Quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

   

 Số:       64 /QĐ - ĐT                                 TP. Hồ Chí Minh, ngày 16  tháng 2  năm 2009

QUYẾT ĐỊNH

V/v Ban hành Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

- Căn cứ Quyết định số 1233/ GD -  ĐT ngày 30/03/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

- Căn cứ Quyết định số 43/2007/QĐ – BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ;

- Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ/ĐHQG ĐH&SĐH ngày 21/11/ 2008 của Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM về việc ban hành Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ;

- Theo đề nghị của ông Trưởng phòng Đào tạo và Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính.

QUYẾT ĐỊNH:

          Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ bậc đại học, hệ chính quy của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quy chế này được áp dụng kể từ năm học 2008 -  2009 cho sinh viên hệ chính qui. Các quy chế trước đây khác với quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Các ông, bà Trưởng khoa/Bộ môn, Trưởng phòng, Ban chức năng và sinh viên hệ chính quy có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.

                                                                                   

              

   Nơi nhận:                                                                              HIỆU TRƯỞNG

- ĐH Quốc gia Tp.HCM (để báo cáo);                                                              

- Như điều 3;

- Lưu ĐT, TC-HC.

                                                                                                    

   PGS. TS. Võ Văn Sen



ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH&NV                              Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

               

                                                                                               

    QUY CHẾ ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ

  BẬC ĐẠI HỌC HỆ CHÍNH QUY

                (Ban hành theo Quyết định số:           /QĐ –ĐT  ngày 16 /2 /2009 của

                        Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định những vấn đề về đào tạo bậc đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHKHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Điều 2. Mục tiêu và phương thức đào tạo

2.1. Trường ĐHKHXH&NV đào tạo những người đạt trình độ đại học có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nắm vững phương pháp luận và kiến thức cơ bản về chuyên ngành đào tạo, có kỹ năng thực hành và giải quyết những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn và đời sống xã hội.

2.2 Phương thức đào tạo hệ chính quy của trường ĐHKHXH & NV được tổ chức theo hệ thống tín chỉ, giúp sinh viên tích lũy kiến thức ở các thời điểm thích hợp; đồng thời yêu cầu sinh viên phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Điều 3. Tín chỉ học tập

Tín chỉ học tập (gọi tắt là tín chỉ)  là đơn vị dùng để xác định khối lượng học tập của sinh viên, qua đó đánh giá kết quả học tập của sinh viên dựa trên số lượng tín chỉ học tập tích lũy được. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết (hoặc 30 tiết thực hành, thảo luận; hoặc 45-60 tiết thực tập, kiến tập, làm khoá luận tốt nghiệp).

Một tiết học được tính bằng 50 phút.

           Để tiếp thu được một tiết học lý thuyết trên lớp, sinh viên nhất thiết phải cần từ 2 đến 3 tiết chuẩn bị, tự học, tự nghiên cứu ở nhà; một tiết học thực hành hoặc bài tập trên lớp cần từ 1 đến 2 tiết chuẩn bị ở nhà. 

            Điều 4. Tín chỉ học phí

            Tín chỉ học phí là đơn vị dùng để lượng hóa chi phí của các hoạt động giảng dạy tính cho từng môn học. Học phí được tính bằng tổng số tín chỉ tín chỉ học phí của các môn học nhân với mức tiền học phí của 1 tín chỉ học phí.

Điều 5.  Học phần

5.1. Học phần là môn học có khối lượng kiến thức tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Mỗi học phần lý thuyết (hoặc học phần có cả lý thuyết và thực hành) có khối lượng từ 2 đến 5 tín chỉ; mỗi học phần thực hành có khối lượng ít nhất từ 1 đến 3 tín chỉ. Một học phần phải được bố trí giảng dạy trải đều và gói gọn  trong một học kỳ.

Kiến thức trong mỗi môn học được thiết kế theo học phần. Mỗi học phần được ký hiệu bằng một mã số riêng, do trường quy định.

            Khóa luận tốt nghiệp là học phần đặc biệt, có khối lượng kiến thức tương đương 10 tín chỉ.

           5.2.  Các loại học phần.

- Học phần bắt buộc: là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu trong chương trình đào tạo của trường mà tất cả sinh viên bắt buộc phải tích lũy.

- Học phần tự chọn: là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết mà sinh viên có thể lựa chọn đăng ký học theo nguyện vọng.

- Học phần tự chọn định hướng: là học phần mà sinh viên lựa chọn các học phần quy định trong chương trình đào tạo của ngành học, theo sự hướng dẫn của nhà trường

- Học phần tiên quyết: là học phần bắt buộc sinh viên phải học trước và thi đạt yêu cầu mới được tiếp tục học sang học phần sau.

