Kiều Thanh Quế và Một ngày của Tolstoï

20200313

“Vừa lên tới đỉnh đồi, tôi gặp ngay một người trẻ tuổi đứng ngó mông ra biển. Tôi biết là Kiều Thanh Quế, có lẽ ông đang đón gió bốn phương tự thành Vienne hay tự Ấn Độ, hoặc ông đang nghe ngóng phong trào văn học để điều khiển ngọn bút cho hạp thời. Trên văn đàn văn học Nam Kỳ, ông đã chiếm một địa vị kha khá nhờ hai tai rất thính của ông. Chẳng những ông đón tiếp phong trào mau lẹ, ông cũng là một người khơi nguồn phong trào ấy”[Dẫn theo 3, tr.62].

Đó là những lời mà một người bạn văn của Kiều Thanh Quế đã viết về ông.

Là một trong những nhà phê bình văn học tiêu biểu nhất của Nam Bộ, Kiều Thanh Quế có được tầm nhìn rộng mở và phong cách phê bình hiện đại mang tính cách mạng một phần chính là nhờ tâm thế “đón gió bốn phương” đó. Đó không chỉ là tâm thế của cá nhân ông, mà còn là tâm thế của cả một thời đại của văn học Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Trong những “ngọn gió” đến với văn học Việt Nam vào đầu thập niên 1940 có văn học Nga và Lev Tolstoy.

*

Có lẽ, Tolstoy là nhà văn Nga đến với Việt Nam sớm hơn cả. Năm 1927, tiểu thuyết Phục sinh của ông đã được dịch và đăng nhiều kỳ trên tờ báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng. Người ta chưa xác định được dịch giả Hoa Trung của bản dịch này là ai, có giả thuyết cho rằng đó là học giả Đào Duy Anh nhưng chưa có bằng chứng xác thực[9]. Đến nửa sau thập niên 1930 – đầu thập niên 1940, sự quan tâm đến Tolstoy và văn học Nga (cổ điển và Xô viết) trở nên sôi nổi hơn. Một phần nguyên nhân đáng kể là những cuộc vận động cách mạng trong nước, phong trào Mặt trận bình dân, những phản ứng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu và sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ hai. Văn học Nga, đặc biệt là những nhà văn như Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov, Gorky... có những ảnh hưởng lớn đối với nhiều trí thức châu Âu thời kỳ này cả trên phương diện nghệ thuật văn chương lẫn trên phương diện tư tưởng chính trị, bởi khi đó “châu Âu  đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc ‘thực nghiệm’ Xô viết làm nhiều người say mê. Ngoài ra, họ [người châu Âu] thấy ở nơi Liên Xô đối trọng thực tế duy nhất của chủ nghĩa phát xít, điều quả đã xảy ra đúng như vậy”, như nhận định của nhà văn học sử, chuyên gia về Maxim Gorky Pavel Basinsky trong cuộc trả lời phỏng vấn của Igor Virabov, phóng viên báo Luận chứng và Sự kiện ngày 28/3/2018[11]. Thông qua những nhà văn nổi tiếng của châu Âu như Romain Rolland, André Gide, Stefan Zweig, v.v... và những trước tác của họ viết về văn học Nga, hay những bản dịch văn học Nga sang tiếng Pháp mà văn học Nga được phổ biến ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có cả vai trò trung gian của các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam từng học tập và làm việc tại Đại học Cộng sản phương Đông (Liên Xô) những năm 1920-1930, mà trước hết là Hồ Chí Minh; thông qua các nhà cách mạng, giới trí thức Việt Nam tìm đến các tác gia Nga như những người thầy lớn trong sáng tác văn chương cũng như trong cuộc tìm đường đến với những lý tưởng xã hội, dân tộc và nhân sinh. Tolstoy dĩ nhiên thu hút họ hơn cả, không chỉ bởi ông vĩ đại nhất trong số các nhà văn Nga vĩ đại: ông sống lâu hơn Dostoevsky, Chekhov,... nên dù là “tập đại thành” của thế kỷ XIX nhưng ông cũng là người đương thời với các độc giả đầu thế kỷ XX; giải Nobel văn chương bốn lần được đề nghị trao cho ông; học thuyết của ông được Mahatma Gandhi vận dụng vào phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ... Tolstoy thu hút các trí thức Việt Nam còn bởi (hay chính vì bởi) ông giản dị và gần gũi với phong cách phương Đông. N.I. Nikulin trong bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài về Lev Tolstoy” đã viết rằng “việc Nguyễn Ái Quốc vào đầu những năm 20 quan tâm đến sáng tác của Tolstoy là điều rất tự nhiên, bởi chính Tolstoy chứ không phải ai khác trong các nhà văn cổ điển Nga có rất nhiều mối quan hệ với văn hóa phương Đông, với các nhà hoạt động nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa và trong phong trào giải phóng dân tộc cuả các dân tộc châu Á, trong số họ có người chiến sĩ vĩ đại đấu tranh cho độc lập của ấn Độ Mahatma Gandhi, có nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Tokutomi Roka”[7]. Sinh thời, Tolstoy chú ý đến những vấn đề thiết yếu nhất mà những người Việt Nam có tư tưởng cách mạng cũng quan tâm là ruộng đất và dân cày. Thạch Lam trong bài viết “Người nhà quê trong văn chương” đăng trên báo Ngày nay năm 1939 (sau đưa vào tập tiểu luận Theo giòng, 1941), tuy không nhắc đến tên Tolstoy, nhưng trong ý tưởng rằng “người nhà quê chỉ yêu quý ruộng đất chừng nào mà họ là chủ ruộng đất”[4, tr.50] chắc chắn có ảnh hưởng, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ những quan điểm mà Tolstoy đã phát biểu nhiều lần, với những câu tương tự về vấn đề sở hữu ruộng đất, trong các tác phẩm như Anna Karenina, Phục sinh. (Đáng chú ý là năm 1937, Phục sinh được dịch lần thứ hai, cũng năm đó Vũ Ngọc Phan lần đầu công bố bản dịch Anna Karenina của mình [Theo 6, tr.27].)

