Biểu tượng trong nghi lễ Kareh của người Chăm Awal

Lâu nay, khi nói về tôn giáo, tín ngưỡng người Chăm, các nhà nghiên cứu thường dùng một cách áp đặt hai danh từ Chăm Bàlamôn (Bramanish) và Chăm Hồi giáo (Islam) để chỉ tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Tuy nhiên, đa phần người Chăm đều cảm thấy rất xa lạ đối với hai danh từ này, mà họ tự gọi mình, tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo, bằng các từ như Chăm Jat, Chăm Ahier, Chăm Awal/Bani, Chăm Asulam. Đó cũng là bốn bộ phận Chăm đang hiện diện ngày nay ở Việt Nam. Theo đó, Chăm Jat chỉ người Chăm nguyên thủy, theo tín ngưỡng địa phương mà chưa bị ảnh hưởng Bàlamôn hay Hồi giáo; Chăm Ahier chỉ Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo; Chăm Awal/Bani chỉ Chăm ảnh hưởng Hồi giáo; Chăm Asulam chỉ Chăm theo Hồi giáo (Islam) chính thống (Sakaya, 2012, tr.66). Bài này người viết sử dụng những danh từ theo cách mà người Chăm tự gọi mình.

Nghi lễ Kareh được thực hiện với ý nghĩa duy nhất là lễ nhập đạo cho những người muốn theo đạo Bà Ni (tiếng Chăm: Bani), vì Kareh không chỉ dành riêng cho những người thuộc cộng đồng Chăm Awal (Bani trong tiếng Chăm có nghĩa là có đạo, người đã nhập đạo, để phân biệt với bộ phận người Chăm không phải là Bani, tức chưa có đạo , theo ông Phú Văn Hẳn). Trong lễ Kareh, vị cả sư (Po Gru) cắt tóc, đặt tên thánh cho các thiếu nữ để họ chính thức nhập đạo. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không diễn ra đơn giản giống như mục đích của nghi lễ. Trong cuộc lễ này, gia đình và dòng họ tặng rất nhiều quà và tiền, vàng… như một của hồi môn trong gia đình mẫu hệ khi thiếu nữ lấy chồng sau này. Theo đó, nếu đến tuổi mà một cô gái trong cộng đồng Awal không được thực hiện nghi lễ Kareh thì cô gái chưa được công nhận là tín đồ đạo Bà Ni và cũng không được phép thực hiện lễ cưới bởi các chức sắc của đạo. Việc được nhập đạo là vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến các nghi lễ khác trong suốt cuộc đời của người Chăm Awal. Đó là điểm khởi đầu cho một người bắt đầu trở thành tín đồ Chăm Awal/Bani (trước đó họ là Chăm Jat). Từ đây, họ mới được phép tham gia chính thức các nghi lễ và sinh hoạt tập tục của đạo Bà Ni (Sakaya , 2012, tr.159). Bên cạnh đó, lễ Kareh cho thiếu nữ có lẽ là cuộc lễ quan trọng nhất, để lại ấn tượng sâu đậm trong mỗi thiếu nữ Chăm, bởi đây là thời kì chuyển tiếp tuổi trưởng thành của thiếu nữ để chuẩn bị bước vào tuổi hôn nhân, khi mà họ đã được cả cộng đồng làng, tôn giáo của mình công nhận sự trưởng thành. Ngày xưa, khi tuổi kết hôn của các thiếu nữ còn rất sớm, thì cơ bản, sau nghi lễ này họ đã có thể được phép tìm bạn đời và kết hôn. Do những ý nghĩa, có lẽ cũng là phù hợp với những kỳ vọng của người Chăm vào nghi lễ này, mà lễ nhập đạo của người Chăm còn thường hiểu là lễ trưởng thành. Trong bài này, đôi lần, tôi sẽ gọi đây là lễ trưởng thành của thiếu niên nam nữ Chăm Awal.

