29042024Mon
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Cuộc trốn chạy giữa thế giới hỗn độn không nơi ẩn náu trong phim The 400 Blows

                Theo dòng chảy lịch sử gần 120 năm, điện ảnh thế giới đã tạo cho mình một lịch trình đầy sôi động với sự ra đời không ngừng của các khuynh hướng sáng tạo mang tính đột phá. Năm 1959, The 400 blows (tạm dịch 400 cú) được tựu hình từ ý thức nghệ thuật của Francois Truffaut cũng là một trong những bước khởi nguyên tạo nên dòng chuyển động mạnh mẽ của trào lưu Làn sóng mới ở Pháp. Từ đấy, nghệ thuật thứ bảy lại dấn thân vào một cuộc biến thiên mạnh mẽ về quan niệm, về phương thức sáng tạo và hình thành nên khái niệm phim tác giả (film auters). Sau gần nửa thế kỷ, những thước phim có giá trị như cột mốc đầu tiên của Làn sóng mới trong The 400 blows vẫn đầy cuốn hút và khiến khán giả kinh ngạc vì những cách tân táo bạo, độc đáo. Những giây cuối cùng của tác phẩm được tạo dựng nên từ cuộc trốn chạy của nhân vật chính đã trở thành khoảnh khắc nổi tiếng nhất trên màn ảnh. Hành trình trốn chạy giữa một thế giới hỗn độn giữ vai trò như một yếu tố xương sống xuyên suốt toàn bộ ý nghĩa cũng như hình thức thể hiện của The 400 blows, gắn chặt và tái hiện thế giới tinh thần của con người, của một thời đại.

1.                  Thời đại tan rã và đứa trẻ cô đơn

Từ hình tượng đời sống ngày thường của một đứa trẻ vị thành niên, Truffaut đã xây dựng nên thế giới tan rã các mối quan hệ thiết thân của con người.Và chính sự tan rã này đã tạo nên tình trạng hỗn độn, phi cân bằng và mất trật tự trong đời sống con người. Ở vị trí trung tâm, cậu bé Antoine dần bị bứt vỡ và đứt lìa các mối dây nối kết tình cảm với gia đình, với xã hội tựa như sự tan vỡ của những nguyên tử vốn kết dính với nhau để hình thành nên một cấu trúc đời sống. Trong những không gian vốn gắn chặt với sự tồn tại của một đứa trẻ, những không gian có chức năng nuôi nấng và bảo bọc đứa trẻ là gia đình và mái trường, Antoine đều dần trở nên lạc lõng, thậm chí bị đẩy về phía đối lập, không thể hòa nhập và trở nên cô độc. Đến trường, cậu bé luôn bị thầy giáo quở trách và phải gánh chịu những hình phạt khắc nghiệt. Môi trường học tập ở trường không nuôi dưỡng được ước mơ trong tâm hồn của một cậu bé nhạy cảm, yêu thơ ca và thần tượng Balzac. Ngay cả khi viết về Balzac, người mà Antoine tôn thờ bằng cả lòng say mê tràn nhiệt huyết và thấm đẫm tính lãng mạn con trẻ thì những câu chữ của cậu học trò cũng đi chệch ra khỏi khuôn khổ của trường lớp. Những trò nghịch ngợm của các cậu học trò vừa thể hiện bản tính hiếu động hồn nhiên đang trỗi phát mạnh mẽ trong trẻ con ở lứa tuổi vị thành niên, nhưng cũng vừa là sự phản kháng nửa công khai, nửa ẩn ngầm đầy bạo liệt của đám trẻ nổi loạn khát thèm tự do. Những lời trách mắng, những hình phạt càng nặng nề, tàn nhẫn, càng ra sức thít chặt lấy Antoine thì cậu bé càng kháng cự và vùng thoát và càng bị đẩy ra xa dần chiếc ghế nhà trường. Cuộc trốn học để tận hưởng và khám phá thế giới thú vị trong những trò chơi của Antoine và cậu bạn Réne, những lần lấy cắp tiền của người lớn để tiêu vặt của đám trẻ con, sự tách dần của những nhóm học trò trong giờ học thể dục vào các con hẻm, ngã rẽ… là những chi tiết hợp thành bức tranh hí họa khắc vẽ nét tinh nghịch, lém lỉnh vừa đáng yêu nhưng cũng đầy “phản nghịch” của những đứa trẻ nổi loạn.

