Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: “Vì các ông tới nên chúng tôi phải ra đi”

Nhiều đài truyền hình và báo chí tại Mỹ đã phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thanh Việt (giáo sư tại Đại học Nam California; giải thưởng Pulitzer năm 2016) về vấn đề phân biệt chủng tộc đang ngày một trở nên căng thẳng tại Mỹ.

Thời gian qua, nước Mỹ chứng kiến một loạt các vụ tấn công của những người Mỹ da trắng vào những người Mỹ gốc Á. Ngay từ giữa tháng 3, tại thành phố Atlanta thuộc bang Georgia, một thanh niên da trắng 21 tuổi đã xả súng vào khu tiệm mát xa của người châu Á. Tám nạn nhân thiệt mạng sau vụ xả súng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. 

Là một nhà văn gốc Việt, đến Mỹ tị nạn từ năm 4 tuổi, nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói rằng ông được nuôi dưỡng và thấm nhuần văn hóa Mỹ, suy nghĩ như người Mỹ, nhưng cũng từng chia sẻ đã có lúc coi những bộ phim về chiến tranh tại Việt Nam, ông tự hỏi: mình là người Mỹ đã tham chiến và giết hại người Việt hay mình là người Việt bị người Mỹ giết hại? 

Hiện ông Việt là chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh và giáo sư về tiếng Anh và Hoa Kỳ học tại Đại học Nam California. Các tác phẩm của ông gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và các bài viết trên báo, trả lời trên các kênh tin tức nhiều năm qua đề cập rất nhiều đến cuộc sống của người dân gốc Á tại các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ với những thách thức của cuộc sống hiện tại, trăn trở về quá khứ, nỗ lực hội nhập và khẳng định bản thân của các cộng đồng thiểu số tại Mỹ, đặc biệt là người Việt. 

Kênh tin tức Democracy Now!, một hãng phát thanh chuyên về vấn đề bảo vệ quyền con người và dân chủ tại Mỹ và kênh NBC mới đây đã thực hiện hai cuộc phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thanh Việt có nhan đề Vì các ông tới nên chúng tôi phải ra đi, để nói về nguồn gốc của tình trạng phân biệt chủng tộc đang ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ cũng như thông tin về cuốn sách mới phát hành của ông.  

Phân biệt chủng tộc ở Mỹ không mới 

“Tâm trạng ghét người Á châu tại Mỹ không phải là điều gì mới mẻ. Lịch sử về những hành động bạo lực đối với người dân gốc Á bắt nguồn từ khi có những người gốc Á di cư đến Mỹ. Họ bị đưa tới Mỹ và bị tận dụng sức lao động, nguồn cơn của những phân biệt chủng tộc, giới tính và bóc lột sức lao động”, ông Việt khẳng định.

Trả lời nhà báo Amy Goodman của kênh Democracy Now!, ông Việt chia sẻ, trong lịch sử nước Mỹ từ thế kỷ XIX, sang thế kỷ XX và nay là thế kỷ XXI, con người đã chứng kiến rất nhiều hành vi bạo lực từ riêng lẻ cho đến tập thể tấn công vào cộng đồng gốc Á tại Mỹ. Những hành động đó lặp đi lặp lại theo định kỳ. 

20210621 3

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt trao đổi trực tuyến với kênh tin tức Democracy Now! về nguồn gốc tình trạng phân biệt chủng tộc đang ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ.

Tình trạng phân biệt này luôn gắn chặt với thái độ của Mỹ đối với toàn châu Á nói chung. Thái độ đó có từ thế kỷ XIX, khi Mỹ xoay hướng đến châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, với mục đích tiếp cận các tài nguyên của châu Á. Việc này dẫn đến điều tất yếu liên quan là sẽ có những hoạt động ngược lại là đưa người châu Á di cư tới Mỹ thông qua nhiều mối liên hệ như kinh tế, hoặc chiến tranh tại một số nước châu Á, nơi mà Mỹ tham gia với tư cách liên minh, đồng minh.

Có nhiều tranh cãi trong các vụ bạo lực, mà thủ phạm và nhà chức trách thường tách riêng và cho rằng các vụ bạo lực khi thì xảy ra vì vấn đề phân biệt chủng tộc, có khi lại xảy ra vì phân biệt giới tính. Tuy nhiên ông Việt cho rằng, trong lịch sử từ khi di dân châu Á đến Mỹ, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và bóc lột sức lao động luôn liên kết chặt chẽ với nhau. Hiện các phụ nữ đang lên tiếng đấu tranh tại Mỹ cũng cho rằng không thể tách rời phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính. 

Nhiều phụ nữ Mỹ gốc Á đã phải trải qua một thời gian dài bị quấy rối, bị bắt, bị mời gọi dụ dỗ, bị hãm hiếp, bạo lực tình dục và bị gạt ra ngoài lề xã hội, mà nguyên nhân chính là họ có nguồn gốc Á châu. Nhận thức này lan tỏa khá rộng trong nền văn hóa hiện đại của Mỹ.

