Lý luận, phê bình văn học marxist ở đô thị miền Nam những năm 1966-1971

Ngay “Từ trong máu lửa” cho đến nay, giới nghiên cứu văn học sử Việt Nam đều công nhận sự hiện hữu của dòng văn học yêu nước tại các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 như là một nhân tố tích cực thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta đi đến thành công. Dòng văn học này cũng dần định hình “ý thức triết học” cho nó, tức là cũng hiện hữu một dòng lý luận, phê bình văn học dựa trên nền tảng lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và tinh thần độc lập dân tộc. Và điểm sáng của dòng lý luận, phê bình này chính là khuynh hướng lý luận, phê bình marxist với những tác giả tác phẩm cụ thể và sắc thái riêng.

Nói “dòng” rồi nói “khuynh hướng” thực ra là để phân biệt tương đối giữa “diện” và “điểm”. Bởi vì văn học yêu nước (gồm cả sáng tác lẫn lý luận, phê bình) là một trong những dòng văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975; và lý luận, phê bình văn học marxist chỉ là một phân nhánh của dòng văn học yêu nước và là một phụ lưu bé nhỏ của con sông lý luận, phê bình văn học phức tạp tại miền Nam giai đoạn này.

Từ đây trở đi, “các đô thị miền Nam” sẽ viết là “miền Nam”.

Sự phục sinh của khuynh hướng lý luận, phê bình văn học marxist

Chặng đường 1954-1965 chính quyền miền Nam, dưới thời Ngô Đình Diệm và sau đó là Nguyễn Khánh, chủ trương đặt chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thực hiện chính sách đàn áp, trả thù những người kháng chiến yêu nước. Về văn hóa văn nghệ, họ chủ trương xây dựng nền văn hóa văn nghệ chỉ huy, thâu tóm các cơ sở báo chí và in ấn vào tay chính quyền, làm tiếng nói đại diện cho chính quyền. Các cơ sở cách mạng tại miền Nam gần như bị đánh bật khỏi các đô thị. Trong khi đó, những cán bộ chiến sĩ văn hóa thời kháng chiến chống Pháp mới thâm nhập Sài Gòn, chủ yếu lo tạo vỏ bọc hợp pháp, phải giấu mình sau trang viết. Hơn nữa lá cờ dân tộc tự do ngụy tín của chính quyền lúc này vẫn gieo được ảo tưởng đối với không ít văn nghệ sĩ… Hoàn cảnh đó khiến cho dòng văn học yêu nước chỉ nhen nhóm một cách thưa thớt, rời rạc. Lòng ái quốc sôi nổi của nhân dân, khí phách hào hùng của cách mạng trong thời 9 năm giờ chỉ còn là những hồi quang hay những ẩn dụ bóng gió xa xôi trong các trang viết của Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Dương Tử Giang, Vũ Hạnh, Kiên Giang…

Phê bình văn học ở chặng đường này, theo Nguyễn Ngọc Lương, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Tin Văn cũng “lẻ tẻ, rời rạc” không kém: “Trước hết nói về ưu với một số báo chí có các mục phê bình, giới thiệu sách trong nước và ngoài nước. Các tạp chí như Bách Khoa, Văn Đàn, Quê Hương, Văn… đặt thành hẳn mục phê bình giới thiệu.Lại có tờ báo chuyên hẳn phê bình giới thiệu như Tin Sách.Từ các tạp chí kể trên đã xuất hiện một số cây bút phê bình công tâm, giúp ích được cho quần chúng độc giả và khuấy động được phong trào văn học nghệ thuật. Nhưng so với một số ưu điểm thì phần khuyết điểm đã khiến cán cân phê bình không có sự liên tục. Những bài viết ra đến với độc giả trong sự lẻ tẻ, rời rạc, nhiều bài chỉ nhằm giới thiệu hơn là phê bình.Những cuộc tranh luận về lập trường, quan điểm, đường lối gần như không hề có.Thoảng hoặc có bộc phát một cuộc tranh luận thì lại hạn chế trong phạm vi cá nhân và thiếu hẳn thái độ thận trọng và đúng đắn”[1].