- Học phần học trước: là học phần mà sinh viên phải học trước khi học các học phần khác mặc dù thi đạt hoặc không đạt yêu cầu.

- Học phần tích luỹ: là học phần có kết quả thi kết thúc đạt từ 5 điểm trở lên.

        Điều 6. Học kỳ, năm học

6.1. Học kỳ là thời gian để sinh viên hoàn thành một số học phần của chương trình đào tạo.

Học kỳ chính là học kỳ có 15 tuần thực học, 2 - 3 tuần thi. Mỗi học kỳ chính  được bố trí giảng dạy nhiều học phần trong chương trình đào tạo.

            Học kỳ hè là học kỳ dành cho những sinh viên thi không đạt ở các học kỳ chính được đăng ký học lại; hoặc cho những sinh viên giỏi muốn kết thúc sớm chương trình đào tạo.

6.2 . Năm học gồm hai học kỳ chính và một học kỳ hè.

          Điều 7.  Khóa học, lớp học

7.1. Khóa học là thời gian để sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo của một ngành chuyên môn ở trình độ đại học.

Tuỳ theo khả năng học tập, sinh viên được rút ngắn thời gian học tối đa là 1 học kỳ chính; hoặc được kéo dài thời gian học tối đa là 4 học kỳ chính.

Một khóa học của trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn được thực hiện tối thiểu là 7 học kỳ chính và tối đa là 12 học kỳ chính (tương đương từ 3,5 đến 6 năm).  Riêng ngành song ngữ Nga – Anh, tối thiểu là 9 học kỳ và tối đa là 16 học kỳ (tương đương từ 4,5 năm đến 8 năm).

7.2.  Lớp học được tổ chức cho những sinh viên có cùng nhóm học phần giống nhau hoặc những sinh viên cùng khóa, ngành học để trao đổi học tập, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt đoàn thể (Hội sinh viên, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ v.v…).

Có hai loại lớp học :

- Lớp học phần là lớp học ngắn hạn được tổ chức theo từng học phần .

- Lớp khóa học là lớp học cố định được tổ chức theo chuyên ngành và theo từng khóa đào tạo.

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Điều 8Chương trình đào tạo

8.1. Chương trình đào tạo bậc đại học của mỗi ngành đào tạo do Hội đồng khoa học và đào tạo Khoa/Bộ môn xây dựng trên cơ sở các chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được Hội đồng khoa học và đào tạo trường thông qua, được Giám đốc Đại học Quốc gia phê duyệt.

8.2.  Chương trình đào tạo có 2 khối kiến thức:

a) Khối kiến thức giáo dục đại cương gồm các học phần thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn, khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng; nhằm trang bị cho sinh viên nền tảng văn hoá rộng và cơ bản, nắm vững phương pháp tư duy khoa học để tiếp thu tốt kiến thức chuyên nghiệp.

            b) Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp gồm các học phần cơ sở phục vụ chuyên ngành, các học phần bổ trợ và các học phần chuyên nghiệp nhằm cung cấp cho người học những kiến thức kỹ năng chuyên môn cần thiết.

            8.3. Mỗi khối kiến thức có 2 nhóm học phần :

            a) Nhóm học phần bắt buộc chiếm khoảng 70-80% khối lượng kiến thức toàn khóa. Đây là những học phần chứa đựng những kiến thức cốt lõi của ngành đào tạo, bắt buộc sinh viên phải học.

            b) Nhóm học phần tự chọn chiếm khoảng 20-30% khối lượng kiến thức toàn khóa. Đây là những học phần chứa đựng những kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được quyền tự chọn hoặc tự chọn định hướng để tích luỹ đủ số tín chỉ theo quy định.

            Điều 9. Phân chia thời gian đào tạo 2 khối kiến thức:

9.1. Khối kiến thức giáo dục đại cương được tổ chức đào tạo trong 3 học kỳ chính. Sinh viên phải hoàn tất số học phần còn nợ của khối kiến thức giáo dục đại cương trong thời gian tối đa là 2 học kỳ chính kế tiếp.

            9.2.  Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp được tổ chức đào tạo trong 5 học kỳ chính.

           9.3. Trong toàn khóa học sinh viên phải tích lũy tối thiểu 140 tín chỉ và phải có các chứng chỉ Ngoại ngữ (trình độ B), Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng, Tin học (các chứng chỉ này do sinh viên tự tích lũy) để được xét công nhận tốt nghiệp.

