Quy chuẩn chính tả sẽ có nhiều thay đổi trong sách giáo khoa mới

20180311 chuan chinh ta

Cách viết tên riêng nước ngoài có sự thay đổi. Ảnh minh họa: Wikihow

 

Dự kiến, cách viết tên riêng nước ngoài sẽ thay đổi, việc sử dụng "i" hay "y" được giữ nguyên như quy tắc 40 năm trước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức hội thảo về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nhận định dự thảo này rất cần thiết trong bối cảnh nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

“Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ba văn bản quy định về chính tả trong sách giáo khoa vào các năm 1980, 1984 và 2003. Nếu không có quy định thống nhất, khó tránh khỏi tình trạng mỗi sách viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy, học và đánh giá kết quả giáo dục”, GS Thuyết nói và cho biết thay đổi lớn nhất của dự thảo là cách viết tên người, tên địa lý và thuật ngữ nước ngoài.

Cách viết tên riêng nước ngoài thay đổi

Tên riêng bao gồm tên người, tên địa lý, tên các tổ chức, đơn vị, danh hiệu, giải thưởng… Theo GS Thuyết, cách viết tên riêng Việt Nam không thay đổi so với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cách viết tên riêng nước ngoài có một số điểm mới.

Những tên riêng nước ngoài được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà đã quen dùng thì giữ nguyên và viết hoa giống như cách viết tên riêng tiếng Việt, ví dụ: Đại Tây Dương, Mỹ, Thượng Hải, Đỗ Phủ…

Các trường hợp còn lại, có ba cách viết. Một là viết nguyên dạng nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Albert Einstein, Thomas Edison, Paris... Hai là chuyển các ký hiệu của chữ viết đó sang chữ Latin đối với những chữ khó viết nguyên dạng, ví dụ: Volga, Moskva, Saint Petersburg... Ba là viết như cách viết trong tiếng Anh đối với trường hợp không chuyển tự được, ví dụ: Tokyo, Nile, Fuzhou...

Đối với những tên riêng liên quan đến nhiều nước thì dùng tên gọi phổ biến nhất hoặc tên phù hợp với ngữ cảnh cụ thể. Trường hợp tên riêng đã phổ dụng quốc tế thì giữ cách viết thông dụng, không viết như nguyên ngữ, ví dụ tên nước có thủ đô là Budapest được viết là của Hungary, không viết là Magyarország.

Thực chất, những quy định này giống như trong Quyết định 240 năm 1984 của Bộ Giáo dục về chính tả và thuật ngữ tiếng Việt trong sách giáo khoa. Theo GS Thuyết, việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối, giúp học sinh tiện tra cứu tài liệu, hay giao dịch bằng tiếng nước ngoài. "Quy định này cũng phù hợp với chương trình giáo dục mới vì học sinh sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3", ông giải thích. 

Tuy nhiên, quy định viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài không áp dụng với sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3. Cấp học này sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối giữa âm tiết, ví dụ: Tô-ky-ô, Mát-xcơ-va.

Ở sách giáo khoa lớp 4 và 5, bên cạnh phiên âm có chua hình thức nguyên dạng trong ngoặc đơn, ví dụ Tô-ky-ô (Tokyo), Mát-xcơ-va (Moskva). Điều này giúp học sinh quen dần với cách viết nguyên dạng tiếng nước ngoài và phù hợp trình độ các em.

Thuật ngữ có tính hệ thống để nguyên dạng

Theo dự kiến của ban soạn thảo, những thuật ngữ tiếng Việt sẵn có hoặc dịch sang tiếng Việt dễ hiểu thì sử dụng các thuật ngữ này, ví dụ các chất vàng, bạc, đồng; hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành...

Những thuật ngữ có tính hệ thống, tính sản sinh cao (tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc) thì viết nguyên dạng tiếng Anh, hoặc viết theo ngôn ngữ thông dụng trong ngành khoa học tương ứng. Ví dụ không dịch hydrogen thành "khinh khí" hoặc không phiên âm thành "hyđrô", "hiđrô", "hy-đrô" hay "hi-đrô" mà viết nguyên dạng tiếng Anh để kết nối với các thuật ngữ liên quan như: hydrocarbon, hydrogen chloride, acid hydrochloric...

“Hãy tưởng tượng, nếu học sinh Việt Nam chỉ quen với tên các chất hóa học dưới dạng phiên âm thì khi thi quốc tế, các em sẽ lúng túng thế nào”, GS Thuyết phân tích.

Cách viết ‘i’ và ‘y’ trở lại 40 năm trước

Cách viết chữ "i" hay "y" sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có âm cuối dự kiến được giữ nguyên như quy định đã có từ năm 1980 của Bộ Giáo dục và Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam để tránh làm xáo trộn thói quen đã hình thành sau gần 40 năm áp dụng, ví dụ: viết là "bác sĩ", không viết "bác sỹ"; viết là "tỉ lệ", chứ không viết là "tỷ lệ".

Dấu thanh đặt ở âm chính

GS Thuyết thông tin, dự thảo quy định đặt dấu thanh vào âm chính. Điều này phù hợp với kết quả phân tích ngôn ngữ học là trong tiếng Việt, thanh điệu bao giờ cũng rơi vào âm chính. Trường hợp âm chính được thể hiện bằng một chữ cái, dấu thanh được đặt trên hoặc dưới chữ cái đó, ví dụ: nhà, vịt, hòa (trong tiếng "hoà", dấu thanh đặt trên âm chính là "a", "o" chỉ là âm đệm). Trường hợp âm chính được thể hiện bằng hai chữ cái, thì:

Đối với các ký hiệu "ia", "ua", "ưa", dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất, ví dụ: bìa, lụa, lửa…

Đối với các ký hiệu "iê", "yê", "uô", "ươ", dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ hai. Ví dụ: biển, thuyền, nhuộm, được.

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh phạm vi áp dụng quy định này là chương trình, sách giáo khoa mới. "Việc sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục sẽ tạo ra một lớp người mới quen với cách viết này, dần dần những quy định mang tính hợp lý sẽ lan tỏa ra toàn xã hội", ông Thuyết nói. 

Nguồn: VnExpress, ngày 8.3.2018.

Thông tin truy cập

60535005
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16498
10018
60535005

Thành viên trực tuyến

Đang có 327 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website