28032024Thu
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Tiếng Việt cổ và từ địa phương Nam Bộ trong “Câu hát góp” của Huình Tịnh Của

(La Mai Thi Gia, Tạp chí Đại học Sài Gòn, tháng 8.2016)

Tóm tắt

Trong bài viết, chúng tôi tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ của những câu ca dao đã được sưu tầm cách đây 128 năm trong sưu tập Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của. Chúng tôi tìm và giải thích những từ Việt cổ, từ địa phương Nam Bộ xuất hiện nhiều trong các câu ca dao khác nhau bằng cách tra cứu nghĩa của các từ đó trong Đại Nam quấc âm tự vị cũng của Huỳnh Tịnh Của biên soạn. Chúng tôi tìm hiểu tính Nam Bộ trong ngôn ngữ ca dao dân ca Nam Bộ được sưu tập ở cuối thế kỷ 19 thể hiện như thế nào thông qua từ địa phương và cách xưng hô đậm tính Nam Bộ, đồng thời giải nghĩa những câu ca dao dân ca chứa nhiều từ Việt gốc Hán trong Câu hát góp.

                 Từ khóa: Huỳnh Tịnh của, Câu hát góp, Đại Nam quốc âm tự vị, tiếng Việt cổ, từ Nam Bộ.

1.MỞ ĐẦU

Ra đời cách đây hơn một thế kỷ, Câu hát góp (xuất bản năm 1897) và Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (xuất bản năm 1896) của Huỳnh Tịnh Của có thể được xem như là hai sưu tập văn học dân gian (cụ thể là ca dao và lời ăn tiếng nói dân gian) gần như đầu tiên về vùng đất Nam Bộ. Trước 2 sưu tập này của Huỳnh Tịnh Của đã có sáu “câu hát” được Trương Vĩnh Ký công bố ngay trong số đầu tiên của bộ Miscellanée (Imprimeric Commerciale Rey Curiol, 1988), những câu “tục diêu” dùng làm dẫn chứng trong bộ Đại Nam quấc âm tự vị (1895) và cuốn Câu hát An Nam của Trương Minh (Ký?) (1886) [9; tr.5](1). Hai bộ sưu tập trên của Huỳnh Tịnh Của là những bộ sưu tập có tính chất mở đầu cho công việc sưu tầm văn học dân gian ở vùng đất Nam Bộ và đã từng gây được chú ý khi nó mới được xuất bản. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn bao gồm 95 trang với 1226 câu gồm những câu thành ngữ tục ngữ, lời hay ý đẹp đang lưu truyền trong dân gian được nhà sưu tầm ghi chép và biên soạn lại, trong đó có khá nhiều câu chứa chữ Hán gốc Hán hay chữ Hán gốc Việt. “Tục ngữ hay ngạn ngữ cũng là một. Cổ ngữ là lời nói thuở xưa. Gia ngôn là lời khôn ngoan” [11; tr.7]. Còn Câu hát góp là bộ sưu tập ca dao gồm 32 trang với 1011 câu lục bát. “Câu hát góp là góp nhặt, thu thập các câu ca dao như phụ đề tiếng Pháp là Recueil de Chansons populaires – Thu thập các bài ca dân gian” [11; tr.6].

Dù là những tác phẩm đánh dấu mốc khởi đầu cho công việc sưu tầm ca dao dân ca Nam Bộ nhưng trong một thời gian dài, hai tác phẩm này của Huỳnh Tịnh Của dường như bị bỏ rơi, không được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu về tục ngữ ca dao dân ca hay trong lời nói đầu của các tuyển tập sưu tầm tục ngữ ca dao dân ca về sau này. Nhận thấy thiếu sót đó nên nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên đã tích cực tìm kiếm hai cuốn sách này ở Thư viện quốc gia Pháp Paris, sau đó đã sao lục, biên soạn và giới thiệu lại nội dung của hai sưu tập này trong cuốn Những tác phẩm ca dao tục ngữ được xuất bản cách đây một thế kỷ (Câu hát góp và Tục ngữ cổ ngữ, gia ngôn), xuất bản năm 1997. Trong cuốn sách của mình, Nguyễn Khắc Xuyên đã sắp xếp lại thứ tự của các câu ca dao và tục ngữ theo mẫu tự ABC và đánh lại số thứ tự của từng câu cho dễ tra cứu. Trong lời nói đầu, ông cũng cho rằng “Vì nguyên bản là một sách thuộc loại cổ, in đã lâu, thêm vào đó bản chúng tôi sử dụng lại là bản chụp, có nhiều câu chữ Hán, nên khó tránh được cái nạn tam sao thất bản, chúng tôi thành thật nhận các lời chỉ giáo” [11; tr.7]. Đây là một nỗ lực rất đáng trân trọng của nhà nghiên cứu, nhằm giữ gìn và giới thiệu lại hai sưu tập văn học dân gian Nam Bộ đầu tiên rất đáng giá của Huỳnh Tịnh Của.

Sau Nguyễn Khắc Xuyên một năm, nhà Nam Bộ học Huỳnh Ngọc Trảng cho xuất bản cuốn Ca dao – dân ca Nam Kỳ Lục tỉnh (NXB Đồng Nai, 1998), ông làm việc này vì nhận thấy rằng sau “sáu câu hát” công bố trong Miscellanées của Trương Vĩnh Ký thì công việc sưu tầm ca dao dân ca được không ít người kế tục vào càng lúc càng có quy mô lớn hơn cũng như chất lượng hơn. Tuy nhiên, theo quan sát của mình từ các bộ sưu tập đó, Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng ca dao dân ca Nam Bộ trong những thập kỷ gần đây “thường hướng vào nỗ lực tìm kiếm từ bên trong thực tế bằng phương pháp sưu tầm điền đã và rất ít chú tâm đến các tài liệu sưu tập ca dao – dân ca được công bố từ những năm cuối thế kỷ XIX đến những năm 50 của thế kỷ này” [9; tr.5] (tức thế kỷ XX). Mà theo nhà nghiên cứu những nỗ lực sưu tập của người xưa trong điều kiện còn khó khăn thiếu thốn, dù còn ít ỏi nhưng đó chính là “những ca từ của các điệu hát câu hò dân gian đã một thời vang vọng khắp trên những cánh đồng, sông rạch, trong các sinh hoạt lao động, xay lúa, giã gạo” [9; tr.7].