Do vậy, lý luận, phê bình văn học marxist không có điều kiện vật chất và tinh thần thiết yếu để hình thành. Tất nhiên, ý niệm và sức sống của nó vẫn tiềm tàng, tản mác trong xã hội, trong giới cầm bút có nhiệt tâm với số phận đất nước, dân tộc - như khối rơm khô, chỉ cần một mồi lửa là bùng lên thành đám cháy.

Từ tháng 6/1965 chính quyền miền Nam mới tạm thời ổn định sau gần 10 cuộc đảo chính thật và giả xảy ra liên miên trước đó. Tập đoàn quyền bính mới do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu chủ trương giải quyết vấn đề miền Nam bằng “nắm đấm trên chiến trường”, tức bằng sức mạnh quân sự, nên đã chấp nhận quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Tuy nhiên, động thái đó lại là một sự thất bại về mặt chính trị vô phương cứu chữa đối với chính quyền miền Nam vì từ đây, lá cờ độc lập dân tộc giả mạo đã bị phơi trần ra ánh sáng.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ kéo theo sự băng hoại về đạo đức tinh thần xã hội, sự bùng phát của khuynh hướng văn nghệ viễn mơ, thoát ly thực tại, sự buông xuôi bất lực của chính quyền và sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng khiến cho phong trào yêu nước, chống Mỹ của nhân dân miền Nam, nhất là của giới trí thức, văn nghệ sĩ dâng cao và ngày càng trở nên công khai đối lập với chính quyền.

Ngày 20/4/1966, 118 văn nghệ sĩ ở Sài Gòn ra Tuyên ngôn gửi chính quyền nhằm phản đối quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Họ khẳng định “không đứng trên lập trường nào khác là lập trường dân tộc, không theo chủ nghĩa nào khác là chủ nghĩa yêu nước, không thiên về lý tưởng nào khác là lý tưởng dân chủ, tự do thực sự”[2]. Ngày 6/6/1966, tạp chí Tin Văn ra đời theo chỉ đạo của Đảng ủy khối Văn hóa Khu Sài Gòn - Gia Định, nêu rõ chủ trương: “góp vào tiếng nói của những người Việt Nam tự hào bất khuất, yêu công bằng và tự do” và “hân hoan đón chào tất cả mọi khuynh hướng, quan niệm sáng tác, phong cách thể hiện, ngoại trừ khuynh hướng chống lại dân tộc bằng những hình thức lố lăng, sa đọa”[3]. Ngày 7/6/1966, Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc được thành lập nhằm chống lại khuynh hướng văn hóa đồi trụy, lai căng; để chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

Theo đà những sự kiện này và lợi dụng những kẽ hở trong Đạo luật 019/69, giới trí thức, văn nghệ sĩ xuất bản nhiều tờ báo đối lập như Đất Nước (1967), Tin Sáng (1968), Đối Diện (1969), Trình Bày (1970)… Tin Văn và các tờ báo đối lập tập hợp một đội ngũ cầm bút đa dạng. Đó là những cây bút chuyển hướng sáng tác, không “cam tâm làm con vật hai chân”[4] cho chính quyền sai khiến như Phan Du, Thủy Thủ, Thái Luân, Thái Lãng…; những cây bút trưởng thành “trong máu lửa, vòng kẽm gai”[5] của phong trào đấu tranh sinh viên như Thái Vũ, Trần Hữu Lục, Ngụy Ngữ, Đông Trình, Võ Trường Chinh, Ngô Kha, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San…; những học giả biết “đem những hiểu biết của mình truyền cho những người không được may mắn học hỏi”[6] như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xuân, Thái Bạch…; những “trí thức khuynh tả” như Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Chân Tín, Thế Nguyên (Trần Trọng Phủ)…; những dân biểu đối lập như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung…; những nhà văn, nhà báo của lực lượng cách mạng như Vũ Hạnh (Cô Phương Thảo), Lương Sơn (Hoàng Hà), Triệu Công Minh (Cô Thanh Ngôn), Nguyễn Ngọc Lương (Nguyễn Nguyên), Lê Nguyên Trung (Nguyễn Văn Bổng), Lữ Phương...