*

Trong bối cảnh như vậy, Kiều Thanh Quế vào năm 1942 cho ra đời tác phẩm có tên Một ngày của Tolstoï[1], nằm trong tủ sách Gió Tây của nhà xuất bản Tân Việt. Theo thông tin ghi trên ấn bản này, sách được in ở Hà Nội. Tô Hoài từng nhớ lại thời kỳ này trong tự truyện Một quãng đường, rằng “nhà xuất bản [Tân Việt] ở trong Sài Gòn mới ra làm ăn ngoài này. Ông Lê Văn Văng chủ nhà xuất bản đương cắm cờ chiêu mộ đám trẻ”[2, tr.252]. Những tư tưởng mới mẻ mang tính cách mạng từ Nga và châu Âu đang thu hút sự quan tâm của những người trẻ tuổi và của nhà xuất bản này. Tô Hoài thì viết kiểu chế nhạo, rằng “chủ xuất bản Tân Việt, lúc đầu, bài lời nhà xuất bản nào trên đầu sách cũng thêm bốn chữ ‘phá sạch sành sanh’ chú thích chữ Pháp: table rase – đấy là chữ mà Tạ Thu Thâu hay dùng (...). Xuất bản Tân Việt làm ra vẻ ta đây tờ-rốt-kít[2]”[2, tr.289]. Tuy nhiên, có thể thấy qua các đầu mục sách Tân Việt xuất bản là chủ trương phổ biến tri thức về những thành tựu tiêu biểu của văn minh thế giới bên cạnh những giá trị của dân tộc. Triết học của Aristotle, Descartes, Kant, Nietzsche, các tư tưởng phân tâm học của Freud, Bergson, thực chứng luận của Comte, thuyết tương đối của Einstein,... được giới thiệu bên cạnh các công trình về Phật giáo, về Trang Tử, về thơ ca Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Cận Đông. Tham gia dịch thuật hay viết các tiểu luận là Nhượng Tống, Phan Văn Hùm, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Đình Thi, v.v... Kiều Thanh Quế là một trong số các dịch giả - tác giả tích cực. Ngoài bài về Tolstoy, ông còn có các bài giới thiệu về học thuyết Freud (ký bút danh Tô Kiều Phương, 1943), về thơ Tagore (ký bút danh Nguyễn Văn Hai, 1942)... bên cạnh những tiểu luận về văn học Việt Nam in ở nhà xuất bản này.