           Hội đồng khoa học và đào tạo trường sẽ xem xét và quyết định việc giảm bớt khối lượng tín chỉ trong chương trình đào tạo theo lộ trình phù hợp và đúng với quy định chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo, của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 10. Đăng ký nhập học / Bảo lưu kết quả trúng tuyển

10.1.  Sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh quốc gia vào hệ chính quy, sinh viên phải đến trường làm thủ tục nhập học theo thời hạn quy định của nhà trường.

10.2.  Nếu có lý do chính đáng (như bệnh tật, tai nạn, hoàn cảnh khó khăn…), thí sinh trúng tuyển có thể xin bảo lưu kết quả thi tuyển. Trong trường hợp này, thí sinh trúng tuyển phải nộp đơn xin bảo lưu cho Phòng Công tác chính trị - Quản lý sinh viên và phải được Hiệu trưởng ký quyết định cho bảo lưu.

Thời gian bảo lưu kết quả tuyển sinh không quá hai học kỳ chính. Muốn nhập học lại, thí sinh phải làm đơn xin nhập học kèm theo quyết định bảo lưu và nộp cho Phòng Công tác chính trị - Quản lý sinh viên trước khi bắt đầu học kỳ mới ít nhất 1 tháng.

           Điều 11. Thông báo kế hoạch đào tạo

     11.1. Đầu khóa học, trường thông báo cho sinh viên những thông tin về:

- Chương trình đào tạo toàn khóa cho từng ngành học

- Quy chế học tập và các quy định của trường.

     11.2.  Đầu mỗi học kỳ, trường có trách nhiệm thông báo cho sinh viên về:

-  Danh mục các học phần và số lượng tín chỉ của mỗi học phần dự kiến giảng dạy trong học kỳ, điều kiện để đăng ký học các học phần đó.

-  Số lớp học dự kiến tổ chức cho mỗi học phần và thời khóa biểu của các lớp học đó.

      Điều 12. Đăng ký học tập

     12.1.  Đầu mỗi học kỳ, sinh viên phải tìm hiểu, nghiên cứu để nắm được chương trình đào tạo và đăng ký các học phần sẽ học trong học kỳ đó theo phiếu đăng ký của trường. Khối lượng học tập tối thiểu mà mỗi sinh viên phải đăng ký trong mỗi học kỳ (trừ học kỳ cuối) được quy định như sau:

- 14 tín chỉ đối với những sinh viên xếp hạng học lực bình thường;

- 10 tín chỉ đối với những sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu;

- Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với sinh viên ở học kỳ phụ (học kỳ hè);

- Sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu chỉ được đăng ký khối lượng học tập không quá 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ.

- Không hạn chế khối lượng tín chỉ đăng ký đối với những sinh viên xếp hạng học lực bình thường.

     12.2. Sinh viên phải đăng ký học lại các học phần bắt buộc có điểm thi kết thúc học phần dưới 5 ở các học kỳ trước. Đối với các học phần tự chọn có điểm dưới 5, sinh viên được phép đăng ký học lại học phần đó hoặc chọn học phần khác thay thế (trong số các học phần tự chọn của mỗi ngành đào tạo).

    12.3. Sinh viên phải đăng ký và nộp phiếu đăng ký học tập trong thời hạn qui định của trường.

Điều 13. Tổ chức lớp

13.1. Những sinh viên học cùng một học phần trong cùng một khoảng thời gian với cùng một giảng viên được tổ chức thành một lớp học phần. Mỗi lớp học phần được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường qui định.

13.2. Những sinh viên cùng khóa, được tổ chức thành những lớp khóa học. Lớp khóa học cũng được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường qui định.

           Điều 14. Cố vấn học tập – Giáo viên chủ nhiệm

14.1. Trường thành lập và chỉ đạo hoạt động của Ban cố vấn học tập. Cố vấn học tập có trách nhiệm giúp sinh viên hiểu rõ quy chế và những qui định của trường, hướng dẫn sinh viên lựa chọn chuyên ngành, định hướng nghề nghiệp.

            14.2. Giáo viện chủ nhiệm đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn cho sinh viên lập kế hoạch học tập, đăng ký môn học, rèn luyện nhân cách; tư vấn cho sinh viên trong việc ăn, ở, sinh hoạt và tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội.

            Giáo viên chủ nhiệm cho Trưởng khoa chỉ định và Hiệu trưởng ra quyết định bổ nhiệm. GVCN phải có trình độ từ thạc sỹ trở lên và có ít nhất 2 năm công tác tại khoa.

