Danh thần Trương Đăng Quế với việc tiếp nhận danh tác Hồng lâu mộng ở Việt Nam

20180522 Dai quan vien

1. Dẫn nhập

Hồng lâu mộng, còn có tên khác là Thạch đầu kýKim ngọc duyên. Là tiểu thuyết trường thiên, toàn bộ gồm 120 hồi, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết, tác phẩm ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, được xem là một trong “tứ đại danh tác”[1] của văn học cổ điển Trung Quốc. Toàn bộ nội dung Hồng lâu mộng dùng đường tuyến trung tâm là mối tình bi kịch của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc để miêu tả quá trình suy vi của một gia đình quý tộc phong kiến, để từ đó “vạch trần cuộc sống xấu xa hoang dâm của giai cấp thống trị phong kiến, và từ đó vạch cho ta thấy vận mệnh lịch sử của xã hội phong kiến tất phải đi đến chỗ sụp đổ”[2]. Hồng lâu mộng đạt thành tựu rất cao về mặt nghệ thuật, tác phẩm đã miêu tả tinh vi điêu luyện các sinh hoạt hàng ngày, tái hiện chân thực hiện thực xã hội đương thời. Toàn bộ kết cấu tác phẩm rộng lớn tự nhiên, miêu tả chi tiết hết sức xuất sắc, ngôn ngữ điêu luyện tự nhiên với tính biểu hiện rất cao. Hồng lâu mộng có ảnh hưởng sâu sắc trong văn học sử Trung Quốc, góp phần đưa sáng tác tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc lên đỉnh cao. Hồng lâu mộng không chỉ là vật quý của văn học Trung Quốc, mà còn được xem là giai tác của văn học thế giới, tác phẩm đã được truyến bá, tiếp nhận ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Về quá trình truyền bá, phiên dịch và nghiên cứu Hồng lâu mộng ở Việt Nam, đã được các tác giả Hồ Văn Bân, Hạ Lộ và Hà Thị Cẩm Yến giới thiệu chi tiết trong các chuyên luận “Khái thuật nghiên cứu Hồng lâu mộng ở Việt Nam[3]. Bài viết đã giới thiệu tường tận tình hình nghiên cứu, phiên dịch Hồng lâu mộng ở Việt Nam, đồng thời phân tích những tương đồng khác biệt trong nghiên cứu “Hồng học” ở Trung Quốc và Việt Nam. Gần đây, trong việc tìm hiểu các tư liệu liên quan đến tình hình lưu truyền của Hồng lâu mộng tại Việt Nam, GS. Trần Ích Nguyên cũng đã có bài viết “Hồng lâu mộng và tục thư Hồng lâu mộng tàng trữ ở thư viện triều Nguyễn Việt Nam”[4]. Bài viết của GS Trần Ích Nguyên đã căn cứ vào mục lục tàng thư của nhà nước được lưu trữ trong thư viện của triều Nguyễn, đã thống kê được mấy chục loại tài liệu Hán Nôm có liên quan đến quá trình lưu truyền Hồng lâu mộng tại Việt Nam.

2. Sáng tác thơ của Trương Đăng Quế với sự truyền bá và tiếp nhận của Hồng lâu mộng ở Việt Nam

2.1. Sơ lược tiểu sử Trương Đăng Quế

        Trương Đăng Quế sinh ngày mùng 1 tháng 11 năm Quý Sửu (1793), tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Tên tự là Diên Phương, tên hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê.  

Tiên tổ Trương Đăng Quế vốn là người ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm Hy Tông thứ 10 (1672), tổ 6 đời của Trương Đăng Quế là Trương Đăng Trường ứng nghĩa vào trong Nam, làm quan đến Cai quản, tước Nam Lĩnh Bá. Nhân thế, làm nhà ở Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi[5]. Gia tộc Trương Đăng Quế vốn “đời đời là vọng tộc ở đất Quảng Ngãi”[6]. Năm Gia Long thứ 18 (1819), Trương Đăng Quế thi đỗ Hương tiến (Cử nhân), là người đỗ khởi xướng ở tỉnh Quảng Ngãi. Ông bắt đầu ra làm quan dưới thời Minh Mệnh với chức Hành tẩu ở bộ Lễ, và thăng tiến nhanh chóng trên con đường hoạn lộ, trong vòng 14 năm, từ chức quan nhỏ bé Hành tẩu, ông đã được thăng làm Thượng thư bộ Binh vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Dưới thời trị vị của Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883) ông đảm nhận các chức vụ quan trọng như Phụ chính Đại thần, Đại học sĩ, kiêm Tổng tải Quốc Sử quán, quản lý Khâm Thiên giám, nhiều lần giữ chức Độc quyển các kỳ thi Điện. Trong suốt 43 năm làm quan của mình (từ 1820 - 1863), trải qua ba triều vua (Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức), Trương Đăng Quế luôn luôn là một vị quan vì dân, vì nước, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, sử học ở nước ta nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy giữ nhiều trọng trách quan trọng và giữ nhiều chức vụ lớn trong triều đình, nhưng Trương Đăng Quế lại là một vị quan rất mực thanh liêm, cần kiệm và giản dị, khi về hưu trí (1863) nhà rất nghèo, sống những năm tháng cuối đời thanh bạch nơi quê cũ như thủa còn hàn vi. Khi ông mất, vua Tự Đức cho nghỉ triều ba ngày, truy tặng hàm Thái sư, được vua ban tên thụy là Văn Lương, và được cho tòng tự ở Thế miếu[7]

Sáng tác của Trương Đăng Quế còn lại khá nhiều, tiêu biểu là các tập: Trương Quảng Khê tiên sinh tập [tức Học văn dư tập 學文餘集], ký hiệu: VHv.30, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN); Trương Quảng Khê thi văn 張廣溪詩文, ký hiệu VHv.1142, VNCHN [Dị bản: Trương Quảng Khê văn tập 張廣溪文集, Quảng Khê văn tập 廣溪文集, ký hiệu A.3045, Trương Quảng Khê công văn tập 張廣溪公文集, Ký hiệu R.135 (Thư viện Quốc gia); Nhật Bản kiến văn lục 日本見聞錄, ký hiệu: A.1164 - 1166, VNCHN.

