Pushkin gần gũi với phương Đông

Với Pushkin, những quan niệm, những tình cảm truyền thống của phương Đông ẩn hiện ngay cả trong các tác phẩm viết không phải về chủ đề phương Đông, mà còn ở các đề tài thông thường nhất.

20190210

Một bức tranh mô tả Pushkin ở St Petersburg. Nguồn: ITN.

Trọng nghĩa hơn tình vì mái ấm gia đình

Cảm quan phương Đông trong tư duy nghệ thuật của Pushkin bộc lộ rõ nét trong chủ đề muôn thuở của thơ ca là tình yêu. Tất cả những ai đã đọc thiên tiểu thuyết bằng thơ Evgeny Onegin đều có ấn tượng sâu sắc về nhân vật nữ chính Tatiana. Nàng trong trắng, hiền thục, yêu thơ ca, nghệ thuât, gắn bó với thiên nhiên, kể cả với cõi tâm linh Nga, với niềm tin ngây thơ vào mộng mị, bói toán. Nàng có đời sống nội tâm phong phú, lãng mạn, khi yêu thì tha thiết nhưng e ấp, đoan trang, nhưng cũng như Kiều, bất chấp định kiến cũ còn ngự trị trong xã hội Nga đương thời, dám chủ động viết thư tỏ tình với người mình yêu, tiếc thay lại là một trang công tử đang chán chường sau những cuộc tình truy hoan nơi xã hội thượng lưu.

Viết đến khúc đoạn này, tác giả công khai bộc lộ cảm tình của mình với nhân vật bằng những lời thốt lên đầy yêu thương, trắc ẩn: “Tatiana! Ôi Tatiana tội nghiệp! Ta cũng đang rơi lệ cùng nàng…”. Thủy chung trong mối tình đầu với Onegin, nhưng khi đã được gả chồng thì “nàng Kiều nửa Đông nửa Tây” kiên trinh tiết hạnh, khước từ tình yêu bùng phát muộn màng của chàng Onegin đã tái sinh, quyết giữ mái ấm gia đình. Rõ ràng thông qua nhân vật nữ mà ông yêu quí nhất, khi xử lí xung đột giữa Tình và Nghĩa, một vấn đề muôn thuở trong văn học cả Đông lẫn Tây, Pushkin đã tuân theo truyền thống phương Đông: trọng Nghĩa hơn Tình vì mái ấm gia đình.

“Nàng Kiều nửa Đông nửa Tây” Tatiana Larina (theo cách nói của nhà thơ Anh Ngọc) không chỉ là nhân vật hư cấu mà chính là lý tưởng về tình yêu và hạnh phúc đích thực mà nhà thơ, vốn tự nhận là “đa tình”, mê đắm không từ một người đẹp nào, từ cô gái zigan đến mệnh phụ hơn mình cả chục tuổi, khi bước qua tuổi tam thập nhi lập, đã thực sự yêu và quyết tâm kết hôn với giai nhân cố đô Moskva Natalia Goncharova. Như vậy ông đã từ tự do luyến ái đi đến, hay nói đúng hơn là tìm đường trở lại sự hài hòa truyền thống của phương Đông: sự hài hòa giữa Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình.

Bằng chứng cho nhận định trên là thư từ của viên sĩ quan Pháp lưu vong Dantés đã bắn chết Pushkin trong cuộc đấu súng định mệnh, được chắt nội của y, vốn không tin tưởng ở tính khách quan của khoa học Xô-viết, đến cuối những năm 1980 đã trao cho GS Vitalée, nhà Pushkin học người Italia, công bố. Những bức thư cho thấy vợ nhà thơ một thế kỷ rưỡi hàm oan – cũng một nỗi oan Thị Kính! Bà không hề phản bội chồng, không là nguyên cớ cái chết của nhà thơ, mà ngược lại, dẫu yêu viên sĩ quan Pháp, cũng như Tatiana Larina, đã trọng nghĩa vợ chồng và hạnh phúc gia đình hơn tình trai gái.

Gần đây, trở lại chủ đề này trong chuyên đề đọc cho sinh viên Khoa tiếng Nga Đại học Hà Nội, chúng tôi có thêm đôi điều cảm nhận mới.

Hóa ra, không phải đợi đến tuổi tam thập nhi lập mà ngay từ thời thanh xuân khi đang mải truy hoan với hết bông hồng này đến bông hồng khác, đâu đó sâu thẳm trong tiềm thức Pushkin đã hướng đến cái đẹp thanh khiết và lâu bền, như ông thể hiện trong bài thơ Bông hồng, sáng tác khi mới 16 tuổi.