Điều 15.  Điều kiện để học đồng thời cùng lúc hai ngành

            15.1. Sinh viên được học đồng thời hai ngành nếu hội đủ những điều kiện sau:

-  Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất;

-  Sau khi đã kết thúc học kỳ 1 năm thứ nhất của chương trình thứ nhất.

-  Sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất.

      15.2.  Sinh viên đang học thêm chương trình thứ hai, nếu rơi vào diện bị xếp học lực yếu của chương trình thứ hai phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.

      15.3. Thời gian tối đa được phép học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất, quy định tại điều 7 (7.1) của Quy chế này. Khi học xong chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

 - Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

       15.4. Chế độ học bổng, học phí đối với sinh viên học cùng một lúc hai ngành, hai trường được thực hiện theo quyết định 44/2007/QĐ – BGDĐT ngày 15/08/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thông tư số 54/1998/TTLT ngày 31/8/1998 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT/BGD & DT-BTC-BLĐ-TB & XH ngày 25/8/1998 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Hiệu trưởng quy định số tín chỉ mà sinh viên phải tích luỹ được ở mỗi học kỳ và điểm trung bình chung học tập của học kỳ đó để xét học bổng cho sinh viên .

      Điều 16.  Sinh viên dự thính

Ngoài diện sinh viên chính thức (sinh viên trúng tuyển hệ chính quy), các cá nhân có đủ điều kiện về nhân thân và trình độ, có nhu cầu học một số môn học tại trường, đều được xem xét trở thành sinh viên dự thính. Sinh viên dự thính được cấp chứng chỉ môn học (nếu thực hiện đầy đủ các quy định về đào tạo) nhưng không được xét tốt nghiệp để nhận văn bằng.

      Điều 17. Điều kiện để chuyển trường

17.1.  Sinh viên được xét chuyển trường nếu có đủ các điều kiện sau:

   - Trong thời gian học tập nếu gia đình chuyển nơi cư trú hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần thiết phải chuyển đến trường gần nơi cư trú của gia đình để thuận lợi trong học tập.

   - Xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học.  

   -  Được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.

          17.2.  Sinh viên không được phép chuyển trường trong các trường hợp sau :

  - Đã tham dự kỳ thi tuyển sinh theo đề thi chung, nhưng không trúng tuyển vào trường hoặc có kết quả thi thấp hơn điểm trúng tuyển của trường xin chuyển đến.

  - Nằm ngoài vùng tuyển quy định của trường xin chuyển đến.

  - Là sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa.

  - Đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

  17.3. Sinh viên xin chuyển trường phải có hồ sơ xin chuyển trường theo mẫu qui định thống nhất (của Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

      Điều 18.  Tạm dừng học tập

18.1. Sinh viên được tạm dừng học tập nếu có lý do chính đáng. Muốn được chấp nhận tạm dừng học tập, sinh viên phải nộp đơn tại phòng Công tác chính trị - Quản lý sinh viên và phải có quyết định cho phép của Hiệu trưởng.

18.2. Thời gian tạm dừng học tập vẫn  tính vào thời gian cho phép kéo dài tối đa của khóa học, ngoại trừ thời gian sinh viên thi hành nghiã vụ quân sự.

18.3. Sinh viên nghỉ học tạm thời khi muốn trở lại học tiếp tại trường phải viết đơn gửi Hiệu trưởng ít nhất 1 tuần trước khi bắt đầu học kỳ mới.

Điều 19.  Cảnh cáo học vụ - Buộc thôi học

           

            19.1. Hằng năm, trường sẽ tiến hành xử lý học vụ sau học kỳ 1 và sau học kỳ hè. Sinh viên vi phạm một trong các quy định sẽ bị cảnh cáo học vụ:

            - Không hoàn thành nghĩa vụ học phí theo quy định của trường.

            - Không đạt số tín chỉ tối thiểu do trường quy định cho ngành đào tạo trong một học kỳ.

            - Có ĐTBHK trong học kỳ đầu dưới 3.0 hoặc ĐTBCTL của 2 học kỳ liên tiếp dưới 4.0.

            Thời hạn cảnh cáo học vụ kéo dài trong học kỳ chính tiếp theo. Sinh viên sẽ được xóa tên trong danh sách cảnh cáo học vụ trước thời hạn, nếu có kết quả học học tập ở cuối học kỳ kế không vi phạm Điều 19.2.