Trở lại một chút với lý thuyết, theo Victor Turner, “Nghi lễ” (ritual), là hành vi được quy định có tính chất nghi thức dành cho những dịp, không liên quan đến các công việc có tính chất kỹ thuật hàng ngày, mà có quan hệ với các niềm tin vào đấng tối cao hay các sức mạnh thần bí. Biểu tượng (symbol) là đơn vị nhỏ nhất của nghi lễ, cái giữ lại những thuộc tính cụ thể của hành vi nghi lễ; nó là đơn vị cơ bản của một cấu trúc cụ thể trong một bối cảnh nghi lễ. Theo từ điển Oxford, “một “biểu tượng” là một thứ được nhất trí chung xem như là điển hình hóa một cách tự nhiên, hoặc biểu trưng hay hồi tưởng về một cái gì đó bởi chúng sở hữu các tính chất giống nhau, hay bởi mối quan hệ trong thực tế hoặc tư duy”. Những biểu tượng có thể được ẩn chứa trong những sự vật, hành động, các mối quan hệ, hiện tượng, cử chỉ và những đơn vị không gian trong một tình huống nghi lễ (Victor Turner, 1958, tr.242). Trong bài này, tôi sẽ cố gắng đi lý giải một cách trung thực và chính xác nhất trong khả năng của mình những biểu tượng xuất hiện trong nghi lễ Kareh của người Chăm Awal. Những lý giải này đều dựa trên những phát biểu của các chuyên gia thực hành tôn giáo (theo cách gọi của Turner), người dân địa phương và sự tham dự quan sát trực tiếp của tác giả tại địa phương, tất nhiên cũng không thể bỏ qua các tài liệu khoa học của những nhà nghiên cứu đi trước.

Nghi lễ Kareh bắt nguồn từ lễ Khotan “cắt da quy đầu” của tôn giáo Islam cho những đứa trẻ mới trưởng thành, cả bé trai và bé gái. Tuy nhiên, khi Islam bị cư dân Chăm bản địa hóa thành tôn giáo Bà Ni thì nghi lễ này cũng được cải biên thành Kareh. Cũng giống lễ Khotan của Islam, trong nghi lễ Kareh dành cho các thiếu nữ diễn ra song song một lễ khác dành cho trẻ em trai từ 12-15 tuổi gọi là Katat. Và sự thú vị nằm ở điểm này. Nếu như tôn giáo Islam coi trọng người nam bao nhiêu thì điều này lại được thể hiện ngược lại trong Kareh của người Chăm. Điều này được thể hiện trước nhất qua tên gọi chung của hai lễ này: Kareh. Trong khi Kareh của các thiếu nữ diễn ra trong hai nhà lều lớn (kajang), là tượng trưng cho thánh đường, thì Katat cho các thiếu niên nam tiến hành ở những chỗ khuất như sau nhà. Và nếu như Khotan của Islam, trẻ em nam được cắt da quy đầu thật, thì nghi thức này đối với trẻ em nam Chăm Bà Ni chỉ được thực hiện tượng trưng. Trong khi đó, Kareh dành cho nữ diễn ra hết sức phức tạp và nhiều nghi thức rườm rà. Điều này thể hiện sức mạnh không bị giới hạn của chế độ mẫu hệ trong tín ngưỡng của người Chăm trong tiếp biến với tôn giáo du nhập Islam.

Trong diễn tiến của nghi lễ, lúc đầu một gia đình có con gái đến tuổi làm Kareh sẽ thông báo cho họ hàng biết mình sẽ đứng ra tổ chức lễ. Sau đó, trong cùng dòng họ, những gia đình nào có con gái đến tuổi muốn gửi gắm vào theo lễ (pagam) sẽ tìm đến nhờ nhà chủ lễ. Trách nhiệm đi kèm với quyền lợi, con của gia đình chủ lễ sẽ nhận được một “địa vị” mang tính tín ngưỡng mà tiếng Chăm gọi là Po dhi kumei, một “danh hiệu” có ý nghĩa quan trọng theo cô gái đến hết đời. Theo đó, các nghi lễ tôn giáo về sau, các Po acar (tu sĩ Bà Ni) sẽ làm lễ và xướng các bài kinh tụng tương xứng với “địa vị” của cô. Tuy nhiên, không phải cô gái nào cũng có cơ hội làm Po dhi kumei, cũng như không phải gia đình nào cũng có thể đứng ra tổ chức lễ Kareh. Họ phải được xem xét “lý lịch” ba đời có theo tôn giáo Bà Ni hay không, tức ông bà, cha mẹ có thuần Awal hay không (tiếng Chăm gọi là Harat, nghĩa là thuần chủng, không lai căng).

