05122024Thu
Last updateMon, 02 Dec 2024 10am

Tìm hiểu phương thức “huyền thoại hóa” trong một số tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới

                                            
1. Quá trình phát triển của tư tưởng nhân loại, xét về lịch sử, giống như dòng sông cuồn cuộn chảy. Và trong sự “vận hành” ấy, có những cái rơi rớt lại nhưng có cái vẫn còn theo mãi cho đến khi “dòng sông tư tưởng” ấy hòa mình vào “đại dương tư tưởng” mênh mông.
Trong buổi bình minh của lịch sử, con người cổ xưa đã biết sáng tác những “huyền thoại” bằng tư duy “mơ hồ, không tách bạch, không phân hóa” của mình để giải thích một số hiện tượng tự nhiên. Cho đến bây giờ, với sự xuất hiện những “kỹ thuật văn chương” hiện đại, tư tưởng huyền thoại ấy tưởng không còn được nhắc đến nữa nhưng thực sự, nó đã “phục sinh” lại với mức độ đáng kinh ngạc bắt đầu từ châu Mỹ La tinh vào những năm 60 của thế kỷ XX. Những sáng tác này tạo thành trào lưu văn học theo “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Các nhà văn của trào lưu này thường mượn những truyền thuyết dân gian xưa để tạo ra các huyền thoại mới. Các tác phẩm vừa có những cảnh tượng ly kỳ hư ảo, vừa có những chi tiết và hoàn cảnh hiện thực, gây cho người đọc cảm giác về những hiện tượng nghịch lý” (trang 53).
Nhắc đến phương thức “huyền thoại hóa” không thể không kể đến các sáng tác của Kapca. Trong những tác phẩm của mình, ông miêu tả tình trạng mâu thuẫn không thể giải quyết nổi giữa cá nhân và xã hội cũng như những mâu thuẫn bên trong tâm hồn nhân vật. Nhà văn coi bản chất của thế giới và con người như là một cái gì “phi lý, quái dị, không nhận thức được”. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Vụ án, Kapca đã xây dựng những biểu tượng nghệ thuật. Ông không miêu tả những sự việc có thật mà chú ý miêu tả những cái không cụ thể (khu phố, giới công thương…). Ngay cả nhân vật của tác phẩm cũng không được miêu tả cụ thể. Đó là một con người tên K., tự nhiên bị kết án. K. không hiểu bị kết án tội gì, ông tìm đến những vị chức trách tìm cách biện minh cho mình nhưng không ai biết, không ai giải đáp. K. chết như một con chó. Đời thật phi lý.
Thật ra, các chi tiết, sự việc trong tác phẩm không có cái gì quái dị hay hoang đường nhưng lại mang tính biểu trưng cao (biểu trưng là nét cơ bản của huyền thoại). Chính sự không hòa hợp giữa con người với cuộc đời, với xã hội mới là cái “vô lý và quái dị”. Điều này cũng được thể hiện qua truyện ngắn Hóa thân. Nhân vật trong tác phẩm hóa thành con gián, cắt đứt quan hệ với gia đình, với thế giới bên ngoài. Xamxa tự vật lộn với chính bản thân mình, muốn tiếp xúc với ngoại cảnh nhưng không được. Đây chính là bi kịch. Qua tác phẩm, Kapca cho thấy sự vô lý của cuộc sống: cá nhân con người không thể hòa hợp với gia đình, với thế giới xung quanh để cuối cùng biến thành con vật.
Một tác phẩm cũng sử dụng khá thành công phương thức“huyền thoại hóa” là Trăm năm cô đơn của Macket. Trong tác phẩm, nhà văn đã đưa vào nhiều thực tại để mô tả và đẩy những cái có trong hiện thực thành những cái “phi hiện thực”, thậm chí trở thành cái quái dị. Chẳng hạn, trong tác phẩm có chi tiết Rémédiod- người đẹp đang tồn tại giữa trần thế lại không thuộc về cõi thế tục mà nàng đang sống nên cuối cùng Rémédiod bay lên trời. Hoặc có nhiều chi tiết không thực nhưng do nhà văn căn cứ vào cảm quan của mình mà sáng tạo ra: những trận mưa lụt, mưa hoa, cái đuôi lợn của con người, vụ thảm sát 3000 người ở Côlômbia…
Qua cái có thực và cái không có thực, qua số phận của từng con người, tác giả Trăm năm cô đơn muốn thể hiện một hiện thực: đó là sự tù đọng, trì trệ của xã hội Mỹ-Latinh thời bấy giờ cũng như kêu gọi con người đoàn kết để thoát khỏi sự trì trệ ấy.