Một ngày của Tolstoï là bản Kiều Thanh Quế trích dịch từ công trình xuất bản năm 1928 của nhà văn Áo Stefan Zweig Drei Dichter ihres Lebens. Casanova, Stendhal, Tolstoi [Ba nhà thơ và cuộc đời của họ. Casanova, Stendhal, Tolstoy]. Stefan Zweig (1881-1942) vào thời kỳ đỉnh cao sáng tác của mình những năm 1920-1930 là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất ở châu Âu. Ngọn gió “tự thành Vienne”, như trong trích dẫn ở đầu bài viết này, thổi tới Kiều Thanh Quế chính là Zweig cùng với người đồng hương Sigmund Freud – cả hai đều được ghi dấu trong các bài viết và dịch thuật của nhà phê bình Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng Tám, Zweig đã được nhiều độc giả Việt Nam biết đến qua các bản dịch tiếng Pháp. Nhà văn Lan Khai là người đã dịch tác phẩm Bức thư của người không quen của Zweig sang tiếng Việt, đồng thời chịu ảnh hưởng tác phẩm Nỗi sợ của ông khi viết tiểu thuyết Tội và thương, điều trở thành đề tài cho bài viết mang tinh thần văn học so sánh của Kiều Thanh Quế “Cuộc kỳ ngộ Lan Khai - Zweig: Tội và thương gặp La peur” đăng trên tạp chí Tri Tân năm 1943. Zweig không chỉ nổi tiếng với những truyện ngắn và tiểu thuyết với nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy, mà còn là nhà phê bình sắc sảo, tác giả của những công trình viết về tiểu sử các nhà văn lớn như Balzac, Dickens, Tolstoy, Dostoevsky, Thomas Mann,... được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó cuốn sách mà Kiều Thanh Quế chọn dịch. Ngoài hoạt động văn học, Zweig còn được biết đến như một người theo chủ nghĩa hoà bình, phản đối chiến tranh, là người hưởng ứng Cách mạng Nga. Năm 1928, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lev Tolstoy, Zweig đã sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm. Bộ Hợp tuyển tác phẩm của Zweig gồm 12 tập bằng tiếng Nga cũng ra mắt dịp cuối thập niên 1920 này. Một thời gian dài, ông là nhà văn Áo nổi tiếng nhất, được xuất bản nhiều nhất ở Liên Xô. Maxim Gorky đã viết về ông trong “Lời nói đầu” của bộ Hợp tuyển 12 tập nói trên: “Stefan Zweig là sự hợp nhất hiếm hoi và may mắn giữa tài năng của nhà tư tưởng uyên thâm với tài năng của một nghệ sĩ bậc thầy”[Dẫn theo 5, tr.222]. Còn Zweig thì đề tặng cuốn sách viết về Tolstoy của mình cho Maxim Gorky[13, tr.v].

Như vậy, Tolstoy của Kiều Thanh Quế là Tolstoy thông qua Stefan Zweig như một bảo chứng, một chỗ dựa đáng tin cậy về thông tin tiểu sử, về giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng.

Cuốn sách của Zweig, như nhan đề ghi rõ, ngoài Tolstoy còn viết về hai nhà văn châu Âu khác. Giacomo Casanova là nhà văn Ý thế kỷ XVIII, tác giả của cuốn tự truyện Câu chuyện đời tôi được xem là một nguồn thông tin đáng chú ý về đời sống và phong tục của châu Âu thế kỷ XVIII. Stendhal (tên thật là Marie-Henri Beyle) là tác gia Pháp thế kỷ XIX nổi tiếng với nghệ thuật khắc hoạ tâm lý trong các tiểu thuyết như Đỏ và đen, Tu viện thành Parme. Tuy nhiên, Kiều Thanh Quế chỉ lựa chọn phần viết về Tolstoy để dịch. Có thể do giới hạn dung lượng, do thời gian, v.v... nhưng dù gì đi chăng nữa, vẫn phải có lý do liên quan đến nghệ thuật và tư tưởng. Hãy xem thử những câu Zweig lấy làm đề từ cho mỗi nhà văn trong cuốn sách của mình. Với Casanova, đó là ý kiến về tự truyện Câu chuyện đời tôi: “Ông tự mình kể câu chuyện đời mình. Đó là tất cả sản phẩm văn học của ông – nhưng thật là một câu chuyện thú vị làm sao!”[13, tr.3]. Casanova không chỉ là một nhà văn, mà còn là một huyền thoại về sự phóng đãng (homo eroticus như tên một chương sách của Zweig) – điều đã thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật đại chúng về sau. Mở đầu phần về Stendhal là những câu trích dẫn đậm chất triết lý siêu hình của nhà văn Pháp này: “Tôi từng là ai? Tôi đang là ai? Tôi ngại ngùng nói về điều đó”[13, tr.98] và “Tôi rất thích đeo mặt nạ và thay tên đổi họ”[13, tr.99]. Còn Tolstoy thì hết sức giản dị: “Gương mặt tôi là gương mặt của một người nhà quê tầm thường”[13, tr.203].

