Văn học so sánh ở Hoa Kỳ: hướng nghiên cứu phi trung tâm

20170925 VHSS

Ảnh: Bìa sách Comparisons: Theories, Approaches, Uses

(Rita Felski and Susan Stanford Friedman. Johns Hopkins University Press)

 

Đã có nhiều công trình ở Việt Nam giới thiệu lịch sử và xu hướng ngành văn học so sánh Hoa Kỳ. Bài viết này phân tích và miêu tả diện mạo nền văn học so sánh Hoa Kỳ đương đại từ góc độ của lí thuyết nghiên cứu di sản văn học, văn hóa các nước thực dân, thuộc địa cũ (postcolonialism). Trên cơ sở khảo sát nội dung các khóa học bắt buộc đối với sinh viên sau đại học chuyên ngành văn học so sánh ở các trường đại học Hoa Kỳ hiện nay, bài viết khẳng định văn học so sánh đương đại ở Hoa Kỳ là khoa học nghiên cứu phi trung tâm, phi trung tâm ở hai phương diện: đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Về đối tượng nghiên cứu, văn học so sánh Hoa Kỳ nghiên cứu nền văn học phi Anh - Mỹ. Về phương pháp, văn học so sánh Hoa Kỳ mở rộng cánh cửa cho nghiên cứu liên ngành, đa ngành. Hai xu hướng này đều đi chệch khỏi hướng nghiên cứu văn học chính thống vốn đặt trọng tâm vào nền văn học dân tộc - văn học bằng tiếng Anh và vốn nghiêm khắc bó hẹp khái niệm văn học trong phạm vi văn bản (text).

Quá trình điển phạm hóa (canonization)

Phân tích quá trình một nền văn học, quá trình một tác giả hay một tác phẩm trở thành trung tâm đã tạo thành cơ sở tri thức cho văn học so sánh Hoa Kỳ với tư cách là một ngành nghiên cứu văn học phi trung tâm(1). Từ “điển phạm”, “kinh điển” ở đây không được hiểu như là một tính chất cố hữu, có sẵn (danh từ: canon, hay tính từ: canonic). Thay vào đó, thuật ngữ này được hiểu như là một quá trình trở thành điển phạm, trở nên kinh điển (canonization). Theo John Guillory, điển phạm (canon) là một nguyên tắc lựa chọn tác giả hay văn bản giá trị. Quá trình này vừa có yếu tố tự thân của tác giả và tác phẩm, vừa có yếu tố xã hội. Nhưng quan trọng hơn là yếu tố xã hội, Guillory khẳng định. Các lớp học, trào lưu phê bình văn học, xu hướng giáo dục, hay các dự án ngôn ngữ đóng vai trò là trung gian qua đó những yếu tố mang tính xã hội can thiệp vào sự lựa chọn một tác giả, một xu hướng, hay một nền văn học trở thành trung tâm. Guillory nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét các yếu tố mang tính xã hội trong sự hình thành cái gọi là thiên tài hay tác phẩm kiệt xuất. Đặc biệt, ông  coi kinh điển là một sự kiện hay quá trình mang tính lịch sử. Vì thế ông gợi ý, không nên đồng nhất các tác giả hay tác phẩm kinh điển văn học vào chính bản thân nó mà hãy bóc tách các lớp lịch sử đã tham gia vào quá trình hình thành vị trí kinh điển, tính chất điển phạm của tác giả hay tác phẩm đó(2).

Trong quá trình một nền văn học, một xu hướng văn học hay một tác phẩm trở thành kinh điển thế giới hay dân tộc có vai trò quyết định của điều kiện kinh tế và điều kiện chính trị. Dựa trên lí thuyết trường (văn học) của Bourdieu, nhà xã hội học Marxist người Pháp, các nhà nghiên cứu văn học đã phá bỏ tính ngẫu nhiên trong vị trí kinh điển của một số tác phẩm văn học, dựa trên tầm quan trọng của kinh tế đối với sự tồn tại và tôn vinh văn học. Các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, tại sao một tác phẩm lại trở thành biểu tượng cho dân tộc? Quyền lực kinh tế và chính trị dân tộc nào tham gia vào quá trình xây dựng một tác phẩm kinh điển? Với các nhà nghiên cứu theo trường phái Bourdieu, kinh điển hay chính thống là một sự kiện lịch sử (historical event), không phải là một sự kiện tự nhiên (a natural event). Thay vào đó, một tác phẩm kinh điển là sản phẩm của trường văn học (literary field), như Bourdieu xác định. Đó là một hệ thống mang tính cạnh tranh của các quan hệ xã hội. Nó không phải là mối quan hệ giữa các tác giả và nghệ sĩ mà là quan hệ giữa hai chiều kích: một là vị trí của tác giả và tác phẩm có thể tính toán được qua vốn kinh tế (economic capital) hay là thành công về mặt thương mại. Hai là các vốn tượng trưng (symbolic capital). Đó là quá trình tìm kiếm sự thừa nhận trong trường văn học và sự tìm kiếm đặc quyền văn hóa. Đặc quyền này, một khi được thiết lập, được duy trì và được tích lũy, sẽ trở thành “vốn”. Các vốn này bao gồm: vốn văn hóa (tri thức như là ngọn nguồn của quyền lực), vốn xã hội (quyền lực đến từ các mối quan hệ xã hội) và vốn tượng trưng (vốn đến từ sự thừa nhận, sự tôn trọng, sự vinh danh hay quyền được ưu tiên đối với cá nhân). Nói cách khác, như Michel Hockx lí giải, theo quan điểm của Bourdieu, có hai yếu tố tác động lên quá trình trở thành kinh điển dân tộc hay thế giới của một nền văn học. Yếu tố thứ nhất nằm trong phạm vi văn học: đó là mối quan hệ qua lại, sự tác động và vị trí giữa các trung gian (agents) bao gồm nhà xuất bản và các nhà phê bình. Yếu tố thứ hai thuộc về xã hội, nơi mà ở đó, vốn kinh tế giữ vai trò là nền tảng cho các kĩ năng văn học được xã hội ghi nhận(3).

