20042024Sat
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Để góp phần nghiên cứu huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học

 

I. VỀ KHÁI NIỆM “HUYỀN THOẠI” VÀ “THI PHÁP HUYỀN THOẠI”

Theo cách nói thông thường, từ “huyền thoại” (myth trong thiếng Anh, mythe trong thiếng Pháp,  миф trong tiếng Nga…) thường được dùng như một từ đồng nghĩa với từ “sai lầm”, “sai lạc” hoặc “ảo tưởng” (niềm tin sai lạc). Nhà triết học Hi Lạp cổ đại Platon cũng đã từng có thái độ phủ nhận huyền thoại vì cho rằng huyền thoại làm cho con người lạc lối, lầm đường. Theo cách hiểu như thế về huyền thoại thì để mô tả, để chỉ rõ một nhận định, một điều hiểu biết, một sự khẳng định nào đó là sai, là không đúng như sự thật, người ta thường phát biểu: “Đó chỉ là một huyền thoại!”. Cũng theo cách hiểu như thế, để diễn tả việc xoá bỏ, việc hoá giải điều sai lầm để tìm ra sự thật đích thực, người ta cũng thường dùng một khái niệm phát sinh từ khái niệm “huyền thoại” là “giải huyền thoại”.

Nhưng “huyền thoại” hiểu theo cách nói thông thường như trên là một cách hiểu chỉ mới phổ biến trong thời hiện đại, một cách hiểu hiện đại. Thời cổ, từ “huyền thoại” không có nghĩa như vậy. Từ “huyền thoại” (myth) có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp là muthos. Muthos có nghĩa đen là lời, lời nói, câu chuyện, là truyền thuyết, truyền thoại. Trong khoa học về huyền thoại, huyền thoại thường được định nghĩa là những truyện kể thiêng liêng, giải thích thế giới và con người đã hình thành và có được dạng tồn tại hiện nay như thế nào. Huyền thoại theo nghĩa đó thường được hiểu là “những truyện về các vị thần, các nhân vật được sùng bái hoặc có quan hệ  nguồn gốc với các vị thần, về các thế hệ xuất hiện trong thời gian ban đầu (thời gian khởi nguyên), tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập thế giới cũng như việc tạo lập nên những nhân tố của nó – thiên nhiên và văn hoá”1. Cùng với từ “huyền thoại” (myth) được hiểu theo nghĩa trên đây, còn có từ “huyền thoại” (mythology) được dùng để chỉ tổng thể các câu chuyện như thế, đồng thời cũng được dùng để chỉ hệ thống những quan niệm hoang đường về thế giới. Trong nhiều ngôn ngữ châu Âu, mythology (mythologie, мифология) cũng được dùng để chỉ bản thân ngành khoa học về huyền thoại (dịch sang tiếng Việt là huyền thoại học).

Khoa học về huyền thoại đã xác nhận sự sáng tạo huyền thoại là hiện tượng quan trọng trong lịch sử văn hoá nhân loại. Trong các cộng đồng xã hội nguyên thuỷ, hệ huyền thoại là công cụ, là phương thức cơ bản của việc hiểu biết thế giới. Hệ huyền thoại là sự cấu thành của những tư tưởng cổ xưa nhất của các cộng đồng người. Trong huyền thoại, có sự pha trộn, đan kết những yếu tố phôi thai của tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật. Về sau, khi từ hệ huyền thoại có tính nguyên hợp đó, các hệ tư tưởng khác nhau đã tách biệt và phát triển riêng rẽ, thì huyền thoại vẫn còn giữ được vai trò quan trọng của nó trong lịch sử văn hoá, không chỉ với ý nghĩa là một di sản của thế giới quan nguyên thuỷ và của hình thức kể chuyện cổ xưa, mà một số đặc trưng của sự nhận thức huyền thoại có thể vẫn được bảo tồn lâu dài trong nhận thức của nhân dân và các hình thái ý thức xã hội khác như triết học, khoa học, đặc biệt là tôn giáo và văn học nghệ thuật.

Điều làm cho huyền thoại và văn học nghệ thuật có mối quan hệ đặc biệt khăng khít không phải chỉ trong cội nguồn mà cả trong các giai đoạn phát triển sau này, là ở chỗ huyền thoại có một thuộc tính quan trọng là sự tái hiện những quan niệm chung nhất trong một hình thức cụ thể – cảm tính. Thuộc tính đó của huyền thoại cũng chính là bản thân thuộc tính của văn học nghệ thuật tức là cái mà ta vẫn gọi là tính hình tượng đặc trưng cho nghệ thuật và là cái được nghệ thuật kế thừa từ chính huyền thoại.

