08112024Fri
Last updateTue, 05 Nov 2024 9pm

Về một người bạn đã đi xa

[Image]Cuối năm, mùa mưa đã hết, nhưng mấy buổi chiều liên tiếp, Sài Gòn lại mưa tầm tã như khóc bạn tôi, tiến sĩ Trần Thị Mỹ, vừa nằm xuống. Ngồi nhìn di ảnh Mỹ tươi cười, trẻ trung trên linh cữu, tôi thầm nói với bạn những điều chúng tôi đã nói với nhau nhiều lần và những điều chưa kịp nói…

 

Trong ngẫu nhiên của số phận, chúng tôi đã gặp nhau và có với  nhau một tình bạn từ thuở đôi mươi. 27 năm vèo qua như một cái chớp mắt. Lâu lâu có dịp gặp nhau, bạn bè khối Ngữ văn bổ túc chúng tôi ngồi chụm lại nói cười như trẻ thơ, hầu hết những mái đầu đã chớm bạc. Chỉ có Mỹ thì tóc dù đã rụng rồi  lại mọc, vẫn còn rất xanh cho đến phút cuối cùng, thế mà Mỹ lại là người ra đi sớm nhất.

Chúng tôi đã cùng trải qua thời sinh viên ở ngôi trường này. Lúc ấy khoá sinh viên ngữ văn bổ túc gồm có sáu lớp, hơn 300 người.  Nhờ những sinh hoạt đoàn thể, hội hè, văn nghệ, báo chí, đi lao động… mà chúng tôi gần nhau, và sau đó thân nhau hơn, khi có hai năm học cùng nhau ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi còn nhớ cái cảm giác hân hoan bồn chồn khó tả khi chúng tôi, đoàn sinh viên Văn khoa gồm cả Sử địa và Ngữ văn, 28 người, ngồi trên chuyến tàu xuyên Việt cuối năm 1977,  về thủ đô. Đêm ấy chúng tôi đọc thơ, chúng tôi hát vang, chúng tôi cười đùa và những người đồng hành cùng toa cũng chia sẻ niềm vui ấy. Trong các sinh viên nữ, Mỹ là một cây văn nghệ có hạng. Giọng hát Mỹ khoẻ và có chất dân ca, Mỹ múa điệu lăm vông của Lào cũng rất đẹp.

Đoàn sinh viên chúng tôi ở chung một tầng lầu trong khu lưu học sinh Trung Tự, tầng dưới là các bạn Lào và Kampuchia. Mỗi ngày chúng tôi đạp xe vào Mễ Trì học và ăn cơm ở nhà ăn Kim Liên. Cùng một phòng, chúng tôi ngủ giường tầng. Mỹ học rất cần cù, lại là người nữ duy nhất trong đoàn chọn ngành ngôn ngữ học. Đêm nào Mỹ cũng thức khuya, ngồi xếp chân trên giường cao bên cái đèn treo lủng lẳng, học bài, soạn bài. Là chị cả, tính lại hay lo hay nghĩ, Mỹ luôn nhớ về gia đình với những thắc thỏm băn khoăn. Mùa hè xứ Bắc nóng ghê người, những cái quạt kêu cót két suốt đêm, thế mà có đêm tôi nghe tiếng Mỹ mơ và khóc gọi ngoại, gọi mẹ. Bạn của tôi luôn có những nỗi buồn lo âm thầm, ngay từ những ngày thơ dại.

Mùa đông, chúng tôi co ro trong những tấm áo khoác, đạp xe qua một quãng đường trống đầy gió để vào trường. Chiều nào về ngang qua khu Cao-Xà- Lá cũng nghe mùi thuốc lá toả nồng trong hơi lạnh, chúng tôi nhìn nhau, hiểu rằng đứa nào bụng cũng cồn cào. Hai năm xa gia đình, học hành và sinh hoạt khá vất vả, nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp nhờ tình cảm bạn bè, nhờ sự quan tâm ưu ái của các thầy cô và tấm lòng thơm thảo của người Hà Nội. 

Những năm tháng vất vả đèn sách đã được đền bù. Mỹ về làm việc ngay ở ngôi trường mình gắn bó. Tôi nghĩ rằng bạn tôi sinh ra là để làm cô giáo, dù nhiều lần Mỹ than với tôi rằng dạy học mấy chục năm rồi, mà mỗi lần lên lớp đứng trước học trò Mỹ vẫn hồi hộp như xưa.

