04112024Mon
Last updateTue, 29 Oct 2024 1pm

Văn học đô thị: khái niệm và đặc điểm

“Văn học đô thị” (hay văn học thành thị) là một cụm từ khá quen thuộc trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học sử. Bài viết khảo sát khái niệm “văn học đô thị” với nhiều nghĩa khác nhau: được xem như hiện tượng đối lập với các hiện tượng văn học như văn học cung đình thời hậu kỳ trung đại Đông Á, văn học nông thôn thời kỳ hiện đại; hoặc mang nghĩa văn học đường phố ở các nước Âu-Mỹ, văn học Sài Gòn giai đoạn 1955-1975. Từ đó cho thấy, văn học đô thị dù đã được thuật ngữ hoá hay chưa và có nhiều khác biệt ở từng khu vực, nhìn chung đều chịu chi phối bởi quy luật cung cầu, cũng là một trong những quy luật chi phối sự hình thành và phát triển của đô thị.

Từ khóa: văn học đô thị, văn học thị dân, xã hội học văn học…

 “Văn học đô thị” (hay văn học thành thị) là một cụm từ khá quen thuộc trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học sử. Nhưng có hay không một khái niệm “văn học đô thị” với đối tượng nghiên cứu thống nhất và phương pháp sáng tác đặc thù? Có phải mọi sáng tác ra đời ở đô thị, trong bối cảnh văn hoá đô thị và viết về đô thị đều được gọi là văn học đô thị hay không? Bài viết này thử tìm hiểu về khái niệm “văn học đô thị” ở một số khu vực và giai đoạn văn học khác nhau, trong đó có Việt Nam, để tìm ra những đặc trưng chung.

1. Văn học đô thị trong ý nghĩa đối lập với văn học cung đình thời hậu kỳ trung đại Đông Á

Trong nghiên cứu văn học các nước thuộc khu vực văn hoá chữ Hán (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam), các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý đến sự ra đời của các thành thị và văn hoá thị dân vào giai đoạn hậu kỳ trung đại, kéo theo sự ra đời của dòng văn học thị dân đối lập với văn học cung đình vốn được xem là chính thống.

Hậu kỳ trung đại của Trung Quốc được xem là bắt đầu từ đời nhà Đường, thế kỷ thứ 6 (hậu kỳ trung đại lần thứ nhất)(1). Kinh đô Trường An là thành thị lớn nhất phương Đông thời đó, với tầng lớp thương nhân đông đảo, trao đổi hàng hoá trên toàn bộ khu vực châu Á dọc theo con đường tơ lụa nổi tiếng. Kinh tế thị dân ra đời và phát triển kéo dài suốt hơn một thiên niên kỷ, qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhưng thường xuyên bị kìm hãm trong tư tưởng Nho giáo nên không phát triển đến cực điểm để đưa đất nước Trung Quốc đến thời kỳ phục hưng rực rỡ như ở châu Âu. Vào đời Nguyên, Trung Quốc bị thống trị bởi người Mông Cổ. Do đặc điểm là dân du mục nên họ không coi trọng nông nghiệp, thế nên những quan niệm “trọng nông ức thương”, “sùng nghĩa truất lợi” hoàn toàn không tồn tại dưới triều Nguyên. Đại Đô là thủ đô bấy giờ không những là một trung tâm chính trị mà còn là một trung tâm kinh tế nổi tiếng, được Marco Polo miêu tả khen ngợi trong cuốn “du ký” của mình.

Hậu kỳ trung đại Nhật Bản được đánh dấu rõ ràng nhất là từ thời Edo (thế kỷ 17) với sự du nhập của văn minh phương Tây. Ngành nghiên cứu về phương Tây cũng theo đó mà ra đời, được người nước này gọi là “Lan học”, vì những người phương Tây đến xứ sở này trong thời điểm đó là người Hà Lan. Văn hoá thị dân hay còn gọi là đinh nhân văn hoá (chonin bunka) là điểm đặc sắc nhất của thời Edo. Các đô thị lớn bấy giờ có Osaka, Kyoto, Nagasaki, và nhất là Edo. Edo có hơn 2 triệu dân, tương đương với dân số thành phố Luân Đôn đương thời, cho thấy mức độ tập trung đô thị rất cao của Nhật Bản.

Ở Triều Tiên, tầng lớp “lưỡng ban” với sĩ đại phu và các võ quan cao cấp dần lui vào hậu trường lịch sử, nhường chỗ cho giai tầng “sĩ lâm”, chủ yếu là những nho sĩ cấp trung và cấp thấp, đóng vai chính trên sân khấu chính trị và văn hoá Triều Tiên hậu kỳ trung đại. Tầng lớp “công nhân”, những người thu mua hàng hoá của các địa phương để cung cấp cho triều đình dần phát triển thành những thương nhân chuyên doanh từng loại mặt hàng, và họ trở nên rất giàu có. Các hoạt động kinh doanh của thương nhân buôn bán gạo, muối, cá, tơ lụa, vải bông, nhân sâm… diễn ra náo nhiệt ở các thành thị như Seoul, Kaesong… Theo chân các đoàn buôn, văn hoá đô thị Trung Quốc thời Minh-Thanh cũng truyền vào Triều Tiên.

Ở Việt Nam, hậu kỳ trung đại có thể kể chính thức từ đầu thế kỷ 18 với sự khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến và sự phát triển nhanh chóng của các đô thị Thăng Long (còn được gọi là Kẻ Chợ, thể hiện rõ tính chất cung đình-đô thị của vùng đất này), Phố Hiến, Nghệ An, Hội An, Gia Định, Hà Tiên… Từ các đô thị này, tầng lớp thị dân và nhà nho tài tử hình thành ngày một đông đảo. Bên cạnh đó, văn hoá thị dân từ Trung Quốc theo các thuyền buôn và các đoàn đi sứ đã đẩy nhanh sự hình thành văn hoá thị dân ở Việt Nam.