19.2.  Trường sẽ ra quyết định đình chỉ học tập và xóa tên khỏi danh sách sinh viên, nếu sinh viên vi phạm một trong những trường hợp sau:

 - Đã hết thời gian tối đa hoàn thành khóa học;

 - Đã tự ý bỏ học từ một học kỳ chính trở lên – có điểm trung bình học kỳ bằng 0 (không) ở một học kỳ chính;

- Sau thời hạn bị cảnh cáo học vụ vẫn vi phạm các quy định của Điều 19.1;

- Vi phạm quy chế học vụ và các quy định khác của trường đến mức buộc thôi học;

- Bị kỷ luật vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ;

- Một số trường hợp đặc biệt khác do Hiệu trưởng quy định cụ thể;

- Trường sẽ xóa tên khỏi danh sách sinh viên nếu sinh viên gửi đơn xin thôi học và được Trường ra quyết định cho phép nghỉ học;

 Khi sinh viên có quyết định đình chỉ học tập, trường thông báo trả sinh viên về địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú;

 Sinh viên thuộc diện bị đình chỉ học tập, nếu có nguyện vọng chuyển trường hay chuyển xuống các bậc đào tạo thấp hơn phải làm đơn để trường xét cụ thể từng trường hợp.

19.3.  Nhà trường có trách nhiệm thông báo về địa phương và gia đình sinh viên buộc thôi học biết chậm nhất một tháng sau khi có quyết định thôi học.

CHƯƠNG III

KIỂM TRA VÀ THI HỌC PHẦN

Điều 20. Điều kiện dự thi kết thúc học phần

Sinh viên được dự thi kết thúc học phần nếu hội đủ các điều kiện sau đây:

a.       Học phần lý thuyết:

-         Dự đủ giờ lên lớp theo yêu cầu  của giảng viên phụ trách học phần.

-    Dự đủ các đợt kiểm tra giữa học phần và các buổi thảo luận ở lớp.

b.      Học phần thực hành:

-         Dự đủ thời gian quy định cho học phần thực hành.

-         Nộp đầy đủ các bài kiểm tra sau mỗi bài thực tập.

Giảng viên phụ trách học phần là người quyết định danh sách sinh viên được dự thi kết thúc học phần. Sinh viên không đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần nào thì phải đăng ký học lại học phần đó ở học kỳ sau.

Điều 21.  Đánh giá kết quả học tập của học phần

21.1. Điểm cuối cùng để đánh giá một học phần được gọi là điểm học phần. Điểm học phần được đánh giá dựa trên kết quả học tập toàn diện của sinh viên trong suốt học phần đó.

Ngoài điểm thi kết thúc môn học, điểm học phần có thể bao gồm các loại điểm thành phần sau:

a.       Điểm kiểm tra giữa học kỳ.

b.      Điểm đánh giá năng lực hoặc nhận thức của sinh viên trong các buổi thảo luận.

c.      Điểm đánh giá kết quả thực hành hoặc bài tập.

d.      Điểm đánh giá mức độ chuyên cần của sinh viên trong quá trình học tập.

Mỗi loại điểm có trọng số riêng do giảng viên phụ trách học phần quy định. Điểm học phần sẽ là điểm trung bình tính theo hệ số của các điểm thi kết thúc học phần và điểm thành phần.

Đối với các học phần đã đăng ký và đã được chấp thuận, sinh viên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và nghiêm túc mọi yêu cầu của giảng viên về việc lên lớp, làm bài tập thực hành, thí nghiệm, tham gia thảo luận, dự kiểm tra giữa học phần và kết thúc học phần. Nếu không thực hiện phần việc nào, sinh viên sẽ nhận điểm không (0) cho điểm thành phần tương ứng.

21.2.  Học phần có điểm từ 5 trở lên được coi là học phần tích lũy, số tín chỉ của học phần này được tính là số tín chỉ tích lũy.

21.3.  Cách tính điểm cuối cùng của một học phần được quy định tại Điều 26 của quy chế này.

Điều 22. Tổ chức các kỳ thi kết thúc học phần

22.1. Trong mỗi học kỳ, trường chỉ tổ chức một kỳ thi chính ngay sau khi kết thúc học kỳ. Thời gian dành cho ôn thi mỗi học phần tỷ lệ thuận với số tín chỉ của học phần đó. Trưởng khoa và Trưởng phòng Đào tạo quy định thời gian ôn thi và thi. Không tổ chức thi ngoài các kỳ thi đã thông báo.

