Bướm, hoa, mùa xuân và cảm hứng thân phận trong thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Thị Quốc Minh     

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp.HCM

Nếu coi Thơ mới là một giàn nhạc với nhiều âm thanh khác nhau: rộn ràng và ảo não, thánh thót và trầm đục, hùng tráng và du dương thì thơ Nguyễn Bính là tiếng đàn bầu nhẹ nhàng mà nỉ non, da diết. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ được yêu thích nhất trong các nhà Thơ mới, thơ ông đã chạm đến trái tim, chiếm được tình cảm của người đọc bởi sự tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày, bởi sự mộc mạc hồn hậu như những câu ca dao đã ngàn đời khắc vào tâm hồn dân tộc, bởi sự mới mẻ mà kín đáo như cô gái quê đã biết đến son phấn của thị thành. Hình ảnh trong thơ Nguyễn Bính cũng rất đỗi gần gũi với cuộc sống làng quê mà ai cũng có thể bắt gặp hình bóng quê mình: hàng cau, gốc bưởi, vườn cam, giậu mồng tơi, giàn trầu, con bướm bướm… Dù vậy, thơ Nguyễn Bính không cốt ở tả cảnh. Cảnh vật trong thơ ông chỉ là phương tiện để đi vào thế giới tâm hồn với những ước mơ và thất vọng, tình yêu và sự chia lìa, những niềm vui và nỗi đau của thân phận con người. Những hình ảnh có tính biểu trưng cao trong thơ Nguyễn Bính gắn với việc thể hiện thân phận nhà thơ là bướm, hoa, mùa xuân-ngày Tết…

1. Bướm - giấc mơ và thân phận thi sĩ 

Nguyễn Bính tự nhận mình “xuất thân” là con bướm. Con bướm ấy say đắm yêu đương, tận tụy hút hương hoa mật ngọt: “Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi/ Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa”. Có những lúc chúng ta cảm giác như bướm và người trong thơ Nguyễn Bính không còn phân biệt: “Chim ca buổi sớm khuyên nàng học/ Bướm dạy nàng thêu, gió dạy đàn” (Bao nhiêu đau khổ của trần gian, trời đã dành riêng để tặng nàng). Lãng mạn, ngọt ngào, hồn nhiên biết bao khi mối tình ban đầu của cô cậu học trò có cánh bướm làm chứng:

Những buổi học về không có nón

Đội đầu chung một lá sen tơ

Lá sen vương vấn hương sen ngát

Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ

Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc

Theo về tận cửa mới tan mơ

(Trường huyện)

Nhưng rồi mọi chuyện không êm đềm như họ mong ước. Thời cuộc đổi thay, lòng người thay đổi, cánh bướm lại một lần nữa xuất hiện, xuất hiện trong sự buồn thương da diết:

Em đi phố huyện tiêu điều lắm

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi

Mà đến hôm nay anh mới biết

Tình ta như chuyện bướm xưa thôi

(Trường huyện)

Nhà thơ ươm trồng hoa cũng như ươm trồng chính ước mơ tình yêu của mình:

Anh trồng cả thảy hai vườn cải

Tháng Chạp hoa non nở cánh vàng

Lũ bướm láng giềng đang khát nhụy

Mách cùng gió sớm rủ rê sang

(Hết bướm vàng)

Hoa tươi non gọi bướm về, lòng người trai gái trẻ buổi ban đầu cũng bừng lên nhiều cảm xúc luyến ái, khát khao hạnh phúc. Nhưng cuộc đời lắm nỗi đắng cay, chẳng bao giờ vẹn tròn như lòng mơ ước:

Năm sau vườn cải nở hoa vàng

Bướm lại sang mà em chẳng sang

Thui thủi một mình anh bắt bướm (…)

Em đã sang ngang với một người

(Hết bướm vàng)

Sinh thời Nguyễn Bính cũng từng nhận rằng ông là người “yêu nhiều” và “dễ yêu”, nhiều khi ông còn tưởng tượng ra là họ yêu mình. Chính các mối tình ấy, các nhan sắc ấy là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của ông, cũng như là sức mạnh vô hình nâng đỡ những đau khổ cuộc sống cho ông. Nhưng rồi cũng chính những nhan sắc ấy, những mối tình ấy lại làm ông đau khổ:

Bướm ơi, bướm hãy vào đây

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi

Chả bao giờ thấy nàng cười

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên

Mắt nàng đăm đắm trông lên,

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi

Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?

