01112024Fri
Last updateTue, 29 Oct 2024 1pm

Ngây Ngô

Thuở ấy trên núi cao có một cô gái tên là Ngây Ngô, bốn mùa im lặng, nhưng đôi khi từ cô ngân lên tiếng nụ hoa đang nở hay tiếng những chiếc lá vừa rơi xuống đất.

Nhớ thuở ấy, tôi là thú ăn đá.

Tôi là một con thú khổng lồ và luôn luôn nhai đá thành bụi. Luôn luôn? À không, khi nào đói thôi, khi đến bữa ăn.

Tôi không thuộc giống loài nào, không thuộc họ nào. Đứng riêng biệt một mình. Trên núi, sống một mình, lang thang kiếm ăn một mình.

Từ miệng tôi, bụi đá thường tuôn bay như khói và đôi khi cũng bắn ra lửa do đá lửa lẫn vào thức ăn và va chạm nhau, khiến người ta có thể lầm tôi với một loài rồng.

Dẫu sao đi nữa, bao giờ tôi vẫn là thú ăn đá, một sáng tạo chưa từng lặp lại của Thiên nhiên, của hệ sinh thái cực kỳ đa dạng trong thế giới xanh này.

Thú ăn đá có tôn thờ thần linh không? Xin đáp ngay là KHÔNG.

Đó là điểm khác biệt lớn giữa thú ăn đá và con người. Con người rất kiêu ngạo nhưng sẵn sàng quỳ mọp trước mọi thần linh.

Vậy nên không thể hiểu vì sao con người lại tự xưng mình là loài thượng đẳng, thậm chí tự tách mình ra khỏi thế giới, hành xử như thể mình từ đâu đó đến đây, có một thứ huyền bí gọi là linh hồn trong mình.

Trong khi đó, toàn bộ thế giới còn lại là vô hồn. Cũng tức là vô nghĩa. Sự im lặng của thiên nhiên, theo con người, chứng tỏ điều đó.

Trong từ điển của thú ăn đá, tất nhiên là chỉ ghi chép trong trí nhớ, thì con người và thần linh được định nghĩa rất đơn giản và rõ ràng:

            con người: loài ăn tạp

            thần linh: loài ăn khói

Tôi không bao giờ xem con người là cái gì khác hơn một thành phần của thiên nhiên, như mọi loài khác, không có ngoại lệ.

Và tôi biết thừa con người. Cái loài đó tham. Đòi rau quả từ đất, đòi cá tôm từ nước, đòi muông thú từ rừng, đòi từ trời chim chóc, vân vân và vân vân. Bao giờ cũng muốn chiếm đoạt nhiều hơn nữa.

Trong khi tôi và các loài khác luôn luôn tự biết thế nào là đủ.

Biết đủ. Con người là loài duy nhất không biết điều đó. Thế mới lạ!

Tôi ghét thần linh. Cái loài đó ảo. Sống tựa vào con người. Ngồi chờ lễ tế mà hít lấy khói hương. Sao lại thế? Không một chút tự trọng nào cả.

Thú ăn đá là kẻ vô thần và tự hào điều đó. Vô thần, vô chủ và vô tâm:

Trong từ điển của thú ăn đá:

            vô thần: không bịa ra quỷ thần, không tạo hình quỷ thần.

            vô chủ: không để ai đứng trên đầu mình hay trong đầu mình.

            vô tâm: không lo, không ngại, không phiền.

Ba từ đó có thể tóm tắt triết lý của thú ăn đá. Và triết lý đó chẳng có gì phức tạp. Cũng chẳng cần hệ thống.

Có lần thú ăn đá gặp người. Trò chuyện:

Người – Mi không có bầy đàn à?

Thú – Không. Theo thời gian, hết con thú ăn đá này thì đến con thú ăn đá khác. Bao giờ cũng một mình. Thiên nhiên không tạo ra hai con thú ăn đá cùng một lúc. Dù vậy, trí nhớ thì truyền lưu từ đời này đến đời khác.

Người – Không thể hiểu nổi!