Tư tưởng thống trị chung ở các nước khu vực văn hoá chữ Hán trong suốt thời trung đại là Nho giáo, mặc dù cũng có những giai đoạn cởi mở cho tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo cùng tồn tại. Nhà cầm quyền của các quốc gia khu vực này sử dụng Nho giáo như một công cụ bồi đắp tư tưởng và củng cố quyền lực, làm sản sinh ra một nền văn học giàu tính đạo đức, tư tưởng, và lý tưởng. Nền văn học này được xem là văn học cung đình, vì nó gắn liền với vua chúa, quan lại và các trí thức phong kiến, cổ vũ và thể hiện lý tưởng của họ. Khi kinh tế thị dân phát triển, quyền lực san sẻ bớt từ cung đình ra chợ búa, từ quan lại sang nhà buôn. Những người này lại không quan tâm đến lý tưởng đạo đức của các nhà nho, mà tìm đến văn học với mục đích giải trí. Dòng văn học mới này được gọi bằng nhiều cái tên như “văn học bình dân”, “văn học đại chúng”, “văn học thông tục”, hay “văn chương phù thế”, mỗi tên gọi đều chứa đựng những nội hàm khác nhau. “Văn học bình dân” mang nghĩa đối lập với “văn học quý tộc”, là một cách gọi có phần hơi hạ thấp khi đặt hai đối tượng ở hai thái cực dân dã và cao sang. “Văn học đại chúng” nhằm chỉ vào đối tượng độc giả rộng rãi của nó. “Văn học thông tục” nhấn mạnh nội dung phản ánh những sự việc của cuộc sống thường nhật, những tâm sự cá nhân, khác với những điều cao cả mà văn học trước đây vẫn thường đề cập. “Văn chương phù thế” (ukiyo) là cách gọi của riêng người Nhật về dòng văn học này, là một khái niệm mang sắc màu Phật giáo để nói về cuộc sống thế gian nổi trôi, khuyến khích con người đam mê và tận hưởng. Cho nên, “nói chuyện ukiyo” là nói chơi, “cơn điên ukiyo” là ăn chơi quá độ, “bài ca ukiyo” là bài ca của những nàng du nữ.

Đời Đường, bên cạnh nền thi ca rực rỡ, bắt đầu xuất hiện truyện truyền kỳ. Chẩm trung ký của Thẩm Ký Tế, Nam Kha thái thú truyện của Lý Công Tá viết về sự phù du của vinh hoa. Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn khắc hoạ tình yêu đôi lứa. Truyện truyền kỳ đã đặt viên gạch nền cho sự phát triển rực rỡ của tiểu thuyết thế sự vào các triều đại sau, mà đỉnh cao là Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần đời Thanh. Tiểu thuyết chí nhân chí quái như Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh cũng chỉ mượn thần ma mà nói về nhân tình thế thái. Sân khấu cũng khắc hoạ chi tiết và cảm động hơn những câu chuyện tình yêu chống lại lễ giáo phong kiến và mang màu sắc dục như Tây Sương ký của Vương Thực Phủ và Mẫu Đơn đình của Thang Hiển Tổ.

Nhật Bản thời Edo chứng kiến sự nổi dậy mạnh mẽ của nghệ thuật và văn chương phù thế. Tranh phù thế hội là loại tranh khắc gỗ nổi tiếng, thể hiện các mỹ nữ làng chơi, các diễn viên ca kịch kabuki, thiên nhiên và các cảnh sinh hoạt, thậm chí cả cá bồ tát và thiền sư đang cầm thư tình hoặc được người đẹp vuốt ve. Sắc dục và tiền bạc chi phối cả thời đại và kẻ nào tinh thông chúng hơn cả thì được gọi là “tsujin” (thông nhân). Tiểu thuyết vật ngữ viết về đời sống thị dân rất được ưa chuộng. Tác gia tiêu biểu nhất là Ihara Saikaku, tác giả của một loạt tiểu thuyết phù thế đa tình: Hiếu sắc nhất đại Nam, Hiếu sắc ngũ nhân nữ, Hiếu sắc nhất đại nữ… Tác phẩm Vũ nguyệt vật ngữ của Ueda Akinari đưa thể loại truyền kỳ Nhật Bản lên đến đỉnh cao.  Bên cạnh đó còn có Santo Kyoden đứng đầu loại tiểu thuyết thông tục “sái lạc bản” và Jippen Shaikki đứng đầu loại tiểu thuyết khôi hài “hoạt kê bản” (kokebon). Tiểu thuyết tiêu khiển (gesaku) ra đời từ những ảnh hưởng của phương Tây sau cải cách Minh Trị. Tính tiêu khiển, bỡn cợt không nằm ở nội dung thể loại mà nằm ở thái độ của tác giả trước sự việc. Nhiều tác giả gesaku thuộc tầng lớp võ sĩ quý tộc khi sáng tác đã khẳng định ngay trên văn bản tác phẩm rằng mình chỉ viết ra để đùa bỡn, không phải vì lý do nghiêm túc. Nhà nghiên cứu người Nhật Masao Miyoshi còn cho rằng gesaku, vốn bị xem là văn học đồi truỵ, chính là biểu tượng của sự phản kháng lại những truyền thống và quy định cứng nhắc xưa cũ, cho dù ảnh hưởng của nó không sâu rộng lắm(2).

Văn học đô thị Triều Tiên hậu kỳ trung đại diễn ra khá sôi nổi. Các thể thơ thời điệu (sijo) và ca từ (kasa) thay đổi theo hướng tăng cường tính hiện thực, thể hiện những rung cảm chân thực trong lòng người, nhất là về tình yêu và những khát khao tính dục. Các nhà thơ tiêu biểu là Kim Chon Take, Kim Su Jang và cả một số xuất thân từ ca kỹ. Tiểu thuyết chữ Hán thời này chĩa mũi nhọn vào tầng lớp “lưỡng ban” ăn bám. Tiểu thuyết bằng chữ Hangul nở rộ những thành tựu, nhưng nổi tiếng nhất là Xuân hương truyện viết về chuyện tình của một người kỹ nữ, được người thời nay xem là bảo vật của văn học Hàn Quốc. Góp mặt trong văn học đô thị Triều Tiên là sự lên ngôi của thể loại văn học diễn xướng có tính chất đại chúng rõ nét là thể ca truyện (pansori), một loại truyện kể xen kẽ với thơ ca, được ngâm kể theo điệu bộ.

