So sánh tư tưởng thi học của Kim Thánh Thán và Viên Mai

20170724. Tuy Vien Thi thoai

Trong quyển Tùy Viên thi thoại nổi tiếng của mình, Viên Mai có khen tài thơ của Thánh Thán: “ Kim Thánh Thán hay phê bình tiểu thuyết nên ít người biết đến tài làm thơ của ông; trong bài “Thúc dã miếu” có những câu thơ thật hay, thật thanh tuyệt như sau:         

Chúng hưởng tiệm dĩ tịch,

Trùng ư Phật diện phi.

Bán song quan dạ vũ,

Tứ diện quải tăng y

(Tùy viên thi thoại, Quyển 1, thoại 8)           

(Dịch nghĩa: Mọi tiếng động đã im, côn trùng bay ở mặt Phật. Cửa sổ nửa khép vì mưa đêm. Bốn mặt tường áo sư treo đầy.)      

1.     Chân tình

Cả Kim Thánh Thán và Viên Mai khi bàn về thơ đều đặt vấn đề chân tình lên hàng đầu. Tư tưởng của Thánh Thán và Viên Mai có rất nhiều điểm chịu ảnh hưởng trào lưu tư tưởng cuối đời Minh, và cũng có nhiều điểm tiếp nhận trực tiếp từ Lý Chí. Kim Thánh Thán có thể xem là người ở giữa hai phái Tính linh và phái Cách điệu, chủ trương lý luận của cả hai phái đều ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm về Đường thi của ông. Trong quá trình lưu truyền các tác phẩm phê bình, đặc biệt là sách Kim Thánh Thán tuyển phê thơ Đường, đa số người đọc chú ý đến “Thuyết phân giải” do ông đề xướng mà ít quan tâm đến tư tưởng thi học của ông. Thật ra, “Thuyết phân giải” chỉ là một phần nôi dung trong hệ thống thi học của Thánh Thán mà thôi. Hệ thống tư tưởng thi học của Kim Thánh Thán xuất phát từ sự phản tư đối với lý luận thi học thời Minh. Học giả Tưởng Dần trong sách Thanh sơ thi đần đối Minh đại thi học đích phản tư cho rằng những người sống trong vào đầu thời Thanh có nhận thức tỉnh táo đối với những chi lưu thi học thời Minh. Có thể chia thi học thời Minh làm 3 phương diện khác nhau: mô phỏng phong cách, học phái, giải tri thù tạc(1). Người thời Thanh sơ cho rằng đó cũng là lý do làm cho thi học thời Minh đi vào ngõ hẹp, sáng tác thi ca hoa lệ nhưng không thực tế, tình hình sáng tác không bằng thời Đường Tống.

Cần chỉ ra rằng, vào giữa thời Minh đã có một số văn nhân muốn có sự thay đổi diện mạo thi học thời kỳ này, đại diện có thể kể ra là Hồ Ứng Lân (1551-1602). Ông là nhà lý luận theo phái Cách điệu cải lương, ông muốn phá vỡ định kiến học phái, hấp thụ những tinh hoa của các phái lý luận khác để hoàn thiện hơn thuyết thi học của phái Cách điệu. Để làm điều này, trong thể loại thi thoại, sách Thi tẩu, ông đưa ra lý luận thi học là “Pháp ngộ kết hợp”, cho rằng: “Những người luận bàn về thơ sau thời Hán, Đường, ta tâm đắc một chữ Ngộ của Nghiêm Vũ thời Tống, được chữ Pháp của học giả thời Minh Lý Hiến Cát, đây có thể xem là từ khóa trong trường thiên cổ”. Hồ Ứng Lân cũng giải thích Pháp, Ngộ là gì… Đến thời Thanh, các học giả càng đi sâu phản tư về thi học thời Minh, một bộ phận nhà nghiên cứu thi học đã phá bỏ được định kiến về học phái, sáng lập nên những hệ thống tư tưởng thi học mới. Kim Thánh Thán chính là một trong những người này, cố gắng bổ khuyết cho tư tưởng thi học thời Minh.

