Đời sống văn hóa của ngư dân Cần Giờ qua lễ hội Nghinh Ông

20170729. Nghinh OngNghinh kiệu cá Ông về lăng

1. Mở đầu

Đời sống văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng cư dân miền biển là một phần quan trọng trong việc tổng hợp nên những diện mạo tốt đẹp của văn hoá Việt Nam. Người miền biển, bên cạnh những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng nằm trong hệ tín ngưỡng chung của dân tộc, còn có những sắc thái riêng mang tính đặc thù do được hình thành và gắn bó chặt chẽ với hoạt động ngư nghiệp biển. Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Cần Giờ là nghi lễ truyền thống và lớn nhất của người dân tại huyện duy nhất có biển của thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người dân Cần Giờ đã xem lễ hội này như là cái tết thứ hai trong năm sau tết Nguyên Đán cổ truyền của người Việt. Thông qua lễ hội, họ được hòa mình trong các hoạt động vui chơi giải trí đồng thời cũng thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” đối với cá Ông – loài cá được xem là thần hộ mệnh của họ trên biển. Hằng năm, đến dịp rằm tháng tám âm lịch là hàng trăm chiếc ghe thuyền háo hức trang trí cờ hoa chuẩn bị ra biển rước Ông và cầu mong một mùa đánh bắt bội thu, cuộc sống ấm no.

2. Diễn biến chính của lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ

“Lễ hội bao giờ cũng gắn bó với một cộng đồng dân cư nhất định. Nếu Tết âm lịch là sinh hoạt của cả cộng đồng thì ngày hội lại là ngày Tết của một công đồng dân cư nhất định nào đó. Lễ hội gắn bó với từng làng quê, các làng quê khác nhau thì ngày hội làng cũng khác nhau. Mặt khác, lễ hội mang tính tộc người rất rõ. Các dân tộc khác nhau sẽ có những lễ hội khác nhau” (Trần Quốc Vượng (cb), 1998, tr.98). Thông thường lễ hội luôn có hai phần đó là: phần lễ với các nghi thức được thực thi trong lễ hội nhằm thể hiện sự tôn kính của những người tham gia đối với nhân vật trung tâm được thờ cúng, còn phần hội với các trò diễn và trò chơi nhằm mang lại cho người tham gia lễ hội những giờ phút thư giãn sau chuỗi ngày lao động vất vả. Cũng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các ngư dân gửi lời mời lẫn nhau kể cả khách từ nơi xa đến nhà mình cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình – đây quả  là một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

 Từ đèo Ngang vào đến Phú Quốc, ngư dân đều gắn liền với tục thờ cá Ông và lễ hội nghinh Ông, tín ngưỡng này cũng phổ biến tại Cần Giờ. Hằng năm, cứ đến trước ngày diễn ra lễ chính là nghinh Ông thì nơi đây đã bắt đầu náo nhiệt với nhiều hoạt động của Ban quý tế phân công công việc cho các thành viên: Các ban ngành và đoàn thể có liên quan, hội Vạn Lạch, bà con huyện Cần Giờ tiến hành làm lễ viếng và dâng vòng hoa Bia tưởng niệm trận đánh đồn Cần Giờ - Nhà bia ghi danh liệt sĩ thị trấn Cần Thạnh tại nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác nằm đối diện với quảng trường Rừng Sác. Ngoài ra, các thành viên Ban quý tế còn chuẩn bị một bàn lễ được đặt sẵn bao gồm: tam sơn, lục sự, hoa quả, hương đăng, trà kiệu tươm tất. Hai bên bàn lễ đặt một căp lọng tròn, phía bên phải bàn lễ thì đặt trống chầu nằm trên giá còn bên trái bàn lễ thì đặt chiêng treo trên giá. Các dãy ghế ngồi của đại biểu thì sắp sau cột cờ, đội lân và trống kèn thiếu nhi thì đứng thành hàng hai bên cổng lăng. Còn 3 vị huơng chức của hội Vạn Lạch thì mặc trang phục chỉnh tề quần dài khăn đóng, 4 quân Áp Hầu cầm 4 góc là cờ lễ, 8 quân Thị Lập cầm hồi tị, tinh túc, tay văn tay võ, binh khí đi hầu hai bên đại kì trong trang phục áo quần màu vàng viền đỏ, đầu thì đội nón và chân mang giày như lính hầu thời xưa. Tất cả được chuẩn bị chu đáo để lễ Thượng đại kì lễ hội tại sân chợ Cần Giờ. Sau khi kết thúc lễ kéo cờ khai mạc lễ hội, chương trình biểu diễn cải lương của đoàn Trần Hữu Trang tại lăng Ông được tiếp nối cho cả một chuỗi dài những khoảnh khắc thư giãn của cư dân Cần Giờ. Kết nối với công tác chuẩn bị, người dân Cần Giờ nô nức tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc như: đi cà kheo tại công viên, đua xuồng tại lăng Ông... Tổ chức lễ mừng công cho các nghề liên quan đến biển như: ngư nghiệp, diêm nghiệp và thường lễ này sẽ tổ chức tại lăng Ông Thủy Tướng (nhưng cũng tùy theo năm nếu thời tiết tốt thì Ban quản lý hội Vạn Lạch sẽ chọn địa điểm khác). Thành phần tham dự rất đa dạng bao gồm: hội Vạn Lạch, lãnh đạo địa phương, các ban ngành và đoàn thể liên quan, ngư dân, nông dân, diêm dân tiêu biểu của thị trấn Cần Thạnh và sáu xã khác của huyện Cần Giờ. Lễ bắt đầu bằng những âm thanh trang trọng của đội kèn trống chào mừng các vị đại biểu tham dự. Tiếp sau là phần giới thiệu các vị đại biểu, tổng kết thành quả mà các tập thể và các cá nhân của huyện đạt được trong một năm qua trong những ngành nghề nói trên. Lãnh đạo đọc diễn văn trao những tấm bằng khen cho những cá nhân cũng như tập thể xuất sắc – đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực cống hiến của họ đối với ngành nghề truyền thống tại địa phương.