Văn học đô thị ở Việt Nam đánh dấu với sự nở rộ của các tác phẩm viết bằng chữ Nôm đạt giá trị nghệ thuật cao, kể lại những câu chuyện đời thường, giãi bày tâm sự cá nhân và thậm chí đi ngược lại những chuẩn mực của đạo đức phong kiến. Các truyện thơ Nôm bác học chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học đô thị Trung Quốc: Truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, Sơ kính tân trang của Phạm Thái, Ngọc Kiều Lê của Lý Văn Phức, Truyện Tây Sương của Nguyễn Lê Quang và nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bên cạnh đó là các truyện thơ Nôm bình dân, thường là của các tác giả khuyết danh: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Trinh thử… Thơ Đường luật bằng tiếng Việt phát triển lên đến đỉnh cao với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… viết về cảm xúc và khát vọng của người phụ nữ về tình yêu và hạnh phúc, có phần mang màu sắc dục, về sự nhốn nháo của cuộc đời, sự phù du của công danh… Hậu kỳ trung đại chứng kiến sự lên ngôi của một thể thơ mới gắn liền với sinh hoạt đô thị: hát nói, với các nhà thơ tài tử: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh… Triều đình phong kiến Việt Nam đã từng ra sức ngăn chặn sự phát triển của dòng văn học thành thị này. Lịch triều tạp kỷ ghi chép năm 1718: “Phủ liêu vâng mệnh truyền cho quan dân cả nước: phàm các sách vở gì có quan hệ đến việc giáo hoá ở đời thì mới nên khắc in và lưu hành. Gần đây, những kẻ hiếu sự lặt lượm càn bậy những truyện tạp nhạp và lời quê kệch bằng quốc âm, không phân biệt nên hay chăng, cứ khắc vào ván gỗ, in ra để buôn bán. Việc đó đáng nên cấm chấp. Từ nay về sau, hễ nhà nào có chứa chấp các ván in sách và sách in nói trên thì cho phép viên quan đi ốp làm việc ấy được lục soát, tịch thu rồi tiêu huỷ hết cả.”(3)

Như vậy, khái niệm văn học đô thị ở đây là sự đối lập với văn học cung đình khuôn phép, lý trí và đầy đạo đức. Nó hướng vào những cảm xúc riêng tư, những nhu cầu trần thế, và khát vọng khẳng định cái tôi cá nhân trong một xã hội coi trọng tập thể. Đô thị giải phóng cho văn học khỏi cái rọ đạo đức, mang đến cho văn học đặc tính giải trí, cũng là một trong những đặc tính chung của nghệ thuật muôn đời.

2. Văn học đô thị trong ý nghĩa đối lập với văn học nông thôn thời kỳ hiện đại

Văn học đô thị đối lập với văn học nông thôn được xác định dựa trên căn cứ định nghĩa đô thị và nông thôn về mặt xã hội học. Đô thị và nông thôn phân biệt với nhau dựa trên các hoạt động sống của xã hội như công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, vận tải, dịch vụ… hoặc dựa trên các thiết chế chủ yếu của xã hội như thiết chế kinh tế, văn hoá, giáo dục, chính trị, gia đình… hoặc theo các nhóm, các giai tầng xã hội. Về mặt xã hội, đó là sự khác biệt trong lối sống, giao tiếp, ứng xử gia đình, mật độ dân số, vai trò của thiên nhiên trong đời sống…

Xét theo nghĩa này, văn học đô thị được định nghĩa từ đối tượng phản ánh của nó, tức là đời sống đô thị trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, với những xô bồ, chật chội, phiền muộn, trống rỗng và cả những niềm vui ngắn ngủi. Nó phản ánh lối sống và cách tư duy của con người đô thị trong sự đối lập với cách nghĩ, cách cảm của người nông thôn.

Khác với văn minh phương Tây đi lên từ các đô thị thành bang cổ đại, văn học Việt Nam nói riêng và vùng Đông Á nói chung là nền văn học hướng về nông thôn, sinh ra từ văn hoá nông nghiệp và chịu sự chi phối của nền văn hoá này. Dấu ấn rõ nhất của tính chất nông thôn trong văn học là sự xuất hiện của thiên nhiên, điều mà văn học đô thị luôn khát khao tìm kiếm. Từ tư tưởng Lão-Trang, người phương Đông đã học cách tôn thờ thiên nhiên và luôn dành cho thiên nhiên một vị trí cao trong sáng tác văn học. Họ làm thơ và thưởng thức thơ khi sống gần gũi với với trăng sao và cỏ cây hoa lá. Trong thơ Đường còn có cả trường phái sơn thuỷ điền viên chuyên ca ngợi cảnh sắc tự nhiên và sự an nhàn, không bon chen nơi chợ búa hay chốn quan trường. Các nhà nho phương Đông sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đời hoặc gặp cảnh bất mãn thời thế vẫn luôn chọn vườn tược nông thôn làm nơi trú ngụ. Ngay cả khi thời trung đại đã lùi xa, văn chương Đông Á vẫn chưa thoát khỏi cái bóng quá lớn của nông thôn, mặc dù cũng có lúc người ta đã nhận ra những trì trệ, cổ hủ của nông thôn và muốn thoát ra khỏi nó. Nông thôn đối với người phương Đông là nơi vừa chứa đựng niềm kiêu hãnh hàng thế kỷ của cha ông, vừa mang trong nó sức nặng lạc hậu của quá khứ. Ngay cả khi vấp phải những sai lầm như Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, người ta vẫn tìm về nông thôn, viết “văn học hương thổ” hay “văn học tầm căn” với những đại diện như Phùng Ký Tài, Trương Thừa Chí, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao… Khái niệm “văn học hương thổ” (xiangtu wenxue 鄉土文學) được sử dụng từ thập niên 1920 ở nhiều nước Đông Á với sự khơi mào của Lỗ Tấn, người đã viết những tác phẩm kiệt xuất về nông thôn Trung Quốc. Tiêu biểu của dòng văn học này đầu thế kỷ 20 có Thẩm Tùng Văn, Triệu Thụ Lý… Văn học hương thổ một mặt viết về nông thôn với những bức bách, nặng nề của nó như lực cản của sự tiến bộ, một mặt lại xem nó như cội nguồn của văn hoá, của ước mơ và hy vọng, thậm chí của sự cứu rỗi.