Ngoài ra, thơ văn của ông còn được chép trong các sách: Đại Nam anh nhã tiền biên 大南英雅前編 (Lời hay ý đẹp nước Đại Nam, phần tiền biên), ký hiệu A.2286, VNCHN; Thúy Sơn thi tập 翠山詩集 (Tập thơ núi Thúy), ký hiệu A.2387, VNCHN; Thi tấu hợp biên 詩奏合編, ký hiệu: A.2983, VNCHN; Diệu Liên tập  [tên gọi khác: Lại Đức Công chúa Diệu Liên tập ], ký hiệu: VHv.687, VNCHN; Khâm định đối sách chuẩn thằng 欽定對策準繩, ký hiệu A.1386, VNCHN; Ngự chế thi 御製詩, ký hiệu: A.1513, VNCHN; Binh chế biểu sớ 兵制表疏, ký hiệu A.1543, VNCHN; Yên Đài anh thoại 燕臺嬰話, [tên gọi khác Yên Đài anh ngữ khúc燕臺嬰語曲], ký hiệu VHv.2513, VNCHN.

Không chỉ trước tác nhiều, Trương Đăng Quế còn làm Tổng tài và tham gia biên soạn các bộ sách sử và điển lệ lớn của triều Nguyễn, như: Đại Nam liệt truyện tiền biên 大南列傳前編 (Truyện các nhân vật nước Đại Nam, phần tiền biên), Đại Nam thục lục tiền biên 大南寔錄前編 (Ghi chép xác thực sử nước Đại Nam, phần tiền biên), Đại Nam hội điển toát yếu 大南會典撮要 (Tóm lược những điều cốt yếu của điển lệ nước Đại Nam) Nam giao nhạc chương 南郊樂章 (Âm nhạc lễ Nam Giao) v.v...[8].

 Đương thời, Trương Đăng Quế rất được nhiều người trọng vọng mến mộ cả về tài năng và nhân cách. Trong những buổi đàm luận thơ ca, bình giải triết học cổ kim, Trương Đăng Quế cùng với Phan Thanh Giản đều được xem như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu[9]. Nhiều người có danh tiếng văn học trong hoàng thân như Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh đều cảm mộ học vấn sâu rộng và nhân cách khiêm nhường của ông, vẫn thường đến hỏi những nghĩa khó hiểu trong sách, và nhờ ông sửa chữa thơ văn. Các công chúa Nguyệt Đình, Diệu Liên, Huệ Phố tự xưng là học trò của ông[10]. Trương Đăng Quế cũng là người chấp bút viết lời Tựa cho nhiều tập thơ của những danh sĩ đương thời. Thơ ông khoan hòa, điển nhã, thanh thoát, “khiến cho Hà Tông Quyền nhún trông nên lạc bước, Phan Thanh Giản nhìn thấy phải nhướng mày”[11].

2.2. Sáng tác thơ của Trương Đăng Quế với sự truyền bá và tiếp nhận của Hồng lâu mộng ở Việt Nam

Hồng lâu mộng truyền nhập vào Việt Nam vào thời kỳ nào, do hạn chế của tư liệu thiếu thốn, trước mắt chúng ta vẫn chưa thể nào làm rõ được vấn đề này. Ngay đến cả tình hình tiếp nhận của danh tác Hồng lâu mộng ở thời kỳ đầu sau khi được truyền nhập vào Việt Nam, chúng ta cũng chưa thể làm rõ được. Vậy rốt cuộc, tư liệu sớm nhất khẳng định việc tiếp nhận Hồng lâu mộng ở Việt Nam là gì. Với tình hình tư liệu và kết quả nghiên cứu từ trước đến nay, thì chúng ta có thể khẳng định rằng, danh thần Trương Đăng Quế chính là người mở đầu cho việc tiếp nhận, luận bình về Hồng lâu mộng ở Việt Nam.

Những luận bình của Trương Đăng Quế liên quan đến danh tác Hồng lâu mộng được sưu tập sớm nhất trong tác phẩm Trương Quảng Khê tiên sinh tập, bản khắc in năm 1857 (niên hiệu Tự Đức năm thứ 10). Trong tác phẩm nói trên, có hai bài thơ của Trương Đăng Quế xúc động sáng tác sau khi đọc danh tác Hồng lâu mộng, đó là bài số 186 và 187, tương ứng ở các tờ 59b và 60a trong Trương Quảng Khê tiên sinh tập. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn, phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Bài thứ nhất:

紅樓夢有感二首        Độc tiền hậu Hồng Lâu Mộng hữu cảm nhị thủ

其 一                                              Kỳ nhất

閒 檢 紅 樓 紀 夢 餘 ,            Nhàn kiểm Hồng lâu kỷ mộng dư,

金 釵 十 二 集 裙 裾 。            Kim thoa thập nhị tập quần cư.

我 憐 黛 玊 癡 情 重 ,            Ngã lân Đại Ngọc si tình trọng,

欲 把 前 因 叩 碧 虛 。            Dục bả tiền nhân khấu bích hư.

Dịch nghĩa:

Cảm xúc khi đọc tiểu thuyết Tiền Hồng lâu mộng và Hậu Hồng lâu mộng, hai bài

Bài một

Nhàn rỗi xem sách Hồng lâu mộng chép mộng,

Mười hai chiếc thoa vàng biểu trưng cho mười hai cô gái đẹp[12].

Ta thương cho nàng Đại Ngọc quá đỗi si tình,

Lại muốn đem nhân duyên kiếp trước hỏi trời xanh.

Dịch thơ:

Lầu hồng chép mộng rỗi xem qua,

Mười hai xiêm áo rực ánh thoa.

Đại Ngọc si tình ta thương tiếc,

Muốn đem nhân trước hỏi trời a.

Bài thứ hai:

其 二                                                   Kỳ nhị

珠 宮 合 是 有 前 緣 ,  Châu cung hợp thị hữu tiền duyên,

歷 盡 窮 愁 夢 始 圓 。  Lịch tận cùng sầu mộng thủy viên.

千 古 有 情 人 試 看 ,  Thiên cổ hữu tình nhân thí khán,

最 矜 嚴 處 最 相 憐 。 Tối căng nghiêm xứ tối tương liên.

Dịch nghĩa:

Bài thứ hai

Nơi cõi tiên vốn đã có tiền duyên,

Trải qua bao cảnh khốn cùng bi thương mộng mới kết thúc.

