So sánh cách tri nhận không gian trong thành ngữ tiếng Việt và tiếng Hán (qua hai cặp từ “trong – ngoài” và “gần – xa”)

Trong tiếng Việt, các cặp hư từ “trongngoài”, “gần-xa”có một vị trí khá quan trọng trong việc cấu tạo thành ngữ. Khi tham gia vào cấu tạo các đơn vị này, chúng hoạt động như là một cái khung và nhờ có sự lấp đầy các yếu tố từ vựng, cái khung đó trở thành các tổ hợp đơn vị được cố định hóa và có tính hình tượng về nghĩa. Để có thể thấy được cách tri nhận không gian trong thành ngữ của người Việt, chúng ta sẽ lần lượt phân tích sự hoạt động của mỗi một cặp từ.

1. Cặp từ: Trong-ngoài

Xét các ví dụ

(1.1) Trong nhà ngoài ngõ

(1.2) Nói trong có kẻ nghe ngoài

(1.3) Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ biết đâu

(1.4) Chân trong chân ngoài

     Trước hết chúng ta có thể thấy rằng, trong – ngoài là cặp từ được sử dụng để cấu tạo thành ngữ theo phương pháp chêm, xen theo hai cách, như sau:

a. Trong A ngoài B { Các ví dụ (1.1), (1.2)}

b. A trong B ngoài { Ví dụ (1.3), (1.4) }

     Các giới từ “ trong” và “ngoài” ở các ví dụ trên vốn được phái sinh từ các danh từ chỉ không gian tương ứng. Khi tham gia vào cấu tạo thành ngữ, chúng biểu thị cách tri nhận của người Việt về các cách định hướng không gian khác nhau. Ta tạm chia 3 ví dụ trên thành 3 kiểu dạng:

     Dạng 1: Tri nhận không gian theo đối tượng định hướng.

     Đây là trường hợp của (1.1) và (1.2). Ở đây, đối tượng định hướng là phạm vi không gian của một cái nhà (có thể gồm cả vườn) theo sơ đồ dưới đây:

20240314

     Sở dĩ có sự tri nhận như vậy vì ngõ được hiểu là phạm vi không gian bên ngoài khoảng không gian của ngôi nhà và không gian vườn đất thuộc ngôi nhà đó. Ngõ ở đây là khoảng không gian liền kề nối thông từ không gian ngôi nhà và phần đất thuộc sở hữu với nó. Có thể là đằng trước, bên trái, bên phải, thậm chí đằng sau của vị trí nơi ngôi nhà tọa lạc (nhưng thông thường là phía trước).

     Trong câu trên, nhà là đối tượng định hướng. Nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tri nhận không gian. Tình hình sẽ khác đi đối với câu: “Trong xóm ngoài làng / thôn”. Lúc này “nhà” không còn là đối tượng định hướng nữa. Thay vào đó, đối tượng định hướng là một khoảng không gian bao gồm nhiều ngôi nhà liền nhau có quan hệ gần gũi với nhau trong đời sống thường nhật. Như vậy, có một sự khác biệt tinh tế cần lưu ý. Nếu trong trường hợp nhà mà không có người ở thì định hướng không gian trong-ngoài sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Chẳng hạn, đối với một khu nhà mới xây chưa có người ở hoặc một khu nhà bỏ hoang thì không thể có ý niệm này. Như vậy, cái nét nghĩa “nhà có người ở” là rất quan trọng cho việc hình thành cách tri nhận không gian trong các thành ngữ vừa nêu. Đây cũng là nét nghĩa tạo nên phản ánh của cấu trúc nghĩa thuộc phạm trù không gian sang cấu trúc nghĩa thuộc phạm trù xã hội. Ta có các thành ngữ sau đây:

(1.2) Nói trong có kẻ nghe ngoài

(1.3) Nói trong có kẻ nghe ngoài

     Trong (1.2), “Nói trong” được tri nhận là nói trong phạm vi không gian của nhà, còn “nghe ngoài” thuộc phạm vi không gian bên ngoài nhà (a). Từ nghĩa này sẽ hình thành ra nghĩa phái sinh: Chuyện bí mật chỉ một vài người thân với nhau nhưng phải đề phòng người ngoài (không thuộc người trong nhóm) biết được (b). Như vậy, trong thành ngữ (1.2), ta thấy có hai ý nghĩa song song cùng tồn tại. Trong đó, ở nghĩa thứ nhất (a), sự định hướng không gian có thể nhận thấy khá rõ ràng, còn ở nghĩa thứ hai thì lại rất mờ nhạt. Thay vào sự định hướng không gian là việc xác lập mối quan hệ giữa người nói với người nghe. Cụ thể là trong trường hợp (b), người nói và người nghe được hiểu là người trong cuộc. Tình hình này cho phép ta phân xuất nghĩa của thành ngữ (1.3). Với thành ngữ này, ta cũng có hai ý nghĩa tương tự như (1.2). Tuy nhiên, xét về nét nghĩa nổi trội, thì (b) lại nổi trội hơn (a), nghĩa là, ở đây sự định hướng không gian trở nên mờ nhạt, còn nghĩa “quan hệ” lại dễ nhận ra.

     Như thế, con đường đi từ (1.1) đến 1.3) là con đường trừu tượng hóa ý nghĩa không gian trong sự tưởng tượng của cộng đồng ngôn ngữ.Cách trừu tượng hóa này ta cũng gặp trong việc cấu tạo từ của tiếng Việt. Như ta đã biết, người Việt có cách xưng hô rất đặc biệt mà ở các ngôn ngữ khác không có. Chẳng hạn, từ “nhà tôi”. Theo nghĩa chung nhất, “nhà tôi” được hiểu là “cái nhà của tôi”, nơi tôi sinh sống hoặc có quyền sở hữu nó. Theo nghĩa này, “nhà” là một sự vật có độ rỗng, có mái che bằng rơm, rạ, ngói, tôn, hay bê tông…có thể cho con người sinh sống và làm việc trong đó. Ngoài ý nghĩa này (a), “nhà tôi” còn có nghĩa chỉ “người vợ” hoặc “người chồng” (b). Với nhiều ngôn ngữ khác, ý nghĩa (b) hoàn toàn không có. Ta thử so sánh:

Ngôn ngữ                       (a)                                 (b)

Tiếng Việt               nhà tôi vợ/chồng               tôi

Tiếng Anh               my house                           ( – )

Tiếng Nga               moi dom                            ( – )

Tiếng Pháp             ma maison                        ( – )

Tiếng Trung            我家                                    ( – )

     Sự khác biệt này trước hết nằm ở cách tri nhận về mối quan hệ giữa con người và không gian, nói khái quát là cách tri nhận không gian. Với các ngôn ngữ kiểu tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp như vừa nêu, “nhà” được tri nhận là một sự vật thuần túy, còn với tiếng Việt, ngoài nghĩa cơ bản này, nó còn được tri nhận là một khoảng không gian đặc biệt, trong đó vợ chồng chung sống, gắn bó với nhau đến trọn đời. Sự gắn bó này khiến hai người như một và họ hòa vào không gian ấy. Không gian trở thành kẻ đại diện, và mang thêm cái vỏ ngữ nghĩa là “người vợ” hoặc “người chồng” như người ta vẫn thường giao tiếp trong khẩu ngữ. Ở đây cần nói thêm, cách dùng “nhà tôi” với nghĩa là vợ/hay chồng chỉ được dùng trong phong cách khẩu ngữ sinh hoạt và trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật chứ không được dùng trong các phong cách khác như phong cách hành chính – công vụ, phong cách khoa học… chính là vì nó còn mang dấu ấn của nhận thức ngây thơ- một phương pháp tri nhận cổ xưa của người Việt. Nó cũng là một phương thức tư duy tạo nên đặc trưng văn hóa, được gọi là văn hóa trọng tình của người Việt Nam.

