28032024Thu
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Vị ân sư trong “cõi trăm năm mây nước”

Người thầy lớn của nhiều thế hệ sinh viên văn khoa (đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) năm nay đã hơn 80 tuổi. Thầy Nguyễn Khuê sinh ra ở làng Dương Nỗ, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Từ 8 tuổi, thầy đã được ông nội, vốn là nhà Nho, dạy về chữ Hán. Niềm say mê ấy đã dẫn dắt thầy đi đến nhiều phương trời của tri thức.

Năm 1959, thầy lấy bằng Tú tài và tiếp tục sự nghiệp của người trí thức ở đất Sài Gòn. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Việt Hán (1966), thầy được một trường đại học ở Đài Loan tặng học bổng Thạc sĩ về văn học Trung Quốc. Nhưng hoàn cảnh gia đình khi đó không cho phép thầy đi xa lâu ngày. Thầy tiếp tục học tại Sài Gòn và tốt nghiệp Thạc sĩ văn chương Việt Hán (1969), sau đó học tiếp Tiến sĩ chuyên khoa Hán văn.

Dù đã viết xong luận tiến sĩ nhưng sự kiện lịch sử năm 1975 của đất nước và những xáo động của thời cuộc làm thay đổi bước đường của thầy. Một lần nữa, thầy gác lại giấc mơ Tiến sĩ. Sự học, với thầy, chưa bao giờ chỉ là bằng cấp...

Từ trước năm 1969, thầy là giáo sư của các trường trung học Quốc gia Nghĩa tử, Trưng Vương… tại Sài Gòn. Ngôi trường Văn khoa Sài Gòn, nơi khởi nguồn và "khởi nghiệp" của những trí thức lẫy lừng đất Gia Định, cũng là nơi thầy làm giảng sư từ năm 1968 cho đến ngày giải phóng.

Sau 1975, thầy tiếp tục trụ lại ở Khoa Ngữ văn của Văn khoa cũ; rồi nhận trách nhiệm trưởng bộ môn Hán Nôm Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Thầy cũng là giảng sư quen thuộc ở những trường Cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo.

Nhiều thế hệ sinh viên ban ngày theo thầy học Hán Nôm, buổi tối lại tiếp tục làm học trò thầy trong những lớp tiếng Anh, tiếng Pháp. Thầy chính là người biên soạn bộ giáo trình Anh văn nổi tiếng "New English 900" được sử dụng như một giáo trình cơ bản tại các trung tâm ngoại ngữ lớn ở TP Hồ Chí Minh suốt hàng chục năm liền.

Nhà giản dị, quá nhỏ, chỉ hơn 20m2. Hồi mới dọn về, vợ chồng thầy chỉ mong có ngày chuyển đến một ngôi nhà mới rộng rãi hơn. Run rủi thế nào một "thầy địa lý" đã gặp, nói: "Ông sẽ ở trong ngôi nhà này mãi mãi". Thầy cười buồn buồn: "Quả thật, như định mệnh, gia đình tôi không thể đi đâu được nơi nào nữa. Ở đây mãi mãi".

Từ ngôi nhà ấy, nơi vợ thầy lâm cơn bạo bệnh và nằm yên suốt mấy mươi năm, nơi chính thầy cũng trải qua cơn thập tử nhất sinh, nơi chứng kiến bao thăng trầm đời người, thầy đã chấp bút nhiều tác phẩm quan trọng cho các thế hệ sinh viên, các nhà nghiên cứu Hán Nôm.

Thầy Nguyễn Khuê như người lĩnh sứ mệnh "chuyển di" và gầy dựng tri thức Hán học và Trung Quốc học qua những công trình rất có ích cho hậu sinh: "Nguyễn Trãi toàn tập tân biên", 3 tập (biên dịch chung); "Giảng giải văn phạm Hán văn"; "Sơ lược tiểu sử và ảnh tượng chư Tổ Thiên Thai tông" (biên dịch chung); "Phật học Trung đẳng", 2 tập...

Không mệt mỏi, thầy còn nhiều biên khảo có giá trị, gợi cảm hứng và trở thành sách công cụ không thể thiếu trong hành trang sinh viên văn khoa: "Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông"; "Nghị luận văn chương"; "Tự học Hán văn"; "Chân dung Hồ Biểu Chánh"; "Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa" (soạn chung); "Những vấn đề cơ bản của chữ Nôm"; "Từ điển Hán - Việt" (chủ biên); "Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập"; "Ba mươi năm cầm bút". Gần đây nhất là bộ "Khổng Tử: chân dung học thuyết và môn sinh", với phần cuối sách là trọn bộ luận ngữ được thầy dịch và chú giải cặn kẽ.

Trong các giờ giảng, thầy không dùng micro bao giờ. Dù giảng ở giảng đường, thầy vẫn giảng bằng giọng "chay", vang vang, khắc sâu, vô cùng lạ. Khoa thanh nhạc gọi đó là giọng "cộng minh" (một kĩ thuật khuếch đại âm thanh).