Một trong những điểm đáng lưu ý là số lượng thiếu nữ làm Kareh (anak Kareh) phải là số lẻ: 3, 5, 7… và tối thiểu là 3 người. Để lý giải điều này tôi đã trực tiếp đi hỏi các tu sĩ Bà Ni (những chuyên gia thực hành tôn giáo). Tất cả họ dường như đều giải nghĩa một cách khá mơ hồ ý nghĩa biểu tượng này. Theo đó, họ cho rằng đó là luật tục đã có từ xa xưa, không thể thay đổi, và rằng người Chăm, theo một cách nào đó, họ coi số lẻ là con số may mắn. Đó là vấn đề thuộc về quan niệm. Cũng có lý để có thể phỏng đoán rằng, có những mong muốn mạnh mẽ mang tính vô thức mà người Chăm cho là hợp lý, cố gắng gán ghép nó vào một ý nghĩa nào đó mang tính thiêng, mà chúng ta gọi là “biểu tượng hóa”. Tuy vậy, sẽ thấy rằng điều này không hẳn là không có cơ sở khi ta xem xét ý nghĩa của các con số trong bối cảnh hệ thống quan niệm phương Đông. Theo đó, người phương Đông cho rằng cũng giống như mọi vật trong thiên nhiên, con số cũng có tính âm và tính dương khác nhau. Những số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) được coi là những con số dương và những con số chẵn (2, 4, 6, 8) lại được coi là những số âm. Bởi vì dương tính được coi như một biểu hiện của sự phát triển và tăng trưởng, đem lại may mắn nên số lẻ còn được quan niệm là số sinh, còn số âm thì ngược lại, nên việc ưa thích số lẻ cũng có thể giải thích được. Nghi lễ Kareh được thực hiện vào các thời gian nhất định trong năm. Có 5 tháng, tính theo lịch Chăm Awal (lịch Jawi), được phép thực hiện lễ Kareh, đó là vào các tháng Ba, Sáu, Tám, Mười, Mười Một. Không chỉ quy định về tháng, Kareh còn được quy định chặt chẽ về ngày thực hiện. Ngày lễ chính của lễ phải được thực hiện vào một trong hai ngày là thứ Tư (harei But) hoặc thứ Sáu (harei Suk). Đây được coi là hai ngày thiêng của tôn giáo.

Tầm quan trọng của Kareh còn được thể hiện qua việc những chức sắc được phép thực hiện nghi lễ này phải được chọn từ địa vị cao nhất trở xuống. Các chức sắc tôn giáo Bà Ni bao gồm các cấp bậc từ trên xuống là: Po Gru, Imam, Katip, Madin, Acar. Mỗi Kareh cần có ba chức sắc chính thực hiện nghi lễ. Vị chủ trì buổi lễ đẳng cấp tối thiểu phải là chức vị Imam, một người cao tuổi, có vai trò quan trọng, có nhiều kinh nghiệm, được tất cả mọi người kính trọng, nghe theo, có một vị trí đặc biệt về mặt tâm linh trong cộng đồng Bà Ni. Vị trí còn lại tối thiểu có thể là Madin. Qua đó khẳng định vị trí ý nghĩa của Kareh trong hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Để ba ngày lễ được thành công, phải chuẩn bị rất nhiều thứ từ trước đó, từ trang phục, lễ vật, bài trí không gian, địa điểm tổ chức nghi lễ, đến việc mời các nhân vật tham gia buổi lễ. Công việc ngày đầu tiên của buổi lễ là chuẩn bị các lễ vật cần thiết, ngày thứ hai chuẩn bị bánh trái và làm lễ chứng kiến ra mắt, báo trước cho ông bà tổ tiên của gia đình cô gái đó. Ngày cuối cùng là ngày lễ chính thức, các thiếu nữ được tắm rửa, trang điểm và đưa đến “Thánh đường” để làm nghi lễ, cúng dâng Thượng đế.

