29042024Mon
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Âm nốt 2046

Khi đến với một tác phẩm nghệ thuật nói chung, có lẽ, trong mỗi người, điều xuất hiện đầu tiên, và cũng là điều ở lại sau cùng, là ấn tượng về cảm giác, hay nói cách khác, là một cảm giác đầy ấn tượng đối với tác phẩm ấy. Sau khi đi qua nhiều tầng vỉa tư duy mang tính lý trí nhiều hơn của các lý thuyết lý luận, của những nhận thức logic…, dòng cảm xúc còn đọng lại như một vết khắc dai dẳng, đầy ám ảnh. Để rồi, mỗi khi chạm đến tác phẩm ấy, vết khắc đó bỗng trỗi dậy và khơi thức sự rung động mạnh mẽ, sâu thẳm. Một nỗi buồn, một niềm hân hoan, một sự khắc khoải da diết, một niềm trăn trở suy tư hay dứt day tiếc nuối… hiện hữu trên nhiều cung bậc, nhưng bao giờ cũng mãnh liệt, dù cho là cảm xúc về sự dịu nhẹ thì đó cũng là sự dịu nhẹ đến mãnh liệt, là tận cùng của cái dịu nhẹ.

Bản Adagio trong 2046 của đạo diễn Wong Kar Wai là một vết khắc ấy trong tôi. Dai dẳng và mạnh mẽ. Khắc khoải đến tê dại.

Với tản văn này, tôi tự cho mình được tước bỏ đi, hay được tạm thời quên đi cái nhìn của logic lý luận, để trở về với bản thể cảm tính uyên nguyên nhất khi chạm vào một tác phẩm nghệ thuật: một nỗi rung động sâu thẳm khi ngồi trước những khuôn hình đang tự tấu mình trên các âm nốt của giai điệu Adagio.

Khúc hoà tấu trỗi lên như đi ra từ nỗi buồn sâu thẳm của các nhân vật - của những con người đang sống, đang yêu thương nhau và đang chia lìa nhau, đang nâng niu nhau và đang gieo nỗi đau đớn, muộn phiền vào trong nhau giữa cuộc đời này. Họ vẫn tồn tại thường hằng giữa thế giới của con người, họ là mỗi người trong chúng ta, họ là chính chúng ta. Và Wong Kar Wai là người hoạ sĩ thần thánh đã vẽ lại chính mỗi con - người - chúng - ta ấy trên màn ảnh. Đấy là nỗi buồn âm ỉ của trước sự tan vỡ của một cuộc tình nồng nàn giữa cô gái con ông chủ khách sạn và chàng trai người Nhật. Là khúc ca du bạt của loài chim không chân, suốt đời thiên di mãi đôi cánh qua những miền không gian, những miền năm tháng bất định. Là nỗi buồn vùi vào đáy hốc của những bí mật đi tìm những gốc cây để chôn vùi, để biến thành tăm tối xoáy vào tận sâu thẳm. Là gương mặt u buồn biến dạng với vệt soi môi lem luốc in hằn dấu vết nụ hôn nồng cháy của người con gái. Những cặp tình nhân chỉ biết có biệt ly, sống bằng linh cảm biệt ly và bằng cả hiện thực biệt ly. Adagio bỗng thao thiết đến quặn thắt ngay trên khoảnh khắc đôi trai gái xa rời nhau. Điệu nhạc buồn bã đến vô tận, tưởng chừng như chảy dài trên khoảnh khắc ấy, đổ ngập vào khoảnh khắc ấy và lấp đầy nỗi trống trải của một cuộc tình vỡ tan bằng nỗi buồn.

Có điều gì đấy không thể lý giải được, nhưng chính tiếng đàn violin của bản nhạc hoà tấu kia đã đẩy cả nhân vật và khán giả vào cùng một phiá, phiá của sâu thẳm, của u buồn. Những giai điệu như kéo dài các khuôn hình và những thước phim vào một cõi mênh mang vô định hình. Đấy là nỗi đau của người phụ nữ, yêu da diết, đắm say nhưng bẽ bàng nhận ra mình chỉ là cuộc chơi không lâu dài của một kẻ đàn ông hoang đàng nhưng giàu lòng tốt. Bao nghịch lý của kiếp người dồn tụ vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Họ yêu nhau, say đắm nhau nhưng không thể gắn bó với nhau đến trọn đời. Không ai trong họ là kẻ thủ ác, là kẻ xấu, nhưng tình yêu không thể ở lại vĩnh viễn. Gã trai kia tự ví mình như một loài chim không bao giờ hạ cánh, bay mải miết phiêu bạt. Cánh chim này từng là một hình tượng đầy ám ảnh trong “Những tháng ngày hoang dại”, bay trở lại trong “2046” và tạo thành một đặc trưng hình tượng con người phiêu bạt mang bi kịch phiêu bạt từ cái nhìn của Wong Kar Wai.