22.2. Không tổ chức thi lại cho những sinh viên đã dự thi không đạt yêu cầu hoặc vắng thi.

 Điều 23.  Điểm chưa / không hoàn tất học phần

23.1.  Vì những lý do chính đáng không thể dự thi, kiểm tra (ốm đau, tai nạn, chuyện cá nhân vv…), sinh viên sẽ được xem xét giải quyết cho nhận điểm I - điểm chưa hoàn tất học phần.

Trước khi kết thúc học phần, sinh viên phải nộp đơn trình bày rõ lý do không thể hoàn tất học phần cùng các giấy tờ xác nhận cần thiết cho giảng viên phụ trách học phần đó. Trường hợp đột xuất, sinh viên phải nộp cho Phòng Đào tạo trong vòng 3 ngày kể từ ngày thi.

23.2.  Giảng viên phụ trách học phần là người quyết định sinh viên có được điểm I hay không. Nếu không được chấp thuận, sinh viên sẽ bị điểm không (0) cho học phần đó.

23.3.  Nếu nhận điểm I, trong thời gian tối đa là 2 học kỳ tiếp theo sinh viên phải làm đơn đăng ký thi lại học phần đó. Sau khi thi, điểm I sẽ được đổi thành điểm mà sinh viên đạt được. Ngược lại, quá 2 học kỳ chính nếu sinh viên không đăng ký thi lại thì điểm I sẽ bị đổi thành điểm không (0).

Điều 24.  Điểm bảo lưu - Điểm tạm thời

24.1. Điểm bảo lưu là điểm mà sinh viên đã thi đạt yêu cầu một học phần ở một trường đại học công lập nào đó, trong thời gian không quá 5 năm và được Phòng Đào tạo chấp thuận. Số điểm học phần đó sẽ là điểm mà sinh viên đã thi đạt và kèm theo ký hiệu bảo lưu (BL).

24.2.  Điểm tạm thời là điểm mà sinh viên đã đạt được kết quả một học phần nào đó ở một trường khác mà điểm cụ thể chưa được xác định. Trong trường hợp đó, phòng Đào tạo sẽ quy định điểm tạm thời bằng ký hiệu (M) để phân biệt với loại điểm mà sinh viên tích lũy được bằng cách thi.

Nếu muốn nhận điểm cao hơn điểm bảo lưu, hoặc điểm tạm thời nói trên, sinh viên phải đăng ký thi học phần đó. Điểm BL và điểm M không tham gia tính vào điểm trung bình học kỳ nhưng tính vào điểm trung bình tích lũy.

Điều 25. Điểm trung bình học tập / Điểm trung bình tích lũy

25.1. Điểm trung bình học tập của mỗi học kỳ (gọi tắt là điểm học kỳ) hay điểm trung bình học tập của khóa học (gọi tắt là điểm khoá học ) là điểm tính theo kết quả thi của các học phần mà sinh viên đã đăng ký học tại trường (không tính điểm BL, điểm M).

25.2. Điểm trung bình tích lũy của mỗi học kỳ, khóa học là điểm tính theo kết quả thi của các học phần đạt từ 5 điểm trở lên mà sinh viên đã đăng ký học tại trường (kể cả các học phần bảo lưu).

Cách tính điểm trung bình chung và trung bình tích lũy được quy định tại Điều 26 của quy chế này.

25.3. Kết quả học tập của học kỳ hè (nếu có) được tính chung vào học kỳ liền trước đó.

25.4. Học phần có kết quả thi từ 5 điểm trở lên được bảo lưu. Khi sinh viên học thêm một ngành mới, điểm bảo lưu được tính vào điểm trung bình tích lũy của ngành học đó.

25.5. Không tính kết quả thi các học phần Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng vào điểm trung bình học tập hoặc điểm trung bình tích lũy. Việc đánh giá kết quả và điều kiện cấp chứng chỉ đối với học phần này theo quy định riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 26. Cách tính điểm trung bình. Xếp loại học tập

26.1. Điểm kiểm tra, điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm từ 0 đến 10 và làm tròn đến 0,5.

26.2.  Điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy được tính đến 2 chữ số thập phân.

26.3. Điểm trung bình học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy được tính theo thang điểm 10, được làm tròn đến 2 chữ số thập phân và được tính theo công thức sau:

x  n

A =           

                 

   

 

Trong đó:

A = là điểm TBHK hoặc ĐTBCTL

ai = là điểm của môn học thứ  i

ni = là số tín chỉ của môn học thứ i

n =  là tổng số môn học

ĐTBHK được dùng để xét học bổng, khen thưởng sau mỗi học kỳ, được tính theo kết quả điểm môn học ở lần thứ nhất.