Sự khác biệt trong ba bức chân dung của ba nhà văn thể hiện qua những trích dẫn trên có thể phần nào giúp hiểu lựa chọn của Kiều Thanh Quế. Chính vẻ giản dị nhưng ẩn chứa sự uyên áo của bậc hiền triết, cũng như tính chất cách mạng ẩn dưới thái độ ôn hoà bất bạo động, và đặc biệt là “lòng bác ái đại đồng”, “hoàn toàn thành thật”[8, tr.5] như lời mở đầu cho bản dịch đã khiến Tolstoy, chứ không phải là Casanova hay Stendhal, phù hợp với tinh thần của những trí thức trẻ có xu hướng cách mạng ở Việt Nam đầu những năm 1940 như Kiều Thanh Quế.

Mặc dù là bản dịch, như chú dẫn của chính Kiều Thanh Quế là từ “bản Pháp văn của hai ông Alzir Ibelia (đúng ra là Alzir Hella – TTPP chú) và Olivier Bournac... Trois poetes de leur vie do nhà Stock (Paris) ấn hành”[8, tr.53], tuy nhiên, đúng ra đó chỉ là bản lược dịch, phỏng dịch. “Chiến lược dịch” của Kiều Thanh Quế thể hiện không chỉ qua sự chọn lựa tác gia như nói ở trên, mà còn ở việc chọn lựa các chương trong phần viết về Tolstoy, cũng như các đoạn trong “Lời nói đầu” của nguyên bản. Do khuôn khổ và tính chất của bài viết này, chúng tôi không đi vào các vấn đề của phiên dịch học, mà chỉ lấy vài ý tưởng về các “chiến lược dịch” (translation strategies) mà các nhà lý thuyết phiên dịch học đã đưa ra. Bản dịch của Kiều Thanh Quế, như theo cách phân loại các “chiến lược dịch” của Andrew Chesterman [1, tr.85], là bản dịch mang tính thực dụng, nhằm đáp ứng những yêu cầu và điều kiện thực tế của môi trường tiếp nhận (bao gồm cá nhân dịch giả, nhà xuất bản, nhu cầu và thị hiếu của độc giả, bối cảnh xã hội và văn hoá). Kiều Thanh Quế chỉ chọn 3 trong số 12 chương viết về Tolstoy của Zweig: “Bức chân dung”, “Một ngày của Tolstoy” (tên chương này được đưa lên thành nhan đề tập sách) và “Đi tìm Thượng đế” (tức các chương 1, 9 và 11 trong nguyên bản). Mục “Mở đầu” [cho phần Tolstoy] của Zweig tập trung vào những biến chuyển tư tưởng trong ba thập niên cuối đời của Tolstoy, tinh thần Cơ đốc giáo và thuyết vô vi nơi nhà văn được Kiều Thanh Quế thay bằng mục “Mở đầu” của mình, ngắn gọn hơn, nói về lòng bác ái của Tolstoy, với vài ví dụ trong tiểu sử nhà văn như việc ông hào phóng bố thí cho người nghèo, cãi vã với vợ vì điều đó, hay ông ăn chay sống đạm bạc để được gần với người bình dân, và cuộc ra đi để mong sống cuộc đời cần lao nhưng bị cái chết ngăn lại.

Nếu so sánh với nguyên bản[3], có thể đưa ra vài ví dụ và nhận xét về những chỗ Kiều Thanh Quế lược bỏ khi dịch.