Hình ảnh người phụ nữ châu Á, hay người phụ nữ Mỹ gốc Á xuất hiện trên phim ảnh của Mỹ trong vai trò là một đối tượng tình dục hay một gái điếm trong các bộ phim viễn tưởng của Mỹ xuất hiện quá nhiều và từ rất lâu, tạo nên một hiển nhiên trong văn hóa hiện đại của Mỹ. Việc coi phụ nữ châu Á hay phụ nữ Mỹ gốc Á như những đối tượng của phân biệt chủng tộc, tình dục hóa, tôn sùng đàn ông thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Mỹ và châu Âu, bắt đầu ngay từ các cuộc di dân, nhập cư trong lịch sử.

Đơn cử một số vụ bạo lực mà người gốc Á là nạn nhân trong lịch sử. Năm 1871, ngay tại trung tâm thành phố Los Angeles, một đám đông khoảng 500 người Mỹ da trắng giết chết 17 nam giới Trung Quốc. Tiếp sau đó là những vụ giết chóc khác xảy ra tại miền Tây nước Mỹ. Năm 1884, tại Oregon, 34 thợ mỏ người Trung Quốc bị giết hại. Trong lịch sử, nhiều người Trung Quốc đến Mỹ làm việc trên những tuyến đường sắt xuyên lục địa. Sau khi sức lao động của họ không còn được tận dụng nữa, người ta để họ ra đi và tự kiếm sống ở các vùng phía Tây nước Mỹ. 

Vụ xả súng tại Georgia khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á hồi tháng 3.2021 đã làm nạn phân biệt chủng tộc trở nên rất căng thẳng tại Mỹ và hình thành nhiều tổ chức, phong trào bảo vệ người gốc châu Á. Ảnh: Reuters


Rồi sự nhiệt thành chống Trung Quốc giữa tầng lớp lao động người da trắng lại được truyền thông và các chính trị gia khuyến khích nên một lần nữa, những người châu Á khác tại Mỹ lại trở thành vật tế thần cho những thất vọng về kinh tế của tầng lớp lao động người da trắng. Những người châu Á đến Mỹ sau Trung Quốc cũng trở thành đối tượng của sự thù ghét.  

Các vụ phân biệt chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Á đã gia tăng nhiều thập kỷ gần đây. Đáng chú ý nhất là vụ sát hại Vincent Chin hồi năm 1982. Anh ấy là người Mỹ gốc Trung Quốc nhưng bị nhầm là một người Nhật. Hai người lao động của hãng xe hơi Detroit, bực mình vì Mỹ bị Nhật cạnh tranh về kinh tế, đã dùng gậy bóng chày đánh nạn nhân đến chết, mà sau đó cả hai không bị ngồi tù. Năm 1989, năm em học sinh Campuchia và Việt Nam bị bắn chết tại một sân trường ở Stockton bởi một người da trắng, mà ông Việt cho rằng nguyên do liên quan đến cuộc chiến mà Mỹ đã tham dự tại Campuchia và Việt Nam. Năm 2002, sáu tín đồ người Sikh cầu nguyện tại một đền thờ ở Oak Creek bang Wisconsin cũng bị thảm sát bởi một tay súng cực đoan da trắng.

Lưỡng đảng tại Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa”

Ông Việt cũng nhận xét, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Tổng thống Donald Trump thời kỳ ấy và những người ủng hộ ông, nói về bệnh dịch với những cái tên như “Kung flu”, hay “China virus’” chính là biểu hiện gần nhất về thái độ phân biệt, chống người châu Á một cách sâu sắc. Khi những từ ngữ trên được nói ra và lặp đi lặp lại, nó chạm vào sâu thẳm cảm giác bài châu Á. Khi kết hợp điều này với những căng thẳng hiện tại mà đại dịch mang lại, nó tạo ra xu hướng gia tăng rất đáng kể trong những ngụy biện và hành động bạo lực chống người châu Á. Nhiều người đã trải nghiệm điều này trong hơn 12 tháng qua. 

Bên cạnh đó, thái độ chống đối Trung Quốc hiện nay của lãnh đạo cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ khá nguy hiểm, nó góp phần vào tình trạng ngờ vực người gốc Á tại Mỹ. Đây cũng là quan điểm ông đã nêu trong một bài xã luận đồng tác giả đăng trên tờ The Washington Post với tiêu đề: Luận điệu chính trị của lưỡng đảng về châu Á dẫn đến bạo lực chống châu Á ở Mỹ. 

Việc tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa và đối thủ của Mỹ, tiếp tục làm đậm thêm những lo lắng kéo dài lâu nay trong lịch sử Mỹ, khiến người Mỹ hình dung Trung Quốc là một quốc gia rất đáng sợ. Người ta đang vẽ ra một Trung Quốc bí ẩn, có những tính toán về kinh tế, quân sự gây lo lắng cho người Mỹ, mà được cả hai đảng tại Mỹ đẩy lên. Những điều này sẽ làm gia tăng tình trạng nghi ngại của người Mỹ với những người châu Á tại Mỹ nói chung. Theo ông, cả cộng đồng người châu Á và châu Phi tại Mỹ phải cùng nỗ lực hợp tác đấu tranh, giải quyết nạn phân biệt chủng tộc chung với nhau trong tình hình hiện nay. 