Từ trường học chuyển dịch về không gian trong gia đình, thế giới tinh thần bên trong của Antoine cũng rạn vỡ dần trong từng lớp bi kịch. Những cảm giác ban đầu về Antoine mà những chi tiết trên màn ảnh mang đến là các dấu hiệu cho thấy cậu bé thiếu thốn tình thương, sự quan tâm chăm sóc của người thân. Trong khi Antoine vội vã chuẩn bị một bàn ăn thịnh soạn với muỗng, nĩa và đĩa thì sau đó, ngược với mong đợi của nhân vật và của cả người xem, người mẹ lại mang ra món ăn lõng bõng nước. Thái độ chán nản thể hiện trên gương mặt cậu bé và người cha dượng và qua lời thoại giữa hai nhân vật này đã tự thân tái hiện sự lặp đi lặp lại liên tục và kéo dài của tình trạng này. Chỉ qua một bữa ăn tối, những cảnh phim đã đủ sức vẽ ra trước mắt người xem những bữa ăn tối từng diễn ra trong căn nhà chật chội ấy cũng như không khí, mối quan hệ giữa các thành viên thuộc cùng một gia đình này. Sự tinh tế của chi tiết xuất hiện một cách tự nhiên, đến mức gần như ngẫu nhiên, gắn chặt với nhịp hoạt động đời thường của nhân vật nhưng lại mang đầy ẩn ý nghệ thuật của tác giả khi muốn đặt vào ý thức của người xem thực chất tình trạng mối quan hệ giữa Antoine với người mẹ. Tiếng chào hồ hởi, vui mừng và đầy yêu thương của cậu bé khi thấy mẹ trở về nhà gần như trái ngược hẳn về thanh sắc với lời đáp hời hợt, nhạt nhẽo, ngắn gọn của người mẹ. Cảnh Antoine đi đổ rác dọc theo cầu thang tối và máy quay đi theo nhịp chân vội vã qua những vòng xoáy của bậc thang, qua những bóng tối… cũng đã cho thấy hình ảnh một đứa trẻ gần như đơn độc, bị bỏ mặc xúc cảm và bị “đàn áp” trong gia đình. Sự gắn kết lỏng lẻo giữa Antoine với mối dây ruột rà dần dần bị tuột đứt và rạn vỡ khốc liệt, tăng cấp dần khi Antoine nhìn thấy mẹ mình ngoại tình trên phố, sau hai lần bỏ nhà đi rồi bước đến con đường phạm tội, bị tạm giam và sau đó bị đưa vào trại lao động. Một người cha dượng phó mặc Antoine cho cảnh sát và một người mẹ lạnh lùng, xa cách, ích kỷ, cuối cùng cũng đã bộc lộ rằng bà chưa từng muốn có một đứa trẻ đã làm sụp đổ hoàn toàn thế giới tình thương sâu thẳm trong cậu bé. Mọi nỗ lực nhằm hàn gắn và níu kéo các mối quan hệ đều trở nên bất lực và rơi vào tuyệt vọng. Nếu trong lần đầu tiên Antoine bỏ nhà đi, người mẹ đã đến lớp tìm và đưa cậu bé về trong sự hối cải, nhung nhớ với tất cả hành động yêu thương hấp hổi, khiến Antoine gục đầu vào lòng mẹ và òa khóc thì trong lần ra đi thứ hai, mọi liên lạc dường như bị cắt đứt, cả Antoine và gia đình đều đoạn tuyệt lẫn nhau. Từ trường học, mái nhà, cậu bé bị ném dần ra đường phố, ra giữa xã hội loài người đầy bất trắc, bạo lực và trở nên trơ trọi, cô độc, phải tự mình chống cự và xoay xở để tiếp tục tồn tại. Danh tính “kẻ không thể cải tạo” (incorrigible) bị đóng dấu vào nhân phẩm của Antoine xuất phát từ nhận định của người mẹ, biến thành định kiến của những người đại diện cho pháp luật và của cả xã hội. Đi theo hành trình của đời sống, nhân vật bé nhỏ của The 400 blows không chỉ mang dáng vóc hình tượng một đứa trẻ bơ vơ bị từ khước mà còn là biểu trưng cho một con người cô đơn mang bi kịch bị chối bỏ.