Giản dị, thầy hẳn không cố tìm lấy một kĩ thuật thanh nhạc nào cho điêu luyện, điều tôi cảm nhận là một sức sống lớn lao vô hạn trong bóng dáng dung dị của một người thầy, âm thanh phát ra khi giảng bài dường như chứa toàn bộ sức mạnh trí tuệ và tấm lòng "sư biểu". Sức sống ấy, sau này tôi mới được biết rõ…

Mỗi dịp đến thăm thầy, tôi và các đồng nghiệp của tôi đều không thể quên được hình ảnh một người phụ nữ nằm ngay sau phía dãy ghế phòng khách. Vợ của thầy sống đời sống thực vật đã hàng chục năm. Cô nằm thanh thản, vô thức, và luôn được chăm sóc đầy đặn, sạch sẽ.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự bi lụy hay than vãn trong lời nói của thầy. Chỉ có chúng tôi, lũ học trò có khi đi học muộn, còn thầy, luôn chuẩn xác. Thầy không trách, chỉ nhắc nhở chúng tôi nhẹ nhàng rằng, thầy còn phải chăm cho vợ từ A đến Z mà không đi muộn. Tôi nhớ mãi cụm từ "từ A đến Z". Đó là lời chia sẻ chân thành, quá sức đơn giản và đã cất đi niềm đau đớn.

Một người bạn đồng môn của tôi kể lại, hồi mẹ thầy mất, anh đến viếng. Kính thầy đã lớn tuổi, mà đây lại là thân mẫu thầy nên bạn tôi thắp hương xong thì có lạy dập đầu 3 lạy. Ngay sau đó, thầy đã gọi bạn tôi ra hỏi: "Bà cụ vẫn khỏe phải không em?". "Thưa thầy, mẹ em vẫn khỏe ạ". Thầy nhỏ nhẹ nói: "Vậy thì vào đám tang, em chỉ vái thôi, đừng lạy. Khi mình lạy thân mẫu người khác, nghĩa là mình lạy thân mẫu mình. Mẹ em còn, em đừng giữ lễ vậy, không đúng".

Dù thầy là bậc cha chú - mẹ của anh bạn tôi thậm chí còn ít tuổi hơn thầy - thầy vẫn coi thứ bậc, trật tự một cách rõ ràng: "Mẹ của thầy cũng là mẹ của em". Những câu chuyện như thế có lẽ làm người ta khó quên vô cùng.

Thời gian bắt đầu làm luận án về mỹ học thiền, tôi rất hoang mang. Chủ đề quá lớn, tôi không viết được. Tôi có tìm thầy bày tỏ sự lo lắng. Trưa nắng, thầy dắt tôi đi tìm sách chữ Hán nói về Mỹ học thiền và thơ thiền Trung Hoa. Nếu không có buổi trưa nắng ấy, có lẽ tôi không đủ can đảm bước vào lĩnh vực quá sức phức tạp như thế.

Tôi đã bắt đầu con đường đầu tiên của người nghiên cứu trẻ về thế giới văn chương Phật giáo sau buổi trưa đi theo thầy tìm sách. Sau này, khi được thầy nhận xét các bài nghiên cứu của tôi về Phật học, tôi còn nhớ, thầy thống kê bài của tôi có… 4 cách chú thích khác nhau.

Nghiêm khắc và khoan dung, thầy khiến tôi xấu hổ một cách phấn khởi. Từ đó đến giờ, tôi phải tự nhắc mình về yêu cầu chú thích. Chú thích trong nghiên cứu cũng là một tác phong, một phẩm chất, và một sự nhất quán tư duy không bao giờ thừa.

Đôi khi tôi vẫn nghĩ về một thứ năng lượng "cộng minh" trong tiếng giảng bài của thầy. Đó là sức sống của một bậc sư phạm "hối nhân bất quyện" (dạy người không mỏi). Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng sức lao động sáng tạo kì diệu vẫn giúp thầy nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy. Học trò của thầy qua nhiều thế hệ đã thành danh, thành Thạc sĩ và Tiến sĩ ở trong nước và cả ở Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Nhiều học trò lớp Hán Nôm năm xưa nay cũng đã thành giảng viên đại học.

Trong kí ức của thầy, gương mặt và tâm thế học tập Hán Nôm của những học trò "chân truyền" còn gắn với những năm tháng dịch và chú giải những tác phẩm Trung Quốc có giá trị về tư liệu như: Phiên dịch "Tam tự kinh" (bản chú giải của Ngô Mông); Phiên dịch "Trung dung" trong "Tân dịch tứ thư độc bản"; Phiên dịch và chú thích phần "Chu Dịch" trong "Thập tam kinh châm ngôn"; Phiên dịch và chú thích phần "Xuân thu tam truyện" trong "Thạp tam kinh châm ngôn"; Phiên dịch và chú thích "Thi phẩm" của Chung Vinh - Phiên dịch và chú thích "Đại học" trong "Tứ thư tập chú"…

Trong đó, tác phẩm phiên dịch, chú thích "Thi phẩm" (Chung Vinh) của học trò Vũ Xuân Bạch Dương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng giải II Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ năm 2011.

Mẫu mực trong cả ý chí và nỗi buồn, ngoài sứ mệnh một nhà sư phạm, thầy còn là một nhà thơ đôn hậu, tác giả của nhiều tập thơ: "Hương trời xa bay"; “Cõi trăm năm"; "Trăm năm là cuộc lãng du". Thơ của thầy không phải là tâm sự của một nghệ sĩ, cũng không chỉ là tâm sự của một nhà giáo. Đó là lời thơ của nỗi buồn đã được thu xếp vẹn toàn, của niềm đam mê đã tựu thành trong đời văn và đời giáo, của những giấc mơ bị gác lại một cách chân thành và kín đáo:

Trăm năm là cõi hợp tan

Chuyện đời dâu bể phiếm bàn mà chơi

Đành như lãng đãng mây trời

Vô tâm theo gió nổi trôi vô thường.

Thầy Nguyễn Khuê, với tôi, là vị ân sư trong cõi "trăm năm mây nước".

                               Tokyo, 11-2016

TS Lê Thị Thanh Tâm

http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Vi-an-su-trong-coi-tram-nam-may-nuoc-417350/