20042024Sat
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Bán đảo Triều Tiên trong quan hệ với các cường quốc

                                                     (Lê Tiến Linh Giang, Tạp chí Văn hoá  và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013)
                                                                                          TÓM TẮT

Bài viết nghiên cứu sự tác động, ảnh hưởng của Liên Xô và Mỹ đến bán đảo Triều Tiên. Từ đó cho thấy hai cường quốc này đã đóng vai trò là những nhân tố chính trong việc hình thành hai chính quyền nhà nước ở hai miền bán đảo Triều Tiên. Quyền quyết định không còn thuộc vào dân tộc Triều Tiên mà do Mỹ và Liên Xô chi phối. Bán đảo Triều Tiên như thân phận nước nhỏ trên bàn cờ chiến lược. Triều Tiên vẫn chưa được thống nhất, nỗi đau chia cắt vẫn còn đó.

THE KOREAN PENINSULA IN RELATION WITH POWERFUL NATIONS

Abstract

           This article studies the impact of the Soiviet Union and the United States upon the Korean Peninsula, which led to the conclusion that those two powerful nations played the key part in creating two governments in the two parts of Korea. Therefore, the Korean people have no control of their politics, which has been lost to the Soviet Union and the United States. Has borne the fate of a weak nation on the political chess and not been re-united, Korea still suffered the pain of separation.


 

(Ảnh: Triều Tiên - North Korea)

***

1. Trong nhiều thế kỷ qua, loài người đã sử dụng các tấm bản đồ phân chia lãnh thổ thế giới dựa trên yếu tố chính trị. Trật tự này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình chính trị của nhiều quốc gia, trong đó có bán đảo Triều Tiên. Ngày 15/08/1945, Triều Tiên thoát khỏi ách thống trị thực dân của Nhật Bản. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thể thống nhất mà bị chia cắt thành hai chính thể ở hai miền Nam - Bắc.

Trong khi hầu hết những quốc gia trước đây bị chia cắt hai miền như Đức, Việt Nam đều đã thống nhất thành một thể chế quốc gia duy nhất, chỉ còn lại bán đảo Triều Tiên là vẫn đang phải gánh chịu nỗi đau chia cắt. Vậy, đâu là nguyên nhân? Đó có phải là do sự khác biệt quá xa về hệ tư tưởng giữa các lực lượng chính trị ở hai miền, hay đó chính là hệ lụy từ quá trình tác động của các thế lực cường quốc lên bán đảo Triều Tiên?

Chúng ta cùng lần giở lại lịch sử để tìm hiểu căn nguyên sâu xa của thực trạng này.

2. Đầu năm 1945, khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đi vào giai đoạn cuối, trong nội bộ phe Đồng minh xuất hiện nhiều mâu thuẫn gay gắt, cần phải giải quyết như những vấn đề: tổ chức lại trật tự thế giới mới sau chiến tranh; phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng của các nước đồng minh ở các nước bại trận và các nơi khác; nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương… Để giải quyết những vấn đề này, hội nghị cấp cao ba cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô đã được tổ chức tại thành phố Yalta. Thực ra, bản chất của cuộc hội nghị Yalta này chính là cuộc tranh giành và phân chia thành quả thắng lợi của chiến tranh giữa các lực lượng tham chiến, từ đó đã tạo ra một trật tự thế giới mới.

Do có vị trí địa lý chính trị quan trọng, là trung tâm của Đông Bắc Á nên bán đảo Triều Tiên đã nhanh chóng trở thành mảnh đất có sức thu hút mạnh mẽ đối với các cường quốc. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Tổng Tư lệnh quân Đồng minh tuyên bố bán đảo Triều Tiên sẽ bị chia cắt ở vĩ tuyến 38 để dễ dàng giải giáp quân đội Nhật. Theo đó, Liên Xô chiếm đóng phía Bắc bán đảo Triều Tiên, còn quân đội Mỹ chiếm đóng tại phía Nam bán đảo. Thực chất, lập ra vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, Liên Xô và Mỹ đều muốn tạo thêm đồng minh để bành trướng thế lực ở Đông Bắc Á.

