Sách thay đổi lịch sử loài người

Đây là câu chuyện về một trong các vật phẩm văn hóa quan trọng nhất của lịch sử loài người: sách. Câu chuyện kể về sự tiến hóa của chúng trong sự song hành với tiến hóa của lịch sử nhân loại. Trong sự tương tác đó, không chỉ có việc con người tạo ra các loại thư tịch mà bản thân sự tiến hóa của sách cũng tham gia thúc đẩy những đổi thay của xã hội loài người.

20210715 2

Thư viện Alexandria, một trong những thư viện nổi tiếng nhất thời cổ đại, một phần của một viện nghiên cứu ở Alexandria, Ai Cập. Nguồn: britannica.com

Bản thân mỗi cuốn sách là một vật phẩm văn hóa và sự tiến hóa của chúng là lịch sử thu nhỏ của sự giao lưu giữa các nền văn minh. Đi theo mỗi cuốn sách không chỉ là một phả hệ tri thức nó truyền tải, mà còn là lịch sử kỹ thuật, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng của một thời đại.

Người kể câu chuyện này là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử của sách: James Raven (Giáo sư danh dự tại Đại học Essex). Công trình ngắn nhưng quan trọng này là một nỗ lực của ông nhằm đưa ra góc nhìn mới, mang tính gợi mở về lịch sử của sách từ khung cảnh toàn cầu, trong phổ thời gian kéo dài từ 14.000 năm trở lại đây, thời điểm mà tác giả tin rằng đã xuất hiện những hệ thống ký tự đầu tiên.

Tính chất toàn cầu của sách được phản ánh trong những đại tự sự của lịch sử thế giới hiện đại, nơi sách sẽ vượt qua các khuôn khổ bản địa, tham dự vào các làn sóng quốc tế: hiện đại hóa, đế chế thực dân, chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, số hóa… “Sách không biên giới”, như chúng ta sẽ thấy, sẽ mở rộng các mạng lưới tri thức, học thuật, nghệ thuật, khoa học, tham gia vào việc tạo ra các làn sóng thực hành thư tịch toàn cầu.

Chính vì sự tham dự của sách vào những bước chuyển lớn lao của văn minh nhân loại nên đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại lịch sử thư tịch, thời điểm mà câu hỏi về tầm ảnh hưởng và tiến hóa hình thức của sách đang đặt ra cấp thiết hơn lúc nào. Những chủ đề này không chỉ phản ánh các diễn ngôn lịch sử xã hội, tìm về nguồn gốc tri thức và sự tiến triển của chúng mà còn soi rọi mối quan hệ giữa tri thức với các dạng thức lưu trữ và truyền bá. Công nghệ số đang thách thức định nghĩa truyền thống (và thực hành truyền thống) về sách. Nhân văn số thức (digital humanities) đang tạo ra một cuộc cách mạng thông tin giống như cách thức mà sự bùng nổ in ấn đã tạo ra thời Khai sáng. Theo sau đó là những thay đổi trong hoạt động sáng tạo tri thức, hoạt động lưu hành và tác động của những ý tưởng lịch sử xã hội đó trên phạm vi toàn cầu.

Sách, với tư cách là một thực hành của loài người, có sức mạnh ảnh hưởng tới sự tiến hóa của các xã hội. Chúng không chỉ phản ánh thay đổi của kênh biểu đạt tri thức mà còn là sự thay đổi trong thế giới quan, góc nhìn chính trị, sự thúc đẩy tinh thần, tôn giáo, ý thức hệ…

Khác với các giống loài tự nhiên khác, xã hội người được dẫn dắt bởi các đại tự sự. Sách là công cụ chủ đạo để khuếch đại các diễn ngôn đó, dù là Kinh Qu’ran hay cuốn sách Mao Tuyển. Mỗi xã hội và mỗi giai đoạn phát triển được định hình bởi khung cảnh thư tịch nhất định, từ Tứ Thư, Ngũ Kinh ở Trung Quốc thời Cổ Trung đại cho tới Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thời Hiện đại. Cuộc cách mạng in ấn ở châu Âu thế kỷ XV là ví dụ sống động về cách thức tương tác của văn hóa đọc, thư tịch với bước tiến văn minh. Việc sản xuất hàng loạt, giá rẻ và khả năng truyền bá rộng rãi của sách in tạo ra các mạng lưới tri thức mới (xét về tầm mức ảnh hưởng, có thể coi đó là phát minh “facebook” của thế kỷ XV). Thậm chí năm 1545, học giả Thụy Sĩ Conrad Gesner đã cảnh báo về “sự phong phú đến mức hỗn loạn và có hại của sách vở”. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng thư tịch (góp phần) tạo ra một loạt thực hành mới của loài người về thư viện, lưu trữ, biên mục, thương mại sách vở, bùng nổ tri thức, văn hóa Phục Hưng, thế kỷ Ánh sáng, bách khoa toàn thư, chiến tranh tôn giáo, sách cấm, máy chém và những giàn hỏa thiêu. Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716), một thủ thư và là học giả đã mô tả về một “khối lượng sách khủng khiếp” ở giai đoạn này. Hệ quả của sự bùng nổ in ấn là một thuật ngữ mới ở thế kỷ XVIII, “chứng cuồng sách” (bibliomania). Theo sau là một loạt các yêu cầu mới đặt ra đối với người thực hành sách, bao gồm nhu cầu về ngành khoa học quản lí sách như thư mục học, vận hành thư viện…