Mọi người cùng hòa vào không khí vui tươi, giải tỏa đi những lo toan muộn phiền của cuộc sống. Trong buổi tế lễ, bao giờ cũng có nhạc lễ. Ngày xưa thì mọi người thường tổ chức lễ nghi thức rước Ban nhạc lễ biểu diễn trong lễ hội. Tuy nhiên, qua thời gian thì nghi thức này cũng được hiện đại hóa cho phù hợp với tình hình hiện nay bằng cách hợp đồng với Ban nhạc lễ gồm: 5 nhạc công với nhạc cụ và bát âm, 6 lễ sinh, 1 lễ xướng và 1 lễ văn. Đúng giờ quy định, hội Vạn Lạch chuẩn bị sẵn các lễ vật như trà, hoa quả, rượu, giấy tiền vàng bạc bày sẵn trên bàn thờ cúng tổ và sau đó Ban nhạc lễ đến thì đặt nhạc cụ và lễ cụ vào khu vực bày trí của nhạc lễ. Sau đó, tại lăng Ông Thủy Tướng diễn ra lễ rước đoàn hát bội. Cũng giống như nghi thức rước Ban nhạc lễ thì nghi thức rước đoàn hát bội cũng có điểm khác giữa thời xưa và ngày nay: điển hình là việc đánh một hồi trống chầu kéo dài vừa có tác dụng nghênh đón đoàn hát vừa có tác dụng báo hiệu cho bà con là đoàn hát đã đến và mau đến lăng để thưởng thức các tiết mục. Hiện nay thì hình thức trên không còn nữa. Mà thay vào đó chỉ còn việc đại diện hội Vạn Lạch trong trang phục áo dài khăn đóng, tay bưng khay lễ vật (hoa quả, nhang đèn, trầu, rượu, tiền tổ) ra tiếp đón. Trong niềm hân hoan gặp mặt, bên hội Vạn Lạch trao khay lễ vật cho người đại diện của đoàn hát bội. Sau đó, vị này sẽ đem lễ vật đặt vào án thờ tổ sư, đốt nhang cúng vái tổ, cho người đem án thờ vào đặt trang trọng trong bàn thờ trong hậu trường sân khấu kèm theo đó là nhạc rước tổ “Bát cấu”. Án thờ tổ sư được các thành viên trong đoàn hát an vị xong thì mọi người trong đoàn hát cũng bắt đầu công việc trang trí sân khấu để chuẩn bị một đêm diễn đầy nhiệt tình và tâm huyết cho bà con thưởng thức. Tiếp đến các nghi thức kể trên là lễ cúng bạn cũ lái xưa. Cúng bạn cũ lái xưa: là việc cúng những người bạn lái, ghe bầu, ghe biển ban đầu… từ đàng ngoài vì cuộc sống khó khăn nên đã dùng thuyền vượt biển khơi đầy sóng gió vào vùng đất này khai hoang, lập nên những làng chài, vạn lưới, xóm câu… để rồi có người đã vĩnh viễn nằm lại ngoài biển khơi bao la kia. Thật ra đây chính là lễ cúng để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền và hậu hiền, tiền vãn và hậu vãn cũng như các chiến sĩ đặc công rừng Sác đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, các đồng bào đã tử nạn trong quá trình lao động trên biển. Mối liên hệ trong tục thờ cô hồn biển nơi đây còn thấy ở tập tục thờ cá Ông, qua sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, phần nào giống như lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó là sự kết hợp tưởng niệm những người sống chết vì nghề nghiệp trên biển mà ngư dân địa phương gọi là “bạn xưa lái cũ” (Nguyễn Thanh Lợi, 2003, tr. 54). Theo tập tục thì “bạn cũ lái xưa” thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau của những ngư dân bám biển. Tuy cuộc sống không giàu có nhưng với bản tính cần cù chất phát, họ luôn bình đẳng, phóng khoáng với nhau trong việc đánh bắt, phân chia sản phẩm giữa chủ nghề và bạn lái. Nghi lễ cúng “bạn cũ lái xưa” bao gồm cúng bạn cũ lái xưa (tiền hiền, hậu hiền, tiền vãn, hậu vãn) và cúng thí (36 đạo cô hồn dưới sông biển, 10 đạo cô hồn trên bộ). Trong đó, nghi thức cúng bạn cũ lái xưa với các lễ vật như trầu cau, hoa quả, đèn nhang, chè xôi và sau khi ba hồi chiêng, ba hồi trống hòa âm liên tục thì vạn trưởng hay chánh bái sẽ tiến lên bàn thờ Ông Thủy Tướng để nguyện hương rồi tuần tự là các thành viên trong hội Vạn Lạch, bà con cư dân cho đến khi dứt lễ thì chiêng trống mới dừng lại. Còn với nghi thức cúng thì thì có các lễ vật như phía đầu bàn là lư hương, cặp chân đèn, bình bông, dĩa trái cây, trà rượu, trầu cau, gạo muối, đèn nhang, vàng mã, bánh kẹo; còn chính giữa là xôi, hai bên dọn chè. Khi bắt đầu khởi cúng thì vạn trưởng hay chánh bái sẽ đánh 3 hồi mõ tre, nguyện hương, lạy 4 lạy và rồi tuần tự các thành viên hội Vạn Lạch, bà con vào đốt nhang. Lúc này, các thầy cúng cũng bắt đầu đọc kinh cần an và cầu siêu rồi khấu lạy khi xong. Vạn trưởng hay chánh bái rải gạo muối, đốt vàng mã rồi gõ một hồi mõ tre kết thúc nghi thức. Theo lời giải thích của bác Phan Văn Chấn – hội phó hội Vạn Lạch thì các đối tượng được tưởng nhớ đến trong nghi thức cúng “bạn cũ lái xưa” được giải thích như sau:

- Tiền hiền: là những tiền nhân dày công khai hoang mở đất, khắc phục thiên nhiên để lập nên làng xã, với một tinh thần đoàn kết cộng đồng, đùm bọc lẫn nhau rất cao trong cơn hoạn nạn và cùng nhau tìm kế sinh nhai;

- Hậu hiền: là những hậu nhân kế tiếp, có công sáng tạo ra nghề đánh bắt, khai thác ngư trường, canh tân làng xã, tạo ra cơ ngơi và đời sống tinh thần cho người dân Cần Giờ;

- Bạn cũ lái xưa: là những bạn lái ban đầu và những người bạn lái về sau được cộng đồng ngư dân tôn kính là những bậc thầy truyền dạy nghề đi biển và đánh bắt thủy hải sản cho ngư dân;

- Tiền vãn: là những ngư dân của Hội ngư nghệ và hội Vạn Lạch có công xây dựng và gìn giữ lăng Ông Thủy Tướng, tổ chức lễ hội nghinh Ông hằng năm, chung tay trong công cuộc chăm lo đời sống cho ngư dân của huyện nhưng đã quá vãng;

- Hậu vãn: là những ngư dân của hội Vạn Lạch kế tiếp thế hệ trước trong việc tôn tạo lăng Ông, nâng cấp lễ hội nghinh Ông, phát triển công đồng ngư dân tại địa phương nhưng đã quá vãng;

Về đêm, các hoạt động chuẩn bị cho lễ nghinh Ông vẫn còn diễn ra: giao lưu đờn ca tài tử giữa Trung tâm văn hoá huyện Cần Giờ và thành phố Hồ Chí Minh trong không khí sôi động, vui vẻ của bà con; thả 1000 chiếc đèn hoa đăng trên biển do 2 ghe đảm nhận từ lăng Ông cho đến công viên là một hình thức mới được đưa vào từ năm 2008 và được phát huy cho đến nay. Đây có thể xem là một hoạt động rất có ý nghĩa khi nó làm cho biển của khu vực Cần Giờ từ đêm 15/8 âm lịch đến rạng sáng 16/8 âm lịch trở nên lung linh, huyền ảo hơn. Mặt khác, mỗi ngọn đèn là một tấm lòng biết ơn của thế hệ những người con Cần Giờ dành cho thế hệ cha ông đã hi sinh để giữ gìn và phát huy vùng đất này.