Cũng trong thời gian này, sau khi bán đảo Triều Tiên thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật, có 50 đảng phái chính trị hình thành và bắt đầu củng cố thế lực. Đa phần các nhà lãnh đạo các đảng này trở về Triều Tiên sau thời gian sống lưu vong tại nước ngoài nên có sự khác biệt về hệ tư tưởng. Xã hội Triều Tiên hình thành hai thế lực chính trị đối lập nhau. Trong khi lực lượng chính trị cánh tả muốn bán đảo Triều Tiên tiến lên theo con đường Xã hội chủ nghĩa thì lực lượng cánh hữu lại muốn xây dựng đất nước theo thể chế chính trị dân chủ tự do kiểu phương Tây.

Ngày 12/12/1945, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ba cường quốc Mỹ, Liên Xô, Anh đã ký thỏa ước: “Bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia độc lập sau 5 năm chịu thác quản chung của Mỹ – Liên Xô – Anh – Trung Quốc”. Để thực hiện thỏa ước, tháng 3/1946, Hội đồng Liên ủy Mỹ – Xô đã được triệu tập tại Seoul để giúp Triều Tiên thiết lập một chính quyền nhà nước thống nhất trên bán đảo. Tuy nhiên, cuộc họp này đã không đạt được thỏa thuận nào bởi sự bất đồng ý kiến giữa Đảng Quốc dân và Đảng Dân chủ bảo thủ Triều Tiên: Lý Thừa Vãn ủng hộ bầu cử và thiết lập một chính quyền ở Nam bán đảo; còn Kim Nhật Thành nhận định rằng Mỹ đang bành trướng thế lực ở miền Nam và không chấp nhận Hiệp thương với miền Nam để tiến hành bầu cử trên toàn bán đảo Triều Tiên.

3. Sau khi bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý cho vấn đề bán đảo Triều Tiên, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã chấp nhận giải pháp của Mỹ đề ra, đó là tiến hành tổng tuyển cử trên toàn bán đảo dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Triều Tiên. Mặc dù gặp phải sự phản đối của Bộ Tư lệnh quân đội Liên Xô ở Bắc Triều Tiên, nhưng Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vẫn tiến hành tuyển cử ở những vùng có thể thực hiện được. Theo đó, cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành vào ngày 10/05/1948 tại những tỉnh nằm ở phía Nam vĩ tuyến 38, bầu ra Hội đồng dân tộc và xây dựng hiến pháp ngày 12/07/1948. Ngày 15/08/1948, chính quyền nhà nước Đại Hàn Dân Quốc theo chế độ Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời, đứng đầu là Tổng thống Lý Thừa Vãn.

Dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, các đảng phái và tổ chức dân chủ ở Bắc Triều Tiên cũng tiến hành họp Hội nghị Liên tịch, bầu cử Quốc hội tối cao, thống nhất Đảng Công nhân Triều Tiên, thành lập Mặt trận Dân chủ yêu nước và tiến hành xây dựng nhà nước. Ngày 25/08/1948, cuộc bầu cử “Hội đồng nhân dân Triều Tiên” (Quốc hội Bắc Triều Tiên) đã diễn ra với 212 đại biểu miền Bắc và 300 đại biểu miền Nam, đa số là người của Đảng Cộng sản hoặc có cảm tình với Đảng Cộng sản. Đến ngày 09/09/1948, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được thành lập, tiến lên theo con đường Chủ nghĩa xã hội, đứng đầu là Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Như vậy, sau khi đẩy lùi được đế quốc Nhật, bán đảo Triều Tiên đã có cơ hội tiến hành xây dựng đất nước và chung tay hợp sức nâng cao vị trí của mình trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, với việc thành lập hai chính quyền nhà nước ở hai miền bán đảo, dân tộc Triều Tiên lại phải gánh chịu đau thương một lần nữa, đó là nỗi đau chia cắt dân tộc.

Có thể nói, vào thời điểm này, vấn đề Triều Tiên đã không còn có thể giải quyết trong khuôn khổ dân tộc Triều Tiên, về cơ bản đã trở thành vấn đề mang tính quốc tế, vượt ra ngoài biên giới Triều Tiên. Chính sự mâu thuẫn giữa các thế lực ngay trong nội bộ dân tộc Triều Tiên đã tạo tiền đề, cơ hội cho các siêu cường lợi dụng để chi phối mạnh mẽ đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

4. Thật sự, những mâu thuẫn nội bộ này dù có lớn đến đâu, dù có sâu sắc đến mấy cũng không thể khiến dân tộc Triều Tiên tự xẻ đôi đất nước nếu không có sự can thiệp của các cường quốc. Các lực lượng chính trị trong nước dù có hùng hậu đến đâu, dù có phát triển đến mấy cũng không đủ tiềm lực và khả năng để xây dựng hai chính quyền trên hai miền bán đảo nếu không có sự viện trợ, giúp đỡ của các thế lực bên ngoài.

Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, “trật tự hai cực” được thiết lập với hai hệ thống chính trị: Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa tư bản với hai đại diện tiêu biểu là Liên Xô và Mỹ. Liên Xô và Mỹ là hai thực thể tương đối cân bằng cả về sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự lẫn vị thế - uy tín trên trường quốc tế. Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Liên Xô, các nước như Tiệp Khắc, Bungari, Hungari, Anbani… ở Đông Âu cũng lần lượt hoàn thành các cuộc Cách mạng dân chủ nhân dân và bắt đầu bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Để đối phó với sự lớn mạnh của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa, các nước đế quốc mà đứng đầu là Mỹ đã bắt đầu thực hiện một chính sách thù địch mới. Tháng 03/1947, Tổng thống Truman chính thức phát động cuộc Chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa, đàn áp phong trào Cách mạng thế giới. Qua đó, Mỹ khống chế các nước đồng minh phương Tây, từng bước thực hiện tham vọng bá chủ toàn cầu của mình.

Sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ đạt đến cao điểm ở thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến tranh này tuy không có tiếng súng và không đổ máu, nhưng nó lại là nguyên nhân bùng nổ của các cuộc chiến tranh cục bộ, chiến tranh nóng ở một số vị trí chiến lược trên bàn cờ quốc tế, lôi kéo nhiều quốc gia tham gia. Các quốc gia bị lôi kéo, hoặc đứng về phía Liên Xô chống Mỹ, hoặc đứng về phía Mỹ chống lại Liên Xô. Nhiều quốc gia, khu vực đã trở thành đối tượng chính cho chiến lược của Mỹ và Liên Xô, trong đó có bán đảo Triều Tiên. Cũng giống như đối với nước Đức ở Châu Âu, hai nước Liên Xô và Mỹ vì lợi ích chiến lược riêng đã giúp đỡ xây dựng chính quyền trong khu vực chiếm đóng của mình trên bán đảo Triều Tiên. Nói một cách khác, việc chia cắt bán đảo Triều Tiên chính là cụ thể hóa tình trạng căng thẳng đối đầu giữa hai phe Yalta, mà trong đó Liên Xô và Mỹ là hai chủ thể quan trọng nhất.   

4.1 Nói về ảnh hưởng của Mỹ ở miền Nam Triều Tiên. Trong Hội nghị Cairo (11/1943), Mỹ – Anh – Liên Xô đã cùng cam kết rằng bán đảo Triều Tiên sẽ được tự do và độc lập vào thời điểm thích hợp. Tại Hội nghị Matxcơva tháng 12/1945, Mỹ lo ngại Liên Xô có thể giành lấy cơ hội gây ảnh hưởng tại khu vực Đông Bắc Á sau khi Nhật rút, nên đã chủ trương trì hoãn độc lập của Triều Tiên và thuyết phục Liên Xô chấp nhận một chế độ thác quản tạm thời. Đây chính là một sách lược nhằm ngăn chặn nguy cơ thắng lợi của Chủ nghĩa xã hội ở Châu Á và thiết lập nền thống trị của Mỹ ở miền Nam Triều Tiên.

Năm 1947, khi Mỹ tuyên bố học thuyết Truman, coi Liên Xô là một “mối đe dọa toàn cầu”, thực hiện chính sách thù địch với Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa thì sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Chính vì thế, Mỹ càng không muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất. Nếu Triều Tiên thống nhất ở bên cạnh hai “người khổng lồ”của hệ thống Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc thì sớm muộn cả bán đảo Triều Tiên cũng sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của Chủ nghĩa Cộng sản. Nói cách khác, miền Nam bán đảo Triều Tiên dưới sự quản thác của Mỹ cũng chỉ là một quân cờ trên bàn cờ chiến lược của Mỹ, là công cụ để Mỹ thi hành chính sách bá quyền và âm mưu tiêu diệt Liên Xô, lật đổ hệ thống Xã hội chủ nghĩa đang ngày càng lớn mạnh, hiện tượng mà Chính phủ Mỹ gọi là “thảm họa Cộng sản”. 

