29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Thêm cơ hội tiếp xúc với văn xuôi của Nguyễn Trí

Đọc tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng, Nxb Trẻ 2015)

Mở đầu Thiên đường ảo vọng - cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Nguyễn Trí cho người đọc gặp ngay thế giới nhân vật trong Bụi vàng, đá quý, trầm hương - tập truyện ngắn của anh đã được tặng giải nhất văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Bắt đầu bằng Cường Linh - một trong “bộ tứ” nhân vật sẽ “ra trò” trong cuốn sách dày 259 trang. Nhưng tác giả lại không phác họa lý lịch của nhân vật này mà kể về mụ mẹ của anh ta, vì “gái nhờ đức cha còn trai nhờ mẹ”.

Mụ Linh ấy được kể vắn gọn như sau: Trong một lễ chào cờ của Trung đoàn 40, Sư 22 Bộ binh quân lực Sài Gòn, có sự hiện diện của Đại tá, Trung đoàn trưởng, mụ Linh dám sấn sổ leo lên tận cột cờ chửi chồng-một anh Trung sỹ quèn. Vì lý do gì không biết. Và không chỉ chửi, mụ còn cả gan tụt quân, phô “cái kia” ra trước ba quân. Vì sự phạm thượng ấy, chồng mụ bị chuyển xuống làm lính chiến. Ấn tượng chưa? Tác giả còn chấm phá thêm cho nhân vật mụ Linh của mình với những chứng cớ mang tính lịch sử cụ thể: “Tiền thân của Sư 22 là Sư khinh chiến 14 dưới trào ông Ngô Đình Diệm. Sư này chủ yếu là lính Ngự lâm của cựu hoàng Bảo Đại Ông hoàng đi đâu đó bên Pháp, rồi không về. Lính của ông phải làm bày tôi cho chí sĩ họ Ngô. Sư này tham gia bình định Kim Chung - Đại Thế giới của Bảy Viễn.Nữ lưu khu Bình Khang thoát khỏi địa ngục trần gian gặp mấy anh lính Cộng hòa liền bá vô để sửa túi nâng khăn”. Và mụ Linh là một trong gái làng chơi ấy. Chưa đủ. Khi lính Mỹ vào miền Nam, chồng ra trận, mụ Linh phiêu dạt lên phố chợ, kêu hùn hạp tiền bạc, tụ tập đám gái khu Bình Khang cũ, mở một Snach-bar phục vụ khách viễn chinh. Về mụ Linh vẫn chưa hết! Nhưng thôi, hãy ngó qua Cường Linh, cậu con trai của mụ. Một vợ ba con, Cường lên khu kinh tế mới. Trúng mánh, vì tình cờ đốn ngã một thân cây có trầm hương. Bị gạt, bán rẻ, tức khí thọc một nhát dao vào kẻ đã lừa mình. Ngồi “bóc lịch” 3 năm. Trở về tiền bán trầm mụ Linh đã tiêu hết. Vợ con thất tán. Buồn nản, nhậu nhẹt. Kết bạn với một kẻ tham gia tổ chức Bảo Long, Bảo Quốc gì đó. Liên lụy, ngồi tù thêm 3 năm nữa. Cuối cùng phải phiêu dạt lên rừng Miền Đông sinh nhai bằng nghề đào vàng...                         

Lan man, gặp đâu nói đó nhưng cũng có cảm giác tác giả dụng chạm tới ai, chợt nhớ tới loại người nào là dòng nham thạch ký ức tuôn chảy không sức nào cản nổi. “Chuyện gì ra đó rõ nét cái đi”- tác giả nói với người đọc mà cũng là nói với chính mình.

Bộ tứ tình cờ gặp nhau trong những cánh rừng miền Đông ngoài Cường Linh còn có Lâm, Điệp, Bình. Mỗi người một xuất xứ, một nguồn cơn, cũng có một điểm chung “đời đen như mõm chó mực”. Hết đường sống, hết kế sinh nhai, họ kéo nhau lên một vùng rừng có tên là Suối Bến Tỷ. Nếu trích đoạn lý lịch của Cường Linh là thủ pháp miêu tả thì việc phác họa chân dung của những Lâm, Điệp, Bình phảng phất kiểu tụ họp của các hảo hớn Lương Sơn Bạc trong tiểu thuyết Tàu “Thủy hử”. Tình cờ gặp nhau trên một chuyến xe đò. Rồi chính cách tỏ thái đô, cách ứng phó với những thủ đoạn chẹt khách của bọn chủ xe, lơ xe, của lũ du thủ du thực nơi đầu bờ cuối bãi dần dà giúp các nhân vật nhận ra nhau, cũng là lúc người đọc nhận ra nhân vật.