Huỳnh Ngọc Trảng đã liệt kê ra được 17 bộ sưu tập ca dao dân ca xuất bản từ 1886 đến 1957 do các nhà in Xưa nay, Đinh Thái Sơn, Huỳnh Kim Danh, Đức Lưu Phương, Phạm Văn Tươi, Bốn Phương... xuất bản. Ông cho rằng đây là những bộ sưu tập hết sức có giá trị vì chúng đã là tài liệu tham khảo cho các nghệ nhân hò hát ngày ấy và đây là những tài liệu có tính xác thực lịch sử rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu về sau này muốn tìm hiểu về đặc điểm của ca dao dân ca Nam Bộ vào buổi đầu khai hoang mở cõi. Ông tập hợp lại và cho xuất bản cuốn Ca dao dân ca Nam Kỳ Lục tỉnh vào năm 1998, trong cuốn này là tập hợp của 6 cuốn sách sưu tầm ca dao dân ca của người đi trước, trong đó Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của được xếp ở vị trí đầu tiên vì đây là bộ sưu tập được xuất bản vào loại sớm nhất trong 6 cuốn sách kể trên (Bản Câu hát góp đầu tiên in năm 1987, NXB Ménard, Sài Gòn). Cuốn sách mà Huỳnh Ngọc Trảng dùng để sao chép và in lại trong Ca dao dân ca Nam Kỳ Lục tỉnh là cuốn Câu hát góp được tái bản lần thứ 4 năm 1901). Khi quyết định tập hợp và cho tái bản lại các sưu tập ca dao dân ca miền Nam của người đi trước, Huỳnh Ngọc Trảng mong rằng chính những câu hát câu hò này của người xưa đã từng hát, từng hát lưu truyền và do người xưa sưu tầm sẽ cung cấp cho chúng ta “nhiều dữ liệu văn học nghệ thuật cũng như các dữ liệu về kinh tế - xã hội và nhất là những nét riêng chung về cuộc sống tình cảm, những quan niệm về thẩm mỹ, đạo lý… của các thế hệ trước..”[9; tr.8].

Trong bài viết của mình, chúng tôi tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ của những câu ca dao đã sưu tập cách đây 128 năm trong Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của, từ những bản đã được sao chép và biên soạn lại trong hai cuốn sách Những tác phẩm ca dao tục ngữ được xuất bản cách đây một thế kỷ (Câu hát góp và Tục ngữ cổ ngữ, gia ngôn) của Nguyễn Khắc Xuyên và Ca dao dân ca Nam Kỳ Lục tỉnh của Huỳnh Ngọc Trảng. Bản Câu hát góp được in lần đầu bao gồm 32 trang và 1021 câu ca dao (“Tục diêu mới góp mười trăm câu ngoài” – Huỳnh Tịnh Của). Tuy nhiên trong bản sao lục lại của mình, Nguyễn Khắc Xuyên cho rằng toàn bộ cuốn Câu hát góp chỉ bao gồm 1011 câu vì Huỳnh Tịnh Của đánh nhầm số. Còn trong bộ sưu tập của Huỳnh Ngọc Trảng thì phần nội dung Câu hát góp chỉ còn có 952 câu, nhà nghiên cứu biên soạn lại từ bản Câu hát góp in ở nhà in Ménard Sài Gòn năm 1901 và không chú thích vì sao số lượng câu lại giảm đến hơn 50 câu như vậy. Chúng tôi đối chiếu hai bản sao lục lại của Nguyễn Khắc Xuyên và Huỳnh Ngọc Trảng cũng phát hiện ra nhiều từ không đồng nhất trong một số câu ca dao, do vậy có thể thấy việc sao lục qua nhiều lần bộ sưu tập Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của không tránh khỏi trường hợp tam sao thất bản.

Đọc Câu hát góp, chúng tôi tìm và giải thích những từ Việt cổ, từ địa phương Nam Bộ xuất hiện nhiều trong các câu ca dao khác nhau bằng cách tra cứu nghĩa của các từ đó theo cách giải thích trong Đại Nam quấc âm tự vị cũng của Huỳnh Tịnh Của biên soạn. Chúng tôi tìm hiểu tính Nam Bộ trong ngôn ngữ ca dao dân ca Nam Bộ được sưu tập ở cuối thế kỷ 19 thể hiện như thế nào thông qua các từ địa phương và cách xưng hô đậm tính Nam Bộ trong Câu hát góp. Đồng thời cũng tìm hiểu và thử giải nghĩa những câu ca dao dân ca chứa nhiều từ Việt gốc Hán và nguồn gốc của những điển tích điển cố chứa đựng trong đó.

  1. 2.CẮT NGHĨA TIẾNG VIỆT CỔ VÀ TỪ ĐỊA PHƯƠNG NAM BỘ

Để xác định đâu là từ địa phương Nam Bộ và tiếng Việt cổ được nhắc đến trong Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi dựa vào phần “Lời giải thích” trong Những tác phẩm ca dao tục ngữ được xuất bản trước đây một thế kỷ của Nguyễn Khắc Xuyên. Ở phần này, ông nêu ra những từ địa phương và những từ cổ có thể tìm nghĩa trong Đại Nam quấc âm tự vị (ĐNQATV) và chỉ vị trí câu ca dao mà từ đó xuất hiện. Chúng tôi căn cứ vào đó tìm đến những câu ca dao này, tra nghĩa của từ theo ĐNQATV và giải nghĩa câu ca dao đó.

Chưa kể vào nội dung hơn 1000 câu ca dao của bộ sưu tập thì trong lời tựa cho tác phẩm Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của cũng đã có một số từ cần giải nghĩa, ông viết lời tựa là 12 câu lục bát, trong đó có câu “Quấc phong xưa có mười lăm, Tục diêu mới góp mười trăm câu ngoài”. Theo ĐNQATV thì quấc cũng là quốc, quấc phong nghĩa là quốc phong (T2; tr.217)(2), diêu cũng là dao, tục diêu là tục dao, tục dao cũng là ca dao, nối diêu cũng là nối dao (T1, 235).