Thú – Đó chỉ là một trong vô số trò chơi sáng tạo của thiên nhiên thế thôi.

Người – Mi có mơ gì không trong khi ăn đá?

Thú – Mơ gì?

Người – Mơ làm thú ăn cỏ, thú ăn kiến, thú ăn lửa... hoặc là thú ăn người chẳng hạn.

Thú – Vô tâm

Người – Đá có ngon không?

Thú – Đá là thứ tuyệt vời nhất để ăn, đối với ta.

 

Thuở ấy hầu như không có chiến tranh. Trên núi cao bốn mùa im lặng có một cô gái lặng lẽ hầu như không nói năng, được gọi là Ngây Ngô. Nhưng cô có thể hót như chim, reo như suối reo và có thể ngân lên thứ tiếng của bông hoa nở, chiếc lá rơi.

 

Thuở ấy, sống gần thú ăn đá là nhóm người thuộc bộ lạc Cầu Vồng. Họ tôn thờ cầu vồng nên tự gọi thế. Và họ sống trên một dãy núi gọi là Đại Non.

Thần núi hiện ra trước mặt bộ lạc.

Thần – Nếu thú ăn đá xơi hết dãy núi này, ta sẽ chết. Vậy là chính nó đang xâm phạm quyền lợi của các ngươi. Nó là nguy cơ lớn nhất. Các ngươi sẽ có ngày chẳng còn nơi trú thân. Tận thế đến nơi mà các ngươi chẳng biết gì!

Người – Vậy chúng tôi phải làm sao đây?

Thần – Hãy cứu lấy thần linh để tự cứu các ngươi. Hãy quyết chiến với thú ăn đá vì thần linh. Nhân danh thần linh mà chiến đấu.

Người – Vâng, nhưng làm sao đánh bại được nó?

Thần – Các ngươi là bộ lạc của Cầu Vồng. Vậy mỗi lần cầu vồng xuất hiện, các ngươi sẽ được tiếp sức, đủ mạnh để đánh tan thú ăn đá.

 

Và để cứu thần núi, bộ lạc Cầu Vồng mở cuộc chiến lớn với thú ăn đá.

Thật ra, chỉ con người tìm diệt thú ăn đá. Thú chỉ tránh đi chứ không đánh trả.

Và để diệt một đời thú ăn đá, con người phải đốt rừng, phá núi, xâm hại thế giới tự nhiên bằng những biện pháp không tự nhiên chút nào.

 

Trong bộ lạc có cô gái Ngây Ngô.

Ngây Ngô, mọi người gọi vậy vì bốn mùa cô không nói gì. Rất hiếm khi cô nói tiếng người. Cô chỉ thích phát ra tiếng chim hót, tiếng gió reo trong lá và đôi khi người ta cảm tưởng từ cô lan ra tiếng hoa đang nở và lá đang rụng.

Một hôm, cô gái Ngây Ngô lên tiếng, nói với bộ lạc Cầu Vồng. Rằng tại sao phải tiêu diệt thú ăn đá. Vì sau khi ăn đủ lượng đá trong đời, thú ăn đá tự vỡ tan thành đá. Thế nên đá chẳng mất đi đâu và núi chẳng mất đi đâu. Một thú ăn đá mới ra đời cũng thế.

Tuyệt đối chẳng cần chiến tranh.

Tuyệt đối chẳng cần đốt rừng phá núi.

 

Lời cô gái Ngây Ngô chẳng những không được nghe mà còn làm bộ lạc Cầu Vồng nổi giận. Pháp sư ra lệnh cô phải leo lên các dốc cao tìm cho ra thú ăn đá nếu không sẽ bị thiêu sống.

Buộc phải lên đường, Ngây Ngô bắt đầu leo dốc. Nhưng cô cũng muốn gặp thú ăn đá. Không phải để ra hiệu chỉ lối cho bộ lạc.

Giữa mọi người, cô là kẻ duy nhất không có ác ý với thú ăn đá.

Thú ăn đá có thể tin cô.