Xây dựng hai tuyến không gian trường học và gia đình song song với nhau, Truffaut đã để các tình tiết sóng đôi nhau và cùng nhấn mạnh sự chệch choạc, tan rã, bị phá vỡ dần của con người trong các mối quan hệ. Khi hai môi trường này tương tác với nhau bằng sự gặp gỡ giữa người cha dượng, người mẹ với người thầy để “phanh phui” hành vi trốn học và nói dối đầy tội lỗi của Antoine thì theo bản năng tự nhiên, đứa trẻ phải đi tìm một lối thoát khác cho mình, một nơi trú ngụ khác. Tình bạn trong sáng và nhiệt thành của Réne chính là điểm tựa và là nơi ẩn náu đầy tình người nhất với Antoine. Cuối cùng, khi những sợi dây nối kết Antoine với cội rễ máu mủ ruột rà thiêng liêng cũng như với xã hội đều tàn lụi đi thì chỉ còn lại duy nhất một mấu nối với Réne là vẫn vẹn nguyên, bền vững. Thế nhưng, hai đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối và mong manh giữa thế giới rộng lớn, bề bộn và phức tạp không đủ sức bảo bọc, che chở cho nhau. Kế hoạch đánh cắp máy đánh chữ và đem bán để nuôi sống bản thân của hai cậu bé bị thất bại, đồng thời, tiếp tục đẩy Antoine vào một ngã rẽ tăm tối khác, lún sâu hơn vào bi kịch của chính mình. Đau xót hơn, giữa bối cảnh của trại lao động, đạo diễn đã để cho người mẹ và Réne cùng đến thăm Antoine như những hành vi tương đồng, xảy ra trong cùng một thời điểm, một không gian. Thế nhưng, sắc thái tình cảm của Antoine và kết quả của hành vi song song này lại hoàn toàn đối lập nhau. Antoine tha thiết gọi Réne và khát khao được gặp bạn nhưng lại hoàn toàn lạnh lùng, lãnh đạm khi ngồi đối diện với người mẹ, trong khi đó, Réne lại bị ngăn cấm không được vào thăm, lủi thủi ra về trên chiếc xe đạp. Nghịch lý tạo nên bởi sự song song và đối lập này càng khắc sâu thêm nỗi mất mát, tan vỡ không thể cứu vãn của Antoine trong trạng thái tâm hồn bị đóng băng và cô lập đến tận cùng.

Để tái hiện tình trạng lệch khớp và phát triển dần đến đổ vỡ giữa con người và con người trong xã hội, ống kính của The 400 blows không chỉ chú trọng trực diện vào nhân vật trọng tâm là con người mà còn thể hiện ý nghĩa này bằng cách thức xây dựng mối quan hệ giữa con người với đồ vật. Hầu như, trong hoạt động thường ngày của mình, con người với các vật thể xung quanh cũng không có sự tương thích. Từ đó, hành vi của họ trở nên chệch choạc, lúng túng và hỗn độn trước vật thể, không tự điều khiển chính mình và thế giới trong quá trình tương tác để tồn tại. Cú máy dài miêu tả cậu học trò dây mực ra quyển vở và cứ liên tục xé hết trang giấy này đến trang giấy khác cho đến khi chỉ còn lại tấm bìa cũng như hành vi đốt than và lau chùi bàn tay bẩn vào rèm cửa của Antoine vừa khắc họa sự vụng về đầy hài hước của trẻ con, nhưng cũng để vẽ nên một thế giới xáo trộn, mất thăng bằng. Chiếc áo rộng thùng thình và rách rưới mà Antoine mặc buổi tối, ngôi nhà chật hẹp ngổn ngang đồ vật và cái túi ngủ thắt bó, tạm bợ làm nơi ngủ của cậu bé… đã tạo dựng nên một cuộc sống tuềnh toàng, chểnh mảng, đồng thời ngột ngạt, bóp nghẹt con người. Ngọn nến thành kính trên bệ thờ thần tượng Balzac lại chính là nguyên nhân làm bùng phát lên ngọn lửa thiêu rụi dữ dội. Trò chơi cảm giác mạnh mà cậu bạn Réne đưa Antoine đến chơi cũng bộc lộ một thế giới chuyển xoay, chao đảo dữ dội. Máy quay đã tham gia hoàn toàn vào trò chơi này, thể hiện cả tốc độ, trường độ và cường độ của trò chơi, chuyển đổi góc quay ở các vị trí khác nhau: từ dưới lên để thể hiện sự cảm nhận của nhân vật khi tham gia vào trò chơi về đám đông đứng phía trên; và từ trên xuống, quay ngang mặt để khán giả cảm nhận cảm giác mất thăng bằng của nhân vật.