Kim Thánh Thán hấp thụ những tinh túy của học phái Tính linh, xem trọng phương thức sáng tác thơ ca “độc trữ tính tình”. Ông từng nói: “Xưa nay, văn chương phát tự tính linh của chính mình, lại nghe tán thưởng chung quanh, chịu áp lực người đi trước, dẫn đến khó thoát khỏi khuôn sáo”(2). Ông lại nói: “Làm thế nào hạn định số câu chữ của thơ? Cái gọi là thơ, chính là trái tim con người bất chợt nghe thấy một âm thanh. Không hỏi ai cả, tinh mơ hay giữa đêm, chẳng ai biết được là có nó… Không có trái tim bất động, mà tiếng nói trái tim lại ngân vang. Không có chuyện trái tim lay động mà lại không phát ra âm thanh. Con tim rung động, miệng phát ra âm thanh đó là thơ, Tử Hạ có viết: “Tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi”(3). Những câu nói này thể hiện sự đồng tình của Thánh Thán đối với phái Tính linh.

Kim Thánh Thán phê bình văn học luôn hàm chứa tình cảm rất sâu sắc, xem bình điểm cũng như là một sáng tác cá nhân, nhấn mạnh, cường điệu những biểu hiện tình cảm cá nhân trong hoạt động phê bình, dẫn dắt làm cho độc giả nảy sinh ra một thứ tình cảm cộng hưởng. Ông nói: “Vở Mái Tây mà Thánh Thán phê bình là văn Thánh Thán, không phải văn Mái Tây...”, “ Các bạn tài tử muôn đời đọc vở Mái Tây của Thánh Thán phê bình ấy là văn của các bạn, không phải văn của Thánh Thán.” Đây là đặc điểm đặc biệt của Kim Thánh Thán, như khi bình bài Tống Lãnh Triều dương hoàn thượng nguyên của Hàn Hồng, câu: “Thanh ty lãm dẫn mộc lan thuyền”, “lãm” cũng là “thanh ty lãm”, “thuyền” chính là “mộc lan thuyền”, nỗi lòng gửi hết vào thuyền lãm”. Kim Thánh Thán thường lồng ghép kinh nghiệm sống của bản thân mình vào trong phần bình thơ. Sự thể nghiệm tình cảm đặc biệt của Kim Thánh Thán, cường điệu hóa nhân tố cá tính, nhân tố tình cảm trong phê bình tâm lý. Điều đó chứng tỏ phê bình đầu tiên là tiếng lòng của nhà phê bình. Đó chính là sự thể hiện vấn đề tính cá nhân của nhà phê bình một cách sắc bén, dứt khoát, làm cho việc thưởng thức tác phẩm theo cách cổ điển, nghĩa là thưởng thức theo cách lĩnh hội cổ nhân chuyển thành việc sáng tạo mới trên nền tác phẩm đã có, việc biểu đạt phê bình trở thành một đối tượng sáng tạo, đây là một sự chuyển biến có ý nghĩa đối với lịch sử phê bình văn học Trung Quốc.

Nhưng mà, Kim Thánh Thán không giới hạn mà còn có những ý kiến bổ sung cho những điều còn hạn chế trong lý luận thi học phái Tính linh thời nhà Minh. Đầu tiên, Thánh Thán cho rằng, khi thi nhân “Độc trữ tính linh”, cần phải có một năng lực lĩnh ngộ thấu suốt: “Văn nhân ngoài lúc động bút thì thôi, chứ văn nhân mà động bút, đôi mắt nhìn thấp xuống trước ngực, tự nhiên có thêm vô số những điều cao xa khúc chiết”(4). “Tự nhiên toàn bộ kiến thức, sức lực, điều ẩn chứa trong lòng, điềm tốt đẹp đều có đủ, sau đó chỉ cần tập hợp sắp xếp lại thôi”’(5). Những quan điểm này rõ ràng mượn từ thuyết Nhập thần của Nghiêm Vũ và thuyết Hứng tượng phong thần của phái Cách điệu cải lương. Những học thuyết này yêu cầu thi nhân có năng lực lĩnh ngộ thấu suốt thế giới, và từ đó đưa nó vào sáng tác tác phẩm. Đây là khiếm khuyết lý luận thi học của phái Tính linh thời Minh. Viên Trung Đạo, người thuộc phái Công an thời Minh từng nói: “Về sáng tác thơ, hạn chế những công thức, cách nói thế nhân bình thường, tích cực biến hóa, nhưng mà lại nhiều lỗi không đem lại được cảm xúc”(6). Kim Thánh Thán ý thức được vấn đề này, thông qua tăng cường năng lực lĩnh ngộ, độ hàm súc của thi ca.