Các thiếu nữ trong cộng đồng Chăm Awal khi đến độ tuổi từ 12 đến 15 đều phải thực hiện nghi lễ Kareh, không được trễ hơn, đặc biệt là phải thực hiện trước khi thiếu nữ dậy thì (có kinh nguyệt lần đầu). Tôn giáo Bà Ni, cũng như Islam, quan niệm những thứ dâng cho thượng đế Awluah phải là thứ trong sạch, tinh khiết nhất, đẹp đẽ nhất. Họ cũng quan niệm phụ nữ có kinh nguyệt là “không sạch sẽ”, “không lành” để tham gia các nghi lễ tôn giáo. Chính vì vậy, ngày nay, do nhiều yếu tố tác động, có nhiều trường hợp làm Kareh sớm hơn độ tuổi 12 - 15 vì các bậc cha mẹ sợ độ tuổi dậy thì của con gái ngày càng sớm. Kareh hiện nay được tổ chức cho cả những cô bé có khi chỉ khoảng 7 – 8 tuổi, điều này đặc biệt đã làm mai một đi ý nghĩa và giá trị ban đầu của nghi lễ - những con người trưởng thành chuẩn bị bước vào hôn nhân (ndam lakhah). Những người mà sau này được cộng đồng chính thức công nhận là thành viên, người hiểu biết và gìn giữ phong tục, tập quán của palei, dòng tộc.

Một nhân vật rất quan trọng khác trong Kareh đó là Muk Min, dân gian thường gọi là Muk Buh (Bà dâng lễ), nhân vật này cũng có thể gọi là “Bà Mụ” theo cách hiểu của người Kinh. Muk Buh ở chung nhà lễ (danaok) với thiếu nữ làm Kareh (anak Kareh), có trách nhiệm trông coi các thiếu nữ và hướng dẫn họ các thủ tục nghi lễ cũng như cách thực hành nghi lễ. Một điểm đáng lưu ý là các Muk Buh đều phải là những phụ nữ cao niên, từ 65 tuổi trở lên nhưng không lấy chồng và vẫn còn nguyên trinh tiết, có phẩm giá cao, do dân làng tôn cử lên giữ chức vị. Họ có vị trí ngang hàng với các Po acar và được hưởng lộc như nhau. Một biểu hiện nữa sức mạnh ảnh hưởng của mẫu hệ vào trong tôn giáo du nhập.

Nghi lễ Kareh được thực hiện trong 2 ngày. Ngày thứ nhất gọi là Mbang Awluah, ngày thứ hai gọi là Tok Kareh, ngày lễ chính. Đêm trước ngày đầu tiên, các thiếu nữ đã được tập hợp, cho mặc áo dài trắng truyền thống (au kumei) và được đeo cho nhiều trang sức vàng bạc. Tối đó, các “cô gái” cùng ngủ chung một phòng để sáng hôm sau làm lễ. Khi ngủ, họ phải mặc nguyên au kumei, một kiểu áo dài không tà, ống hẹp bó người để ngủ. Đây là thử thách đầu tiên đối với các bé gái mới lớn, vì chúng không thể cử động thoải mái trong lúc ngủ trong bộ đồ này. Chúng cũng được dặn là không được gây ồn ào trong lúc ngủ và cố gắng ít cử động nhất càng tốt.