Tóm lại, sự bùng nổ của văn xuôi Mỹ- Latinh trong đời sống văn học thế giới những năm 60 đã khẳng định được vị trí của “kiểu sáng tác huyền thoại” trong văn học hiện đại. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định: “Trong văn học thế giới suốt từ đầu đến cuối thế kỷ này, kiểu sáng tác huyền thoại vẫn luôn luôn sống động, thu hút nỗ lực của nhiều tác giả lớn”11 Lại Nguyên Ân – Văn học, huyền thoại, huyền thoại văn học – Tạp chí văn học số 3/ 1992, tr.58.
2. Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại chưa sử dụng phương thức “huyền thoại hóa” một cách phổ biến, một số tác phẩm chỉ mới manh nha viết theo phương thức này. Tuy chưa xuất hiện đậm nét song chúng ta vẫn coi đây là một phương diện cách tân nghệ thuật đáng chú ý, góp phần làm phong phú thêm phương diện thể hiện hiện thực, thể hiện số phận con người và tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm.
2.1 Trong Lời nguyền hai trăm năm, để thể hiện sự trừng phạt ghê gớm của số phận, sự sòng phẳng đến lạnh lùng của cuộc sống đối với con người, nhà văn Khôi Vũ đã sử dụng khá linh hoạt thủ pháp này. Nhờ thủ pháp “huyền thoại, huyền ảo” kết hợp với thủ pháp “đồng hiện”, tác giả đã hòa trộn những bức xúc, những xô xát quyết liệt của cuộc sống hôm nay với cái huyền bí, mờ ảo của lịch sử hai trăm năm trước thành một dòng chảy không ngừng. Hai năm năm nghiệt ngã một lời nguyền- lời nguyền phải làm điều ác tâm mới có nguời “nối dõi tông đường”, dòng họ Lê bốn đời liền phải sống trong lo âu, phải làm điều thất đức. Người duy nhất của dòng họ Lê đời thứ năm lại quyết tâm “hóa giải” lời nguyền. Để cưỡng lại sự nghiệt ngã của cuộc đời, Hai Thìn đã đấu tranh không chỉ chống lại những ràng buộc, những chèn ép của cuộc sống hiện tại mà còn phải gạt bỏ những ám ảnh của quá khứ.
Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng được hai tuyến nhân vật  đối ngược nhau. Một bên là những người luôn tin vào điều thiện, quyết chống lại cái ác (Hai Thìn, ông Bảy, Lài…). Một bên là những con người không có nhân cách, mù quáng, dã tâm- những con người “trước sau cũng bị quẳng vào sọt rác của lịch sử” (Năm Mộc, Sáu Khế, Năm Hường…).
Cuộc sống là một chuỗi những cuộc săn tìm cái đẹp. Con người sống luôn hướng đến cái thiện - mỹ, chừng nào cái ác còn tồn tại, chừng ấy bất hạnh còn đến với con người. Qua tác phẩm, nhà văn muốn kêu gọi con người phải quyết liệt chống lại cái ác. Cuộc sống tốt đẹp không ở đâu xa, ở ngay trên mảnh đất mà mình đang sống; làm những điều tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho mọi người cũng có nghĩa là chúng ta đem lại hạnh phúc cho chính mình.
Lời nguyền hai trăm năm được xây dựng trên nhiều yếu tố không thực, hư ảo. Đó là lời nguyên ác độc và ghê rợn. Nhưng niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp mà tác phẩm đem lại cho con người là hoàn toàn có thật. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về chức năng của văn học, tác giả Huỳnh Như Phương đã khẳng định: “Nghĩ rằng văn học có thể làm cho trên thế gian này cái thiện thắng cái ác, đó là một ảo tưởng. Nhưng văn học có thể góp phần giữ cái thiện ở thế cân bằng với cái ác, làm cho cái thiện không bị chao đảo, ngả  nghiêng, mất tự tin vào chính mình”11 Huỳnh Như Phương- Văn học trên con đường dân chủ hóa-Tạp chí văn học số 4/1991, tr.14- 17.