Đương nhiên, chú trọng phương diện tình cảm của thơ bởi Kim Thánh Thán cho rằng tình cảm là linh hồn của thơ ca, điều này cũng thể hiện ở chỗ thi nhân dùng từ, chọn cảnh. Trong phê bình, ta thấy Kim Thánh Thán nhiều chỗ khen thi nhân dùng từ diệu, khen ở chỗ thi nhân chọn dùng từ để diễn đạt hết ý của mình. Ví dụ trong bài Hoàng hạc lâu: “Còn như câu 4 thêm vào “bạch vân”, diệu ở chỗ “có ý không ý, có nói không nói”... Thánh Thán cho rằng khi làm thơ, không chỉ quan tâm tình cảm nông sâu, mà còn là độ bao quát rộng hay hẹp. “Làm thơ không chỉ viết ra những điều từ trái tim mình, mà là nói hộ cho những người có cùng tâm trạng với mình. Nói lên tâm tư của mình thì có thể làm ngòi bút mình rơi lệ; nói được tâm trạng của những người giống mình, thì có thể làm cho người đọc thơ của ta rơi nước mắt”(7). Thánh Thán cho rằng người với người “tâm” tương thông, có thể lan truyền tình cảm với nhau. Thi nhân khi sáng tác thơ nên chú ý đến những tương đồng này, để tránh giống như phái Cảnh lăng thời Minh theo đuổi cái gọi là “U tình đơn súc” (bó buộc nỗi lòng cho riêng mình) một cách hạn hẹp.

Lịch sử nghiên cứu tính tình, theo các trứ tác triết học Trung Quốc cổ đại vốn phân thành hai phạm trù đó là tính và tình. Mạnh Tử với Tính thiện luận, Tuân Tử với Tính ác luận. Hàn Dụ kế tục thuyết “Tam phẩm” Đổng Trọng Thư, cho rằng tính tình là cơ sở của tính linh, tam phẩm tính được quyết định bởi tam phẩm tình. Lý Cao trong Phục tính thư lại tiến một bước đề ra thuyết “Tính thiện tính ác”, cho rằng cái gọi là tính, đó là những quan niệm đạo đức như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; còn tình là phạm trù dùng để chỉ những tình cảm, hỷ, nộ, ái, ố của con người. Viên Mai phản đối thuyết này, cho rằng : “Thuận tri tính vô khả cầu, tổng cầu chi vu tình nhĩ”, cái được gọi là tính tình, thực chất chỉ cái có thể truy cầu cụ thể là tình, chứ không phải là cái tính một cách trừu tượng, điều này quyết định hàm nghĩa của tính tình trong thuyết tính linh. Trong tuyệt đại đa số những lần đề cập đến tính linh của Viên Mai, hai từ tính linh đồng nghĩa với tính tình. Ví dụ như trong Tùy Viên thi thoại: “ Thi giả, nhân chi tính tình dã”; “ thi nan kỳ chân dã, hữu tính tình nhi hậu chân”... Trong Tục thi phẩm thì: “Duy ngã thi nhân, chúng diệu phù trí. Đãn tính tình, bất trứ văn học”. Có thể nói, ba khái niệm tính tình, tình và tính linh là một. Theo quan niệm truyền thống của Nho gia, chí trong “thi ngôn chí” tuy cũng đã bao hàm cả tình bên trong, nhưng tình đó là “Phát hồ tình chỉ hồ lễ nghĩa” theo những quy phạm đạo đức lý luận Nho gia chứ không phải tình tự nhiên, tâm linh; chí bao gồm quan niệm trách nhiệm của Nho gia “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, thực tế, chí cũng là đạo Nho, ngôn chítải đạo về cơ bản không có gì khác biệt. Còn chí trong Thi ngôn chí theo quan niệm của Viên Mai không bị ràng buộc, câu thúc của lễ nghĩa truyền thống, mà mang nghĩa là tình, hay còn gọi là tính tình. Tính tình là nội dung cơ bản của thơ, đồng thời cũng quyết định công năng chủ yếu của nó là tác dụng của mỹ cảm đặc thù, mượn chân tình cảm phát động nhân tâm. Đây là quan niệm nghê thuật có giá trị trong thuyết tính linh của Viên Mai.

