Đông Hồ và Hà Tiên

Hà Tiên là miền đất được mở mang cuối cùng thể hiện ý chí đấu tranh khắc phục thiên nhiên, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Đất nước và con người ở đây trong thế đi lên, tràn đầy sức sống. Vì thế, thơ văn ít bị hạn chế bởi hệ tư tưởng thống trị của giai cấp phong kiến, mà thấm đượm tình quê hương đất nước và ý chí độc lập tự cường của những người lãnh đạo đầy chí tiến thủ và của nhân dân Hà Tiên.

 

Điều kiện lịch sử xã hội khách quan đặc biệt đã giúp hình thành dòng thơ đầy sinh khí ở một góc tận cùng của Tổ quốc. Lê Quý Đôn đã nhận định trong Phủ biên tạp lục (1776) : “Không thể bảo rằng ở hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy”. Song còn một điều kiện khách quan khác gây nguồn cảm hứng cho sáng tác của Mạc Thiên Tứ và Chiêu Anh Các – đó là đất nước Hà Tiên rất giàu những danh lam thắng cảnh.

 

Đầu tiên, Mạc Thiên Tứ làm mười bài thơ chữ Hán – Hà Tiên thập cảnh – mỗi bài ca ngợi một thắng cảnh của Hà Tiên. Mười bài nói lên mười cảnh đẹp, mười tên bài thơ gắn liền với mười danh thắng:

 

1 – Kim dự lan đào, nghĩa là đào vàng chặn sóng, chỉ núi Pháo đài.

 

2 – Bình sơn điệp thúy, nghĩa là núi Bình sơn một màu xanh lớp lớp.

 

3 – Tiêu tự thần chung, nghĩa là chuông chùa buổi sớm (tiêu tự : chùa vắng) chỉ chùa Tam Đảo.

 

4 – Giang thành dạ cổ, trống canh ban đêm nơi đồn thú bên sông.

 

5 – Thạch động thôn vân, nghĩa là động đá nuốt mây (vút lên tận mây) chỉ Thạch động.

 

6 – Châu nham lạc lộ, nghĩa là châu ngọc nổi, đàn cò sà xuống, chỉ núi Đá dựng.

 

7 - Đông hồ ấn nguyệt, Đông hồ in bóng trăng.

 

8 – Nam phố trừng ba, nghĩa là bãi phía Nam lặng sóng.

 

9 – Lộc trĩ thôn cư, Mũi Nai với làng xóm dân cư.

 

10 –Lư khê ngư bạc, nghĩa là thuyền câu đỗ bến (thuyền chài đỗ về bến Rạch vượt)

 

Thiên nhiên, đất nước đã gợi hứng cho sáng tác thơ văn, ngược lại thơ văn cũng giúp cho con người thấm thía và phát hiện  cái đẹp của thiên nhiên đất nước. Cái đẹp của thiên nhiên cũng thêm có hồn và như được nhân lên nhờ sự bồi đắp tô vẽ của thơ ca. Nhưng đối với văn thơ cổ,  phải có công sưu tầm, chú thích, giới thiệu mới làm cho nó đến được với người đọc, in sâu vào tâm trí người đọc. Chính Đông Hồ vừa là nhà thơ của quê hương Hà Tiên, vừa là người có công sưu tầm, phiên dịch, giới thiệu thơ ca Chiêu Anh Các; Đông Hồ đã có đóng góp quan trọng cho việc tìm hiểu, thưởng thức nền thơ ca ra đời cách đây đúng hai thế kỷ rưỡi tại vùng xa xôi này của Tổ quốc.

 

Cuốn Văn học Hà Tiên là một công trình nghiên cứu dịch thuật công phu của Đông Hồ, nhờ cái vốn Hán – Nôm mà các thế hệ sau không dễ gì có được, nhờ ở một sự am hiểu sâu sắc cũng như ở kinh nghiệm phong phú về thơ ca cổ điển của tác giả.

 

Đóng góp của Đông Hồ vào nền học thuật thật đáng kể; nhưng cái quý nhất ở Đông Hồ là lòng thiết tha đối với quê hương xứ sở cũng như đối với tiếng mẹ đẻ.

 

Phải là người thật gắn bó với Hà Tiên thì Đông Hồ mới có những ý nghĩ thú vị về miền đất này: “Đất nước Hà Tiên - quê hương của mình sao mà có nhiều duyên dáng, đáng yêu quá. Biển rừng, hồ núi bao bọc quanh đây, như chiếc nôi êm ái của đứa hài nhi…” (1)

 

“Cái gì bắt đầu và cái gì ở cuối, thường cho người dễ nhắc và cho người dễ nhớ. Trong gia đình, cậu Cả và cô Út thường được cha mẹ cưng hơn. Hà Nội là cậu Cả, mà Hà Tiên là cô Út của bà mẹ Việt Nam ngày đó”.

