10102024Thu
Last updateWed, 09 Oct 2024 1pm

Tên cây gốc Khmer trong địa danh Nam Bộ

 (Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 908, ngày 1-11- 2015, tr. 16, 17 và 26)

Sau hơn 300 năm cộng cư với người Khmer, người Việt đã tiếp thu một số từ chỉ tên các loại cây của người Khmer cho tiện việc sử dụng. Nhiều tên cây đã biến thành địa danh nên dù cây đã không còn nhưng vẫn tồn tại trong địa danh.

An Ka là làng ở tỉnh Sóc Trăng. An Ka gốc Khmer Bâng Ansna, nghĩa là “bưng cây chà là”.

An Nô vừa là tên làng vừa là tên cầu trên tỉnh lộ 935, ở tỉnh Sóc Trăng, dài 12,6m.

An Nô gốc Khmer Bâng Sno, nghĩa là “rạch điên điển”.

Ba Rinh là cầu trên tỉnh lộ 939B, tỉnh Sóc Trăng, dài 36,56m. Ba Rinh còn là chợ ở xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cũng gọi là Ba Trinh.

Ba Trinh là xã thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, diện ích.3.869ha, dân số 19.383 (2006). Ban đầu Ba Trinh là vùng rộng lớn nên chia làm 2 làng Ba Trinh và An Trinh (năm 1889). Sau 7 năm chia hai mà quản lý không hiệu quả, năm 1896, hai làng nhập một thành Ba Trinh cho đến nay. Ba Rinh và Ba Rinh gốc Khmer Pring, là “cây gỗ vùng nước ngọt, thân thẳng, hạt lúc chín màu tím đen, ăn được”.

Cà Săng là rạch ở tỉnh Sóc Trăng. Cà Săng gốc Khmer Cro Săng, là loại cây có quả tròn, vỏ dày, ruột trong có chất chua dùng để nấu canh.

Rạch Chiếc là ấp của xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Rạch Chiếc còn là cầu bắc qua rạch Chiếc, nằm ở ranh giới các quận 2, 9, Thủ Đức, TP. HCM, dài 149,2m, rộng 17,5m, được xây năm 1961. Sát trước ngày 30-4-1975, một trận đánh ác liệt đã diễn ra giữa Quân giải phóng và quân đội VNCH để giành quyền kiểm soát cầu này. Có người ghi chiết. Cầu mới xây hai bên cầu cũ, dài 295m, rộng 9,8m, hai đường dẫn vào cầu dài 433m, thông xe ngày 25-12-2012.

            Rạch Chiếc còn là sông ở  xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, dài 4.200m, rộng 25m, sâu 3,5m. Rạch Chiếc gốc Khmer, dạng ban đầu là Prêk Cèk, nghĩa là “dòng sông nhỏ có mọc nhiều cây chiếc”-một thứ cây thấp, lá lớn, thường mọc ở vùng nước lợ, lá vị chát, có thể ăn như rau. Nên viết chiếc vì tên gốc tận cùng bằng –k.

Lâm Vồ là địa điểm ở tỉnh Trà Vinh, là giồng ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là kinh ở  xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dài 1.420m, rộng 5-6m, đào trước năm 1975. Lâm Vồ còn là suối ở tỉnh Tây Ninh và là kinh ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, dài 15km, rộng 15m. Lâm Vồ gốc Khmer Đam Pồ, là cây bồ đề.

Bến Lức là cầu (cũ) trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An, dài 549m, xây dựng trong các năm cuối thế kỷ 20. Cầu (mới) trên đường cao tốc TP. HCM-Trung Lương, bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Bến Lức, xây trong các năm 2004-2009, dài 400m, rộng 12m.

Ngày 11-3-1977 nhập hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa thành huyện Bến Thủ; đến ngày 14-1-1983 lại tách thành hai huyện như cũ.

Bến Lức còn là sông nhánh của sông Vàm Cỏ Đông, dài 19km, chảy trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An và huyện Bình Chánh, TP. HCM.