Tư tưởng thi học của Viên Mai bắt đầu từ chủ thể sáng tạo thi ca, nhấn mạnh ba phương diện mà chủ thể sáng tạo thi ca cần có đó là: chân tình, cá tính và thi tài. Đặc biệt, Viên Mai xem yếu tố “tình” hay “tính tình” gần như là nội hàm chủ yếu của thuyết tính linh. Các từ “tình”,tính tình”, “tính linh” sử dụng thay thế cho nhau trong Tùy Viên thi thoại, ý nghĩa của chúng nhất trí không gì khác nhau, hai chữ “tính tình” được sử dụng nhiều nhất. Hai chữ “tính tình” này, trong triết học cổ Trung Quốc còn phân ra thành hai khái niệm tính và tình. Viên Mai cho rằng: “Thi giả, nhân chi tính tình dã!” Ông cho rằng tính linh, tính tình, và tình của con người là một. Cách hiểu này của Viên Mai được mọi người đón nhận không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhận được sự tri âm ở nhiều quốc gia. Ý nghĩa tiến bộ của tư tưởng văn học của Viên Mai không chỉ biểu hiện ở thi luận tính linh thuyết, mà còn thể hiện quan điểm ở các phương diện khác của văn học từ văn luận đến sự phát triển của văn học, tác dụng của văn thể v.v. Ông không đề cao Hán học hay Tống học thịnh hành thời Thanh sơ, chủ trương văn không nên chịu sự hạn chế của “đạo thống”, nên căn cứ theo “thiên tính sở trường” của bản thân, “đi sâu khai thác sáng tạo ở một phương diện”. Ông chỉ ra biền văn, cổ văn thể tài nào cũng có cái hay để ứng dụng: “Nhất kỳ nhất ngộ, thiên chi đạo dã; hữu tản hữu biền, văn chi đạo dã. Văn chương thể chế, như các triều y quan, bất phòng hỗ dị, kỳ tướng mạo cố biệt hữu tại dã” (Thư Mao thị bát gia văn tuyển). Ông cho rằng sự phát triển của văn chương mỗi thể tài sẽ có nguyên nhân thời đại và đặc trưng riêng. Đồng thời, ông cũng cho rằng thi ca và văn chương có sự hữu dụng riêng, thi ngôn chí trữ tình, văn tải đạo bản đức, vì thế văn chương càng phải nhã chính, chủ trương phục cổ, mà “thi hữu công chuyết, nhi vô kim cổ” (Đáp Thẩm đại tông bá luận thi thư), không chủ trương phục cổ mà cầu sáng tạo cái mới, không chịu sự câu thúc môn hộ mà cần tiếp thu từ bên ngoài. Có thể thấy tư tưởng văn học của Viên Mai có những quan điểm rất phát triển, có chú ý phân biệt công năng cụ thể của các dạng thức văn học, vì vậy có tác dụng xung kích đối với tư trào hình thức chủ nghĩa và quan niệm văn học chính thống phong kiến, có ý nghĩa tiến bộ so với đương thời. Kim Thánh Thán còn chú trọng khảo sát tình cảm của thi nhân diễn đạt ngay những chỗ vô tự, chú trọng lý giải nội dung của bài thơ. Chú ý đến tâm trạng của người làm thơ để hiểu thơ chứ không chỉ là hiểu thơ trên câu chữ thông thường.

