Tháng Bảy và một suy tư về nhân sinh

Với người Việt, bệnh tật và tuổi già đôi khi là một trải nghiệm. Người Việt chuẩn bị cho những nấc bậc trên con đường cuộc đời tương đối rành mạch. Sự đối diện với các mối đe dọa sức khỏe của người Việt vừa thực tế, vừa thấm một tinh thần lạc quan.

Tâm trí người Việt cho đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI vẫn dành nhiều cảm thức về tháng Bảy âm lịch, tháng mà theo quan niệm xưa là khoảng thời gian kiêng các việc đại sự. Người ta nhất định tin vào những điều như không xây nhà vào tháng Bảy vì là “tháng cô hồn”, tháng xá tội vong nhân, tháng của những rủi ro, bất trắc. Điều này có từ một phức cảm mang tính văn hóa: quan niệm về chặng cuối của cuộc đời.

Nói về bệnh tật và tuổi già, quan niệm nhân sinh của người Việt xưa nay dành nhiều trọng lượng cho “lão” và “bệnh”. Chúng chiếm đến một nửa vòng đời người như trong câu “sinh, lão, bệnh, tử” mà người Việt quen thuộc. Phần không mong muốn này của kiếp nhân sinh được đối diện tùy vào vùng văn hóa tín ngưỡng và khung triết lý mỗi con người trải nghiệm. Họ đón nhận chúng như thế nào?

Dấu ấn từ chương nhắc đến bệnh tật sớm nhất có lẽ là bài thơ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác, thiền sư đời Lý. Thực tế, nó là một loại lời trăng trối để lại cho môn đệ của vị cao tăng. Bài thơ tràn đầy tinh thần đã sẵn sàng đón nhận kết cục cuộc đời, coi bệnh tật là một trải nghiệm mà tạo hóa ban cho, tựa như cây cỏ trời đất tuần hoàn lẽ sinh rồi diệt.

Điểm khác biệt mà cũng rất thông thường là đôi câu cuối, khi tác giả nối dài sự có mặt của mình bằng hình ảnh: Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai (bản dịch Ngô Tất Tố).  

20200905 3

Đốt hình nhân thế mạng - tranh khắc gỗ, Henri Oger, 1915.

Cảm xúc mang tính siêu hình về bệnh tật và cái chết chủ yếu liên quan đến sự hóa giải những phiền não, những bí thuật cứu khổ cứu nạn, những dấu ấn của một vài tôn giáo. Người Việt hay gắn cuộc đời với số mệnh. “Lão” và “bệnh” do đó nằm trong một trật tự số đếm trên con đường dẫn tới số cuối cùng là cái chết. 

Nỗi suy tư về trật tự này thật ra không nhuốm màu ảo não hay hư vô như trong một số nền văn hóa khác. Với người Việt, bệnh tật và tuổi già đôi khi là một trải nghiệm. Người Việt chuẩn bị cho những nấc bậc trên con đường cuộc đời tương đối rành mạch. Họ dành vài ngày đặc biệt trong năm cho những nghi thức cúng bái mong những điều tốt đẹp kiểu “phúc lộc mãn đường”, chẳng hạn những ngày mồng một, ngày rằm, ngày trùng; từ tiết Hàn thực (3.3) đến tết Đoan ngọ (5.5) hay lễ Vu lan vào rằm tháng Bảy.

Người Việt gán cho những ngày này một vai trò quan trọng, ứng với những nhận thức có được qua kinh nghiệm sống gắn với thiên nhiên hàng nghìn năm. Chẳng hạn họ đặt cho ngày 5.5 âm lịch cái tên “Tết diệt sâu bọ”. Nhiều người giải thích do thời điểm này ứng với lúc tiết trời ấm áp, sâu bọ sinh sôi nảy nở cùng lúc hoa quả đầu mùa bói dịp cuối xuân sang hè, nên nghi thức sinh ra tục lấy lá ngón nhuộm móng tay hay cúng các thức quả đầu mùa, rượu nếp… mong tránh bệnh tật.

Cúng xong thì những đồ ăn thức uống là những món “thời trân thức thức sẵn bày”, ai nấy thụ hưởng với niềm tin gửi gắm vào nghi lễ đã hoàn tất. Sự đối diện với các mối đe dọa sức khỏe của người Việt vừa thực tế, vừa thấm một tinh thần lạc quan.

Song, tháng Bảy âm lịch mới là tháng quan trọng hơn cả trong phức cảm của người Việt khi đối diện với những bất trắc. Họ dành ít nhất vài ngày, mồng một, trùng thập (7.7) hay ngày rằm để lo liệu cúng bái, trong đó ngày rằm còn có tên lễ “Xá tội vong nhân” (còn có tên lễ Vu lan) dành tưởng niệm những linh hồn cơ nhỡ, không ai hương khói. Dữ liệu ấy đậm nét đến độ át hẳn sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ cũng vào mùa mưa ngâu tháng Bảy. Nếu như các ngày lễ tiết khác họ cầu cúng tổ tiên, thì những ngày lễ trong tháng Bảy, còn mang tên “Tháng cô hồn”, có lẽ là thời khắc mà người Việt nghĩ về kẻ khác. 

Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người…
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về Tây phương

(Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du)

Những lời “văn chiêu hồn” như lời an ủi vỗ về các vong hồn tìm được sự bình an dưới lăng kính đạo Phật, thực tế là một cách đối diện với nỗi đau thể xác và tinh thần. Đối diện với các linh hồn là để chuẩn bị cho một cái chết về sau, nối dài niềm tin về thế giới bên kia. 

Ở một chiều khác, nhiều cư dân châu thổ Bắc bộ từ các thế kỷ cận đại có một cách hóa giải khác những lo lắng về tương lai. Họ thực hành các hành vi tín ngưỡng dân gian một cách say mê, như các nghi thức hầu đồng và hát văn cầu cúng các thần linh trong hệ thống đạo Mẫu.

Chẳng hạn, nhân vật gắn với tháng Bảy âm lịch - ông hoàng Bảy thờ ở đền Bảo Hà nơi biên giới Lào Cai - lại tượng trưng cho những lạc thú như cờ bạc, tổ tôm (thậm chí hiện đại như “lô đề”) hay tính đào hoa, trăng gió, cho dù xuất phát điểm của vị thần này là một nhân vật có công bảo vệ biên cương. Người ta cúng những thứ phục vụ các sở thích phóng túng của vị thần và người ta nhấm nháp cảm giác chạm tới cõi siêu nhiên của một tháng Bảy âm lịch trong nhang khói và điệu hát chầu văn thay vì lo sợ quỷ thần quấy nhiễu.

Người Việt có tục đốt hình nhân thế mạng, cúng cháo lá đa, bỏng gạo cho các cô hồn vất vưởng (ma đói) được ăn và thậm chí có tục cướp cháo cúng vong. Cho dù thực tế chẳng có cơ sở thực chứng nào, những nghi thức ấy bảo lưu một niềm tin sâu sắc về sự giao hòa giữa hai thế giới của người Việt.  

Bàn thờ ngày kỵ - tranh khắc gỗ, Henri Oger, 1915.

Những cách ứng xử không sa vào phiền não cũng như sự mê say các hoạt động tín ngưỡng thông qua nhân vật ông hoàng Bảy cung cấp cho con nhang đệ tử một niềm khuây khỏa rằng kiếp phù sinh cũng là đáng nếm trải. Lòng mê tín hòa trộn với những khao khát trần tục về sự phù hoa, khoái lạc có xu hướng khiến trải nghiệm như phương thuốc giúp tâm trí con nhang đệ tử vượt qua những thử thách về bệnh tật hay cái chết.

Sự có mặt tinh vi của niềm tin về vòng tuần hoàn “sinh, lão, bệnh, tử” len lỏi trong nhiều đồ vật cúng bái. Người Việt quan niệm vòng tuần hoàn này thể hiện một trật tự tuần tự cho quá trình sinh ra và chết đi, vì vậy họ ưa lựa chọn số lượng các món đồ chia 4 dư 1, để sao cho số dư ấy đồng nghĩa với sự bắt đầu một quá trình mới. Chẳng hạn việc cắm hoa cúng hoặc biện trái cây, luôn có số lượng bông hoa hay thức quả là số lẻ như 5 hay 9. Dấu vết rõ nhất là tên gọi “mâm ngũ quả”, thứ mặc nhiên định nghĩa nhận thức về vòng tuần hoàn trong kho từ vựng người Việt. 

Thật ra không chỉ các hành vi tín ngưỡng mới bận tâm đến trật tự của “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhiều hành vi đời sống phản chiếu sâu đậm ý thức này. Chẳng hạn câu thành ngữ trên có mặt trong cách người ta bận tâm đến các số đo xây dựng nhà cửa, nhất là số đếm bậc cầu thang. Người ta luôn tính số bậc sao cho chia cho 4 còn dư 1 để bậc cuối cùng lên tầng trên rơi vào chữ “sinh”, chẳng hạn với chiều cao thông thường, số bậc lý tưởng thường là 17, 21 khi bậc cuối cùng rơi vào cung “sinh”. Cho dù nhà nhiều tầng là sản phẩm của thời hiện đại dưới ảnh hưởng của làn sóng thuộc địa hóa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, song nó mau chóng bị các quan niệm tín ngưỡng bản địa xâm nhập sâu sắc. Nó là hiện thân của sự bản địa hóa một hình thái toàn cầu hóa, mà ngày nay ngành nghiên cứu xã hội nhân văn dùng thuật ngữ glocalisation (ghép từ local/địa phương và globalisation/toàn cầu hóa) để gọi tên. 

Mối bận tâm về số lẻ dư 1 là một ví dụ len lỏi trong hành vi thường nhật, tạo ra một phức cảm về việc tránh phạm phải húy kỵ về sự đau ốm và cái chết. Như vậy, nhiều thứ cả truyền thống cũ lẫn “truyền thống mới” đều được phủ bóng bởi hệ giá trị về vòng đời con người.