Trong bài viết Kể chuyện Bourdieu: một nghiên cứu trường hợp về Trật tự giới trong Trường Văn học (Romancing Bourdieu: A Case Study in Gender Politics in the Literary Field)(4), Marty Hipsky bóc tách quá trình trở thành kinh điển của nhà văn nữ Humphry Ward. Nền tảng gia đình, các mối quan hệ với giới quyền chức đã trở thành vốn tượng trưng để bà xâm nhập vào thế giới văn học vốn chỉ ưu ái đàn ông. Chính Ward cũng nắm rõ vai trò của vốn tượng trưng trong việc xây dựng thương hiệu cho tác phẩm của mình. Bà đã tiến hành các “chiêu trò” để làm cho tác phẩm của mình được dư luận chú ý. Ví dụ, bà viết thư cho cựu thủ tướng nước Anh để gây chú ý với giới cầm quyền và đặc biệt là với giới truyền thông về tác phẩm mới ra đời của mình. Bà cũng xây dựng hình ảnh cá nhân và các thành viên trong gia đình theo hướng thượng lưu hóa. Bà từ bỏ cách viết theo kiểu trình bày ý tưởng mà tập trung vào cốt truyện và những giáo huấn. Sự thay đổi này hướng đến những đầu óc đơn giản – vì đây là lượng độc giả chiếm ưu thế đương thời. Những sự thay đổi này có mục đích là làm cho tác phẩm bà viết ra có thể mang tính cạnh tranh trên thị trường. Với những thực hành chính trị, xã hội và kinh tế bên ngoài tác phẩm, Ward đã làm thay đổi vị trí xã hội của những tác phẩm tiểu thuyết do phụ nữ viết. Đồng thời, bà cũng tạo sự thay đổi về cấu trúc của đời sống văn học vào những năm 1890: đó là tạo ra xu hướng tập trung vào thành công về kinh tế của tác phẩm và tác giả văn học.

Trong các khóa học chủ chốt về văn học so sánh ở Mỹ, bài viết của Bourdieu - Sản xuất và tái sản xuất ngôn ngữ chính thống (The Production and Reproduction of Legitimate Language)(5) là một tài liệu mang tính chìa khóa. Ở đây, Bourdieu gợi ý về mối quan hệ giữa vị trí kinh điển, điển phạm của một nền văn học, xu hướng văn học hay tác giả văn học và quyền lực chính trị. Trong bài viết này, Bourdieu gợi ý rằng sự tồn tại của một ngôn ngữ chính thống là kết quả của quá trình đấu tranh không ngừng và có chiếc lược của nhà đương quyền. Ông cho rằng, ngôn ngữ luôn gắn với một nhà nước. Chính quá trình hình thành nhà nước đã tạo ra một thiết chế về thị trường ngôn ngữ thống nhất và được chi phối bởi ngôn ngữ bá quyền chính thống. Thực chất, ngôn ngữ chỉ chính thống ở một phạm vi học thuật, chính trị hay vùng miền nhất định. Nhưng vì cái phạm vi chính trị và vùng miền này đang có quyền trung tâm nên ngôn ngữ của nó được áp đặt lên toàn thể dân chúng như là ngôn ngữ chính thống duy nhất. Trong quá trình áp đặt này có vai trò của, như Bourdieu chỉ ra, đội ngũ giáo viên và các nhà ngữ pháp học. Những người này có nhiệm vụ là người “canh gác” cho các luật lệ về ngôn ngữ và áp đặt các luật lệ đó lên cách viết, cách nói. Và vì ngôn ngữ và ý thức là liên kết với nhau, đội ngũ giáo viên và các nhà ngôn ngữ học đã áp đặt cả lối tư duy và tư tưởng của một nhóm người lên dân số còn lại vốn rất đa dạng về thực hành ngôn ngữ và cách tư duy. Nói đúng hơn và nói như Bourdieu, giáo viên và các nhà ngữ pháp học là những người có quyền lực đánh giá tính pháp lí của các thực hành ngôn ngữ.