 

Đông Hồ là người đầu tiên đã giới thiệu và có giải thích đầy đủ, cần thiết cảnh trí thiên nhiên của Hà Tiên trong thơ Hà Tiên thập cảnh.

 

“Có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa, có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải…” (2).

 

“Ở đây không một cảnh nào to lớn, đầy đủ, ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh, mà cảnh nào cũng có … núi rừng không cao rộng lắm, đến cho người ngắm hãi hùng, biển hồ không sâu rộng lắm đến cho người nhìn kinh sợ. Ở đó như một cảnh giả sơn, thân mật trong hoa viên, mỗi cảnh nhỏ nhỏ xinh xinh vừa đủ để cho tầm thưởng ngoạn “.

 

Đông Hồ sinh ra và lớn lên ở hai thập niên đầu thế kỷ 20, khi mà thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ lên toàn cõi Việt Nam được nửa thế kỷ. Bọn thống trị phong kiến coi khinh tiếng Việt – “nôm na cha mách qué”. Bọn thực dân Pháp ra sức đề cao tiếng Pháp hòng biến dân ta thành người mất gốc, tự rẻ rúng mình. Đông Hồ là một trong số những người đã ra sức bảo vệ và cổ vũ cho việc sử dụng tiếng Việt. Chính ông đã mở trường dạy học, dạy tiếng mẹ đẻ cho con em trong vùng (Trí Đức thư xa).

 

Trịnh Hoài Đức là con người đã ca ngợi họ Mạc và thơ văn Chiêu Anh Các. Nhưng trong Gia Định thành thông chí (cũng như trong bài tựa sách Minh bột di ngư của Mạc Thiên Tứ) ông lại không nhắc đến mảng thơ nôm của Mạc Thiên Tứ . Về việc này, Đông Hồ có nhận định:

 

“Đó là điều không may, chẳng những riêng một văn chương nôm của Chiêu Anh Các mà còn là số phận không may chung cho cả văn chương tiếng Việt.

 

“Nhưng mà đã có cái may mắn khác thừa trừ. Các nhà văn học ít chịu ghi chép thì đã có nhân dân thuộc lòng và truyền khẩu từ đời nọ sang đời kia. Cho nên bây giờ trong Hà Tiên thập vịnh bằng Hán thi còn chép trong sách vở gần 400 bài mà mấy người đã biết! Còn thơ Hà Tiên thập cảnh chỉ có mười bài thôi mà ai cũng đọc thuộc và ai cũng nghe nói đến luôn”.

 

“Khả năng tồn tại và khí lực sinh trưởng của tiếng Việt quả thật phi thường”.

 

“… Điều đáng cho chúng ta thán phục, đáng cho chúng ta ca tụng từ trước đến nay và mãi mãi về sau là thi phái Chiêu Anh Các Hà Tiên đã để lại cho chúng ta một áng văn chương Nôm giá trị không ít.

 

“Bao nhiêu thi phú chữ Hán đã đủ thanh tao phong nhã, đã đủ tự thị là một Văn hiến quốc rồi, còn làm thơ Nôm làm chi nữa. Ấy thế mà Mạc Thiên Tứ đã làm nên một tập thơ Nôm trường thiên dài 400 câu, vừa lục bát gián thất, vừa Đường luật bát cú liên hành. Nếu không phải nhờ tiếng Việt có sức hấp dẫn cho tâm hồn yêu thơ trước rồi mới đến yếu tố lợi dụng thơ Nôm làm vũ khí tuyên truyền cho cõi đất mới” (trang 192 – 193).

 

Đông Hồ còn là người đầu tiên phát hiện ra cuốn Song tinh bất dạ. Sau đó, ông Trần Văn Giáp tìm ra tác giả của cuốn sách này là Nguyễn Hữu Hào – một  truyện thơ được viết vào khoảng thập niên đầu thế kỷ 18, nằm trong số những truyện thơ Nôm sớm nhất của lịch sử văn học Việt Nam. Đông Hồ vừa là một nhà trước thuật, vừa là một nhà thơ mà tên tuổi gắn liền với những bước phát triển đầu tiên của thơ ca Việt Nam nói chung, của thơ ca Nam bộ nói riêng từ sau 1930.

 

Có thể nói, Đông Hồ là một trong những người làm rạng rỡ thêm  truyền thống văn hiến của mảnh đất Hà Tiên lịch sử.

 

CHÚ THÍCH

 

(1) Văn học Hà Tiên, Quỳnh Lâm xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 26

 

(2) Văn học Hà Tiên, Quỳnh Lâm xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 27

 

 

 

Thông tin truy cập

60971202
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2500
11034
60971202

Thành viên trực tuyến

Đang có 220 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website