Trong ngày đầu tiên, buổi sáng các thiếu nữ được Muk Buh dắt đi tắm. Nghi thức này được tiến hành ngoài trời. Họ xếp thành một hàng dọc theo trật tự, dẫn đầu bởi Muk Buh, sau đó là Po dhi kumei, tức con gái của gia đình tổ chức lễ, tiếp theo là những anak Kareh khác. Ngày xưa, khi còn chưa có nước máy vào trong làng, Muk Buh phải dắt các thiếu nữ đi một quãng đường khá xa tới tận giếng ngoài làng hay thậm chí vào rừng, nơi có nguồn nước, để thực hiện nghi thức tắm tẩy trần. Hình ảnh các thiếu nữ mặc áo dài trắng Chăm theo sau Muk Buh đi qua các con đường làng, băng qua những cánh đồng luôn là hình ảnh đẹp, quen thuộc, mang đậm tính nhân văn đối với người Chăm vào những mùa Kareh. Các thiếu nữ mặc những chiếc chăn dài trùm hết cơ thể và được dội nước từ đầu xuống. Tắm xong họ lại theo trật tự cũ đi về. Về tới nhà lễ, họ được thực hiện nghi thức tiếp theo gọi là Mbang Awluah, do vị chức sắc chủ trì lễ (Po Gru) trực tiếp thực hiện. Nghi lễ này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Lễ vật được sắp xếp theo trật tự trên mâm cao gồm: một nải chuối, hai chén đường cát, nếp, bánh xôi chè (pei paoh) và chén muối, thứ không thể thiếu trong các mâm lễ của Po Acar (theo luật tục Po Acar phải cắn hột muối trước mỗi lần dùng đồ cúng lễ). Po Acar đọc kinh mời thượng đế Awluah và tổ tiên các thiếu nữ về chứng giám. Kết thúc ngày lễ thứ nhất, các thiếu nữ trở lại phòng cũ và ở trong đó đến ngày hôm sau.

Trong ngày lễ thứ hai, Tok Kareh, ngày lễ chính (rơi vào thứ Tư hoặc thứ Sáu), sáng sớm người ta dựng 2 nhà lều, một lớn một nhỏ, đối mặt nhau: Lều lớn quay mặt về hướng Tây tượng trưng cho Thánh đường, nơi các Po Acar thực hành nghi lễ. Lều nhỏ đối diện là nơi các anak Kareh vào cầm mình, có Muk Buh (bà dâng lễ) và Muk Khek (bà chúc phúc) canh chừng. Trong buổi sáng thứ hai, Muk Buh cũng dắt các thiếu nữ đi tắm như ngày đầu tiên. Sau đó, Muk Buh dẫn họ vào nhà lều nhỏ để trang điểm, mặc trang phục truyền thống, đeo trang sức và búi tóc lên cao trên đỉnh đầu, chờ Po acar gọi vào nhà lều lớn làm lễ. Một điều hết sức đáng chú ý là các anak Kareh được cho đeo rất nhiều trang sức vàng, bạc. Vào ngày này, các bậc cha mẹ tất tưởi đi mua sắm vàng bạc, hoặc nếu không có thì là mượn tạm của người thân, hàng xóm nhiều nhất có thể cho con họ được rạng ngời trong buổi lễ. Trang phục của các anak Kareh cũng là màu vàng, từ khăn trùm đầu cho đến chân, được may từ loại vải quý đắt tiền. Điều này thể hiện sự gửi gắm ước vọng giàu sang vào cô con gái của các bậc cha mẹ. Mong con gái sau này lấy được chồng tốt, làm ăn khấm khá, được ăn sung mặc sướng. Đó cũng là khát vọng muốn thoát khỏi kiếp nghèo, cơ cực muôn đời của cả tộc người Chăm bản địa. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nghi lễ Kareh phần nào cũng thể hiện bộ mặt khác của xã hội Chăm. Trong trường hợp gia đình nào không sắm nổi “áo vàng” thì trong buổi lễ con của họ phải mặc “áo trắng”. Qua quan sát thực tế nghi lễ, những thiếu nữ này ít được người xem hiếu kì xung quanh để ý, và họ thường phải xếp sau cuối hàng so với những thiếu nữ mặc áo vàng. Trong một chừng mực nào đó, nghi lễ Kareh thể hiện một “xã hội phân tầng thu nhỏ” của người Chăm, trong “xã hội” đó cũng có người giàu kẻ nghèo (áo trắng – áo vàng), cũng có người trên (Po dhi kumei) kẻ dưới, cũng có phân biệt dòng máu thuần chủng (quan niệm Harat) hay lai căng, có phân biệt nam nữ trên tư tưởng mẫu hệ (lễ Katat của nam diễn ra đơn giản, ở một góc khuất và mang tính hình thức)…

