11102024Fri
Last updateWed, 09 Oct 2024 1pm

Văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh

Đặt vấn đề

Vài năm gần đây, cụm từ “văn học thị trường” xuất hiện khá thường xuyên trên các phương tiện truyền thông để chỉ những sáng tác văn học nặng tính giải trí, được số đông độc giả ưa chuộng nhưng ít có giá trị nghệ thuật. Đa phần các ý kiến đều thể hiện nỗi e dè, lo ngại trước sự xâm lấn của bộ phận văn học này trong không gian văn hoá đọc hiện nay. Thậm chí không ít người cho rằng đây là biểu hiện của sự xuống cấp văn hoá đọc. Thế nào là “văn học thị trường”? Cần có thái độ, đánh giá và tác động như thế nào đến bộ phận văn học này? Những kinh nghiệm của văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX, của văn học đô thị miền Nam những năm 1954-1975, vốn hình thành trong một xã hội tiêu thụ, có giúp ích gì cho chúng ta khi đi vào nghiên cứu vấn đề này? Bài viết này sẽ giải quyết những vấn đề trên trong phạm vi khảo sát ở thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là một nghiên cứu trường hợp (case study).

 

1.      Thế nào là “văn học thị trường”?

Cụm từ “văn học thị trường” gần đây trở nên khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên báo mạng. Đôi lúc người ta dùng một số khái niệm khác để chỉ bộ phận văn học này như “văn học giải trí”, “văn học đại chúng”… và đối lập nó với “văn học hàn lâm”, “văn học chính thống”, “văn học tinh hoa”. Xoay quanh bộ phận văn học này đã có rất nhiều tranh luận, chủ yếu là trên mạng Internet. Nhà văn Phan Việt khi trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress đã nhận định:Việt  Nam có sự nổi lên dần dần của dòng văn học thị trường. Nó là kiểu sách mà phương Tây đã phát triển từ lâu. Nó dành cho một phân khúc độc giả lớn trong xã hội, là những người đi làm vất vả cả ngày; họ chỉ thích những thứ nhẹ nhàng, giải trí mà người ta có thể đọc trên tàu điện ngầm, khi nằm phơi nắng ngoài biển, hoặc đọc cho dễ ngủ”[1].

Báo Vnexpress có hẳn một chuyên đề bàn về văn học thị trường, trong đó tác giả Lam Thu đã phỏng vấn một số nhà phê bình và nhà làm sách về bộ phận văn học này. Nhà văn Nguyễn Đình Tú, phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết: “Đối với sự phát triển của văn học thì xu hướng thịnh hành tác phẩm giải trí, thị trường là tốt, vì một nền văn học lành mạnh phải đa dạng, nhiều dòng.”[2]

Tuy nhiên, thái độ lạc quan trước văn học thị trường như Phan Việt và Nguyễn Đình Tú không nhiều. Phần lớn các nhà phê bình và độc giả nhiều trải nghiệm đều cho rằng văn học thị trường lên ngôi là biểu hiện cho sự xuống cấp của văn hoá đọc, là sự đe doạ đối với văn học tinh hoa cũng như nhận thức của người đọc. Nhà nghiên cứu Trần Lê Hoa Tranh khi trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet thậm chí còn không cho rằng đây là văn học: “Loại sách này thường bị chê, vì nó không phải là văn học. Những nhà nghiên cứu hay lý luận phân biệt rất rõ văn học thị trường và văn học hàn lâm. Văn học đòi hỏi những tiêu chí khắt khe hơn về tư tưởng, ngôn ngữ. Ở đây mình nên phân biệt khái niệm văn hoá đại chúng – thứ thường xuyên được thổi phồng nhờ PR, giới trẻ.. chứ không hẳn là tự thân giá trị tác phẩm. Chúng chẳng có tư tưởng gì cả, đọc để giải trí thôi”[3].

Một số bạn đọc khác bàn luận sâu hơn trong những bài viết trên blog cá nhân, phần lớn đều mang cái nhìn bi quan trước sự lớn mạnh của văn học thị trường ở Việt Nam:

“Văn học nước ta đang ở mức báo động nếu không muốn gọi là mục nát, đến nỗi phải gọi là “văn học thị trường” âu cũng chỉ là để phục vụ một phong trào mà thôi”[4].