Vì vậy trước hết khái niệm “thi pháp” mà khoa nghiên cứu văn học vẫn dùng để nói về những thủ pháp nghệ thuật, những phương tiện diễn đạt, phong cách và về những vấn đề khác nữa cũng có thể được dùng để nói về những vấn đề tương tự trong khoa học về huyền thoại. Nhưng như đã nói, huyền thoại là một hình thức nhận thức có tính nguyên hợp bao hàm trong nó không chỉ mầm mống của nghệ thuật, trước hết là nghệ thuật ngôn từ, mà cả những mầm mống của tôn giáo, triết học…, vì vậy khái niệm “thi pháp huyền thoại” được dùng ở đây bên cạnh nghĩa chung với khái niệm thi pháp trong văn học nghệ thuật đích thực, còn bao hàm nghĩa thi pháp của huyền thoại dưới cái nhìn huyền thoại như là tiền sử của văn học. Điều này yêu cầu có sự phân biệt nhất định trong cách tiếp cận ý thức nghệ thuật trong huyền thoại với ý thức nghệ thuật trong văn học nghệ thuật đích thực. Yêu cầu này đến lượt nó lại đặt ra yêu cầu cần có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của huyền thoại. Điều này theo chúng tôi là rất cần thiết để việc nghiên cứu mối quan hệ giữa huyền thoại và văn học có khả năng có được những bước tiến mới đóng góp vào việc nghiên cứu huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học ở nước ta hiện nay.

 

II. VỀ BẢN CHẤT CỦA HUYỀN THOẠI VÀ VẤN ĐỀ THI PHÁP HUYỀN THOẠI TRONG SÁNG TÁC VĂN HỌC

 

Tài liệu huyền thoại thế giới mà nhân loại hiện nay biết đến thường được giới khoa học phân chia thành hai nhóm lớn: nhóm các hệ huyền thoại của các nền văn minh cổ đại như Hi Lạp, La Mã cổ đại, Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ… và nhóm huyền thoại của các xã hội cộng đồng “nguyên thuỷ” (khái niệm “nguyên thuỷ” ở đây được dùng để chỉ các xã hội có trình độ phát triển cổ xưa hơn xã hội cổ đại, vì vậy có khi được thay bằng khái niệm “cổ sơ”).

Các hệ huyền thoại của các nền văn minh lớn ở Địa Trung Hải và Châu Á đã từng được biết đến từ lâu và đã từng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Sự hiểu biết về huyền thoại thông qua lĩnh vực nghiên cứu này đã góp phần làm hình thành nhiều quan điểm lý thuyết và trường phái nghiên cứu huyền thoại. Như cách giải thích phúng dụ, ẩn dụ về huyền thoại, xem huyền thoại như những biểu tượng triết học, những ẩn dụ thi ca; cách giải thích lịch sử (Euhemerism) xem nguồn gốc của các hình tượng huyền thoại là sự phát triển từ các nhân vật lịch sử được thần thánh hoá; lý thuyết được gọi là “chứng bệnh của ngôn ngữ”, dựa trên những kết quả nghiên cứu so sánh lịch sử về các ngôn ngữ Ấn Âu cổ đại, giải thích sự nẩy sinh các huyền thoại là do những chuyển dịch về ngữ nghĩa của những khái niệm trừu tượng vốn được người nguyên thuỷ diễn tả bằng những dấu hiệu cụ thể; từ lý thuyết này đã hình thành trường phái được gọi là “trường phái tự nhiên” vì huyền thoại được họ coi là những biểu tượng về các hiện tượng tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, các hiện tượng khí tượng…

Các hệ huyền thoại của các nền văn minh cổ đại là tài liệu nghiên cứu rất quan trọng để tìm hiểu bản chất của huyền thoại và đặc biệt để tìm hiểu cội nguồn của các nền văn minh ấy. Song phần lớn các hệ huyền thoại ấy đã không còn giữ lại được nguyên vẹn những đặc trưng nguyên thuỷ của nó. Phần lớn huyền thoại Hi Lạp đã được kể lại, do đó đã bị thay đổi, sắp xếp, hệ thống hoá lại bởi Hésiode và Homère hoặc bởi những nghệ nhân hát rong, những người ghi chép huyền thoại. Những truyền thống huyền thoại của Cận Đông và Ấn Độ đã được biên soạn lại bởi các nhà thần học, các tu sĩ. Vì vậy từ nửa sau thế kỷ XIX khi những tài liệu huyền thoại sưu tầm, ghi chép trực tiếp từ các cộng đồng dân cư của các xã hội cổ sơ ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Đại Dương được tích luỹ ngày càng nhiều và được khảo sát theo phương pháp của khoa dân tộc học so sánh, thì loại tài liệu huyền thoại này được gán cho một tầm quan trọng lớn hơn nhiều, dẫn đến xu hướng thiên về việc nghiên cứu huyền thoại, tìm hiểu bản chất huyền thoại bắt đầu từ việc nghiên cứu huyền thoại của các xã hội cổ sơ và các xã hội truyền thống. Sở dĩ như vậy vì tuy huyền thoại của các “xã hội nguyên thuỷ” cũng đã từng trải qua nhiều biến đổi khi nó được các nhà dân tộc học biết đến và ghi chép, song về cơ bản vẫn phản ánh được “trạng thái nguyên thuỷ” của nó, vì trong các xã hội đó, các huyền thoại vẫn đang “sống”, vẫn đang thực thi vai trò và chức năng làm nền tảng và biện bạch cho toàn bộ cách cư xử, toàn bộ hoạt động của con người. Dựa trên kết quả nghiên cứu của khoa dân tộc học so sánh về loại tài liệu huyền thoại này, một trường phái mới ra đời vào nửa sau thế kỷ XIX, thường được gọi là trường phái nhân loại học, đã có những kiến giải mới, đóng góp vào sự hiểu biết khoa học về bản chất của huyền thoại. Trường phái này (với đại diện tiêu biểu là E. Tylor, tác giả công trình nghiên cứu nổi tiếng “Văn hoá nguyên thuỷ”) xuất phát từ tính đồng dạng về tâm lý của nhân loại và từ nguyên lý tiến hoá đơn tuyến của các nền văn hoá, đã cho rằng huyền thoại phát sinh bằng con đường nhận thức thuần tuý lý tính và lôgic của người nguyên thuỷ khi họ tìm câu trả lời cho những vấn đề do những hiện tượng mà họ chưa hiểu nổi làm nảy sinh ra trong trí óc họ. Trường phái nhân loại học có ảnh hưởng lớn trong khoa học, song do quan điểm tiến hoá luận máy móc, nên quan niệm về huyền thoại của họ có những hạn chế như không thừa nhận nội dung nghệ thuật độc đáo của huyền thoại và theo họ thì cùng với sự phát triển văn hoá, huyền thoại dường như cũng hoàn toàn mất đi ý nghĩa độc lập của nó và trở nên chỉ còn là những tàn dư, những cách giải thích ngây thơ, tiền khoa học về thế giới.