Điều quan trọng là sách không chỉ tạo ra những người cuồng tín thư tịch. Nó đã góp phần tạo ra châu Âu hiện đại. Từ tri thức, ngôn ngữ, tôn giáo, giáo dục, báo chí đó đã ra đời nước Pháp, nước Anh, nước Đức hiện đại. Sự thắng thế của phương Tây ở thế kỷ XIX - XX sẽ xác lập một nền văn hóa đọc mới trên toàn thế giới. Đi cùng với đó là quá trình “hiện đại hóa”, “chuẩn hóa” của thực hành sách được thúc đẩy qua vai trò của thư viện, câu lạc bộ sách, hội sách, chương trình đăng ký đọc, các hội nhóm tranh biện, các cộng đồng tôn giáo, các trường đại học, các trung tâm bổ túc văn hóa cho người lao động, chủ nghĩa thực dân, giáo dục đại chúng và các lớp bình dân học vụ… Sách dần có một bộ mặt toàn cầu.



Nhà toán học, nhà thơ Eratosthenes (c. 276-194 B.C.) – trái, từng được vua Ptolemaios III Euergetes bổ nhiệm làm thủ thư tại Thư viện Alexandria vào năm 236 TCN. Nguồn: Wikipedia.

Lịch sử của sách thời hiện đại sẽ trở nên phức tạp gắn liền với sự tương tác và ảnh hưởng sâu rộng của chúng tới nhiều lĩnh vực. Từ cuối thế kỷ XVIII, văn hóa in ấn không chỉ có sách. Báo, tạp chí, quảng cáo… thậm chí còn bùng nổ hơn cả sách in. Văn hóa in ấn với tất cả các sản phẩm của nó, vì thế được coi là khung cảnh rộng nhất của việc trình bày văn bản, thông tin, bản đồ, biểu đồ, tin tức, quảng cáo, tuyên truyền. Thậm chí có thể coi đó là một lịch sử xã hội và văn hóa truyền thông bằng phương thức in ấn. Chính vì thế tác động của in ấn nằm trong các diễn ngôn lịch sử lớn của thời đại. In ấn in dấu lên nhiều lĩnh vực, tạo ra sự khuếch đại đối với các thực hành ở quy mô chưa từng có trong lịch sử. Không phải ngẫu nhiên đi sau cơn bão in ấn ở châu Âu là cách mạng tư sản, chủ nghĩa dân tộc. Không phải ngẫu nhiên theo sau tân văn, tân thư cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là các cuộc chuyển dịch xã hội và cách mạng chính trị sâu rộng ở thế giới Đông Á. Hai trong số các ví dụ quan trọng nhất về sách và nền văn hóa in ấn này có thể kể đến sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc và xác lập không gian công cộng hiện đại.

Đó là thời đại mà xã hội được dẫn dắt bởi những bản in như Sự thịnh vượng của các quốc gia, Nguồn gốc các loài, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản… Chúng không chỉ tạo ra “các diễn ngôn về văn minh, đức tin, trí tuệ, khoa học và tiến bộ” của thời đại mà còn tham gia dẫn dắt sự vận hành của xã hội loài người, cách mạng khoa học, kỹ thuật, ý thức hệ, cách mạng văn hóa, tư tưởng, chính trị, xã hội… Từ ý nghĩa này, sách đã góp phần định hình các xã hội và thúc đẩy hay níu giữ sự tiến hóa của chúng. Thư tịch ở Trung Hoa là một ví dụ. Kể cả ở giai đoạn Sơ kỳ Cận đại, số lượng sách phong phú không hề thua kém châu Âu. Lời mở đầu của một bộ sách thời Minh năm 1599 viết: “sách vở bây giờ nhiều vô cùng như biển nước, người ta làm sao mà đọc hết được?” Thư tịch và hoạt động sử dụng thư tịch là một trong các yếu tố góp phần định vị vai trò của tầng lớp “Sĩ”, những người dẫn dắt xã hội. Bên cạnh đó cũng đừng quên những người thợ mộc khắc bản in, các xưởng in, thợ sản xuất mực, giấy, thương nhân buôn bán sách, tiệm sách và quán trà nơi sách được bàn luận.