  1. 2.1.Thinh thinh, linh đinh, đặng, hài, chiếc bá

-                     Thinh thinh đất rộng trời dài/ Biết sao cho đặng duyên hài trăm năm (422)(3)

Theo ĐNQATV thinh thinh nghĩa là rộng minh mông, rộng thinh nghĩa là rộng lớn, thinh không là khi không, hư không, tình cờ [T1; tr.398]. Đặng là “tên họ, được, có thể, làm nên, gặp rồi, có rồi”, cho đặng là hầu cho, ngõ cho (tiếng ước, tiếng khiến), chẳng đặng là không được, cũng là tiếng cấm ngăn. Câu tục ngữ Ăn no lo đặng nghĩa là có cơm sẵn cho mà ăn nên mới làm được chuyện nó chuyện kia [T1; tr.269]. Vậy nghĩa của từ đặng trong câu ca dao này là được, có thể. Hài ở đây là “hòa hiệp, rập ràng, xong xuôi, sự bất hài là việc không xuôi” (T1; tr.398). Nghĩa của câu ca dao trên có thể diễn xuôi là: trời đất rộng mênh mông như vậy, biết làm sao có thể có được mối duyên hòa hợp trăm năm.

-                     Linh đinh chiếc bá giữa dòng/ Sóng xao gió tạt biết từng về đâu (183)

-                     Linh đinh một chiếc thuyền tình/ Mười hai bến nước gởi mình vào đâu (465)

-                     Phận bèo bao quản nước sa, linh đinh đâu nữa cũng là linh đinh (45)

-                     Linh đinh vịt lội giang hà/ Nói cho tốt lớp, bạc đà trong tay (915)

Từ linh đinh ít thấy trong các bộ sưu tập ca dao dân ca mới xuất bản vài mươi năm trở lại đây nhưng đã xuất hiện lặp lại 4 lần trong Câu hát góp, chứng tỏ đây cũng là từ được dùng phổ biến trong dân gian Nam Bộ trước đây. Linh là cách đọc theo âm Nam Bộ của lênh, linh đinh (lênh đênh) là trôi nổi dật giờ, không chắc về đâu ở đâu [T1; tr.558]. Ba câu ca dao số 183, 465 và 45 đại ý nói về những thân phận trôi giạt khắp nơi như cánh bèo, chiếc bá hay chiếc thuyền tình trôi nổi trên mặt nước, dù có ở bất kỳ đâu thì cũng là trôi nổi, không ổn định và đầy phân vân. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu thơ tương tự như câu ca dao số 45, nhưng thay hai chữ “linh đinh” bằng “lênh đênh” nhằm chỉ số kiếp hồng nhan trôi nổi của nàng Kiều. Chiếc bá trong câu ca dao số 183 là chỉ chiếc thuyền bá, thuyền đóng bằng cây bá, “linh đinh chiếc bá giữa dòng” có ý ví von với số phận của cô gái chưa chồng hoặc mất chồng phải giữ tiết một mình [T1; tr.18].

2.2. Minh mông, miêng bạch, khứ lại, vô nghì, qua - bậu, xằng

- Ngó ra ngoài biển minh mông/ Thấy chiếc thuyền rồng cất mái chèo đua (129).

Minh là cách phát âm theo tiếng Nam Bộ của chữ mênh, minh ở đây có nghĩa là mờ, tối, minh mông là bộ rộng xa, không biết đâu là cùng tột [T2; tr.36].

- Canh tư cất bút thề nguyền/ Khứ lai miêng bạch cho tuyền thủy chung/ Canh năm cờ phất trống rung/ Anh gá tiếng cùng bậu chớ nghe ai (65, 66)

- Trách em một chữ vô nghì/ Chào anh một tiếng mất đi đường nào/ Chào anh em cũng muốn chào/ Sợ e chúng bạn nói điều chẳng miêng (663, 664)

Chữ miêng trong hai câu ca dao trên có nghĩa là rõ ràng, phân minh, miêng bạch là minh bạch (T2; tr.33). Nghì là cách đọc khác của ngãi, nghĩa, vô nghì nghĩa là chẳng có lễ phép gì [T2; tr.92]. Vậy nghĩa của câu 663 và 664 là nhân vật chàng trai có ý trách người con gái không có lễ nghi, thấy mình không biết chào hỏi (thực ra là ngầm trách người ta lạnh nhạt với mình). Tuy nhiên cô gái lại sợ “điều chẳng miêng”, tức là sợ thiên hạ xì xào đồn thổi chuyện không minh bạch giữa hai người vì thấy hai người trò chuyện hay chào hỏi nhau ngoài đường. “Khứ lai miêng bạch” trong câu 65 nghĩa là đi lại, qua lại cho rõ ràng minh bạch. Cả câu ca dao là một lời thề ước của chàng trai dành cho người mình yêu và dặn dò người yêu khi mình đi xa nhớ giữ vững lòng chung thuỷ. Chữ bậu trong câu này có nghĩa là em (em yêu), dùng để chỉ người con gái, trong ca dao Nam Bộ ta hay bắt gặp các cặp xưng hô qua – bậu như trong câu Bậu nói với qua, bậu không lang chạ/ Bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa hay Đờn cò lên trục kêu vang/ Qua còn thương bậu bậu khoan lấy chồng hoặc Trăng lên khỏi núi trăng quỳ/ Bậu lo thân bậu lo gì thân qua (463), Trăng tròn rồi lại tròn trăng/ Bậu xinh mặc bậu, bậu xằng qua chê (328). ĐNQATV giải nghĩa qua - bậu là tao mày (tiếng nói thân thiết), như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ (T1; tr.43). Còn chữ xằng trong câu 328 nghĩa là rối rắm, mất nết, làm xằng là làm cho rối rắm, hư việc, xằng xịu là không có nết hạnh, dâm đãng, bảo “con ấy xằng” là ý nói con ấy mất nết [T2; tr.574]. Câu ca dao có ý nói “cái nết đánh chết cái đẹp”, dù cô gái có xinh đẹp đến bao nhiêu đi nữa nhưng không đẹp nết thì cũng bị chê. Chữ bậu xuất hiện 130 lần và chữ qua xuất hiện 49 lần trong toàn bộ Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của, chứng tỏ đây là cách xưng hô hết sức phổ biến của người Nam Bộ thời kỳ trước.