Về phương diện văn học, Viên Mai phản đối bắt chước một cách mù quáng, mỉa mai những người nhắm mắt tôn sùng Đường Tống, coi họ là kẻ “mất cả quốc hiệu, trong lòng không có cá tính”. Ông cho rằng tiêu chuẩn của thơ là “hay” hoặc “dở”, chứ không phải “xưa” hoặc “nay”, “học” rồi phải “biến hóa”, “nếu cấm không được biến hóa, thì dù tạo vật cũng có cái đành chịu”. Đối với thuyết “cách điệu”, ông phê rất gay gắt: “Thơ há có cách cố định hay sao, cách của Quốc phong khác với Nhã, Tụng, lời ca của Cao vũ khác ba trăm bài trong Kinh thi (thi tam bách). Ông nói: “Bốn chữ ôn, nhu, đôn, hậu” chẳng qua là một mặt của thơ ca, không thể bài nào cũng như vậy cả… cho nên tôi chủ trương “hưng, quan, quần, oán” của Khổng Tử là đáng tin cậy, còn “ôn, nhu, đôn, hậu” là không đáng tin cậy. Hoặc giả câu này của Khổng Tử cũng có nói đến, nhưng há chỉ nói một mặt mà thôi đâu, phải làm sao cho thỏa đáng mới được”. Viên Mai còn châm biếm mỉa mai “thơ học vấn” là “nhồi nhét sách điển, tử khí đầy trang, thế mà vẫn khoe là sâu rộng”.

Trong Tùy Viên thi thoại ông phê bình Vương Sĩ Trinh (Nguyễn Đình) chỉ chú trọng tu sức, chứ không chú trọng tính tình, cứ xem mỗi lần ông đến chơi nơi nào cũng có thơ, trong thơ thế nào cũng dùng điển, đủ thấy những nỗi vui buồn, hờn giận của ông ta là không thật”. Ông cũng không bằng lòng với thơ Vương Sĩ Trinh. Trong một bài Vịnh Nhạc Phi, Viên Mai nói:

                        Không theo khuôn sáo cứ ngang tàng,

                        Quanh gối dường như sấm gió vang.

                        Tôi nói văn chương, ông chiến trận,

                        Nghìn thu như một, chí hiên ngang.

Mấy câu đó chứng tỏ rằng tác giả cho làm văn phải “khéo vận dụng, cốt ở lòng mình”.

Chủ trương chính về sáng tác của Viên Mai là đề xướng miêu tả “cảnh ngộ của tính tình”, miêu tả cái linh cảm của cá nhân.

                        Chịu khó tìm thơ sẽ có thơ,

                        Tâm linh điểm ấy chính thầy ta.

                        Trời tà, cỏ nhạt, bình thường vật,

                        Dùng đến đều nên vẻ mịn mà.

Ông mượn lời của Dương Thành Trai nói: “chỉ có người “hiểu cái phong thú” “tả cái tính linh” thì mới là nhà thơ thiên tài. Cái gọi là thuyết “tính linh” cũng từ đó mà ra. Chủ trương tự do chọn thơ cũng liên quan với chủ trương trên, thậm chí ông coi “thơ cung thể” cũng là một cách riêng, không thể bài xích.

Viên Mai đòi hỏi giải phóng khỏi ràng buộc của truyền thống, đòi hỏi tự do trong văn học. Tư tưởng văn học của Viên Mai đánh thẳng vào quan niệm văn học chính thống phong kiến, có ý nghĩa tiến bộ. Nhưng bản thân nó cũng có mặt phiến diện. Từ thực tiễn sáng tác ta thấy ông dựa vào “linh cảm nhạy bén” bộc bạch những cảnh ngộ tính tình của ông, thường là than thở chuyện vụn vặt trong cuộc sống và ca vịnh phong hoa tuyết nguyệt, thiếu nội dung tư tưởng lớn. Phong cách thơ ông có phần chải chuốt, bay bướm.

Tư tưởng là ngọn đuốc soi đường cho ngôn luận của một người, nếu một người chịu sự giới hạn của tư tưởng truyền thống lạc hậu lịch sử trói buộc, sẽ không dám có sáng tạo. Viên Mai cả đời hành sự theo tính linh, tư tưởng không giống người khác, độc lập độc hành, không tin vào Trình Chu, chỉ muốn có thành tựu trong văn học.

