Orhan Pamuk: Tiểu thuyết gia là nghệ sĩ?

Theo Orhan Pamuk, một tiểu thuyết gia không thuần túy là nghệ sĩ. Một tiểu thuyết gia đúng hơn là một nghệ sĩ trong một người thợ lành nghề chăm chỉ.

20220404

Nhà văn Orhan Pamuk. Nguồn: orhanpamuk.net

Theo thời gian, từ “viết” có hai chiều kích. Một chiều kích là khi ta viết trong không gian vật lý, khi ta cầm một cây bút và có thể sờ thấy những gì mình viết ra, còn một chiều kích rộng lớn hơn, là quá trình chuyển thể những dòng tâm tưởng thành con chữ, và ngay cả khi ta lưu lại con chữ bằng cách gõ trên bàn phím, thì đó vẫn được coi là “viết”. Ngày nay, một người viết thường được hiểu như người làm công việc ở vế thứ hai. Những nhà văn không còn thực sự cầm cây bút nữa, ai còn cầm cây bút thì giống như những con người cuối cùng trong một bộ lạc nguyên thủy ở một khu rừng Nam Mỹ.

Orhan Pamuk thuộc bộ lạc ấy. Ông không chỉ viết Bảo tàng ngây thơ, ông tự nhận mình là một “con người bảo tàng” và có mọi thói quen của bảo tàng. Lưu cữu những thứ vật chất hiện hữu, ngay kể cả con chữ. “45 năm qua, tôi gìn giữ từng trang giấy mình đã viết. Năm sau tôi sẽ 70. Nhà xuất bản của tôi mong là có thể tổ chức được một bảo tàng về tôi, kẻ đã viết tay trong suốt 45 năm.” Pamuk nói câu này vào năm ngoái, năm nay chính là năm ông 70 tuổi.

Tôi không khỏi nghĩ về điều đó khi đọc Xa lạ trong tôi, một tiểu thuyết dài 600 trang mà ông dành tới sáu năm để viết. Mỗi ngày viết 10 tiếng (như ông kể về lịch làm việc của mình), miệt mài cầm bút viết), tỉ mỉ kể lại cuộc đời một người bán hàng rong trên phố phường Istanbul, (vâng, lại là Istanbul, thành phố ấy đã rút hết hồn ông mất rồi), bán boza, bán sữa chua, bán cơm gà, bán kem, và không vì viết tay mà ông “làm biếng” bỏ qua cận tả một nồi súp sôi lục bục với những miếng khoai tây trôi như những hành tinh ngoài vũ trụ bao la để hối thúc câu chuyện diễn ra nhanh hơn. Và nói cho đúng, ông đã bằng đôi tay mình, đẽo gọt cuộc đời người ấy, đẽo gọt ký ức Istanbul, đẽo gọt một vọng ước về những điều luôn lẩn khuất: như đôi mắt sáng trong của người vợ đã từng nếm trải hạnh phúc ngọt lành. Ông đã đẽo gọt cuốn tiểu thuyết này theo cách của một nhà điêu khắc.

***

Chương 18, phần 4 của Xa lạ trong tôi, Pamuk mở đầu bằng chuyện một ngày nọ, một tàu buôn bị đắm ở Bosphore và hai mươi ngàn con cừu rơi xuống biển. Một số con chết đuối trên biển, một số con dạt vào thành phố, tràn lên đường xá, con nào cũng thật mong manh, buồn tủi và cuồng giận. Mevlut, tên nhân vật chính của chúng ta, người bán boza muôn năm cũ, tự hỏi Thượng Đế muốn nhắn gửi điều gì mà cho cả đàn cừu sầu bi ấy tới đây. Trong mấy ngày, thành phố trở thành nghĩa trang cừu.