Thật ra, trước đây, khi bán đảo Triều Tiên còn chịu sự chiếm đóng của Nhật Bản, Mỹ vẫn còn rất thờ ơ với bán đảo này. Bằng chứng là Mỹ đã sẵn sàng đánh đổi Triều Tiên để có được Philippines mà không hề tiếc nuối. Thế nhưng, năm 1941, sau sự kiện Trân Châu Cảng, Mỹ buộc phải nhảy vào cuộc chiến để bảo vệ lợi ích sống còn của mình ở khu vực Đông Bắc Á. Lúc này, Mỹ cũng đã bắt đầu thay đổi thái độ về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Mỹ nhận thấy bán đảo Triều Tiên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ, phục vụ cho chiến lược bá chủ toàn cầu ấp ủ từ lâu. Bán đảo Triều Tiên nằm trong khu vực cực kỳ nhạy cảm: tiếp giáp với Liên Xô và Trung Quốc - hai đối thủ tiềm tàng của Mỹ trên thế giới. Liên Xô và Trung Quốc là hai quốc gia duy trì chế độ Xã hội chủ nghĩa, điều mà chủ nghĩa tư bản phương Tây không mong đợi. Đồng thời, Mỹ cũng coi bán đảo Triều Tiên như là chiếc neo chiến lược cho sự có mặt của mình ở lục địa Châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Vì, ngoài sự đề phòng với Liên Xô, Mỹ còn sợ rằng nếu mất bán đảo Triều Tiên thì không chỉ Liên Xô và Trung Quốc, mà Nhật Bản cũng sẽ là một đối trọng với Mỹ. Chính vì lẽ đó, Mỹ xét thấy không thể không gây ảnh hưởng chủ đạo trên bán đảo này nếu Mỹ muốn duy trì vị trí siêu cường của mình. Bán đảo Triều Tiên, vì thế được Mỹ xem là khu vực mang tầm quan trọng chiến lược về mặt “địa – chính trị”.

Về vấn đề chính trị - quân sự, ngày 06/09/1945, một tháng sau khi quân đội Liên Xô tiến vào Bắc Triều Tiên, 72.000 binh lính Mỹ đã đến miền Nam bán đảo Triều Tiên dưới sự chỉ huy của Trung tướng John R. Hodge. Đối với Mỹ, Nam Triều Tiên không phải là một quốc gia đã độc lập mà là một quốc gia đã bị chiếm đóng. Mỹ muốn can thiệp Nam Triều Tiên một cách trực tiếp chứ không phải gián tiếp. Do đó, Mỹ đã từ chối quyền tham gia chính trị của các nhà lãnh đạo dân tộc Nam Triều Tiên trong việc thành lập chính phủ tự trị, bác bỏ chính quyền lâm thời do Nam Triều Tiên lập ra. Đến ngày 12/09/1945, Trung tướng Hodge – Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên đã thành lập Chính quyền quân sự Mỹ (USA MGIK) và coi đây là chính quyền hợp pháp duy nhất ở Nam Triều Tiên, quản thác Nam Triều Tiên dưới thiết chế quân đội.