Theo tục lệ từ xưa, nghi thức tỉnh sanh được bắt đầu sáng sớm ngày 16, tuy nhiên chú heo để tế lễ thì một màu trắng, toàn sắc và toàn sinh, đến giờ thì người ở lò sẽ giao đến hội Vạn Lạch. Sau quá trình tắm rửa bằng rượu cho heo tế thì thực hiện hành động tượng trưng là hạ sát chú heo tế này bởi vị vạn trưởng hay chánh tế nhưng sau đó họ mới di chuyển vào nhà bếp làm thật để lấy nhúm lông gáy, nhúm lông chót đuôi cho vào chén huyết đậy bằng vàng mã gọi là “mao huyết”. Heo tế nằm trên tợ, quay đầu vào bàn thờ: trước đầu heo đặt mâm xôi trắng, mâm bánh, mâm bánh; bên phải là chén “mao huyết” với cái thớt có con dao phay cắm lên; bên trái là trầu cau và chai rượu được đậy bằng chiếc ly nhỏ. Nghi thức này cũng có sự nguyện hương của vạn trưởng hay chánh tế rồi đến thành viên hội Vạn Lạch, bà con cư dân vào bái lạy. Tất cả bàn thờ được thắp đèn nhang rực rỡ, mọi người kiểm tra lại các vật tế đủ chưa. Sau đó, vạn trưởng bưng chén “mao huyết” trao cho một người nào đó của hội Vạn Lạch (đã bố trí trước) đem chôn, còn Chấp sự thì đến bàn Hội đồng nhận vùi để đánh 3 hồi chiêng, 3 hồi trống liên tục sao cho chúng hòa âm vào nhau. Vạn trưởng hay chánh bái tiếp tục nguyện hương rồi đến mọi người còn lại, heo tế thì đưa ra sau khu nhà chuẩn bị tiệc để làm thực phẩm đãi khách và cổ dĩa để cúng “Đại lễ”. Sáng ngày này, nhiều hoạt động vui chơi với các trò chơi dân gian được diễn ra trước lăng để mọi người có thể chờ đợi thuyền nghinh Ông về: thả vịt và bắt vịt, đẩy cây, kéo co, đi cà kheo, phiên chợ hàng Việt, biểu diễn lân sư rồng, chương trình chăm lo tết Trung thu cho thiếu nhi huyện… Còn các ban trong hội Vạn Lạch thì theo sự phân công trước đó mà chuẩn bị cho đại lễ được diễn ra suôn sẻ. Tại lăng, sau 3 hồi chiêng và 3 hồi trống thì đội hình đưa nghinh xuất phát trong tiếng nhạc của các nhạc công, chiêng trống hòa âm liên tục cho đến ghe nghinh mới dứt, đoàn lân sư nhảy múa dẫn đường. Theo sau đoàn lân là xe hoa, đội hình đưa nghinh, cộng đồng ngư dân, du khách. Khoảng 10 giờ thì nước lớn, hàng trăm chiếc ghe của ngư dân và ghe chở du khách tham gia lễ hội xuất phát từ bến đò Cần Giờ - nơi bà con thường đi qua xã đảo Thạnh An, hộ tống ghe chính tiến ra biển hướng biển Vũng Tàu mênh mông kia để nghinh Ông. Đặc biệt, ghe nào cũng được sơn phết lại rất đẹp và mới, ngư dân cũng nhân dịp này trang hoàng cho chiếc ghe của mình thêm phần lôi cuốn với cờ hoa đủ sắc màu. Còn trước ghe, ngư dân bày một hương án với các thức cúng như: xôi, gạo muối, heo quay cùng bộ lòng, trái cây, trầu cua, bún, rau sống, nước mắm, trà, hoa vạn thọ, đèn cầy, nhang, giấy tiền vàng bạc… Đối với ghe chính của lăng Ông thì nổi bật nhất với hai con rồng vàng được vẽ dọc hai bên thành ghe nhìn rất sống động, bốn góc mui ghe là những bó hoa vạn thọ vàng óng. Chính giữa mái ghe cắm lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, những lá cờ ngũ hành thì được cắm ở mũi và đuôi ghe. Những người tổ chức còn sáng tạo khi treo một băng vải đỏ có dòng chữ “Cung nghinh Ông Thủy Tướng”. Về phần nhân sự thì trên ghe có ban nhạc lễ, các lễ sinh, ban quý