Mọi người hãy xem cái gọi là tình cảm xưa nay,

“Tương lân” vẫn là thứ tình cảm làm cho người ta thương xót nhất.

Dịch thơ:

Cõi tiên vốn đã hợp duyên xưa,

Trải hết đau thương mộng mới vừa.

Tình cảm ngàn xưa người hãy nghĩ,

“Tương lân” chốn ấy xót thương chưa.

Hai bài thơ này của Trương Đăng Quế, ngoài chỗ cá biệt không hợp cách luật, thì về chỉnh thể trình độ cũng không tồi. Trong bài tự tự của mình, chính ông đã cho rằng: “Mới biết phép tắc mẫu mực của các tác gia, tuy bàn luận rối rắm, nhưng chung quy không ra ngoài hai chữ tính linh. Cho nên, phải vứt bỏ hết những lời sáo hủ, chẳng dựa bên cửa nhà người khác, ý đã đến thì ngòi bút liền theo đó mà diễn tả ra, tuy vẻ sâu xa mênh mông không được như người, duy có điều riêng được là na ná giống tinh thần quy tụ yếu chỉ của ba trăm thiên Kinh thi. ” [始 知 作 家 之 法 度 準 繩 , 談 說 紛 如, 總 不 出 性 靈 二 字。 故 其 為 詩, 盡 屏 陳 言, 不 依 傍 他 人 門 戶, 意 之 所 至 筆 即 隨 之, 雖 汪 洋 贍 博, 遠 不 如 人,  惟 所 獨 得 處 髣 髴 乎 神 會 三 百 篇 之 旨。/Thủy tri tác gia chi pháp độ chuẩn thằng, đàm thuyết phân như, tổng bất xuất tính linh nhị tự. Cố kỳ vi thi, tận bính trần ngôn, bất y bàng tha nhân môn hộ, ý chi sở chi, bút tức tùy chi. Tuy uông dương thiệm bác viễn bất như nhân. Duy sở độc đắc xứ, phảng phất hồ thần hội Tam bách thiên chi chỉ]. Hai bài thơ này, xét về phong cách hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của thuyết “Tính linh[13]”, tức là trực tiếp bày tỏ tình cảm cá nhân của tác giả, thể hiện cảnh ngộ nhân sinh của tác giả lúc đương thời. Con đường làm quan của Trương Đăng Quế, xét về tổng thể thì khá bằng phẳng, hanh thông, nhưng cá biệt vẫn có những thời kỳ gặp khó khăn trắc trở, mà nội tâm và ý nghĩ của người làm chính trị như ông lại không thể trực tiếp thổ lộ giãi bày với người khác được, nên chỉ có thể mượn thơ để biểu đạt nỗi lòng, đó chính là chỗ mà ông “thương xót nàng Đại Ngọc” (憐 黛 玊), song kỳ thực đó không chỉ là sự cảm thán cho câu chuyện của nhân vật chính, mà đồng thời đó cũng là sự “thương xót” cho chính mình, muốn “xoa dịu” những điều bất mãn, những sự “không xứng ý” trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình. Từ những từ ngữ quan trọng như “前 因” (tiền nhân/nhân duyên kiếp trước), “歷 盡 窮 愁” (lịch tận cùng sầu/Trải qua bao cảnh khốn cùng bi thương ), “夢 始 圓 ” (mộng thủy viên/mộng mới kết thúc), “相 憐 ” (tương lân/Thương xót nhau), chúng ta có thể nhìn ra được tâm thái thể ngộ nhân sinh của Trương Đăng Quế trong việc “lý giải sự đồng tình”.

Hai bài thơ “Độc tiền hậu Hồng lâu mộng hữu cảm nhị thủ” của Trương Đăng Quế, trong sách Trương Quảng Khê tiên sinh tập, ký hiệu VHv.30, tờ 59b-60a.

Hai bài thơ này đã cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng liên quan đến sự truyền nhập của Hồng lâu mộng ở Việt Nam. Trước hết, với tình hình tư liệu hiện nay, chúng ta biết được Trương Đăng Quế chính là nhân vật sớm nhất ở Việt Nam đã đọc toàn bộ danh tác Hồng lâu mộng. Hai bài thơ và bài tự tự của Trương Đăng Quế được chúng tôi trích dẫn ở đây rút trong tập Trương Quảng khê tiên sinh tập, được khắc in vào năm 1857 (Tự Đức thứ 10), điều đó cho phép chúng ta khẳng định là Trương Đăng Quế đã tiếp cận với danh tác Hồng lâu mộng không thể muộn hơn năm 1857. Hơn nữa, trong sách này (Trương Quảng Khê tiên sinh tập) còn có lời tựa của Phan Thanh Giản (1796 - 1867) viết năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), thì điều này cũng cho phép chúng ta có thể tạm khẳng định rằng có khả năng Trương Đăng Quế đã sáng tác hai bài thơ trên sớm hơn năm 1836, điều đó cũng có nghĩa là nói rằng, có khả năng Trương Đăng Quế đã tiếp xúc với tác phẩm Hồng lâu mộng từ trước đó (trước năm 1836).

Căn cứ theo những tài liệu do GS. Trần Ích Nguyên dẫn dụng, thì vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), sứ giả Việt Nam là Nhữ Bã Sĩ[14], trong chuyến đi sứ Trung Quốc, ông đã sao chép một bản liệt kê về việc mua bán thư tịch sách vở của sứ đoàn Việt Nam tại các nhà sách (thư điếm) ở Trung Quốc, đó là bản liệt kê Quân Thanh hàng thư mục 筠清行書目. Trong đó có loại xếp thứ 222 là “Nguyên bản Hồng lâu mộng 原板紅樓夢”, loại thứ 1135 là “Hồng lâu mộng tản đồ紅樓夢散圖”. Giáo sư Trần Ích Nguyên đã căn cứ vào đây để đưa ra suy đoán rằng, hai loại thư tịch Hồng lâu mộng này rất có khả năng đã được Nhữ Bá Sĩ mua rồi mang về Việt Nam. Việc xuất hiện hai bài thơ của Trương Đăng Quế được giới hạn vào khoảng năm 1836, hoặc có thể sớm hơn nữa, khoảng thời gian này cũng gần tương ứng với thời gian mà phái đoàn Nhữ Bá Sĩ đem sách từ Trung Quốc về. Song chúng ta cũng không thể nào biết chắc chắn được việc Trương Đăng Quế đã đọc Hồng lâu mộng thì có liên quan đến Nhữ Bá Sĩ hay không, nhưng việc khẳng định Hồng lâu mộng được truyền nhập vào Việt Nam trong khoảng giai đoạn này là điều hoàn toàn có thể.