ĐTBHK và ĐTBCTL được dùng để phân loại kết quả học tập, xử lý học vụ và xếp loại tốt nghiệp, được tính theo điểm môn học cao nhất trong các lần học.

Điểm X (miễn học – bảo lưu) và các điểm đặc biệt khác không được tính trong điểm trung bình học kỳ.

26.4. Xếp loại kết qủa học tập

a)  Loại đạt                                               Xếp loại

      Từ 9.0 đến 10                                    Xuất sắc                                 

      Từ 8,0 đến cận 9.0                            Giỏi                            

      Từ 7.0 đến cận 8.0                            Khá                

      Từ 6.0 đến cận 7.0                             Trung bình khá

      Từ 5.0 đến cận 6.0                             Trung bình

b)  Loại không đạt                                   Xếp loại

Từ 3.0 đến cận 5.0                             Yếu

Nhỏ hơn 3.0                                       Kém

Điều 27.  Kiểm tra, thi, chấm thi kết thúc học phần

27.1. Việc kiểm tra giữa học phần, kiểm tra thực tập do giảng viên phụ trách học phần đó chuẩn bị theo đúng chương trình đã công bố.

27.2.  Hình thức thi học phần có thể là thi viết, trắc nghiệm, vấn đáp (hoặc kết hợp giữa các hình thức trên) do trưởng khoa quyết định theo đề nghị của trưởng bộ môn hoặc trưởng môn học.

27.3. Quy trình chấm thi kết thúc học phần do Phòng Khảo thí và Đánh giá chất lượng  đào tạo trường tổ chức, thực hiện để bảo đảm tính công bằng, nghiêm túc.

27.4. Kết quả thi phải được công bố chậm nhất là 20 ngày sau mỗi kỳ thi.

Điều 28. Chấm phúc tra

Sinh viên có quyền đề nghị chấm phúc tra kết quả thi. Đơn xin phúc tra kết quả thi được gởi đến Phòng Đào tạo trong vòng 7 ngày kể từ ngày công bố kết quả. Tất cả các đề nghị chấm phúc tra đều phải đóng lệ phí do trường quy định.

Sau khi chấm phúc tra, nếu điểm được nâng lên cao hơn trước thì Trưởng khoa hoặc Trưởng phòng Đào tạo phải đề nghị một cán bộ thứ hai có cùng chuyên môn chấm lại. Kết quả cuối cùng phải do Trưởng khoa ký tên xác nhận mới được công bố.

Điều 29. Thi cải thiện điểm

Đối với học phần có kết quả đạt từ điểm 5.0 trở lên, trong vòng 2 học kỳ tiếp theo sinh viên muốn thi lại để cải thiện điểm phải làm đơn đăng ký thi cải thiện điểm, chấp nhận hủy kết quả cũ và nộp lệ phí theo quy định. Kết quả cao nhất trong các lần học sẽ được chọn để tính vào điểm trung bình chung tích lũy. Điểm thi cải thiện được ký hiệu (CT) để phân biệt với các loại điểm khác.

Điều 30. Xử lý kỷ luật đối với sinh viên vi phạm quy chế thi, kiểm tra.

30.1 Mức độ sai phạm và khung xử lý sai phạm đối với sinh viên và cán bộ trong khi thi, chấm thi được thực hiện theo quy định Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

30.2 Trong các đợt kiểm tra học kỳ, thi kết thúc học phần, thi cuối khóa, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, nếu vi phạm quy chế, sinh viên sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng bài kiểm tra, từng học phần đã vi phạm.

30.3 Sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm trở lên, đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

Điều 31. Cấp bảng điểm

Trong quá trình học tập, sinh viên có thể đề nghị cấp bảng điểm để biết được kết qủa học tập của mình. Phòng Đào tạo có trách nhiệm cấp đầy đủ bảng điểm theo yêu cầu và đúng thời gian quy định. Sinh viên phải làm đơn và nộp lệ phí để được cấp bảng điểm.

                                                         

  CHƯƠNG IV

XÉT VÀ CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Điều 32. Làm khóa luận tốt nghiệp.

32.1. Các sinh viên có kết quả học tập tốt (đạt mức quy định của trường) sẽ được đăng ký làm khoá luận tốt nghiệp vào đầu học kỳ cuối khoá. Khoá luận tốt nghiệp là học phần tương đương 10 tín chỉ.

32.2.  Hiệu trưởng quyết định danh sách giảng viên chấm khóa luận tốt nghiệp.

-  Việc chấm mỗi khóa luận tốt nghiệp phải do 2 giảng viên đảm nhiệm.