  1. 2.3.Trước mai, sum hiệp, hiệp vầy

-      Anh ở với em cho trước mai tàn/ Mai sau anh có thất vận lên ngàn cũng xinh (420)

-      Tưởng là mai trước lại vầy/ Hay đâu mai trước một ngày một xa (969)

-      Kể từ bạn với trước mai/ Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông (966)

-      Kể từ bạn với trước mai/ Xuân qua hè lại đã vài ba năm (102) 

-      Bao giờ sum hiệp trước mai. Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm (1012)

-      Ngó thấy em đành đà đành bụng/ Biết bao giờ hiệp phụng vầy loan (51)

-      Bây giờ hiệp mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao (924)

-      Bao giờ loan phụng hiệp vầy/ Thì anh mới đặng giải khuây cơn sầu (947)

-      Lỗi căn duyên như đờn lỗi nhịp/ Biết bao giờ cho hiệp phụng loan (85)

Từ trước là một từ Việt cổ dùng để chỉ cây trúc (tre), không thấy xuất hiện trong các bộ sưu tập ca dao gần đây nữa, chúng tôi tìm thấy được 5 câu ca dao trong Câu hát góp có chứa từ này. Theo ĐNQATV trước là trúc, tre (T2; tr.501), như vậy trước mai ở đây là trúc mai. Đây là cặp biểu tượng kép thường xuất hiện trong ca dao để chỉ cặp đôi nam nữ nhân vật điển hình, trúc là hình ảnh chỉ người quân tử, còn mai được dùng để chỉ người con gái đẹp. Biểu tượng trúc – mai thường đi chung để chỉ cặp đôi yêu nhau. Như câu ca dao “Hôm nay sum hiệp trước mai, tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm” nhằm chỉ sự gặp gỡ, gần gũi của đôi trai gái yêu nhau. Trong các câu ca dao số 1012, 51, 924, 947 và 85 còn có từ hiệp, theo ĐNQATV hiệp là họp hay hạp, sum hiệp là nhóm họp, sum vầy, hiệp vầy hoặc vầy hiệp là nhóm họp, chung cùng (T2; tr.420). Từ hiệp xuất hiện 9 lần trong Câu hát góp. Trong hai câu ca dao 947 và 85, ta thấy có xuất hiện cặp biểu tượng phụng – loan (đôi chim trống mái), cũng có ý nghĩa tượng trưng cho đôi nam nữ như cặp biểu tượng trước – mai ở trên.

  1. 2.4.Dươn, quờn, dươn hài, lương dơn, căn dươn, vầy dươn

-   Chẳng qua là gió đưa dươn/ Nào ai cướp lộc dành quờn chi ai (317)

-   Nghinh hôn giá thú bất khả luận tài/ Trăm năm chẳng hiệp dươn hài/ Anh nằm lăn xuống bệ, anh lạy dài ông Tơ (918)

-   Lương dươn do túc đế/ Giai ngẫu tự nhiên thành/ Vì con trăng kia chỉ rối tơ mành/ chẳng nên chồng vợ cũng thành đệ huynh (132)

-   Lưu ly nửa nước nửa dầu/ Nửa lo cha mẹ, nửa sầu căn dươn (17)

-   Ngồi buồn giả chước đi câu/ Cá ăn không giựt, mảng sầu căn dươn (159)

-   Chiều nay anh thượng lộ hồi hương/ Xin bậu ở lại, đừng vầy dươn nơi nào (410)

Từ dươn được tìm thấy trong 6 câu ca dao của bộ sưu tập, dươn là duyên, lương dươn là lương duyên. Theo ĐNQATV thì dươn (doan, duyên) là số phận, cớ sự (251), duyên do, phận mạng, sự may mắn, ưa hợp (T1; tr.238). Quờn là quyền, quờn phép là quyền phép (T2; tr.234). Câu 317 ý nói sự may mắn là do trời cho chứ người gặp may không có tranh giành với ai. Câu 918 ý nói chuyện cưới xin vợ chồng không nên tính đến chuyện tiền bạc, nhưng vì “luận tài” nên duyên trăm năm không được hòa hiệp, ở đây nhân vật trữ tình có ý trách ông Tơ không khéo xe duyên nên đôi lứa yêu nhau mà không thành (“chẳng hiệp dươn hài”). Chữ dươn hài ở đây là duyên hài trong câu thành ngữ Duyên hài can lệ, nghĩa là hạp vợ chồng, phải đạo vợ chồng [T1; tr.100]. Câu 132 ý nói chuyện duyên lành là do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên, vì ông bà Nguyệt lão (con trăng kia) xe nhầm mối chỉ nên tình vợ chồng chuyển thành tình anh em. Chữ vầy dươn ở câu 410 nghĩa là vầy duyên, kết duyên, lời chàng trai dặn dò người yêu trước khi chàng lên đường xa để về quê (“thượng lộ hồi hương”), là em ở lại chờ anh chứ đừng kết duyên với ai.