.
2.2. Một dạng sáng tác sử dụng phương thức “huyền thoại hóa” mà chúng ta gặp trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là các nhà văn mượn điển tích hoặc tạo ra những “huyền tích” riêng cho tác phẩm của mình. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Thiên sứ, tác giả Phạm Thị Hoài đã sáng tạo ra nhân vật cô bé Hoài với những chi tiết kỳ lạ. Sau khi  vô tình đặt chân vào “vườn cấm của papa” (tủ sách gia đình), cô bé Hoài nhận thấy mình “đã lãnh trọn tội tổ tông” và vĩnh viễn “không bao giờ còn trinh trắng nữa” nên có một hành vi “dị thường”: quyết định “đình tăng trưởng” ở tuổi mười bốn. Vì “không muốn trở thành người lớn”, bé Hoài đã “trút kinh nguyệt một lần cho mãi mãi, vắt bỏ, cạn kiệt, tẩy sạch mọi khả năng thành một người đàn bà như những người đàn bà, một kẻ trưởng thành như tất cả những kẻ trưởng thành trên thế gian ” khi đến tắm ở vòi nước công cộng (tr. 98). Và như thế, sau “lễ rửa tội năm tiếng đồng hồ” ấy, cô bé Hoài vẫn ở tuổi mười bốn (một mét hai mươi nhăm, ba mươi kg, đuôi sam) trong khi chị Hằng- người chị sinh trước chưa đầy một phút xinh đẹp như một nàng tiên cá. Cô bé ấy đã “đình tăng trưởng”- giữ nguyên tuổi mười bốn để không hòa nhập vào thế giới người lớn, để quan sát cuộc sống xung quanh theo kiểu của mình. Rồi cũng hết sức kỳ lạ, mười lăm năm sau, bé Hoài, đã “trút bỏ hình hài chú vịt con xấu xí”, “hóa thân” thành “một người đàn bà 29 tuổi lộng lẫy, giống chị Hằng như hai giọt nước” (tr.164). Đó là khi cô bé Hoài bắt gặp chàng trai của đời mình- người mà cô đã “ôm riết lấy bậu cửa sổ, thu mình chờ đợi đến quên cả giọng nói” suốt mười lăm năm.
Theo tác giả Lại Nguyên Ân thì nhà văn Phạm Thị Hoài đã mượn điển tích từ tiểu thuyết Cái trống thiếc của nhà văn Gunther Grass (Điều này cũng được tác giả  chú thích ở lời đề từ cuốn tiểu thuyết Thiên sứ: “Cuốn sách bắt đầu từ một điển tích của nhà văn G.G…” ). Vì trong cuốn Cái trống thiếc có câu chuyện một cậu bé chủ ý ngã vào cái trống và mang tật để luôn luôn là đứa trẻ lên bảy để quan sát và phản ứng với thế giới xung quanh11 Lại Nguyên Ân- Sống với văn học cùng thời- NXB Văn học, H. 1998, tr.285.
.
Ngoài ra, trong tác phẩm, chúng ta còn gặp rất nhiều chi tiết khác cũng được “huyền thoại hoá”. Đọc Thiên sứ, nhân vật để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc là bé Hon - “thiên sứ pha lê” mặc dù nhân vật chỉ xuất hiện rất ngắn ngủi (4/164 trang sách). Đây là kiểu nhân vật mà từ khi còn trong bụng mẹ đến khi sinh ra và mất đi đều gắn với những điều kỳ lạ, hoang đường. Chẳng hạn, khi lọt lòng mẹ, con bé “không chịu cất tiếng khóc mà mỉm cười làm thân với đủ mười ba nữ hộ sinh đứng quanh bàn đẻ. Thế là cả mười ba, lúc đầu ngơ ngác, sau bật khóc như một dàn đồng ca…”. Trong khi đó, nó lại “mỉm cười với bố khiến ông ngã phịch xuống một chiếc ghế” (tr. 93). Những ngày tháng sống trong gia đình, bé Hon đem lại cho mọi người biết bao điều kỳ lạ: miệng lúc nào cũng cười khiến cho “thế giới vụt sáng trong và hiền lành, mang bộ mặt hài đồng như trong nôi” (tr. 94). Rồi cuộc sống vốn không quen với những điều lạ mà bé Hon đem lại. “Cỗ máy tâm lý” phức tạp của con người không chịu đựng nổi những nụ cười mê hồn, những cái “thơm nào” hào phóng của “thiên sứ pha lê” nên tất cả bắt đầu “rò gỉ” và bé Hon đã ra đi “mang theo bí mật về sự có mặt lạ lùng của nó” ở trên đời này (tr. 96). Sau khi chết, bé Hon cũng để lại những điều kỳ lạ. Tác giả miêu tả đoạn bốc mộ bé Hon như sau: “Lúc mở ra, quan tài trống không, thơm tho sạch sẽ, đọng duy nhất nụ cười làm thân với muôn vật của Thiên sứ pha lê bị trục xuất” (tr.96).