“Văn chương, có những chuyện thật đáng buồn. Có người dành cả đời để viết một vài tác phẩm có giá trị, nhưng cũng có người chỉ vài năm đã trở thành “nhà văn” nổi tiếng khi in ra hàng triệu bản kiểu “sách thị trường” nói trên. Thử hỏi nếu “văn học thị trường” càng lúc càng chiếm vị trí quan trọng trong văn học thì sẽ còn được bao nhiêu người viết tâm huyết với ngòi bút, viết bằng cả tình yêu thương, hạnh phúc và khổ đau?”[5].

“Tôi không muốn văn học Việt Nam trở nên suy thoái bởi dòng văn học thị trường; để lại một thế hệ trẻ yếu đuối, hoang mang, non nớt. Tôi không muốn bao nhiêu tinh hoa, ước vọng của người xưa bị quên lãng, để rồi sau cùng cúng ta bỗng chốc chẳng còn gì nữa”[6].

Tạm gác lại những quan điểm về văn học thị trường, trước tiên ta cần làm rõ khái niệm “văn học thị trường” đã được sử dụng phổ biến trong những trích dẫn vừa rồi có nội hàm như thế nào.

Kể từ ngày xuất hiện kinh tế hàng hoá, nhà văn không còn sáng tác dưới sự bảo trợ của tầng lớp quý tộc, tác phẩm không còn được viết ra chỉ để ngâm vịnh thù tạc và đem cất, hay thậm chí đem chôn, thì văn học luôn cần có thị trường để tồn tại. Một tác phẩm khi được xuất bản và phát hành nghiễm nhiên nó trở thành một thành tố của thị trường. Vì vậy, có thể nói hầu hết các sáng tác văn học đến được với độc giả hôm nay đều có thị trường tiêu thụ, dù ít hay nhiều (ngoại trừ những tác phẩm in ra chỉ để tặng). Do đó, dùng khái niệm “thị trường” để đối lập một bộ phận văn học nào đó với văn học tinh hoa là không hợp lý. Văn học tinh hoa đương đại – trước khi nó được đánh giá là tinh hoa – cũng phải gia nhập vào thị trường, phải được mua, và trải qua sự đánh giá của độc giả, cả bình dân lẫn chuyên nghiệp.

Bên trong định ngữ “thị trường” ẩn chứa một thái độ kỳ thị, một cảm xúc tiêu cực, dù người sử dụng nó có thể không nhận ra. Một đất nước nông nghiệp lâu đời như Việt Nam đã có hàng ngàn năm mang tâm lý kỳ thị thương nghiệp, cho rằng bản chất của thương nghiệp (con buôn) là lừa lọc, dối trá. Tâm lý cổ truyền này kết hợp với nhiều thập kỷ sống trong nền kinh tế bao cấp đã khiến người Việt vô tình lồng vào khái niệm “thị trường” một sắc thái nghĩa tiêu cực. Thị trường đồng nghĩa với sức mạnh quyết định của tiền bạc, sự sòng phẳng, tính vô cảm và đối lập với tình nghĩa, cảm xúc. Việt Nam không chỉ có “văn học thị trường” mà còn có “nhạc thị trường”, “phim thị trường”… đều để chỉ văn hoá phẩm phục vụ giải trí thuần tuý. Khi sử dụng các khái niệm này, người dùng đặt nghệ thuật tinh hoa vào thế đối lập và vô tình ngụ ý rằng nghệ thuật tinh hoa không cần thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến việc người nghệ sĩ khi sáng tạo những giá trị nghệ thuật thực thụ sẽ cho mình quyền rút vào tháp ngà và thoả mãn nhu cầu của cá nhân mình là đủ.