Để chuẩn bị cho buổi lễ ngày thứ hai, mọi người trong nhà dậy thật sớm nấu các món cúng lễ, sửa soạn các lễ vật, trang trí nhà lễ. Sau khi chuẩn bị lễ xong, thầy cả sư cho gọi các thiếu nữ. Muk Buh sẽ dắt các anak Kareh theo thứ tự hàng dọc bước vào nhà lễ chính để làm thủ tục, cắt tóc. Lúc này đứa bé làm Po dhi likei cũng được gọi vào. Mỗi Kareh đều phải có một một bé trai sơ sinh, chưa biết nói, tầm dưới 2 tuổi, làm Po dhi likei (còn gọi là anak Po dhi), đóng vai trò là người chứng kiến lễ cắt tóc, đặt tên thánh cho các anak Kareh. Po dhi likei cũng có tiêu chí lựa chọn và một vài lợi ích đặc biệt như Po dhi kumei như đã trình bày ở trên. Đầu tiên, vị chủ trì lễ (Po Gru) thực hiện nghi lễ cho Po dhi likei trước. Po Gru cho đứa bé cắn hột muối, sau đó dùng một con dao nhỏ và một cây kéo cắt tóc cho đứa bé ở ba vị trí giữa trán và hai bên, rồi ông nói tên Thánh (tên tôn giáo) của đứa trẻ. Sau đó, đến lượt các thiếu nữ, tiếp tục như vậy từ Po dhi kumei đến các anak Kareh khác. Người Chăm quan niệm mái tóc là gốc của con người. Ý nghĩa của việc cắt tóc là để thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành, và thể hiện lòng tôn kính, sự dâng hiến cả linh hồn và thể xác cho thượng đế Awluah. Trong suốt quá trình đó, vị cả sư đều đọc những bài kinh tương ứng trong khói hương nghi ngút của gỗ trầm mà ông châm vào bát than hồng để trước mặt tạo nên không khí thiêng liêng của cuộc lễ.

Xong lễ cắt tóc, đặt tên, các anak Kareh lại được Muk Buh dắt về nhà lều nhỏ. Lúc này, các thức ăn cúng đã chuẩn bị được dâng lên cho các Po Acar làm lễ nhận lễ vật và dùng. Lễ vật được chuẩn bị làm hai loại dâng hai lần. Lần đầu là mâm ngọt gồm: 1 nải chuối, 1 đĩa gồm xôi và các loại bánh truyền thống, 2 chén chè. Mâm sau là mâm mặn gồm: cơm, 2 chén canh, bún, thịt dê, gà, cá (cả nước ngọt và nước mặn), trái cây... và tất nhiên không thể thiếu chén muối ở cả 2 mâm lễ. Các món cúng được bày trên mâm cao, dâng cho Po AcarMuk Buh, Muk Kheh. Trong lúc này, các anak Kareh thay y phục màu vàng ra, khoác lên mình áo trắng truyền thống chuẩn bị cho nghi thức cuối cùng, lễ Lạy (Kakuh).

Sau phần cúng lễ vật, các thiếu nữ lại được triệu vào làm lễ Lạy. Họ bưng lễ vật là các khay trầu cau dâng lên cho các thầy lễ. Các thiếu nữ lần lượt theo thứ tự lạy ba vị chức sắc. Lạy Po Gru trước, rồi tới vị bên phải, sau đó là vị bên trái, mỗi vị lạy ba lần. Lạy thành hai lượt. Trong khi các anak Kareh lạy thì các tu sĩ đọc kinh mời Po Awluah và tổ tiên của cô gái về chứng giám. Lạy lượt đầu là lạy Thượng đế Awluah; lạy lượt thứ hai là lạy chức sắc, tổ tiên, cha mẹ, người thân để mọi người công nhận kể từ lúc này họ đã là người trưởng thành và được đạo giáo công nhận. Trong suốt quá trình này đều có sự chứng kiến của bé trai Po dhi likei. Chứng kiến rằng các thiếu nữ này đã được cắt tóc nhập đạo Bà Ni và được Po Awluah chứng giám.