Bên cạnh bé Hon, còn có những chi tiết khác cũng được “huyền hoặc hóa” như  chi tiết “hai trăm chín mươi chín phò mã” tranh đua trong lễ cầu hôn của chị Hằng. Họ “túa khắp các ngả phố, kẻ tấn công chùa chiền, kẻ lao từ Intershop ra các nhà vệ sinh công cộng, kẻ lê gót bến tàu bến xe, kẻ cày nát từng ngọn cỏ, chọc thủng từng ghế đá bốn mươi chín công viên lớn nhỏ trong thành phố….” (tr.121). Cuối cùng, chỉ còn lại “mười vận động viên khôn ngoan và hùng mạnh” bước vào vòng hai: dâng lễ vật. Chất “huyền hoặc” còn thể hiện ở các kiểu “lễ vật” mà đám “phò mã” đem dâng: nào là hoa và rau thơm, nào anatomie parfaite của lương tâm con người, nào đàn gà khổng lồ công kênh rổ trứng tròn xoe đánh số từ một đến hết cùng với “lũ lợn thật, lợn đất, lợn giấy”, rồi quả cầu “đúc bằng vàng nguyên chất, khắc nổi những ngả đường mầu nhiệm tỏa khắp thế giới văn minh” vv và vv… Mỗi người tùy theo tính chất nghề nghiệp mà chọn lễ vật xứng đáng để dâng tặng “nàng Mỵ Nương kiêu hãnh”.
Còn rất nhiều tình tiết khác trong tác phẩm được miêu tả một cách huyền ảo với nhiều sắc thái khác nhau. Đặc biệt, tất cả những chi tiết ấy đem lại cho người đọc cảm giác vừa lạ vừa quen. Lạ ở cách viết, ở giọng văn hài hước, mỉa mai. Quen vì tác giả luôn chú ý miêu tả mọi việc một cách cặn kẽ, tỏ ra rất chân thực. Mặc dù biết những điều ấy không thể xảy ra trong cuộc sống hiện tại nhưng người đọc vẫn có cảm giác như gặp ở đâu đấy những “mô hình người” lập dị; những cảnh hỗn độn, nhố nhăng; những yếu tố “dị thường” của văn hóa thời “mở cửa”…Qua cái thực tại được “ giai thoại hoá”, “huyền thoại hoá” ấy, tác phẩm muốn phản ánh hiện thực xã hội mà nhân vật đang sống. Phải chăng, xã hội vốn luôn tồn tại những điều thực và ảo. Những điều ấy nhiều khi lẫn lộn, chúng ta rất khó phân biệt. Đặc biệt, qua những chi tiết kỳ lạ trong cuộc đời, trong tính cách của nhân vật bé Hoài, nhà văn muốn nói đến nhiều vấn đề của xã hội lúc bấy giờ như trạng thái văn hóa, vấn đề nhân cách, tri thức… của con người. Trong xã hội ấy xuất hiện bao kẻ xu thời, cuồng tín, chạy theo đời sống tiện nghi, chạy theo vật chất, quyền lực…Thật khó tìm thấy trong tác phẩm nhân vật nào có sự hoàn thiện về nhân cách (trừ bé Hon - thiên sứ pha lê). Bởi vậy, nhân vật bé Hoài có sự phản ứng trước thực trạng văn hoá, xã hội ấy và có khát vọng thoát khỏi trạng thái văn hóa nghèo nàn, khuôn mẫu để vươn tới một xã hội có nền văn hóa rộng lớn hơn, tốt đẹp hơn. Và muốn có được điều đó, nhân vật phải tự mình nhận thức, tự mình hoàn thiện chính mình. Có thể xem chi tiết “ hoá thân” kỳ diệu của bé Hoài vào tuổi hai mươi chín là kết quả tuyệt vời của quá trình tự nhận thức ấy của con người.