Việc Hồng lâu mộng được truyền nhập vào Việt Nam lúc bấy giờ cũng có liên quan mật thiết đến chính sách văn hóa giáo dục dưới thời vua Minh Mệnh. Vào năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), khi mới lên ngôi, Minh Mệnh đã lập tức ban dụ rằng: “Xem sách rất có ích cho thần trí con người, nay trong phủ chứa sách rất nhiều, các ngươi trong khi việc công nhàn rỗi, nên mượn về nhà xem. Từ nay về sau hễ có người đi sứ nhà Thanh, thì lệnh cho hỏi mua sách cổ thi, kỳ thư và bí văn, để tiện cho việc xem khắp[15]”. Đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), vua Minh Mệnh lại tiếp tục ban dụ: “Vì sách vở ở nước ta có ít ỏi, tuy người có tài học rộng, cũng không lấy đâu mà xem đọc được. Vậy từ nay về sau, hễ có phái người đi sang nước Thanh, thì nên mua nhiều sách vở, đem ban bố cho những người đi học, để họ mắt thấy tai nghe rộng ra mới được[16]”. Trong bối cảnh và chính sách như thế, việc Hồng lâu mộng từng do sứ đoàn mua đem về nước, thì vấn đề Hồng lâu mộng được truyền nhập theo con đường này cũng là sự việc hết sức tự nhiên. Vả lại, nhan đề bài thơ của Trương Đăng Quế là “Độc tiền hậu Hồng lâu mộng hữu cảm nhị thủ”, thì chúng ta cũng biết được rằng thư tịch về Hồng lâu mộng mà Trương Đăng Quế được đọc phải có hai loại, một loại là nguyên tác Hồng lâu mộng, và một loại khác là tục thư của Hồng lâu mộng. Như thế, việc Trương Đăng Quế đã được đọc “hậu Hồng lâu mộng” thì nhan đề tục thư cũng tựa như Hậu Hồng lâu mộng. Dựa theo bài tựa trong sách Hậu Hồng lâu mộng, do Hồ Văn Bân 胡文彬 và Diệp Kiến Hoa 葉建華hiệu chú, có viết rằng: “Hậu Hồng lâu mộng, Tiêu Dao Tử 逍遥子soạn. Toàn thư 30 hồi, nguyên là bản khắc in trên giấy trắng trong khoảng niên hiệu Càn Long và Gia Khánh đời Thanh, chia thành 12 sách”[17]. Hậu Hồng lâu mộng được xem là một trong những loại tục thư sớm nhất của Hồng lâu mộng.

Trong sách Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tổng mục đề yếu, cũng có chép rằng: “Hậu Hồng lâu mộng, 30 hồi, hiện còn. Sách do Tiêu Dao Tử soạn, hoặc có thuyết cho là do Bạch Vân Ngoại Sử soạn. ... Tiêu Dao Tử, cự là Củ Khanh, đến năm Gia Khánh thứ 14 (1809) vẫn còn sống. ... Bản in lần đầu vốn là bản giấy trắng trong khoảng thời Càn Long - Gia Khánh, bìa trong đề ‘Toàn tượng hậu hồng lâu mộng’”[18]. Do đây là loại tục thư Hồng lâu mộng ra đời sớm nhất, nên chúng ta có thể căn cứ vào đây để suy đoán rằng, Hậu hồng lâu mộng mà Trương Đăng Quế được đọc chính là sách này. Trong Hồi thứ 5, sách Hậu hồng lâu mộng có câu: “賈存老窮愁支兩府, 林顰卿孤零憶雙親”/Giả tồn lão cùng sầu chi lưỡng phủ, Lâm tần khanh cô linh ức song thân. Trong bài thơ thứ hai của Trương Đăng Quế cũng có câu “歷 盡 窮 愁 夢 始 圓 ”/Lịch tận cùng sầu thủy mộng viên, xem thế thì biết việc dùng từ đặt câu của Trương Đăng Quế có lẽ đã chịu ảnh hưởng của sách Hậu hồng lâu mộng.

Hai bài thơ của Trương Đăng Quế còn giúp chúng ta hiểu được việc tiếp nhận của Hồng lâu mộng tại Việt Nam. Danh tác này đã nhận được sự quan tâm của tầng lớp quan phương triều Nguyễn, điều này, ngoài sức hấp dẫn của chính tác phẩm Hồng lâu mộng, thì nó còn có sự liên quan đến tâm lý “hiếu kỳ” của giai cấp thống trị triều Nguyễn. Như một đoạn nội dung trong lời dụ của vua Minh Mệnh mà chúng tôi đã nhắc đến trên đây về việc Minh Mệnh “lệnh cho hỏi mua sách cổ thi, kỳ thư và bí văn”. Và cũng chính bản thân vua Minh Mệnh đã từng nói với các quan đại thần rằng: “Trẫm rất thích thơ cổ hoạ cổ, cùng sách lạ của cổ nhân, mà chưa tìm được nhiều. Bọn ngươi nên để lòng tìm mua đem về dâng. Vả lại Trẫm nghe nói những nhà quan ở Yên Kinh nhiều người chép sách riêng, nhưng vì việc quan thiệp đến nhà Thanh, cho nên chỉ chứa riêng ở nhà, chưa dám đem ra khắc in. Bọn ngươi nếu thấy những sách loại ấy dẫu còn là bản thảo cũng không kể giá rẻ hay đắt cứ mua[19].” Ngay đến cả người đứng đầu triều đình còn có thái độ như thế, thì phản ứng của tầng lớp sĩ nhân có thể suy biết được vậy. Dựa theo tiêu chuẩn “tân” (新), “kỳ” (奇), “bí” (秘), thì có thể biết được rằng đương thời Hồng lâu mộng cũng nên quy vào phạm trù “bí văn” (秘文), như vậy thì việc Trương Đăng Quế đọc loại tác phẩm này hoàn toàn không trái với tiêu chuẩn quan phương.

