Về “Những truyện cổ tích Việt Nam” do A. Landes công bố trong các năm 1884-1887

20170830. Truyen co VN Landes

Ảnh: Trang bìa cuốn “Contes et légendes annamites” do Adamant Media Corporation xuất bản năm 2001 đăng trên mạng www.shopping.msn.com

 

Người Việt Nam sống bằng lúa gạo và truyền thuyết”. Nhận định lâu đời đó (có lẽ từ thế kỷ 17) vẫn còn nguyên giá trị qua những thử thách của thời gian.

Một trong những cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Nho còn lại cho đến ngày nay là Việt điện u linh (tập). Sách này có thể đã khởi thảo từ thời nhà Lý (1009-1225). Sách Việt điện u linh gồm 28 truyện thần tích.

Sách đầu tiên viết bằng quốc ngữ và xuất bản ở Sài Gòn cũng là một tập truyện cổ tích, đó là cuốn Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, do Trương Vĩnh Ký viết. Cuốn Chuyện đời xưa... này xuất bản lần đầu tiên năm 1866, có 73 truyện, sau đó được tái bản nhiều lần vào các năm 1888, 1909, 1924, 1992 và 1993.(1)

Tuy nhiên không tìm thấy truyện về lúa gạo, trâu bò, bình vôi... trong những tập truyện dân gian nhưng do các nhà Nho thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh nhuận sắc. Truyện Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích phổ biến nhất ngày nay (và cũng có thể ít nhất từ thế kỷ thứ 10) nhưng cũng không thấy có trong những tập trên.

Anthony Landes (1850-1893) đã bổ sung cho những thiếu sót triền miên đó qua tập “Những truyện cổ tích Việt Nam” (Contes et légendes annamites) in từ năm 1884 đến năm 1886 trên tạp chí Excursions et Reconnaissances (Du lãm và quan sát). Năm sau, năm 1887, tạp chí trên lại in dị bản Tấm Cám và nhiều truyện khác của người Chăm, cũng do A. Landes sưu tầm và dịch.

Từ đó về sau, không một ấn bản nào bằng tiếng Pháp về truyện cổ tích Việt Nam có thể sánh được với những công trình của A. Landes.

Ban đầu A. Landes là “quan đầu tỉnh” ở Chợ Lớn, sau đó chuyển sang làm “quan trông coi việc [của dân] bản xứ” ở Nam Kỳ, đồng thời là hội viên Hội Á châu ở Paris. Theo A. Cabaton, hội viên Hội trên thì “Landes hoàn toàn thông thạo tiếng Việt, thấy mình gắn bó với folklore bản xứ; đối với Landes thì nền folklore này thể hiện một cách hồn nhiên và ý nghĩa nhất nền văn minh của những dân tộc mà ông đang sống với họ.”(2) L. Finot, lúc đó là Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, cũng tán thành nhận định trên nên đã trích dẫn toàn bộ đoạn trên vào bài viết của ông về “Những giấy tờ của Landes” (BEFEO, 1903, bộ III, số 4, tr. 657-660).

Gộp cả truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích Chàm thì tất cả có 168 truyện, trong đó có 146 truyện cổ tích, 22 truyện tiếu lâm, cùng nhiều đồng dao, bản sách dẫn (dày 37 trang) và danh sách các tác giả đã dẫn. Tập này gồm tất 

cả các thể loại cổ tích: giai thoại dã sử như truyện Nguyễn Trãi, truyện Hồ Xuân Hương; truyền thuyết như truyện bà chúa Liễu [Hạnh] và hai con, trạng Quình (sic) và trạng Trình, Thần núi Tản Viên; truyện về nguồn gốc vạn vật như Gốc gác con trâu, Hạt gạo; truyện có giáo lý đạo Phật như Nhà sư hóa kiếp thành bình vôi, Sư ông tự thiêu; truyện tiếu lâm như Lũ ăn tham, Bảy bợm nhậu...