Tính chính thống của ngôn ngữ này lại liên tiếp được củng cố bởi sự ra đời và hoạt động của các vụ viện có sức mạnh và chức năng áp đặt lên suy nghĩ của dân chúng về tính ưu việt của ngôn ngữ chính thống. Dân chúng bị buộc phải tham gia vào cái dòng ngôn ngữ chính thống, từ bỏ thực hành ngôn ngữ (tư duy) vùng miền và cá nhân của mình, nếu muốn được chia sẻ quyền lợi kinh tế và văn hóa với nhóm quyền lực. Ví dụ, ở Pháp, ở thời điểm Cách mạng thành công, lúc đầu các ngôn ngữ bị phân chia dựa vào ngôn ngữ địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan vụ viện ở Paris đã áp đặt vị trí ưu thế của ngôn ngữ vùng Paris và tạo ra một nhà nước chỉ nói hai ngôn ngữ. Để ngôn ngữ Paris có vị trí đặc quyền, tầng lớp cầm quyền đã có chiến thuật nâng vị trí ngôn ngữ của mình lên thành vị trí ngôn ngữ chính thống của dân tộc. Và điều này kéo theo sự hợp nhất hóa về tư duy và văn hóa trên toàn nước Pháp theo hướng tư duy của Paris (vì ngôn ngữ luôn liên kết đối với tư duy và văn hóa.) Đây là một cuộc đấu tranh về mặt quyền lực. Tuy nhiên, quá trình pháp lí hóa một ngôn ngữ cũng là quá trình ép khô và làm chết một ngôn ngữ bởi, như Bourdieu khẳng định, các nhà ngữ pháp học, các thầy cô giáo và các vụ viện cố gắng công thức hóa các thực hành nói và viết vốn rất đa dạng vào những những quy luật. Với quyền lực được viết, được nói và được sửa, họ bắt buộc các thực hành ngôn ngữ đi theo các luật lệ đó. Tất cả những sự áp chế này hướng tới sự hình thành một ý thức chung về dân tộc. Đồng thời với quá trình hợp lệ hóa thứ ngôn ngữ toàn dân này là quá trình hạ bệ một phương ngữ hay là quá trình xây dựng một thứ bậc thực hành ngôn ngữ mới.

Hendrick Maier, chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu văn học Đông Nam Á tại khoa Văn học so sánh, Đại học Califonria, trong bài viết Một epik (sử thi) chưa bao giờ là epic (sử thi) - Sử thi người Malay Hikayat Hang Tuah(6), phá vỡ tính tự nhiên vị trí kinh điển của sử thi Hikayat Hang Tuah trong văn học Malaysia, dựa trên quan niệm về văn học, ngôn ngữ và quyền lực. Ông nhận định các thuật ngữ như “dân tộc” hay “mang tính dân tộc” đều cần phải đặt vấn đề nghi vấn. Thế giới Malay - các khu vực nói và viết tiếng Malay - bao phủ dải Malacca, biển Đông, biển Java và biển Banda. Dựa vào tính rộng lớn, tính đa dạng và nhiều chiều này thì có vẻ chúng ta, Maier nhận định, đang nói về các cộng đồng người Malay hơn là nói về một dân tộc Malay(sia). Trong một vài cộng đồng đó, hình như, câu chuyện về Hang Tuah chỉ nổi trội ở những vùng nhất định: ở bán đảo, Hang Tuah được biết đến nhiều nhưng Hang Tuah không được biết đến ở nơi mà ngày nay được gọi là Indonesia; trừ vùng Riau và Bờ Đông của Sumatra. Dân tộc (nation), và đi kèm với nói là chủ nghĩa dân tộc, vốn được tạo dựng ở vương quốc Malaysia, tóm lại, có một đặc trưng rất nghiêm khắc. Các cộng đồng người Malay trên bán đảo có xu hướng lờ đi tính đa chiều của thế giới Malay. Họ có xu hướng giữ im lặng một sự thực rằng tính Malay vượt lên trên ranh giới của bán đảo Malay - cốt lõi của nhà nước dân tộc Malaysia. Họ cố tình lãng quên sự khác biệt về văn hóa và lịch sử trong thế giới Malay. Họ lờ đi nỗi ngờ vực nằm trong nhận định cho rằng Malaysia chỉ bao gồm người Malay. Chủ nghĩa dân tộc là một khái niệm hẹp. Và cũng mang đầy tính tuyển lựa.