“Nghĩa trang” là một trong những địa điểm mà Mevlut, lâu lâu một lần trong tiểu thuyết, cỡ cách 80-100 trang một lần, lại lui tới. Tất nhiên không để bán gánh hàng của anh, nơi ấy làm gì có ai? Nhưng bước chân anh vẫn bất giác bị kéo về phía đó. Điều kỳ lạ là nơi đây, cái nơi minh chứng cho sự chết, cái nơi khơi gợi về sự vĩnh hằng của cõi bên kia và sự tạm thời của cõi bên này, lại mang đến “những tình cảm đẹp đẽ trong Mevlut”. Mevlut biết về cái chết, người vợ Rayiha anh yêu thương đã chết, đứa con trong bụng mà cô định nạo đi cũng chết dù anh đã có sẵn cả một cái tên cho nó, người bạn từng thân nhất trong năm tháng tuổi trẻ của anh cũng chết, và cả cha anh người đã “thừa kế” cho anh nghề bán boza cũng không còn. Anh biết hết về sự mất mát, nỗi đau, nhưng đồng thời lại tìm thấy nơi cái chết một sự ủi an khó diễn tả nên lời.

Nếu như Istanbul trong Bảo tàng ngây thơ là một bảo tàng, Istanbul trong Hồi ức về một thành phố là kỷ niệm, thì Istanbul ở Xa lạ trong tôi đích thị là một nghĩa trang. Nghĩa trang của con người và con cừu, nghĩa trang của những ngôi nhà tạm gecekondu, nghĩa trang của những khu ổ chuột, nghĩa trang của những người bán rong ảo não, và khi đọc tới những trang cuối cùng, khi Mevlut lần đầu nhìn toàn cảnh Istanbul hiện đại từ trên cao, với những tòa nhà cao tầng chọc thẳng lên không trung, Orhan Pamuk đã mô tả sinh động về cái rừng rậm nhà cao tầng ấy đến nỗi, tôi đột nhiên nghĩ phải chăng chúng cũng là những bia mộ mà ở hồi giữa quyển ông đã từng mô tả, thậm chí ông thêm cả một bức tranh trực quan về những ngôi mộ ấy. Và có khi nào, sự đô thị hóa xét cho cùng cũng là một nghĩa trang của những hồi ức, và những tòa tháp nhấp nháy kia cũng là phiến đá xây trên xác của những gì đã bị vùi trong đất – như ngôi nhà tạm nơi cậu thiếu niên Mevlut từng thủ dâm, từng học bài, từng nghe cha ngáy, từng nấu cơm mỗi tối.

Sự sống xét cho cùng cũng là một quá trình liên tục chết đi.

***

Mevlut đồng cảm với lũ cừu bởi anh cũng là một con cừu. Anh mê say đôi mắt của Samiha em gái của Rayiha, viết thư ròng rã suốt mấy năm trời cho nàng, rồi lại bị lừa để cưới Rayiha. Và trong khi những người anh em họ và bạn thân dần trở nên giàu có, anh vẫn vậy, ngày ngày quẩy gánh hàng của mình qua những con đường hẻo lánh, cất tiếng rao “Bozaaa” nghe thật não nề, và về sau, khách hàng mua tiếng rao ấy nhiều hơn là mua boza.


Cuốn sách mới của Orhan Pamuk được xuất bản ở Việt Nam “Xa lạ trong tôi”. Nguồn: Nhã Nam

Mevlut khiến ta nghĩ đến bản nhạc Donna Donna về một chú bê (cũng là một sinh vật yếu thế như cừu) với đôi mắt rơm rớm ngẩng nhìn trời, không biết tại sao mình lại dễ bị trói buộc và xẻ thịt tới vậy, không biết tại sao mình không có cánh như con chim én đang bay trong gió.

Có lẽ điều khác ở đây chỉ là, Mevlut đã thử tập bay – anh đã quản lý trong những nhà hàng nhỏ, đã trông xe, đã đi thu tiền điện, đã hưởng cảm giác làm chủ một quán boza, cũng có lúc tưởng chừng sẽ bứt lên như mọi người và cũng có lúc đã quyết lòng sẽ không lang thang bán boza nữa - xong đến cuối cùng vẫn chỉ còn anh với gánh hàng đè lên hai vai, nhưng là điều duy nhất anh làm trong một hạnh phúc mênh mang không dằn vặt.

