29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Nàng dâu Ý trong làng văn Việt

Bước vào hai thập niên đầu của thế kỷ 21, dường như làng văn Việt có sự hội nhập sâu rộng hơn với thế giới so với thập niên 90 của thế kỷ 20. Nếu trước đây mới chỉ lèo tèo vài tên tuổi nhà văn viết về chiến tranh như Lê Lựu, Bảo Ninh… được thiên hạ bên ngoài biết đến ở mức độ vừa phải thì nay nhờ công nghệ thông tin, họ đã biết về văn học Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn qua các tác phẩm văn chương đích thực của Ý Nhi, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều… (thơ) và Trần Thùy Mai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Minh Tường, Dương Hướng, Nguyễn Xuân Khánh… (văn xuôi). Gần đây, các giải thưởng văn chương của Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc… trao cho tác giả Việt Nam thật sự vô tư, khách quan theo nghĩa “hữu xạ tự nhiên hương” (không cần đến sự tiến cử của Hội NVVN như giải thưởng văn học Asean) đã thêm một lần khẳng định bề sâu của hội nhập. Ở chiều ngược lại, các tác phẩm văn học của người Việt hải ngoại hoặc  của tác giả phương Tây viết về Việt Nam được in ấn, phát hành trong nước cũng được công chúng hào hứng tiếp nhận. Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của cây bút Elena Pucillo Truong trong làng văn nước Việt khoảng 8 năm lại đây vừa có những nét chung lại vừa khu biệt, cho tôi cảm hứng viết về con người và tác phẩm văn chương của chị.

Tôi quen biết cặp vợ chồng Việt- Ý (Trương Văn Dân - Elena Pucillo) trong buổi ra mắt tập san Quán Văn số 3 ở quán café trên đường Nguyễn Văn Thủ, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh vào khoảng mùa xuân năm 2012. Đó cũng là thời điểm Elena Pucillo bắt đầu viết và công bố những truyện ngắn, tản văn của mình; còn chồng chị, nhà văn Trương Văn Dân mới vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” đang rất “hót” trên thị trường sách Sài Gòn năm ấy. Từ bữa đó, chúng tôi thành bạn bè, đọc văn của nhau, gặp gỡ chia sẻ mọi điều cả trong đời thường lẫn nghề văn nghiệp bút. Năm tháng qua đi, thoáng nhãng đã gần chục năm, tôi thêm yêu mến nàng dâu Ý của làng văn Việt có giọng văn thủ thỉ, giản dị mà sức nặng truyền cảm cứ sâu đằm trong tâm thức, hút hồn người đọc cùng tác giả tham gia vào sự tưởng tượng của công việc sáng tạo trong một cấu trúc ngắn gọn, mở thoáng.

            Tôi đã đọc nhiều lần những truyện ngắn “Phút mặc khải”, “Trước khi màn hạ”, “Một phút tự do”, “Mùi thơm buổi sáng”… thảy đều gói gọn trong 2- 3 ngàn chữ. Nó giống như chiếc hộp quà tặng nhỏ xinh gửi đến độc giả có thắt nơ hồng là sợi dây triết lý mỏng manh, mơ hồ mà khêu gợi, ám ảnh đến kỳ lạ ngay từ cái tên truyện. Và đặc biệt, truyện ngắn “Kho tàng của sự im lặng” cứ làm tôi liên tưởng đến mối nhân duyên và sự giao hòa hai nền văn hóa Đông - Tây của quê chồng, quê vợ trong tâm hồn tác giả thành dòng mực chảy tràn vào những trang văn. Câu chuyện kể về lễ Vu Lan trong giáo lý đạo Phật ở quê chồng (Bình Định) cho tôi cảm nhận điều ấy. Xứ sở nước Ý, quê hương của Elena Pucillo vốn là cội nguồn văn minh Hy - La của châu Âu, nơi kết đọng tinh hoa văn hóa phương Tây trong hội họa, kiến trúc, âm nhạc với những công trình kiến trúc tôn giáo kiểu Gothic tuyệt mỹ ở Roma, Florence hay những tên tuổi lẫy lừng như danh họa Leonardo Da Vinci, tiểu thuyết gia Alighieri Dante và tôi yêu nhất nhạc sĩ thiên tài Giusseppe Verdi. Nhắc đến cây đại thụ của nhạc kịch Opera thế giới thế kỷ 19 này, đọc câu chuyện tình “Trước khi màn hạ” của Elena Pucillo, tôi lại nhớ truyện ngắn “Lẵng quả thông” của nhà văn Nga Pautovxki lấy cảm hứng từ bản nhạc soạn cho đàn Piano “Tặng Danhia khi nàng 18 tuổi” của Verdi để viết nên một kiệt tác văn chương đã ám ảnh tâm hồn tôi từ hồi trai trẻ đến giờ…

           Rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn bên bờ Địa Trung Hải, Elena Pucillo theo chồng về Việt Nam. Làm dâu xứ dừa Bình Định, chị được tắm mình trong nắng gió miền trung, giữa thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ “sơn bao thủy bọc”. Mang sẵn trong mình những tinh hoa văn hóa châu Âu của văn minh Hy - La phương Tây, chị an nhiên tự tại tiếp nhận nền văn minh lúa nước Việt Nam, văn hóa châu Á mang nét đặc trưng của địa vực văn minh Hoa-  Ấn phương Đông. Mỗi lần từ Sài Gòn về thăm quê chồng, chị được chiêm ngưỡng tòa tháp đôi ở trung tâm thành phố Quy Nhơn - một di sản kiến trúc Cham Pa độc đáo có từ ngàn năm trước, được bảo tồn gần như nguyên vẹn chắc hẳn sẽ nôn nao liên tưởng đến kiến trúc Gothic ở Roma. Chị còn được thưởng thức nghệ thuật tuồng, một hình thức ca kịch cổ điển gắn với tên tuổi danh nhân Đào Tấn - ông tổ của nghệ thuật này, cũng giống như châu Âu đã từng tôn vinh nhà soạn nhạc Claudio Monteverdi  nước Ý thế kỷ 18 là ông tổ của nghệ thuật Opera thế giới hiện đại vậy. Nhiều khi tôi nghĩ, đạo Phật có “Thập nhị nhân duyên” thì cuộc hôn nhân đời thường giữa Elena Pucillo với Trương Văn Dân và cả cuộc hôn nhân thanh cao giữa chị với làng văn nước Việt cũng đã hội đủ 12 mối nhân duyên ấy. Trở lại với truyện ngắn “Kho tàng của sự im lặng”, tác giả mở truyện bằng câu tụng niệm: “Nam mô đại bi Quan Thế Âm bồ tát… Nam mô đại bi…” Thế rồi trong bảng lảng khói nhang, chị dẫn dắt độc giả vào những tình tiết lý thú của cốt truyện, cho tôi cảm nhận rằng ẩn sau trang viết là tâm hồn thấm đẫm giáo lý tự giác giác tha, tự độ độ tha và phép ứng xử “Lục hòa” (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa, lợi hòa) của một phụ nữ Ý đi từ tòa thánh Vatican sang ngôi chùa ở Tây Sơn - Bình Định, xin phép được Phật tổ chứng giám cho mình làm dâu để thành con dân nước Việt. Có lẽ vì thế nên bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Elena Pucillo cũng luôn thường trực bên mình nguồn năng lượng văn hóa Việt - Ý. Ở bài ký khá hay, giàu chất thơ “Tà áo lụa và những cánh sen”, tác giả đã đem đến cho ta cảm xúc mới lạ của người phụ nữ Ý với thời trang áo dài và ẩm thực trà sen của người Việt, thông qua cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng với nhà văn Nhật Chiêu hay bà nghệ nhân Viên Trân. Có một bài tản văn khác nữa, bài “Thư viết cho mẹ” của Elena Pucillo đã làm tôi mỗi lần đọc lại thêm một cung bậc cảm xúc đến nao lòng. Vào một đêm thanh vắng giữa Sài Gòn, chị chợt nhớ quê và viết thư cho mẹ ruột qua đời đã lâu, bày tỏ nỗi niềm nhung nhớ, nhưng cũng kể cho bà nghe mối ân tình sâu nặng của mẹ chồng, với những tình tiết rất đắt dành cho mình và mẹ ruột của mình. Giờ cả hai bà mẹ đều đã khuất bóng, bằng sự thành kính biết ơn và niềm hoan lạc vô lượng, chị cầu chúc cho hai bà mẹ gặp nhau ở bên kia thế giới hàn huyên nốt câu chuyện mà mình còn chưa kể hết với mẹ ruột. Cách đây vài năm, tình cờ lên mạng FB tôi bắt gặp bài viết của người bạn khả kính, GS Nguyễn Đăng Hưng kể rằng, trong lúc ngồi đợi chuyến bay về nước, ông đã đọc bài tản văn này, xúc động không sao cầm được nước mắt. Đó phải chăng là hạnh phúc của người viết khi văn mình chạm đến tận thẳm sâu trong trái tim người đọc?!...

              Lâu rồi không gặp, nhớ lắm cặp đôi văn chương Việt - Ý và bạn bè trong gia đình Quán Văn ở Sài Gòn! Mừng vì thấy Elena Pucillo vẫn đều đặn viết, vừa cho ra mắt cuốn “Vàng trên biển đá đen” và đức lang quân vẫn miệt mài dịch tác phẩm miễn phí cho nàng dâu Ý của làng văn Việt. Hãy còn sớm để tôi viết về văn phong, bút pháp của cặp đôi này như một khuynh hướng hay trường phái sáng tác mang dấu hiệu khởi đầu chưa thật rõ nét của “Chủ nghĩa cổ điển mới” theo định nghĩa của Michel Fragonardo trong cuốn “Từ điển văn hóa thế kỷ 20” (La Culture DUXX Siecle – Dictionnaire d’histoire culturelle). Tôi mới chỉ chợt lóe lên trong đầu ý tưởng này, còn phải đợi thời gian đọc thêm nhiều tác phẩm của họ. Vả chăng như lời Hoài Thanh từng viết: “Ở đời chữ cũng như lời, có tiết kiệm mới quý, càng tiết kiệm càng quý.” Thôi đành dừng bút, hẹn dịp khác!...

                                                                                                                      Hà Nội 19/8/2018

                                                                                                                                 VNT