Sau đó, các cô gái sẽ được người thân, họ hàng chúc những câu chúc tốt lành và tặng quà mừng như tiền, vàng, vải vóc, thậm chí nhà nào có điều kiện là trâu, bò, dê, cừu, đất đai… Những món quà này sẽ được đựng trong những cái thau và sẽ được thầy cả sư làm phép, sau đó đưa cho các thiếu nữ giữ. Và đây cũng được coi là những của cải ban đầu, xem như là của hồi môn, cha mẹ và người thân không được lấy dùng mà để cho con gái sau này. Sau lễ này, gia đình của các anak Kareh và cả Po dhi likei tiếp tục dâng cho các Po Acar mâm lễ vật của từng người được làm lễ. Mâm này đầy ấp đồ ăn nhưng nhất thiết phải có 1 nải chuối, 1 con gà luộc nguyên con và 1 con cá lóc nướng. Các tu sĩ chỉ nhận phân nửa lễ vật và chia lại nửa kia cho anak Kareh, gọi là ban lộc và chúc phúc cho thiếu nữ. Lúc này buổi lễ đã hoàn thành, kể từ lúc này, các thiếu nữ đã có vị trí trong đạo giáo, đã là người trưởng thành, đã được đạo Bà Ni công nhận và đã có quyền được kết hôn. Gia đình tiến hành đãi người thân, bạn bè ăn uống để mừng cho con cái họ.

Về mặt khái quát mà nói, nghi lễ Kareh biểu trưng cho tính mẫu hệ, nguyên tắc đem lại sự tiếp nối cho xã hội Chăm. Tuy về mặt tôn giáo, Kareh là lễ nhập đạo Bà Ni cho tín đồ, nhưng quan sát những gì diễn ra trong cuộc lễ thì hoàn toàn không đơn giản như vậy. Tín ngưỡng mẫu hệ được thể hiện triệt để vào trong Kareh, thể hiện được nhân sinh quan, thế giới quan của người Chăm vào trong tôn giáo tiếp biến, Islam, khiến nó trở thành tôn giáo mang màu sắc bản địa đặc sắc, tôn giáo Bà Ni. Chế độ mẫu hệ của người Chăm chi phối sự kế tiếp ngôi vị và thừa kế tài sản, nó ban các quyền cơ bản cho việc cư trú trong các đơn vị địa phương. Hơn bất kỳ một nguyên tắc nào của tổ chức xã hội, nó giữ các trật tự và cấu trúc trong đời sống xã hội người Chăm. Ngày nay, người Chăm cũng như tộc người Mã Lai - Đa Đảo (Churu, Rađê, Jarai và Raglai) còn bảo lưu chế độ mẫu hệ. Nhìn một cách tổng quát hình thái chế độ mẫu hệ của người Chăm có các đặc trưng sau đây: Sự nối dòng trong hệ thống gia đình và xã hội là người đàn bà chứ không phải là đàn ông; người phụ nữ có một vai trò quan trọng trong việc tổ chức gia đình và xã hội được phân chia và xác định nhóm người theo hệ thống thân tộc, huyết thống bên dòng họ mẹ mà Chăm gọi là gep patian; nơi cư trú hôn nhân được luật tục (adat) qui định rõ ràng, con trai về sinh sống bên nhà vợ sau hôn nhân; phụ nữ Chăm, ngoài trách nhiệm về gia đình, chăm sóc con cái, họ còn có trách nhiệm chăm lo thực hiện những lễ nghi liên quan đến gia đình, tổ tiên; người phụ nữ có trách nhiệm và có vai trò đắc lực trong việc lưu giữ và bảo vệ văn hóa truyền thống nhiều hơn là đàn ông và tài sản cuối cùng của gia đình, tổ tiên được thừa kế bởi con gái út (Sử Văn Ngọc, 2012).