Ở một góc độ khác, sách mê tín, phù thủy, chiến tranh tôn giáo, tin giả… cũng tham gia định hình xã hội loài người. Đó là những cuốn sách gây hỗn loạn. Nhưng quyền năng của sách chưa dừng lại ở đó. Nó không chỉ tạo ra và lan truyền một thế giới tri thức, xác lập hay hủy hoại trật tự xã hội, đôi khi sách còn là một vật phẩm linh thiêng. Hành động hôn lên cuốn Kinh Thánh ở châu Âu được cho là mang đến một nguồn sức mạnh quyền năng hay sự bảo trợ như một thứ bùa hộ mệnh. Vì thế, các chiến binh Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo đã mang theo các cuốn kinh sách khi ra trận. Điều này cũng làm liên tưởng tới các “chiến binh” Nho giáo: tầng lớp “Sĩ”, với sự thiêng liêng của sách vở Thánh hiền mà họ thực hành. Trong sự thực hành đó, thư tịch rõ ràng là một động lực thay đổi lịch sử. Đồng thời, ở chiều hướng ngược lại, mỗi xã hội đều sở hữu một lịch sử phức tạp của quá trình kiểm soát: bản quyền, kiểm duyệt và lưu hành cho tới tác phẩm không chính thống (samizdat literature). Đó là lịch sử xung đột và bạo lực nhìn từ thư tịch.

Chính nhu cầu quản lý sách sẽ tạo ra một loạt các thiết chế và lĩnh vực khoa học mới. Chúng ta đã nói về sự ra đời của các ngành thư mục học ở châu Âu thời Sơ kỳ Cận đại. Các thư viện công được chuẩn hóa sẽ được thành lập trên khắp nước Anh và nước Đức ở thế kỷ XIX. Đó là cơ sở để thế kỷ sau đó, người Thái sẽ cải tổ các thư viện hoàng gia “truyền thống” thành một thư viện quốc gia “hiện đại” thành lập năm 1905; trong khi Việt Nam có Thư viện Trung ương Đông Dương (Bibliothèque centrale de l’Indochine) ra đời năm 1917 với vai trò tổ chức của người Pháp. Một lịch sử so sánh toàn cầu về hệ thống thư viện chắc chắn sẽ làm gia tăng hiểu biết của chúng ta về lịch sử tri thức, chuyển giao tri thức và hoạt động sáng tạo tri thức của các xã hội.

Yếu tố quan trọng tiếp theo của thực hành sách là mối quan hệ giữa sách và độc giả. Điều này phản ánh hoạt động đọc và sự vận động của nó theo sau sự thay đổi thư tịch. Một trong các cách thức “chẩn đoán” một xã hội là “phẫu thuật” nó từ khía cạnh của hoạt động đọc sách. Ai là người đọc? Họ đọc gì? Đọc để làm gì? Đọc trên phương tiện gì và tác động của việc đọc đó? Trả lời cho những câu này sẽ góp phần định vị trình độ phát triển, bản sắc tri thức của mỗi thời đại. Quá trình tiến hóa của lịch sử đã mang lại cuộc cách mạng thực sự cho văn hóa đọc. Đó là sự gia tăng số lượng độc giả, từ một vài phần trăm thời Cổ Trung đại tới gần như toàn bộ dân số trưởng thành có khả năng đọc sách ở thời Hiện đại. Khi đó, sách, qua hoạt động đọc, sẽ đóng vai trò trực tiếp trong những chuyển giao của thời đại.

Codex Cospi, một thủ bản dạng hình vẽ của nền văn minh Trung Mỹ thời tiền Cô-lôm-bô, được cho là có nguồn gốc từ vùng Puebla-Tlaxcala (Mêhicô ngày nay). Nguồn: James Raven, 2021.

Hành vi đọc cũng sẽ được thay đổi với không gian đọc, kỹ thuật đọc, thiết bị đọc, mạng lưới độc giả… Khi lượng sách trở nên phong phú, phát triển nhiều loại hình thì sự phân hóa của độc giả cũng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Khái niệm “thị hiếu đọc” sẽ xuất hiện, thống trị và dẫn dắt việc sản xuất sách – giờ đã trở thành một ngành “công nghiệp” chuyên môn hóa cao độ. Khi Khổng Tử biên soạn Kinh Xuân Thu, có lẽ ông không thể tượng tượng rằng 2.500 năm sau, mọi thứ đã tiến xa đến thế. Sự biến đổi của sách giúp thay đổi niềm tin và hành vi của con người đối với hoạt động đọc. Ngược lại, với kỹ thuật hiện đại, chu trình tuần hoàn của các văn bản trở nên nhanh hơn. Quá trình toàn cầu hóa về sách vở, sách dịch, chuẩn hóa về kỹ thuật, bản quyền và mới nhất là sách điện tử đã tạo ra cuộc cách mạng trong cách thức văn bản được thu nhận, truyền tải, lưu hành, đọc, truy vấn, tìm kiếm và lưu trữ. Và đó mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện tương lai về sách vừa mới chỉ bắt đầu.

