng tụng là bậc tài nữ”. Với tài năng như vậy, bà được nhiều văn nhân tài tử mến mộ. Cổ Nguyệt đường là nơi lui tới xướng họa thơ văn của họ.

Như vậy Phạm Đình Hổ hơn Hồ Xuân Hương chừng chục tuổi. Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1775 - 1780. Một người là tài tử, một người là tài nữ, tuổi tác đủ để có thể chơi được với nhau, không có gì đáng để nghi ngờ nếu cho rằng Phạm Đình Hổ chính là người viết hai câu thơ chiết tự tài tình để đùa Xuân Hương:

“Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt

Vườn Xuân sao để lạnh mùi Hương”.

Hoặc làm những bài thơ trêu chọc nhau như kiểu Xuân Hương xướng:

“Sao nói là năm lại có ba

Trách người quân tử ở sai ngoa

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt

Nhớ hái cho xin nắm lá đa”.

Và Phạm Đình Hổ họa:

“Rằng gián thì năm quý có ba(4)

Trách người thục nữ tính không ra

Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt

Cho cả cành đa lẫn củ đa”.

Như vậy đương thời, Xuân Hương là bậc tài nữ, Phạm Đình Hổ là hàng tài tử. Việc hai người quen biết qua lại ngâm vịnh xướng họa với nhau ở Thăng Long cho đến trước khi Phạm vào Huế làm quan 1822 là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và Phạm Đình Hổ chính là anh chàng Chiêu Hổ tinh quái trong thơ Hồ Xuân Hương.

 Chú thích:

(1) Xem Vũ Tuân Sán: Chiêu Hổ và Phạm Đình Hổ - Tập san Nghiên cứu Văn học số 3/1962.

(2) Là hư chức, không phải thực chức.

(3) Đặt tên theo lối triết tự cổ và nguyệt ghép lại thành chữ Hồ, chỉ nhà họ Hồ.

(4) Tiền thời cổ, năm quan tiền gián mới bằng ba quan tiền quý./.

 Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.444-457.

Thông tin truy cập

60519834
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1327
10018
60519834

Thành viên trực tuyến

Đang có 953 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website