Trong phần “Bức chân dung”, Kiều Thanh Quế lược bỏ một số đoạn trong miêu tả chân dung Tolstoy của Zweig. Chẳng hạn về bộ râu của Tolstoy: “Dài và phất phơ trước gió, suối râu bạc ấy chạy từ mang tai xuống má và bao quanh đôi môi ươn ướt, che khuất làn da nhăn với những vết nẻ thâm...”[8, tr.10] – đoạn dịch thoát này bỏ qua cái ý của tính từ “patriarchal” mà Zweig cố ý dùng cho bộ râu Tolstoy. Có lẽ vì tính đa nghĩa của từ “patriarchal” mà nhiều tài liệu nghiên cứu về Tolstoy sau này ở Việt Nam gán cho ông mác “nông dân gia trưởng”[4]. Thực ra, từ đó gắn với thể chế Nhà thờ Chính thống giáo Nga (Patriarchate, còn gọi là Toà Thượng phụ), và Tolstoy với những tư tưởng cải cách tôn giáo đã phủ nhận vai trò của nó, điều khiến ông một mặt bị Giáo hội Nga rút phép thông công vào năm 1901, nhưng mặt khác lại được tôn vinh là một giáo chủ (patriarch). Miêu tả chòm râu của Tolstoy giống như râu của các giáo chủ Nga, Zweig cũng đồng thời ám chỉ vị trí tối cao về tinh thần của văn hào trong những năm cuối đời. Kiều Thanh Quế bỏ qua điều này, thay vào đó có vẻ nhấn mạnh vào đặc điểm gần gũi với chân dung “người nhà quê tầm thường” trong đề từ khi thêm thắt hình ảnh “vết nẻ thâm” trên làn da.

Một chi tiết khác cũng liên quan đến ngoại hình của nhà văn: đó là khi nói đến việc khó phân biệt ông nhà văn quý tộc với người xà ích già râu dài khi họ cùng ngồi trên xe ngựa, bản dịch tiếng Việt bỏ qua ý rằng “bạn có thể nhầm rằng người cầm dây cương là xà ích, còn vị hành khách ngồi cạnh là ông nhà văn bá tước”[13, tr.205], bởi Kiều Thanh Quế, cũng như những người đọc Tolstoy ở Việt Nam thời bấy giờ có thể chưa có điều kiện đọc nhiều về tiểu sử Tolstoy, không biết đến thói quen thích được tự đánh xe ngựa thay xà ích của văn hào.

Tuy nhiên, có lẽ những phỏng dịch, lược dịch như thế không ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp nhận văn bản của Zweig về Tolstoy: sự vĩ đại của nhà văn chính là ở sự bình dị - đó là ý tưởng mà Zweig muốn thể hiện, và đó cũng là điều mà Kiều Thanh Quế muốn truyền đạt đến người đọc Việt Nam, làm Tolstoy trở nên gần gũi thân quen hơn. Nói theo cách của các nhà lý thuyết phiên dịch, đó là hình thức “bản địa hoá” (domestication, tức là làm cho bản dịch trở nên gần gũi, quen thuộc đối với môi trường của văn hoá bên tiếp nhận, còn gọi là xu hướng vị chủng), thay vì là “ngoại lai hoá” (foreignization, tức đưa ra những kiểu dịch thuật mang tính thử nghiệm, giữ nguyên những yếu tố nước ngoài xa lạ trong bản dịch)[10, tr.19-20]. Hay nói cách khác, đó là cách đưa nhà văn nước ngoài về Việt Nam thay vì đưa độc giả Việt Nam ra nước ngoài – một “chiến lược dịch” thích hợp trong hoàn cảnh văn học Việt Nam đang trên tiến trình hiện đại hoá, dù đã có nhiều tiếp xúc với những “cái khác” từ phương Tây nhưng chủ yếu vẫn đang giai đoạn đầu của việc tìm đường, học hỏi cái của người để đổi mới cái của mình. Việc giới thiệu và dịch thuật văn học nước ngoài (nhất là phương Tây), về phương diện chức năng, vì thế mới còn đang nhắm tới những mục đính thực dụng, chưa trở thành những nghiên cứu chuyên sâu, đi vào lý thuyết như ở các giai đoạn sau.