2.                  Nỗi đau của nổi loạn và bi kịch của trốn chạy

Sự nổi loạn của các nhân vật cũng là một yếu tố thể hiện tình trạng hỗn độn của đời sống. Ở những cảnh quay miêu tả sự nổi loạn tập thể này, máy quay thường thực hiện những cú máy dài theo các phương thức: dịch chuyển theo hành động của đám đông nhân vật (cảnh những cậu học trò chuyền tay nhau bức hình và chiếc gương đeo mắt), chuyển góc máy ra phía sau nhân vật, giữ nguyên góc quay tĩnh để lấy toàn cảnh (khuôn hình lấy toàn bộ bối cảnh chiều sâu của lớp học từ phía sau, thể hiện những tấm lưng của các cậu học trò đang chuyển động trong các động tác mang tính phá bĩnh, nghịch ngợm cùng chiều với tấm lưng của người thầy đang cắm cúi trên bục giảng), hoặc đưa góc máy từ vị trí ngang tầm lên cao dần bằng cần trục và thực hiện cú máy dài theo chân nhân vật (đoạn phim thầy giáo dạy thể dục cùng cả lớp dịch chuyển từ lớp học đến các con phố ở Paris và từng nhóm học trò lẻ tẻ, rải rác lỉnh trốn dần, cuối cùng, để lại trong khuôn hình từ một hàng dài đám đông chỉ còn lại người thầy và hai cậu học trò). Góc máy quay phối diễn với hành động nhân vật tạo nên tính hài hước, hóm hỉnh trong tư duy điện ảnh của Truffaut. Bên cạnh đó, những khuôn hình luôn chứa đựng sự đối lập giữa hai tuyến nhân vật: học trò và thầy giáo (người thầy chăm chú, cắm cúi ghi chép trong khi đám học trò nghịch phá, thầy giáo thực hiện những động tác chạy bộ chuẩn mực còn những cậu học trò chỉ di chuyển chậm chạp, thong thả…) cũng đã góp phần thể hiện tính kháng cự, bất hợp tác giữa các đối tượng trong không gian trường học bằng cái nhìn homour (hài hước). Antoine được khắc họa giữa đám đông tập thể này, vừa là nhân vật mang nét chung của cả đám đông nhân vật, vừa nổi bật như một cá tính điển hình trong trạng thái phi hòa hợp với môi trường xung quanh. Điểm đặc biệt trong phong cách của Truffaut là ở nhiều đoạn phim, đạo diễn cố ý hoàn toàn bỏ rơi nhân vật chính và tái hiện những cảnh quay tưởng như rời ra, đi lệch ra khỏi trung tâm câu chuyện, dường như không tham gia đóng vai trò thúc đẩy cốt truyện phát triển. Thế nhưng, sự tương đồng giữa nhân vật chính và đám đông tập thể, chất hài hước của các chi tiết, các cảnh quay đã tái hiện đời sống trong thể trọn vẹn của nó, tạo nên những khoảng chùng giãn cho câu chuyện, đồng thời, gắn kết các trường đoạn thành một chuỗi hoàn chỉnh, thống nhất trong mối quan hệ soi chiếu và tô đậm lẫn nhau.