Sau nhiều ngày leo trèo khó khăn, cuối cùng cô gái Ngây Ngô cũng toại nguyện.

Cô nhỏ bé và chỉ đi một mình nên thú ăn đá không né tránh. Không những thế, thú còn cố tình đón đợi cô.

Ngây Ngô – Em không có ác ý đâu.

Thú – Ta biết chứ, cô bé. Một bông hoa cô còn không ngắt, sao có thể ác ý với ai. Nhưng cô có biết là cầu vồng sắp mọc rồi không?

Ngây Ngô – Vâng.

Thú – Lần này, tin vào cầu vồng sẽ giúp tiêu diệt ta, bộ lạc của cô sẽ hăng hái lên đây quyết chiến.

Ngây Ngô – Trước đây, mỗi lần nhìn thấy cầu vồng, em vui thích vô cùng. Vì cầu vồng đẹp hơn cả hoa, cả bướm. Em mê màu sắc và ánh sáng của nó nhưng em không tôn thờ nó như mọi người. Mọi người kính sợ nó và ra lệnh em không được nhìn ngắm nó. Họ nói Thần Cầu Vồng sẽ nổi giận vì khi nhìn ngắm như vậy, em tỏ ra bất kính và báng bổ thần linh. Họ nói ngay cả thần núi cũng tôn thờ Thần Cầu Vồng.

Thú – Sao mà người ta mê muội đến thế. Chính những giấc mơ đẹp của con người đã tạo ra cầu vồng. Vì mơ cũng là ánh sáng. A, ta có cái này chỉ cho cô xem.

Thế rồi, nắm lấy tay cô gái Ngây Ngô, thú ăn đá đưa cô vào một tàng cây lớn như thể đang nấp trốn một chuyện gì đó.

Mà đúng thế. Tàng cây ấy ở gần chân cầu vồng.

Từ vách núi, một cái bóng lớn đi ra, tiến về phía chân cầu vồng.

Từ chỗ nấp trên một cành nhánh, qua kẽ lá Ngây Ngô nhận ra cái bóng kỳ dị đó chính là thần núi Đại Non đã từng hiện ra ở bộ lạc cô.

Cái miệng to tối ngòm đang làm gì vậy? Cái miệng hố thẳm của bóng thần núi suýt làm Ngây Ngô bật ra tiếng thét kinh hoàng nếu thú ăn đá không nhanh nhẹn che miệng cô.

Cái miệng hắc ám ấy đang bắt đầu nuốt cầu vồng. Và dải màu sắc long lanh ấy cứ trôi vào hố miệng phàm ăn.

Một chốc sau, chẳng còn lại gì trên bầu trời ướt mưa.

Đã no nê thỏa thích, cái bóng đen to lớn trở về vách núi, nhanh chóng biến mất.

Ngây Ngô – Tại sao hắn phải ăn cầu vồng?

Thú – Đó là thứ thần phàm ăn tục uống. Khói hương dù thừa mứa từ đám người mê tín, hắn vẫn ăn thêm cầu vồng. Ngoài ra, hắn tin rằng làm vậy, con người càng thần phục hắn hơn.

Ngây Ngô – Tại sao hắn phải gây ra chiến tranh?

Thú – Tự suy nghĩ đi, cô bé. Cô đâu có ngây ngô.

Ngây Ngô – Bây giờ thì em phải trở về.

Thú – Bộ lạc không chào đón cô đâu.

Ngây Ngô – Em biết.

Và rời khỏi tàng đại thụ, cô bé đi xuống. Đi xuống nơi không có ai chào đón cô.

 

Giữa đường đi xuống, dưới những chiếc lá đỏ nhẹ nhàng rơi, cô bé Ngây Ngô nằm chết. Ai giết cô? Không ai nhận.

Nằm trên cỏ hoa, cô im lặng như vẫn thường im lặng, như thiên nhiên vẫn thường im lặng.

Thuở ấy trên núi cao

bốn mùa thanh vắng

có hay không một cô gái tên là Ngây Ngô?

 

N.C.