Tranh vẽ tường trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông – Sự giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Khmer Nam Bộ

20170807. Tranh tuong chua Khmer

Nghệ nhân Khmer đang vẽ tranh trong Chánh điện

Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, đồng thời có nền văn hóa phát triển rực rỡ từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Nền văn hóa ấy đã ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Nam Bộ - vùng đất miền nam của Việt Nam. Theo con đường truyền giáo đạo Bà la môn, đạo Phật đã mang đến nơi đây cùng với ngôn ngữ Sanskrit, Pali được người Khmer tiếp thu bổ sung vào tiếng nói của mình, làm cơ sở để xây dựng chữ nghĩa, các giá trị văn hóa khác cũng đồng thời được tiếp thu: văn tự, mỹ thuật, nghệ thuật… Qua thời gian những giá trị văn hóa ấy dần dần được bản địa hóa trở thành nét độc đáo riêng cho cộng đồng mà nó tiếp thu. Với nguyên lý văn hóa Ấn Độ không đến bằng con đường xâm lăng mà bằng con đường hòa bình chân chính nên giữa hai nền văn hóa dân tộc không có khoảng cách của ranh giới, văn hóa Ấn Độ được người Khmer tiếp thu và hóa đến mức cao độ. Từ đó, việc giao thoa văn hóa này đã tạo nên diện mạo đặc biệt cho văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer nơi đây. Nghiên cứu về Tranh vẽ tường trong các ngôi chùa Nam tông - đây là một góc nhìn khoa học về sự giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và người Khmer tại Nam Bộ.

1. Phật giáo Nam tông Khmer và những tiền đề nghệ thuật

Người Khmer Nam Bộ theo hệ phái Phật giáo Theravada (phật giáo nguyên thủy) hay Phật giáo Nam tông (Nam truyền). Đây là hệ phái được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Srilanca, Mianma, Thái Lan, vùng sông Mê Kông - Campuchia và các tỉnh Nam Bộ (phía Nam) của Việt Nam. Qua một số di chỉ khảo cổ tại khu vực tỉnh Trà Vinh như Lưu Cừ thuộc Trà Cú, Tiểu Cần, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một số hiện vật liên quan đến Phật giáo, một số có niên đại từ thế kỷ thứ VI sau công nguyên (Phan An, 2009, tr.22). Điều này chứng tỏ quá trình du nhập Phật giáo vào cư dân Khmer Nam Bộ đã có từ lâu đời. Chính nhờ đặc trưng văn hóa Phật giáo phù hợp với đặc điểm văn hóa dân tộc, từ đó được cộng đồng nơi đây đón nhận và trở thành tôn giáo chính thay cho đạo Bàlamôn của người Khmer xưa.

Với tư tưởng học thuyết, đường đạo luôn được thực hành theo lý tưởng truyền thống Phật giáo Nguyên thủy - Phật là nhân vật lịch sử, là một con người có thật, một người thầy giảng dạy không phải là hóa thân của bất cứ thế lực nào nên người Khmer rất ngưỡng vọng, sự oai nghi của ngài đã trở thành lý tưởng sống truyền thống trong cộng đồng dân cư. Xuất phát từ nền tảng văn hóa nông nghiệp lúa nước, truyền thống hiếu học, phong tục tập quán hướng đến sự thánh thiện của cư dân, nên lòng mộ đạo của người Khmer khá cao. Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 cho thấy, toàn vùng có hơn 5,4 triệu tín đồ. Trong đó, có hơn ½ là tín đồ Phật giáo, bao gồm cả tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Với đặc trưng văn hóa Phật giáo thể hiện rõ nét ở biểu tượng ngôi chùa, điều đó cũng dễ dàng nhận thấy ở mỗi Phum, Sroc (đơn vị cư trú của người Khmer) đều xây dựng nên chùa để thờ Phật, tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam tông Khmer đã có 453 ngôi chùa (Võ Thanh Hùng, 2012). Chùa Khmer Nam Bộ có khá nhiều chức năng: là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động văn hoá - xã hội của cộng đồng, hơn nữa nơi đây còn là môi trường giáo dục nhân văn sâu sắc. Tổng hòa tất cả tạo nên bản sắc văn hóa tôn giáo dân tộc đặc trưng của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.

Nghiên cứu về góc độ thẩm mỹ học, ở tất cả những nơi có sự tiếp xúc với đạo Phật đều lưu lại trong lịch sử nhiều báu vật nghệ thuật Phật giáo có giá trị bởi cộng đồng mà nó tiếp thu, tạo tiền đề cho những sáng tạo nghệ thuật tôn giáo đạt đỉnh cao. Đối với người Khmer, kiến trúc chùa là một trong những giá trị nghệ thuật được nảy sinh từ ý niệm tôn giáo. Tranh vẽ tường cũng là một đặc trưng khi nói về văn hoá Phật giáo của tộc người Khmer, điểm vô cùng đặc biệt trong các ngôi chùa Khmer là những bức bích họa được vẽ trên các mặt tường trong Vihia (chính điện) hoặc trong các Sala chanh (trai đường)… Ngoài chức năng trang trí, những bích hoạ trong chùa Khmer còn hoạ lại sự tích đức Phật, giáo lý của Ngài với mục đích giáo dục con người, hướng con người đến sự thánh thiện.