Thời gian và hoàn cảnh thường làm đổi thay con người. Mỹ là người dường như vượt ra ngoài quy luật thường tình ấy, cả về nhân dáng lẫn tâm hồn. Là thiếu nữ, rồi làm vợ, làm mẹ; là học trò, là cô giáo, là người quản lý, đã từng rời cái không gian quen thuộc của mình đến làm việc ở một đất nước xa lạ rồi trở về, đã phải trải qua nhiều ngày đớn đau tột cùng trên giường bệnh, vậy mà qua bao nhiêu cảnh ngộ, trong mắt tôi, Mỹ vẫn là Mỹ của ngày nào: nhân hậu, dịu dàng, duyên dáng. Trong  cái vẻ lặng thầm vốn có của một người phụ nữ giản dị như Mỹ, tôi nhận ra một sức sống khác thường. Trước những thử thách nghiệt ngã nhất của cuộc đời và số phận, bạn tôi đã cắn răng mà đón nhận, đã can đảm mà chống chọi, không hề than van oán trách, không hề chua chát đắng cay, vẫn luôn ân cần quan tâm tới mọi người, với một tấm lòng dung dị chân thành. Nhờ vậy, trong căn bệnh thập tử nhất sinh, bạn tôi đã nhiều lần vượt qua những cơn nguy kịch tưởng chừng không qua khỏi. Thế rồi bạn tôi lại lặng lẽ ra đi khi mọi người thấy hé lên một tia hy vọng và không thôi cầu mong cho Mỹ…

Buổi sáng định mệnh hôm ấy cũng như mọi ngày thôi, nhưng là một thứ bảy. Chúng tôi chạy xe đến nhà Mỹ. Trong nỗi đau chia lìa, tôi chợt thấy cảnh phố xá thiên hạ tấp nập trên đường phố trượt qua tôi như một màn phim phi lý, nhẫn tâm. Nhưng dường như lòng tôi bỗng nhiên dịu lại khi cả hai chúng tôi vào gặp Mỹ: bạn tôi nằm đó, mỏng manh và cô đơn hơn bao giờ hết, trong một giấc ngủ dài, giấc ngủ nghìn thu, khuôn mặt vẫn ngời một nhan sắc bất khuất, hiền hoà.

Thời sinh viên, bạn tôi đã làm xao lòng bao chàng trai. Giọng hát ấy, khuôn mặt ấy và sự dịu dàng ấy giờ đây lưu lại nơi Mỹ Linh, đứa con gái bé bỏng mới vừa 9 tuổi - nỗi khắc khoải, ưu tư đau đáu của Mỹ những ngày qua.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, dù ở nơi đâu, Sài Gòn, Hà Nội, , Nagoya( Nhật Bản)…, bạn tôi đều để lại những mối giao tình tốt đẹp. Tận tuỵ và khiêm nhường, cần cù và chu đáo, bạn tôi đã thu phục tình cảm của mọi người bằng sự chan hoà và những cố gắng trong công việc. Ngày tang lễ của Mỹ, căn nhà ngập tràn hoa, và bạn bè, người quen khắp nơi về viếng, ngậm ngùi, thương tiếc.

Nhưng trên hết, Mỹ đã có những ngày tháng đẹp trong hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều lúc không biết làm sao chia sẻ được với bạn nỗi khắc khoải bệnh tật và những ám ảnh một sự ra đi về phía hư vô, tôi đã nói với Mỹ: rồi đây, ai cũng đều trở về nơi ấy mà thôi, điều đáng nói hơn là chúng ta đã sống và đã được sống như thế nào.

Phải chăng Mỹ đã được đền bù, và sẽ còn được đền bù, dù vắn số?

Tôi đang hy vọng hay tự an ủi mình? Chỉ biết rằng, từ nay vĩnh viễn sân trường vắng Mỹ. Và tôi không còn một tâm hồn bạn. Chúng tôi  không còn gặp nhau mỗi sáng thứ hai ở Khoa Ngữ văn và Báo chí; không còn được rủ nhau ngồi quán Văn Khoa chuyện trò hay thỉnh thoảng gọi nhau qua điện thoại  i ới  cười đùa cho vơi bớt những nỗi lo thường nhật.

Những đoá hoa ngọc lan vẫn ngát hương trong sân trường Mỹ ơi, xin Mỹ hãy trở về trong làn hương ấy…

                                                                   1.2003

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} Nguyễn Hương Tâm tên thật là Nguyễn Thị Thanh Xuân, sinh năm 1955 tại Quảng Nam, học chuyên ngành Văn học, khoa Ngữ văn, khóa 1975 - 1977. Phó giáo sư, tiến sĩ Ngữ văn. Giảng dạy tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ từ năm 2000 đến nay.