Đứng trước hiện trạng đời sống rã nát ấy, nhân vật đã lựa chọn cách thức ứng xử là sự trốn chạy để vượt thoát khỏi hoàn cảnh thực tại. Từ hai lần bỏ nhà ra đi và ẩn trốn ở xưởng vẽ rồi đến nhà Réne cho đến cuộc trốn chạy cuối cùng khỏi trại lao động, tính bộc phát trẻ con trong Antoine mờ dần và chuyển dịch đến ý thức kháng cự mạnh mẽ để tồn tại của con người. Nhận thức tình thương phai nhạt đến tàn nhẫn của người mẹ, trạng thái cô độc, lạc lõng của chính mình, cậu bé đã bỏ trốn một cách đột ngột như không hề có sự dự định, toan tính trước khi đang tham gia chơi bóng đá với các trại viên. Trước đây, khi khu xưởng dơ bẩn, hỗn độn và căn phòng của Réne không thể là nơi trú ngụ lâu dài và yên ổn cho Antoine, máy quay đã từng đi theo những bước chân không định hướng của cậu bé trong đêm, giữa Paris để tìm nơi ẩn nấp một cách điên cuồng. Đến cuối phim, cú máy dài tiếp tục theo nhân vật chạy qua những hàng cây, trảng cát, dọc theo bờ biển với góc quay ngang tầm, song song đồng hành với nhân vật và hiện lên hình ảnh Antoine từ phải sang bộc lộ rõ hành vi trốn chạy của cậu bé giữa bối cảnh thiên nhiên rộng lớn, dọc dài. Trong đó, có một đoạn máy quay vượt lên trước và bỏ quên nhân vật, hoàn toàn chỉ để lại trong khuôn hình hình ảnh thiên nhiên với bãi cát và núi non khoáng đãng chạy dọc ra phía trước, liên tiếp miên man. Cảnh quay này gợi nhắc sự liên tưởng đến cú máy dài đầu phim khi đạo diễn tái hiện bối cảnh Paris với những dãy nhà nối tiếp và hàng cây mùa đông trơ trụi cùng ngọn tháp Eiffel sừng sững, cao ngất trở thành điểm trung tâm xuất hiện trong tất cả các khuôn hình liên tiếp. Cả hai không gian này, không gian đô thị của con người và không gian thiên nhiên, đều được máy quay khai thác theo chiều dọc bằng cú máy dài như đi lướt, không đứt đoạn mà liên chuyển, phối hợp với nhạc điệu tạo thành một nhịp tiết quyện lẫn hài hòa giữa âm thanh và hình ảnh. Không gian Paris với những hình khối cong nối tiếp, không gian bãi cát, dòng sông trải rộng lấp đầy khuôn hình. Tuy vậy, trong cả hai không gian ấy, Antoine đều không tìm ra nơi ẩn náu và rơi vào tình trạng bất định, cô độc, lạc lõng. Khuôn hình cuối cùng kết thúc bộ phim là một trong những điểm nhấn vừa mang tính kỹ thuật, vừa đậm tính nghệ thuật độc đáo đã từng khiến giới tiếp nhận xôn xao và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử điện ảnh thế giới. Cú ngắt phim bất ngờ để lại trên màn ảnh khuôn mặt Antoine đứng tĩnh đột ngột được tạo ra từ trạng thái zoom gần của camera đã phong kín toàn bộ hành trình tiếp diễn của cốt truyện, của hành động nhân vật. Khuôn hình đóng băng này (freeze-frame) như một cuộc đối thoại trực diện với người xem, cuốn hút mạnh mẽ sự chú tâm cũng như trạng thái cảm xúc của khán giả vào màn ảnh. Cả nhân vật và người xem cùng đối mặt với tình trạng bế tắc, mất định hướng và không nơi ẩn náu sau một hành trình trốn chạy kéo dài. Sự đông cứng khuôn hình cũng tạo nên sự hội tụ và dồn đọng cảm giác, tạo nên một hiệu ứng thị giác mãnh liệt nơi người xem.