(Người hàng xóm)

Tự hỏi rồi tự trả lời, tự phủ nhận rằng “Không, từ ân ái nhỡ nhàng/ Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao” và một lần nữa nhắc lại “Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng” đến khi phải “gục xuống bàn rưng rưng” thì vẫn dứt khoát rằng “Nhớ con bướm trắng lạ lùng/ Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng”. Đến cuối cùng thì phải chấp nhận một sự thật rằng “tôi yêu nàng” nhưng tình yêu ấy không kịp thốt ra dù chỉ một lần. Tự yêu, tự dằn vặt, đau khổ cho đến phút biệt ly:

Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng

Mau về mà chịu tang nàng đi thôi

Đêm qua nàng chết thật rồi

Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này

(Người hàng xóm)

Tháng chạp cho hoa cải nở vàng

Cho cam da đỏ, cho nàng vu quy

Nàng về mãi xứ bên kia

Cam thôi màu đỏ, bướm chê hoa vàng

(Vu quy)

Có trường hợp, người đã đi xa rồi, không trở về quê nữa hay cũng có thể đó chính là nỗi lòng của Nguyễn Bính trong những lúc xa biệt quê hương, hình ảnh con bướm cũng có mặt trong câu hỏi của ông:

Sao chẳng về đây bắt bướm vàng

Nhốt vào tay áo đợi xuân sang

Thả ra cho bướm xem hoa nở

Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương

(Sao chẳng về đây)

Hoặc:

Cành dâu cao, lá dâu cao

Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em

Anh đi đèn sách mười niên

Biết rằng bóng bướm có lên kinh thành

(Bóng bướm)

Nhớ người, nhớ mối tình không trọn vẹn, đi kèm nỗi nhớ ấy là hình ảnh con bướm. Có đôi lúc ông xem bướm như người bạn vàng bạn ngọc, có lúc bướm như “đứa con côi” của ông:

Thiếu một vần thôi đủ dở dang

Tay ai giăng mắc hộ dây đàn?

Đường sang xứ ấy nhiều hoa lắm

Nhi bắt cho tôi chiếc bướm vàng.

Tay áo giang hồ tôi sẽ nuôi

Bướm vàng như thể đứa con côi

Nơi nào xa vắng Nhi, tôi hỏi;

Nó nói: “Cô Nhi đã bắt tôi”

(Nuôi bướm)

Nguyễn Bính cũng tự nhận là mình “điên dại” trong nỗi nhớ ấy: “Có ai điên dại như tôi nhỉ?/ Nuôi bướm làm con để nhớ người” (Nuôi bướm).

Nói đến người hoá bướm người ta nghĩ ngay đến ngụ ngôn Trang Chu mộng hồ điệp trong Nam hoa kinh: Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, bay lượn vui vẻ lắm, đến khi tỉnh dậy cứ suy nghĩ mãi không biết có phải là mình đã nằm mộng hóa bướm không hay chính mình bây giờ đang là bướm và đang mộng hóa Trang Chu? Chính Nguyễn Bính cũng hay nói đến giấc mơ hoá bướm của mình:

Đêm qua mơ thấy hai con bướm

Khép cánh tình chung ở giữa trời

(Hết bướm vàng)

   Trong giấc mơ hoá bướm, người thơ mơ thấy gì ? Cảnh tượng thường trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Bính đó là giấc mơ vinh hoa, giấc mơ quan Trạng của một thời vàng son quá khứ:

Quan Trạng đi bốn lọng vàng,

Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm

Mọi người hớn hở ra xem

Chỉ duy có một cô em chạnh buồn

                                                        (Quan Trạng)

Hay :

                                       Tưng bừng vua mở khoa thi,

                           Tôi đỗ quan Trạng vinh quy về làng

                                                                           (Giấc mơ anh lái đò)

Và tất nhiên, trong vàng son ấy, anh có em như bướm có đôi :

                           Em ạ, ngày xưa vua nước Bướm

Kén văn tài mở Điệp lang khoa.