Khoa nhân loại học trong thế kỷ XX đã vượt qua những hạn chế trên đây và đã đưa ra được những cách hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về huyền thoại. Theo sự tổng kết của E.M.Meletinsky thì có thể tóm tắt nội dung những cách hiểu đó thành bốn điểm như sau:

1. Trong các xã hội nguyên thuỷ, huyền thoại có quan hệ chặt chẽ với ma thuật, với nghi lễ và thực hiện các chức năng duy trì các trật tự tự nhiên và xã hội và chức năng kiểm tra, giám sát xã hội.

2. Tư duy huyền thoại có những đặc tính riêng về mặt lôgic và tâm lý.

3. Sự sáng tạo huyền thoại là hình thức tư duy cổ xưa nhất của con người, là một thứ ngôn ngữ tượng trưng mà con người đã dùng để mô hình hoá, phân loại và giải thích tự nhiên, xã hội và bản thân mình.

4. Những đặc tính của tư duy huyền thoại có sự giống nhau nhất định với những sản phẩm của trí tưởng tượng của con người không những chỉ trong những thời kỳ cổ xưa nhất mà cả trong những thời kỳ lịch sử khác nữa. Do đó với tư cách là phương thức tư duy thống trị toàn xã hội thì huyền thoại vốn là một hiện tượng đặc trưng cho các nền văn hoá cổ sơ, song với tư cách là một “mảnh” hoặc một “trình độ” nhất định nào đó thì huyền thoại vẫn còn tồn tại trong các nền văn hoá khác nhau, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật là các hình thái phần nào có những đặc tính chung với huyền thoại (như tính ẩn dụ chẳng hạn)1.

Sự quan tâm và tham gia có hiệu quả vào việc nghiên cứu huyền thoại của khoa nhân loại học và các khoa học xã hội và nhân văn khác như xã hội học, triết học, tâm lý học, lịch sử tôn giáo, nghiên cứu văn học … trong thế kỷ XX đã tạo nên một sự bùng nổ các lý thuyết và trường phái nghiên cứu huyền thoại chưa từng có trong lĩnh vực khoa học này.

Có thể kể ra một số lý thuyết và trường phái chính sau đây:

1- Trường phái nghi lễ và trường phái chức năng với những đại diện tiêu biểu như nhà nhân loại học người Anh James George Frazer, nhà nhân loại học người Anh gốc Ba Lan Malinowski … Quan điểm của hai trường phái có quan hệ với nhau này, là: Về nguyên tắc, huyền thoại và nghi lễ trong các nền văn hoá nguyên thuỷ và cổ đại hợp thành một thể thống nhất (về thế giới quan, về chức năng, về cấu trúc); trong xã hội nguyên thuỷ, huyền thoại không có nội dung lý luận, không phải là một phương tiện nhận thức khoa học hoặc tiền khoa học, huyền thoại chỉ thực hiện một chức năng thực tiễn đơn thuần là duy trì truyền thống, duy trì sự liên tục của nền văn hoá bộ lạc, bằng cách hướng tới cái thực tại siêu nhiên của những sự kiện tiền sử.

2- Trường phái xã hội học Pháp với đại diện tiêu biểu là nhà xã hội học người Pháp Lucien Lévy Bruhl và lý thuyết về tư duy tiền lôgic và thần bí của người nguyên thuỷ. Theo ông, có một nguyên lý đặc biệt của người nguyên thuỷ được gọi là luật thông quan (loi de participation) chi phối toàn bộ tư tưởng và tạo thành cơ sở cho sự sáng tạo huyền thoại của họ.

3- Lý thuyết biểu trưng về huyền thoại với đại diện tiêu biểu là nhà triết học người Đức E. Cassirer. Ông phát triển quan niệm coi hoạt động tinh thần của con người (trong đó tiêu biểu nhất là sự sáng tạo huyền thoại với tư cách là dạng cổ xưa nhất của hoạt động ấy) như là một hoạt động mang tính cách biểu trưng. Trong cuốn “Tư duy huyền thoại” (tập thứ hai trong một công trình nghiên cứu ba tập nhan đề “Triết học về các hình thức biểu trưng”) ông đã miêu tả một số đặc điểm cơ bản về dạng thức cũng như về cấu trúc của tư duy huyền thoại, và về tính ẩn dụ biểu trưng của huyền thoại.