Maier cũng dựng lại số phận câu chuyện về Hang Tuah trong cộng đồng người Malay cách đây ba trăm năm. Trong những nỗ lực định vị dân số địa phương vào thang vị văn minh và nhằm mục đích hiểu sâu hơn về lịch sử của Peninsula, những vị khách vãng lai người Hà Lan và British, với niềm đam mê dành cho tộc người Malay, đã cố gắng xây dựng một bức tranh về dân tộc Malay ở Peninsula trong tổng thể của nó. Họ đã tìm những văn bản có thể vạch ra “đề cương nào đó về lịch sử Malay và về sự phát triển của dân tộc đó” như John Leyden đã công thức hóa vào những năm 1820. Trong vòng năm mươi năm của ngành tư bản in ấn và sự hình thành dân tộc ở bán đảo Malay, bắt đầu vào khoảng năm 1900, Hikayat Hang Tuah được đề xướng trở là biểu tượng giúp người người Malay thấy rằng: đây là cách thức văn hóa riêng của chúng ta. Được dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân tộc (khát vọng mạnh mẽ trở thành một thực thể văn hóa), Hikayat Hang Tuah giờ đây đem đến cho người đọc những kí ức về chiến thắng và sự nổi tiếng, một thế giới xa lạ, về hành vi tiêu biểu và những chiến tích đáng khâm phục. Bức tranh đáng nhớ đó hoàn toàn phục vụ cho các nhà trí thức và chính trị Malay hồi nửa cuối thế kỉ XX khi họ bắt đầu tìm kiếm một bản điều tra toàn diện về các giá trị tư tưởng đã mất - và cần thiết phải khôi phục. Câu chuyện Hang Tuah được dùng như là một hiện thân của sự hoài cổ, một mớ kí ức - và sự hoài cổ và các kí ức có thể là những yếu tố cần thiết của chủ nghĩa dân tộc; chúng là công cụ hiệu quả nhất để xây dựng sự thống nhất về văn hóa và sự thống hợp về chính trị mà chủ nghĩa dân tộc đang đấu tranh tìm kiếm. Và trong thực tế, sự thích thú đối với Hikayat Hang Tuah rất nhỏ. Thậm chí có thể nó không phải là một sử thi. Và có thể nó chưa từng bao giờ là sử thi. Như vậy, cuộc xung đột quyền lực giữa thực dân và thuộc địa cùng với sự phát triển của công nghiệp in ấn và kéo theo nó là các nhà tư bản làm ăn kinh tế đã khiến cho tác phẩm trở thành một sử thi: tác phẩm nói tiếng nói đại diện cho cả dân tộc.

Với vị trí kinh tế chính trị bá quyền, suốt một thời gian dài, văn học tiếng Anh là trung tâm của ngành nghiên cứu văn học hay là tiêu chuẩn của cái gọi là tính văn học (literariness). Niềm tin này bị chi phối bởi chủ nghĩa nhân văn thời khai sáng với triết lí về sự trưởng thành (adulthood) của phương Tây. Triết lí này chính là bệ đỡ cho diễn ngôn thực dân vốn được dùng để hợp thức hóa các chính sách thuộc địa. Hệ quả là, văn học của các nước bên ngoài châu Âu bị coi là phi văn học, chủ yếu mang tính chép sử hay những ghi chép lặt vặt hàng ngày, không xứng đáng là đối tượng của ngành nghiên cứu văn học(7). Tuy nhiên, đến những năm 60 của thế kỉ trước, khi phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa liên tiếp giành thắng lợi, phương Tây bắt đầu nghi ngờ vị trí bá quyền về tri thức trên thế giới. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hậu cấu trúc với các đại biểu là Heidegger, Foucault, Derrida và Lyotard, trở thành nền tảng triết lí cho sự ra đời của những ngành nhân văn mới giúp phương Tây khẳng định lại vị thế bá quyền tri thức, đồng thời cũng là vị trí bá quyền về chính trị và kinh tế của mình. Những ngành nhân văn này được Leela Gandhi gọi là chủ nghĩa phê bình chống đối (opposional criticism), bao gồm nghiên cứu nữ quyền, nghiên cứu dân tộc thiểu số và phê bình hậu thực dân (postcolonialism). Những ngành nghiên cứu mới này đều hướng tới đối tượng ngoại biên - cái khác (otherness, alterity) - trong ngành nhân văn truyền thống như phụ nữ, dân tộc thiểu số hay các nước thực dân thuộc địa cũ. Trong bối cảnh này, văn học so sánh ở Mỹ với tư cách là ngành văn học nghiên cứu những nền văn học phi Mỹ, hay văn học của các ngôn ngữ không phải tiếng Anh, khẳng định vị thế chắc chắn của mình như là một ngành khoa học nhân văn mới(8).