Đến năm 1970, miền Nam định hình một nền “Văn học trong tình thế cực đoan”, buộc những trí thức, văn nghệ sĩ “phải chọn lấy giữa một trong hai thái cực của một kiếp người: nghĩa là chúng ta hoặc chỉ có thể trở nên khí phách hoặc trở thành sa đọa mà thôi, ngoài ra không còn gì nữa”[7]. Nhận thức như thế là đã có sự lựa chọn rồi. Một năm sau, trong bài Trí thức khuynh tả tại Việt Nam, Nguyễn Trọng Văn nói rõ về sự lựa chọn đó: “Khi thấy rõ bộ mặt dã man của chế độ, càng thúc đẩy họ về phía lực lượng nhân dân và cách mạng hơn nữa”[8].

Có thể thấy những năm 1966-1971, ở miền Nam xuất hiện các điều kiện vật chất, tinh thần tất yếu để chủ nghĩa Marx và khuynh hướng lý luận, phê bình văn học marxist phục sinh: phong trào phản kháng chính quyền rầm rộ và lan rộng, xu hướng văn nghệ yêu nước phát triển và dâng cao, cơ quan ngôn luận đối lập ra đời nhiều và mạnh, quan điểm lập trường của giới trí thức, văn nghệ sĩ chuyển biến sâu sắc và tích cực, có Đảng Cộng sản lãnh đạo trực tiếp và cụ thể. Thế nhưng từ 1972 đến 1975, với Sắc luật 007/72, chính quyền Sài Gòn gần như triệt tiêu những điều kiện vật chất tinh thần đó, khiến cho dòng văn học yêu nước đi xuống và khuynh hướng lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam chỉ còn lại dư vang.

Nhận diện lý luận, phê bình văn học marxist

Muốn nhận diện lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam, thiết nghĩ cần thấy rõ một thực tế khá phức tạp về thái độ của giới trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước đối với chủ nghĩa Marx, những người cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Trong nhiều bài viết, bài thuyết trình, công trình biên khảo của Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Nguyễn Trọng Văn, Thế Nguyên… bên cạnh nội dung chống Mỹ, “chửi Mỹ”, đả kích chính quyền Sài Gòn, phê phán văn hóa đồi trụy, lai căng, kêu gọi tinh thần dân tộc, đấu tranh cho dân chủ, tự do, hòa bình, các tác giả này còn công khai thể hiện sự thiện cảm của mình đối với chủ nghĩa Marx và văn hóa marxist, chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, những người cộng sản “anh em của tôi” và đặc biệt là đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình thế chính trị và lương tri trí thức thúc đẩy họ ngày càng đến gần với “lực lượng của nhân dân và cách mạng” nhưng không có nghĩa họ đi theo con đường marxist. Họ quan tâm chủ nghĩa Marx vì “chủ nghĩa Mác là một văn hóa.Có một văn hóa mác-xít theo chủ nghĩa Mác đã là nguồn gốc hình thành cảm hứng, những nỗ lực bày tỏ cuộc đời bằng hình tượng, ý tưởng”[9].Họ dành những lời tốt đẹp cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc vì nơi đó có “một đường hướng rõ rệt, một mục tiêu tích cực”[10].Họ kính trọng những người cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vì đó là “những người yêu nước, hy sinh trong đấu tranh cho độc lập”[11]. Họ là những trí thức, văn nghệ sĩ có lập trường khuynh tả “thân cộng” nhưng chưa phải là những cây bút lý luận, phê bình marxist.

Trong khi đó, các cây bút như Vũ Hạnh, Nguyễn Nguyên, Hoàng Hà, Lữ Phương, Triệu Công Minh, Lê Nguyên Trung…, mà sau này chúng ta biết họ đều là những đảng viên cộng sản, những văn nghệ sĩ cách mạng hoạt động trong lòng chế độ Sài Gòn nhưng đương thời họ phải che giấu, thậm chí phải chối bỏ thân phận của mình[12]. Chính những cây bút này mới là chủ thể của khuynh hướng lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam.