* * *

Câu hỏi bật ra là thời hiện đại, liệu cái nhìn về “lão, bệnh” có biến đổi gì không? Dĩ nhiên các thành quả của khoa học, nhất là trong lĩnh vực y tế đem lại khả năng khác về trật tự vòng đời. Con người có tuổi thọ lâu hơn, song điều đó cũng đồng nghĩa với khoảng thời gian của quá trình lão hóa dài hơn và khả năng nhiễm bệnh cũng cao hơn. Con người thời hiện đại du nhập thêm những ý niệm triết học, song cũng từ phút ấy họ nghiệm ra, những ý niệm đó cũng góp phần làm cho khối cầu đá mà nhân vật Sisyphus cả đời lăn ngược lên dốc mà chính họ hóa thân, mỗi lúc nặng hơn. 

Làm sao em biết bia đá không đau” - câu hát nổi tiếng bậc nhất của Trịnh Công Sơn chính là một nhận diện mỹ cảm của nhạc sĩ về nỗi đau trần thế, về bệnh tật, tuổi già và cái chết. Ca từ Trịnh Công Sơn đem lại cho người Việt một mỹ cảm về “lão, bệnh”, điều phần đông cho rằng chúng là sự suy thoái của sự sống. Ít ai tìm đến nỗi đau thể chất và ám ảnh tuổi tác dưới những mỹ ngữ huyền ảo trong những bài ca đại chúng như vậy.

“Làm sao em biết bia đá không đau” - bìa nhạc Trịnh Công Sơn

Để bù vào khoảng vắng của những trước tác phổ thông trong đề tài này, nhạc Trịnh phơi bày và thậm chí, suy nghiệm về những cơn đau - thứ đại diện cho những căn bệnh tác động lên cơ thể xác thịt: Cơn đau nung hồng thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh; Trong trái tim con chim đau nằm yên, ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu; Trên hai tay cơn đau dài, người nằm xuống nghe tiếng ru, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ... Sự đối diện với cơn đau của bệnh tật giống như một trải nghiệm về cái tôi khác. Cái tôi ấy hướng về ai, khi cơn đau là riêng mình trải qua? 

Một nhà thơ nữ, Xuân Quỳnh, trong cuộc đời viết những bài thơ giản dị, đã dành bài thơ cuối cùng về bệnh tật để trả lời câu hỏi ấy: Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng/ Trái tim buồn sau lần áo mỏng/ Từng đập vì anh vì những trang thơ… Còn hiện tại của em là nỗi nhớ/ Thời gian ơi sao không đổi sắc màu (Thời gian trắng, 6.1988). Xuân Quỳnh đã trả lời: là nỗi nhớ, là lời âu yếm sẻ chia. Trên con đường tuần tự đáng sợ “sinh, lão, bệnh, tử”, hành trang như vậy giúp họ bớt cô đơn. Thi ca hiện đại đã bớt viện đến cõi siêu nhiên, cho dù vẫn bất lực trước sự bất lường của bệnh tật, các tác giả có quyền năng của kẻ sáng tạo, bởi chính cảm xúc hướng đến kẻ khác nơi họ.

Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) của đạo diễn Đặng Nhật Minh từng được CNN chọn vào số 18 phim châu Á hay nhất, là một cách đối diện với mất mát hy sinh. Truyện phim kể về việc Duyên, vợ một người lính chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam, đã giấu gia đình về cái chết của chồng, cốt để không gây cú sốc quá lớn cho tuổi già của người bố chồng. Cô đã nhờ thầy giáo Khang, người dạy ở ngôi trường làng, thay chồng mình viết những lá thư giả gửi về. Câu chuyện không thể giữ kín mãi, và người thầy giáo cũng có cảm tình với Duyên…

Sức ép của sự hy sinh vô cùng khủng khiếp ở một xã hội mà sự đối diện với mất mát kéo theo vô vàn hệ lụy. Thực tế bộ phim có khả năng gợi ra một suy tư khác, nó là sức ép của một xã hội chưa đủ sức đối diện với bệnh tật và tuổi già một cách an nhiên. 

Cảnh phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1984).

Trong một trường đoạn giúp cho bộ phim đạt tới chiều sâu cảm xúc, Duyên lạc vào phiên chợ âm dương đêm rằm tháng Bảy. Ở phiên chợ xóa nhòa ranh giới thực ảo này, Duyên gặp chồng mình, cô nói vẫn tin anh còn sống và mong anh trở về. Người chồng đáp lại: “Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người đang sống mới làm được điều đó. Cái còn lại mãi mãi thì không thể nhìn thấy được”.

Câu trả lời của người chồng chính là một thông điệp bất biến có khả năng hóa giải sức ép thực tế hơn là những nghi thức mê tín. Trải nghiệm “lão” và “bệnh” thực ra là cần thiết để ta biết làm sao “sống được hạnh phúc”. Mỗi một sự sáng tạo như các tác phẩm thi ca, phim ảnh vừa nêu có sức mạnh đáng kể trong hoàn cảnh con người phải đối diện với những chương khắc nghiệt của cuộc đời. 

Nguyễn Trương Quý

Nguồn: Người đô thị, ngày 21.8.2020.

Thông tin truy cập

60781812
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1313
24669
60781812

Thành viên trực tuyến

Đang có 540 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website