Bên cạnh ý nghĩa văn học và văn hoá, “văn học hương thổ” một phần còn là sản phẩm của những chuyển động chính trị thời cận đại ở Đài Loan. Thời kỳ này, Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản. Để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, người Nhật triển khai kế hoạch xây dựng đô thị ở Đài Loan lần thứ nhất năm 1899 và lần thứ hai năm 1901, gây những biến động lớn đến đời sống nông thôn bản xứ(4). Nhằm chống lại công cuộc cai trị của người Nhật về mặt văn hoá tư tưởng, cuộc vận động Tân văn học nổ ra ở Đài Loan vào thập niên 1920 tạo tiền đề cho phong trào văn học hương thổ Đài Loan phát triển mạnh mẽ. Phong trào này kế thừa những thành quả văn hoá, chính trị của cả Trung Hoa đại lục và Nhật Bản như phong trào Ngũ Tứ, cuộc vận động Tân văn hoá, nền dân chủ Đại Chính (Taishō)... Thế nên Đài Loan tuy mượn khái niệm “văn học hương thổ” của Trung Hoa đại lục nhưng lại trao cho nó một nội hàm mới. Trào lưu văn học hương thổ Đài Loan vừa đối lập đời sống nông thôn với đô thị trong bối cảnh thuộc địa, giương cao ngọn cờ chống thực dân Nhật, nhưng đồng thời cũng tìm cách xây dựng một bản sắc Đài Loan trong sự đối lập với Trung Hoa đại lục. Từ “hương thổ” ở đây dùng để chỉ tính chất bản địa của Đài Loan, mà theo các nhà văn tiên phong của phong trào này như Hoàng Thạch Huynh, Quách Thu Sinh… thì nó không hề giống với “hương thổ” Trung Hoa đại lục cả về địa lý, ngôn ngữ và văn hoá. Các nhà văn này đã khởi xướng cuộc tranh luận về văn học hương thổ Đài Loan, kéo dài suốt thập niên 1930. Trào lưu này chỉ bị dập tắt từ năm 1937 khi thực dân Nhật hoàn bị bộ máy cai trị của họ ở vùng đất này.

Giống như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên cũng từng là thuộc địa của Nhật (1910-1945). Thời kỳ này, Nhật Bản đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực nên đã biến Triều Tiên thành vựa lúa của họ với chương trình tái sản xuất lúa gạo năm 1920 và chiến dịch kích thích nông nghiệp năm 1932 gây áp lực nặng nề lên nông thôn Triều Tiên. Nhiều nông dân không chịu nổi áp lực lao động đã bỏ làng xóm di cư lên các thành phố ở Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí Mãn Châu. Mặc dù vậy, một số tác giả của dòng “văn học nông dân” (nongmin munhak) Triều Tiên vẫn xem nông thôn là nguồn cội để quay về, là nơi con người tìm ra lối thoát cho cuộc đời bế tắc của họ, tiêu biểu có Đất (Heuq) của Yi Kwangsu và Mãi xanh (Sangnoksu) của Sim Hun. Cả hai tác phẩm đều miêu tả những trí thức thành thị tìm kiếm ý nghĩa đời sống và cuối cùng đã quay về nông thôn. Điều này được lý giải một phần là do ảnh hưởng của văn học Nga viết về nông thôn(5). Một số tác giả khác lại phản đối việc lãng mạn hoá đời sống nông thôn, khắc hoạ rõ nét sự bần cùng hoá của nông dân và công cuộc đấu tranh giai cấp ở nơi này, tiêu biểu là Yi Kiyong với tiểu thuyết Quê nhà (Kohyang)(6).

Trong khi đó, chính Nhật Bản cũng phải đối mặt với mâu thuẫn thành thị-nông thôn gay gắt. Cuộc cải cách Minh Trị đã đưa nước Nhật bắt kịp với phương Tây và trở thành một nước thực dân thay vì trở thành nạn nhân của chủ nghĩa thực dân xâm lược. Sự lớn mạnh với tốc độ chóng mặt của các đại đô thị Nhật Bản đã gây ra phản ứng từ phía nông thôn, sản sinh ra dòng “văn học nông dân” (nōmin bungaku) quyết liệt bảo vệ lợi ích của người nông dân và giá trị của đất đai nông nghiệp, chống lại đô thị, với những đại diện như Shigeru Inuta, Sue Sumii và đặc biệt là Takashi Nagatsuka với tiểu thuyết Đất (Tshuchi) miêu tả đời sống nông thôn thời Minh Trị.

Ở Việt Nam tuy không có dòng văn học được đặt tên cụ thể viết về nông thôn, nhưng đề tài nông thôn và nông dân vẫn luôn trở đi trở lại suốt nhiều thời kỳ, làm nên nhiều tên tuổi như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân, Hồ Biểu Chánh, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Ngọc Tư… Nông thôn trong văn học hiện đại Việt Nam cũng mang màu sắc tương tự như trong văn học hương thổ của các quốc gia Đông Á khác, một phần cũng bởi cả các nước đều trải qua những giai đoạn lịch sử và hình thái xã hội giống nhau. Với hơn 80% dân số là nông dân, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, không ngạc nhiên khi nhà văn Việt Nam cảm thấy thoải mái và tự tin khi viết về đề tài này. Mỗi người Việt Nam từ xa xưa đến hết thế kỷ 20, ai cũng có một chút làng quê trong mình. Sau 1945, văn học Việt Nam đi theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa nên các tác phẩm lấy đề tài nông thôn càng nở rộ. Những chuyến đi thực tế được tổ chức quy mô rầm rộ đưa nhà văn đến sống cùng nông dân, hoà mình vào đời sống nông nghiệp và cho ra đời những tác phẩm dành riêng cho nông dân. Hiện trạng này kéo dài suốt mấy chục năm đã khiến văn học Việt Nam ngày càng dấn sâu thêm vào mảnh đất nông thôn vốn đã được các nhà văn, nhà thơ “cày bừa” hàng bao thế kỷ.