4- Lý thuyết phân tâm học, với đại diện tiêu biểu là nhà tâm lý học người Thụy Sĩ C. G. Jung. Ông đề xuất lý thuyết về những biểu tượng nguyên sơ (archetype bằng mẫu gốc, cổ mẫu, siêu mẫu…) và quan niệm các biểu tượng nguyên sơ được chứa đựng trong lớp vô thức tập thể là những hiện tượng gần gũi với cái thường được gọi là các môtip huyền thoại; do đó huyền thoại không đơn thuần là những phỏng dụ về các sự kiện vật thể mà đằng sau nó trong một mức độ nào đó là “đời sống tinh thần của các bộ lạc nguyên thuỷ”. Huyền thoại hướng về lớp sâu thẳm của tâm lý tập thể như là về cội nguồn của sự tạo lập đầu tiên của vũ trụ con người, về cái khởi nguyên tinh thần, về sự trải nghiệm tập thể cái nguồn gốc chung, cái tổng khởi nguyên.

5- Lý thuyết về huyền thoại của nhà nghiên cứu  lịch sử tôn giáo người Mỹ  gốc Rumani Mircea Eliade. Trên cơ sở tiếp nhận một số quan điểm của trường phái nghi lễ – chức năng và lý thuyết về các biểu tượng nguyên sơ, ông nhấn mạnh vào cái mà ông gọi là nội dung “siêu hình”, nội dung triết lý độc đáo của con người thời cổ sơ. Theo ông, trong huyền thoại, không những chỉ thực tại mà cả giá trị của sự tồn tại của con người đều được qui định bởi quan hệ của con người với thời gian huyền thoại thiêng liêng, với những hành động nguyên mẫu của các vị tổ thiêng liêng. Vì vậy con người truyền thống không thấy lịch sử là một phương thức đặc trưng của sự tồn tại của mình, chỉ có tính chu kỳ, tính lặp lại mới đem lại cho các biến cố một tính hiện thực cao. Trong mục “Văn chương truyền miệng” viết cho bộ “Lịch sử các nền văn học” (do Raymond Queneau chủ biên) thuộc phần nói về sự hình thành các nền văn học, ông nêu lên một sự kiện mà ông cho là quan trọng: đó là sự sáng tạo cá nhân trong văn học cho đến tận ngày nay vẫn còn tiếp tục lặp lại một vài khám phá của các xã hội cổ sơ1.

6- Lý thuyết cấu trúc với đại diện tiêu biểu là nhà nhân loại học người Pháp Claude Lévi - Strauss. Đối với Lévi - Strauss, huyền thoại trước hết thuộc lĩnh vực những thao tác lôgic vô thức. Theo ông, huyền thoại vừa có tính lịch đại (với tư cách là những truyện kể lịch sử về quá khứ) vừa có tính đồng đại (với tư cách là công cụ cắt nghĩa hiện tại và cả tương lai). Theo nguyên tắc phân tích cơ cấu, ông phân tích huyền thoại thành những đơn vị dưới dạng những câu tóm tắt những biến cố được kể lại. Mối tương quan giữa những đơn vị này vừa theo chiều ngang (lịch đại), vừa theo chiều dọc (đồng đại). Chiều ngang tương ứng với sự triển khai cốt truyện có tính cú pháp, cần thiết đối với việc đọc huyền thoại, còn chiều dọc có tính hệ hình, cần thiết đối với việc hiểu huyền thoại. Ông hướng việc nghiên cứu huyền thoại vào việc tìm ra những mô hình cấu trúc, tức phân tích cấu trúc của thế giới được miêu tả trong huyền thoại, phát hiện ra cấu trúc của hình ảnh về thực tại được miêu tả theo cách hiểu của huyền thoại. Thông qua việc phân tích cơ chế của tư duy huyền thoại, ông cho rằng tư duy ấy hoàn toàn có tính lôgic và có cả “tính khoa học” nữa, do đó nó có giá trị thao tác và khả năng nhận thức, khả năng khái quát, phân loại và phân tích.

Một số điều miêu tả tóm tắt trên đây có thể cho thấy sự bùng nổ của các lý thuyết và trường phái nghiên cứu huyền thoại trong thế kỷ XX đã có ý nghĩa như thế nào đối với việc tìm hiểu sâu sắc và toàn diện về huyền thoại. Bản chất của huyền thoại nói chung và các hệ huyền thoại nói riêng được soi sáng và khảo sát cụ thể từ các góc độ khác nhau của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau cho thấy không những huyền thoại với tính cách là một hình thái ý thức xã hội có tính nguyên hợp đã có vai trò to lớn như thế nào trong lịch sử hình thành các nền văn mình – văn hoá từ cội nguồn xa xưa mà cho tới nay huyền thoại với tính cách là một kiểu tư duy vẫn không ngừng sản sinh ra nhiều sự kiện văn hoá có ý nghĩa trong đời sống xã hội của các dân tộc.