Đặt bộ phim này vào mối tương quan so sánh với Thời thơ ấu của Ivan của đạo diễn người Nga Tarkovsky, có thể thấy rằng hai đạo diễn phim có nhiều điểm tương đồng cũng như khác biệt trong cách thức dàn dựng hình thành nên hai trường phái sáng tạo riêng. Trước hết, có thể thấy rằng Tarkovsky và Truffaut đã gặp gỡ ở đề tài về trẻ em vị thành niên, hướng đến tái hiện đời sống tinh thần sâu thẳm và trừu tượng bên trong của con người, không chú trọng đến cốt truyện mà tập trung vào tạo dựng chi tiết bằng ngôn ngữ của hình ảnh. Thế nhưng, nếu đạo diễn người Nga thể hiện bằng thế giới hiện thực và thế giới mơ ảo, thế giới tưởng tượng trong tâm tưởng nhân vật thì nhà đạo diễn người Pháp lại hoàn toàn xoáy sâu vào hành động hiện thực của nhân vật dàn trải theo nhịp chuyển động gần khớp với chuyển động rời rạc, chậm chạp, tủn mủn của đời sống ngày thường. Máy quay như ghi lại hiện thực một cách tự nhiên, diễn viên dường như hoạt động chứ không phải là diễn xuất. Vì vậy, xuyên suốt bộ phim, gần như rất ít xuất hiện cảnh quay cận cảnh mà hấu hết là quay trung cảnh và toàn cảnh. Gương mặt diễn viên ít hiện ra rõ nét, trọn vẹn nhằm bộc lộ diễn biến tâm trạng mà người xem chủ yếu hấp thụ tâm lý nhân vật qua hành động, lời thoại của nhân vật. Thời gian truyện kể cũng như cốt truyện diễn biến rất chậm, hầu như ít biến động nhưng chi tiết hành động và đối thoại của nhân vật lại rất nhiều và diễn ra nhanh. Hành động của cá nhân nhân vật trung tâm, của tập thể đám đông… nối kết chặt chẽ với nhau để thể hiện nội dung tác phẩm trong một cốt truyện gần như lỏng lẻo, dàn trải. Sau khi chứng kiến cảnh mẹ mình ngoại tình ngoài đường phố, vào buổi tối, trong lúc chuẩn bị bữa ăn với người cha dượng, Antoine đã để người xem cảm thấu tâm trạng của mình khi nhìn hành động và lắng nghe lời thoại của cậu. Hai cha con quay lưng vào với nhau, không ai nhìn thấy mặt ai và khán giả cũng chỉ có thể nhìn thấy một nửa gương mặt nhân vật với góc quay thẳng từ phía bên hông. Trong cuộc thoại có nội dung nói về người mẹ, hành động lấy trứng của Antoine diễn ra chậm chạp, ngập ngừng bộc lộ ẩn khúc trong tâm trạng cậu bé. Cảm xúc này dâng đến cao trào khi người cha nói rằng: “Mẹ rất yêu con” và Antoine cười phá lên bằng một chuỗi âm thanh ngắc ngứ, trống rỗng, to nhưng đứt quãng và đầy giả tạo.