Trương Đăng Quế là vị Phụ chính đại thần giữ quyền cao chức trọng của triều Nguyễn, một mặt ông vừa có sự nghiêm túc cẩn trọng cần phải có của một nhà Nho, mặt khác ông cũng thể hiện hứng thú mãnh liệt đối với những sự vật, những tri thức mới mẻ. Điều này còn được thể hiện ở việc, vào năm Gia Long thứ 14 (1815), một nhóm năm người Việt Nam đi biển gặp bão bị sóng đánh trôi dạt qua Nhật Bản, mười ba năm sau họ được trở về, toàn bộ câu chuyện ly kỳ này đã được Trương Đăng Quế ghi chép tường tận từng chi tiết trong tập sách Nhật Bản kiến văn lục (日本見聞錄/Ghi lại những điều tai nghe mắt thấy ở Nhật Bản). Chính vì những sự vật, sự việc mới mẻ ở đất nước Nhật Bản đã khiến cho Trương Đăng Quế hiếu kỳ ghi chép được tỉ mỉ đến như thế, mặc dù ông chỉ ghi chép theo lời kể của nhóm năm người bị trôi dạt mà chưa từng sống ở đất nước này. Tương tự như thế, các tác phẩm Hồng lâu mộng, Hậu hồng lâu mộng của Trung Quốc cũng thuộc vào loại thư tịch mới lạ, những câu chuyện được ghi chép trong hai tác phẩm này rất mới lạ ly kỳ, cho nên Trương Đăng Quế mới nhân những khi rảnh rỗi việc công mà tìm đọc và xúc cảm làm thơ.

Mặc dù cho đến nay, chúng ta hoàn toàn chưa thể xác định được Tiền hậu Hồng lâu mộng mà Trương Đăng Quế đã đọc rốt cuộc là loại tàng thư tư nhân của cá nhân ông, hay là do ông mượn từ tàng thư của triều đình. Nhưng, như chính vua Minh Mệnh đã từng nói: “Xem sách rất có ích cho thần trí con người, nay trong phủ chứa sách rất nhiều, các ngươi trong khi việc công nhàn rỗi, nên mượn về nhà xem”[20]. Các thư viện lớn của triều đình như Tụ Khuê thư viện, Nội các thư viện[21] cũng đã từng tàng trữ thư tịch về Hồng lâu mộng, như vậy thì danh tác Hồng lâu mộngHậu hồng lâu mộng mà Trương Đăng Quế đọc được là loại thư tịch tàng trữ trong tàng thư của nhà nước cũng là điều hoàn toàn có thể. Dẫu vậy, cho dù đó là loại thư tịch thuộc về tư nhân hay của nhà nước lưu trữ thì cũng đều không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và truyền bá rộng rãi của Hồng lâu mộng ở Việt Nam. Là thư tịch tàng trữ trong cơ quan nhà nước thì tầng lớp quan lại có thể mượn đọc, là thư tịch tàng trữ của tư nhân thì cũng có thể thông qua nhiều cách gián tiếp để lưu truyền ra ngoài.

Qua hai bài thơ của Trương Đăng Quế, chúng ta cũng có thể xác định được sự tiếp nhận của tầng lớp kẻ sĩ Việt Nam đối với Hồng lâu mộng, trước hết đó là Phan Thanh Giản (người đã đọc tập thơ của Trương Đăng Quế và viết tựa), rồi đến Tùng Thiện vương Miên Thẩm (con rể, đồng thời là người biên tập, viết tựa cho tập thơ của Trương Đăng Quế). Tuy việc làm thơ của Trương Đăng Quế là “cũng có khi làm khi bỏ, chỉ còn lại một ít ở các thẻ cất vào hộp, chưa từng trao cho người khác xem nên không ai biết đến”[22], nhưng hai vị Phan Thanh Giản và Miên Thẩm có thể có khả năng đã được đọc hai bài “độc tiền hậu Hồng lâu mộng hữu cảm nhị thủ” của Trương Đăng Quế, nên bước đầu cũng có thể đã nắm bắt được nội dung tác phẩm này. Đặc biệt là Miên Thẩm, với địa vị là thân vương như ông, ông lại là người rất có hứng thú với thơ văn Trung Quốc, là người “ham học hay thơ, không có sách nào là không đọc, rất có chí theo đòi văn chương”[23], nên cũng rất có khả năng là ông đã trực tiếp đọc qua danh tác Hồng lâu mộng.

Hai bài thơ về Hồng lâu mộng của Trương Đăng Quế không chỉ ảnh hưởng đối với một số sĩ nhân Việt Nam, mà còn hình thành nên hiện tượng “lưu chuyển thư tịch” thú vị. Vào thời vãn Thanh, thi tập của Trương Đăng Quế, thông qua các sứ giả trong phái đoàn đi sứ đến Trung Quốc cũng đã được truyền bá đến Trung Quốc. Vào năm 1871, Mã Tiên Đăng 馬先登khi tiếp đón sứ giả Việt Nam, trong quá trình tiếp đãi, ông đã được đọc tác phẩm của Trương Đăng Quế[24]. Năm 1883, sứ thần Việt Nam là Nguyễn Thuật khi đi sứ Trung Quốc, cũng đã mang theo tập thơ của Trương Đăng Quế làm lễ vật ngoại giao để tặng cho các sĩ nhân Trung Quốc[25], trong nhiều bộ thư mục của Trung Quốc đều có nhắc đến thi tập của Trương Đăng Quế. Qua đó để thấy được, tác phẩm của Trương Đăng Quế cũng đã được tiếp nhận một cách nhất định ở Trung Quốc.