Với văn học so sánh, văn học và văn hóa của các dân tộc phi châu Âu được nghiên cứu một cách hệ thống. Khái niệm văn học thế giới “world literature” vốn chỉ bao gồm văn học phương Tây được xem xét lại nhằm tạo điều kiện cho sự cộng gộp nền văn học của các nước khác trên thế giới. Theo Thomsen, văn học thế giới là một cách tiếp cận văn học theo chủ đề, nhờ đó, nó có thể đưa vào tác giả của nhiều giai đoạn và văn hóa khác nhau(9). Cooppan lại xem văn học thế giới là sản phẩm của toàn cầu hóa; mỗi nền văn học đều có tiếng vang vọng của nền văn học khác và từ thời đại khác(10). Casanova lại tập trung vào lịch sử không gian văn học liên quốc gia (international literary space). Thông thường, phê bình văn học chỉ được đo với các tiêu chuẩn liên quan đến bản thân nó. Có một cách khác, Casanova đề nghị, đó là cách xem xét văn bản trong không gian văn học liên quốc gia - cái tổng thể của các văn bản, văn học và những cuộc thảo luận tranh luận mang tính thẩm mĩ (aesthetic debates). Trong không gian này, một tác phẩm cụ thể sẽ bước vào mối quan hệ hài hòa với các văn bản khác, tìm được nền tảng đích thực cho sự độc đáo và tính độc nhất của mình - những điều chỉ được khám phá trong sự tương đồng và khác biệt. Đây là cách thức xem xét sự phụ thuộc lẫn nhau của các văn bản địa phương, vượt lên trên biên giới của những truyền thống ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử(11).

Tuy nhiên, như Leela Gandhi khẳng định, nền phê bình chống đối, trong đó có văn học so sánh, thực chất là sự tiếp nối của nền nhân văn khai sáng ở chỗ, nó tiếp tục khẳng định lợi ích và bá quyền của nhà nước phương Tây. Sự ra đời của ngành nhân văn mới là để khẳng định vị thế bá chủ của phương Tây trong việc sản sinh ra tri thức. Tri thức đạt được thông qua các ngành nhân văn mới là để phục vụ cho lợi ích của nhà nước nắm quyền, để chiếm hữu và đè nén tri thức của các nước phi phương Tây(12).

Văn học so sánh là “văn học nước ngoài”

Văn học so sánh là ngành nghiên cứu văn học của các ngôn ngữ không phải tiếng Anh. Có thể nói, khoa văn học so sánh ở Mỹ thực chất là khoa “văn học nước ngoài” – một thuật ngữ rất quen dùng ở Việt Nam. Trang giới thiệu khoa văn học so sánh cũng như các văn bản chiêu sinh sau đại học chuyên ngành này của các trường đại học Hoa Kỳ đều khẳng định: điều kiện bắt buộc với các sinh viên là phải biết thêm ít nhất một ngôn ngữ bên cạnh tiếng Anh. Ví dụ, thế mạnh ngôn ngữ của khoa Văn học so sánh, trường Đại học California Riverside, bao gồm tiếng Ả rập, Hi Lạp cổ đại, Latin, Pháp, Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Anh (của các nước thuộc địa cũ), Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam. Đọc được văn bản bằng ngôn ngữ gốc là yêu cầu tiên quyết của sinh viên và giáo sư trong chuyên ngành văn học so sánh.

Dựa trên quan sát của Susan Stanford Friedman ở Đại học Wisconsin Madison trong bài viết Tại sao không so sánh (Why Not Compare?), có thể thấy có hai xu hướng nghiên cứu trong văn học so sánh ở Hoa Kỳ hiện nay(13). Một là xu hướng đọc văn học các nước khác thông qua bản dịch. Thực ra, dịch văn học là một hoạt động viết lại một tác phẩm bởi vì ngôn ngữ mới bao giờ cũng liên quan chặt chẽ đến một kiểu nghĩ, một kiểu văn hóa nhất định và những điều này thì không thể dịch được và không thể hiểu một cách toàn diện. Do đó, văn bản dịch tiếng Anh của một tác phẩm phi tiếng Anh nên được xem như là một phần của nền văn học tiếng Anh. Hay nói cách khác, văn học so sánh mà đọc qua bản dịch, từ chối bản gốc, thực chất đã đánh mất bản chất là một ngành nhân văn mới của nó. Nó thực chất là một bộ phận của văn học tiếng Anh. Cái ảo tưởng cho rằng đọc bản dịch có thể thay thế đọc bản gốc phản ánh nỗi sợ hãi bị mất vị thế chuyên quyền tri thức trong học thuật phương Tây: nó che đậy sự thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài nó. Hơn thế nữa, cách chọn đọc bản dịch trong văn học so sánh cũng phản ánh sự quá tự tin của học thuật phương Tây: nó đọc thế giới như cái cách nó muốn và dựa trên tiêu chuẩn của riêng nó. Cách thức này tạo ra một ảo giác đầy nguy cơ là cả thế giới giống nhau và quy đầu về các phạm trù và khái niệm của phương Tây. Chính Spivak cũng nhận thực ra điều này. Bà cho rằng cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng bá quyền của tri thức phương Tây trong văn học so sánh là phải học ngôn ngữ của những vùng xa xôi. Theo bà, học một ngôn ngữ thực ra là học một cách suy nghĩ và phải đối xử tri thức và ngôn ngữ của những vùng xa xôi này cũng là một ngọn nguồn của tri thức(14).