     Nếu mô hình hóa bản đồ tri nhận về ngữ nghĩa của trong và ngoài, ta sẽ có hiện tượng đẳng nhất nghĩa như sau: 

trong -> quan trọng, thân tình

ngoài ->  không quan trọng, không thân tình

     Dạng 2. Tri nhận không gian theo đường phân cắt

     Đây là kiểu định hướng không gian thuộc (1.4). Ta giả dụ có một tình huống là, một người đang bước lên ô tô. Một chân anh ta đã bước vào xe, còn một chân vẫn đứng ở ngoài xe. Khi đó lái xe sẽ bảo: “Nào, đi thì vào hẳn đi, sao cứ chân trong chân ngoài mãi thế”. Tương tự như vậy, một vị khách đến chơi nhà khi đã bước một chân vào nhà nhưng còn do dự chưa quyết định có nên vào hay không thì chủ nhà nói: “Kìa, vào hẳn đi, sao cứ chân trong chân ngoài như thế”.Có thể hình dung theo sơ đồ sau:

20240314 2

     Theo cách tri nhận này thì “trong – ngoài” được định hướng theo đường phân cắt ranh giới giữa hai khoảng không gian: một bên là khoảng không gian phía trong xe/ hay (trong nhà) và một bên là khoảng không gian bên ngoài được phân cắt bởi đường bậu cửa.

     Khi một người nào đó ở trong tư thế “chân trong chân ngoài” có nghĩa là anh ta ở trong tư thế chưa dứt khoát và do đó cũng là tư thế “không ổn định”. Đây chính là cơ sở làm nên nghĩa hình tượng của câu thành ngữ (1.4). Câu này có nghĩa là, một người chỉ dành một nửa tâm huyết của mình cho công việc chính, còn một nửa thì làm việc cho nơi khác.

     Dựa vào đường phân cắt để định hướng không gian có thể được xem là một kiểu tư duy khá phổ biến trong một số thành ngữ tiếng Việt. Theo cách này, ta có thành ngữ “ Trong chán, ngoài thèm”, “Trong Nam ngoài Bắc”. Ở đây, sự tri nhận không gian được hình thành dựa theo đường phân cắt ranh giới giữa hai vùng không gian rộng thuộc lãnh thổ quốc gia:

     Phần không gian địa lý từ vĩ tuyến 17 trở lên được gọi là “ngoài”, phần không gian địa lý từ vĩ tuyến 17 trở xuống gọi là “trong”. Đây là đường phân cắt giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam Bắc theo Hiệp nghị Giơnevơ 1954. Nếu ngược thời gian về quá khứ, có thể nhận thấy cách tri nhận này liên quan đến cách tri nhận hình thành từ các thế kỷ trước đó. Cụ thể là, cách nói: “Đàng Trong-Đàng Ngoài” vốn là cách nói được dùng khá quen thuộc từ đời Nguyễn. Theo cách này, “Đàng Trong” được hiểu là khoảng không gian địa lý từ sông Gianh trở vào, còn “Đàng Ngoài” được hiểu là khoảng không gian địa lý từ sông Gianh trở ra. Đây là con sông được chọn làm ranh giới phân cắt địa giới giữa chúa Nguyễn ở trong Nam và vua Lê ở ngoài Bắc.

     Trong tiếng Hán cũng có các thành ngữ kiểu này với kết cấu giống nhau, nhưng về số lượng thì ít, ngữ nghĩa cũng hơi khác. Ví dụ: 皮里膜外 (phiên âm tiếng Hán “Bì lí mạc ngoại”), không được lý giải theo nghĩa đen, mà có nghĩa bóng là hiểu biết nông cạn chỉ thiên về bề mặt thôi, không đi sâu vào nghiên cứu được. Ở đây, da và mạc là hai đối tượng dùng để định hướng và so sánh, khác với nhà và ngõ giữ chức năng ngữ nghĩa khác trong thành ngữ “trong nhà ngoài ngõ”.

     Tương đương với “chân trong chân ngoài”, trong thành ngữ tiếng Hán có 一脚门里,一脚门外(phiên âm tiếng Hán “Nhất cước môn lý, nhất cước môn ngoại”) đối ứng với tri nhận không gian theo đường phân cắt.

     Ngoài ra, trong thành ngữ tiếng Hán còn có một số loại hình cấu trúc ngữ nghĩa khác, như 里外夹攻(phiên âm tiếng Hán “Lý ngoại gia công”) có nghĩa là lực lượng bên trong và bên ngoài hiệp đồng tác chiến. Ở đây, khái niệm trong và ngoài được lý giải thành một khối.