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh rồi tiếp tục về sau này, phần lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ, đều có một đối tượng nước ngoài để phụ thuộc vào, đó có thể là Liên Xô hay Trung Quốc. Ông Việt cho rằng, việc cần một đối tượng nước ngoài để nhắm tới là một kiểu ngụy biện chính trị để biện minh cho các khoản chi tiêu khổng lồ trong quân sự. 

Tất nhiên cũng có những lo lắng về Trung Quốc như vấn đề nhân quyền, như việc Trung Quốc hành xử với Tây Tạng, Hồng Kông, Tân Cương. “Nhưng phần lớn những vấn đề trên lại đang bị lợi dụng để biện minh cho lập trường quân phiệt của Mỹ chống lại Trung Quốc, thay vì tập trung vào việc làm sao có thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt kinh tế theo cách thức bất bạo động và không đe dọa”, ông Việt bày tỏ. Và ông Việt cũng cho rằng, sự phẫn nộ của người Mỹ về việc Trung Quốc đối xử với người dân của họ đôi lúc có chút đạo đức giả, vì chính người Mỹ cũng đang loay hoay trong việc chăm sóc cho chính người dân nước Mỹ.

Đầu tháng 3.2021, nhà văn Nguyễn Thanh Việt ra mắt cuốn tiểu thuyết The Committed, cuốn tiếp theo tác phẩm The Sympathizer đã nhận giải Pulitzer 2016. Ảnh: AQ


Một trong những nhận định đáng suy nghĩ nhất mà nhà văn Nguyễn Thanh Việt đưa ra, đó là cảm giác bị chia rẽ trong chính nội tâm, văn hóa của người Mỹ gốc Á đã và đang hiện diện trong suốt lịch sử di dân đến Mỹ. “Chúng tôi, những người châu Á, ở Mỹ hôm nay chính là vì Mỹ đã tham gia vào các cuộc chiến tranh tại châu Á,” ông Việt nói. Hiện nay, có sự phân hóa trong quan niệm về lịch sử và văn hóa Mỹ đối với nhiều người. Một mặt, Mỹ là một đất nước của lý tưởng cao đẹp, của dân chủ, đa nguyên và cơ hội; nhưng mặt khác, Mỹ cũng là quốc gia bắt nguồn chiến tranh và chinh phục, đã thể hiện qua các cuộc chiến tranh ở châu Á.

“Tôi nghĩ rằng, với tư cách là người Mỹ, chúng ta có nghĩa vụ nhận ra sự phức tạp này, nhận ra những khả năng của đất nước này cũng như nguồn gốc của nó, và việc tiếp tục chìm đắm vào các cuộc chiến tranh, diệt chủng và thuộc địa hóa mà đất nước này đã, đang thực hiện”, ông Việt bày tỏ. 

Đầu tháng 3.2021, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên The Committed, là cuốn tiếp theo của tác phẩm The Sympathizer đã nhận giải Pulitzer 2016. Nguyễn Thanh Việt từng chia sẻ trong tác phẩm The Sympathizer, nhân vật cảm tình viên là một điệp viên cộng sản Việt Nam, cuối cùng đã thú nhận anh bị tổn thương rất nhiều bởi những gì đã trải qua, nhưng vẫn chưa phải là hồi kết, và phần tiếp theo được tiếp tục kể trong cuốn The Committed

The Committed là phần thứ hai trong ba phần dự kiến của bộ tiểu thuyết tội phạm của nhà văn. Trong khi bối cảnh của The Sympathizer diễn ra ở Việt Nam và Nam California, thì The Committed lấy bối cảnh ở Paris. Nhân vật chính được giới thiệu là “vẫn tin tưởng về một cuộc cách mạng”, “về thay đổi thế giới”, “về đấu tranh công lý”. Anh đến thủ đô của một đất nước từng khai thác đánh chiếm quê hương và rơi vào thế giới ngầm. 

Trong bài viết đăng trên báo Guardian của Anh ngày 3.4, nhà văn Nguyễn Thanh Việt một lần nữa nói về những trải nghiệm, quan sát, nghiên cứu và lồng ghép trong tác phẩm của mình, nhấn mạnh đến vấn đề nguồn gốc của tình trạng phân biệt chủng tộc, dẫn đến bạo lực kéo dài, mà người châu Á là nạn nhân chính, từ thời Mỹ là thuộc địa cho đến khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 gần đây. Sau khi đại dịch bùng phát, người dân gốc Á, đặc biệt là người Hoa, trở thành mục tiêu trút giận tại Mỹ, và phong trào phân biệt người châu Á đang lan rộng ra toàn cầu, và tăng mạnh tại các nước phương Tây như Anh, Đức, Thụy Điển, Canada đến Úc... 

Lan Chi lược thuật

Nguồn: Người đô thị, ngày 17.6.2021.

Thông tin truy cập

60515520
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7031
12997
60515520

Thành viên trực tuyến

Đang có 204 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website