Nam

2.1. Tranh vẽ tường - bích họa trong chùa Nam tông Khmer

Thuật ngữ tranh vẽ tường (mural painting) được dùng để chỉ những bức tranh lớn được vẽ trực tiếp lên tường, trần nhà hoặc trên các bề mặt rộng bằng phẳng. Đây là một trong những loại hình hội họa lâu đời nhất.

Nam Bộ có gần 500 ngôi chùa của người Khmer, mỗi ngôi chùa với bích họa – tranh vẽ tường là phần trang trí rất đặc trưng. Đối với người Khmer Nam Bộ, vẽ bức bích hoạ loại tranh truyện và loại hoa văn trang trí ngay lên vách tường Vihia (Chính điện) hay Sala (Giảng đường)… Ở đây, nghệ nhân vẽ theo sự chỉ dẫn của vị sư cả nhà chùa hoặc dựa theo cốt truyện tích Phật có sẵn. Hầu hết các loại bích hoạ trong chùa Khmer đều thể hiện đề tài Phật giáo, tiểu sử Đức Phật được vẽ lên tường và có ghi chú thích từng cảnh một: Cảnh Phật Thích Ca mới sinh ra, cảnh Phật dạo bốn cửa thành, cảnh Phật xuất gia đi tu, cảnh Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề có rắn Thần Naga che chở, cảnh Phật tu khổ hạnh, cảnh Phật đắc đạo, cảnh Phật thuyết pháp, cảnh Phật nhập niết bàn… (Viện văn hoá, 1988, tr.214-215).  Nhìn chung nội dung các bức tranh phản ánh triết lý nhân sinh, nguyên lý nhân quả của Phật giáo. Có thể thấy chùa Khmer như là một thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học, bởi những hình ảnh trang trí màu sắc rực rỡ của cây cỏ hoa lá, cuộc đời sự nghiệp của đức Phật cùng những nhân vật có liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại, được các nghệ nhân trang trí trên vách, trên trần khá phong phú và sống động.

2.2. Các đặc trưng của tranh vẽ tường của người Khmer

Về không gian: Không gian nghệ thuật của những bức tranh là khoảng không gian rộng lớn có thể trên trần, vách, bình phong… trong ngôi chính điện, các dãy sala hay trai đường… Các bức tranh trước khi vẽ phải qua khâu định vị. Các nghệ nhân, họa sĩ tiến hành quan sát không gian, kết cấu xung quanh để tác phẩm ra đời phù hợp với từng vị trí và theo trình tự không gian, thời gian nhất định trong Phật tích.

Chất liệu vẽ: Tranh tường được vẽ với nhiều chất liệu khác nhau và bởi các nghệ nhân, họa sĩ khác nhau, nhưng ở họ có điểm chung là sử dụng loại sơn dầu và vẽ bằng cọ mềm. Bên cạnh đó, các vị còn sử dụng các chất liệu như loại sơn màu kim nhũ, màu dạ quang trộn với sơn để vẽ… Với những bức trang trọng, nghệ nhân tiến hành sơn son thiếp vàng tùy theo thị hiếu, góc độ nghệ thuật và điều kiện kinh tế của mỗi ngôi chùa. Có thể nhận thấy những bức bích hoạ ra đời thể hiện ở trình độ sử dụng sơn dầu rất chuyên nghiệp của các nghệ nhân, họa sĩ người Khmer.

Họa sĩ: Các nghệ nhân dân gian tạo nên tác phẩm bích họa trong  ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer có thể là những vị sư, hoặc những người dân có năng khiếu hội họa sinh sống trong cộng đồng tại địa phương hoặc các địa phương khác đến nhưng điểm chung nhất chính ở môi trường Phật giáo của họ.

Đối với nhà sư, ngoài năng khiếu hội họa vốn có của bản thân, kiến thức Phật giáo, những câu chuyện về đức Phật được tu học tại chùa là một trong những tiền đề giúp ích cho sự sáng tạo nghệ thuật hội họa Khmer. Các nghệ nhân là người dân, họ cũng đã rất am hiểu và thấm nhuần những tư tưởng Phật giáo từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, đồng thời họ cũng hiểu rõ về văn hóa địa phương, vì vậy mà những tư tưởng trong tranh bích họa được tạo ra trong chùa rất dễ hiểu, dễ cảm thụ và dễ dàng hòa nhập vào đời sống cộng đồng, thậm chí với cả những người không biết chữ.