Có thể thấy cụm từ “văn học thị trường” tuy mới, nhưng bản thân nó chỉ một đối tượng đã cũ, thể hiện tư duy phân cực trong đánh giá văn học trong xã hội tiêu thụ: luôn luôn có sự đối lập giữa văn học cao cấp và bình dân (highbrow literature – lowbrow literature), văn học tinh hoa và đại chúng (elite literature – mass literature), văn học thuần tuý và văn học phục vụ giải trí (putre literature – entertaining literature). Tất cả những tác phẩm được bán ra với số lượng lớn, được đông đảo người đọc bình thường yêu thích nhưng nội dung đơn giản, sáo rỗng, chỉ có giá trị giải trí đơn thuần, đọc xong là quên… đều thuộc nhóm văn học cấp thấp. Chính việc ra đời muộn của cụm từ “văn học thị trường” đã khiến nhà văn Phan Việt và không ít người khác nhầm tưởng rằng bộ phận văn học này chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây. Sự ngộ nhận này một phần cũng là do Việt Nam đã trải qua một thời kỳ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa không hề tồn tại kiểu văn học đại chúng của xã hội tiêu thụ như đã mô tả ở trên. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có nền văn học Xô viết trước đây như Macdonald đã chỉ ra: “Văn hoá đại chúng Xô Viết hoàn toàn đối lập với văn hoá đại chúng phương Tây, nó là một thành tố của hoạt động tuyên truyền và giáo dục hơn là thành tố của hoạt động giải trí. Tính chất đặc biệt của “đại chúng” ở đây đối lập với cả văn hoá tinh hoa lẫn văn hoá dân gian: nó được sản xuất ra để phục vụ sự tiêu thụ của số đông, không thể hiện tư tưởng của cá nhân người nghệ sĩ đã đành, nhưng nó cũng không đại diện cho tư tưởng tự nhiên của người bình dân. Nó khai thác chứ không toả mãn nhu cầu văn hoá của đám đông; nó phục vụ mục đích chính trị nhiều hơn là mục đích thương mại”[7].

Quan điểm nói trên của Macdonald về văn học đại chúng Xô Viết – cũng là văn học đại chúng ở các nước xã hội chủ nghĩa – cho thấy chủ thể tiếp nhận “văn học đại chúng” ở đây không có tính chủ động, vì họ là đối tượng của hoạt động giáo dục, tuyên truyền; trái ngược với văn học đại chúng trong xã hội tiêu thụ, khi chủ thể tiếp nhận là người có quyền lựa chọn tác phẩm văn học căn cứ vào nhu cầu giải trí của bản thân, và thông qua lựa chọn của mình họ có quyền loại trừ tác phẩm lẫn tác giả nào họ không mua. Hoạt động sáng tác và tiêu thụ văn học đại chúng Xô Viết là hoạt động chính trị, trong khi ở phương Tây là hoạt động thương mại. Từ góc nhìn này, có thể thấy khái niệm “văn học thị trường” ở Việt Nam, tuy có những điểm không hợp lý về mặt từ ngữ như đã trình bày ở trên, nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả trong việc khu biệt những sáng tác đại chúng ngày nay với sáng tác phục vụ đám đông thời kỳ trước Đổi mới.

Thời kỳ Đổi mới được tính từ 1986, nhưng nền kinh tế thị trường phải mất một thời gian mới trở nên sôi động và vận hành theo quy luật tự thân của nó. Văn học thị trường đòi hỏi một khoảng thời gian dài hơn thế nữa do những lực cản của quán tính văn hoá, văn học. Đó chính là lý do vì sao suốt thập niên 90 của thế kỷ XX không có nhiều lo ngại về văn học thị trường dù nước ta đã tồn tại kinh tế thị trường. Văn học thị trường ở Việt Nam chỉ mới bùng nổ vào đầu thế kỷ XXI nhờ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển của công nghệ thông tin và sự chuyên nghiệp hoá của hoạt động PR, quảng cáo.