Trong bản đệ trình lên Liên Hiệp Quốc ngày 17/10/1946, Mỹ đã đề nghị cuộc bầu cử sẽ được tổ chức bởi các lực lượng chiếm đóng ở từng khu vực riêng biệt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và sẽ thành lập Quốc hội cũng như Chính phủ quốc gia. Việc rút quân sẽ theo thỏa thuận giữa chính phủ Triều Tiên và lực lượng chiếm đóng. Số lượng đại biểu Quốc hội sẽ dựa trên cơ sở số dân của từng vùng. Điều này có nghĩa là Nam Triều Tiên sẽ chiếm hơn hai phần ba trong tổng số đại biểu. Mỹ cũng đồng ý với dự thảo của Liên Xô rằng tiến trình tư vấn cần có sự tham gia của những đại diện cho người Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một bản bổ sung sửa đổi cho dự thảo của Liên Xô. Mỹ đề nghị thành lập “Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên” để tiến hành giải quyết vấn đề Triều Tiên, đảm bảo rằng những đại biểu Triều Tiên được bầu ra bởi người dân Triều Tiên. Liên Hiệp Quốc chấp nhận đề nghị này. Ủy ban Liên Hệp Quốc về Triều Tiên bao gồm đại biểu của các nước Úc, Canada, Trung Quốc, El Salvador, Pháp, Ấn Độ, Philippines, Ucraina đã được thành lập và bắt đầu công việc tại Seoul vào tháng 01/1948, mở đầu cho việc chấm dứt chính quyền quân sự Mỹ tại Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, do Ủy ban vấp phải sự phản đối của quân đội Liên Xô ở Bình Nhưỡng, nên Mỹ đã đề nghị Liên Hiệp Quốc giám sát việc bầu cử chỉ riêng ở Nam Triều Tiên. Đề nghị được tán thành. Ngày 10/05/1948, Mỹ và các thế lực thân Mỹ đã tổ chức tuyển cử riêng, bầu ra các đại biểu Quốc hội Nam Triều Tiên (trong phạm vi miền Nam Triều Tiên). Ngày 30/05/1948, được sự hỗ trợ của Mỹ, Quốc hội này đã tổ chức họp ở Seoul. Đảng cánh hữu của Lý Thừa Vãn giành được đa số ghế và đứng ra thành lập Chính phủ. Sau đó, đến ngày 15/08/1948, thông qua Hiến pháp, nước Đại Hàn Dân Quốc được thành lập ở phía Nam bán đảo Triều Tiên, hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến 38.   

Về kinh tế, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, bán đảo Triều Tiên là một trong những vị trí then chốt có ý nghĩa sống còn đối với chính sách “ngăn chặn” và “kiềm chế” Chủ nghĩa Cộng sản. Song, lực lượng quân sự của Mỹ không thể tồn tại và phát huy hết khả năng của mình khi đóng quân trên một đất nước quá sức nghèo nàn về kinh tế và bất ổn về chính trị. Chính vì thế, để tạo ra một đồng minh đủ mạnh và lâu dài, Mỹ buộc phải tìm cách phục hồi và tạo điều kiện cho kinh tế Nam Triều Tiên phát triển. Theo đó, Mỹ đã xây dựng nhiều chương trình viện trợ kinh tế, đồng thời thông qua Liên Hiệp Quốc, vận động các nước khác viện trợ cho khu vực này. Mỹ đã rót vào đây một lượng viện trợ khổng lồ để tái thiết và xây dựng miền Nam bán đảo Triều Tiên theo quỹ đạo mà Mỹ đã vạch sẵn. Theo đó, tất cả mọi vấn đề ở miền Nam Triều Tiên đều chịu sự chi phối của Mỹ.

Về phía Nam Triều Tiên, xuất phát từ những lo ngại đối với tình hình chính trị luôn bất ổn cùng với sự hoài nghi về một Bắc Triều Tiên đối lập, có sự hậu thuẫn của Liên Xô, không có nhiều tài nguyên khoáng sản, đời sống người dân thì hết sức khó khăn, nên đã tích cực dựa vào Mỹ - một tấm lá chắn an toàn để bắt tay vào khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị tàn phá bởi chiến tranh.

Ngay từ đầu năm 1945, Mỹ đã bắt đầu triển khai các chương trình viện trợ kinh tế cho Nam Triều Tiên. Khoản viện trợ khổng lồ 350.808.000 đô la từ Mỹ trong 3 năm đã giúp cho Nam Triều Tiên phần nào giải quyết được những khó khăn trước mắt. Chính quyền quân sự Mỹ đã tịch thu tài sản, ruộng đất trước kia của Nhật và chuyển giao cho một công ty vừa mới được thành lập ở Nam Triều Tiên là Công ty New Korea. Từ số tài sản nhận được, công ty này đã bán ra 687.000 mẫu đất nông nghiệp; cho thuê 588.000 nhà trại… Đồng thời, những nhà máy, phân xưởng, nhà cửa trước đây của Nhật cũng được Chính quyền quân sự Mỹ rao bán, hình thành nên một số tầng lớp những doanh nhân và chủ bất động sản… Tình hình sản xuất lương thực cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung cấp phân bón hóa học từ miền Bắc bị ngưng lại vào năm 1945. Chỉ đến khi chính phủ Mỹ viện trợ kinh tế và cho phép nhập khẩu phân bón hóa học thì sản lượng thóc mới bắt đầu gia tăng từ 45,7 triệu giạ thóc vào năm 1947 lên 58,6 triệu giạ thóc vào năm 1948.