Cuối cùng, người bán hàng rong chỉ hạnh phúc khi là một người bán hàng rong, và con cừu vẫn chỉ hạnh phúc khi là con cừu, chỉ hạnh phúc khi đi trên mặt đất, dẫu mặt đất đầy những đàn chó hoang đe dọa nó.

***

Quay trở lại nghệ thuật điêu khắc tiểu thuyết của Orhan Pamuk, gọi là điêu khắc bởi vì Istanbul thì đã có sẵn, không có ông thì Istanbul vẫn có đấy thôi, cũng như tảng đá không có Michelangelo vẫn cứ là một tảng đá. Nhưng chính là vị điêu khắc gia đã gọt giũa để thứ sẵn có ấy thành một điều gì đó của riêng mình.

Istanbul của Orhan Pamuk nói cho cùng là một sáng tạo của riêng ông, một phôi thành phố của riêng ông, dù dựa rất nhiều trên một đô thành có thật. Nhưng chính là cây bút của ông – trong vai trò chiếc dùi đẽo đá – đã tỉa vào nơi ông muốn tỉa: những ngôi nhà tập thể cũ của người Thổ nơi có những người đàn bà không thể chịu được dù chỉ một hạt bụi, những rạp chiếu phim con heo xập xệ, những xe tải giao sữa chua đựng trong hũ thủy tinh xếp trong sọt gỗ... Mỗi lần Mevlut bước vào một căn hộ của khách, vén lên một tấm rèm, bước vào một con đường ngoại ô, đi lên một cầu thang cũ,thì đó là lúc bàn tay Pamuk đang lia qua để tạo hình cho Istanbul. Istanbul của ông. Và trung tâm của bức điêu khắc Istanbul ấy là những món đồ ăn và đồ uống bán dạo trên hè phố.

Nói về cuốn tiểu thuyết này, Orhan Pamuk cho biết ông theo “trường phái” của Thomas Mann, vị tiểu thuyết gia có đam mê mô tả những món ăn. Đến nay ở châu Âu có cả những nhà hàng phục vụ thực đơn mà Mann đề ra trong tiểu thuyết Gia đình Buddenbrook, như canh thảo mộc cùng bánh mì nướng, cá phi lê cuộn nhỏ ăn cùng tôm hùm và sốt nấm, giăm bông kiểu Old-Lübecker và bánh Plettenpudding. Những món ăn mà Orhan Pamuk mô tả thì đơn thuần hơn, nào là những đĩa cơm đậu gà lột da dính thêm tiêu, ớt, tỏi và đầy bụi phố, nào là một ly boza làm từ hạt kê lên men thơm phức có vị nồng mà người ta chuộng vào thời kỳ cấm rượu, vừa nhấp vừa lai rai cùng đậu gà và quế. Nhưng dù là với Mann hay với Pamuk, những món ăn cũng có linh hồn – thực đơn của Mann ngồn ngộn xa hoa như vị thế của gia đình Buddenbrook nhưng lại kết thúc bằng món tráng miệng ngọt lừ ăn mòn hàm răng, như điềm báo trước một sự tan rã và suy phế; còn thực đơn của Pamuk, boza lử lả nhưng không đủ say mèm, cũng như con người Mevlut mơ mộng đấy nhưng cũng không thể mộng với tay cao hơn trời.

Pamuk cũng giống với một điêu khắc gia ở chỗ, họ đối mặt với câu hỏi: họ có phải một nghệ sĩ không? Trong nhiều thế kỷ, một nhà điêu khắc không được coi trọng như một họa sĩ. Một họa sĩ sáng tạo ra từ hư vô, nhưng một điêu khắc gia cần tìm một tảng đá phù hợp và sáng tạo trên tảng đá ấy. Quyền năng của họa sĩ dường như vô hạn hơn quyền năng của một điêu khắc gia bị phụ thuộc vào vận may và sự hào phóng của tự nhiên.