    里应外合 (phiên âm tiếng Hán “Lý ứng ngoại hợp”) là một thành ngữ diễn đạt phương châm chiến thuật nội công ngoại kích, trong ngoài phối hợp. Kiểu cấu trúc nghĩa của hai thành ngữ này là tri nhận không gian theo hai chiều cùng hướng vào một vật chuẩn tắc.

     吃里爬外 (phiên âm tiếng Hán “Ngật lý bà ngoại”) không được lý giải theo mặt chữ nghĩa, mà hiểu theo nghĩa bóng là ăn cây táo rào cây sung. Ở đây, khái niệm không gian trong và ngoài được nguời ta biểu đạt ý nghĩa đã được trừu tượng hoá một cách tương phản.

     墙里开花墙外香 (phiên âm tiếng Hán “Tường lý khai hoa tường ngoại hương”) miêu tả một người nào đó làm ra thành tựu đáng kể nhưng không được nội bộ công nhận mà được người ngoài cuộc mến phục và khen thưởng. Kiểu cấu trúc nghĩa của thành ngữ này là cách tri nhận không gian một chiều là từ A (trong) đến B (ngoài).

     2. Cặp từ: Gần-xa

     Trong các thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, “gần” và “xa” được tri nhận là những khoảng cách không gian mang ý nghĩa tương đối, không đo đếm được chính xác. Nó dùng để biểu thị sự ước lượng có tính cảm tính của người nói về mối quan hệ giữa các sự vật theo hệ toạ độ dùng cho việc định hướng không gian là mặt đất hay mặt nước. Ta có thể hình dung cách tri nhận khoảng cách xa-gần theo sơ đồ dưới đây:

20240314 3

     Theo sơ đồ này, vật chuẩn tắc để định hướng không gian là A. “Gần” và “xa” là khoảng cách không gian được tri nhận theo quan hệ giữa đối tượng được nói tới đối với vật chuẩn tắc. Đường của mũi tên liền mạch chỉ vị trí của vật được nói tới sẽ theo hướng xa dần vật chuẩn tắc, đường của mũi tên đứt đoạn thì theo hướng ngược lại. Cụ thể, trong sơ đồ, B được coi là gần, C được coi là xa thì D được gọi là “tương đối xa” hay “tương đối gần”. Trong tiếng Việt có khá nhiều thành ngữ, tục ngữ có chứa các từ “gần” và “xa” với ý nghĩa chỉ không gian. Để minh hoạ cho cách tri nhận của người Việt về khoảng cách không gian trong thành ngữ, ta sẽ phân tích một số ví dụ sau đây:

(2.1) Đi xa về gần

(2.2) Gần nhà xa ngõ

(2.3) Bán anh em xa mua láng giềng gần

(2.4) Gần đất xa trời

     Trong các ví dụ vừa dẫn, lại có một trường hợp khá đặc biệt là (2.4). Đây là thành ngữ sử dụng cặp từ “xa-gần” nhưng lại biểu thị khoảng không gian theo chiều thẳng đứng. Tất cả các thành ngữ còn lại đều sử dụng các từ chỉ không gian theo cách thông thường (theo chiều ngang). Đến đây chúng ta sẽ xem từng trường hợp cụ thể một.

     Trước hết, ta xem xét thành ngữ (2.1). Đây là thành ngữ được sử dụng trong chăn nuôi. Ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, mỗi khi người ta mua một đôi/hay một đàn gà ở chợ về nuôi, chủ nhà thường túm lấy chân của đàn gà quay vòng quanh cột hoặc quanh một cái cây nào đó gần chuồng(chẳng hạn cây cau) rồi nói “Đi xa về gần, đi xa về gần…”. Câu nói có ngụ ý rằng, đàn gà mới khi đi kiếm ăn xa đến đâu cũng nhớ đường về chuồng. Ngoài ra, trong dân gian còn có cách tri nhận: Khi đi, vì chưa biết nên có cảm giác đường xa; nhưng lúc trở về do biết rồi nên có cảm giác là đường gần. Câu thành ngữ này về sau còn được sử dụng trong thời gian chiến tranh để chúc những người ra trận với mong ước: người ra đi tránh được hòn tên mũi đạn và sống sót trở về.