Nếu như văn học viết về nông thôn phổ biến và được khẳng định bằng tên gọi hẳn hoi thì văn học viết về đô thị có vẻ vẫn còn chưa được định danh và thừa nhận. Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn băn khoăn liệu đã bao giờ tồn tại một dòng văn học đô thị theo đúng nghĩa của từ này ở Việt Nam chưa. Nhà nghiên cứu Văn Giá khẳng định: “Bây giờ đặt vấn đề ở ta đã có văn học đô thị hay chưa, tôi xin trả lời rằng vẫn chưa có văn học đô thị của hôm nay, rằng văn học vẫn đang chuyển động cùng sự chuyển động của đô thị (…) Vả lại, đất nước chúng ta có nhiều nghìn năm lịch sử là nông thôn, nông nghiệp, nông dân - cái gen trội trong tâm hồn máu huyết người Việt, nên viết về nông thôn thấy thuận tay hơn. Nó có tâm thức văn hoá xóm làng nâng sức, chắp cánh. Chứ viết về đô thị đâu có được cái đà đi, sức bút như thế. Tập làm người đô thị cho ra người đô thị chân chính đã khó, huống chi là viết cho đô thị và về đô thị.”(7)

Ở Trung Quốc hiện nay, quá trình đô thị hoá chóng mặt cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn học. Đã có những thế hệ lớn lên không hề biết đến bóng dáng của nông thôn mà chỉ quay cuồng trong vòng xoáy của đô thị. Từ thập niên 90, vai trò đặc biệt của đô thị trong các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng rõ rệt. Mối quan hệ nông thôn - thành thị từ chỗ trước đây nông thôn bao gồm thành thị, và nông thôn “nuôi dưỡng” thành thị thì nay chuyển biến thành loại hình quan hệ mới: kinh tế thành thị kéo theo sự phát triển của nông thôn, thành thị mang lại văn minh cho nông thôn. Thành thị trước đây chỉ có ý nghĩa là thế giới tiêu dùng đơn thuần ngày càng trở thành không gian mang tính mở rộng kết hợp giữa tiêu dùng và sản xuất. So sánh với nông thôn, thành thị là một thế giới đa giá trị, sôi động. Nông thôn trở nên cách biệt với thành thị, nó trở thành một khu vực phong bế, lạc hậu, không những chất lượng cuộc sống của người dân thấp, mà còn thiếu sức cạnh tranh xã hội. Trong văn học, xét từ góc độ hình tượng thẩm mỹ mà tác phẩm văn học cung cấp, trong một số tác phẩm của các tác giả trẻ, một lượng lớn hình tượng văn học mới đã được xây dựng, trái ngược, khác xa với văn học “thời kì mới”. Nếu nói: trong tác phẩm văn học “thời kì mới”, hình tượng văn học quan trọng nhất là nông thôn, tập thể... tràn đầy tư tưởng xây dựng khẩn trương thì trong bối cảnh văn học từ thập niên 90 đến nay, lại là sản phẩm tiêu dùng cao cấp, rượu, xe “hàng hiệu”. Từ thái độ phê phán đời sống đô thị, văn học chuyển sang miêu tả và phản ánh trạng thái cuộc sống thường nhật nơi đô thị. Trong tác phẩm của một số tác giả “thời kì mới”, cuộc sống đô thị vẫn là đối tượng bị phê phán. Những niềm vui trong cuộc sống đô thị thường bị các tác giả thể hiện thành một kiểu sùng bái tiền bạc của chủ nghĩa vật chất nông cạn, hời hợt. Nhưng với rất nhiều tác giả trẻ trưởng thành những năm 90, cuộc sống vật chất không phải là khái niệm mang ý nghĩa phủ định. Trong một số tác phẩm của Vệ Tuệ, Miên Miên, cho dù cuộc sống đô thị không thể hiện được đến mức vô cùng hấp dẫn, thuyết phục, nhưng sự thụ hưởng cuộc sống vật chất đối với các nhân vật nam/ nữ trong đó chính là niềm vui/ sự khoái lạc. Nhật Bản thậm chí đã đi sớm hơn các nước Đông Á khác trên con đường đến với văn học đô thị, khi mà những tác phẩm của các nhà văn Nhật đã sớm chạm vào những nỗi cô đơn, hoang mang sâu sắc của con người đô thị. Với đề tài và góc nhìn ấy, Nhật Bản đã mang đến cho nhân loại những tên tuổi lớn như Abe Kobo hay sau này là Haruki Murakami.

Văn học đô thị và văn học nông thôn không chỉ đối lập nhau trên nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội mà còn đối lập trong tư duy sáng tạo. Nếu văn học nông thôn sử dụng phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực, dùng nhãn quan hiện thực để phản ánh và tái hiện đời sống, thì văn học đô thị có khuynh hướng tư duy của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại ra đời vào thời kỳ bùng nổ một xã hội tiêu thụ, với những kỹ thuật mới, những phương tiện di chuyển và truyền thông tân tiến, góp phần chuyển biến xã hội theo hướng chuyên biệt hoá, vật chất hoá, cá nhân hoá, khoa học hoá và hợp lý hoá. Chủ nghĩ hậu hiện đại phá vỡ hết tất cả những quan niệm về trật tự, chân lý và tri thức khách quan, vì vậy nó xoá nhoà ranh giới gữa nghệ thuật và đời sống thường ngày, giải cấu trúc, giải trung tâm và từ chối vai trò chủ thể của con người. Do đó, văn học nông thôn thể hiện rõ ràng lập trường quan điểm của nhà văn, có thể là quan điểm dân chủ, dân tộc, hoặc giai cấp. Văn học nông thôn luôn có một đối tượng để tấn công: sự trì trệ bảo thủ của nông thôn hoặc sự lạnh lùng vô tình của tiến trình đô thị hoá, sự lỗi thời của chế độ cũ hoặc sự xâm lược của thực dân. Văn học đô thị không chống lại nông thôn, nó bao gồm hết tất cả những sáng tạo dành cho mọi lớp người trong đô thị.