2. Cá tính

Đến thời đại Càn Long, Thẩm Đức Tiềm đề xướng “Thuyết cách điệu” lấy ôn nhu đôn hậu làm chuẩn mực; Ông Phương Cương đề xướng “Thuyết cơ lý”, vừa trọng học vấn vừa trọng nghĩa lý. Xét từ bề ngoài thì một người nghiêng về Đường, một người nghiêng về Tống, nhưng kỳ thật thì không có gì khác hơn về sự đề xướng “nho nhã” để trói buộc cá tính. Trong khi đó, trái ngược với chủ trương của hai người trên, chính là “Thuyết tính linh” do Viên Mai đề xướng. Viên Mai trong bài Thanh Thuyết, ông nói rõ tính thích vật chất, thích sắc đẹp là dục vọng của con người. Vậy trách nhiệm của “thánh nhân” là phải thỏa mãn những dục vọng đó của con người một cách cần thiết. Chủ trương về thi ca của Viên Mai, đại để là phục hưng lại lý luận của phái Công an, tức chủ yếu là nhấn mạnh sự bộc lộ tính tình một cách tự nhiên, trọng thị sự thú vị có tính nhẹ nhàng, khôn ngoan và sinh động.

Thánh Thán, Viên Mai đề cao thuyết tính linh phản đối tư tưởng văn nghệ của phái Phục cổ. Trước thời Minh, sau khi nhóm Thất tử xướng đạo chủ nghĩa phục cổ “Văn tất Tần Hán, thi tất thịnh Đường” đã đem lại hậu quả nghiêm trọng cho sáng tác văn nghệ, làm cho việc sáng tác mô phỏng của văn nhân dần đi vào hẻm cụt. Lý Chất trong thuyết Đồng tâm bình kích tư tưởng này một cách sâu sắc: “Thi hà tắc cổ (tuyển), văn hà tất Tiên Tần”, chỉ cần viết ra được cái “Đồng tâm” là có thể có một tác phẩm hay. Phái Công an phát huy tư tưởng của Lý Chất, đề ra một chữ “Biến”, chỉ ra rằng mỗi thời đại đều có đặc điểm văn học riêng, tất yếu phải có tính sáng tạo mới có được tác phẩm có giá trị. Bởi thi văn đều thể hiện tính linh, mà tính linh mỗi cá nhân khác biệt nhau, người ở thời đại khác nhau cũng không giống nhau, cho nên nguyên tắc bình tác phẩm văn chương không thể căn cứ vào thời đại, mà dựa trên có thể viết ra chân tính linh hay không. Trong thuyết tính linh Viên Mai nhắc nhiều đến tính tình, thực ra nói tính tình cũng là nói đến cá tính. Thi nhân phải có cá tính riêng, thể hiện tích lũy riêng của cá nhân thi nhân về các phương diện nghệ thuật, cuộc sống sinh hoạt thường ngày, tư tưởng, có cảm thụ thẩm mỹ độc lập, có thủ pháp nghệ thuật phản ánh đối tượng trữ tình đặc trưng, từ đó mới có thể sáng tạo nên tác phẩm đặc biệt. Viên Mai chủ trương thi nhân phải có cá tính rõ nét, nghệ thuật thể hiện phải được cá tính hóa hoặc phải có tính sáng tạo, ca tụng sáng tác “tính linh độc xuất”, hoặc “độc tả tính linh”. Nhìn một cách cục bộ, “tính linh” mang nghĩa là “cá tính”, nhìn toàn cục thì cá tính luận là một bộ phận không thể thiếu của thuyết tính linh. Thi tài luận trong thuyết tính linh của Viên Mai vừa thể hiện đặc sắc thuyết tính linh thời Thanh, đồng thời cũng thể hiện những bổ sung, hoàn thiện và là một đặc trưng quan trọng để phân biệt với những nhà tính linh khác.