 

2.      Văn học thị trường trước 1986

Từ đầu thế kỷ XX, khi kinh tế hàng hóa đã bắt rễ ở xã hội Nam Bộ, khi văn học trở thành một loại hàng hóa đáp ứng bữa ăn tinh thần của độc giả thì vùng đất này cũng đã bắt đầu có một bộ phận văn học thị trường. Kiều Thanh Quế (1914-1947) đã từng nói về một thứ văn học đại chúng: Đại chúng là bao gồm tất cả hạng dân tầm thường trong một nước… Tiểu thuyết ngày nay cũng nằm trong văn học đại chúng. Tiểu thuyết của đại chúng không thiên trọng về lối phô diễn cầu kỳ. Tánh chất, giá trị của nó là giản dị, đẹp và thật: dùng rất ít lời văn mà tả nên bức tranh linh hoạt đầy thi vị. Đó là yếu tố của đại chúng văn học… Tiểu thuyết đại chúng không vị nghệ thuật mà vị nhân sinh. Vị nghệ thuật là chú trọng ở lời văn. Vị nhân sinh là chú trọng ở hứng thú. Đại chúng là hạng người lao khổ, cả ngày vất vả với sống còn. Một khi được thảnh thơi mó đến quyển tiểu thuyết họ không cần gì hơn được tìm trong ấy một vài hứng thú, để qua những giờ nhàn rỗi vô vị”[8].

Ở giai đoạn này, do yếu tố giải trí được coi trọng, do chiều theo thị hiếu của công chúng và do phải chạy theo tốc độ xuất bản, nên đã xuất hiện loại tiểu thuyết feuilleton viết nhanh, cẩu thả, có nhiều hạn chế trong việc lựa chọn đề tài, trong kết cấu, trong ngôn ngữ nghệ thuật. Tiểu thuyết tình yêu có lúc đã chiếm số lượng chủ yếu do thị hiếu của công chúng thành thị. Tùng Lâm trên Công luận báo có nhận xét: “Xã hội ta hiện giờ, phần nhiều lại ưa đọc tiểu thuyết TÌNH, bất kì chuyện gì, bất kể lối văn gì, miễn cho có chuyện tình là ưa đọc lắm”[9]. Có tác phẩm khi đăng báo phần đầu có ngôn ngữ khá hiện đại, như Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu chẳng hạn,  nhưng vì chiều theo thị hiếu độc giả nên phần sau lại quay về với lối văn biền ngẫu cũ kỹ. Nam Đình Nguyễn Thế Phương có lẽ cũng ý thức được hạn chế của loại tiểu thuyết feuilleton nên khi xuất bản Chén thuốc độc có nói thêm ở cuối sách: Tiểu thuyết Chén thuốc độc nay viết từng ngày đăng báo, thành thử còn nhiều chỗ sống sượng. Ngay đến khi xuất bản thành quyển, tôi cũng vẫn giữ nguyên văn không sửa một chữ nào. Độc giả tưởng cũng biết mà thứ cho”. Phi Vân trong lời nói đầu tập phóng sự – tiểu thuyết Đồng quê cũng cho: “Đây là những bài báo. Bởi thế cách hành văn cũng như nội dung đều có tính cách “nhật trình”. Lối văn gần như cẩu thả. Câu chuyện có vẻ nhất thời.

Khi Công luận báo đăng xong Tiểu anh hùng Võ Kiết, Phú Đức đã thổ lộ:Tiểu thuyết nầy chẳng đặng kiệt tác vì thì giờ lúng túng tác giả chẳng chải chuốt đặng câu văn, sắp xếp nên bố trí xin quý vị độc giả niệm tình mà miễn nghị[10]. …  Một vài tiểu thuyết như Hồ Thể Ngọc, Hà Hương phong nguyệt (Lê Hoằng Mưu), Một duyên hai nợ ba tình (Nguyễn Phú Hựu), Hồng phấn phiêu lưu (Vạn Trọng Huân)… đã ở trong tình trạng dở dang, đang hồi vào cao trào thì ngưng đăng, làm công chúng rất ấm ức. Không có phần kết thúc là chuyện thường ngày của nhiều tiểu thuyết đăng báo thời ấy.

Việc công bố, phát hành của tiểu thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX cũng mang rõ tính chất thị trường. Thường các tác phẩm được in dạng feuilleton nhiều kỳ trên các báo trước khi được in thành sách. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt… từng được in trên sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Các tiểu thuyết ăn khách thường được chia nhỏ ra thành nhiều tập để dễ bán, như Hà Hương phong nguyệt (1914) của Lê Hoằng Mưu chẳng hạn, được in đến tập thứ 6 vẫn chưa chấm dứt.