Cuối cùng, sách tạo ra các làn sóng văn hóa, văn minh: từ truyền miệng sang văn hóa chép tay, văn hóa in ấn và văn hóa số, mặc dù sự xuất hiện của cái sau không nhất thiết đồng nghĩa với sự triệt tiêu của cái trước. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu lịch sử sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phác thảo các mẫu hình tiến hóa của nhân loại. Dù lịch sử sách và sự phát triển của ngành lịch sử của sách là lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ từ những năm 1980, nhưng bản thân hoạt động này đã có từ hàng nghìn năm trước. Thông qua việc mở rộng phạm vi của lịch sử thư tịch từ khung cảnh địa lý, kỹ thuật và lịch đại, Lịch sử của sách gợi mở một góc nhìn mới mẻ, rộng lớn và có tính hệ thống trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử thư tịch trên phạm vi toàn cầu, mở ra những hướng mới cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử xã hội và lịch sử tri thức mà ở đó, sách là một thực hành của loài người.

Sách đã thay đổi lịch sử loài người nhiều hơn chúng ta tưởng, và cuộc hành trình khám phá những thay đổi đó mới chỉ bắt đầu.□

Vũ Đức Liêm

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 02.7.2021.

-----

Tham khảo

Anderson, Benedict R. O’G. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London: Verso, 2006.

———. Những Cộng Đồng Tưởng Tượng: Suy Nghĩ về Nguồn Gốc và Sự Lan Truyền Của Chủ Nghĩa Dân Tộc (Nguyễn Thu Giang, Vũ Đức Liêm, Phạm Văn Thủy, Nguyễn Thanh Tùng Dịch). Hà Nội: Nxb Đại học Sư phạm, 2018.

Baldanza, Kathlene. “Books without Borders: Phạm Thận Duật (1825–1885) and the Culture of Knowledge in Mid-Nineteenth-Century Vietnam.” The Journal of Asian Studies 77, no. 03 (August 29, 2018): 713–40. https://doi.org/10.1017/S0021911818000499.

Carpenter, Kenneth E., ed. Books and Society in History. New York: R.R. Bowker, 1983.

Connery, Christopher L. The Empire of the Text: Writing and Authority in Early Imperial China. Boulder: Rowman & Littlefield Publishers, 1998.

Darnton, Robert. “What Is the History of Books?” Daedalus 111, no. 3 (1982): 65–83.

Habermas, Jürgen. The Structural Transformation of the Public Sphere: An Inquiry Into a Category of Bourgeois Society. Cambridge: Polity Press, 2015.

Harari, Yuval N. Sapiens: A Brief History of Humankind. London: Harvill Secker, 2014.

Howsam, Leslie, and James Raven, eds. Books between Europe and the Americas: Connections and Communities, 1620–1860. London: Palgrave Macmillan UK, 2011.

Lewis, Mark Edward. Writing and Authority in Early China. NY: SUNY Series in Chinese Philosophy and Culture, State University of New York Press, 1999.

McHale, Shawn. Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam. Honolulu: University of Hawai’i Press, 2008.

———. “Vietnamese Print Culture under French Colonial Rule: The Emergence of a Public Sphere.” In Books in Numbers, edited by Idema Wilt, 377–415. Hong Kong: Hong Kong University Press, 2007.

Nguyên, Trần Ích. Thư Tịch Trung Quốc và Thơ Văn Đi Sứ Trung Hoa Thời Nguyễn 越南阮朝所藏中國漢籍與使華詩文 (Chinese Books and Envoy Literature of the Nguyen Dynasty). Hà Nội: Nxb Đại học Sư phạm, 2018.

Raven, James. Lost Libraries: The Destruction of Great Book Collections Since Antiquity. London: Palgrave Macmillan, 2004.

———. The Oxford Illustrated History of the Book. Oxford: Oxford University Press, 2020.

Scott, James C. The Art of Not Being Governed : An Anarchist History of Upland Southeast Asia. Yale University Press, 2009.

Thông tin truy cập

60730785
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4176
8619
60730785

Thành viên trực tuyến

Đang có 172 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website