Cùng một sự vật, cùng một phong cảnh, tâm trạng như nhau thì làm thế nào viết được những điều thể hiện được bản sắc riêng, không giống những người khác của mình thì phải có một lựa chọn góc độ tiếp nhận tốt. Trong bài Tảo thu quá Long vũ Lý tướng quân thư trai (Vương Kiện): “Tả sơn tăng thì tất phải tả nơi để rượu của tăng, tả mỹ nhân tất phải tả cái phúc hậu của người đẹp, tú tài phải tả từ những cuộc săn bắn, tả võ quan thì phải tả thú đọc sách cả ông ta, lật ngược lại bản sắc của sự việc, để khẳng định những giá trị tuyệt vời của bản thân sự việc đó.” Bài Xuân tình (Mạnh Hạo Nhiên): “Tả thanh nữ mà tả sắc đẹp là tục bút; nếu tả cô thanh nữ lả lơi thì là ác bút; tất phải tả sự ngây thơ mới là diệu bút. Mà nếu tả sự ngây thơ của thanh nữ mà tả thanh nữ tự tạo sự ngây thơ thì lại tục bút;người khác nói về sự ngây thơ của thanh nữ là ác bút; tất phải tả sự ngây thơ nhưng không nói ngây thơ, đó là diệu bút. Bài thơ này thuần tả về sự ngây thơ nhưng dường như không cố ý tả sự ngây thơ, thật là diệu bút.”

Về tự pháp, ngoài việc dùng tự quý ở chỗ diễn đạt được ý nghĩa, lan truyền tình cảm ra, Kim Thánh Thán còn cường điệu sự tinh luyện trong cách dùng tự, dùng từ, muốn đạt đến độ tinh diệu. Ông tán bài Trùng dương (Cao Thích): “ Xem ông chỉ là bậc lão niên, hoạn chuyết, gia bần, lộ viễn bốn từ này, nhưng ông lại tuyệt vời thay thế bằng bốn số “bách”,“tam”,“ ngũ”,“nhất”, làm người ta khi đọc đến sẽ có một cảm giác như đang lạc vào rừng sâu, um tùm, cây cối dày đặc.” Tán Ôn Đình Quân, phần tiền giải bài Quá Trần Lâm mộ: “Không biết dụ bút thế nào, bỗng trong câu chen vào hai chữ ‘phiêu linh’ hai câu 14 chữ bây giờ như chỉ còn là hai chữ mà thôi.”

3.     Học vấn

Tiếp theo đó, Kim Thánh Thán cho rằng thi nhân nếu muốn có năng lực lĩnh ngộ thấu suốt, phải có trình độ học vấn thâm hậu: “Chỉ có thơ Đường luật mới thể hiện được nỗi lòng, trình độ học vấn. Bốn câu đầu một bài thơ Đường luật viết từ tâm tư, tình cảm nhà thơ, bốn câu sau thể hiện học vấn. Học vấn không thôi không thể hoàn thành được mấy câu chữ này đâu.” Điều được gọi là “lấy học vấn làm thơ” ở đây không giống quan điểm của phái thi học Giang Tây thời Tống, phái Giang Tây cho rằng: “Không câu chữ nào mà lại không có nguồn gốc xuất xứ.” Thánh Thán cho rằng: “Học vấn không thôi không thể hoàn thành được mấy câu chữ này đâu.”

Theo Kim Thánh Thán, học vấn thật sự là tinh thần và ý chí ẩn chứa trong câu chữ. Thánh Thán cũng từng nói: “Người thời Đường ý tứ sâu xa bút lực dày dặn, cho nên một bài thơ luật có thể phân thành tiền giải và hậu giải. Mà những câu chữ trong bài thơ như thế này phải là người đọc vạn quyển mới có thể sử dụng được, cho nên người nay đọc những bài này, càng khó mà nhìn thấy dấu ấn những chỗ khởi phục. Người nay chưa từng đọc vạn quyển, cho nên khi xem thơ Đường luật, lại không thấy những chỗ khởi phục ấy được,… cho nên khổ sở để học làm theo những bài thơ này”(8). Người có được trình độ học vấn mới có thể có sưc cảm ngộ thấu thoát.