  1. 2.5.Vong, sóng, gièm xiểm, đàng, vãng lai

-   Anh ơi vợ cũ anh chớ vong/ Đàng cũ anh chớ lấp để phòng vãng lai (622)

-   Bao giờ anh chiếm đặng bảng vàng/ Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong (392)

-   Bát kia trong sóng rung rinh/ Mặc ai gièm xiểm đôi mình đừng vong (669)

-   Nơi thương cha mẹ biểu vong/ Nơi chẳng đành lòng cha mẹ biểu ưng (976)

Chữ vong xuất hiện 11 lần trong Câu hát góp, theo ĐNQATV vong có nghĩa là quên, không nhớ đến, như bội nghĩa vong ân là bội bạc, chẳng biết ơn nghĩa gì [T2; tr.560]. Chớ vong, đừng vong trong câu 622 và 669 ý nhắc nhở đừng quên, đừng phụ bạc, vong trong câu 976 ý là thôi, là chấm dứt, là bỏ người tình (vong tình, phụ tình). Ở câu 669 có từ sóng là dùng để chỉ sóng chén, sóng bát, tức là đồ đựng bát chén đương bằng tre, cũng gọi là rế bát [T2; tr.307]. Gièm, gièm xiểm, gièm siểm (ĐNQATV ghi là siểm) là đặt chuyện nói xấu làm cho người ta ghét nhau [T2; tr.375]. Nghĩa của câu ca dao là cho dù bát trong sóng có rung rinh, cho dù có người đặt điều dèm pha thì đôi trai gái cũng nhớ giữ vững lòng tin và tình yêu của nhau mà đừng quên nhau, phụ tình nhau.

-            Cực lòng thiếp lắm chàng ơi/ Biết rằng: lên ngược xuống xuôi đàng nào (825)

-            Tưởng là đàng vắng hát chơi/ Hay đâu đàng vắng có người vãng lai (335)

-            Muốn vãng lai sợ nàng mang tiếng/ Giả khách qua đàng sớm viếng tối thăm (545)

-            Bạn cũ ta xưa nay đà biệt bộ/ Giả khách qua đàng thượng lộ hỏi thăm (346)

-            Ngọc còn ẩn bóng cây tùng/ Náu nương chờ đợi anh hùng vãng lai (223)

Chữ đàng xuất hiện đến 28 lần trong Câu hát góp và cùng chỉ chung một nghĩa, đàng là cách phát âm kiểu Nam Bộ của từ đường, theo ĐNQATV đàng (đường) là đàng sá, dấu rẽ hai hoặc nứt nẻ dài, đàng trong đàng sá, đàng đi, đàng cái, đàng lộ, đàng sứ, đàng quan, đàng thẳng, đàng tắt, đàng trường… [T1; tr.266]. Từ “qua đàng” trong câu 545 và 346 nhằm chỉ động tác đi ngang qua, không có ý ghé, không ở lâu. “Khách qua đàng” là người vô can, không có quen biết [T1; tr.267]. Còn vãng có nghĩa là qua, lai là lại, vãng lai là qua lại [T2; tr.542, 528]. Câu 545 có ý nói muốn thăm hỏi người yêu nhưng sợ người ta xì xào bán tán khiến nàng mang tiếng nên anh đành giả vờ là người qua đường không quen biết ghé vào thăm. Câu 346 cũng có ý là nhân vật giả bộ là người không quen, người tình cờ đi ngang qua ghé vào và dò hỏi tin tức của bạn cũ. Chữ “vãng lai” trong câu 223 còn có nghĩa là tới (lui tới), câu này có nghĩa tương đương với câu “Chim quyên ẩn bóng cây tùng/ Thuyền quyên chỉ đợi anh hùng mà thôi”, ý nói người đẹp còn giấu mình, chưa tính chuyện hôn nhân để chờ đợi người quân tử hợp ý hợp lòng, xứng đôi vừa lứa với mình.

  1. 2.5.Huê, hường, hiếm hiệm, hường nhan, hườn sanh, kiều khấu

-               Muốn chơi chậu cúc tam hường/ Liễu huê hiếm hiệm dọc đường thiếu chi (528)

-               Huê sao thơm lạ thơm lùng/ Thơm cây thơm rễ người trồng cũng thơm (774)

-               Huê tàn nhụy rữa còn tươi/ Để trong quả bắc chờ người phương xa (937)

-               Tay cầm nhành bứa, lụy ứa hai hàng/ Xuân xanh anh chẳng gặp, huê tàn gặp em (927)

Chữ huê xuất hiện 6 lần trong Câu hát góp, huê là hoa (chữ huý) [T1; tr.451], là cách nói của người Nam Bộ để chỉ chữ hoa (bông hoa) mà ta ít gặp ở đâu trong các vùng miền khác, chữ hiếm hiệm cũng là một phương ngữ khá đặc biệt của vùng đất phương Nam, ĐNQATV giải nghĩa hiếm hiệm là nhiều lắm, dư dật [T1; tr.418]. Theo Trần Minh Thương trong bài viết “Cách nói của người miền Tây Nam Bộ qua ca dao” thì “Dân gian nói hiếm hiệm, nghĩa của nó là đủ rồi, là bộn bàng rồi, hay chỉ sự dư dả của một thứ nào đó”. Trong câu cao dao Muốn chơi chậu cúc tam hường/ Liễu huê hiếm hiệm dọc đường thiếu chi, dân gian “dùng phương ngữ để nói ẩn ý, ngầm so sánh giữa chậu cúc tam hường và liễu hoa (huê) dọc đường. Từ hiếm hiệm đã làm tăng giá trị một chủ thể và cũng làm giảm đi giá trị một chủ thể, bởi nhiều, dư dã thì khó gọi … quý hiếm được! Nói hiếm hiệm tức là … không hiếm vậy” [8].

-         Phải chia cải tử hườn sanh/ Mổ gan trao lại mới đành dạ qua (365)

-         Trồng hường bẻ lá che hường/ nắng mưa che đậy cho hường đơm bông (786)

-         Tiếc thay cây sứ nở bầm/ tiếc hường nhan bậu lấy nhầm đứa ngu (499)

-         Dầu hèn cũng ngựa nhà quan/ Kiều khấu rách nát hường nhan hãy còn (83)

-         Vai mang kiều khấu/ Tay giấu sợi dây cương dài/ Nặng nề anh không tiếc, anh tiếc tài con ngựa hay (930)

Từ hườn trong câu 365 là cách đọc khác của từ hoàn, theo ĐNQATV hườn là hoàn, nghĩa là về, trả lại, trở lại, hườn sanh là hoàn sinh, là sống lại [T1, tr.432, 456]. Hường cũng là một cách nói theo âm Nam Bộ của từ hồng, ĐNQATV giải thích hường là hồng, hường nhan là hồng nhan, chỉ vẻ lịch sự, gương mặt đẹp đẽ, thường dùng nói về đờn bà. Nói ai “có tay hường nhan” là ý nói người đó có vẻ lịch sự, hay làm cho đờn bà phải lòng, đắc vợ [T1, tr.446, 458]. Ngày nay ta quen dùng chữ hồng nhan để nói về nhan sắc, chỉ người con gái đẹp. Trong câu 83 và 930 còn có từ kiều khấu, kiều là cái yên ngựa, kiều khấu là đồ trang sức cho ngựa, yên là mặt khấu [T1, tr.518].