Sự sống đầy biến động, không có gì là thường hằng, bất biến và con người chuyển dịch liên tục qua các miền tồn tại. Họ như những kẻ không nơi trú ẩn, ngay cả đến không gian để sống cũng là một không gian tạm bợ. Tất cả đều cư ngụ trong không gian ở trọ, từ anh nhà văn (Lương Triều Vỹ), cô gái (Chương Tử Di) đến cha con ông chủ khách sạn - những kẻ ở trọ trong ngôi nhà trọ lớn nhất - để rồi liên tục ra đi, liên tục rời bỏ và tái ngộ nhau giữa tình cờ. Cuộc sống chảy dọc để lại bao nuối tiếc, đau đớn, bẽ bàng và cũng mang đến bao đổi thay. Con người không bao giờ cứu chuộc nổi quá khứ và mãi mãi rời bỏ từng khoảnh khắc đang sống để biến chúng thành những khoảnh khắc đã sống. Chính vì vậy, loài chim phiêu bạt không chân ấy chẳng thể nào đậu xuống bất kỳ khoảnh khắc nào trong dòng chảy miên viễn của thời gian bất tận.

Adagio dường như có hình hài, mà hình hài của Adagio chính là hình hài của cái phi hình hài, hình hài của một nỗi buồn bất tận, của một nỗi khắc khoải da diết bất tận. Những ý niệm của hoan lạc không thể nảy mầm sinh nở trên khuôn âm Adagio. Không hiểu sao mỗi khi đắm chìm đến như lọt thỏm giữa hình hài Adagio, tôi có cảm giác đấy là khoảnh khắc của chết, của tan biến, của không tồn tại nữa. Tiếng nhạc như đưa tiễn người nghe đi về một vùng nào xa xôi lắm, hay đúng hơn, như du hành cùng người nghe về một xứ khác, xứ của buồn, của khắc khoải, xứ của dứt day bằng cuộc thả trôi vạn dặm hoang hoải trên âm nốt.

Và vĩnh viễn ở lại miền xứ ấy.

Cứ lắng nghe Adagio bằng một buổi sáng im lặng, bằng một chiều im lặng, một đêm im lặng, bằng một mình im lặng. Bởi đơn giản rằng, khi Adagio tấu lên từng âm thanh, tất cả những huyên náo của đời sống sẽ bỗng nhiên ngừng hẳn. Và con người, như một cốc nước chừng như phút trước còn xáo động bụi cặn, cũng hốt nhiên chùng lắng, nằm im lìm phẳng phiu, tựa như tĩnh mịch. Chỉ còn riêng nỗi buồn xáo động một cách im ắng, tê dại.

Có lẽ vì thế mà tôi yêu Adagio như một kẻ cuồng dại. Có lẽ vì Adagio cho tôi cơ hội để chết thử, điều mà chẳng sự sống nào cho phép tôi hành lễ dù chỉ duy nhất một lần.

2046

Đạo diễn           Wong Kar Wai

Sản xuất           Wong Kar Wai

Kịch bản           Wong Kar Wai

Diễn viên          Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di, Củng Lợi, Vương Phi, Lưu Gia Linh, Trương Mạn Ngọc, Đổng Khiết

Kinh phí            12 triệu đô la

Thời lượng        129 phút

Ngôn ngữ          Tiếng Quảng Đông, Tiếng Quan Thoại, Tiếng Nhật

Công chiếu        29 tháng 9, 2004 (Hồng Kông)

 

Có lẽ vì tận cùng của tất cả mọi tồn tại trên cuộc đời này là chết. Mà Adagio trong tôi là tận cùng, khắc khoải, tê điếng.