2.3. Đặc biệt, trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã sử dụng phương thức này một cách độc đáo. Có người cho rằng, tiểu thuyết của Bảo Ninh là “một giấc mơ dài, một huyền thoại của thời đại”. Bởi nó được “hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong điên khùng và hoảng loạn, từ vô thức, man rợ, từ nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn chiến tranh”11 Đỗ Đức Hiểu - Đổi mới phê bình văn học - NXB Khoa học – Xã hội, NXB Mũi Cà Mau 1994, tr.174.

Đọc Nỗi buồn chiến tranh, cảm giác đầu tiên của chúng ta là rùng rợn, hãi sợ, đau xót và đôi lúc như nghẹt thở. Quả thật, cảm giác ấy xuất hiện trong người đọc ngay từ những trang đầu tiên của tác phẩm. Trước hết, cảm giác ấy bắt đầu từ những giấc mơ khủng khiếp chứa đựng những cái không bình thường. Cùng với những giấc mơ ấy là những đêm tối âm u, tù mù, hư ảo; những trận mưa xối xả trong đêm, những tiếng hú ghê rợn từ cõi âm vọng về…
Theo nguyên tắc sáng tác của “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”, Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh cũng “biến hiện thực thành hoang đường” mà không đánh mất tính chân thực”.22, 3 Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi- Từ điển thuật ngữ văn học- NXB Giáo dục 1992, tr.53.
 Và để gây “hiệu quả hoang đường”, để bộc lộ được những giằng xé, trăn trở, những cắn rứt trong lương tâm nhân vật, tác giả đã sử dụng nhiều chi tiết không thực “phóng đại, liên tưởng, người và hồn ma bất phân, trật tự thời gian bị xáo trộn, thực và ảo hòa quyện nhau”3. Ta gặp trong tác phẩm bao nhiêu điều kỳ dị, nhất là khi tác giả vẽ lại những cảnh vật lưu lại dấu ấn cho mình trong chiến tranh. Từ loài “hoa hồng ma” quỷ quái làm say lòng người, giúp con người “tự chế ra cái ảo giác tùy sở thích” (tr.14), từ con đom đóm to quá cỡ đến các loại măng đỏ “như những tảng thịt ròng ròng máu” (tr.7)…,tất cả đều xa lạ và đáng sợ. Rồi những truyền thuyết man rợ, nguyên thủy về cuộc chiến tranh “những lời đồn đại, những sấm truyền và những lời tiên tri” (tr.15). Còn bao nhiêu điều kinh dị khác lẫn khuất trong tác phẩm. Chẳng hạn, người lính đã nhìn thấy tận mắt “vô khối sự hão huyền”. Đó là “những quái vật lông lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kỳ nhông kéo lê lết và họ ngửi thấy mùi tanh máu từ chúng, nghe thấy chúng gào rú và ca hát trong kia truông Gọi Hồn” (tr.15). Rồi xuất hiện trong tác phẩm những “toán lính da đen không đầu chơi trò rước đèn ở ven rừng”. Ghê rợn hơn là “những tiếng hú mang dại thường cất lên vào những buổi tinh mơ mờ mịt mưa giăng” (tr.15). Chưa hết, người lính còn nghe thấy những “tiếng cười cuồng loạn nức nở” của loài quỷ rừng- tiếng cười ám ảnh con người đến bao nhiêu năm bên bờ sông Sa Thầy. Rồi họ còn thấy “những linh hồn lồm xồm lông lá…, râu tóc quá dài, cởi trần truồng ngồi trên một thân cây…tay cầm lựu đạn” (tr.101); những “bóng ma rách bươm, uyển chuyển và huyền bí, lướt ngang luồng ánh sáng rồi mất hút đi với mái tóc đen dài xõa bay” (tr.104). Kinh khủng hơn nữa là có khi “một con vượn bị bắn chết hóa ra là một người đàn bà da xùi lở” (tr.9)vv…
Có lúc hồn ma chỉ là những ám ảnh bên ngoài, có lúc hồn ma ấy được con người đối thoại, trò chuyện như đồng đội, đồng chí của mình: “Anh là ai? Hãy ra với chúng tôi. Chúng tôi là bạn. Chúng tôi tìm anh, chúng tôi đã tìm anh bấy lâu nay, khắp nơi” (tr.103). Hồn ma vốn vô cảm, vô hồn nhưng với người lính lại thân thiết biết bao nhiêu. Bởi chúng cũng từng là những con người biết cầm súng, biết yêu thương.