Bến Lức vừa gốc thuần Việt vừa gốc Khmer, là “bến có nhiều cây lứt”. Lứt (lức) gốc Khmer Rolưk là một loại cỏ lá nhỏ, mọc theo bờ nước, rễ là vị thuốc sài hồ. Tên dịch ra từ Hán Việt của Bến Lức là Lật Giang.

Cần Giuộc là huyện của tỉnh Long An, diện tích 209,9km2, dân số169.000 người (2009), gồm thị trấn Cần Giuộc và 16 xã. Cần Giuộc còn là sông chảy từ Chợ Đệm, TP. HCM đến cửa Soài Rạp, dài 38km. Sông này chứng kiến trận tấn công đồn Tây của quân dân Cần Giuộc đêm 16-12-1861 và đã đi vào tác phẩm bất hủ Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Cần Giuộc gốc Khmer Kantuôt, nghĩa là “cây chùm duột”. Sở dĩ có tên gọi này vì nơi đây cây chùm duột mọc rất nhiều và rất tốt. Còn gọi là cây tầm giuột, tầm ruột. Ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có cầu Tầm Ruột, rạch Tầm Ruột Nhỏ; ở huyện Mang Thít, tỉnh này  có rạch Tầm Giuột.

Cần Súc là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Cần Súc gốc Khmer Nchuôk, nghĩa là “cây sen”.

Cần Thăng là rạch và cầu ở phường 6, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Cần Thăng là loại cây cao đến 15m, nhánh ngang, trái to bằng trái mít.

Gò Vấp là chợ ở phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM, có từ năm 1897. Năm 1990, chợ được xây dựng lại với 484 sạp trong nhà lồng và hơn 1.000 bạn hàng có sạp lộ thiên phía ngoài. Đây là chợ chính của quận nhưng thuộc loại vừa. Tên chợ do tên vùng mà ra.

Gò Vấp ban đầu là quận của tỉnh Gia Định, lập ngày 29-4-1957, gồm tổng. Bình Trị Thượng với 8 xã. Về sau là quận của TP.HCM, diện tích 19,7km2, dân số 522.690 người (2009), gồm 12 phường: 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, 12, 13, 15, 16, 17, đến cuối năm 2006, thêm 4 phường 6, 8, 9, 12. Địa danh này đã xuất hiện trước năm 1820, được gọi là quận từ năm 1917.

Gò Vấp có âm gốc là Gò Vắp, vừa thuần Việt vừa gốc Khmer. Vắp là tên cây, âm gốc là Kompăp, một loại cây cứng như lim. Gò Vắp là “gò có nhiều cây vắp”.

SÓC CHÉT

1)Chợ ở xã Long Giang, h. Chợ Mới, t. An Giang. Cũng viết Sóc Chéc.

2)Ngọn ở h. Chợ Mới, t. An Giang.

Sóc Chét gốc Khmer Srôk Chêk, nghĩa là “xóm  chuối”.

SÓC DONG

Địa điểm ở h. Long Phú, t. Sóc Trăng. Cũng viết Sóc Dông.

Sóc Dong nửa gốc Khmer nửa gốc TV, nghĩa là “xóm cây vông đồng”.

Xoài So là hồ ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xoài So gốc Khmer Tvay So, nghĩa là “xoài trắng”.

Xà Mách là cầu bắc qua kênh Xà Mách, ở các xã An Thạnh Trung, Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Kênh dài 4.528m, rộng 5-6m, sâu 0,3m, đào năm 1996. Xà Mách còn là suối ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Viết nhầm Sà Mách. Xà Mách gốc Khmer x’math, nghĩa là “cây tràm”.

Xoài Cà Lâm là kênh ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, dài 1.500m, rộng 5m, sâu 1,2m, đào năm 1984. Xoài Cà Lâm có âm gốc là xoài cà lăm, “thứ xoài cây to, sai trái; trái nhỏ hơi giẹp, hột to, chỉ ăn sống”.

Rọc Xây là xóm ở xã Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Rọc Xây gốc Khmer Srôk Rưsei, nghĩa là “xóm Tre”.

Hiện tượng vay mượn từ và ngữ của nhau phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Hiện tượng này giúp cho mỗi ngôn ngữ ngày càng phong phú về từ vựng và là sợi dây kết nối tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em.