Vua không lấy trạng vua thề thế,

Con bướm vàng tuyền đậu thám hoa.

(Truyện cổ tích)

Quan Thám tân khoa cũng được nhà vua gả công chúa cho, rồi thì “Chồng hóa thành anh, vợ hóa em”! 

Nhưng giấc mộng vinh quy «Võng anh đi trước võng nàng/ Cả hai chiếc võng cùng sang một đò » cũng chỉ là mộng. Nhà thơ chợt tỉnh, giấc bướm tan tành. Chàng thi sĩ hiện về với hình dáng con người trơ trụi giữa nhân gian. Quan Trạng tân khoa chỉ còn là anh lái đò:

                                       Con sông nó có hai bờ,

                           Tôi chưa đỗ trạng, thôi cô lại nhà.

                                                                                       (Giấc mơ anh lái đò)

   Bài Xóm Ngự Viên trong tập Mười hai bến nước cũng viết theo tứ thơ « tỉnh giấc bướm ». Đây là Ngự Viên ngày xưa :

                           Có phải ngày xưa vườn Ngự Uyển,

                           Là đây hoa cỏ giống vườn tiên,

                           Gót son bước nhẹ lầu tôn nữ,

                           Ngựa bạch buông chùng áo Trạng Nguyên.

   Còn nay thì «núi lở sông bồi » ruộng dâu biến thành biển xanh – «khoa cử hết rồi, thôi hết Trạng » , Ngự Viên trơ ra giữa chợ đời của một đô thị thuộc địa :

                           Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo

                           Dân thường đi lại lối đi quen

                           Nhà cửa xúm nhau thành một xóm

                           Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men

                           Mụ vợ Bắc Nam người tứ xứ

                           Anh chồng tay trắng lẫn tay đen

                           Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa

                           Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên. 

                                                                           (Xóm Ngự Viên)

  Con bướm Trạng Nguyên chỉ còn là một chàng thi sĩ khó nghèo: “Mình tôi giời bắt làm thi sĩ” (Hoa với rượu). Đời thi sĩ gắn với thất nghiệp, thất tình và tha hương như những bài thơ viết về hoa và mùa xuân – ngày tết dưới đây. 

2. Hoa – tình yêu và sự chia ly

Hoa trong thơ Nguyễn Bính không phải là mẫu đơn, phù dung, hải đường… đầy trong điển tích Trung Hoa, mà là hoa cỏ làng quê, đồng nội gắn bó cuộc đời ông với niềm hoài nhớ da diết: hoa đỗ ván, hoa cam, hoa bưởi, hoa xoan, hoa chanh, hoa cải, hoa gạo, hoa cỏ may… Những mối tình chớm nở, những ngày hoa mộng đều gắn với cỏ hoa. Mảnh vườn quê thời thơ ấu với mùa hoa đỗ ván nở tươi lành, trong veo trong kí ức:

Nhà tôi có một vườn dâu

Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần

Hoa đỗ ván nở mùa xuân

Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm

(Nhà tôi)

Hoa gắn với tuổi thơ của đôi trẻ - nồi nước gội đầu bằng hoa cam - mùi hoa lưu luyến cả cuộc đời:

Ra vườn nhặt những hoa cam rụng

Về bỏ đầy nồi cất nước hoa

Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy

Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau…

(Hoa với rượu)

Hương hoa bưởi gắn với một mối tình vô vọng. Nguyễn Bính là người “yêu nhiều” và “dễ yêu” nhưng dường như có nhiều mối tình là do chính ông đơn phương yêu thương, đơn phương đợi chờ cho đến khi mọi hi vọng dù là mong manh cũng không còn khi người con gái đã lấy chồng, như trong bài Qua nhà:

Cái ngày cô chưa lấy chồng

Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

Lối này lắm bưởi nhiều hoa…

(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

Nhà thơ đã phát hiện hết sức tinh tế tâm lý của người đang yêu. Trái tim yêu luôn có lý lẽ riêng của nó, nhiều khi điều vô lý hết sức lại nằm trong cái có lý vô cùng “Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”, vô lý, nhưng lại rất có lý “(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)”. Nguyễn Bính đã rất sâu sắc đồng thời cũng rất chân thành khi chọn cách diễn đạt này. Nhưng rồi tình yêu kia vẫn chưa kịp thổ lộ thì cô gái đi lấy chồng. Cảnh vật đã thay đổi hay do chính tâm tư sầu muộn của chàng trai nên cảnh vật mới thành ra như vậy:

Từ ngày cô đi lấy chồng

Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

(Qua nhà)

Dù cây bưởi bây giờ “không hoa” nhưng cây bưởi ngày xưa thì bao giờ cũng thơm ngát.

Hoa trong thơ Nguyễn Bính là một kỷ niệm, một giấc mơ của ngày xưa, gắn với tình yêu trong trẻo. Cũng như giấc mộng bướm đã tỉnh, giấc mơ hoa cũng không còn. Ông dự cảm thấy một sự thay đổi sâu sắc của làng quê, của lòng người. Bài thơ Chân quê là một dự cảm như thế:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

(Chân quê)

Vườn xưa cũng đổi thay, hoang vu, tàn tạ: « Không còn ai ở quê nhà/ Hỏi còn ai nữa để hoa đầy vườn » (Anh về quê cũ).

“Tỉnh giấc mơ hoa” – một hình tượng đầy lãng mạn, đã trở thành tứ thơ Nguyễn Bính thường dùng để viết nhiều bài thơ về hoa – tình yêu của mình.

Bài Mưa xuân với hình ảnh hoa xoan được triển khai với tứ thơ như thế: hoa xoan của tình yêu, của gặp gỡ, của mộng ước thành hoa tan nát của chia lìa. Đây là cô gái phơi phới của cô gái đang độ xuân thì với tình yêu mơ hồ mà lung linh:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

(Mưa xuân)

Cô gái trong Mưa xuân ấy thật trong trắng, nàng đợi người tình trong đêm hát như một lời hẹn ước, một cam kết yêu đương. Nhưng rồi tất cả trở thành vô vọng, mỏi mòn, xa cách. Và một lần nữa hình ảnh hoa lại xuất hiện trong sự dang dở, buồn đau này:

Chờ mãi anh sang anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên đàng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! (…)

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.

(Mưa xuân)

Bài Hoa với rượu cũng một tứ thơ như thế. Ở đây là hoa cam – hoa cam trong giấc mộng lứa đôi với cô hàng xóm ngây thơ tên Nhi: “Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng/ Tôi với em Nhi kết vợ chồng” (Hoa với rượu).

Để rồi lại tan mơ, để rồi một lần nữa lại khắc sâu hơn nỗi đau của cuộc đời:

Nhưng mộng mà thôi mộng mất thôi

Hoa tàn rượu ế ấy tình tôi

Chiều nay tôi chắp đôi tay lại:

“Đừng gặp người xưa nữa, lạy giời”

(Hoa với rượu)

Tuổi thơ đẹp là vậy, những ngày bên nhau vui là vậy, nhưng rồi người trai đã “cất bước giang hồ” bỏ lại quê nhà cùng bao kí ức hoa mộng:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh

Tôi đi dan díu với kinh thành

Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới

Chuốc mãi men say rượu ái tình

(Hoa với rượu)

Những ngày tháng xa quê, xa người bạn nhỏ thân thương, chàng trai ấy cảm nhận sự chát đắng của đời mình:

Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc

Hoa hết thơm rồi, rượu hết say (…)

Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại

Men nồng gạo nếp nước hoa cam.

(Hoa với rượu)

   Gặp gỡ, yêu thương, chia ly trong thơ tình Nguyễn Bính thường gắn với hoa. Hoa phải chăng là hiện thân của cái đẹp, cái thân thương của làng quê, và Hoa cũng chính là cái mong manh của tình yêu và thân phận? Sức cuốn hút, ám ảnh, làm xót xa lòng người của thơ Nguyễn Bính phải chăng là nhờ những bài thơ như thế?