Như vậy có thể thấy văn nghệ nói chung, lý luận, phê bình văn học nói riêng ở miền Nam chịu ảnh hưởng hay tác động của chủ nghĩa Marx chiếm một diện khá rộng, gần như bao trùm cả dòng văn học yêu nước; còn lý luận, phê bình văn học marxist chỉ giữ một tỷ trọng tương đối nhỏ trong số đó. Nhỏ nhưng nó có vai trò và đóng góp hết sức to lớn, thể hiện qua nhiều công trình, bài viết khác nhau.

Về lý luận đáng chú ý nhất là các tác phẩm: Chín điểm trong văn nghệ của Vũ Hạnh, khởi đăng trên Tin Văn từ số 1, sau đó in thành sách lấy nhan đề Tìm hiểu văn nghệ (NXB Trí Đăng, 1970); Tìm hiểu tác phẩm văn chương của Lữ Phương, khởi đăng trên Tin Văn từ số 2, sau đó in thành sách lấy nhan đề Mấy vấn đề văn nghệ (NXB Trình Bày, 1967); Tin Văn luyện bút (Viết bút ký) của Lương Sơn, khởi đăng trên Tin Văn từ số 1, sau đó in thành sách lấy nhan đề Công việc viết văn (NXB Gió Đông, 1968). Đây có thể xem là “bộ ba” tác phẩm lý luận về những vấn đề cốt lõi của văn nghệ và văn chương theo quan điểm marxist.

Cuốn Tìm hiểu văn nghệ của Vũ Hạnh đề cập khá toàn diện những vấn đề nguyên lý văn nghệ qua 9 điểm cũng là 9 chương: Văn nghệ - một hình trạng ý thức, Chức vụ cao cả của văn nghệ, Văn nghệ tác động như thế nào, Văn nghệ phản ánh bản chất thực tại, Bên trong văn nghệ sĩ và bên ngoài cuộc đời, Một số biểu hiện tiêu cực trong văn nghệ, Hình tượng trong văn nghệ, Hai chân bốn cẳng, Thạch Sanh - nghệ sĩ số một. Nội dung cuốn sách cho thấy Vũ Hạnh vận dụng khá uyển chuyển, linh hoạt tất định luận kinh tế của chủ nghĩa Marx, phản ánh luận của Lenine, quan điểm giai cấp, thuyết hình tượng… vào việc kiến giải bản chất, đặc trưng của văn nghệ trong mối quan hệ với hiện thực và thực tiễn đời sống con người.

Cuốn Mấy vấn đề văn nghệ của Lữ Phương bàn sâu vào chỉnh thể trung tâm của đời sống văn học là tác phẩm văn chương. Trên lập trường duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, Lữ Phương “xem xét tác phẩm văn chương như một công trình nghệ thuật, một công trình nhân tạo xây nên bằng óc tưởng tượng, có yếu tố cấu tạo từ ngôn ngữ (…).  Nó là một thống bộ do những cơ cấu hình thức, nội dung gắn bó với nhau”[13]. Tác phẩm văn chương, theo ông, không gì khác hơn là “một thực trạng tâm lý xã hội”. Trong cuốn sách, ông thể hiện quan niệm rằng tính hiện thực, tính điển hình, tính đa dạng, tính  độc đáo và đơn nhất, mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố nội dung và các yếu tố hình thức… chính là những phẩm chất, giá trị đặc trưng của tác phẩm văn chương. Qua cuốn sách cho thấy Lữ Phương nghiên cứu khá sâu chủ nghĩa Marx và lý luận văn nghệ marxist để vận dụng vào việc phân tích bản chất xã hội, cấu trúc đặc thù và chức năng chuyên biệt của tác phẩm văn chương với tư cách là một hình thái phán ánh thực tại bằng hình tượng ngôn từ.