Phần lớn những truyện trên được sưu tầm ở miền Nam và, trích nguyên văn lời của A. Landes: “tôi đã cố dịch chính xác nhất lời người kể, đúng như họ đã đọc cho đồng hương của họ ghi lại, những đồng hương này là trung gian giữa họ và tôi.(3) Nhưng cũng có một số lấy từ sách chữ Nho, nhất là từ tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ 16).

Hậu bán thế kỷ 19, người Pháp theo xu hướng đang thịnh hành ở châu Âu, tích cực sưu tầm những truyện cổ tích kỳ lạ ở các nước xa xôi. Họ đã in lần đầu tiên những truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích Cambodge...(4) Và Anthony Landes đã chiếm vị trí danh dự trong những người Âu tiên phong đó.(5)

Landes trội hơn những người khác, người Việt cũng như người nước ngoài, kể cả người Pháp ở chỗ, ông có phương pháp khoa học (sưu tầm trực tiếp từ người địa phương, dịch trung thành từ những bản gốc... số lượng truyện nhiều (chưa bao giờ những tác giả khác có được hơn trăm truyện), xuất bản trước mọi người (từ năm 1884, ít nhất cũng sớm hơn những người khác đến cả một thập niên), diện sưu tầm rộng (ở miền Nam Việt Nam)...

Chính vì vậy, từ khi xuất bản đến nay, Những truyện cổ tích Việt Nam của Landes đã là nguồn tham khảo chính, kinh điển cho những công trình tổng hợp (nói cách khác, là công trình cấp hai) của những tác giả hiện đại về văn học dân gian. Có thể nêu một vài vị như Vũ Ngọc Phan (1955), Nguyễn Đổng Chi (1957), Đỗ Vạn Lý (1959), A.C. Crawford (1966), M. Durand và Nguyễn Trần Huân (1969)...

Những ý kiến sau đây của Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đổng Chi khẳng định giá trị hiển nhiên tác phẩm của Landes.

Say sưa sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Vũ Ngọc Phan kể: “Lúc ấy [khoảng 1955] anh Nguyễn Đổng Chi và anh Hoa Bằng (tức Hoàng Thúc Trâm) được giao nhiệm vụ đến tiếp quản Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ. Hai anh tìm thấy những truyện cổ dân gian Việt Nam do bọn quan cai trị Pháp biên soạn: những sách của Sabatier, Chivas Baron, Landes, Baniafcy,(6)v.v.. Bọn này đến địa phương nào thì bắt các hào lý kể lại hoặc ghi chép lại những truyện cổ dân gian cùng các giai thoại, bọn thông phán, ký lục ở tòa sứ có nhiệm vụ dịch sơ lược ra tiếng Pháp để chúng viết lại. Truyện do chúng viết có nhiều cái sai, cần phải sửa và bổ sung. Dù sao cũng là những tư liệu cần gìn giữ.”(7)

Thấm nhuần ý thức hệ marxiste trong những năm 50-70 của thế kỷ trước ở Việt Nam, dẫu vậy Nguyễn Đổng Chi cũng phải xác nhận: “Truyện cổ Việt Nam còn được góp nhặt lần lượt và tản mạn trong những quyển sách hoặc tập san viết bằng chữ Pháp, và trong các báo chí cận đại. Trong số này phải kể đến một ít công trình sưu tầm tương đối trung thực và khá phong phú như của A. Landes trong tập san Du lãm và quan sát (Excursions et Reconnais-sances) năm 1885-1886...”(8) Chúng ta thấy, Landes là tác giả người Pháp duy nhất được nêu tên.

A. Landes nổi tiếng là thông thạo tiếng Việt nhưng trong hoàn cảnh ngôn ngữ tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19 ở miền Nam. Tất nhiên ông không phải là người Việt chính gốc. Đó là lý do vì sao đây đó trong tác phẩm của ông còn có những hạt sạn, đôi khi khá thô thiển; đó là từ bản năng sắc tộc.(9)

Mặc dù những truyện do Landes tuyển chọn và dịch có thể có điểm này điểm khác cần hoàn thiện nhưng nói chung những truyện đó vẫn được coi như đánh dấu bước ngoặt trong văn học dân gian nước ta.