Một phương diện khác của bản dịch Kiều Thanh Quế - đó là tính chất tiểu thuyết của nó. Bản thân Zweig cũng là người giỏi tiểu thuyết hoá tiểu sử các danh nhân, không phải bằng phương thức hư cấu, mà bằng sự lựa chọn các sự kiện, các chi tiết, chú ý phân tích các yếu tố tâm lý cá nhân trong tiểu sử, nhằm tạo sức hấp dẫn đối với người đọc. Kiều Thanh Quế khi chọn và lược dịch các chương sách của Zweig có lẽ đã có chủ ý nhấn mạnh tính tiểu thuyết đó: từ việc đưa tên chương Một ngày của Tolstoï thành nhan đề sách, đến lựa chọn những đoạn miêu tả một cách cụ thể và sinh động nhất ngoại hình và đời sống sinh hoạt, những tình huống kịch tính và cá nhân nhất của nhà văn để dịch. Những chương phân tích tác phẩm, bàn luận về những giáo lý Cơ đốc kiểu mới và mối quan hệ của văn hào với Giáo hội Nga, v.v... bị lược bỏ. Trong Một ngày của Tolstoï, Tolstoy hiện ra như một nhân vật của kiểu tiểu thuyết gia đình, tiểu thuyết tâm lý xã hội những năm 40 thế kỷ XX của Việt Nam: đó là một con người đời thường, nhiều mâu thuẫn cả trong quan hệ với xã hội và gia đình, lẫn trong đời sống nội tâm. Đáng chú ý là trong bản dịch của Kiều Thanh Quế, sau phần tiểu sử Tolstoy đã được tiểu thuyết hoá đó, có một phần Phụ lục với tiêu đề: “Một thể văn còn chậm phát triển trong làng tiểu thuyết Việt Nam – Tự truyện (Autobiographie)”[8, tr.53]. Thực ra đó cũng là bản Kiều Thanh Quế lược dịch phần “Dẫn nhập” cuốn sách của Zweig (trước cả ba phần về tiểu sử Casanova, Stendhal và Tolstoy), trong đó bàn khá kỹ lưỡng về quan niệm và những kinh nghiệm viết văn tiểu sử trong lịch sử châu Âu, mối quan hệ giữa sự thực và hư cấu, những vấn đề phương thức tự sự, trong đó có cả các khái niệm mà hiện nay những người quan tâm đến tự sự học hay nhắc đến như “nội quan”, “ngoại quan”, v.v... Việc Kiều Thanh Quế đưa phần “Dẫn nhập” này vào cuối sách đã khiến cho các chương viết về Tolstoy ở trước đó có thể được nhìn qua lăng kính thể loại, là kiểu mẫu minh hoạ cho phương thức viết tiểu sử như một thể loại văn học.

*

Kiều Thanh Quế là một trong những người sớm tiếp xúc và giới thiệu về Tolstoy với độc giả Việt Nam. Một ngày của Tolstoï với những chọn lựa, bổ sung, thay đổi hay sai lệch so với nguyên bản có thể do hạn chế về điều kiện tư liệu, vấn đề ngôn ngữ và những khác biệt văn hoá tác động lên quá trình dịch thuật. Ngoài ra, đó cũng còn có thể do tính chất thực dụng trong “chiến lược dịch” của bản thân Kiều Thanh Quế nói riêng cũng như của việc dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn những năm 1930-1940 nói chung. Hoạt động dịch thuật hướng tới việc đáp ứng nhu cầu thị hiếu của xã hội, nhất là của giới trẻ (một mặt dưới ảnh hưởng của các cuộc vận động cách mạng xã hội, mặt khác cũng do tác động của kinh tế thị trường với đại diện là báo chí và các nhà xuất bản, mà thời gian này hết sức phát triển); đồng thời hướng tới việc đổi mới, hiện đại hoá trong sáng tác và thưởng thức văn học thông qua kinh nghiệm của văn học nước ngoài.

Một ngày của Tolstoï phần nào cho thấy một nhãn quan rộng mở và sự nắm bắt nhanh nhạy những xu thế hiện đại của Kiều Thanh Quế, mặt khác cũng cho thấy nơi ông một đại diện tiêu biểu cho văn học Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám ở phương diện phê bình và dịch thuật.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Andrew Chesterman (1997, 2016), Memes of Translation: The Spread of Ideas in Translation Theory, John Benjamin Publishing Company, Philadelphia-Amsterdam.

[2] Tô Hoài (1985), Tự truyện, In lần thứ hai, Nxb. Văn Học, Hà Nội.

[3] Phan Mạnh Hùng (2007), “Kiều Thanh Quế - Nhà nghiên cứu văn học”, Nghiên cứu văn học, số 3.