Tất cả những điều ấy đều xa lạ và kỳ quái với con người. Những bóng ma, bóng quỷ, những con quái vật kỳ dị trong tác phẩm chúng ta đã từng gặp đâu đó trong những truyện thần thoại hay những truyện cổ tích thần kỳ. Nhưng trong Nỗi buồn chiến tranh, tác giả sáng tác những huyền thoại ấy xuất phát từ tâm hồn bấn loạn, từ những bóng đêm âm u của tiềm thức, từ những cảm giác của con người bị ám ảnh bởi chiến tranh. Những huyền thoại ấy vừa gợi nhớ thế giới huyền bí xa xưa vừa gắn chặt với những kỷ niệm đau thương của chiến tranh nên càng gây cảm giác hãi sợ, kinh hoàng.
Phóng đại, khoa trương cũng là hình thức gây hiệu quả hoang đường. Không chỉ đưa người đọc vào một thế giới toàn hồn ma, bóng quỷ ẩn hiện, nhà văn còn chú ý miêu tả những cái chết ghê sợ và kỳ lạ. Đời người lính phải chứng kiến biết bao cái chết nhưng với Kiên, những cái chết ấy sao thảm thương, đau đớn quá! Có những người chết mà không được một nấm mồ, chết mà không còn nguyên vẹn thân xác để hồn mãi lang thang: “hồn bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người” (tr.26). Có những người chết trở thành “đống giẻ nát nhừ vắt mình trên bờ công sự” (tr.90). Bao nhiêu cái chết dồn dập về trong tâm trí anh. Trận Plây-Cần năm 1972 “thây người la liệt”, “máu tới bụng chân, lội lõm bõm” (tr.23). Cứ thế, những cái chết chồng chéo lên nhau hoảng loạn, kinh hoàng. Cho đến khi Kiên viết lại cuốn tiểu thuyết chiến tranh của đời mình thì không khí của truyện là “bầu không khí của những khu rừng tăm tối, ngùn ngụt tử khí và lam chướng, mờ mịt bóng yêu tà. Những di vật và những bộ xương mũn nát được vớt lên từ đáy những rừng cây ấy” (tr.93).
Ngoài phóng đại khoa trương, tác giả còn sử dụng những hình tượng, những biểu tượng để phản ánh hiện thực một cách “huyền ảo”, hoang đường. Đọc Nỗi buồn chiến tranh, chúng ta có cảm giác mưa và bóng đêm lấp trùm, đè nặng lên từng trang tiểu thuyết. Ta gặp trong tác phẩm vô vàn những trận mưa kỳ lạ: “mưa dầm”, “mưa xối xả”, “mưa núi non nhạt nhòa”, mưa ngút trời”, “mưa ê ẩm”, “mưa lê thê”, “mưa to”, “khắp nơi lằng nhằng sấm chớp”, “mưa nặng nề xối dội”, “mưa ngày”, “mưa đêm”, và “cuộc chiến có vẻ như bị vùi lấp trong biển mênh mông mù mịt mù mưa” (tr.16). Theo  Đỗ Đức Hiểu, tác giả đã “sáng tạo một vũ trụ mới của cuộc chiến, vũ trụ chìm trong mưa và mưa là biểu tượng khủng khiếp của chiến tranh”11  Đổi mới phê bình văn học- Sđd, tr.275.