Tuy nhiên, tác phẩm của Landes vẫn đang nằm dưới nhiều lớp bụi trong những kho sách quý hiếm ở vài thư viện lớn trên thế giới. Công chúng nói tiếng Pháp thực sự không tiếp cận được. Độc giả nói tiếng Việt thì không biết là có những sách đó trên đời. Trách nhiệm của chúng ta - những người trung thực, nghiêm túc và không thiên vị, nói tiếng Pháp cũng như tiếng Việt - là trả lại cho Cesar những gì của Cesar.

Chúng tôi đề nghị:

  1. In lại toàn bộ và dưới hình thức sao chụp bản gốc “Những truyện cổ tích Việt Nam” (1884-1886) và “Những truyện cổ tích Chàm” (1887) của Anthony Landes.
  2. Dịch trung thực những bản đó sang tiếng Việt. Trước những tài liệu trên sẽ có một bài giới thiệu có phê phán, bằng hai thứ tiếng nhằm trả Landes cùng những điểm mạnh và điểm yếu của ông, về vị trí của ông trong lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Khi làm việc đó, sẽ có tham khảo những bản thảo chưa công bố của Landes để ở Thư viện Hội Á châu, đường Hồng y Lemoine, quận 5, Paris, Pháp.

Những thế hệ tương lai nói tiếng Pháp và tiếng Việt sẽ phán đoán những việc làm, dù có hơi muộn của ta. Nhưng, chậm còn hơn không!

Q M

CHÚ THÍCH

  1. Nhà xuất bản Đồng Nai in cuốn này trong hai năm 1992 và 1993 với tên rút gọn là Chuyện đời xưa, bìa trình bày khác nhau nhưng nội dung vẫn là một và thiếu một truyện so với bản gốc in năm 1866.
  2. Journal Asiatique, 1903, bộ 1, đệ nhị bán niên, tr. 155.
  3. A. Landes. Excursions et Reconnaissances, 1884, bộ VIII, tập 20, tr. 297.
  4. Xin xem, thí dụ như: G. Dumoutier (nhiều truyện cổ miền Bắc đăng trong L’Avenir du Tonkin [1887], Revue de l’histoire des religions [1888], Revue d’ethnographie [1889], Archivio per lo studio delle tradizioni populari [1893]), A. Leclère: Cambodge: truyện cổ tích [Paris, Librarie Émile Bouillon, 1895, 308p], C. Janneau (nhiều truyện cổ tích sưu tầm ở miền Nam và in trong Revue indochinoise [1910-1911])...
  5. Nguyen Xuan Hien. Il y a plus d’un siècle (Autour de quelques versions francaises de la Cendrillon vietnamienne). In L’Anthropologie culturelle et le riz au Vietnam. Ann Arbor-Lahaye-Londres-Paris-Tokyo, Centre des Études vietnamiennes, 2001, p. 81.
  6. Có thể đúng thì là Bonifacy.
  7. Vũ Ngọc Phan. Những năm tháng ấy (Hồi ký). Wetminster, Hồng Lĩnh, 1993, p. 398.
  8. Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Quyển một (tập I-tậpII-tậpIII), in lần thứ 8. Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2000, tr. 91. Thực ra những truyện do Landes kể được đăng từ năm 1884 đến năm 1887.
  9. Xin xem, Nguyễn Xuân Hiển. “Những truyện cổ tích Tấm Cám ở Việt Nam”. Bách hợp, 2002, số 7, tr. 229.

* Quảng Minh, Thành phố Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (67), 2008

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60834599
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8321
9068
60834599

Thành viên trực tuyến

Đang có 398 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website