  1. 2.6.Xa xuôi, ngãi, ngỡi, nhơn ngãi, kết ngỡi

-         Nhớ lời nguyền ước ba sinh/ Xa xuôi ai có thấu tình chăng ai (46)

-         Xa xuôi chẳng đặng cần quờn/ Dễ đây với đó giận hờn chi nhau (434)

-         Xa xuôi chẳng đặng cần quyền/ Biết là nhơn ngãi có thiêng cùng chàng (148)

-         Bấy lâu bậu cần mẫn cái vườn đào/ Tình xưa ngỡi cựu, bậu có nhớ chút nào hay không (922)

-         Bậu với qua tình mặn ngỡi nồng/ Siêu nước sôi chớ quạt, làn gió lộng anh phải che (923)

-         Tới đây cụm liễu giao nhành/ Hỏi em kết ngỡi có thành hay không (910)

Xa xuôi là cách đọc theo âm Nam Bộ của xa xôi, theo ĐNQATV xa xuôi (xa xôi) là cách bức, phân rẽ, không phải một chỗ [T2; tr.568], Cần quờn, cần quyền là siêng năng, ý chí [T2; tr.237]. Nhơn là lòng tốt, hay thương xót, làm ơn, nhơn ngãi là lòng trung hậu, sự ăn ở phải nhơn, phải nghĩa [T2; tr.137]. Ngãi hay ngỡi cũng là cách gọi của nghĩa. Tình xưa ngỡi cựu là tình xưa nghĩa cũ, tình mặn ngỡi nồng ý nói nghĩa tình mặn nồng, sâu nặng. Vậy nhơn ngãi, nhơn nghĩa ở đây là cách dùng mang tính địa phương Nam Bộ của từ gốc nhân nghĩa. Trong Câu hát góp, từ ngãi xuất hiện đến 43 lần và từ ngỡi xuất hiện 5 lần. Hai từ nhơn nghĩa ta còn bắt gặp trong rất nhiều câu ca dao trong Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của như:

-               Cỏ rơm tạm đỡ buông mền/ Biết là nhơn ngãi có bền cùng chăng (103)

-               Đàng xa nhơn ngãi nào xa/ Đi đâu anh cũng ghé nhà/ Trước thăm phụ mẫu sau là viếng em (195)

-               Phụ mẫu tình thâm/ Phu thê nhơn ngãi trọng/ Một mai anh có xa em rồi, thờ vọng mẹ cha (315)

  1. 2.7.Chực tiết, thỉ chung

-         Cách mấy thu tưởng đà ly biệt/ Ai hay em còn chực tiết với anh (265)

-         Tại mẹ cha dứt tình tơ nguyệt/ Khuyên em đừng chực tiết uổng công (976)

Chực như chực chờ, theo ĐNQATV thì chực là đứng mà đợi, là tới cho có mặt, chực tiết là giữ tiết, giữ nết, không chịu cưới vợ lấy chồng [T1; tr.162]. Câu ca dao 265 và 976 có ý nói đến sự chờ đợi hợp hôn từ một người con gái với một người con trai. Câu 976 như lời khuyên nhủ của chàng trai, khuyên người yêu đi lấy chồng chứ đừng chờ đợi mình vì mẹ cha đã có ý chia rẽ tình cảm của hai người.

-         Bấy lâu chịu tiết loan phòng/ Để cho bạn ngọc thỉ chung cạn lời (575)

-         Tỏ trăng chi bấy hỡi trời/ Để cho bạn ngọc phân lời thỉ chung (576)

-         Tay bưng đĩa muối tay bợ tràng rau/ Thỉ chung như nhứt sang giầu mặc ai (941)

Thỉ là đầu, đầu hết, trước hết, mới [T2; tr.391], chung là sau rốt, chết, trọn vẹn, thỉ chung là trước sau, có trước có sau, chung cùng, thỉ chung như nhứt ý nói trước sau như một, không hề sai chậy (thường nói về việc nhơn nghĩa) [T1; tr.165]. Như vậy chữ thỉ ở đây là cách viết rất cổ của chữ thuỷ sau này, thỉ chung là thuỷ chung. Câu 575 và 576 ý nói lắng nghe lời sau trước, lắng nghe cho trọn lời, cho tròn câu chuyện lòng của người thương. Câu 941 nói đến lòng chung thuỷ, dù gặp cảnh cơ hàn nghèo hèn phải ăn cơm muối rau dưa (“dĩa muối tràng rau”) thì vẫn một lòng trước sau như một, không vì cảnh giàu sang của ai mà thay lòng đổi dạ.

  1. 2.8.Âm can, thoàn, troàn

-         Gió hiu hiu dây chìu đứt đoạn/ Âm can trời nhớ bạn ta xưa, (345)

-         Trời ôi ai đánh trời gầm/ Mây mưa dứt đoạn tư bề âm can/ Cơ trời dâu bể đa đoan, tơ duyên vắn vỏi thiếp chàng xa nhau (838).