3. Văn học đô thị với nghĩa văn học đường phố ở các nước Âu-Mỹ

Khác với văn học phương Đông trưởng thành trên nền tảng văn hoá nông nghiệp, phương Tây lại không xa lạ gì với văn minh thành thị ngay từ khi hình thành xã hội. Người phương Tây đã giao thương mua bán từ rất sớm. Họ xây dựng được những thành bang nổi tiếng trong lịch sử nhân loại cổ đại như Aten, Spart trên nền tảng kinh tế thị dân, đề cao tinh thần dân chủ. Do đó, trong văn học phương Tây cổ đại không có sự trăn trở giữa nông thôn và thành thị, hay giữa thành thị và cung đình. Sau thời kỳ trung cổ kéo dài bị chi phối bởi thần học, phương Tây đã làm một cuộc cách mạng rất triệt để về văn hoá để phục hưng lại những giá trị dân chủ cổ xưa. Văn học thời Phục hưng vì thế không phải sinh ra vì sự trỗi dậy của tầng lớp thị dân như ở hậu kỳ trung đại phương Đông, cũng không phải để chống lại sự bao phủ của văn học nông thôn.

Tuy nhiên, trong văn học phương Tây cũng tồn tại một dòng văn học được định danh là “văn học đô thị” (urban literature), đồng nhất với khái niệm văn học đường phố (street literature). Nó còn có các tên gọi khác là văn học sinh tồn (survivalist literature), hay văn học giải mộng tưởng (dystopian literature). Qua những tên gọi này có thể thấy được phần nào nội dung của dòng văn học này: phản ánh đời sống tối tăm, đau khổ, nặng nề của nhóm người bị xem là “cấp thấp” trong xã hội đô thị phương Tây. Họ phải tìm đủ mọi cách để sinh tồn trước những nghèo đói, bạo lực, lừa đảo, cạm bẫy, khinh miệt và cũng là nơi mang đến cho họ cảm giác vỡ mộng vì những ảo tưởng về một thế giới giàu có, phồn hoa.

Theo nghĩa hẹp, văn học đường phố được xem là ra đời vào thập niên 1970, viết về cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong một vùng không gian đầy ma tuý, sex, bạo lực với giọng văn hết sức thông tục. Lời nói của nhân vật thường lệch chuẩn ngữ pháp và đầy tiếng lóng. Những từ ngữ tục tĩu không hề bị né tránh hay viết tắt. Nhân vật chính của nó thường là những thanh niên tuổi từ 16 đến 24 vật lộn với cuộc sống để sinh tồn trong hố thẳm của nghèo đói, phân biệt chủng tộc trên cái nền bối cảnh đô thị và văn hoá hip-hop, gangster. Có những nhân vật các cô gái trẻ thất bại trong tình yêu để rồi tuột dốc trong tình dục, bạo lực, tội ác, phá thai và thậm chí phạm pháp. Kể từ khi ra đời, văn học đường phố đã được phổ biến với tốc độ chóng mặt. Dòng văn học này mang đến một góc nhìn khác về xã hội phương Tây thời hiện đại so với các dòng văn học chủ lưu. Ban đầu, văn học đường phố không được đón nhận với tư cách là các tác phẩm văn học vì sự “đồi truỵ” của nó. Các nhà xuất bản cũng dè dặt với nó, thế nên các nhà văn thường phải tự xuất bản tác phẩm của mình và mang rao bán trực tiếp ở các nhà sách. Hiện nay, sự phát triển của mạng Internet cũng tiếp sức cho sự phổ biến của dòng văn học này.

Theo nghĩa rộng, văn học đô thị có thể bắt đầu từ sớm hơn và không chỉ giới hạn trong cộng đồng Mỹ gốc Phi. Vanessa Irvin Morris trong quyển The Readers’ Advisory Guide to Street Literature (2011) cho rằng những tác phẩm như Maggie: a Girl of the Street (1893) của Stephen Crane, Oliver Twist (1838) của Charles Dicken hay The Sport of the Gods (1902) của Paul Laurence Dunbar đều là văn học đô thị. Hiểu theo nghĩa này, văn học đô thị hay văn học đường phố không nhất thiết phải gắn liền với văn hoá hip-hop và xã hội phương Tây nửa sau thế kỷ 20, mà là dòng văn học hướng tới tầng lớp bần cùng của xã hội thành thị nói chung, với những trải nghiệm đời sống gắn với đường phố và sự lang thang bất định.

Như vậy, khái niệm “văn học đô thị” trong bối cảnh văn hoá Âu-Mỹ đang xét ở đây không trùng khít với khái niệm “văn học đô thị” ở vùng Đông Á mang nghĩa đối lập với văn học nông thôn đã khảo sát ở trên. Nếu “văn học đô thị” trình bày ở mục 2 có tính chất xoá nhoà ranh giới, hoá giải sự phân biệt cao sang-thấp kém, hàn lâm-đại chúng… thì “văn học đô thị” ở đây lại tô đậm ranh giới ấy.

Ở Việt Nam, những bài thơ được gọi là “thơ vỉa hè” phần nào mang màu sắc của loại văn học đô thị này. Tác phẩm của những nhà thơ như Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Đình Chính… không hẳn chỉ hướng tới tầng lớp bần cùng của xã hội thành thị hay xoáy vào ranh giới giai cấp, địa vị, nhưng cũng mang những đặc trưng đáng kể của dòng văn học này, trong đó đặc biệt là tính phi chính thống của ngôn ngữ thơ ca. Tiếng lóng, tiếng chửi thề, những ngôn từ tục tĩu là nguyên nhân khiến những bài thơ này bị gọi là “thơ rác”. Bên cạnh đó, việc đi ngược lại những chuẩn mực thông thường về mặt tư tưởng của xã hội đã khiến các tác phẩm này bị gạt ra vùng ngoại biên của văn học, với tên gọi “thơ vỉa hè”. Chính những điểm này là minh chứng rất rõ cho việc thơ vỉa hè tô đậm những ranh giới trong lòng xã hội thành thị, bất chấp thành phần xuất thân hay địa vị xã hội của tác giả.