Màn “tiền genérique” của những Cường Linh, Lâm, Điệp, Bình như vậy. Đương nhiên khi bắt tay vào việc đào vàng ở Suối Bến Tỷ người đọc sẽ được nhìn những cận, trung, toàn, hàng động, tâm lý và cả triết lý sống của họ đầy đủ hơn. Có một nhận xét như thế này: Mẫu nhân vật “dưới đáy” như thế, xa xưa lắm chúng ta bắt gặp trong “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, hoặc “Số đỏ “của Vũ Trọng Phụng... Từ khi nhân vật văn học phải gượng gạo nhận trọng trách “làm chủ số phận mình, làm chủ của xã hội” tuyệt nhiên không thấy nhân vật loại này. Dù trong cuộc đời thật lớp người “dưới đáy” ấy cứ vững bền hiện hữu. Bước sang Thời kỳ Văn chương Đổi Mới, họ còn chưa xuất hiện hoặc xuất hiện một cách nhạt nhòa. Có nên ghi công đầu cho Nguyễn Trí không, khi với Bụi vàng, đá quý, trầm hương và bây giờ là Thiên đường ảo vọng nhà văn đã làm cho họ sống dậy, nhi nhúc, chen chúc, đâm chém, giành giật nhau… với mọi vui buồn, mọi âu lo, vật lộn kiếm sống như một thực thể văn chương không thể phủ nhận nổi.

Nhà văn không biện minh cho tội lỗi trong quá khứ các nhân vật của mình một cách gượng gạo, sống sít. Nhưng qua từng dòng, từng trang, vẫn là cách kể chuyện, dựng chuyện sao cho thật cuốn hút, thật sống động, người đọc bỗng nhận ra ở một khoảng thời gian nào đó, rất xa, những Cường-Linh, Lâm, Điệp, Bình (Và còn rất nhiều tên tuổi khác trong Thiên đường ảo vọng, trong Bụi vàng, đá quý, trầm hương) cũng đã từng sống hiền lành, thiện lương như mọi chúng ta. Rồi do một cơ sự, một hoàn cảnh, một phút giây nông nổi, lầm lạc nào đó khiến tai họa bỗng úp xuống đầu họ. Từ đây, họ nhanh chóng bị gạt ra bên lề xã hội. Tìm đến những nơi ma thiêng nước độc để tìm trầm hương, tìm đá quý, tìm vàng- đó là cung cách, phương tiện sống “không thể đừng” của họ. Bản thân số phận cũng đã đun đẩy chính Nguyễn Trí vào hoàn cảnh ấy. Và như có phép màu, từ hiện thực ghê gớm, khốc liệt, dữ dằn kia nhà văn đã đóng góp cho văn chương hôm nay những mẫu nhân vật – có thể khẳng định rằng, chưa có nhà văn nào gột dựng nên

Bỏ công là người “dấn thân” trong môi trường sống có một không hai đó, tưởng đâu như trong truyện, trong tiểu thuyết của mình Nguyễn Trí chỉ bán dầu thô, vàng nguyên cũng đã quý lắm rồi. Ấy vậy mà ngòi viết của Nguyễn Trí rất điêu luyện, rất tinh lọc, biết kiềm nén để không sa đà, lại chan chứa chất tự sự trữ tình khi phải đụng chạm tới những góc khuất lâm ly, thống thiết của nhân vật. Giọng văn, cách hành văn của anh là cách nói tưng tửng, in đậm đấu ấn Nam Bộ, văn nói và văn viết đan quyện, hòa hợp với nhau rất nhuần nhuyễn, hữu cơ. Này đây: Chao ôi cái thuở ấy. Thuở mà xăng dầu quý như máu, xe đạp còn mang biển số. Ai có đài đeo bên hông, đồng hồ đeo trên tay, xe đạp Phượng Hoàng lướt trên phố là số một. Này đây: Và trần gian này có rất nhiều loại người. Cái thứ mà ngay cả ngày mai còn chả màng nói gì đến mốt bữa kia dạng nầy  cũng tương đối đặc biệt của đời sống. Này đây: Và rừng muôn đời là nơi mà khó nghèo nương vô để sống. Chỉ sống thôi nghe, còn muốn giàu thì xin thưa, ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Này đây: Anh sẽ ôm đàn, hay nghe, mười thằng phu bãi đã hết bảy thằng biết chơi guitar và hát lá cải. Anh sẽ đàn và nàng hát. Mưa ta hát về mưa… Mưa rừng ơi mưa rừng, giọt mưa nhớ ai mưa triền miên... mưa nhớ ai còn có ai nhớ ta không? Than ôi đời phu bãi…