Ở góc độ tiếp cận huyền thoại như một loại hình nghệ thuật, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây trước hết là những khám phá về lý thuyết và khảo sát cụ thể các hệ huyền thoại đã có ý nghĩa như thế nào đối với việc xác định khái niệm thi pháp huyền thoại nói chung và các phương thức miêu tả cụ thể các yếu tố thi pháp huyền thoại. Tuy cùng được xem xét như là những hệ thống thi pháp của sự sáng tạo nghệ thuật, nhưng thi pháp huyền thoại và thi pháp văn học lại thuộc hai hệ thống khác nhau. Sự khác nhau giữa hai hệ thống nghệ thuật này cần được thể hiện cụ thể trong việc xác định và miêu tả các yếu tố thi pháp huyền thoại thoát ra khỏi khuynh hướng rập khuôn việc xác định và miêu tả các yếu tố thi pháp của văn học. Thành tựu của việc nghiên cứu thi pháp huyền thoại theo hướng này đã dẫn tới một số những thử nghiệm có hiệu quả trong việc miêu tả thi pháp huyền thoại, như trong việc xác định và miêu tả các chủ đề và đề tài – cốt truyện huyền thoại (các chủ đề suy nguyên luận, các đề tài về sự sáng tạo văn hoá và các kiểu dạng mô hình hoá thế giới, về lịch tiết và các mô hình lặp lại nguyên mẫu…), việc xác định và miêu tả nhân vật (các nhân vật bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, anh hùng văn hoá, các hình tượng nhân vật sinh đôi, nhân vật bịp bợm – khôn ranh…), việc xác định và miêu tả thời gian (thời gian của giấc mơ, thời gian khởi nguyên, quan hệ giữa thời gian thiêng liêng và thời gian phàm tục…) v.v …

Hệ quả của việc xác định được những đặc trưng về cách thức miêu tả hệ thống thi pháp huyền thoại là khả năng phát hiện ra được ngày càng nhiều những yếu tố của thi pháp huyền thoại nhiều khi nằm ẩn sâu, khó nhìn thấy trong các sáng tác văn học.

Nói chung, có thể dễ dàng thấy trong suốt tiến trình lịch sử văn học thế giới, sáng tác văn học đã kế thừa và sử dụng thường xuyên các truyền thống huyền thoại vào những mục đích nghệ thuật đa dạng của mình như thế nào. Nhà triết học và mỹ học Hi Lạp cổ đại Arixtôt, tác giả cuốn Thi pháp học nổi tiếng đã từng nhận xét rằng sử thi, bi kịch thoạt tiên mượn nội dung ở những câu chuyện huyền thoại đơn giản, sau đó mới đạt tới những đỉnh cao vẻ vang. Nhà triết học và mỹ học Đức thế kỷ XVIII Shelling khi nói về mối quan hệ huyền thoại – văn học, đã khẳng định một nhận xét có tính quy luật: “huyền thoại là điều kiện thiết yếu và chất liệu đầu tiên của mọi nghệ thuật”, huyền thoại là “vật chất nguyên sơ, từ đó sinh ra mọi cái”, là  “thế giới của các hình tượng nguyên thuỷ” tức là những yếu tố ban đầu, là mảnh đất và hệ biến hoá của toàn bộ nghệ thuật.

Khoảng những năm 50 thế kỷ XX, ở phương Tây đã ra đời và phát triển mạnh mẽ một trường phái nghiên cứu và phê bình văn học, có tên gọi là Trường phái nghi lễ – huyền thoại. Sự ra đời của trường phái này bắt nguồn từ việc khai thác thực tiễn sáng tác của chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế kỷ XX và từ việc tổng kết quá trình xâm nhập của những lý thuyết dân tộc học của thế kỷ XX vào lĩnh vực văn học. Trong nghiên cứu và phê bình văn học của trường phái này do đó thấy thể hiện rõ khuynh hướng dân tộc học hoá việc nghiên cứu văn học, biểu hiện ra ở chỗ phối hợp việc nghiên cứu các huyền thoại truyền thống với nghiên cứu văn học. Các nhà nghiên cứu phê bình thuộc trường phái này cố gắng phát hiện ra các yếu tố huyền thoại và nghi lễ trong sáng tác của bất cứ nhà văn nào, từ những nhà văn có khuynh hướng sử dụng huyền thoại một cách có ý thức như D.H.Lawrence, J.Joyce, G.Eliot, T.Mann, đến những nhà văn mà các yếu tố huyền thoại khó nhận ra hơn hoặc nằm sâu trong sáng tác của họ hơn như  F.Kafka, W.Faulkner, và cả những nhà văn thuộc các dòng hiện thực phê phán hoặc tự nhiên chủ nghĩa của thế kỷ XIX như Stendhal, Balzac, Zola … là những nhà văn hướng chủ yếu vào việc miêu tả một cách khoa học – quyết định luận về đời sống hiện tại. Đại biểu lớn nhất của trường phái này là nhà phê bình văn học người Canada N. Frye với công trình quan trọng nhất của ông là cuốn “Giải phẫu học phê bình văn học” (Anatomy of criticism – 1957). Ở N.Frye khuynh hướng đưa văn học và huyền thoại lại gần nhau thể hiện ra ở mức độ cao, làm cho văn học hoà tan vào huyền thoại. Ông hướng việc tìm kiếm căn rễ của sáng tác văn học vào các mô hình nghi lễ – huyền thoại, hơn nữa ông cho rằng văn học không chỉ có cái căn rễ mà còn có cả cái bản chất bên trong, cái cơ sở của trí tưởng tượng nghệ thuật trong nghi lễ – huyền thoại. Ông coi huyền thoại trong văn học có chức năng như một thứ đồ án, một thứ đề cương, phác hoạ (design), và so sánh vai trò của huyền thoại trong văn học với vai trò của kỷ hà học trong hội hoạ. Do đó, theo ông hoàn toàn có cơ sở để phân tích văn học bằng các thuật ngữ huyền thoại, nghi lễ, mẫu gốc. Các mẫu gốc huyền thoại không mất đi, mà chỉ biến dạng, và sự phân tích văn học có thể và cần tìm ra những mẫu gốc ấy.