tế mặc lễ phục rất trang nghiêm đứng cạnh hương án có linh vị và các lễ vật dâng cúng cho Ông. Kiệu nghinh được trang trí cờ phướng, gắn đòn khiêng, bên trong kiệu đặt khung hình Ông “Hy Hoàng Thái Hiệu Tiên Sư Tôn Thần”, lư hương, cặp chân đèn, dĩa trái cây, bình bông, ba bài vị, văn tế và mỏ tre. Tất cả các ghe thuyền tuần tự kết thành đội hình hoàn chỉnh để diễu hành trên biển. Tầm 11 giờ trưa, đoàn ghe đã đến khu vực Đèn Trắng hay còn gọi là Tam Giang Khẩu (nơi tiếp giáp giữa 3 con sông là Lòng Tàu của huyện Cần Giờ, sông Thị Vải của thành phố Bà Rịa, sông Dinh của thành phố Vũng Tàu) để bày đàn cúng tế: lễ cầu ngư là lễ cúng cá Ông sống với danh xưng là Phúc Thần, lễ nghinh Ông là lễ cúng cá Ông chết với danh xưng là Nhiên Thần. Trên chiếc ghe chính, vị chủ tế mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng, chân đi hài, ra lệnh gióng ba hồi trống rồi làm lễ tế theo nghi thức cổ truyền là dâng hương, dâng rượu (sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ, dâng trà “nghệ điểm trà”, đọc và đốt văn tế cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no rồi quăng xuống dưới lòng biển sâu thẳm kia, những hồi chiêng trống tiếp tục vang cả một vùng biển rộng trong khi hàng trăm chiếc ghe uốn lượn xung quanh nhiều vòng để chờ hiện tượng “lên vọi” – tức đã được Ông chứng giám cho những lời khẩn cầu trong bài văn tế kia. Trong khi đó, tại lăng Ông thì ban nghi lễ sắp xếp đội hình đón nghinh từ lăng đến bến đò và đội hình rước nghinh từ bến đò về lăng. Đội hình này bắt nguồn từ nghi lễ xa giá của Vua chúa, quan lại triều đình xưa được áp dụng xuống các làng xã trong các nghi lễ rước sắc vua, rước sắc thần và lễ rước nghinh, cúng Ông Thủy Tướng của ngư dân vùng biển. Đoàn thuyền nghinh Ông trở về đất liền tại bến đò mà họ xuất phát, các ngư dân trên ghe thì ngồi quây quần bên nhau trong một mâm rượu thịt chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho mùa cá sắp tới. Khi ghe chính vào đất liền thì bà con nô nức ùa ra hai bên đường để theo dõi nghi thức của đội hình nghi lễ rước kiệu, hương án về lăng. Theo sau đó nào là múa lân, múa rồng, nhạc lể, nhạc tây. Cả một không gian náo nhiệt, người người tuần tự theo bước về lăng, đoàn đi đến đâu thì những bà con có nhà hai bên đường bày hương án ra cúng đến đó. Khi đoàn rước nghinh về đến lăng thì xe hoa dừng lại tại kì đài, đoàn rước nghinh tiến vào lăng, đoàn lân sư rồng thì biểu diễn tại sân trước của lăng, đội kèn trống đứng hai bên cổng lăng. Trưởng ban lễ hội, Vạn trưởng lễ phục chỉnh tề tiến ra cổng cung thỉnh kiệu nghinh vào lăng an vị. Mọi người vào lăng cầu nguyện và chiêm bái. Sau khi an vị cho Ông trên bàn thờ thì Ban quản tế tiến hành cúng đại lễ cổ truyền, xây chầu đại bội, lễ tế tiền hiền và hậu hiền theo nghi thức cổ truyền Nam Bộ bắt đầu theo tuần tự. Trong quá trình diễn ra các nghi thức như đọc văn tế, dâng hương, dâng trà, dâng rượu của Ban nghi lễ, Ban nhạc lễ, các lễ sinh. Kết thúc lễ thì mọi người bình đẳng quây quần bên nhau trong không khí ấm cúng của đại gia đình để cùng thưởng thức các phần lộc đã cúng Ông.