 Có thể nói, viện trợ kinh tế chính là nhân tố chiếm vị trí chủ đạo cho kiểu “quan hệ một chiều – viện trợ và nhận viện trợ” này giữa Mỹ và Nam Triều Tiên. Thông qua viện trợ, Mỹ đã từng bước chi phối tình hình chính trị tại khu vực này. Với điều kiện kinh tế không mấy thuận lợi, lại nhận được “sự giúp đỡ hào hiệp” của Mỹ, Nam Triều Tiên đã nhanh chóng đi đến chỗ ngày càng phụ thuộc hơn vào Mỹ.

4.2 Còn về ảnh hưởng của Liên Xô với miền Bắc bán đảo Triều Tiên thì sao? Liên Xô và Triều Tiên vốn là hai quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á có quan hệ hữu nghị, láng giềng lâu đời. Nếu Liên Xô gây được ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên thì phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô sẽ được mở rộng tới sát Nhật Bản, đối thủ kỳ cựu đáng gờm nhất của Liên Xô từ cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, Liên Xô cũng muốn mở rộng thêm phạm vi của Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, góp phần tăng thêm sức mạnh cho hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa trong cuộc Chiến tranh lạnh. Hơn nữa, vai trò của Triều Tiên đối với lợi ích của Liên Xô còn thể hiện ở chỗ bán đảo này nằm liền kề với vùng Viễn Đông của Liên Xô, vùng đất giàu tài nguyên, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của cường quốc này. Giữ vững được ảnh hưởng ở bán đảo Triều Tiên sẽ tạo cho Liên Xô một bức tường kiên cố để chắn giữ vùng Viễn Đông của mình, tạo thế uy hiếp đối với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ.

Chính vì thế, về mặt chính trị - quân sự, ngày 15/08/1945, quân đội Liên Xô đã tiến vào phía Bắc bán đảo Triều Tiên. Khoảng 300 người Cộng sản Triều Tiên được huấn luyện ở Liên Xô dưới sự chỉ huy của Kim Nhật Thành cũng trở về Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Liên Xô tại Triều Tiên đã công nhận tính hợp pháp của nhà nước Cộng hòa nhân dân Triều Tiên, cho phép Ủy ban dân tộc Bắc Triều Tiên thực thi quyền lực như một chính quyền địa phương của Bắc Triều Tiên. Như vậy, Liên Xô đã tiến hành quản nhiệm Bắc Triều Tiên mà không cần thành lập Chính quyền quân sự như Mỹ đã làm ở Nam Triều Tiên.

Liên Xô bắt đầu tiến hành những hoạt động ủng hộ cho Kim Nhật Thành trên cơ sở bắt tay hợp tác với những người Triều Tiên đã trở thành công dân của Liên Xô và phục vụ cho quân đội Liên Xô. Lực lượng những người Cộng sản từ số lượng rất ít ỏi đã trở nên vững mạnh hơn khi 22.200 người Cộng sản Triều Tiên trở về năm 1945 sau khi tham chiến ở Trung Quốc.

Tháng 09/1947, khi đề nghị tổ chức một cuộc bầu cử ở Triều Tiên dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, Mỹ đã không nhận được sự đồng thuận của Liên Xô với lý do được đưa ra là vấn đề của dân tộc Triều Tiên phải do tự dân tộc Triều Tiên giải quyết chứ không phải nhờ vào sự can thiệp từ bên ngoài. Phái đoàn của Liên Xô cho rằng Triều Tiên không thể thực hiện bầu cử một cách tự do một khi quân đội nước ngoài chưa rút hết. Liên Xô cho rằng, vấn đề Triều Tiên có thể sẽ không được giải quyết một cách công bằng nếu không có sự tham gia của người Triều Tiên. Do đó, yêu cầu Liên Hiệp Quốc nên mời một số đại diện người Triều Tiên ở cả hai miền Nam - Bắc tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề của dân tộc họ.