Các quan điểm lý thuyết và phương pháp phân tích của trường phái nghi lễ – huyền thoại đã có nhiều ảnh hưởng trong thực tiễn nghiên cứu và phê bình văn học ở phương Tây thế kỷ XX. Các tác giả cuốn sổ tay bách khoa tiếng Nga nhan đề “Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20” trong mục “Phê bình thần thoại học” nhận xét rằng đây là “một khuynh hướng có thanh thế trong nghiên cứu văn học Anh, Mỹ thế kỷ XX”1.. Wilbur S. Scott, tác giả cuốn sách viết về phê bình văn học nhan đề “Năm cách tiếp cận của phê bình văn học” đã xác định và miêu tả một trong năm cách tiếp cận đó dưới cái tên là “Cách tiếp cận cổ mẫu: văn học dưới ánh sáng của huyền thoại”. (The Archetypal Approach: Literature in the Light of Myth)2

 

III. ĐỂ GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU HUYỀN THOẠI VÀ THI PHÁP HUYỀN THOẠI TRONG SÁNG TÁC VĂN HỌC.

 

Trên đây chúng tôi đã trình bày một cách vắn tắt một số thông tin mà chúng tôi có được về tình hình nghiên cứu huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học.

Để góp phần đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực nghiên cứu này mà chúng tôi nghĩ rằng hiện nay chưa đáp ứng được bao nhiêu so với yêu cầu phát triển của khoa học về huyền thoại cũng như khoa học về văn học ở Việt Nam, có thể đề xuất ba loại vấn đề sau đây:

 

1- Vấn đề giới thiệu các lý thuyết và các công trình nghiên cứu tiêu biểu

Phải nhận rằng trong lĩnh vực này các di sản khoa học cũng như những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới đến với chúng ta còn quá ít để công việc nghiên cứu của chúng ta có khả năng cập nhật và mang lại những kết quả có thể có những đóng góp khoa học nhất định.

Có thể khắc phục tình trạng này bằng hai cách. Thứ nhất là tăng cường cung cấp những bài viết tổng thuật thông tin khoa học và thứ hai là tổ chức dịch và công bố những công trình lý thuyết và nghiên cứu nước ngoài một cách có chọn lọc và có hệ thống. Theo chúng tôi, cách thứ hai mang lại những hiệu quả thực chất hơn.

Rất đáng mừng là khoảng thời gian một thập niên trở lại đây, những công trình dịch thuật các tài liệu có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu huyền thoại và thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học đã tăng hẳn lên. Những công trình dịch thuật đó đã cho chúng ta có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với một phần những công trình nghiên cứu đã trở thành cơ bản đối với lĩnh vực nghiên cứu này. Có thể dẫn một số thí dụ, như những công trình và trích đoạn công trình của J. Grimm về “Huyền thoại Đức”, của C. Lévi - Strauss về “Cấu trúc của huyền thoại”, của C.G.Jung về “Bí ẩn của những siêu mẫu”, trích đoạn tác phẩm “Cái thiêng và cái phàm” của M. Eliade phần nói về “không gian thiêng và sự thiêng liêng hoá thế giới, thời gian thiêng và các huyền thoại”, các bài viết giới thiệu “Phê bình huyền thoại học” giới thiệu “Gibut Durand và phương pháp phê bình huyền thoại học”, các bài viết phân tích thi pháp huyền thoại trong sáng tác của Zola, của Beaudelaire, những công trình nghiên cứu “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa” của J. G. Frazer, về “Văn hoá nguyên thuy” của E. Tylor và đặc biệt gần đây là công trình nghiên cứu quan trọng về “Thi pháp của huyền thoại” của nhà nghiên cứu người Nga E.M. Meletinsky, v.v …1

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với thư mục các công trình thuộc lĩnh vực nghiên cứu này mà ta có thể tìm thấy trong những trang cuối của nhiều công trình nghiên cứu ở nước ngoài, ta sẽ thấy những việc mà chúng ta đã làm được còn quá ít ỏi và thiếu hệ thống. Theo chúng tôi trước mắt có thể tiếp tục dịch giới thiệu một số công trình nghiên cứu có tính chất cơ bản và nổi tiếng như “Cành vàng” của J. G. Frazer, “Triết học của các hình thức biểu trưng” của E. Cassirer, “Tư duy nguyên thuỷ” của L. Lévy Bruhl, “Tư duy hoang dã” và “Lôgic huyền thoại” của Claude Lévi - Strauss, “Huyền thoại trong tâm lý nguyên thuy” của Malinowski, “Dẫn luận huyền thoại học” của C. G. Jung và K. Karéngi, “Huyền thoại và sử thi” của G. Dumél, những công trình nghiên cứu của M. Eliade về huyền thoại như “Các phương diện của huyền thoại”, “Huyền thoại về sự tái hồi bất tuyệt”, “Cái thiêng và cái phàm”, “Luận về lịch sử tôn giáo”, công trình của N. Frye “Giải phẫu học phê bình”, v.v … Cùng với việc dịch và giới thiệu các công trình nghiên cứu cơ bản như trên, có thể biên soạn những tuyển tập bài dịch kiểu như tuyển tập “Truyện kể thiêng liêng – Tài liệu đọc về lý thuyết huyền thoại” do Alan Dundes biên tập, “Huyền thoại và văn học: lý thuyết và thực tiễn nghiên cứu” do J. B. Vickery biên tập, v. v …