 Vào đến nửa cuốn tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng người đọc như tức thở ngạt hơi vì các loại người hỗn tạp trong bãi vàng; vì cung cách và thủ đoạn giành giật, lấn chiếm của nhau những sườn đồi, ngọn suối hứa hẹn sẽ có vàng, vì những mưu toan và khao khát; vì nỗi nhọc mệt, hiểm nguy của một công việc sinh ra tiền khá chóng vánh; vì thú ăn chơi sa đọa để quên đi nỗi cơ cực, để như phục hồi lại sức lực cho hôm sau, hôm sau nữa… Và người đọc cũng thấp thỏm âu lo: Có gì mới hơn, lạ hơn những truyện ngắn xuất sắc trong Bụi vàng, đá quý, trầm hương?

 Một phần ba về cuối của cuốn tiểu thuyết khi khu đào vàng Suối Bến tỷ bị “sập tiệm” bỗng như phá tan niềm hoài nghi kia, mang lại tác động xúc cảm mới cho người đọc. Trong cơn khốn cùng chung ập đến Lâm kiên trì khuyên Cường Linh, Tùng Hí hãy ra đầu thú để được nhân sự khoan hồng. Ngọc Sún vẫn không thể nào dứt ra nổi nỗi ám ảnh của mối tình đầu với Cô Răng khểnh. Đại Thủy ráng sức cứu Lâm… Kết thúc tù tội, thanh toán xong oan khiên, thù hận, nhiều nhân vật trong cuốn sách trở về với nghề trồng điều chính trên khu vực Suối Bến Tỷ. Cái kết thúc này có Happy End không đấy? Ngưới đọc chúng ta mau mắn chấp nhận cái kết ấy; các nhân vật của tiểu thuyết, sau cuộc vật lộn mưu sinh trong nghề tìm vàng, tựa như cũng đã có tuổi, sức cũng cạn, chí cũng mòn thì cái nghề trồng điều kia là hợp với sức, với tạng của họ.

Ấy vậy vẫn dễ dàng nhận ra giao điểm giữa Thiên đường ảo vọng với Bụi vàng, đá quý, trầm hương. Qua cái vẻ hung dữ, cộc cằn, bặm trợn của các nhân vật, nhà văn Nguyễn Trí luôn biết làm phát lộ ra chất người, tình người, cái bản năng hướng thiện có từ thuở cha sinh mẹ đẻ của lớp người “ dưới đáy” này! 

 Không bới móc, hằn học quá vãng. Cũng không đổ riệt mọi tai ương, mọi tội vạ cho cái cơ chế bao cấp một thời. Tước bỏ đi cái dữ dằn, hung tợn, lật lọng, tráo trở mang chất lưu manh, côn đồ của những Cường, Lâm, Bình, Điệp… Hãy nhìn họ một cách cảm thông, độ lượng hơn. Và Thiên đường ảo vọng bỗng hé lộ ra một vỉa vàng mới: Chuyện của từng ấy trang sách sao không thể coi là một bản trường ca của khát vọng tồn tại, khát vọng ngoi lên trên mặt nước váng tù đời sống của những con người khốn khổ khi bị dồn đến bước đường cùng. Nghề đào vàng hiển nhiên là phạm luật pháp của nhà nước. Nhưng cái tiết tấu sôi sục, cuộn réo, cái thứ công việc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, bất kể ngày đêm, mưa nắng, đói khát, tật bệnh được miêu tả kỹ càng, chính xác, đầy sức thuyết phục trong Thiên đường ảo vọng - về một phương diện nào đó, sao không thể xem như một bản tráng ca của sức lao động trong cuộc quyết đấu để sinh tồn của những con người tội nghiệp? 

Giới phê bình văn chương chúng ta lâu nay xem ra dè đặt, đắn đo, suy nghĩ quá kỹ khi chấm điểm son cho các tác phẩm văn chương. Chưa thấy một ai, một lần lên tiếng khẳng định truyện, tiểu thuyết, tản văn, thơ của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một thành tựu sáng chói, độc nhất vô nhị trên chiếu chơi, ít nhất là của văn học Nam Bộ?

 Hai, ba năm trở lại đây, vừa bước vào ngồi xuống chiếu ấy, có thể là Nguyễn Trí nữa chăng?  

Tháng Bảy năm 2015