Xu hướng thứ hai trong nghiên cứu văn học so sánh là tập trung đọc bản gốc và lờ đi bản dịch. Cách thức này lại làm nảy sinh một vấn đề là duy trì vĩnh viễn chủ nghĩa hương xa của các nhà phương Đông học. Hơn nữa, xu hướng này vấp phải một nghịch lí, đó là việc đọc các văn bản gốc vẫn đi theo các lí thuyết nhân văn của phương Tây, viết bằng ngôn ngữ Anh và độc giả là những người phương Tây. Theo cách thức này, văn học các nước phi phương Tây chỉ được coi là chất liệu để khẳng định tính ưu việt, toàn vũ trụ của tri thức phương Tây. Đây thực chất là một cách thức thực dân hóa (colonize) văn học ở các nước phương Tây trong nghiên cứu văn học so sánh. Friedman nhận định rằng, so sánh văn học ở phạm vi toàn cầu sẽ vướng vào vòng xoáy của trung tâm luận vì nó dựa trên giả thiết về một nền văn hóa phương Tây mang tính toàn vũ trụ và đã biết, và những nền văn hóa còn lại là những cái khác dị và thấp kém hơn. Do đó, xu hướng này “tái khẳng định tính vũ trụ của lực lượng bá quyền như là thước đo tiêu chuẩn”(15).

Nhận ra vấn đề phương Tây trung tâm luận trong văn học so sánh, Friedman đề xuất cách so sánh chấp nhận sự không thể bao quát và bất khả tri của ngữ cảnh và văn bản để phá vỡ vị trí trung tâm luận của phương Tây. Thứ nhất, bà cho rằng, các nhà nghiên cứu nên học qua so sánh cách nhìn sự vật khác đi để nhận ra và phá vỡ quá trình trở thành kinh điển của văn hóa và văn học phương Tây. Cách thức phá bỏ sự quen thuộc đối với ngôi nhà (defamiliarization of home) thông qua sự gắn kết với những cái khác là nền tảng cho những phân tích chính trị xuyên văn hóa.

Nói cách khác, cách làm văn học so sánh hiệu quả là việc đặt câu hỏi nghi ngờ đối với vị trí tiêu chuẩn của cái chiếm ưu thế và khẳng định nó không phải là cái mang tính toàn vũ trụ. Ví dụ, các học giả phát triển lí thuyết tự sự học dựa trên một nền văn học phương Tây thuần túy, không có những so sánh toàn cầu đối với những truyền thống tự sự khác. Vì thế, ngành học thuật này đã mắc vào cái vòng tri thức khẳng định tính ưu việt và toàn cầu của các hình thức tự sự phương Tây. Một sự so sánh mang tính cộng gộp của nhiều hình thức tự sự từ nhiều điểm khác nhau trên thế giới có thể giải tỏa chủ nghĩa toàn cầu sai lầm và ảo tưởng của các hình thức phương Tây. Hay so sánh các cây bút nữ từ giai đoạn lịch sử khác nhau, từ các văn hóa dân tộc khác nhau hay từ các vùng khác nhau trên thế giới là một cách thức đem đến cho tác phẩm văn học những bối cảnh khác nhau. Cách cấu trúc lại bối cảnh như vậy đem lại tri thức về cách thức thực hiện vai trò giới trong thời gian và không gian khác nhau. Sự so sánh cũng giúp trả lời câu hỏi về cái nào có thể so sánh và cái nào không thể so sánh hay câu hỏi về sự tương đồng và khác biệt nằm ở đâu.