     Như vậy, ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này là ý nghĩa được tri nhận theo cách định hướng không gian. Theo đó, đối tượng định hướng không gian hay còn gọi là vật chuẩn tắc chính là cái chuồng gà, còn “xa” và “gần” là khoảng cách không gian mà con gà sẽ vận động.

     Như vậy, khi tri nhận không gian dưới ý niệm “xa” và “gần”, bao giờ trong ý nghĩ của người nói cũng hình thành một vật chuẩn tắc. Đó chính là tiêu điểm để xác định khoảng cách không gian. Chẳng hạn, ở (2.2),vật chuẩn tắc được hình dung là “nhà” của người nói và “nhà” của người nghe/hoặc của một ai khác được nhắc tới trong câu chuyện. Giả dụ, có 3 tình huống sau đây:

Tình huống 1: (A điện thoại cho B)

A: – Tối nay anh tranh thủ sang tôi hội ý một tý.

B: – Ngại lắm. Gần nhà xa ngõ, thôi để đến mai.

Tình huống 2: ( A và B đang nói điện thoại)

A: – Tiện đường đến nhà cái Tú, anh ghé qua nhà tôi ta cùng bàn việc.

B: – Tú với anh tuy gần nhà nhưng xa ngõ. Hay ta cùng đến cơ quan.

Tình huống 3: ( A nhờ B )

A: Hôm nay anh qua chỗ ông Khang, tiện đưa giúp tôi cuốn tạp chí này cho ông Thắng nhé.

B: Không được đâu. Gần nhà xa ngõ, lỡ thời gian của tôi thì chết.

     Sự khác biệt rất dễ nhận thấy ở 3 ví dụ vừa nêu là, trong tình huống 1, vật chuẩn tắc được hình dung là nhà của A hoặc nhà của B(của người trong cuộc). Trong tình huống 2, vật chuẩn được hình dung là nhà của A hoặc nhà của một người khác ngoài câu chuyện (nhà của Tú). Trong tình huống 3, vật chuẩn không phải là nhà của A cũng không phải nhà của B mà là nhà của những người ngoài câu chuyện (nhà của ông Khang và ông Thắng).

     Theo cách hình dung không gian dựa trên một tiêu điểm nhất định hay một vật chuẩn như vậy thì, với người Việt Nam, “gần” bao giờ cũng có vai trò rất quan trọng. Cho nên, từ xa xưa cha ông ta đã quan niệm, trong cuộc sống hàng ngày, người gắn bó chia sẻ với ta không phải ai khác, chính là những người xung quanh mình mà ta quen gọi là “hàng xóm” hay “láng giềng”. Đây là mối quan hệ có ý nghĩa thân thiết có khi còn hơn cả anh em ruột thịt. Chính vì vậy mới có câu thành ngữ (2.3). Tuy nội dung ý nghĩa của nó là nghĩa bóng, nhưng ta vẫn có thể giải thích được con đường hình thành cấu trúc nghĩa của nó nhờ việc xem xét cách biểu đạt không gian trong thành ngữ này. “Anh em xa” ở đây được hiểu là “anh em sống ở xa”( cũng có người hiểu nhầm là “anh em có quan hệ huyết tộc xa”), “Láng giềng gần”được hiểu là người sống ở ngay cạnh nhà mình”. Lúc này, người hàng xóm quan trọng hơn anh em là vì mỗi khi có những công việc cần hỗ trợ, giúp đỡ thì người hàng xóm có thể có mặt ngay lập tức trong khi anh em ở xa không có điều kiện đến được.

     Quan niệm không gian gần gũi kiểu “hàng xóm láng giềng” chính là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Mở rộng hơn về tầm nhìn, người Việt Nam còn có ý niệm “hàng xóm láng giềng” ở mức vĩ mô: Hai nước gần nhau cũng gọi là quan hệ láng giềng. Việc mở rộng nghĩa như vậy chính là quá trình thay đổi đối tượng định vị không gian từ “nhà” sang “nước”.