3. Kết luận

Qua những phân tích và trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng danh tác Hồng lâu mộng đã được truyền nhập và tiếp nhận từ rất sớm ở Việt Nam. Tác phẩm này đã được các tàng thư của nhà nước và giới sĩ nhân quan tâm tìm hiểu, điều đó cho thấy sức hút của Hồng lâu mộng đối với độc giả Việt Nam, trong đó có tầng lớp quan lại cấp cao. Trương Đăng Quế với việc “xúc cảm” sáng tác thơ sau khi đọc Hồng lâu mộng tiền và hậu, đã cho thấy, dù là một nhà Nho chính thống, một quan lại cao cấp của triều đình, nhưng ông cũng vẫn tìm đọc tiểu thuyết, một loại thư tịch ít được nhà nước và các nhà Nho lưu tâm tìm hiểu. Với hai bài thơ “Độc tiền hậu Hồng lâu mộng hữu cảm nhị thủ” của Trương Đăng Quế, đã khiến cho ông trở thành người Việt Nam sớm nhất “bình luận” về danh tác Hồng lâu mộng. Đồng thời, điều này cũng được xem là một dấu mốc đánh dấu sự truyền bá và tiếp nhận Hồng lâu mộng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].    Hồ Văn Bân (1993), “Hồng lâu mộng tại Việt Nam”, in trong Hồng lâu mộng ở nước ngoài, Trung Hoa thư cục, 1993, tr.42-54.

[2].    Nguyễn Tô Lan (2011), “Lược khảo thư viện quốc lập Việt Nam thời phong kiến”, in trong Vương Tam Khánh, Trần Ích Nguyên chủ biên (2011), Đông Á Hán văn học dữ dân tục văn hóa luận tùng (tập hai), Đài Bắc Nhạc học thư cục, 2011, tr.113-132.

[3].    Hạ Lộ (2008), “Lược thuật sự truyền bá Hồng lâu mộng tại Việt Nam”, Tập san Hồng lâu mộng, tập 4, 2008.

[4].    Trần Ích Nguyên (2014), “Hồng lâu mộng và tục thư Hồng lâu mộng tàng trữ ở thư viện triều Nguyễn Việt Nam”, Tạp chí Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu, số 1, 2014.

[5].    Nguyễn Đình Phức (2014), “So sánh quá trình tiếp nhận thuyết tính linh của Viên Mai ở Hàn Quốc và Việt Nam”, Nghiên cứu văn học, số 1 (503)/2014, tr.93-109.

[6].    Lưu Ngọc Quận (2014), “Thanh Nghệ văn chí ngộ thu Việt Nam Hán tịch bổ chính”, Tạp chí Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Tứ Xuyên (Tứ Xuyên Văn lý Học viện học báo), số 3, quyển 24, 5/2014.

[7].    Trương Đăng Quế (1857), Trương Quảng Khê tiên sinh tập, ký hiệu VHv.30, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

[8].    Trương Đăng Quế (1873), Quảng Khê văn tập廣 溪 文 集, Ký hiệu A.3045, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

[9].    Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

[10]. Quốc sử quán triều Nguyễn (1897), Minh Mệnh chính yếu, ký hiệu VHv.1254/1-12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

[11]. Quốc sử quán triều Nguyễn (1909), Đại Nam liệt truyện, bản dịch, Tập 3, 4, Nxb Thuận Hóa, Huế.

[12]. Quốc sử quán triều Nguyễn (1861), Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Quyển CLIV, bản dịch, tập 4, Nxb Giáo dục, Đà Nẵng, 2007.

[13]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 69, bản Hán văn của Sở nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa - Đại học Keio (庆应义塾大学/Keio University), Tokyo, 1974.

[14]. Sở Nghiên cứu Văn học - Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (2007), Lịch sử Văn học Trung Quốc, Tập 2, bản dịch, tái bản lần 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[15]. Trung tâm Nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh - Viện Khoa học Xã hội tỉnh Giang Tô (1990), Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tổng mục đề yếu, Trung Quốc Văn Liên xuất bản xã công ti, 1990.

[16]. Nguyễn Miên Trinh, Vi dã hợp tập葦野合集, ký hiệu A.782/1-3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

[17]. Nguyễn Thanh Tùng (2010), Sự phát triển tư tưởng Thi học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

[18].  Tiêu Dao Tử (1988), Hậu Hồng lâu mộng, Hồ Văn Bân, Diệp Kiến Hoa hiệu chú, bản in lần thứ nhất, Bắc Nhạc Văn Nghệ xuất bản xã.

[19]. Nguyễn Công Trí (2013), “Những thư viện lớn của triều Nguyễn ở kinh đô Huế xưa”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7/2013, tr.255-256.

[20].    Hà Thị Cẩm Yến (2016), “Sự lưu truyền, phiên dịch và nghiên cứu Hồng lâu mộng tại Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Vân Nam, 2013.


[1] Tứ đại danh tác (Bốn tác phẩm lớn nổi tiếng): Chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng trong văn học sử Trung Quốc, bao gồm: Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Cao Ngạc.

[2] Sở Nghiên cứu Văn học - Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (2007), Lịch sử Văn học Trung Quốc, Tập 2, bản dịch, tái bản lần 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.663.

[3] Hà Thị Cẩm Yến (2016), “Khái thuật nghiên cứu Hồng lâu mộng tại Việt Nam”, Hồng lâu mộng học san, tập 3, 2016. [何氏锦燕 (2016), “《红楼梦》在越南的研究概述”, 红楼梦学刊, 2016, 3].

[4] Trần Ích Nguyên (2014), “Hồng lâu mộng và tục thư Hồng lâu mộng tàng trữ ở thư viện triều Nguyễn Việt Nam”, Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu, số 1, 2014. [陈益源 (2014),《越南阮朝图书馆所藏的〈红楼梦〉及其续书》,《明清小说研究》2014年, 第1期。]

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (1909), Đại Nam liệt truyện, bản dịch, Tập 3,4, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.303.

[6] Trương Đăng Quế (1873), 廣 溪 文 集, Ký hiệu A.3045, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN), Quyển hạ, tờ 21a.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, bản dịch, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. tr.423-454.

[8] Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế Giới, Hà Nội, tr.1860.

[9] Nguyễn Miên Thẩm, 葦野合集, ksy hiệu A.782/1-3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, tr.15a.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, bản dịch, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.451.

[11] Trương Đăng Quế (1857), Trương Quảng Khê tiên sinh tập 張廣溪先生集, ký hiệu VHv.30, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr.3a.