3.                  Nghịch lý từ cấu trúc song trùng

99 phút phim chứa đựng nhiều chi tiết, nhưng từng chi tiết đều được xử lý chặt chẽ, chắt lọc, cô đúc và toát lộ ý nghĩa riêng trong nội tại bản thân, đồng thời, tương tác với các chi tiết khác. Tư duy điện ảnh độc đáo và nhạy bén của Truffaut đã tạo ra các dạng thức cấu trúc đa dạng cho chi tiết, từ đó hình thành nên tính đa sắc thái, đa ý nghĩa của chúng. Cấu trúc song trùng đã mang lại cho một câu thoại những tầng nghĩa nhiều sức gợi. Để đưa ra lý do cho buổi trốn học, Antoine đã nói với thầy giáo rằng: “Mẹ em chết rồi!”. Câu thoại này tạo ra sắc thái hài hước khi đặt nó vào tình cảnh một đứa trẻ nói dối để biện minh cho hành vi của mình, nhưng đồng thời lại đầy sắc thái bi kịch, xoáy sâu và bộc lộ trọn vẹn nỗi đau, nỗi ám ảnh trong Antoine khi nhìn thấy mẹ mình hôn một người đàn ông ngoài đường. Tiếp theo đấy, nhân vật người mẹ đã lặp lại câu thoại này bằng một câu hỏi: “Tại sao nó lại nói dối là mẹ chết chứ không phải là bố chết?” thì bản thân câu thoại lại một lần nữa được tô đậm tính bi kịch trong bản thân, đặt các nhân vật vào trạng thái đối diện với nhau và với chính mình. Cũng tương tự như vậy, trong đêm bị tạm giam, Antoine đã giải thích với một tên bị giam cùng buồng rằng cậu bé phạm tội vì đã “bỏ nhà ra đi”. Như vậy, không phải hành vi ăn cắp cái máy chữ đã đẩy cậu vào cảnh tù tội bi thảm này mà tận trong sâu thẳm, chính sự tan vỡ của mối quan hệ ruột rà mới là nguyên nhân gốc rễ gây nên tình cảnh này. Bên cạnh đó, cấu trúc song song – tương đồngsong song – đối lập cũng tạo hiệu ứng tương tác giữa các chi tiết một cách ấn tượng. Những hành động nổi loạn song song và trùng lắp nhau, mang tính lặp lại của đám học trò đã mang lại nhiều cảnh phim hài hước, thú vị về thế giới tinh nghịch của trẻ thơ. Trong buổi sáng trốn học đi chơi và nhìn thấy mẹ ngoại tình, cả Antoine và người mẹ đều cùng được đặt vào cả hai vị trí: phạm tội và chứng kiến hành vi phạm tội của người kia. Tình huống này đã đặt hai nhân vật vào trạng thái tréo ngoe, tiến thoái lưỡng nan, vừa hài hước lại vừa bi kịch. Tội lỗi của người này lại là sự ràng buộc tội lỗi của người kia. Các chi tiết song song nhưng được đặt vào trạng thái tương phản cũng tạo nên sự vỡ òa tính chất kịch tính của tình huống và đánh thức sự suy ngẫm của người xem về chi tiết. Trong đêm đầu tiên Antoine trốn nhà ra đi, Truffaut đã để trên đường phố một cô gái xinh đẹp đi tìm con chó bị thất lạc như một chi tiết ngẫu nhiên, tình cờ, vụn vặt. Thế nhưng, soi rọi chi tiết này vào tình trạng lang thang, bất định, không nơi nương thân và không người tìm kiếm của Antoine thì tất cả chất chua xót, đau đớn của hình ảnh toát lộ ra một cách tê tái. Trong đoạn phim dựng cảnh đi xem múa rối, đạo diễn cũng đặt hai gương mặt Antoine và Réne bên cạnh hàng trăm gương mặt trẻ con trùng điệp, xen lẫn vào nhau. Giữa bối cảnh này, sự hồn nhiên, ngây thơ đã mất ngay giữa thời thơ ấu của Antoine hiện lên rõ rệt, hữu hình trong trạng thái tương phản giữa gương mặt vô cảm, chán nản của cậu bé với gương mặt của đám đông những đứa trẻ đang chăm chú, căng thẳng và tràn đầy cảm xúc theo câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu. Một quãng đời thơ ấu trong trẻo, tinh khôi của Antoine đã thực sự chấm dứt và kết thúc theo đúng nghĩa của nó và cậu bé buộc phải đi sang một bước ngoặt mới đầy trắc trở, nguy biến với nhiều nỗi đau của thân phận con người.

