Nghìn năm văn vật đất Thăng Long

GS. NGND Hoàng Như Mai

1. Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, là Lý Thái Tổ. Việc đầu tiên Lý Thái Tổ làm là dời đô từ Hoa Lư - kinh đô cũ của các triều Đinh, Lê - ra thành Đại La và thành Đại La được đổi tên thành Thăng Long. Việc làm này mang một ý nghĩa trọng đại: Thăng Long nghĩa là “rồng bay lên”. Thủ đô là bộ mặt, bộ não của đất nước, đặt tên cho thủ đô là Thăng Long, Lý Thái Tổ muốn mở ra một vận hội mới cho đất nước thành một quốc gia có vị trí hiên ngang trong khu vực, mở ra một tương lai bền vững lâu dài.

Bài Chiếu dời đô đã nói rõ quan niệm ấy: “Thành Đại La có thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, có núi sông bao bọc tiện lợi. Đất ở đấy rộng và bằng phẳng, cao mà khô ráo, dân cư không khốn đốn về nỗi tối tăm ẩm thấp, vạn vật phong thịnh tươi tốt. Ta xem khắp nước Việt, đây là một thắng địa, chỗ bốn phương tụ họp làm nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”. Thăng Long - và đến thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn có thêm cái tên Hà Nội - là biểu trưng cho ý thức tự lập tự cường, tự hào dân tộc, ngọn cờ lãnh đạo cho cả nước noi theo.  

2. “Nghìn năm văn vật đất Thăng Long”, câu nói ấy trở thành một chân lý lịch sử. Thăng Long – Hà Nội là một đề tài văn nghệ quan trọng, thiêng liêng. Bài phú Phụng Thành xuân sắc (Phụng Thành là một tên khác của Thăng Long) do Nguyễn Giản Thanh sáng tác từ thế kỷ 15 đã viết:

Ngao từ chia cực

Phụng đã xây thành

Sum một chốn y quan lễ nhạc

Vầy một nơi văn vật thanh danh (….)

Nước yên vững đặt âu vàng

Đất thịnh vốn chưng thành Phụng (… )

Dẫu chẳng có sắc xuân đua tốt

Sao cho nên thành Phụng nổi danh (…)

Đời đời thành Phụng ấy

Kiếp kiếp sắc xuân này

Con con cháu cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức.

 

3. Dân gian truyền tụng nhiều câu ca dao ca ngợi Thăng Long- Hà Nội phồn hoa thanh lịch, cảnh đẹp người xinh:

                    - Gió đưa cành trúc la đà

                    Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

                    Mịt mù khói tỏa màn sương

                    Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

 

-        Phồn hoa thứ nhất Long Thành

                    Phó giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ

-        Hỡi người xách nước tưới hoa

                     Có cho ai nhận vào ra chốn này?

                     Hoa thơm thơm lạ thơm lùng

                     Thơm cành thơm rể người trồng cũng thơm.

 

         4. Thăng Long là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh và cũng là nơi có nhiều giai thoại kỳ tích. Trong bài Tụng Tây Hồ phú ca ngợi hồ Tây kể ra:

                     Tòa thạch tháp nọ nơi tiên để báu

                     Chốn thổ đôi kia chỗ khách chôn bùa

                     Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời,

                     Tay lưới phép còn ghi công bắt hổ

                     Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển

                     Lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa…[1]

 

5. Thăng Long là nơi truyền tụng  nhiều giai thoại thú vị, nhiều sự tích ly kỳ.

                     Long thành có bốn yêu tinh

                     Yêu hồ Trước Giám, yêu đình Đồng Xuân

                     Yêu cày hàng phố Hàng Cân

                     Yêu gốc cây liễu trước sân chùa Tàu[2]

Câu chuyện trữ tình cuộc kỳ ngộ của Tú Uyên - Giáng Kiều còn có bằng chứng ở phường Bích Câu:

                     Thành Tây  có cảnh Bích Câu

                     Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!

                     Đua chen thu cúc xuân đào

                     Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông[3]

Thăng Long - Hà Nội từ xưa đã là một trung tâm kinh tế quan trong nhất nước:

                     Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến

                     Hà Nội băm sáu phố phường

                     Hàng Gạo, hàng Đường, hàng Muối trắng tinh.[4]

 

         6. Thăng Long – Hà Nội là một trung tâm văn hóa, thời nhà Lý năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông dựng  Văn Miếu. Năm 1076 vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài giúp nước. Tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu ghi tên họ quê quán những người đỗ tiến sĩ (1442) có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Quốc Tử Giám đã đào tạo ra nhiều nhân tài có công lớn lao với đất nước: Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh khiêm, Ngô Sĩ Liên…Trong khi nước ta bị thực dân Pháp thống trị, một ngôi trường lừng lẫy tiếng tăm là Đông Kinh Nghĩa Thục do các nhà trí thức yêu nước sáng lập và điều hành, giảng dạy được đặt tại Hà Nội. Uy tín của trường Đông Kinh Nghĩa Thục rất lừng lẫy, do đó trường chỉ hoạt động được một năm rồi bị thực dân Pháp đóng cửa, những người và điều hành bị tù đày. Tuy vậy, trường đã gây được một phong trào “học cứu nước” sôi nổi sắp ba kỳ.