 

2- Vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về huyền thoại các dân tộc Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia dân tộc đa tộc người. Tính thống nhất và tính đa dạng về văn hoá – xã hội các tộc người là một đặc điểm nổi bật của cộng đồng quốc gia Việt Nam. Đặc điểm này đã từng được các nhà khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau xác nhận và chứng minh cụ thể. Tính đa dạng ấy về các hình thái lịch sử xã hội – văn hoá khiến cho Việt Nam trở thành một mảnh đất vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu so sánh về huyền thoại.

Trên mảnh đất đó, đặt vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về huyền thoại của các dân tộc Việt Nam là một cách đặt vấn đề có tính chất thực tiễn.

Việc làm trước tiên phải tiến hành khẩn trương là sưu tầm ghi chép di sản huyền thoại của các tộc người. chúng tôi phỏng đoán di sản này rất phong phú. Có hai sự kiện khiến cho chúng tôi tin như vậy. Sự kiện thứ nhất là sự ra đời của một số công trình nghiên cứu đầy đặn về huyền thoại Giarai của nhà dân tộc học người Pháp J. Dournes, nhan đề “Rừng, đàn bà, điên loạn”. Công trình này được viết trên cơ sở hàng trăm huyền thoại mà tác giả đã ghi chép được từ tộc người Giarai vào thời gian cách đây vài thập niên. Sự kiện thứ hai đang diễn ra là dự án sưu tầm và bảo tồn sử thi các dân tộc Tây Nguyên mà kết quả giai đoạn đầu cho ta thấy ở đây có một trữ lượng tác phẩm sử thi dân gian vô cùng phong phú, thậm chí có thể vượt qua cả dự kiến của kế hoạch sưu tầm.

Những di sản văn hoá dân gian nói chung, huyền thoại nói riêng của các dân tộc Việt Nam đang trải qua nguy cơ mất đi một cách nhanh chóng do những biến động văn hoá xã hội diễn ra một cách nhanh chóng hiện nay tại các cộng đồng người này. Vì vậy sưu tầm ghi chép di sản huyền thoại phong phú, đa dạng về mặt lịch sử – văn hoá tộc người đó để làm cơ sở cho việc nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống là việc làm đầu tiên cần phải tiến hành ngay.

Việc nghiên cứu di sản huyền thoại các dân tộc Việt Nam thực ra từ lâu đã được quan tâm và đã có những thành tựu đáng quý. Đã có những công trình nghiên cứu so sánh về một chủ đề, một kiểu truyện như “Về truyện “Quả bầu mẹ” ở Việt Nam” và “Huyền thoại về nạn hồng thuỷ và nguồn gốc các tộc người” của Đặng Nghiêm Vạn, “Từ truyện quả bầu Lào đến huyền thoại lụt” của Nguyễn Tấn Đắc, những công trình nghiên cứu so sánh lịch sử như “Người anh hùng làng Dóng” của Cao Huy Đỉnh, “Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và Hội Dóng” của Trần Quốc Vượng, những công trình nghiên cứu so sánh huyền thoại của các tộc người có trình độ phát triển xã hội khác nhau nhằm phục nguyên các dạng cổ sơ của huyền thoại như “Thử xây dựng lại hệ thống huyền thoại Việt  - Mường” của Phan Ngọc và Phan Đăng Nhật, v.v … Các công trình nghiên cứu như vậy ít nhiều đã ứng dụng một cách có hiệu quả cách tiếp cận của ngành nghiên cứu huyền thoại so sánh và một số quan điểm lý thuyết và phương pháp nghiên cứu huyền thoại hiện đại. Song những công trình như vậy còn quá ít so với mảnh đất huyền thoại phong phú ở Việt Nam, hơn nữa phần nào còn có tính chất tuỳ hứng, thiếu một nhãn quan về hệ thống các đề tài nghiên cứu. Cần tiến tới được một công trình nghiên cứu quy mô có tính chất tổng hợp, toàn diện và sâu sắc về huyền thoại các dân tộc Việt Nam sau khi đã thực hiện được một hệ thống đề tài nghiên cứu riêng biệt như vậy.