Trong những năm gần đây, lễ hội nghinh Ông được huyện và Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm hơn. Điều đó đồng nghĩa với hình ảnh của lễ hội sẽ được nhiều người lưu ý hơn. Mọi người trong lăng tiến hành lễ chánh tế. Ban nghi lễ bày biện thức cúng ra một chiếc bàn lớn trước bàn thờ chính của lăng gồm nhiều lễ vật: một con heo trắng, hai ly rượu và trà, dĩa hoa quả to, hai mâm xôi. Các nghi thức diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi với sự tham gia của Ban nghi lễ trong trang phục trang nghiêm, Ban nhạc lễ ngũ âm với những nhạc cụ truyền thống, các lễ sinh cùng các cô đào thài duyên dáng nhưng cũng không kém phần tôn nghiêm. Buổi sáng cùng ngày, nhiều chương trình ca nhạc, trò chơi dân gian, phiên chợ hàng Việt thuộc phần hội vẫn được tiếp tục. Các thành viên hội Vạn Lạch tập trung tại lăng để cúng “Đại lễ tạ Ông”. Thành phần tham dự gồm có Ban nghi lễ với các lễ vật đặt lên bàn thờ, nhạc lễ (nhạc công, lễ công, lễ xướng, lễ văn) đầy đủ, sáu cô đào thài, sáu lính hầu (để chuẩn bị cho việc hầu cờ, hầu hương và hầu chuông), chánh bái, phó bái, vạn trưởng, Ban tế lễ, cùng đông đảo bà con ngư dân và du khách. Xen lẫn quá trình cúng Ông trong lễ chánh tế và Đại lễ cúng Ông thì bà con ngư dân cũng vào lăng dâng hương cho Ông. Lăng Ông tổ chức hát bội suất cuối cùng với các vở tuồng sẽ thay đổi hàng năm chứ không lặp lại chủ yếu nhằm ca ngợi công ơn chở che, cứu giúp của cá Ông dành cho những ngư dân quanh năm mưu sinh trên biển cả. Khi hát đến đoạn cuối thì người đại diện đoàn hát sẽ thông báo cho hội Vạn Lạch chuẩn bị nghi tôn vương hồi chầu: thắp hương và đèn các bàn thờ, các thành viên trong hội Vạn Lạch thì trang phục chỉnh tề cầm hương đứng hai bên chánh điện. Sân khấu tạm dừng vài phút để các nghệ sĩ vào chuẩn bị trang phục thích hợp. Sau đó, 3 hổi trống nghi Tôn Vương vang lên hòa vào 3 hồi trống của đoàn hát bội. Vừa dứt 3 hồi trống nhạc thì ông chấp sự đánh chầu Tôn Vương, liên tục mỗi hồi 3 tiếng (2 nhặt 1 lơi). Trong khi đó, nam nghệ sĩ vào vai nhà vua cầm ấn kiếm từ trong bước ra ngoài lần lượt hô vang dõng dạc: “phản tiền chi hậu”, “phản hậu chi tiền”, “hồi chầu” ứng với từng hoạt cảnh tương ứng rồi kết thúc tuồng hát bằng những lời chúc một mùa bội thu, bình an, no ấm cho hội Vạn Lạch. Tiếp đến, người chấp sự hô to: “Tẩy trừ tiền nguyệt”, “Đắc địa hạo thiên”, “Hát xướng đã yên”, “Phong hòa vũ thuận” kèm theo ba tiếng trống cho mỗi câu. Và đáp tạ linh Ông – Tạ cổ hồi chầu bằng việc đánh trống chầu nhỏ giọt. Nghi Tôn vương hồi chầu kết thúc cho một kì lễ hội lăng Ông Thủy Tướng thành công tại Cần Giờ.