Quả thật, việc Liên Hiệp Quốc chấp nhận đề nghị của Mỹ tiến hành bầu cử ở riêng miền Nam đã gây ra một hậu quả hết sức nghiêm trọng cho bán đảo Triều Tiên. Việc thành lập một nhà nước Nam Triều Tiên riêng biệt đã dẫn đến việc hình thành một nhà nước Bắc Triều Tiên đối lập ở miền Bắc. Dưới sự bảo trợ của Liên Xô, ngày 25/08/1948, cuộc bầu cử “Hội đồng Nhân dân Triều Tiên” (Quốc hội Triều Tiên) đã được tổ chức. Ngày 09/09/1948, Quốc hội tuyên bố thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên với Chủ tịch nước là Kim Nhật Thành.

Liên Xô bề ngoài tỏ ra không quan tâm đến vấn đề bán đảo Triều Tiên, coi đó là công việc nội bộ của Triều Tiên. Song, trên thực tế, Liên Xô cũng như Mỹ, luôn tìm mọi cách để xác lập vị thế của mình trên bán đảo Triều Tiên. Biểu hiện là trước khi cho rút hết quân đội của mình về nước vào cuối năm 1948, Liên Xô vẫn để lại rất nhiều vũ khí cho quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời, họ tích cực xây dựng một lực lượng quân đội mạnh cho Bắc Triều Tiên để đề phòng nguy cơ tấn công từ Nam Triều Tiên. Quân đội Bắc Triều Tiên đã nhận được từ Liên Xô 66 xe tăng, 48 pháo hạng nặng, 86 máy bay. Trước khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Bắc Triều Tiên có khoảng 15 – 20 vạn quân, nếu so sánh về quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên thì dễ dàng nhận thấy lợi thế nghiêng về Bắc Triều Tiên với tỉ lệ: bộ binh 2/1, pháo binh 2/1, ô tô quân sự 13/1, xe tăng 6.5/1, máy bay 6/1.

Về kinh tế, đầu năm 1946, Liên Xô đã đặt ra luật cải cách ruộng đất, tiến hành cải cách ruộng đất bao quát ở Bắc Triều Tiên: miễn thuế; phân bố 724.522 nhà trại; phân bố 2,4 triệu mẫu đất trồng trọt đã bị Nhật và các địa chủ Triều Tiên trước đây tịch thu… Vì không phải đóng thuế, những người nông dân được phân bố đất trồng trọt phải chuyển giao 25% kết quả thu hoạch cho nhà nước. Các công nhân, viên chức phải thực hiện trách nhiệm lao động cho nhà nước. Kết quả của cuộc cải cách ruộng đất này là sản lượng thóc đã tăng từ 1,9 triệu tấn vào năm 1946 lên 2,7 triệu tấn vào năm 1949. Đồng thời, bắt đầu từ 10/08/1946, tất cả các hoạt động buôn bán, tài chính, công nghiệp… và các trang thiết bị đều được Liên Xô tiến hành quốc hữu hóa theo Luật Quốc hữu hóa. Tất cả các hoạt động kinh doanh tư nhân đều biến mất khi nhà nước trở thành người chủ độc quyền về phân phối hàng hóa.

Có thể nói, Liên Xô là nước đứng hàng đầu giúp đỡ Bắc Triều Tiên trong khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước sau khi thoát khỏi phát xít Nhật. Cùng với Trung Quốc, Liên Xô là một trong hai nước giúp đỡ và viện trợ cho Bắc Triều Tiên nhiều nhất. Bắc Triều Tiên đã nhận viện trợ khoảng 800 triệu rúp của các nước Xã hội chủ nghĩa, trong đó Liên Xô đóng góp 292,5 triệu rúp; Trung Quốc 258,4 triệu rúp; Ba Lan 81,5 triệu rúp; Tiệp Khắc 25,4 triệu rúp… Liên Xô là chỗ dựa quan trọng của Bắc Triều Tiên, đồng thời bản thân Liên Xô cũng tìm thấy lợi ích to lớn ở bán đảo Triều Tiên. Từ những khoản viện trợ, chính sách giúp đỡ của Liên Xô, Bắc Triều Tiên càng tiến sâu hơn trong mối quan hệ phụ thuộc vào cường quốc này. Từ đó, Liên Xô càng có những thuận lợi trong việc tạo ra những ảnh hưởng, chi phối tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên.