Còn cuốn Công việc viết văn củaLương Sơn chủ yếu giới thiệu và hướng dẫn về kỹ năng, mực mẹo trong nghề làm báo, viết văn. Thực ra có thể coi đây là tác phẩm lý luận về thể loại và phương pháp sáng tác văn học. Ông bắt đầu từ việc khu biệt giữa văn học và báo chí, sau đó tiến hành phân chia loại và thể loại văn học cùng cách thức viết tác phẩm theo thể loại. Ông cũng đề cập và giải quyết thấu đáo theo quan điểm marxist về các khái niệm đề tài, chủ đề, tư tưởng trong tác phẩm văn học; về tính hiện thực, tính chân thật khách quan, ý thức trách nhiệm xã hội của nhà văn, về vấn đề chống bệnh hình thức trong văn học…

Những quan điểm cơ bản trong “bộ ba” tác phẩm trên được quán triệt trong các công trình nghiên cứu văn nghệ cụ thể như Đọc lại Truyện Kiều của Vũ Hạnh (NXB Cảo Thơm, 1966), Nhận xét về những tác phẩm của “thần tượng” Francoise Sagan của Cô Thanh Ngôn (khởi đăng trên Tin Văn từ số 3), Phạm Duy đã chết như thế nào của Nguyễn Trọng Văn (NXB Văn Mới, 1971).

Về phê bình, chủ yếu là các bài được đăng trên Tin Văn của Lữ Phương (Đọc Một mình của Võ Phiến, Hiện tượng thoát ly thực tại trong 9 năm văn học Ngô triều, số 1; Những nhà giáo trong văn chương, số 2; Thằng Thuộc con nhà nông, số 4; Những đêm không ngủ, số 5; Vấn đề văn hóa dân tộc với nhà giáo, số 6; Tình đất của Bình Nguyên Lộc, số 8; Đêm không cùng, số 9; Chu Tử và tác phẩm, số 10; Văn chương tiêu thụ, số 10; Dương Nghiễm Mậu, hòn đá trở lại làm người, số 12; Con đường văn nghệ dân tộc ngày nay, số 15…); của Nguyễn Ngọc Lương (Vinh quang của người cầm bút, số 2; Hiện tượng dâm ô, đồi trụy của văn hóa hiện nay, số 10; Bảo vệ phê bình và sinh hoạt dân chủ trong văn nghệ, số 15…); của Hoàng Hà (Bảo tồn, phát huy văn nghệ dân tộc là trách nghiệm của tất cả chúng ta, số 5…); của Vũ Hạnh (Chu Tử và tác phẩm, số 13…); của Lê Nguyên Trung (Nhân đọc Vòng tay học trò, gửi Nguyễn Thị Hoàng, số 11; “Lao vào lửa” nhưng đừng bị để chết cháy, số 13…)…

Nhìn chung khuynh hướng lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam những năm 1966-1971 nổi lên mấy đặc điểm:

- Được phục sinh từ đòi hỏi của thực tiễn phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân và giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhằm phục vụ những mục tiêu thiết thực trước mắt nên lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam có vẻ không mấy gắn bó với môi trường hàn lâm, học thuật mà chủ yếu gắn bó với hoạt động báo chí. Viết lý luận, nghiên cứu hay phê bình các tác giả đều nhắm đến việc đăng báo trước, được số nào hay số đó vì chế độ kiểm duyệt rất gắt gao, nên sự chặt chẽ về văn phong, cấu trúc của các bài viết và công trình thường chưa cao. Cuốn Công việc viết văn của Lương Sơn, và kể cả cuốn Tìm hiểu văn nghệ của Vũ Hạnh cho thấy điều đó.

- Mặc dù kiên trì và vững vàng trên lập trường marxist nhưng viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt, sống trong môi trường văn hóa phức tạp và hướng đến đối tượng công chúng đa dạng nên các tác giả thường thể hiện ý tưởng, quan điểm của mình theo con đường vòng; đó là đứng trên lập trường yêu nước, lập trường dân tộc để trình bày, kiến giải các vần đề nhạy cảm của văn nghệ như vấn đề thế giới quan, vấn đề văn nghệ với chính trị, vấn đề giai cấp tính. Chẳng hạn, nói về chức năng của văn nghệ, Vũ Hạnh cho rằng văn nghệ chủ yếu để ngăn ngừa cái xấu cái ác, chuyển tải luân lý và “bảo vệ chế độ hay đả phá chế độ”. Ông phải mượn hình ảnh “Hai chân bốn cẳng” để bàn về tính nhân bản, chủ nghĩa nhân đạo trong văn chương hoặc phải mượn tiếng đàn của Thúy Kiều, cây đàn của Thạch Sanh để đề cập tính trung thực và sứ mệnh xã hội của người nghệ sĩ trước áp bức bất công và trước kẻ thù xâm lược.