4. Văn học đô thị là khái niệm chỉ riêng văn học Sài Gòn giai đoạn 1955-1975

Ngoài những ý nghĩa nói trên, cụm từ “văn học đô thị” cũng đã từng tồn tại ở Việt Nam với tư cách định danh cho một bộ phận văn học trong một thời kỳ nhất định. Khi nói về “văn học đô thị” nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã viết: “Văn học đô thị là từ chỉ văn học ở lãnh thổ miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính phủ Sài Gòn tồn tại trong các đô thị, chúng ta gọi là văn học đô thị của miền Nam trước đây”. Tại sao lại có một sự khu biệt đặc thù như vậy? Tại sao chỉ dùng cụm từ “văn học đô thị” để gọi dòng văn học nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Sài Gòn ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1955-1975? Tại sao cũng vùng đất đó, nhưng văn học giai đoạn liền trước, tức là giai đoạn 1945-1954, thì không được gọi là “văn học đô thị”? Có thể lý giải điều này từ sự phát triển rực rỡ của đô thị miền Nam, cụ thể là Sài Gòn, trong giai đoạn này đã tạo nên một sắc màu tương phản với những vùng nông thôn rộng lớn xung quanh vốn rất nghèo khổ và thiếu thốn trong chiến tranh. Đồng thời, nó cũng tương phản với các đô thị miền Bắc cùng thời, do điều kiện chiến tranh và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bị xoá nhoà ranh giới với nông thôn. Cả miền Bắc đâu đâu cũng một không khí, một sắc màu, một hình ảnh. Văn học cũng thế. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa phổ biến cho toàn miền nên không tạo được đặc trưng riêng cho vùng đất mang danh đô thị. Ngược lại, Sài Gòn lúc này được xem là hòn ngọc viễn đông bởi sự giàu có, xa hoa bậc nhất vùng Đông Á, một nơi có đầy đủ tiện nghi như một thành phố phương Tây, được các quan khâm sứ nước ngoài yêu thích, được các thuỷ thủ thế giới nhắc đến một cách đầy hứng thú. Đi kèm với nó là vũ trường, cờ bạc, ma tuý, thất nghiệp, và những con người đói rách tận cùng. Về mặt văn học, các tư tưởng, lý thuyết, phương pháp sáng tác từ phương Tây, mà cụ thể là Âu Mỹ du nhập vào Sài Gòn khá nhiều. Giới trí thức Sài Gòn cập nhật gần như cùng lúc tất cả những sự kiện, trào lưu, trường phái văn học cùng thời ở Mỹ và Tây Âu, khiến cho họ có nhiều con đường để lựa chọn. Những điều trên cho thấy văn học Sài Gòn 1955-1975 có đầy đủ hình ảnh của một đô thị đậm nét, dù chỉ là đô thị thuộc địa, chứ không phải là đô thị công nghiệp như ở các nước phương Tây.

Tuy nhiên, điều này không đủ để giải thích lý do của việc tồn tại một cách gọi “văn học đô thị” chỉ dành riêng cho bộ phận văn học này trong riêng giai đoạn này. Cần lưu ý đây là cách gọi một thời của các nhà phê bình miền Bắc dành cho văn học ở thành thị miền Nam. Một nhà nghiên cứu miền Nam thể hiện thái độ có phần gay gắt trước việc này:

Khi đề cập đến văn chương miền Nam, đặc biệt trong thời chiến, giới nhận định, biên khảo trong  nước, đều chụp cho một  cái “mác” rất kêu: Văn chương đô thị, văn học đô thị, văn chương thành thị… Làm như cái nôi văn học miền Nam xuất phát từ Saigon. Làm như văn chương miền Nam là thứ văn chương đô thị hóa, là thứ văn chương hiện sinh, đồi trụy… Nhãn hiệu “văn học đô thị miền Nam” không phải có sau 1975. Nó xuất hiện truớc 1975,  đồng nghĩa với “văn học nô dịch”, “văn học đồi trụy”, “văn  học hiện sinh”, “văn học thực dân kiểu mới” “nọc độc văn hóa”.” (Trần Hoài Thư)(8)

Dù muốn dù không, ta cũng cần thừa nhận cách định danh này mang nhiều nội dung chính trị hơn là văn học. Sài Gòn trước 1954 đã là hòn ngọc viễn đông rồi. Sự giàu có, xa hoa, thậm chí truỵ lạc như nhiều người nhận xét không phải đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm mới có, và tầng lớp người lao động bị bần cùng hoá và bị đẩy ra đường cũng không phải đến giai đoạn này mới xuất hiện. Thế nhưng văn học Sài Gòn giai đoạn 1945-1954 không ai gọi là văn học đô thị cả. Điều này xuất phát từ cái nhìn khác nhau của những người ở hai bên chiến tuyến, đi theo những con đường văn học khác nhau, dẫn đến ít nhiều hiểu lầm nhau và hiểu lầm khá nhiều về các tư tưởng, lý thuyết văn học thế giới như chủ nghĩa hiện sinh, văn học thuộc địa…