3. Mùa xuân – ngày Tết và thân phận tha hương

Nguyễn Bính là một trong những thi sĩ viết về mùa xuân-ngày Tết nhiều nhất trong các nhà Thơ Mới. Mùa xuân-ngày Tết có ở ngay nhan đề một số bài thơ: Mưa xuân, Xuân về, Thơ xuân, Mùa xuân xanh, Xuân tha hương, Tết, Tết của mẹ tôi, Tết biên thùy…Nguyễn Bính không chỉ viết về mùa xuân mà ông viết cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông nhưng trong đó mùa xuân là chiếm tỉ lệ cao nhất. Trong những bài thơ về mùa xuân ấy, có những bài thật vui, thật lãng mạn, ngọt ngào gắn với tuổi trẻ và tình yêu:

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong

(Xuân về)

Hay:

Xuân đến hoa mơ hoa mận nở

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân

 (Gái xuân)

Và cũng có những bài - những mùa xuân thật buồn, đó là khi thiếu vắng người yêu hoặc người tình phụ phàng, phải sống trong sự khắc khoải, mỏi mòn chờ đợi:

Xuân này đến nữa đã ba xuân

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi

Cô đành lỗi ước với tình quân

(Cô lái đò)

Hay như tâm trạng thất vọng, hụt hẫng và đau khổ của cô gái trong bài Mưa xuân:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ chèo Đặng đi qua ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay?

Chúng ta bắt gặp nhiều mùa xuân ảm đạm, chia ly trong thơ Nguyễn Bính:

Tất cả mùa xuân rộn rã đi

Xa xôi người có nhớ thương gì?

Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả,

Ta biết xuân nhau có một thì!

(Cuối tháng ba)

Hay:

Em đi mất tích một mùa xuân

Đi để chôn vùi hận ái ân

(Khăn hồng)

Hoặc:

Kinh kỳ bụi quá xuân không đến

Sao chẳng về đây, chẳng về đây

(Sao chẳng về đây)

Cùng với mùa xuân thì ngày Tết cũng là một chủ đề, một hình ảnh ám ảnh trong thơ ông. Tết trong thơ Nguyễn Bính trước hết là ký ức về những cái Tết vui, Tết sum họp và đong đầy hạnh phúc:

Em chưa lấy chồng

Má hồng còn thắm

Tết tết xuân xuân

Đời vui vẻ lắm.

                             (Xuân)

 Nhưng Tết xuất hiện nhiều nhất trong thơ ông có lẽ là những cái Tết xa quê, một thân một mình nơi đất khách quê người:

Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió

Xuân này em chị vẫn tha hương

Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ

Son sắt say hoài rượu viễn phương

(Xuân vẫn tha hương)

Với Nguyễn Bính, ngày xuân ngày Tết mà không được sum vầy đoàn tụ bên gia đình thì Tết đó không đúng nghĩa là Tết, mặc dù mùa xuân, ngày Tết là của đất trời của tất cả mọi người nhưng với ông đó chẳng qua chỉ là “Tết người ta”:

Quán trọ xuân này hoa lại nở

Lại ngồi xem Tết, Tết người ta

(Quán trọ)

Đi vào thơ Nguyễn Bính, mùa xuân - Tết không chỉ gợi ý niệm về thời gian, không gian hay tấm lòng thiết tha vô hạn với quê hương, ước ao sum vầy đoàn tụ… mà ngay trong lúc vui vẻ nhất ấy - vui như Tết đến, vui như xuân về, thì Nguyễn Bính vẫn khắc khoải nỗi niềm phân ly, xa cách:

Năm ngoái Tết rồi

Năm nay lại Tết

Anh đi biền biệt

Hai Tết rồi đây

Buồng hương lẳng lặng

Then chẳng thiết cài

Còn đợi chờ ai

Biết bao Tết nữa

(Tết)

Những cái Tết xa xứ như vậy đều là những cái Tết “vô duyên”, mang nặng nỗi niềm sầu muộn pha chút cô độc, tủi hờn vì bóng lẻ:

Chiều ba mươi Tết hết năm rồi

Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà

Tôi còn lận đận phương xa

Để ăn cái Tết thật là vô duyên

(Xuân về nhớ cố hương)