     Chính vì “gần” là một khoảng cách không gian rất được coi trọng trong ý thức người Việt nên trong thành ngữ hiện đại ta bắt gặp các câu thành ngữ kiểu “Nhất cự ly, nhì cường độ”. Trường hợp (2.4) là một trường hợp khá đặc biệt. Ở đây “gần” và “xa” không được định hướng theo chiều ngang mà theo chiều thẳng đứng. Tại sao lại có sự kiện gần như vô lý: Ta đi/sống trên mặt đất, nghĩa là rất gần với đất mà lại nói “gần đất, xa trời”? Có lối nói này là vì ở đây xuất hiện một cách hình dung không gian theo kiểu khác. Cụ thể, ta hình dung, khoảng cách giữa mặt đất và “trời” là một khoảng cách ổn định, trong đó con người ta sống và tồn tại. Giả dụ, khi một người có biểu hiện “gần đất xa trời” là người đó ở trong tình trạng sẽ không duy trì được khoảng cách này nữa. Nghĩa là anh ta sắp phải xa trời hơn. “trời” theo tư duy dân gian là mặt cong hình chiếc vung úp lên mặt đất. Do đó, “xa trời” được hình dung theo chiều thẳng đứng cùng với cơ thể người.

     Một người chết, theo truyền thống bao giờ cũng phải mai táng/chôn xuống đất. Người xưa quan niệm, sống trên đời chỉ là tạm bợ. Chỉ khi chết về với đất mới là vĩnh cửu. Vậy là, ở đây xuất hiện một đối tượng dùng để định vị không gian, đó là “lòng đất”/dưới đất. Khi một người nào sắp xuống lòng đất là anh ta về gần với đất, cũng có nghĩa là xa dần trời. Cho nên, “gần đất xa trời” là thành ngữ được dùng trong sự kiêng kỵ nói về cái chết theo lối uyển ngữ. Ý nghĩa không gian được xem là cơ sở để hình thành nên nghĩa bóng của thành ngữ này. Ta có thể mô hình hóa quá trình “lan tỏa” ý nghĩa của các từ gần, xa như sau:

Gần, xa (Khoảng cách không gian) -> lan tỏa ý nghĩa gần, xa ( mức độ tình cảm, tầm vóc trí tuệ)

Vd: Gần nhà xa ngõ (Khoảng cách không gian)

     Bán anh em xa mua láng giếng gần, Nhìn xa trông rộng (mức độ tình cảm, tầm vóc trí tuệ) 

     Trong cách nhận thức của người Việt, gần còn có nghĩa là “mạnh”, là “quan trọng”; xa còn có nghĩa là “yếu”, là “mất mát”. Vì thế, có các câu thành ngữ, ca dao kiểu như sau:

– Nhất cận thị, nhị cận giang

– Quan thì xa, bản nha thì gần

– Nước xa không cứu được lửa gần.

Con gái mà lấy chồng gần

Có bát canh cần mẹ để dành cho.

Con gái mà lấy chồng xa

Trước là mất giỗ sau là mất con…

     Trong tiếng Hán, chúng ta gặp các thành ngữ kiểu như vậy.Ví dụ: -远亲不如近邻 (Phiên âm tiếng Hán “Viễn thân bất như cận lân”) giống với “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, nhưng về mặt ngữ nghĩa thì nhẹ hơn. -远水不救近火(Phiên âm tiếng Hán “Viễn thuỷ bất cứu cận hoả”) hoàn toàn giống với “nước xa không cứu được lửa gần”. Ngoài ra trong thành ngữ tiếng Hán còn có một thành ngữ khác với ngữ nghĩa giống nhau như远水不解近渴Viễn thuỷ bất giải cận khát (Nước xa không đỡ khát nước). Trong tiếng Hán thì không có thành ngữ nào đối ứng với “gần đất xa trời” để miêu tả trạng thái một người sắp qua đời bằng lối uyển ngữ.

      Chúng tôi phải lưu ý đến một hiện tương biểu thị không gian so sánh đối chiếu với khái niệm “xa” và “gần”. Ví dụ như 舍近求远 (phiên âm tiếng Hán “Xả cận cầu viễn”), 远交近攻 (phiên âm tiếng Hán “Viễn giao cận công”),v.v

     Bên cạnh đó, trong tiếng Hán còn có một loại thành ngữ khác, 远在天边,近在眼前(phiên âm tiếng Hán “Viễn tại thiên biên, cận tại nhãn tiền”) hình dung những sự vật hoặc người mà mình đang tìm ngay ở trước mắt. Ở đây, vất chuẩn tắc hình như rơi vào cách tri nhận không gian xa xôi, nhấn mạnh ý nghĩa khoảng cách gần với đối tượng.