3. Những giá trị thiết yếu của lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại đây

- Liên kết cộng đồng, tạo thêm sự gắn bó thân thiết trong toàn dân:

Giá trị đặc trưng của các lễ hội trên dải đất hình S của chúng ta dù thuộc về một cộng đồng làng xã, cộng đồng tôn giáo hay nghề nghiệp cũng đều mang tính cộng cảm và cộng mệnh. Vì thế, lễ hội nghinh Ông Cần Giờ cũng chứa đựng những giá trị đặc trưng ấy. Đến với một lễ hội lớn của huyện thì người dân nơi đây có dịp để tưởng nhớ, thể hiện tấm lòng tri ân đối với cá Ông – vị cứu tinh của ngư dân tại các tỉnh giáp biển của Việt Nam. Ngoài ra, hòa mình vào dòng người trong các nghi thức, quy định của lễ hội nhưng họ không thấy gò bó mà trái lại họ còn nhận ra rằng những sinh hoạt văn hóa mang tính tập thể như thế này làm cho bản thân mỗi người cảm thấy sự phấn khích, gắn bó chặt chẽ với nhau, trưởng thành hơn. Cũng chính sự cộng cảm và cộng mệnh đó như một chất keo kết dính giúp cho người dân nơi đây có cơ hội phát triển hơn bởi lẽ họ đã gắn bó với nhau thì thách thức nào cũng vượt qua, đủ sức xô ngã mọi chướng ngại trong đời sống văn hóa tinh thần để hướng tới những giá trị chân thiện mĩ. Lễ hội này cũng chính là sự kết hợp độc đáo giữa yếu tố linh thiêng trong phần lễ và yếu tố trần thế trong phần hội. Đối với những thành viên trong cộng đồng nơi đây thì lễ hội này như một liều thuốc bổ tinh thần lôi cuốn mọi người đến tham dự, khơi gợi trong họ những tình cảm tốt đẹp giữa người với người để rồi từ đó giữa các thành viên luôn có một sự liên kết bền chặt, tạo nên một nhịp sống hài hòa cho người dân của huyện Cần Giờ.

- Giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển bền vững du lịch sinh thái - văn hóa Cần Giờ:

Hiện nay, nhịp sống tại những đô thị hiện đại cuốn con người vào vòng xoay của những bộn bề, lo toan của cuộc sống. Mặc dù, quanh năm có nhiều lễ hội nhưng chưa chắc gì họ sẽ tham gia và thậm chí là nhớ đến. Những giá trị truyền thống ấy có thể dần mất đi và đó là một sự mất mát cho thế hệ sau. Vì thế, lễ hội nghinh Ông cổ truyền của ngư dân Cần Giờ qua quá trình hiện đại hóa dường như ít nhiều có thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, vốn là một trong những thành tố của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc cũng như thể hiện được tinh thần cộng đồng đẹp đẽ nhất của con người qua các cuộc trò chơi dân gian, qua các hình thức trình diễn nghệ thuật thì những thay đổi ấy cũng không làm mất đi giá trị truyền thống vốn có của lễ hội này. Nói cách khác, lễ hội Nghinh Ông thể hiện cái thiêng liêng của đời sống tâm linh, là trạng thái “thăng hoa” làm cân bằng đời sống hiện thực của người dân. Lễ hội này không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hoá dân tộc đa dạng trong thống nhất của dân tộc, mà nó còn là nơi bảo tồn, giữ gìn, phát huy nền văn hoá dân tộc ấy. Trong lễ hội, những phần diễn trò và trò chơi dân gian luôn là những gam màu tươi sáng, có sức thu hút mãnh liệt đối với bất kì người dân nào. Chính những trò diễn và trò chơi tuy không mang tính nghi lễ ấy lại là những giá trị văn hóa cần được lưu giữ. Trong tâm thức mỗi người, những trò chơi ấy tuy đơn giản những lại hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc, những tiềm năng to lớn. Chính vì thế, giữ gìn và bảo tồn các phần sinh hoạt ấy chính là lưu giữ cho thế hệ sau những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời cũng là cơ hội mở ra cho sự phát triển du lịch bởi những nét sinh hoạt ấy vốn còn lạ lẫm, thu hút nhiều du khách phương xa.

- Góp phần phát triển kinh tế của huyện và tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho du lịch của thành phố:

Những năm qua, đất nước ta từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập với thế giới về nhiều phương diện. Do đó, đời sống của người dân cũng được nâng cao hơn để rồi nhu cầu về vật chất và tinh thần đã trở thành một nhu cầu chính đáng. Trong đó, nhu cầu tinh thần thông qua hoạt động du lịch có ý nghĩa lớn khi con người được trải nghiệm những lễ hội, những thắng cảnh, những tập tục đặc sắc tại mọi nẻo đường mà họ tới. Nắm được nhu cầu đó, nhiều địa phương trong đó có Cần Giờ đã phục dưng và duy trì những lễ hội đặc trưng để có thể phát triển du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế. Với việc tổ chức lễ hội nghinh Ông theo thông lệ hàng năm vào tháng 8 âm lịch còn có một lợi ích thiết thực khác là tạo ra một điểm đến cho khách du lịch trong nước, khách du lịch nước ngoài khi đến với thành phố Hồ Chí Minh sống động nhưng đậm chất văn hóa. Thông qua những chương trình du lịch lễ hội nhằm giới thiệu với du khách một cách sinh động về hình ảnh con người Nam Bộ trong quá khứ và hiện tại; giới thiệu những nét đặc trưng, những giá trị văn hoá tín ngưỡng được thể hiện trong lễ hội. Đến với lễ hội nghinh Ông, chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản chiếm phần lớn và mức chi tiêu này ngày càng tăng nên việc đóng góp của du lịch địa phương cho nền kinh tế sẽ là một xu hướng đáng quan tâm. Đồng thời, du khách cũng được hoà mình với niềm vui của người dân địa phương, được tận hưởng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử. Lễ hội truyền thống này đang được coi là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng phục vụ phát triển du lịch và là một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội nginh Ông từ lâu không bó hẹp trong phạm vi một địa phương mà tồn tại trên những tỉnh thành giáp biển của Việt Nam. Số lượng người tham gia lễ hội ngày càng đông, người dân địa phương lẫn du khách nhiều nơi hòa lẫn vào nhau trong niềm hân hoan tại một điểm đến tương đối mới so với những điểm du lịch trong nội thành đang được khai thác thường xuyên.

4. Kết luận

Từ lâu hình tượng cá Ông đã đi vào tâm thức của người Việt đặc biệt là những ngư dân bám biển trong cuộc mưu sinh. Dân gian coi cá Ông như một vị thần nên các nghi thức tưởng nhớ đã trở thành hoạt động tín ngưỡng dân gian. Vì thế, hàng năm, dân chúng nhiều nơi vẫn thường tổ chức ngày nghinh Ông vào nhiều thời gian trong năm tùy từng vùng để tưởng nhớ đến công lao của ông. Cho đến nay, những ngư dân tại Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Giờ vẫn rất kính nể Ông và xây dựng những khu Lăng, nghĩa trang rất uy nghiêm để thờ cúng. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, những lăng cá Ông này vẫn sừng sững uy nghiêm minh chứng cho việc ngư dân kính trọng công đức của cá Ông. Trong tâm thức của ngư dân tại các tỉnh giáp biển nói chung và người dân Cần Giờ nói riêng danh xưng “Nam Hải tướng quân” dành cho cá Ông là hoàn toàn xứng đáng. Vì thế, việc thờ cúng ông tại nhiều vùng được xem là một cử chỉ đẹp thể hiện một cách đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Đồng thời, tín ngưỡng thờ cá Ông còn là kết quả của quá trình giao lưu văn hoá hết sức sôi động của cư dân người Việt và người Chăm xưa. Do đó, đi kèm với sự thờ cúng là việc tổ chức lễ hội và nhiều trò chơi, trò diễn tại lăng. Lễ hội tại đây lăng Ông huyện Cần Giờ được xem là mẫu mực cho các lễ hội của đình làng ở thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ. Đặt trong bối cảnh xã hội hiện nay, vẫn còn đó nhiều ngư dân và người dân không sống bằng nghề biển rất tôn kính cá Ông và xem như là một tín ngưỡng văn hoá dân gian hướng họ đến với những cái hay, cái đẹp trong quá trình mưu cầu sung túc cho cuộc sống thiên biến vạn hoá này.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Văn Chấn (Vạn phó hội Vạn Lạch) (2014), “Lăng Ông Thủy Tướng” (tài liệu cá nhân).
  2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục (1959), Ngô Lập Chí dịch, khoa Xã hội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

http://www.taphopdongtam.org/baiviet/phubientapluc.html

  1. Nguyễn Thanh Lợi (1999), Sinh hoạt văn hóa dân gian ở xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) qua tục thờ cá Ông, Trong Làng xã Nam Bộ - quá khứ và hiện tại, Huỳnh Lứa, Đinh Văn Liêm chủ nhiệm, Đề tài của Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Thanh Lợi (2003), Thờ cá voi ở thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6.
  3. Nguyễn Thanh Lợi (2014), Tín ngưỡng dân gian những góc nhìn, Nxb Thời đại.
  4. Phan Thị Yến Tuyết (2010), Tín ngưỡng thờ mẫu và nữ thần từ chiều kích văn hóa biển của vùng biển đảo Kiên Hải, Kiên Giang, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5 (141).
  5. Trần Quốc Vượng (2005), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục.
  6. Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý (2005), Lễ hội Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin. 

 Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4 (84), tháng 7.2016

Thông tin truy cập

60424469
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5444
6820
60424469

Thành viên trực tuyến

Đang có 203 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website