[12] Mười hai chiếc thoa vàng biểu trưng cho mười hai cô gái đẹp: Mười hai cô gái đẹp được nhắc đến ở đây là mười hai người con gái xinh đẹp, ưu tú nhất trong Hồng lâu mộng, bao gồm: Lâm Đại Ngọc 林黛玉, Tiết Bảo Thoa 薛寶釵, Giả Nguyên Xuân 賈元春, Giả Thám Xuân 賈探春, Sử Tương Vân 史湘雲, Diệu Ngọc 妙玉, Giả Nghênh Xuân 賈迎春, Giả Tích Xuân 賈惜春, Vương Hi Phượng 王熙鳳, Giả Xảo Thư 賈巧姐, Lý Hoàn 李紈và Tần Khả Khanh 秦可卿

[13] Tính linh (性靈) là một thuyết (Thuyết Tính linh 性靈說) - Một loại lý luận thi ca ở Trung Quốc thời Minh và Thanh coi sáng tác văn học là biểu hiện chủ quan tính linh của thi nhân. Xét về nguồn gốc, từ Tính linh đã có từ thời Tấn, nhưng nó chỉ thực sự trở thành một thuyết vào đời Minh với nhân vật tiêu biểu là Viên Hoằng Đạo (1568 - 1610) đại diện cho phái Công An. Nhưng thuyết này chỉ thực sự trở nên hoàn thiện và có sự phát triển mạnh mẽ là ở đời Thanh, với đại diện ưu tú là Viên Mai (1716 - 1798). Tư tưởng cốt lõi của thi học Tính linh là đặc biệt đề cao yếu tố tình cảm, tâm linh của nhà thơ, coi trọng việc biểu đạt tình cảm một cách chân thực, xem bản chất của thơ ca chính là để biểu đạt tình cảm con người, đó là thứ tình cảm tự nhiên, chất phác. Thi học Tính linh phản đối sự mô phỏng bắt chước, rập khuôn theo người khác, cực lực phản đối thói “tập cổ” một cách cứng nhắc vụng về. Thuyết Tính linh cùng với Thuyết Thần vận và Thuyết Cách điệu là ba trường phái lý luận thơ ca nổi tiếng đời Thanh và đều có ảnh hưởng tới lý luận thi ca ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong ba thuyết nói trên, thì Tính linh là thuyết du nhập vào Việt Nam sớm nhất, và có ảnh hưởng sâu đậm ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX, với nhiều gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767), Lê Hữu Kiều (1691 - 1760), Lê Quý Đôn (1726 - 1784), Trần Lê Phan (1736 - 1798), Phạm Phú Thứ (1821 - 1882), Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), Cao Bá Quát (1808 - 1855), Nguyễn Năng Tĩnh (1795 - 1876), Trương Đăng Quế, Bùi Văn Hi...v.v. [Xem: Nguyễn Đình Phức (2014), “So sánh quá trình tiếp nhận thuyết tính linh của Viên Mai ở Hàn Quốc và Việt Nam”, Nghiên cứu văn học, số 1 (503)/2014, tr.93-109. Nguyễn Thanh Tùng (2010), Sự phát triển tư tưởng Thi học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội].

[14] Nhữ Bá Sĩ (1788 - 1867), tự Nguyên Lập, hiệu Đạm Trai. Tổ tiên vốn người làng Hoàng Trạch, Hải Dương, sau dời vào làng Cát, xã Cát Xuyên, tổng Chương Sơn, nay là huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông thi đỗ Hương cống (Cử nhân) năm 1821, năm sau thi Hội, trúng Tam trường, được bổ Tri huyện, rồi thăng Hình bộ Viên ngoại lang, chức vụ cuối cùng là Đốc học Thanh Hóa. Năm 1830, ông bị vu cáo trong chuyến đi thanh tra thuế đường ở Quảng Nam, ông bị cách chức và bị kết án “giảo giam hậu”. Ba năm sau, ông được tha, nhưng phải đi hiệu lực ở Quảng Đông - Trung Quốc. Khi về nước ông được phục hồi chức cũ, nhưng lúc này ông đã chán ngán con đường làm quan, nên bèn cáo bệnh xin về quê mở trường dạy học. Nhữ Bá Sĩ học rộng biết nhiều, có hoài bão lớn, có tinh thần dân tộc cao. Ông cũng sáng tác nhiều, tác phẩm của ông gồm các lĩnh vực triết, văn, sử, địa, giáo dục, lễ nghi... Ông xứng đáng được coi là một nhà văn có tầm cỡ ở thế kỷ XIX. [Dẫn theo: Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học, bộ mới, mục từ “Nhữ Bá Sĩ”, Phạm Tú Châu viết,  Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.1278-1279.]

[15] Nguyên văn: “書 籍 益 人 神 智, 今 冊 府 所 藏 甚 多, 爾 等 當 於 公 暇 借 觀 之。 後  有  使  如  清 者, 輒 令 訪 買 古 詩, 奇 書, 秘 文, 以 備 清 覽。”/Thư tịch ích nhân thần trí, kim sách phủ sở tàng thậm đa, nhĩ đẳng đương ư công hạ tá quan chi. Hậu hữu sứ như Thanh giả, triếp lệnh phỏng mãi cổ thi, kỳ thư, bí văn, dĩ bị thanh lãm. [Quốc sử quán triều Nguyễn (1897), Minh Mệnh chính yếu明命政要, Viện Nghiên cứu Hán Nôm,ký hiệu VHv.1254/1-12,Quyển 19, tờ 13a.]

[16] Nguyên văn: “緣 我 國 書 籍 鮮 少, 雖 有 宏 博 之 材, 無 從 觀 覽, 嗣 有 派 往 清 國, 須 多 買 書  籍, 頒 布 士 林, 俾 學 者 得 廣 見 聞 可 也。”/Duyên ngã quốc thư tịch tiển thiểu, tuy hữu hoằng bác chi tài, vô tòng quan lãm, tự hữu phái vãng Thanh quốc, tu đa mãi thư tịch, ban bố sĩ lâm, tì học giả đắc quảng kiến văn khả dã. (Quốc sử quán triều Nguyễn (1861), Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, Quyển CLIV, bản dịch, tập 4, Nxb Giáo dục, Đà Nẵng, 2007, tr.674-675.)

[17] Tiêu Dao Tử (1796), Hậu Hồng lâu mộng, Hồ Văn Bân, Diệp Kiến Hoa hiệu chú, Bắc Nhạc Văn Nghệ xuất bản xã, 1988, tr.8. Thực ra, cho đến nay việc xác định tác giả và niên đại của Hậu Hồng lâu mộng vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Hồng học ở Trung Quốc thống nhất.