Nhìn chung, những bức bích họa trên tường mang tư tưởng đạo Phật sâu sắc, được tạo tác từ những bàn tay tài hoa, độc đáo của các nghệ nhân dân gian Khmer. Thông qua những tác phẩm hội hoạ này nhằm truyền tải cho người xem những ý tưởng mà bản thân họ đã lĩnh hội được, đấy cũng chính là thành công lớn về mặt hội họa Phật giáo. Do đặc tính mỗi vùng miền và tài năng của các nghệ nhân khác nhau mà có được những công trình nghệ thuật phong phú. Mặc dù xuất phát từ tư tưởng Phật giáo, cùng một nội dung trình bày, thế nhưng giữa các ngôi chùa và các bích họa lại có sự thể hiện khác nhau. Một trong những điểm để phân biệt giữa trang trí và hội họa cổ xưa và hiện đại của người Khmer đó là việc sử dụng màu sắc. Các tác phẩm cổ xưa thường sử dụng màu nguyên với màu đen, đỏ, xanh lá, vàng và ngược lại các tác phẩm mới thường vẽ bằng sơn dầu với các màu sắc pha chế đậm nhạt khác nhau. Tất nhiên sự khác biệt ấy không chỉ là việc sử dụng màu sắc mà còn là những đặc điểm về bút pháp và phong cách, nói chung là của nghệ thuật tạo hình và trong một chừng mực nào đó cả trong đề tài (Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết, 1987, tr.205). Bởi trong quá trình tạo tác nên những bức tranh này, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển mà còn thổi vào tranh nguồn cảm hứng vô tận, phản ánh nhân sinh quan của từng lớp tư duy, nhận thức bằng lăng kính nghệ sĩ một cách sáng tạo.

            Nội dung tranh vẽ: Với đặc trưng văn hoá tôn giáo tộc người, Phật giáo Nam tông duy nhất thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) nên Ngài đã trở thành đối tượng sáng tạo nghệ thuật hội họa của người Khmer. Từ đó, đa phần nội dung của những bức tranh trong ngôi chùa chính là những mẫu chuyện kể lại cuộc đời của đức Phật từ lúc sinh ra (Đản sanh) cho đến khi tu thành đạo hạnh (đắc đạo), truyền đạo, cảm hoá chúng sinh và nhập diệt (Niết bàn). Ngoài ra còn có các mẫu câu chuyện trong sử thi Ấn Độ - Ramayana (Ream Kê), kể xoay quanh về cuộc sống sinh hoạt của hoàng tử Rama (Pras Ream) và vợ là nàng Sita (Sê Đa), cuộc chiến giữa quỷ vương Ravana (chằn Krông Reap) và hoàng tử để tranh giành nàng Sita. Những nhân vật của thần thoại Ân Độ như: khỉ chúa (Hanuman), nàng tiên cá (Suvan Machar),… Có thể nhận thấy nội dung của những bích họa đó đều thể hiện chính nghĩa chiến thắng gian tà, phản ánh những tiền kiếp của đức Phật đã từng trải qua. Có chùa vẽ những tích truyện dân gian, các loại linh vật như Rắn Naga (Niết), Tonsai Pôthisat (thỏ), Reakchsây (sư tử), voi… những hình ảnh triết lý về đời người (sinh - tử), những yếu tố văn hóa tích cực và tiến bộ. Đặc điểm của tranh, ngoài được vẽ trên tường còn được vẽ trên trần của chính điện với nội dung thể hiện cảnh giao đấu giữa các tiên nữ và chằn tinh, cảnh tiên làm lễ, cảnh tiên dâng hoa... Các nhân vật trong đạo Bàlamôn như: Riahu, Kalas, Kyno Maha Phrum… Cũng được thể hiện khá sinh động. Về nội dung các đề tài, chủ đề được tạo tác trong tranh tất cả đều ca ngợi sự toàn năng, toàn giác của đức Phật, ca ngợi triết lý thâm sâu mầu nhiệm của Phật giáo.

Đối với loại hoa văn trang trí, đề tài thường lấy ra từ trong thiên nhiên. Những đoá hoa Sen (phka Chhuôk), hoa Tha la (phka Răng), hoa Mai (phka Không khia), lá Bồ đề (son lât Pô)… đều được thể hiện cách điệu với trình độ thẩm mỹ cao. Ngoài ra Tiên nữ (Têvôđa), vũ nữ (Têp Apsor, Apsara), nữ thần đất (Khôn Hing) cũng được vẽ những với mô típ trang trí trong Chùa Khmer phong phú, đa dạng.