Cùng với mưa - “biểu tượng của chiến tranh” là bóng đêm. Vô vàn những đêm là đêm trong tác phẩm. Đêm với bao nhiêu điều kỳ dị hư vô: “đêm hoang vu”, “đêm ác mộng”, “đêm của tâm hồn”, “đêm đen”, “đêm âm u”, “đêm rét mướt”, “đêm thác loạn”, “đêm kỳ ảo”, “đêm trường”, “đêm thức trắng”, “đêm hương hoa”…
Phải chăng, mưa là “biểu tượng của chiến tranh” còn đêm là biểu tượng cho đời sống tâm hồn của nhân vật Kiên? Đi ra khỏi cuộc chiến tranh, Kiên sống những tháng ngày u buồn của thời hậu chiến. Anh luôn bị ám ảnh bởi quá khứ - cái quá khứ mà anh đã gởi tất cả sức xuân, niềm vui và nỗi đau của mình vào đó. Với Kiên, tương lai là một cái gì đó xa mờ và tăm tối…Vì thế, bóng đêm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với anh. Có biết bao điều quái lạ xảy ra trong những đêm đen như thế. Tiếng hát của những người đã chết huyền bí, thì thào như hoàn toàn hư, hoàn toàn thực từ cõi mông lung gọi về “xót xa, bi tráng như nhắc nhở những con người còn sống đừng quên năm tháng vinh quang khổ đau bất tận”(tr.94) cũng cất lên khi “bóng đêm vùi kín rừng cây”. Có những cái không thể có lại được viết ra như thực trong cái vô biên của tâm hồn để trở thành huyền thoại. Đó là câu chuyện về một người lính khi chết được bó trong một tấm tăng nằm lại trên đèo, xương cốt hóa mùn cả nhưng cây đàn guitare của anh vẫn còn nguyên vẹn. Và đêm đêm, người ta lại nghe thấy tiếng hát của con người vô danh ấy vang vọng mãi trong lòng rừng…”.
Mưa và bóng đêm khủng khiếp và hồn hoang, ảo giác, hồn ma, những cơn mộng du… tạo cho tác phẩm một hiện thực “huyền ảo, mơ hồ”. Và chính những cái không thực mang màu sắc huyền hoặc, mờ ảo ấy đã phản ánh rất thực đời sống tâm hồn nhân vật- những con người bị ám ảnh bởi năm tháng chiến tranh.
Viết về tình yêu giữa Kiên và Phương, nhà văn cũng xây dựng nhiều yếu tố kỳ lạ. Nhân vật Phương hết sức kỳ quái: đẹp kỳ quái, yêu thương kỳ quái và tính cách cũng rất kỳ quái. Trong văn học, chưa có người phụ nữ nào được miêu tả như Phương: “đẹp mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người, đẹp một sắc đẹp kỳ ảo và khôn lường, đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực” (tr.275). Cuộc đời Phương và tình yêu của Phương là một huyền thoại không dứt, mênh mông và huyền ảo. Phương vừa có thực, vừa như không có thực. Nàng xuất hiện giữa cuộc đời Kiên như một điềm báo không lành để rồi mãi mãi ám ảnh không dứt trong Kiên.
Ngoài ra, xây dựng nhân vật “người đàn bà câm” lầm lũi, lặng thinh nhưng bùng cháy một sức sống mãnh liệt, một nghị lực phi thường cũng là một bút pháp nghệ thuật độc đáo của Bảo Ninh. Cuộc đời của người đàn bà câm ấy cũng là một huyền thoại. Có người cho rằng đó là “sự tái sinh từ các truyền thuyết xa xưa của nhân loại, từ “mẫu cổ xưa” thần giữ của”11 Đỗ Đức Hiểu- Những nhịp mạnh của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”- Tạp chí Tác phẩm mới, số 1/1992.
. Người đàn bà ấy chỉ là bóng ma âm thầm cô độc, một thế giới đóng kín nhưng lại là người duy nhất chứng kiến cuốn tiểu thuyết của Kiên – cuốn tiểu thuyết ra đời trong cơn say, trong điên cuồng, hỗn loạn. Có thể nói, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cuốn tiểu thuyết “huyền thoại” được kết tinh từ những nỗi buồn.