Tác giả bài viết: Hữu Đạt1Phùng Siêu2
(1Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN)
(2Trường Đại học SISU Trung Quốc)

Nguồn: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 29, Số 2 (2013) 1-9

--------

Tài liệu tham khảo

     [1] M.D.Akhundov (1982), Konsepsjii prostranstva ivremeni, Istoki. Evoliusjii, perspektivư, M.

     [2] N.M.Sanskjii (1963), Phrazeologija sovremennogo russkogo jazưka, Vưssaja skola, M.

     [3] Mahesh Srinivasan, Do classifiers predit differences in cognitive processing? A stuy of nominal classification in Mandarin Chinese, Language and Cognition 2-2 (2010), DOI 10.1515/LANGCOG. 2010.007.

     [4] Lawrence J. Taylor and Rolf A. Zwaan (2009), Action in cognition: The case of language, Language and Cognition 1-1 (2009), DOI 10.1515/LANGCOG. 2009.003.

     [5] Nguyễn Đăng Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ), Nxb KHXH.

     [6] Nguyễn Đức Dân (2009), Tri nhận thời gian trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 12.

     [7] Hữu Đạt (2007), Thử áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào việc phân tích nhóm từ chỉ sự vận động “rời chỗ” trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 11.

     [8] Hữu Đạt (2007), Nghĩa biểu vật, biểu niệm của từ và việc phân tích chúng…,Tạp chí ĐHQG HN, số 1.

     [9] Hữu Đạt (2010), Sự hình dung không gian trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1.

     [10] Hữu Đạt (2011), Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến văn hóa ăn và văn hóa mặc trong tiếng Việt, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, số 1.

     [11] Nguyễn Lai (2001), Nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, Cứ liệu về từ vựng-ngữ nghĩa tiếng Việt và mối quan hệ không gian- thời gian trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.

     [12] Lý Toàn Thắng (2006), Ngôn ngữ học tri nhận Từ lý thuyết đến thực tiễn, Nxb KHXH.

     [13] Nguyễn Đức Tồn (2002), Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt ( trong sự so sánh với các dân tộc khác), Nxb ĐHQG Hà Nội.

     [14] Từ điển thành ngữ Việt Nam(1994), Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, Nxb VHTT.

     [15] Từ điển tiếng Việt thông dụng (1995), Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang…, NxbGD

      [16] 唐雪凝、许浩:《现代汉语常用成语的语义认知研究》,北京:社会科学文献出版社,2010年版。

     [17] StephenC.Levinson:《语言与认知的空间:认知多样性探索》,北京:世界图书出版公司,2008年版。

     [18] 王涛等编著:《中国成语大辞典》,上海辞书出版社,1996版。

 

TÓM TẮT

     Trong tiếng Việt và tiếng Hán, cặp từ “gần-xa” và “trong-ngoài” có một vị trí khá quan trọng trong việc tạo ra các đơn vị thành ngữ. Tuy nhiên, khi hoạt động với vai trò là “cái khung” của loại đơn vị này, ở mỗi ngôn ngữ, các cặp từ này lại biểu thị cách tri nhận khác nhau về không gian. Để có thể thấy được những đặc điểm nổi bật về cách tri nhận không gian qua ngôn ngữ, bài báo tiến hành miêu tả và phân tích so sánh những điểm giống nhau và khác biệt trong việc sử dụng các cặp này của người Hán và người Việt . Từ các kết quả phân tích, bài báo chỉ ra mối quan hệ gần gũi giữa tiếng Việt và tiếng Hán cũng như những khác biệt mang tính bản sắc của tư duy dân tộc.

Từ khóa: khung, tri nhận, thành ngữ, không gian, quan hệ, bản sắc.

Thông tin truy cập

60896964
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20820
18331
60896964

Thành viên trực tuyến

Đang có 591 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website