Từ góc nhìn mang tính thị giác, màu sắc của bộ phim với nước phim tối, sẫm màu cũng khiến cho không gian bối cảnh trở nên chật chội, thu hẹp hơn, mang lại không khí u ám, tối tăm bao trùm lên đời sống của nhân vật. Thậm chí, đạo diễn còn tạo dựng cả một khuôn hình tĩnh, kéo dài chỉ có bóng tối phủ kín. Đấy là trong đêm người vợ phản bội chồng trở về muộn, máy quay sau khi lấy trung cảnh nửa thân dưới của nhân vật nữ với bàn chân rón rén bước qua bậc cửa liền chuyển sang bối cảnh gian buồng ngủ của Antoine. Lúc này, tiếng cãi vã của đôi vợ chồng trở thành âm thanh ngoài khuôn hình và bóng tối ngập tràn màn ảnh là bóng tối trong chiếc túi ngủ chật hẹp, tù túng, bóng tối của một hoàn cảnh ngột ngạt đến nghẹt thở của gia đình mà đứa trẻ phải chịu đựng, bóng tối của tâm trạng con người. Ở đoạn người mẹ vào thăm Antoine trong trại lao động, ánh sáng được tạo dựng một cách tinh tế, ấn tượng. Gương mặt người mẹ chỉ được quay từ phần mũi đến chiếc nón rộng vành phía trên. Nhân vật vẫn đang đối thoại nhưng khuôn hình hoàn toàn tái hiện một gương mặt tĩnh, bóng tối từ chiếc nón phủ xuống trán và đôi mắt nổi rõ trên khuôn mặt thể hiện sự lạnh lùng, tàn nhẫn và khoảng cách xa xôi giữa hai mẹ con khi tình mẫu tử đã bị đứt lìa. Ở phía đối diện, Antoine hiện ra trong ánh sáng tương phản mạnh, toàn bộ bối cảnh bao quanh cậu bé chìm trong màu đen thẫm và gương mặt nhân vật nổi rõ giữa không gian đầy ám ảnh với vẻ lãnh đạm, lạnh lùng, vừa cương nghị vô cảm, vừa đau đớn uất hận. Khi máy quay dịch chuyển về phía người mẹ, ánh sáng tương phản được giảm đi và chiếc tủ sau lưng nhân vật hiện ra trong bối cảnh ánh sáng khuếch tán. Hình dáng người mẹ hòa vào bối cảnh xung quanh chứ không mang hiệu quả tách biệt rõ rệt tạo ấn tượng thị giác mạnh như hình ảnh của Antoine. Ánh sáng đã tham gia vào việc khắc họa tâm trạng của nhân vật và trạng thái mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau.

Với khuynh hướng tự thuật, Truffaut đã lặn sâu vào chính bản thể của mình với hồi ức và ẩn ức tuổi thơ để mang lại một kiệt tác cho nền điện ảnh thế giới The 400 blows. Thế nhưng, câu chuyện về quãng đời đầy biến động của một đứa trẻ không chỉ khuôn mình trong trạng thái bé nhỏ của một tự truyện bằng màn ảnh mà là một bức tranh hiện thực tinh thần của một thời đại sau chiến tranh. Trong thời đại ấy, con người mất mát, khủng hoảng tinh thần trước một thế giới đổ vỡ, hỗn độn, thế giới không còn vận hành theo quy luật vốn có. Cuộc trốn chạy cũng chính là hành trình đi tìm lối thoát phi định vị, rơi vào quẩn quanh và bế tắc. Đồng thời, cùng với câu chuyện ấy, Truffaut lại khai phóng cả một thời đại mới cho lịch sử điện ảnh Pháp nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung, dấy lên cả một làn sóng nghệ thuật mới mẻ, có sức ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn và lâu dài. Cơn quẫn bách của thời đại đã nhận mặt những thiên tài sáng tạo và Truffaut với The 400 blows là một trong những gương mặt độc đáo đó.

 

Tài liệu tham khảo

1.         Bordwell, David and Thompson, Kristin (2004), Film Art: An Introduction, The McGraw – Hill companies

2.         Buckland, Warren (2003), Film Studies, Mc – Graw Hill

3.         Corrigan, Timothy (2008), A Short Guide to Writing about Film, nhóm học viên Dự án điện ảnh Khóa 3 dịch, Dự án điện ảnh, Hà Nội

4.         Chaudhuri, Shohini (2005), Contemporary World Cinema, Edinburgh University Press.

5.         Hayward, Susan (2003), Cinema Studies: The Key Concepts, Routledge

6.         Mác xen mác tanh (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội dịch) (2006), Ngôn ngữ điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội

7.         Tập thể tác giả (dịch) (2008), Nghệ thuật điện ảnh, Nhà xuất bản Giáo dục

8.         Đoàn Minh Tuấn (2008), Những vấn đề lý luận kịch bản phim, Nhà xuất bản văn hóa thông tin

9.         Stam, Robert (2004), Film Theory: an Introduction, Blackwell Publishing

 

 

                                                                                                      (Hồ Khánh Vân, TC VH-DL số 8, tháng 1/2013)