РОЗА        BÔNG HỒNG

Где нáша рóза,         Vườn ta có bông hồng,

Друзья́ мои́?         Nó đâu rồi bạn hỡi?

Увя́ла рóза,         Đứa con của rạng đông

Дитя́ зари́         Sao mà mau tàn lụi!

Не говори́         Vậy còn bảo đừng nói:

Так вя́нет млáдость!     Tuổi xuân chóng tàn phai!

Не говори́:         Vậy mà rằng chớ nói:

вот жи́зни рáдость!     Ngắn thay lạc thú đời!

Цветкý скажи́:         Với hồng hãy ngỏ lời:

Прости́: жалéю!         Vĩnh biệt, thương hồng thế!

И на лилéю        Và chỉ dùm chúng tôi

Нам укажи́.         Đường tìm đến hoa huệ.

1815

Điều kỳ thú là tiến trình tình sử của Pushkin trong cuộc đời ngắn ngủi 38 năm sóng gió của ông đã diễn ra đúng như vậy: từ mê đắm nhất thời và nhanh chóng nhạt phai luyến ái, đến với tình cảm thanh khiết!

Đức nhân, tự do và lòng khoan dung...

Sau thất bại bi thảm đẫm máu của phái Tháng Chạp trên quảng trường Thượng viện ở Sankt-Peterburg ngày 14 tháng Chạp năm 1825, ca sĩ của lớp tiên phong cách mạng Nga buộc phải thay đổi phương châm xử thế. Một thời sùng bái bạo lực cách mạng, cả ở Liên Xô lẫn ở ta, người ta né tránh sự thay đổi lập trường chính trị ở Pushkin, cố công tô vẽ ông thành nhà thơ cách mạng kiên trung. Nhưng chính Pushkin từng viết: “Chỉ kẻ ngu đần mới không thay đổi, bởi thời gian trôi không đem lại cho y sự phát triển, trải nghiệm sống không hề tồn tại đối với y”.

Đã chứng kiến tận mắt cảnh “dậy non chết uổng” (như cách nói của chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh, cũng từng có thời bị phê phán là cải lương tư sản!), ông quyết thay đổi phương châm xử thế để có thể đem lại hiệu quả tích cực nhất trong tình cảnh khủng bố và tiêu diệt tự do tồi tệ nhất: nhà thơ suy tư và đau khổ nghiền ngẫm thời cuộc, nguyên nhân thành bại và tập trung khai thác mọi vấn đề ở tầm sâu triết lý xã hội và nhân sinh.

Dường như trở nên bình tĩnh hơn trước thời cuộc đảo điên, ít lâu trước khi phát súng định mệnh cắt ngang đời ông, Pushkin viết bài thơ Nước sâu (1836), ngắn nhất, chỉ 4 dòng với 8 từ, nhưng sâu sắc tính triết lí của người hiền Đông phương:

Вóды глубóкие         Nước sâu

Плáвно текýт        Không xiết

Лю́ди премý дрые        Hiền triết

Ти́хо живýт            An nhiên.

Trong giai đoạn sáng tác cuối cùng, ở làng quê Boldino, nơi ông mơ ước được lui về ẩn dật và sáng tác, cùng một số tác phẩm khác, chỉ trong một tháng 10-1833, Pushkin viết xong hai tác phẩm quan trọng, sâu sắc ý nghĩa triết lí nhân sinh: 27-10 hoàn thành trường ca Angielo và bốn ngày sau, trường ca Kỵ sĩ đồng. Cả hai trường ca đều khai thác chủ đề quyền lực và con người. Xin lưu ý, Pushkin sáng tác hai trường ca này song song với việc hoàn thành tập II Cuộc bạo loạn của Pugachov, ngay sau chuyến đi điền dã hai tháng rưỡi dọc triền sông Volga ở vùng Ural nhằm tìm hiểu sâu hơn về cuộc khởi nghĩa nông dân làm rung chuyển cả chế độ Nga hoàng.



Kỵ sĩ đồng - tranh của Vasily Ivanovich Surikov, ngày 1/1/1870. Bức tượng trong tranh mô tả Pyotr Đệ Nhất trên lưng ngựa này cũng xuất hiện trong trường ca Kỵ sĩ đồng của Pushkin. Nguồn: INT.


Có câu châm ngôn rằng: Thử thách ghê gớm nhất đối với con người là thử thách bằng quyền lực: muốn biết một người là ai, hãy trao quyền cho anh ta. Angielo là một thử nghiệm như vậy, nhưng phức tạp hơn về chủ đề tư tưởng. Tác phẩm này được gọi là thiên trường ca “khó hiểu”, “bí ẩn” về ý đồ sáng tác của Pushkin, gây tranh luận không ngừng ngót 200 năm nay.