Bài thơ xuất hiện nhiều từ Tết nhất và da diết nhất là thi phẩm Xuân tha hương. Cái điệp khúc “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng” được lặp đi lặp lại gần chục lần trong toàn bộ bài thơ. Cái cảm giác chia lìa, xa quê nên bơ vơ, lạc lỏng đã dễ khiến chúng ta rơi nước mắt huống hồ trong những ngày xuân Tết đến thì mấy ai có thể cầm lòng:

Chị ơi Tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng (…)

Tết này ồ thế mà vui chán

Những một mình em uống rượu nồng (…)

Chị ơi Tết đến em mua rượu

Em uống cho say đến não nùng

Uống say cười òa ba gian gác

Ném cái chung tình xuống đáy sông

Cuộc đời gần hai mươi năm “lưu lạc giang hồ” khiến Nguyễn Bính nhận ra rõ nhất cảm xúc chát đắng, tủi hờn đến tan nát trong những ngày xa xứ bỏ quê.

Mùa xuân và tết không chỉ là những biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính mà hình như “văn chương nó vận vào người”, nó đã trở thành định mệnh của thơ và đời ông.

4. Lời kết

Bướm, Hoa, mùa Xuân-Ngày tết là những hình ảnh ám ảnh trong thơ Nguyễn Bính. Những hình ảnh ấy có gì đó vừa quen vừa lạ. Như hình ảnh bươm bướm, ta thấy rất quen vì ta đã gặp đâu đó trong ca dao dân ca, trong văn của các bậc hiền triết hay các nhà thơ xưa: “Mồ cha con bướm khôn ngoan/ Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay(Ca dao), hay: “Thiếp như hoa đã lìa cành/ Chàng như con bướm lượn vành mà chơi(Truyện Kiều). Nhưng ở cả hai, con bướm thường là ẩn dụ hình ảnh của người con trai: đa tình và bạc tình. Con bướm trong thơ Nguyễn Bính là một giấc mơ, vừa có cái hư ảo sâu thẳm của Trang Chu, vừa có cái đa tình của thơ xưa, nhưng lại là con bướm của tình yêu, mong manh và hư ảo như thân phận của chàng thi sĩ.

Hay hình ảnh hoa. Hoa trong thơ rất nhiều, nhưng hoa cỏ quê nhà, đồng nội là nét nổi bật trong thơ Nguyễn Bính, hơn nữa hoa như đường viền cho mối tình, như người chứng giám cho tình yêu, là ẩn dụ cho một tình yêu trong lành, thiết tha rồi đi đến tan nát, chia ly lại là nét rất riêng, rất độc đáo trong thơ Nguyễn Bính. 

Mùa xuân-Ngày Tết cũng vậy. Trong các nhà thơ Thơ Mới không phải chỉ có Nguyễn Bính mới viết về chủ đề ấy. Chúng ta đã từng bắt gặp những mùa xuân đắm say của tình yêu và tuổi trẻ, mùa xuân với những khát vọng sống mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu (Vội vàng, Xuân không mùa, Đa tình…), ngày Tết tưng bừng, tươi thắm sắc màu dân tộc trong thơ Đoàn Văn Cừ (Chợ Tết), nhưng Mùa xuân-Ngày Tết gắn với thân phận khổ đau, nghèo túng, tha hương thì chỉ có Nguyễn Bính - Nguyễn Bính là người đã viết về nó một cách phong phú nhất, cảm động nhất.

Thơ là hiện thân của cái đẹp: cái đẹp của hoa cỏ, mây gió, trăng sao của đất trời. Thơ cũng là hiện thân của cái đẹp trong lòng người: tình yêu thương và sự chia sẻ. Ước mơ và thất vọng, niềm hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và sự chia ly… người ta tìm thấy sự chia sẻ ấy ở đâu, nếu không phải trong thơ, và trong thơ Nguyễn Bính.

Nguồn : Viện Văn học – Đại học Văn Lang (2018), Trăm năm Nguyễn Bính – Truyền thống và hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, TP. Hồ Chí Minh, tr. 346 – 359.

 

Thông tin truy cập

60787789
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7290
24669
60787789

Thành viên trực tuyến

Đang có 397 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website