Orhan Pamuk kể lại rằng suốt tuổi thơ ông đã ao ước trở thành một họa sĩ. Ước mơ ấy tồn tại tới tận năm 22 tuổi. Nhưng “tôi là một nghệ sĩ thất bại”, ông ngưng vẽ, và bắt đầu viết tiểu thuyết. Trong một bài phỏng vấn, người ta hỏi ông vậy thì “Một nhà văn không phải một nghệ sĩ ư?” Thay vì trả lời thẳng là có hay không, một tiểu thuyết bao gồm những khoảnh khắc tràn trề cảm hứng và cả những khoảnh khắc làm việc thủ công. Ta có thể ngầm hiểu nghĩa là theo  ông, một tiểu thuyết gia không thuần túy là nghệ sĩ. Một tiểu thuyết gia đúng hơn là một nghệ sĩ trong một người thợ lành nghề chăm chỉ. Phần lớn những cuốn tiểu thuyết hay cũng không bao giờ liều mạng, nóng nảy hay tùy hứng – những phẩm chất thường được gán cho một nghệ sĩ đích thực. Những cuốn tiểu thuyết hay cần hơn sự tỉnh táo, thậm chí một cuốn tiểu thuyết hay sẽ tồn tại cả những phần hoàn toàn không có tính nghệ thuật, và bản thân Xa lạ Trong tôi cũng có những đoạn như thế, những đoạn khô khan, hoàn toàn lý tính và minh mẫn.

Nhưng vì tiểu thuyết gia vẫn không thể chối bỏ một phần nghệ sĩ trong mình, những cuốn tiểu thuyết xuất sắc dù lý tính đến mấy vẫn có những đoạn “ad lib” bỗng vượt ra khỏi khuôn lề bản nhạc mà bay vút lên. Vào khoảnh khắc ấy, vị tiểu thuyết gia bỗng giống như người phụ nữ nội trợ trong bộ phim Jeanne Dielman, 23, quai du Commerce, 1080 Bruxelles của Chantal Akerman, suốt ba tiếng đồng hồ chỉ đi ra đi vào ngôi nhà của mình, làm công việc thường nhật không có gì đặc biệt của một bà nội trợ kiêm gái điếm, và rồi 15 phút cuối cùng cô bỗng bùng lên cắt cổ một người đàn ông sau khi đã làm tình với gã. Và với Orhan Pamuk trong Xa lạ Trong tôi, đó là những khoảnh khắc khi Mevlut yêu. Yêu Rayiha và yêu Istanbul.

Mevlut viết thư tình cho cô em, nhưng lấy nhầm cô chị và rồi phải lòng cô chị, người không có đôi mắt buồn như những ngọn núi ở Kars hay mùi hoa hồng và trời cao, một người khác hoàn toàn với giấc mơ trong anh nhưng là của anh đích thực. Mevlut lên Istanbul mong thành đạt, mong giàu có, nhưng cuối cùng cũng không thành đạt hay giàu có, vậy mà anh vẫn phải lòng Istanbul, một Istanbul khác với giấc mơ trong anh nhưng là Istanbul thật sự nơi anh đã sống. Ở cả hai lần, Mevlut vượt qua sự vỡ mộng nhanh chóng đề choàng ôm điều Allah đã ban cho mình, vì Allah biết hết, ta chỉ cần tin.

Đến cuối cùng, hạnh phúc đích thực chẳng phải điều ta mơ về, mà là điều ta giữ được.□

Hiền Trang

Nguồn: Tia sáng, ngày 26.3.2022.

Thông tin truy cập

60521227
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2720
10018
60521227

Thành viên trực tuyến

Đang có 142 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website