        Và cũng vì thế để, trấn an sự bất bình của các thanh niên trí thức, bọn cai trị Pháp phải mở trường cao đẳng Đông Dương. Cả ba nước Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên chỉ có một trường đại học này, đặt tại Hà Nội.

 

      7. Ngót một trăm năm bị thực dân Pháp thống trị, Thăng Long- Hà Nội mang tâm trạng của con hổ trong bài thơ nhớ rừng của Thế Lữ: “Gặm một khối căm hờn trong củi sắt”. Lịch sử của bất kỳ nước nào cũng không là con đường thẳng mà có những khúc quanh: “Vận nước như mây quấn” thiền sư Pháp Thuận đã nói như vậy. Và điều Thăng Long – Hà Nội mong đợi đã đến: Tháng 8-1945 tổng khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội:

Lưng chừng thế kỷ thứ hai mươi

Khoảng giữa màu thu đẹp tuyệt vời

Nhị Thủy Mê Giang trào sóng thẳm

Hoành Sơn Tân lĩnh kết hoa tươi

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy

Là những dòng sông đỏ sóng cờ

Nền thắm nhị vàng hoa vĩ đại

Năm cánh xòe trên năm cửa ô.[5]

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở quảng trường Ba Đình trước năm mươi vạn người dân Hà Nội và các vùng lân cận: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời với Hà Nội là thủ đô.

 

8. Thực dân Pháp ngoan cố quay lại hòng thống trị nước ta một lần nữa, nổ ra cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp: thanh niên Hà Nội tổ chức quyết tử quân để bảo vệ Hà Nội. Thanh niên Hà Nội mở ra những trận đánh trên đường phố, cầm chân giặc để đồng bào tản cư và Chính phủ rút lên Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi gày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Mái đầu xanh thề mãi đến khi già

Phơi nắng gió. Với hoa ngàn cỏ nội

Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về, trở về, chiếm lại quê hương. [6]

Sau 9 năm, những chàng trai Hà Nội trở về tiếp quản Hà Nội:

Ngày nào trở lại thủ đô

Ôi Thăng Long rợp bóng cờ vinh quang

Hẹn nhau ý thiếp lòng chàng

Xuân mười phương hội, tuổi vàng muôn năm

Sống về gặp bến đồng tâm

Mây đoàn viên, gió tri âm đợi chờ

Khải hoàn châu ngọc gieo thơ

Mừng kia mượn sóng Tây Hồ dâng cao

Mê Linh vầng nguyệt vẹn tuyền

Hẹn bao nhiêu dịp Long Biên hỡi lòng

Ta cười lên gọi Thăng Long

Lửa thiêu tâm sự máu hồng chiêm bao.[7]

Đất nước chưa được hoàn toàn giải phóng. Người Mỹ còn chiếm đóng miền Nam và cho máy bay B52 ra đánh phá Hà Nội. Trên bầu trời thủ đô diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không hào hùng, oanh liệt. Cả nước reo vang lời ca: “Hà Nội niềm tin và hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”.[8]

Hà Nội toàn thắng, góp khí thế cho đại thắng mùa Xuân 1975: “Nghìn năm gương cũ soi kim cổ”. Thăng Long – Hà Nội xứng đáng được kể vào danh sách các thủ đô cổ kính và oanh liệt của thế giới.

 

GS. NGND Hoàng Như Mai

Khoa Văn học và Ngôn ngữ

Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM

10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1

 



[1] Tụng Tây Hồ phú – Nguyễn Huy Lượng

[2] Ca dao

[3] Bích Câu kỳ ngộ

[4] Ca dao

[5] Nhớ về Hà Nội vàng son – thơ Vũ Hoàng Chương

[6] Ngày về - thơ Chính Hữu

[7] Hẹn về cố đô – thơ Đinh Hùng

[8] Hà Nội, niềm tin và hy vọng – Phan Nhân

Thông tin truy cập

60522621
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4114
10018
60522621

Thành viên trực tuyến

Đang có 186 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website