Mặc dù nội dung trong các bích họa đều rút ra từ những câu chuyện từ quốc gia Ấn Độ nhưng chính bằng bàn tay và khối óc nghệ thuật dân tộc nên khuôn mặt và trang phục các nhân vật trong tranh có phần được người Khmer hóa. Tuy nhiên chỉ duy nhất nội dung tích phật và trang phục truyền thống của đức Phật vẫn được giữ theo nguyên bản – đó là bộ y quấn đặc trưng.

Giá trị của bích họa trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer: Ở đây, người nghệ nhân, hoạ sĩ Khmer sáng tạo nên tranh Phật giáo không đơn nghĩa chỉ là theo đuổi vẻ đẹp bề ngoài, nói đúng hơn đây là một nghệ thuật mang tính thiêng bởi chính họ là người họa lại các chủ đề theo câu chuyện trong Phật giáo. Các bức tranh này cho thấy ở những mục đích cụ thể: Trước hết, chúng được sử dụng để trang trí, tạo ra sự trang trọng trong ngôi chùa – nơi thờ Phật. Thứ hai, chúng có mục đích giáo dục ở việc cung cấp kiến thức, hình ảnh mang tính chất minh họa, giúp phật tử thấy và hiểu về lời dạy, giáo lý của Đức Phật được dễ dàng hơn. Thứ ba, chúng được sử dụng để thờ phượng hay đúng hơn phục vụ nghi thức tôn giáo.

Từ những bức tranh tường tôn giáo, hiểu rộng hơn chính là cuộc sống xã hội của con người, bằng tài năng nghệ thuật, người nghệ nhân đã thổi hồn và gửi gắm tình cảm vào nó. Bức tranh còn là bản sao của xã hội người Khmer qua thời gian. Từ đó, bức tranh tường trong chính điện ngoài giá trị mỹ thuật còn có giá trị lịch sử tộc người.

Bên cạnh ý nghĩa của nghệ thuật đường nét, hội họa Khmer đã thể hiện sự vận dụng màu sắc độc đáo riêng - gam màu nổi. Đặc trưng màu sắc của người Khmer là màu vàng màu của y cà sa đức Phật. Ngoài việc tạo ra những bức tranh tường tuyệt mĩ, người Khmer còn có ý thức giữ gìn, bảo vệ chúng. Khẳng định tài năng nghệ thuật hội họa đạt đến đỉnh cao của người Khmer những tác phẩm bích họa của Phật giáo đã cho thấy Phật giáo không chỉ có nghi thức trang nghiêm, giáo nghĩa rộng lớn sâu sắc, mà còn có cả đặc chất của nghệ thuật. Tạo cơ sở khẳng định tính lâu đời của loại hình nghệ thuật hội họa của người Khmer.

Kết luận

Quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực là một điều hiển nhiên xảy ra trong quá trình phát triển. Có thể thấy hội họa Khmer phần nào đó cũng có sự ảnh hưởng các loại tranh ảnh Phật giáo của các nước Đông Nam Á. Một số tranh vẽ tường được lấy mẫu từ tranh Phật giáo Ấn Độ. Nhưng bằng tài năng và óc sáng tạo, người Khmer Nam Bộ cũng đã tạo ra được nét đặc trưng riêng biệt làm phong phú giá trị văn hóa của tộc người mình. Từ những bức tường vô hình và những câu chuyện trong truyền thuyết Phật giáo, người Khmer đã nghệ thuật hóa thành những bức tranh sống động mô phỏng câu chuyện của đức Phật về những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh trong cuộc đời tu hành, đắc đạo của Ngài. Tạo lập nên những lý tưởng, quan điểm nhân sinh quan về Phật giáo. Chính những bức bích họa này đã âm thầm góp phần giáo dục nên lối sống thanh sạch, hướng thiện với tư tưởng Phật giáo sâu sắc cho cộng đồng người Khmer nơi đây.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Fisher Robert. E (2002), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo (Huỳnh Ngọc Trảng dịch), Nxb Mỹ Thuật.
  2. Geetesh Sharma (2012), Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam (Thích Minh Trí dịch), Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
  3. Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị yến Tuyết (1987), Người Khmer tỉnh Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin Cửu Long xuất bản.
  4. Huỳnh Thanh Quang (2011), Giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu long, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Võ Thanh Hùng (2012), “Phật giáo Nam Tông Khmer Đồng bằng sông Cửu Long đồng hành cùng dân tộc trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  7. Viện văn hóa (1988), Tìm hiểu Vốn Văn hóa Dân tộc Khmer Nam Bộ. Nxb Hậu Giang.

Sơn Cao Thắng, NCS., Ban Giới và Dân tộc, Trường Đại học Trà Vinh

Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4 (84), tháng 7.2017

Thông tin truy cập

60536345
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17838
10018
60536345

Thành viên trực tuyến

Đang có 314 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website