[18] Nguyên văn: “《后红楼梦》,三十回,存。逍遥子撰,或作白云外史撰。…逍遥子字矩卿,嘉庆十四年(1809)仍在世。…初刊本为乾嘉间白纸本,内封题‘全像后红楼梦’。”/ “‘Hậu hồng lâu mộng’, tam thập hồi, tồn. Tiêu Dao Tử soạn, hoặc tác Bạch Vân Ngoại Sử soạn. ... Tiêu Dao Tử, tự Củ Khanh, Gia Khánh thập tứ niên (1809) nhưng tại thế.... Sơ san bản vi Càn - Gia gian bạch chỉ bản, nội phong đề ‘Toàn tượng hậu hồng lâu mộng’”. (Trung tâm Nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh - Viện Khoa học Xã hội tỉnh Giang Tô (1990), Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tổng mục đề yếu, Trung Quốc Văn Liên xuất bản xã công ti, tr.572).

[19] Nguyên văn: “朕最好古詩,古畫及古人奇書而未能多得。爾等宜加心購買以進。且朕聞燕京仕宦之家多撰私書寔錄但以事涉清朝故猶私藏未敢付梓,爾等如見有此等書籍,雖草本亦不吝厚價購之。”/ Trẫm tối hiếu cổ thi, cổ họa cập cổ nhân kỳ thi, nhi vị năng đa đắc. Nhĩ đẳng nghi gia tâm cấu mãi dĩ tiến. Thả Trẫm văn Yên Kinh sĩ hoạn chi gia đa soạn tư thư thực lục, đãn dĩ sự thiệp Thanh triều, cố do tư tàng, vị cảm phó tử, nhĩ đẳng như kiến hữu thử đẳng thư tịch, tuy thảo bản diệc bất lận hậu giá, cấu chi. [Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 69, bản Hán văn của Sở nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa - Đại học Keio (庆应义塾大学/Keio University), Tokyo, 1974, tr.2390.]

[20] Minh Mệnh chính yếu, sđd, tờ 13a.

[21] Thư viện Nội các thành lập năm 1826 dưới triều Minh Mệnh. Thư viện Tụ Khuê được xây dựng năm 1852 dưới thời vua Tự Đức. [Xem thêm: Nguyễn Công Trí (2013), “Những thư viện lớn của triều Nguyễn ở kinh đô Huế xưa”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7/2013, tr.255-256. Nguyễn Tô Lan (2011), “Lược khảo thư viện quốc lập Việt Nam thời phong kiến”, in trong Vương Tam Khánh, Trần Ích Nguyên chủ biên (2011), Đông Á Hán văn học dữ dân tục văn hóa luận tùng (tập hai), Đài Bắc Nhạc học thư cục, 2011, tr.113-132. 阮苏兰:《越南封建时代国立图书馆略考》,见王三庆、陈益源主编《东亚汉文学与民俗文化论丛(二)》,台北乐学书局2011 年版,第113—132 页].

[22] Nguyên văn: “隨作隨棄, 僅存者片片投之篋中, 未嘗以示人無得而名之者”/ Tùy tác tùy khí, cận tồn giả phiến phiến đầu chi khiếp trung, vị thường dĩ thị nhân vô đắc nhi danh chi giả. [Trương Đăng Quế (1857), Trương Quảng Khê tiên sinh tập, ký hiệu VHv.30, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 1b.]

[23] Nguyên văn: “好學能詩, 無書不讀, 尤有志於風雅。”/Hiếu học năng thi, vô thư bất độc, vưu hữu chí ư phong nhã. [Trương Đăng Quế (1857), sđd, tờ 2a.]

[24] Trong lần tiếp đón này (lần thứ 2), ông đã được đọc tác phẩm của Trương Đăng Quế, đồng thời còn sao chép lại bài “Việt sử ứng chế thi” để đưa vào phụ lục nhật ký của mình, đồng thời còn thuyết minh thêm: “Vào năm Tự Đức thứ 10 (1857), Trực học sĩ Trương Đăng Quế Diên Phương thị, có khắc in tác phẩm Quảng Khê thi tập, 4 quyển. Quyển thủ liệt kê năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) có 2 bài tựa của Lương Khê Phan Thanh Giản và Thương Sơn Miên Thẩm, trong tập có một bài “Độc Việt sử ứng chế” theo lối Ngũ cổ, liên quan đến việc dựng đặt thay đổi của nước ấy, nói rất tường tận, nên trích ghi vào cuối, để cho người chưa được nghe thì nghe, người chưa được thấy thì thấy” [Mã Tiên Đăng, Tái tống Việt Nam cống sứ nhật ký, Thanh Đồng Trị thập nhất niên khắc bản, 1872], [Lưu Ngọc Quận, Thanh Nghệ văn chí ngộ thu Việt Nam Hán tịch bổ chính], Tạp chí Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Tứ Xuyên (Tứ Xuyên Văn lý Học viện học báo), số 3, quyển 24, 5/2014), tr.34. (刘玉珺:《清艺文志误收越南汉籍补正》,《四川文理学院学报》2014年, 第3期。)]

[25] Sứ thần Nguyễn Thuật đã từng 2 lần đi sứ phương Bắc, tác phẩm Vãng tân nhật ký, ghi chép điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi sứ lần thứ 2 của ông. Cuốn nhật ký này bắt đầu ghi chép từ ngày 8 tháng 12 năm Tự Đức thứ 35 (1882), và kết thúc vào ngày 29 tháng 12 năm Tự Đức thứ 36 (1883). Trong cuốn nhật ký này, ông cũng nhắc đến việc đã từng đem văn tập của Trương Đăng Quế tặng cho sĩ nhân Trung Quốc: “Tự Đức năm thứ 36, Tháng Giêng, ngày 20, viên tòng sứ đưa tặng thư tịch, các tập Thương Sơn, Vi Dã, Diệu Liên, Trương Quảng Khê thi văn”. [Nguyễn Thuật, Vãng tân nhật ký, Hương Cảng, Hương Cảng Trung văn Đại học xuất bản xã, 1980, tr.21. Dẫn theo: Lưu Ngọc Quận, bđd, tr.34].

Nguồn: Số chuyên đề Bình luận văn học - Niên san 2017, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 34 (59), tháng 12.2017, tr.212-223

Thông tin truy cập

60737079
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
984
9486
60737079

Thành viên trực tuyến

Đang có 180 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website