[4] Thạch Lam (1941), Theo giòng: Vài ý nghĩ về văn chương, Nxb. Đời Nay, Hà Nội.

[5] Boris Mandel (2014), Văn học thế giới: thế kỷ XX. Những tên tuổi và những cuốn sách vượt qua không gian và thời gian [Всемирная литература: XX век. Имена и книги вне пространства и времени], Nxb. Direct-Media, Moskva.

[6] Trần Thị Quỳnh Nga (2010), Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỷ XIX ở Việt Nam, Nxb. Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội.

[7] N.I. Nikulin (2015), “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài về Lev Tolstoi” (Phương Phương dịch), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nguồn: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ truy cập ngày 6/10/2019.

[8] Kiều Thanh Quế (1942), Một ngày của Tolstoï. Tủ sách Gió Tây, Nxb. Tân Việt, Hà Nội.

[9] Thuý Toàn (2010), “Đi tìm người đầu tiên dịch tác phẩm của Lev Tolstoy sang tiếng Việt”, Văn nghệ Công an, ngày 2/11.

[10] Lawrence Venuti (2008), The Translator's Invisibility: A History of Translation (2nd edition), Abingdon, Oxon, U.K.: Routledge.

[11] Igor Virabov (2018), “Ai đã nói ‘người mẹ’. Tại sao Gorky đến nay vẫn thu hút mạnh mẽ [Игорь Вирабов, “Кто сказал ‘мать’. Почему Горький до сих пор вызывает сильные страсти?”]. Luận chứng và Sự kiện, ngày 28/3, nguồn: https://aif.ru/culture/person/kto_skazal_mat_pochemu_gorkiy truy cập ngày 6/10/2019.

[12]Stefan Zweig (1928), Drei Dichter ihres Lebens. Casanova, Stendhal, Tolstoi, nguồn: https://gutenberg.spiegel.de/suche?q=Stefan+Zweig%3A+Drei+Dichter+ihres+Lebens , truy cập ngày 6/10/2010.

[13] Stefan Zweig (1952), Adepts In Self-portraiture: Casanova, Stendhal, Tolstoy (Translated by by Eden and Cedar Paul), Cassel and Company Limited.

[14] Stefan Zweig (1992), Trois poètes de leur vie: Stendhal, Casanova, Tolstoï  (Traduction de Alzir Hella), Le Livre de Poche, Paris.

Trần Thị Phương Phương

Đã in trong: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2019, tr. 32-39.

 


[1] Xin cảm ơn PGS.TS. Đoàn Lê Giang đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu này.

Khi trích dẫn, chúng tôi giữ cách viết tên văn hào Nga theo kiểu Pháp trên văn bản của Kiều Thanh Quế (Tolstoï), còn trong văn bản của mình thì sẽ viết là Tolstoy.

[2] Trotskyism – một xu hướng cách mạng ở Liên Xô gọi theo tên của Lev Trotsky (1879-1940), nhà cách mạng đồng thời với Lenin, tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Marx, nhưng phản đối Stalin và phê phán chủ nghĩa quan liên ở Liên Xô dưới thời Stalin. Trotsky bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1929, và năm 1938 cùng những người đồng tư tưởng lập Quốc tế Cộng sản IV tại Paris đối lập với Quốc tế Cộng sản III của Stalin. Ở Việt Nam, chủ nghĩa Trotskyism khá phổ biến vào thập niên 1930 với người đứng đầu là Tạ Thu Thâu, và có những xung đột tư tưởng với các nhóm cách mạng khác.

[3] Chúng tôi chủ yếu sử dụng bản dịch tiếng Anh của Eden và Cedar Paul Adepts In Self-portraiture: Casanova, Stendhal, Tolstoy [13], có đối chiếu với bản dịch tiếng Pháp của Alzir Hella Trois poètes de leur vie: Stendhal, Casanova, Tolstoï mà Kiều Thanh Quế đã sử dụng để phỏng dịch sang tiếng Việt (bản in lại của Nxb. Le Livre de Poche năm 1992)[14], và bản tiếng Đức ở trang: https://gutenberg.spiegel.de/buch/drei-dichter-ihres-lebens-6850/1[12].

[4] Một nghĩa của patriarcal/patriarchal/патриархальный là [thuộc chế độ] “gia trưởng”, “phụ quyền”.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60520974
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2467
10018
60520974

Thành viên trực tuyến

Đang có 186 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website