- Viết trong tâm thế phải che giấu thân phận, các tác giả thường pha trộn ít nhiều những quan điểm, khái niệm, từ ngữ khác nhau nên lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam không có được giọng điệu thuần khiết, rắn rỏi, tự tin như lý luận, phê bình văn học ở miền Bắc cùng thời. Thái độ của các tác giả thường mềm dẻo và dung hòa để đạt mục đích hơn là tách bạch rạch ròi đâu là marxist đâu là phi marxist. Vả lại, quan điểm của chủ nghĩa Marx, tự trong bản chất, về văn nghệ vốn là một hệ thống mở; do vậy nên xem biểu hiện này như là sự sáng tạo hơn là sự non yếu về chuyên môn hay sự lơi lỏng về lập trường quan điểm của người viết.

- Các cây bút lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam không nhiều và không chuyên nhưng đều có cá tính, phong cách và đóng góp riêng. Vũ Hạnh sắc sảo, tài hoa, có thiên hướng tài tử; Lữ Phương chặt chẽ, khúc chiết, có thiên hướng hàn lâm; Lương Sơn bình dị, chân phương, có thiên hướng ứng dụng; Nguyễn Ngọc Lương nhạy bén, quyết liệt, có thiên hướng tranh biện; Lê Nguyên Trung nhẹ nhàng, tâm lý, có thiên hướng động viên thuyết phục…

Khuynh hướng lý luận, phê bình văn học marxist ở miền Nam không chỉ có vai trò làm điểm tựa, làm động lực thúc đẩy phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân và giới trí thức, văn nghệ sĩ phát triển mạnh mẽ, đúng hướng mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng và cân bằng giữa các xu hướng, trường phái văn nghệ ở đây. Nó cũng góp phần làm phong phú đời sống lý luận, phê bình văn học dân tộc giai đoạn 1954-1975. Và do vậy, nó phải có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật, số 31/2015.


[1]Bảo vệ phê bình và sinh hoạt dân chủ trong văn nghệ, Tin Văn, số 15 (30/1 đến 15/3/1967).

[2]Hoàng Hà, Bảo tồn, phát huy văn nghệ dân tộc là trách nhiệm của tất cả chúng ta, Tin Văn, số 5 (6/8/1966).

[3]Lá thư gửi bạn đọc, Tin Văn, số 1 (6/6/1966).

[4]Lý Chánh Trung, Những con vật có hai chân, Đất Nước, số 2, tháng 12/1967.

[5]Nguyễn Trọng Văn, Trí thức khuynh tả tại Việt Nam, Đối Diện, số 26, tháng 8/1971.

[6]Nguyễn Hiến Lê, Bọn cầm bút chúng ta làm được gì lúc này, Bách khoa Thời đại, số 262, 1/12/1967.

[7]Trình Bày, Văn học trong tình thế cực đoan, số 9, 1/12/1970.

[8]BĐD.

[9]Nguyễn Văn Trung, Võ trang hay giải giới văn hóa, Tin Văn, số 3, 6/7/1966.

[10]Nguyễn Ngọc Lan, “Văn hóa trong tự do”, Trình Bày, số 9, 1/12/1970.

[11] Nguyễn Trọng Văn, BĐD.

[12]Bức thư ngỏ của nhà văn Vũ Hạnh, Tin Văn, số 13 (không đề ngày).

[13]Tin Văn, số 2, 21/6/1966.

Thông tin truy cập

60532949
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14442
10018
60532949

Thành viên trực tuyến

Đang có 319 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website