-         Sóng xao mặc sóng dưới thoàn/ Một ngày vắng bạn ăn vàng không ngon (842)

-         Nhìn nhau lụy ứa hai hàng/ Cựu bang em ở lại, dòng thoàn anh lui (307)

Theo ĐNQATV âm can là nắng ui ui; trời âm can là trời không nắng; phơi âm can là hong dựa bóng mát [T1; tr.96]. Từ âm can trong hai câu 345 và 838 có thể hiểu là trời không nắng, trời âm u, thời tiết không tốt. Dây chìu trong câu 345, theo ĐNQATV là tên một loại cây cỏ, lá nó nhám, người ta hay dùng mà trau chuỗi [T1; tr.145]. Tuy nhiên chúng tôi không xác định được chữ “dây chìu” trong câu ca dao này có phải giống như nghĩa trong tự vị hay không. Vắn là cụt, ngắn, không có bề dài [T2; tr.539], từ vắn vỏi ở câu ca dao số 838 có thể hiểu là ngắn ngủi, đứt đoạn. Ý nói cơ trời dâu bể, số phận đa đoan và duyên nợ của hai người ngắn ngủi nên kết quả là phải chia xa. Chữ thoàn trong hai câu 842 và 307 là cách phát âm theo kiểu Nam Bộ của từ thuyền. Giống như phát âm chữ troàn (tức là truyền) trong câu ca dao số 728 Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng/ Ông tổ nào troàn mới trọng, cũ vong.

  1. 2.9.Đương, can, can thường, cang thường

-         Chẻ tre lựa lóng đương sàng/ Chờ ba năm nữa cho nàng lớn khôn (270).

-         Bến đò xưa con bóng đương trưa/ Buông lời hỏi bạn kén lừa nữa thôi (854).

-         Em đương vút nếp xôi xôi/ Nghe anh có vợ bồi hồi ruột gan [753]

-         Canh ba đương nói đương cười/ Còn hai canh nữa mỗi người một phương [64]

-         Nàng như chim nọ đương bay/ Anh như con cá mắc rày lưới giăng [543]

Trong 5 câu ca dao trên có chứa 5 từ đương được dùng theo hai nghĩa khác nhau. Từ đương trong câu 270 là cách đọc khác của từ đan, theo ĐNQATV đương có nghĩa là gài kết, đương đát. Đương thúng, đương rổ là dung nan tre hoặc mây nghĩa là làm ra cái thúng, cái rổ [T1; tr.335]. Như vậy từ “đương sàng” ở trong câu ca dao 270 là theo nghĩa đan lát, đan sàng.

Từ đương trong các câu ca dao còn lại là cách đọc theo âm Nam Bộ của từ đang, là tiếng chỉ sự hiện tại bây giờ, nhằm, vừa, đối với, chịu lấy, cân xứng [T1; tr.265], đương trưa là hiên tại đang lúc ban trưa, con bóng đương trưa là đang giờ đứng bóng, đứng ngọ, con bóng đứng ngay. Cụm từ này còn gặp trong câu ca dao Gặp mặt anh đây con bóng đương trưa/ Trách ông trời sao vội tối mà phân chưa hết lời.

-            Cửa quyền con bướm lượn lăng xăng/ Muốn chơi tứ hữu lỗi ngàn tam cang [570]

-            Đàng đi biết mấy dặm trường/ Hỏi em đã kết cang thường đâu chưa [853]

-            Giã ơn em, anh lui kịp nước/ Đạo can thường chẳng trước thì sau [730]

-            Đầu thì cõng chúa/ Vai mang cốt mẹ/ Tay dắt cha già/ Gặp mặt em nước mắt nhỏ sa/ Anh lấy vạt áo dà anh chặm/ Điệu cang thường ngàn dặm chẳng quên [873]

Theo ĐNQATV cang là giềng, tam cang ở câu 570 là ba giềng, bao gồm quân vi thần cang, phụ vi tử cang, phu vi thê cang (tức là ba giềng buộc vua tôi, cha con, chồng vợ phải ở với nhau thế nào. Và chữ can thường hay cang thường là lẽ hằng, chính phép bắt buộc ở đời [T1; tr.100]. Câu 853, “kết can thường” nghĩa là kết tình chồng vợ, ý nhân vật chàng trai muốn hỏi mình từ xa xôi đến đây nên không biết cô gái đã có nơi chốn hôn ước nào hay chưa? Còn “đạo cang thường”, “điệu cang thường” trong các câu 730, 837 và 999 ý nói về cái lẽ phải, lẽ ăn ở tình nghĩa với nhau, dứt đạo can thường cũng như dứt cái tình cái nghĩa với nhau.

  1. 2.10.Tằng văng, nằng nằng, khắn khắn, tri tri, hân hân, san san

-         Mục bất kiến nhĩ cũng tằng văn/ Thấy em có nghĩa mấy trăng anh cũng chờ (348)

Tằng (tầng) nghĩa là đã quen, đã trải qua, đã biết rồi [T2; tr.343], văn là nghe, văn danh là nghe tiếng, quảng kiến văn là làm cho rộng đường hiểu biết, thành ngữ mục đồ nhĩ văn nghĩa là tai nghe mắt thấy [T2; tr.539]. Câu ca dao này ý nói dù chưa được tận mắt nhìn thấy nhưng anh cũng đã được nghe nói nhiều về lối ăn ở trọng tình nghĩa của em rồi, vậy nên anh sẽ chờ để được kết nghĩa kết tình với em dù bao lâu đi nữa (trăng tức trăng tròn, thường dùng để chỉ tháng, một lần trăng tròn hay một con trăng nghĩa là một tháng, nhưng ở đây chỉ thời gian nói chung, mấy trăng có nghĩa là bao lâu cũng được).

-         Tiếc thay con thỏ nằng nằng/ Núp lùm chờ đợi bóng trăng bấy chầy (542).

-         Thuyền dời, bến cũ không dời/ Khắm khắm một lời quân tử nhứt ngôn (272)

Theo ĐNQATV nằng nằng (quyết một) là sóng sả cứ một bề, một lẽ, chí quyết không đổi dời [T2; tr.70). Khắm khắm một lời (khắn khắn một lòng), theo ĐNQATV khắn là dính cứng đóng chặt, nhớ khắn khắn là nhớ hoài không thể quên, khắn khắn một lòng là dốc một lòng, quyết một lòng [T1; tr.480]. Hai chữ khắm khắmnằng nằng trong hai câu ca dao trên có nghĩa tương đương nhau, chỉ sự chắc chắn, ổn định, quyết liệt không thay đổi (trong trạng thái tinh thần hay trạng thái tình cảm).