Đây cũng là một bộ phận quan trong cấu thành nội hàm thuyết tính linh. Điểm khác biệt với phái Công an là nhấn mạnh phương diện học vấn, ngoài chân còn cường điệu nhã. Trong Tùy Viên thi thoại, “Thi nan kỳ chân dã, hữu tính tình nhi hậu chân, phủ tắc phu diễn thành văn hỷ”. Viên Mai nhấn mạnh học thức ở đây không phải học để vận dụng khảo cứu vào thi văn, mà học vấn để trau dồi tài năng, nhận thức để thể hiện tính tình tốt hơn. Thật ra, Viên Mai khi luận về vấn đề tu dưỡng tài, học, thức của mỗi thi nhân trọng điểm có vẻ cũng không thống nhất, nhưng thực chất là có mối quan hệ tương hỗ, nói rõ cho nhau. Trong Tùy Viên thi thoại, quyển 3 có viết: “Tác sử tam trường, tài, học, thức, khuyết nhất bất khả, dư vị thi diệc như chi, nhi thức tối vi tiên. Phi thức, tắc tài dữ học cụ ngộ dụng hỷ.” Ở đây muốn nói, thi nhân phải “năng tùng nhân nhi bất tuần nhân”, có nghĩa là giỏi biết học hỏi cái hay từ người trước, nhưng phải có khả năng sáng tạo của riêng mình. Cũng trong Tùy Viên thi thoại, quyển 13 viết: “Thế nhân sở dĩ bất như cổ nhân dã, vi kỳ hung trung thư thái thiểu, ngã bối sở dĩ bất như cổ văn giả, vi kỳ hung trung thư thái đa... Độc thư như thực phạn, thiện thực giả trường tinh thần, bất thiện thực giả sinh tật bệnh.” Trong Tùy Viên thi thoại nhận định: “Hữu tính tình tất hữu cách luật, cách luật bất tại tính tình ngoại”, thuyết tính linh của Viên Mai tiến lên thêm một bước so với phái Công an, khi đưa ra những phê phán sâu sắc đối với thuyết cách điệu của Thẩm Đức Tiềm, ông không phủ nhận tuyệt đối vai trò của cách luật, mà sẽ linh hoạt thay đổi theo tính tình của văn nhân. Viên Mai cho rằng cũng phải học tập những sáng tác từ cổ nhân, nhưng không nên nệ cổ, mà phải lấy xuất phát điểm cơ bản từ tính linh của bản thân mình. Đối với việc học tập, Viên Mai chủ trương đa sư: “Thiếu Lăng vân: đa sư thị ngã sư, phi chỉ khả sư chi nhân nhi sư chi dã, thôn đồng mục thụ, nhất ngôn nhất tiếu giai ngô chi sư”.

Tìm hiểu quan niệm thi ca của Kim Thánh Thán và Viên Mai để từ đó hiểu hơn về chính quan niệm của hai nhà phê bình nổi tiếng này, thấy được những đóng góp và cách tân, hiện đại trong tư tưởng; đồng thời có cái nhìn đúng hơn vận dụng đúng hơn phương pháp phê bình văn học Trung Quốc cổ đại.

Chú thích

  1. Tưởng Dần (2006) “Thanh sơ thi đần đối Minh đại thi học đích phản tư, Văn học di sản, số 2.2006.
  2. Kim Thánh Thán (1985), Quán Hoa Đường phê Đường tài tử thi, Nguyên Chẩn (Quá Hoài Dương lâu trình thượng phủ chủ Nghiêm Tư Không lầu tại Giang Lăng tiết độ sứ trạch bắc ngẫu) phê ngữ, Kim Thánh Thán toàn tập, 4, Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, Giang Tô, tr.284.
  3. Kim Thánh Thán, Ngư đình văn quán, Dữ Hứa Thanh Tự chi Chiết, Kim Thánh Thán toàn tập, 4, tr.39.
  4. Kim Thánh Thán, Ngư đình văn quán, Dữ Thẩm Phương Tư Vĩnh Khởi, tr.42.
  5. Kim Thánh Thán, Ngư đình văn quán, Đỗ thi chỉ vĩ, tr.43.
  6. Viên Trung Đạo (1989), Ký Tào Đại Tham Tôn sinh, Kha Tuyết Trai tập, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thuợng Hải, tr.1029.
  7. Kim Thánh Thán, Ngư đình văn quán, Dữ Hứa Thăng Niên, tr. 44.
  8. Kim Thánh Thán (1985), Ngư đình văn quán, Đáp Mẫn Khang Chỉ Vân Kì, Kim Thánh Thán toàn tập, 4, Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, Giang Tô, tr.47.

ThS. Bùi Thị Thúy Minh, Trường Đại học Cần Thơ

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên giám 2016

Thông tin truy cập

60731129
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4520
8619
60731129

Thành viên trực tuyến

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website