Thể hiện tất cả những cái ấy, ngòi bút của Bảo Ninh vừa tả thực, rất “tỉnh táo”, vừa dùng bút pháp “huyền thoại”, huyền bí mơ hồ. Sở dĩ như vậy vì nhân vật trong tác phẩm luôn sống trong “vô thức”, tiềm thức, đan xen với “ý thức”. Đó là con người “được sống sót” và bị ám ảnh bởi những năm tháng chiến tranh, ám ảnh bởi một thời kỳ lịch sử khốc liệt mà mình là một “chứng nhân”. Tâm lý của Kiên là tâm lý của người mà cảm xúc bị nén chặt trong vô thức “tìm cách nhoi ra” 22 Chữ dùng của Phrơt  vùng ý thức nên không bị biến dạng đi. Bởi vậy, hiện thực có hiện ra trong Kiên qua “vô thức” hay “hữu thức” cũng không còn nguyên vẹn mà bị tách rời, chắp nối, hoà quyện, không phân biệt được đâu là thực, đâu là không thực. Mặt khác, chiến tranh được dựng lại (chứ không phải được miêu tả lại) qua hồi ức, qua giấc mơ, qua ảo giác, qua những “hồi tưởng đen” nên bị chi phối bởi những ám ảnh, những nỗi sợ hãi khiến cho hiện thực trở nên không thực nữa.
Thực ra, chính những chi tiết hoàn toàn không thực ấy lại nói được những điều rất thực: tình người trong chiến tranh và những mất mát đau thương mà chiến tranh để lại. Quả thật, người đọc nhận ra trong thế giới toàn hồn ma bóng quỷ ghê rợn ấy cái tâm “sáng rực” của con người. Không dễ dàng tìm thấy được ở những nơi khác (kể cả cuộc sống hòa bình) cái tình người chân chất mà sâu nặng như trong chiến tranh- yêu thương lắm và cũng đau buồn lắm. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn nổi tiếng Đốtxtôiepxki đã ví cuộc sống thời bình là nơi “quỷ vật lộn với thần” còn “chiến trường là trái tim con người”.

3. Chúng ta đã biết, chân lý là mục đích cuối cùng mà khoa học tìm đến. Nhưng trên bước đường tìm đến chân lý, con người phải trải qua nhiều chặng đường vất vả, gian nan. Trong đó có thể có những điều nhận thức đúng, có thể có những điều chưa đúng, có thể có những ước mơ, những ảo tưởng… Tồn tại những cái đó, rõ ràng “tư duy huyền thoại” vẫn còn. Vì thế, trong văn học, đặc biệt là dòng văn học hiện thực thế kỷ XX, xuất hiện nhiều khuynh hướng nghệ thuật trong đó có khuynh hướng sáng tác huyền thoại. Với phương thức “huyền thoại hóa”, các nhà văn tiếp cận, lý giải được những hiện tượng phức tạp về ý thức, cả trong vô thức, tiềm thức của con người.
Có thể nói, phương thức “huyền thoại hóa” giúp nghệ thuật vượt lên trên mâu thuẫn giữa cái vô thường và tính chất trường tồn của thời gian, giúp con người lý giải được những điều mà bình thường không lý giải được, trong đó, có lý giải đời sống nội tâm của chính con người …
                         
 
Tài liệu tham khảo:
1. Lại Nguyên Ân- Sống với văn học cùng thời - NXB Văn học, H.1998.
2. Lại Nguyên Ân- Thần thoại, văn học, văn học huyền thoại – Tạp chí Văn học số 3/1992, tr. 58-61.
3. Đặng Anh Đào- Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại- NXB Giáo dục. 1995
4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi- Từ điển thuật ngữ văn học- NXB Giáo dục, 1992.
5. Đỗ Đức Hiểu- Đổi mới phê bình văn học- NXB Khoa học Xã hội, NXB Mũi Cà Mau. 1994
6. Đỗ Đức Hiểu- Những nhịp mạnh của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”- Tạp chí Tác phẩm mới, số 1/1992.
7. Phạm Thị Hoài – Thiên sứ - NXB Trẻ Tp.HCM.1989.
8. Bảo Ninh- Nỗi buồn chiến tranh- NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 1991
9. Hoàng Trinh – Phương Tây văn học và con người – NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 1999.
10. Phùng Văn Tửu- Tiểu thuyết Pháp hiện đại- Những tìm tòi đổi mới- NXB Khoa học Xã hội, NXB Mũi Cà Mau. 1990.
11. Phùng Văn Tửu- Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI - NXB Thủ pháp. Hồ Chí Minh. 2001.
12. Khôi Vũ- Lời nguyền hai trăm năm - NXB Thanh Niên, H.1987

Online Members

We have 606 guests and no members online

Homepage Data

63939025
Today
Yesterday
All
11309
14330
63939025

Show Visitor IP: 18.97.14.90
05-12-2024 23:35