*

Như vậy, không tồn tại một khái niệm văn học đô thị với những đặc trưng chung ở mọi khu vực và giai đoạn văn học. Ở vùng Đông Á thời trung đại, trong đó có Việt Nam, văn học đô thị phát triển dựa trên sự ra đời của thành thị thương nghiệp, nhu cầu giải trí đã kéo văn học thoát ra khỏi khuôn khổ của cung đình đầy ắp những vấn đề đạo đức, lý tưởng. Thời hiện đại, khoảng cách kinh tế, văn hoá giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn, cộng thêm sự ra đời của các siêu đô thị, đã tạo ra những thế hệ công dân hoàn toàn đặc thù với lối sống đô thị, quen thuộc với sản phẩm nhân tạo nhiều hơn thế giới tự nhiên. Xã hội này đã sinh ra nền văn học tương ứng. Việt Nam chưa hoàn toàn thoát khỏi đặc trưng nông thôn nên văn học viết về đời sống đô thị vẫn chưa thật sự mang đầy đủ những đặc điểm của dòng văn học này. Ở các siêu đô thị, văn học đô thị cũng tự phân hoá thành nhiều bộ phận, trong đó có bộ phận văn học viết về những người bần cùng, dưới đáy xã hội. Ở Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, chỉ riêng bộ phận văn học viết về người cùng khổ trong xã hội mới được định danh là văn học đô thị (urban literature). Ở Việt Nam, bộ phận văn học ít nhiều mang những đặc trưng của những dòng văn học vừa kể trên vẫn chưa được định danh là văn học đô thị trong các công trình văn học sử. Khái niệm “văn học đô thị” ở Việt Nam thường được sử dụng để gọi văn học ở Sài Gòn giai đoạn 1954-1975, một phần vì nền văn hoá, văn học ở Sài Gòn thời điểm này chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hoá đô thị các nước phương Tây, một phần vì sự phân biệt có tính chính trị ở Việt Nam thời điểm đó, khiến khái niệm “đô thị” phần nào mang màu sắc tiêu cực.

Tuy nhiên, giữa bốn đối tượng văn học đô thị vừa trình bày ở trên vẫn có một điểm chung cơ bản. Dù nhìn từ góc độ đối lập với văn học cung đình, đối lập với văn học nông thôn, đối lập với văn học được xuất bản chính thống, hay ở trường hợp Việt Nam 1954-1975 là đối lập với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn học đô thị vẫn là bộ phận văn học chịu chi phối sâu sắc bởi quy luật cung-cầu của thị trường. Văn học cung đình không phục vụ mua bán. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam 1955-1975 sáng tác dưới định hướng chính trị phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn học nông thôn ở một số nơi ngoài sự chi phối của quy luật cung cầu còn mang nội dung đấu tranh chính trị. Văn học xuất bản chính thống ở một số quốc gia Âu Mỹ ban đầu đã từ chối văn học đường phố. Các nhà xuất bản không chấp nhận những bản thảo bị cho là không chuẩn mực, sai ngữ pháp, sai chính tả, nhưng sau đó nhu cầu thực tế của thị trường đã khiến những tác phẩm này được ra mắt độc giả một cách chính thức.

Tóm lại, văn học đô thị ở nhiều nơi, dù đã được thuật ngữ hoá hay chưa và có nhiều khác biệt ở từng khu vực, nhìn chung đều chịu chi phối bởi quy luật cung cầu, cũng là một trong những quy luật chi phối sự hình thành và phát triển của đô thị.

Chú thích

(1)      Theo Đoàn Lê Giang (2010), “Những nguồn mạch chính và khả năng ứng dụng mới của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/ index.php?option=com_content&view=article&id=1524:nhng-ngun-mch-chinh-va-kh-nng-ng-dng-mi-ca-ly-lun-vn-hc-c-in-trung-quc&catid=94:ly-lun-va-phe-binh-vn-hc& Itemid=135

(2)      Dẫn theo Rachael Hutchinson (2011), Nagai Kafu’s Occidentalism: Defining the Japanese Self, State University of New York, New York, tr. 199.

(3)      Dẫn theo Trần Nho Thìn (2010), “Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long”, Nghiên cứu văn học, (10), tr. 38.

(4)      Davidson, James Wheeler (1903). The island of Formosa, past and present. History, people, resources, and commercial prospects, Macmillan & Co, London and New York.

(5)      Yongna Kim (2005), 20th Century Korean Art, Laurence King Publishing, London, tr. 98.

(6)      Ann Sung-hi Lee (1996), “Korean Peasant Literature during the Japanese Colonial Occupation: the Novel Kohyang [Hometown] by Yi Ki-yong”, Seoul Journal of Korean Studies, (9), tr. 45.

(7)      Văn Giá, “Văn học đô thị - có hay chưa?”, http://vietvan.vn/vi/bvct/id149/Van-hoc-do-thi---co-hay-chua/

Trần Hoài Thư, “Văn chương đô thị”, http://tranhoaithux.wordpress.com/2013/04/23/van-chuong-do-thi-tan-man/

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Davidson, James Wheeler (1903), The island of Formosa, past and present. History, people, resources, and commercial prospects, Macmillan & Co, London and New York.

2.    Văn Giá, “Văn học đô thị - có hay chưa?”, http://vietvan.vn/vi/bvct/id149/Van-hoc-do-thi---co-hay-chua/

3.    Đoàn Lê Giang (2010), “Những nguồn mạch chính và khả năng ứng dụng mới của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc”, http://khoavanhoc-ngonngu.edu. vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1524:nhng-ngun-mch-chinh-va-kh-nng-ng-dng-mi-ca-ly-lun-vn-hc-c-in-trung-quc&catid=94:ly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135

4.    Rachael Hutchinson (2011), Nagai Kafu’s Occidentalism: Defining the Japanese Self, State University of New York, New York.

5.    Yongna Kim (2005), 20th Century Korean Art, Laurence King Publishing, London, tr. 98-99.

6.    Ann Sung-hi Lee (1996), “Korean Peasant Literature during the Japanese Colonial Occupation: the Novel Kohyang [Hometown] by Yi Ki-yong”, Seoul Journal of Korean Studies, (9), tr. 41-52.

7.    Trần Nho Thìn (2010), “Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long”, Nghiên cứu văn học, (10), tr. 35-42.

8. Trần Hoài Thư, “Văn chương đô thị”, http://tranhoaithux.wordpress.com/2013/04/23/van-chuong-do-thi-tan-man/

 

Nguồn:  Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn - Bình luận văn học, niên san 2015, tr. 72.