-  Điểm của khóa luận tốt nghiệp chấm theo thang điểm chữ được quy định tại Điều 26 của Quy chế này.

- Kết quả chấm khóa luận tốt nghiệp được công bố chậm nhất là 3 tuần kể từ ngày nộp khóa luận tốt nghiệp.

- Điểm khóa luận tốt nghiệp được tính vào điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học.

31.3. Sinh viên có khóa luận tốt nghiệp bị điểm dưới điểm 5 phải đăng ký làm lại khóa luận tốt nghiệp hoặc phải đăng ký học thêm một số học phần chuyên môn tương đương 10 tín chỉ để thay thế.

Điều 33. Điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp

33.1. Cuối mỗi khóa học, những sinh viên có đủ các điều kiện sau đây sẽ được xét và công nhận tốt nghiệp:

- Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên (tính đến thời điểm xét tốt nghiệp);

- Tích luỹ đủ số học phần quy định (140 tín chỉ);

- Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học phải đạt từ 5,0 trở lên.

- Có các chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất.

32.2. Sau mỗi học kỳ, căn cứ vào biên bản và đề nghị của Hội đồng xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp.

32.3. Hội đồng xét tốt nghiệp sẽ do Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng được Hiệu trưởng ủy quyền làm chủ tịch, Trưởng phòng Đào tạo làm Thư ký và các thành viên là Trưởng phòng Công tác chính trị – Quản lý sinh viên, Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng, Trưởng các Khoa/Bộ môn có liên quan.

Điều 34.  Cấp bằng tốt nghiệp. Xếp hạng tốt nghiệp.

34.1. Bằng tốt nghiệp đại học được cấp theo ngành đào tạo chính. Bảng điểm ghi thêm tên ngành (hướng chuyên sâu).

34.2. Hạng tốt nghiệp được xác định căn cứ vào ĐTBCTL của các môn học qui định cho ngành đào tạo. Cách phân loại được quy định tại khoản 4, Điều 27.

34.3. Đối với những sinh viên có kết quả học tập toàn khóa đạt xuất sắc, hạng tốt nghiệp sẽ bị giảm đi một bậc nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

- Có thời gian học tập vượt quá vượt quá một học kỳ so với thời gian thiết kế.

- Có khối lượng các học phần phải thi lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn khóa học.

- Đã bị kỷ luật trong thời gian học từ mức cảnh cáo cấp trường trở lên.

34.4.  Kết quả học tập của sinh viên được ghi vào bảng điểm theo từng học phần và trong từng học kỳ.

Điều 35.  Bảo lưu kết quả học tập

35.1.  Những sinh viên không đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp nhưng chưa hết thời gian tối đa cho phép học ở bậc đại học, được bảo lưu các học phần có kết quả từ điểm 5,0 trở lên. Trong thời gian tối đa được phép học quy định tại Điều 7 (7.1) của Quy chế này, sinh viên được trở về trường đăng ký học và thi lại cho những học phần bị điểm dưới 5,0.

35.2.  Sinh viên còn nợ chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, trong thời hạn 5 năm tính từ ngày phải ngừng học, được trở về trường học trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

35.3.  Những sinh viên đã hết thời gian tối đa được phép học nhưng không đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả học tập của các học phần đã tích lũy trong chương trình đào tạo của trường. Nếu có nguyện vọng, những sinh viên này sẽ được chuyển qua chương trình đào tạo vừa làm vừa học và được bảo lưu một phần kết quả học tập ở chương trình cũ. Hiệu trưởng xem xét quyết định cho bảo lưu kết qủa học tập đối với từng trường hợp cụ thể.

                                                             CHƯƠNG V  

                                           ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36Hiệu lực thi hành

  

Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ  này sẽ được áp dụng kể từ năm học 2008 – 2009

Mọi sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Quy chế đều phải thông qua Hội đồng khoa học và đào tạo trường.

Điều 37. Hướng dẫn thi hành

   Phòng Đào tạo, Phòng Công tác chính trị – Quản lý sinh viên, Ban Cố vấn học tập và Ban chủ nhiệm các Khoa/Bộ môn có nhiệm vụ triển khai và hướng dẫn chi tiết nội dung quy chế này đến toàn thể sinh viên chính quy trong trường.

                                                                                             HIỆU TRƯỞNG

Thông tin truy cập

64114934
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6880
29843
64114934

Thành viên trực tuyến

Đang có 469 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website