17092024Tue
Last updateWed, 11 Sep 2024 4pm

Toạ đàm khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy văn hoá biển – Trường hợp vùng biển Nam Bộ”

Sáng ngày 26/09/2015 tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM đã diễn ra toạ đàm khoa học với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy văn hoá biển – Trường hợp biển Nam bộ” do PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết, giảng viên Khoa Việt Nam học trình bày.

Buổi toạ đàm này là sinh hoạt thường kỳ của Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQG-HCM với sự tham dự có các hội viên là giảng viên, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian như PGS Chu Xuân Diên, TS. Lê Tiến Dũng, TS. Nguyễn Ngọc Quận, ThS. Phan Xuân Viện, TS. Trương Văn Món, TS. La Mai Thi Gia, PGS.TS. Trần Nam Tiến, ThS. Nguyễn Đức Trung, ThS. Bùi Việt Thành cùng các nghiên cứu sinh, học viên cao học.


PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết nói chuyện tại Chi hội Văn nghệ dân gian.Ảnh: Việt Thành

Quá trình hình thành về nghiên cứu nhân học biển

PGS. TS. Phan Thị Yến Tuyết cho biết việc nghiên cứu về biển là một chủ trương đầu tiên và rất sớm, từ năm 2003 của Ban Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học, trường Đại học KHXH&NV TP. HCM. Toàn thể giảng viên và sinh viên của Bộ môn Nhân học đã tham gia khảo sát liên tục nhiều năm ở vùng biển tỉnh Kiên Giang dưới góc độ nhân học biển (Maritime anthropology). GS.TS Akifumi Iwabuchi (Trưởng Bộ môn quản lý về biển, Đại học Tokyo, Nhật Bản) cũng đã trình bày về Nhân học biển cho giảng viên Bộ môn Nhân học trong 8 ngày (ngày 1-8/5/2005) và ông cũng đã có những chuyến đi khảo sát cùng giảng viên của Bộ môn ở vùng biển Cà Mau. Sau đó, PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết làm chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp ĐHQG- HCM, nghiên cứu toàn bộ vùng biển Nam Bộ, kết quả của đề tài là một công trình chuyên khảo về biển và tập giáo trình điện tử môn Văn hoá biển dùng để giảng dạy bậc sau đại học. Theo PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết phải mất gần 10 năm nghiên cứu liên tục, có chủ trương, đầu tư bài bản mới có thể hình thành được một môn học chứ không phải nghiên cứu về biển theo “phong trào”, tự phát.


Nhân học biển là vấn đề được PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết quan tâm nghiên cứu. Ảnh: Việt Thành

Từ năm 2011, môn Văn hoá biển được giảng dạy ở bậc cao học tại khoa Việt Nam học (có khi HVCH khoa Địa lý tham gia học liên thông) và từ năm 2012 đến nay môn này cũng được giảng dạy ở bậc cao học tại khoa Văn hoá học. Cho tới nay, trường ĐH KHXH&NV TP. HCM là trường đầu tiên và duy nhất trong cả nước dạy môn Văn hoá biển. Thời gian qua, ngoài nhiều khoá luận tốt nghiệp của sinh viên Nhân học thực hiện về đề tài biển còn có hàng chục luận văn của HVCH khoa Việt Nam học và Văn hoá học (trường ĐH KHXH& NV TP. HCM) đã và đang thực hiện đề tài liên quan đến vùng biển, đảo.

Xây dựng các thuật ngữ nghiên cứu về nhân học biển

Thuật ngữ Dân tộc học biển (maritime ethnology) lần đầu tiên xuất hiện trong Đại hội về Dân tộc học và Văn hóa dân gian Biển vào năm 1954 tại Naples (Ý), sau đó chuyển thành Nhân học biển (maritime anthropology). Trong nghiên cứu Nhân học biển bao gồm cả nội dung nghiên cứu Văn hoá biển (marine culturology/ marine culture). 

Theo nghĩa bao quát nhất, ngành Nhân học biển nghiên cứu tất cả những vấn đề về hoạt động của con người (trực tiếp hay gián tiếp) gắn liền với biển cả. Điểm cốt lõi về đối tượng nghiên cứu của nhân học biển và văn hoá biển là khảo sát xã hội các cộng đồng ngư dân và cư dân vùng biển, đảo qua các hoạt động kinh tế, văn hoá của họ, nghiên cứu sự thích nghi của con người với môi trường sinh thái vùng biển, chính sách kiểm soát quản lý chiến lược tài nguyên và môi trường biển, vấn đề xuyên văn hoá (cross culture) ở vùng biển các khu vực. Khảo cổ học dưới nước (underwater archaeology) cũng là đối tượng nghiên cứu của nhân học biển. Tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất lớn và bao gồm những loại hình di tích chìm ngập dưới biển có niên đại hàng nghìn năm… 