Đứng ở góc độ của đề tài huyền thoại và văn học, chúng tôi thấy cần phải có những công trình nghiên cứu huyền thoại các dân tộc Việt Nam được thực hiện theo hướng sử dụng các công cụ khái niệm và định đướng nghiên cứu của phương pháp nghiên cứu thi pháp huyền thoại. Đi theo hướng này, chúng ta có thể vượt qua được định hướng quen thuộc mà mục đích phát hiện ra các giá trị lịch sử – xã hội của huyền thoại Việt Nam vốn phù hợp với xu hướng lịch sử hoá của di sản huyền thoại dân tộc nhưng lại dễ làm lãng quên giá trị nhân văn vốn gắn liền với bản chất của huyền thoại. Theo chúng tôi huyền thoại Việt Nam không chỉ khắc hoạ bản sắc dân tộc Việt Nam, mà còn khắc hoạ nhiều triết lý nhân bản mang ý nghĩa phổ quát. Vì vậy mở rộng việc nghiên cứu huyền thoại Việt Nam sang những vấn đề tư tưởng có tính chất nhân bản – phổ quát ấy thông qua việc ứng dụng các phạm trù thi pháp huyền thoại như các phạm trù hỗn mang và trật tự, nguyên mẫu và sự lặp lại, sự quay vòng tuần hoàn, tự nhiên và văn hoá, sống và chết v.v …, theo chúng tôi vừa thể hiện được tính toàn diện của việc nghiên cứu huyền thoại, vừa mở đường cho sáng tác văn học khám phá và sử dụng nhiều yếu tố thi pháp quan trọng và hữu hiệu đối với những mục đích nghệ thuật của các nhà văn khi họ muốn thể hiện những vấn đề mang tính toàn cầu, những vấn đề phổ quát về số phận con người, số phận của nhân loại và hành tinh của chúng ta hiện nay …

 

3- Vấn đề nghiên cứu thi pháp huyền thoại trong sáng tác văn học.

Vấn đề đặt ra ở đây không phải chỉ là việc phân tích các yếu tố của truyền thống huyền thoại trong sáng tác văn học. Việc làm này chúng ta đã từng làm. Vấn đề đặt ra ở đây là việc phân tích ấy được nâng lên thành một cách tiếp cận của nghiên cứu phê bình văn học: phương pháp tiếp cận của phê bình huyền thoại học. Về vấn đề này có thể đặt câu hỏi: Nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam đã có nhu cầu sử dụng phương pháp tiếp cận này chưa? Việc giới thiệu nhằm đưa vào ứng dụng phương pháp tiếp cận này ở Việt Nam phải chăng chỉ thoả mãn một nhu cầu chạy theo  “mốt”?

Theo chúng tôi để trả lời câu hỏi trên, có thể chú ý tới hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất là trong giới nghiên cứu văn học nước ngoài ở Việt Nam, cách tiếp cận này đã từng được ứng dụng. Một là số nghiên cứu của Nguyễn Đức Nam về J.Joyce, của Đặng Anh Đào về Kafka, của Nguyễn Trung Đức về Marquez, của Lê Ngọc Tân về Zola v.v … là những thí dụ trong nhiều thí dụ khác. Sự kiện thứ hai là xung quanh sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã ít nhất có 6 bài phê bình bàn trực tiếp về sáng tác huyền thoại hoá của nhà văn này. Thí dụ này chứng tỏ khuynh hướng sáng tác huyền thoại hoá trong văn học Việt Nam hiện đại là một thực tế đang diễn ra, kéo theo nhu cầu ứng dụng cách tiếp cận phê bình huyền thoại trong nghiên cứu phê bình văn học.

Nhưng vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu chúng ta đặt câu hỏi về tính hữu hiệu của phương pháp này. Đây là một vấn đề muốn có câu trả lời đầy đủ, cần phải có một thực tế ứng dụng phương pháp này một cách phổ biến và sâu sắc hơn nữa trong nghiên cứu phê bình văn học của chúng ta hiện nay. Những vấn đề huyền thoại về văn học mà chúng tôi đã nêu lên một cách sơ lược trên đây, qua trao đổi và thảo luận nếu có thể phần nào lôi cuốn sự quan tâm và gây được cảm hứng tìm tòi khoa học theo những hướng cho tới nay chúng ta còn ít chú ý tới, thì như thế cũng đã là đạt được những kết quả mà chúng tôi mong đợi.

 

T.P Hồ Chí Minh, tháng 5, 2005

 

 

 



1 E.M.Mêlêtinxki (chủ biên): Từ điển thần thoại. NXB Bách Khoa Xô Viết. M. 1991. Dẫn theo: Văn học dân gian – Những công trình nghiên cứu (Bùi Mạnh Nhị chủ biên). NXB Giáo dục. 2001. Trang 74

1 E.M.Meletinsky: Thi pháp của huyền thoại. NXB Khoa học. M. 1976 (bản tiếng Nga. Trang 153)

1 Histoire des littératures. T.I:Littératures anciennes, orientales et orales. Encyclopédie de la Pléiade. Volume publié sous la direction de Raymond Queneau. Gallimard – 1955, pp. 23 - 24

1 I. P. Ilin và E. A. Tzunganova chủ biên: Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20. NXB Đại học Quốc gia. H. 2003. Trang 357

2 Wilbur S. Scott: Five approach of literary criticism. N.Y – 1962. Trang 246 – 312. Bốn cách tiếp cận kia là: The Moral Approach, The Psychological Approach, The Sociological Approach, The Formalistic Approach.

1 Thông tin đầy đủ hơn về các công trình dịch thuật này, xin tham khảo “Sơ thảo thư mục chuyên đề Văn học và huyền thoại” (tài liệu tiếng Việt)