Nhà thơ mượn cốt truyện Measure for Measure của Shakespeare: vua Duk nhu nhược, nước có cơ loạn nên phải tạm lánh vào tu viện, nhường quyền tối cao cho tể tướng Angielo, nổi tiếng khắc khổ, công tâm, thượng tôn pháp luật. Mới đầu mọi việc suôn sẻ, pháp luật được thực thi, trật tự xã hội được vãn hồi; nhưng đến khi kẻ nắm quyền tối thượng gặp nữ tu xinh đẹp Izabela và đứng trước lựa chọn khắc nghiệt: lộng quyền để thỏa mãn dục vọng cá nhân hay tuân thủ pháp luật ? – thì cái mặt nạ của vị tể tướng Angielo, “nổi tiếng công tâm, không giả dối”, tức khắc rơi xuống. Đã nắm được độc quyền cai trị cả quốc gia trong tay, y trắng trợn thách thức lời nữ tu Izabela cảnh cáo sẽ tố giác sự lộng hành:

Xin cứ tố! Ừ, tôi gian dối thật,

Nhưng bóp chết trăm lần cô sự thật.

(Thái Bá Tân dịch)

Logic nghệ thuật trong tình huống này đòi hỏi chỉ có một trong hai kết cục: hoặc tể tướng Angielo phải bị trừng trị nếu pháp luật quả được thượng tôn ở vương quốc này; hoặc y thỏa mãn được dục vọng cá nhân nếu y đã ngồi trên trốc cả pháp luật như xưa nay thường xảy ra ở các chế độ độc tài chuyên chế.

Pushkin đã giải quyết mâu thuẫn này khác hẳn: vua Duk tha tội chết cho y. Chính cách xử lí mâu thuẫn một cách phi logic nghệ thuật như vậy là nguyên nhân gây nên tranh cãi ngót hai thế kỷ nay: ý đồ tư tưởng nào nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm? Phải chăng đây là trường hợp nhà văn vĩ đại Nikolai Gogol, tác giả tiểu thuyết Những linh hồn chết, đã nói: Pushkin là con người Nga sẽ xuất hiện hai trăm năm sau? Nhà văn Xô-viết D. Granin ở giao điểm giữa hai thế kỷ XX - XIX xác định những ý tưởng đó chính là di chúc của thi hào A. Pushkin: đức nhân, tự do và lòng khoan dung, sau này được thể hiện minh bạch trong Đài kỷ niệm (1836), bài thơ-di chúc của ông:

Chúng dân trăm họ còn mến yêu ta mãi mãi

Bởi đàn thơ ta đã thức tỉnh thiện tâm,

Ca ngợi tự do trong thế kỷ bạo tàn,

Kêu gọi lượng khoan dung cho người chiến bại.

... và lời nhắn hãy cảnh giác với những kẻ cầm quyền độc đoán đạo đức giả

Chỉ đức thiện, tự do và lòng khoan dung mới hóa giải được mọi mâu thuẫn trong xã hội, chính quyền và pháp luật là cần thiết, nhưng nếu nằm trong tay lũ độc tài đạo đức giả hoặc những người thắng thế dương dương tự đắc, độc đoán dồn đến đến đường cùng kẻ chiến bại, sẽ còn nguy hại gấp bội! Minh chứng cho tư tưởng nhân văn này của Pushkin là bản trường ca cuối cùng – Kỵ sĩ đồng.

Với trường ca Kỵ sĩ đồng Pushkin khai thác một bình diện khác trong mối tương quan giữa quyền lực tuyệt đối của tất yếu lịch sử, với đại diện là Pyotr Đại đế, và quyền sống của những thân phận nhỏ bé mà đại diện là viên tiểu lại công sở nghèo Evgeny. Nhân vật hành động duy nhất trong bản trường ca chính là Evgeny, một con người nhỏ bé, hiền lành và cần mẫn, chỉ muốn được sống, được lao động đêm ngày, gây dựng tổ ấm nhỏ bé để yêu chiều nàng Parasha mẹ góa con côi, mơ ước được cùng nhau sống đến đầu bạc răng long rồi dắt tay nhau xuống chung một huyệt để con cháu đắp mồ yên mả đẹp. Vậy mà không được. Đấng quyền uy tối cao nhân danh tất yếu lịch sử kia không tính đến, không đếm xỉa đến vận mạng của hàng vạn, hàng vạn con người nhỏ bé. Con sâu xéo lắm cũng oằn. Nếu trong vở kịch lịch sử Boris Godunov (1825), dân chúng im lặng – một sự im lặng đáng sợ! – khi Dmitri Giả Danh bước qua xác chết của con cái Godunov để lên ngôi, thì trong bản trường ca mới của “vầng mặt trời thi ca Nga”, Evgeny đã không cam chịu nữa và “nổi loạn”. Tất nhiên, mới là sự phản kháng đơn độc của kẻ loạn trí! Nhưng hãy đọc mấy câu nhà thơ miêu tả hành vi nổi loạn của Evgeny khi một đêm tình cờ lang thang qua quảng trường, bỗng ngước nhìn thần tượng ngự trên ngựa đồng, và thế là đột nhiên:

Mắt mờ đi tựa phủ màn sương đen,

Một luồng lửa trong tim bỗng lan truyền,

Máu sôi lên, mắt sa sầm ảm đạm

Nhìn thần tượng ngạo nghễ trên không trung.

Bỗng nghiến răng, nắm chặt tay, nổi xung,

Thôi thúc bởi sức phi thường đen tối,

Chàng thì thào,giọng run lên dữ dội:

“Được lắm! - nhà xây dựng diệu mầu!

Cứ liệu hồn!...”

Hơn ai hết, Nga hoàng Nikolai I thấu hiểu thông điệp Pushkin nhắn gửi trong mấy vần thơ này, yêu cầu cắt bỏ cả đoạn nổi loạn của kẻ cùng đường mất trí thì mới cho phép xuất bản. Nhưng nhà thơ thà chấp nhận không công bố trường ca chứ không bỏ tình tiết trung tâm thể hiện ý đồ tư tưởng của Kỵ sĩ đồng. Một nhà Nga học nước ngoài từng lưu ý bức ký họa của Pushkin trên bản thảo một trường ca khác, chưa hoàn thành: nhà thơ vẽ đúng tượng đài Kỵ sỹ đồng, nhưng trên lưng con ngựa tung vó trên vách đá bên vực thẳm không có kỵ sĩ. Pushkin ngụ ý gì: kỵ sĩ đã xuống ngựa hay bị con ngựa hất xuống? Vậy mà kỵ sĩ đó là Pyotr Đệ Nhất, vĩ đại bậc nhất nhưng cũng độc tài, tàn bạo bậc nhất trong lịch sử Nga!

Nguyên bản trường ca Kỵ sĩ đồng chỉ được khôi phục và công bố sau Cách mạng tháng Mười, vào năm 1919 (có tài liệu viết: 1923).

Tiếp tục “suy tư và đau khổ” theo gương Pushkin về mối tương quan giữa quyền lực và con người, giữa quyền lực và đạo đức, chúng tôi bất giác liên hệ với những tranh luận từ xa xưa ở phương Đông về mối quan hệ giữa “nhân” (nhân ái, nhân từ) và “lễ” (lễ nghi, lễ nghĩa), giữa đạo lý và pháp điển, giữa đức trị và pháp trị.

Thực vậy, theo Khổng Tử thì lòng khoan dung nằm trong phạm vi chữ “nhân” mà “nhân” là gốc của “lễ”. Phu tử nói trong sách Luận ngữ: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà?” (làm người mà bất nhân thì có lễ được sao?). Học giả Nguyễn Hiến Lê giải thích câu đó như sau: “Không có lòng nhân thì lễ chỉ là hình thức. Nhà cầm quyền không có đức nhân thì càng trọng lễ càng thủ cựu, càng dễ hóa ra độc tài. Pháp điển mà không lập theo tính nhân thì dễ hóa ra tàn khốc (chúng tôi nhấn – VTK)”.

Vậy lời nhắn gửi cho 200 năm sau của thi hào Nga vĩ đại phải chăng là: hãy cảnh giác với những kẻ cầm quyền độc đoán đạo đức giả như Angielo: miệng leo lẻo nói luật, nhưng làm thì sẵn sàng chà đạp lên luật nhằm thỏa mãn dục vọng cá nhân hoặc phe nhóm, từ nhỏ đến lớn và cực lớn. □

----

1Д. Гранин: Завещание Пушкина. – В книге: Пушкин в XXI веке. Сборник в честь Валентина Семёновича Непомнящего. – Москва, 2006, стр. 431 - 438.

2М.Альтшуллер: Между двух царей. Пушкин 1824 1836ю. – Академический проект, Санкт-Петербург. 2003, с. 62 - 64.

3Nguyễn Hiến Lê. Khổng Tử. – NXB Văn hóa 1991, tr. 156.

Vũ Thế Khôi

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 09.02.2020.

Thông tin truy cập

60519565
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1058
10018
60519565

Thành viên trực tuyến

Đang có 759 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website