Cách thức so sánh đặt các tác phẩm hay vấn đề cần so sánh cạnh nhau (a juxtapositional model of comparison) được Friedman khuyến khích. Cách thức này yêu cầu không coi bên nào là tiêu chuẩn của bên nào và không dùng một bên như là công cụ thể phục vụ cho bên kia. Cách thức thứ hai được Friedman gọi là “phá vỡ sự quen thuộc mang tính trao nhận” (reciprocal defamiliarization). Cách thức này nhấn mạnh sự bất khả tri (unknowability). Theo đó, mỗi yếu tố trong phép so sánh bị tách ra khỏi hệ thống nghĩa lớn hơn của nó và đặt vào một trường ảnh hưởng hay khung cảnh khác trong một quá trình so sánh khác. Ở đây, chúng chuyển hóa lẫn nhau, tác động lên nhau. Cách thức này duy trì tính cụ thể của các yếu tố so sánh, từ chối tính chất thứ bậc, chủ nghĩa phương tiện. Nó phát triển sự hình thành những cái chung mới dựa trên những điều mà các văn bản chia sẻ với nhau. Đây là cách thức đặt cạnh nhau những văn bản từ những nền văn hóa, lịch sử và địa lí khác nhau. Mỗi văn bản mang trong mình bối cảnh đặc biệt và tác động lên cách hiểu những văn bản khác. Chúng đọc lẫn nhau. Các văn bản trong mối tương quan này sản sinh ra những ý nghĩa mới cũng như những khung lí thuyết mới.

Văn học so sánh là bộ môn nghiên cứu liên ngành

Phương pháp nghiên cứu liên ngành trở nên quen thuộc trong ngành nghiên cứu văn học so sánh. Cụ thể, sinh viên và học giả chuyên ngành văn học so sánh có thể tiến hành nghiên cứu liên ngành, dựa trên các bộ môn như điện ảnh và truyền thông, nghiên cứu nữ quyền, nghiên cứu dân tộc thiểu số, lịch sử, luật, triết học, nghiên cứu hậu thực dân, tâm lí học, tôn giáo, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu trình diễn. Sinh viên khoa văn học so sánh khi lựa chọn theo phương pháp nghiên cứu liên ngành phải đăng kí lớp ở các khoa khác và phải sử dụng những phương pháp đó vào nghiên cứu văn học ít nhất bằng hai thứ tiếng.

Cơ sở cho những nghiên cứu liên ngành này là quan niệm mở rộng về ngôn ngữ. Theo đó, “ngôn ngữ theo nghĩa rộng và mang tính cộng gộp… bao gồm các đối tượng âm thanh, chữ viết, hình ảnh hay vật thể”(16). Hơn nữa, khái niệm đối thoại của Bakhtin cũng là một cơ sở để phương pháp nghiên cứu liên ngành trở nên cần thiết trong văn học so sánh. Theo đó, tất cả những sự thể hiện (presentations) dưới hình thức ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh hay những phản ứng của cơ thể hay lời nói đều tồn tại trong sự đối thoại. Chúng phản ánh, đối thoại lẫn nhau. Do đó, sự thu thập dữ liệu từ nhiều phương pháp khác nhau sẽ tạo điều kiện để học giả chuyên ngành so sánh đặt cạnh nhau các dữ liệu liên ngành, cho chúng giao tiếp với nhau. Cách thức này sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống và khoảng im lặng thường tồn tại trong một loại dữ liệu do sự chi phối của quyền lực chiếm ưu thế.

Với tư cách là ngành nghiên cứu các nền văn học, văn hóa phi trung tâm, văn học so sánh ở Mỹ hiện nay tập trung đem ra ánh sáng tri thức nhược tiểu vốn bị những xu hướng văn hóa chính trị chiếm ưu thế đương thời cho ra rìa. Sứ mệnh này khiến cho phương pháp liên ngành đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu văn học so sánh. Do vị trí ngoại vi mà những nhóm người nhược tiểu không có tiếng nói hay hình ảnh trong lịch sử dân tộc chính thống hay trong các diễn đàn xã hội, chính trị, văn hóa. Vì thế, việc tiếp cận văn học chính thống không đem lại hình dung về diện mạo văn học, văn hóa của những nhóm người nhược tiểu. Ngược lại, việc tiếp cận các tài liệu thư viện và lưu trữ có thể là một phương pháp đem lại những dữ liệu về sự tồn tại của tiếng nói phản kháng hay sự chống đối mà Guha gọi là “counter-insurgences”(17). Tuy nhiên, các tài liệu hành chính được lưu trữ cũng bị quy định bởi nhà nước đang cầm quyền, theo quan niệm của các nhà Foucault học(18). Do đó, nghiên cứu thực địa là một phương pháp hữu hiệu trong việc lắng nghe và cảm nhận tiếng nói của những chủ thể văn hóa nhược tiểu. Với phương pháp này, nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những dữ liệu có khả năng đối thoại và lấp đầy những khoảng trống về tiếng nói của nhóm người bên lề trong nguồn văn học, lịch sử hay điện ảnh chính thống.