Theo tín ngưỡng người Chăm, con gái lớn lên bắt buộc phải lấy chồng, nếu ở độc thân là có tội (ndua haduis). Đối với người Chăm Awal, nữ phải làm Kareh, nam làm lễ Katat. Nếu không qua các lễ tục đó thì cộng đồng cho là haram (ô uế). Sau những lễ tục đó, nam nữ mới được thực hiện lễ cưới theo nghi thức tôn giáo. Nếu con trai ngoài tôn giáo muốn cưới con gái Bà Ni thì phải qua lễ Katat, và ngược lại con gái thì làm Kareh. Những trường hợp này gọi là Kareh Kahrok diễn ra đơn giản hơn nhiều so với Kareh thông thường. Trong dịp đi điền dã vừa rồi, tôi may mắn được chứng kiến một nam thanh niên người Kinh tham gia làm lễ Katat, vì anh này sắp cưới một cô gái Chăm Awal. Đó chính là nghi thức bắt buộc để anh ta nhập đạo Bà Ni, như vậy anh mới được cưới cô gái. Nếu không, đám cưới của họ sẽ không được Po Acar đứng ra làm lễ, con cái của họ cũng sẽ không được các chức sắc thực hiện các lễ nghi tôn giáo lúc sinh thời cũng như khi qua đời, và cũng không được tham dự lễ tục tang ma khi cha mẹ qua đời (tiếng Chăm gọi là kakuh ganuh dah). Trong quá khứ và thỉnh thoảng hiện nay, nghi lễ trưởng thành của một cô gái là một phần trong lễ cưới của cô ta, và lễ cưới đánh dấu bước chuyển từ một cô gái sang một phụ nữ. Phần lớn sự giáo huấn và tính chất biểu tượng trong lễ Kareh đều quan tâm đến việc làm cho cô gái trở thành một người vợ, một người kế thừa truyền thống mẫu hệ dù cô ta có muốn hay không. Đối với mỗi cô gái, đây là một quá trình đặc biệt. Các cô được hướng dẫn ở một nơi riêng và nghi lễ này trở thành tâm điểm chú ý và quan tâm của mọi người. Từ quan điểm của cô gái, lễ Kareh là một nghi lễ ấn tượng nhất, là thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời. Xã hội khuyến khích và công nhận cảm giác này, mặc dù nghi lễ cũng đem lại những thử thách và khó khăn cho người thụ lễ, người phải chịu khổ trước khi cô được tuyên dương trong ngày cuối cùng.

Một đặc trưng nổi bật của chế độ mẫu hệ Chăm có thể dễ dàng nhận thấy là luôn coi trọng phụ nữ. Ngày nay vai trò của người phụ nữ Chăm vẫn còn phát huy và được đề cao trong xã hội. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua nghi lễ Kareh. Nghi lễ Kareh mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng, tượng trưng cho sự trao truyền văn hóa, sự trao truyền quyền lực của chế độ mẫu hệ từ người mẹ sang con gái, sự kế tục tín ngưỡng truyền thống. Kareh biểu trưng duy nhất cho sự kết nối và thống nhất của tổ chức xã hội Chăm. Đó chính là sợi dây vô hình xuyên suốt nối kết các thế hệ trong tộc người, là “dòng sữa mẹ” nuôi dưỡng văn hóa và tâm hồn con người Chăm. Nghiên cứu cộng đồng Chăm Awal nói riêng, hay chế độ mẫu hệ Chăm mà bỏ qua nghi lễ Kareh là việc làm thiếu sót.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Inrasara (2008), Chế độ mẫu hệ Chăm  trong Văn hóa – xã hội Chăm nghiên cứu và đối thoại, Nxb Văn học, Hà Nội.
  2. Sakaya (2012), “Sự biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm từ truyền thống đến hiện đại” trong Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb Tri thức, Hà Nội.
  3. Sử Văn Ngọc (2012), Lễ nghi cuộc đời người Chăm,Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  4. Victor Turner (1958), “Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu”, trong Những vấn đề Nhân học tôn giáo, Nxb Đà Nẵng, 2006.
  5. Tư liệu điền dã của tác giả tháng 2 năm 2014 tại Ninh Thuận.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Văn hóa và Du lịch, số 4 (84), tháng 7/2016

Thông tin truy cập

60424941
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5916
6820
60424941

Thành viên trực tuyến

Đang có 180 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website