-                  Mấy lời năn nỉ tri tri/ Dẫu rằng sống chết cũng ghi vào lòng (503)

-                  Rèn lòng vàng đá tri tri/ Dầu ai thay bạc đổi chì mặc ai (106)

-                  Rèn lòng vàng đá tri tri/ Một ngày cũng gọi tương tri với chàng (762)

Theo ĐNQATV tri là hay, biết, làm chủ như tri thức, tương tri, cố tri, tri kỷ, tiên tri hay chữ tri trong câu tục ngữ Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm [T2; tr.480], theo chúng tôi chữ tri trong 3 câu ca dao trên có nghĩa là đã hay, đã biết, đã tường tận.

-                  Thấy em hân hân má đào/ Thanh tân mày liễu, dạ nào anh chẳng thương (867)

ĐNQATV giải thích từ hân có nghĩa là vui vẻ, hân hân là điệu bộ vui vẻ [T1; tr.404], cụm từ thanh tân mày liễu má đào là thành ngữ dùng để chỉ người con gái đẹp. Câu này ý nói người con gái không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà còn vui vẻ thân thiện trong cử chỉ điệu bộ nên lòng dạ nào mà chàng trai không thương cho được.

-                  Lụy san san đưa nàng xuống vịnh/ Anh trở lộn về nhuốm bịnh tương tư (428)

Theo ĐNQATV san san là tuôn rơi, lụy san san là lệ tuôn rơi, nước mắt tuôn rơi [T2; tr.283], trong Kim Thạch kỳ duyên cũng có từ san san trong câu “mẫu từ thâm tình khổ tiết nan, chung thiên khấp vỏ lụy san san”. Vậy lụy san san là cụm từ rất cổ để chỉ việc khóc thương thay vì dùng cụm từ nước mắt chứa chan như bây giờ. Câu ca dao 428 ở trên ý nói khi tiễn người yêu xuống vịnh (đi thuyền?) chàng trai thương khóc rất nhiều và về nhà thì ốm tương tư.

  1. 3.TẠM KẾT

Nhìn chung Câu hát góp – những câu tục diêu (ca dao) do Huỳnh Tịnh Của sưu tầm ở Nam Bộ cách đây hơn một thế kỷ là một bộ sưu tập ca dao mang đậm tính Nam Bộ trong đặc điểm ngôn ngữ của nó, và đó cũng là một bộ sưu tập từ Việt cổ đã từng được sử dụng từ rất lâu ở miền Nam, có nhiều từ cho đến bây giờ đã không còn thấy nữa.

Trong 1011 câu ca dao của bộ sưu tập, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên đã liệt kê được 43 từ địa phương Nam Bộ, 27 từ chỉ địa danh và 26 từ chỉ nhân danh và 164 từ Việt cổ có thể tìm được giải nghĩa của nó trong ĐNQATV. Trong giới hạn của một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ có thể chọn ra vài mươi từ địa phương Nam Bộ và tiếng Việt cổ xuất hiện trong bộ sưu tập theo tiêu chí ưu tiên những từ xuất hiện nhiều lần trong những câu ca dao khác nhau và những từ cổ cho đến nay hiếm thấy xuất hiện trong các bộ sưu tập ca dao dân ca gần đây nữa. Trong Câu hát góp, chúng tôi nhận thấy cũng có rất nhiều những câu ca dao đưa vào đó các câu châm ngôn, tục ngữ, thành ngữ, cổ ngữ, gia ngôn.. được viết bằng chữ Hán Việt mà các bộ sưu tập ca dao gần đây đã lượt bỏ (hoặc do bị mất đi trong quá trình lưu truyền do người đời sau không còn học chữ Hán nên không hiểu nghĩa của câu Hán Việt và đã tự động lượt bỏ khi lưu truyền). Chúng tôi thiết nghĩ cần có những chuyên gia Hán Nôm sưu tập, biên soạn và cắt nghĩa những câu ca dao như thế này để kho tàng ca dao dân ca Việt Nam thời sau không bị khuyết mất đi một mảng quan trọng và rất có giá trị này.

Chú thích:

  1. Xin xem thêm phần “Lời nói đầu” trong Ca dao dân ca Nam Kỳ Lục tỉnh do Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm và biên soạn, Nxb Đồng Nai, 1998.
  2. Bắt đầu từ lúc này, con số trong ngoặc kép sau mỗi lời giải nghĩa là số trang trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, T1 và T2 là viết tắt của tập 1 và tập 2.
  3. Con số trong ngoặc đơn sau mỗi câu ca dao là số thứ tự của chính câu ca dao đó trong Câu hát góp ở bản in đầu tiên, xuất bản năm 1897.

Tài liệu tham khảo

[1.]                        Bảo Định Giang (1984), Ca dao dân ca Nam Bộ, NXB TP Hồ Chí Minh.

[2.]                        Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895); Đại Nam quấc âm tự vị; Tập 1; NXB Imprimerie Rey, Curol & Cie, Sài Gòn.

[3.]                        Huỳnh Tịnh Paulus Của (1896); Đại Nam quấc âm tự vị; Tập 2; NXB Imprimerie Rey, Curol & Cie, Sài Gòn

[4.]                        Nguyễn Phương Châm (2001), “Từ gốc Hán, điển tích Hán trong ca dao người Việt ở Nam Bộ”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 6.

[5.]                        Nguyễn Xuân Kính (2006); Thi pháp ca dao, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

[6.]                        Triều Nguyên (2000); Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt; NXB Thuận Hóa.

[7.]                        Đào Duy Tùng (2012); “Bước đầu tìm hiểu về từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ”; Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm, TP.HCM.

[8.]                        Trần Minh Thương (2011); “Cách nói của người miền Tây Nam Bộ qua ca dao”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 5 (187).

[9.]                        Huỳnh Ngọc Trảng (1998); Ca dao dân ca Nam Kỳ lục tỉnh; NXB Đồng Nai.

[10.]                   Nguyễn Khắc Xuyên (1997); Những tác phẩm ca dao tục ngữ được xuất bản cách đây một thế kỷ; NXB KHXH, HN.

[11.]                   Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1997); Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán, NXB Văn hóa Thông tin