Có thể thấy, văn học so sánh hiện tại ở Mỹ là bộ môn nghiên cứu tri thức văn học, văn hóa bên lề với phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành. Bộ môn văn học tiếng Anh (Department English Literature) tiếp tục rèn nắn các thế hệ sinh viên và học giả vào một nền văn học Anh - Mỹ kinh điển, với cách viết và diễn đạt tiêu chuẩn, với một phương pháp nghiên cứu văn bản truyền thống nhằm duy trì sự ưu việt của văn học tiếng Anh, và vị thế chính trị kinh tế bá quyền của phương Tây. Trong khi đó, văn học so sánh lại tồn tại và hoạt động theo một xu hướng đối chọi lại, hướng đến nền văn học phi chính thống: nền văn học tiếng Anh “thiếu chuẩn” của những nước thuộc địa cũ và nền văn học phi tiếng Anh. Nó sử dụng các phương pháp với mục đích là làm sống lại và đem ra ánh sáng những tri thức văn học, văn hóa ngoại biên của những cộng đồng nhược tiểuq

________________

(1) Khóa học bắt buộc đối với sinh viên sau đại học chuyên ngành văn học so sánh là Văn học và Kinh điển (Literature and Canon).

(2) Xem John Guillory: Cultural Capital: The Problem of Literary Canon Formation. University of Chicago Press, Chicago, 1993.

(3) Xem Michel Hockx: The Literary Field of Twentieth-Century China. University of Hawaii, Honolulu, 1999.

(4) Xem Marty Hipsky: “Romancing Bourdieu: A Case Study in Gender Politics in the Literary Field”, in Nicholas Brown, Imre Szeman ed.: Pierre Bourdieu: Fieldwork in Culture. Rowman & Littlefield Publishers, Lanham, Md., 2000, pp.186-206.

(5) Xem Pierre Bourdier: “The Production and Reproduction of Legitimate Language”, in Language and Symbolic Power. Harvard University Press, Cambridge, 1991, pp.43–65

(6) Một epik (sử thi) chưa bao giờ là epic (sử thi) - Sử thi người Malay Hikayat Hang Tuah (Tạp chí VHDG, số 4 (142), 2012; tr. 62-76). Bản gốc: Hendrik Maier: “Epik That Never Was an Epic – the Malay Hikaya Hang Tuah” in Epic Adventures: Heroic Narrative in the Oral Performance Traditions of Four Continents, Jan Jansen, Hendrik M.J Maier ed., Lit Verlag, Münster , 2004, pp. 34-45.

(7) Xem Gauri Viswanathan: Masks of Conquest: Literary Study and British Rule in India. Colombia University Press, New York, 1989 và Carol Brechkenridge, Peter van der Veer: Orientalism and the Post Predicament, Prespectives on South Asia. University of Pennylvania Press, Philadenphia, 1993.

(8) Xem Leela Gandhi: Post Colonial Theory – Critical Introduction. Oxford University Press, Delhi, 1999.

(9) Xem Mads Rosendahl Thomsen: “Migrant Writers and Cosmopolitan Culture”, in Mapping World Literature: International Canonization and Transnational Literatures (Continuum Literary Studies), Bloomsbury Academic (August 20, 2008), p.61-102.

(10) Xem Vilashini Cooppan: “Ghost in the Disciplinary Machine: The Uncanny Life of World Literature”, Comparative Literature Studies. Vol. 41. No.1 (2004), pp.10-36.

(11) Pascale Casanova: The World Republic of Letters. M B DeBevoise trans. Harvard University Press, Cambridge, Mass., 2004.

(12) Đọc Leela Gandhi: Post Colonial Theory – Critical Introduction. Sđd.

(13) Xem Susan Stanford Friedman: “Why Not Compare?”, in Comparisons: Theories, Approaches, Uses. Ed. Rita Felski and Susan Stanford Friedman. Johns Hopkins University Press, 2013, pp.34-55.

(14) Xem Jenny Sharpe and Gayatri Chakravorty Spivak. “A Conversation with Gayatri Chakravorty Spivak: Politics and the Imagination”, Signs, Vol. 28, No. 2 (Winter 2003), pp.609-624.

(15) Susan Stanford Friedman: “Why Not Compare?”, in Comparisons: Theories, Approaches, Uses. Sđd, p.34.

(16) Xem Stuart Hall: “The Work of Representation”, Representation: Cultural Representations and Signifying Practices. Ed. Stuart Hall. SAGE, London:, 2012, pp.12-76.

(17) Xem Ranajit Guha: “The Prose of Counter-Insurgency", Selected Subaltern Studies (Ranajit Guha; Gayatri Chakravorty Spivak ed.). Oxford University Press, New York, 1988, pp.45-84.

(18) Ví dụ, xem Susan Bayly: “French Anthropology and the Durkheimians in Colonial Indochina”, Modern Asian Studies. 34.3 (2000), pp.581-622 và Ann Stoler: “Colonial Archives and the Arts of Governance”, Archival Science 2 (2002), pp.87–109.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 7 (521) / 2015, tr. 181-191.

Thông tin truy cập

60752291
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6915
9281
60752291

Thành viên trực tuyến

Đang có 316 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website