Trong hoạt động mưu sinh của ngư dân và cư dân vùng biển, đảo bao gồm: Ngư nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, nghề làm muối, nghề thủ công truyền thống (như đóng và sửa chữa tàu, ghe, thuyền, làm lưới, chế biến thủy hải sản, hàng mỹ nghệ), dầu khí Biển Đông, du lịch biển…

Về đời sống văn hoá chủ yếu bao gồm tín ngưỡng, tôn giáo, văn học (văn học dân gian, văn học cổ, văn học hiện đại), nghệ thuật, tri thức dân gian, ẩm thực vùng biển…

Ứng dụng vào nghiên cứu các vấn đề văn hoá biển 

Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông và lễ hội Nghinh Ông thể hiện dấu nối giữa 3 miền Bắc- Trung- Nam. Tại Trung Bộ và Nam Bộ dấu nối này độc đáo vì thể hiện sắc thái văn hóa biển từ bước chân di dân và khẩn hoang của cư dân. Đây là mô thức văn hóa hết sức độc đáo tại vùng biển, đảo Việt Nam, Nghinh Ông được xem là lễ hội chính yếu, lớn và nghi lễ cúng tế trang trọng nhất, được chính quyền địa phương ưu tiên quan tâm. Lễ hội này thực chất là lễ hội nghề nghiệp. Ngoài ra tại nhiều nơi ở vùng biển, đảo Nam Bộ người dân còn tin rằng Cá Ông mang giới tính nữ. Điểm quan trọng khác về tín ngưỡng vùng biển Nam Bộ là hệ thống tín ngưỡng và lễ hội thờ Mẫu cùng nữ thần biển, như Phật Bà Nam Hải, Mẫu Thiên Y A Na và Bà Chúa Xứ, Mẫu Thiên Y A Na và tín ngưỡng Bà-Cậu, Mẫu Thiên Y A Na và Hậu Thổ Phu Nhân, Mẫu Thiên Y A Na và Bà Chúa Hòn, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tứ Vị Thánh Nương, Thuỷ Long Thánh Mẫu, Bà Chúa Thượng động, Tín ngưỡng nữ “tiền chủ” hay “tiền hiền” trên hải đảo (bà Kim Giao, bà Cố Chủ, Bà Thị Vãi, Bà Trao)…

Các Mẫu và nữ thần thể hiện dấu ấn tín ngưỡng về sự đối phó của con người với thiên nhiên hoang dã vùng biển, đảo Nam Bộ, đặc biệt thường liên quan đến những cái chết trôi dạt trên biển, hiển linh thành thần…Vì sao nữ không đóng vai trò chính trong đánh bắt cá ở biển nhưng hệ thống các vị Mẫu thần và nữ thần vùng biển lại rất nhiều? Phải chăng điều này liên quan đến khái niệm giới trong tôn giáo mà nhân học Mỹ từng đề cập về biểu tượng giới của các nền văn hóa vùng biển. 

Về văn học dân gian vùng biển, đảo Nam Bộ chủ yếu nổi trội một số thể loại như: ca dao, vè, truyện dân gian. Về hội hoạ, tranh thủy mặc chủ yếu có các đề tài về những buổi chợ cá nơi cảng biển, những chiếc ghe đi biển về, những con người lao động nhọc nhằn, những người phụ nữ vùng biển tần tảo….Tri thức dân gian vùng biển, đảo có thể xem là “kho tàng tri thức” của cư dân địa phương (xem da ráng, dấu hiệu của chim, của cá biển…). Ẩm thực biển cũng là lĩnh vực khảo sát lý thú, phong phú.

Nghiên cứu văn hóa biển cần vận dụng lý thuyết Sinh thái văn hóa (cultural ecology) vì lý thuyết này đề cập cách con người thích nghi với môi trường thiên nhiên cụ thể trong bối cảnh nền văn hóa của họ để sinh tồn. J. Steward dùng khái niệm thích ứng/ thích nghi để lý giải hành vi văn hoá của con người đối với môi trường tự nhiên. Sự biến đổi và thích ứng văn hoá là quá trình tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên. 


Chi hội Văn nghệ dân gian trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM chụp hình lưu niệm. Ảnh: Việt Thành

Để phổ biến sâu và đa dạng hơn về nghiên cứu biển, trung tuần tháng 10/2015, PGS.TS. Phan Thị Yến Tuyết sẽ cùng với TS. Phạm Thanh Duy (Khoa Nhân học) trình bày về nghiên cứu nhân học biển, ứng dựng nghiên cứu nhân học biển và quá trình đào tạo về nhân học biển dành cho NCS tại Trường Đại học Tokyo ở Nhật Bản.

 

Nguồn: http://qlkh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=fba31ba4-3c64-4fd1-82e7-1f4c93b72898