5. Nhìn chung, tình hình chính trị ở hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên sau khi chia cắt vẫn còn nhiều bất ổn. Đời sống kinh tế xã hội vẫn còn rối ren. Quân đội Liên Xô và Mỹ lần lượt rút khỏi bán đảo Triều Tiên vào cuối năm 1948, nhưng những ảnh hưởng của hai cường quốc này để lại cũng như sự khác nhau về chế độ chính trị đã tạo nên những mâu thuẫn chủ yếu dẫn đến cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc chiến nội bộ này đã gây cho cả Đại Hàn Dân Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên những tổn thất nặng nề. Số người thiệt mạng trong chiến tranh lên đến 3 triệu người, chiếm 10% dân số của cả Nam và Bắc Hàn. Ở Hàn Quốc, tổng thiệt hại về vật chất lên đến gần 3 tỷ 32 triệu USD. Tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, tổng thiệt hại lên đến 42 tỷ Won. Tổn thất mà cuộc chiến gây ra không chỉ về mặt vật chất và sinh mạng, mà còn cả về mặt tinh thần. Đó là sự đối đầu, sự thù địch giữa hai miền ngày càng trở nên căng thẳng. Một lần nữa, dân tộc Triều Tiên đã tự đào sâu thêm bờ vực ngăn cách hai miền đất nước và khoét sâu vào vết thương chia cắt dân tộc.

6. Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy, không ai khác, chính Liên Xô và Mỹ đã đóng vai trò là những nhân tố chính trong việc hình thành hai chính quyền nhà nước ở hai miền bán đảo Triều Tiên. Quyền quyết định không còn do dân tộc Triều Tiên nữa mà đã do Mỹ và Liên Xô chi phối. Bán đảo Triều Tiên như thân phận nước nhỏ trên bàn cờ chiến lược quốc tế mà người chơi chính là Mỹ và Liên Xô.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bóng dáng của các siêu cường trên bán đảo Triều Tiên không còn in sâu như trước, nhưng những gì họ đã để lại là một vết thương quá lớn và vẫn còn nhức nhối cho dân tộc Triều Tiên. Như Lee Hong Goo, một học giả Triều Tiên đã viết: “Luôn luôn trong người dân Triều Tiên có sự oán giận và nghi ngờ cái gọi là Quốc tế, bởi nó có liên quan đến vấn đề giải quyết dân tộc Triều Tiên”. Chúng ta thử nghĩ điều gì sẽ tiếp diễn nếu không có sự can thiệp của quân đội Mỹ (dưới danh nghĩa quân đội Liên Hiệp Quốc) khi Bắc Triều Tiên đã hoàn toàn làm chủ tình hình trên bán đảo năm 1950? Dựa trên quá trình phân tích thực trạng dân tộc Triều Tiên và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc quốc tế, giáo sư Cho Soo Sung cũng nhận định: “Vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên gắn chặt với sự biến chuyển của các mối quan hệ chính trị giữa các nước khác”.

*

Tìm được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng chia cắt bán đảo Triều Tiên, chúng ta hy vọng về một ngày không xa, dân tộc Triều Tiên sẽ được hân hoan trong niềm vui hòa bình, thống nhất như dân tộc Việt Nam đã làm được cách đây hơn 30 năm. Đến lúc đó, các thế lực cường quốc sẽ phải xem lại chính sách chia rẽ dân tộc của họ. Bởi xu thế của thời đại ngày nay đã khác trước, đó là “đối thoại, hợp tác và cùng tồn tại trong hòa bình”. Một khi đẩy lùi hoàn toàn bóng dáng các thế lực siêu cường trên toàn lãnh thổ, nhất định bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất được hai miền Nam – Bắc.

 

Tài liệu tham khảo

1.      Trần Hiệp (2006), Quan hệ Liên Xô – Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6 (66).

2.      Lee Ki Baik (2002), Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Lê Anh Minh dịch, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.

3.      Thông tấn xã Việt Nam (2004), Nóng bỏng bán đảo Triều Tiên, Nxb Thông tấn, Hà Nội.

4.      Park Yong Shik (1980), American Foreign Policy and Korea Nationalism, Korea Journal.

5.      Park Jae Kyu (1987), The foreign relations of North Korea, Kyung Nam University.

6.      Richard L. Walker (1998), A perspective on US – South Korean relations, University of Pennsylvania.