Nhìn vào thị trường văn học ở miền Nam những năm 1954-1975, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã than phiền: “Hỗ trợ cho loại sách cung cấp tình yêu đủ màu đủ vẻ là hoạt động ấn loát chú trọng đến thương mãi, và hầu như đó là ưu tư duy nhất của các nhà xuất bản […]. Thương mãi đã tràn lan lấn át phần nghệ thuật, đẩy nghệ thuật vào phần đất hẹp khiêm nhượng và lẻ loi”[11].

Huỳnh Như Phương trong một bài viết công bố mới đây đã nói rõ hơn về hiện tượng “văn chương tiêu thụ” của miền Nam trước 1975:Tính chất thương mại hóa của báo chí và xuất bản đã gây ra hậu quả tầm thường hóa văn học như hiện tượng đổ xô viết tiểu thuyết feuilleton, tranh đua dịch sách về tính dục, đề cao quá đáng Kim Dung, Quỳnh Dao; nhưng đặt trong bối cảnh thị trường, thì điều đó cũng dễ hiểu khi văn học trở thành một hàng hóa tiêu thụ đáp ứng bữa ăn tinh thần đa dạng của độc giả”[12].

Nhà văn Sơn Nam đã đánh giá về văn chương tiêu thụ của giai đoạn này: “Đó là loại kẹo ngọt, loại bông hường bằng ni-lông, loại… ba món ăn chơi. Độc giả tiêu thụ hấp tấp, đọc để tìm hiểu cốt truyện, không câu nệ về cách hành văn, chính tả, cách chấm câu. Đọc rồi là họ quên ngay, quên cả tựa quyển sách, sẵn sàng bán ve chai”[13].

Nhìn lại quá khứ như trên, chúng ta thấy văn học thị trường vốn không phải là điều xa lạ đối với một xã hội đã từng là xã hội tiêu thụ như nước ta. Bộ phận văn học này có khi được gọi là “văn học đại chúng”, “văn học bình dân”, khi là “văn học tiêu thụ”,… Cũng đã từng có những băn khoăn khi thấy nó bành trướng, trở nên lớn mạnh; cũng đã có những đánh giá không mấy thiện cảm về nó. Dù có lúc bị đứt quãng do những biến động của lịch sử, nhưng văn học thị trường đã thật sự tồn tại như một bộ phận không thiếu được của thị trường văn học từ đầu thế kỷ XX cho đến hiện nay. Điều này khiến chúng ta không thể không nhìn nhận, quan tâm đến nó.

  1. Một vài đặc điểm của văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Từ khi đất nước thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam nói chung đã gia nhập con đường chính trị, kinh tế chung của đất nước.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam, bên cạnh Hà Nội. Xét về mặt kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả Việt Nam, là trung tâm thương mại-dịch vụ, trung tâm xuất nhập khẩu, trung tâm tài chính ngân hàng mạnh nhất nước và cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước.[14] Sự dẫn đầu về kinh tế là tiền đề để phát triển một thị trường văn hoá, giải trí đa dạng, thoả mãn nhu cầu của tầng lớp người tiêu thụ không chuyên. Xét về mặt văn hoá, TP HCM đã quen với sự tồn tại của thị trường văn học từ trước năm 1975, nên sự trở lại của thị trường này khi đất nước bước vào giai đoạn Đổi mới không gây cho mọi người nhiều bỡ ngỡ. Xét riêng về mặt xuất bản, trong vòng 14 năm từ 1995 đến 2009, số đầu sách của 3 nhà xuất bản Thành phố chiếm 1/7 số đầu sách xuất bản trên cả nước. Khoảng 60-70% số lượng sách của cả nước được phát hành tại TP HCM.[15]

Dưới đây, chúng tôi trình bày các đặc điểm của văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Thứ nhất, văn học thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh gắn với những người trẻ. Người viết trẻ và người đọc cũng trẻ. Có thể liệt kê hàng loạt tác giả được xếp vào văn học thị trường như Trần Thu Trang, Dương Thuỵ, Anh Khang, Gào Vũ Phương Thanh, Keng Đỗ Thị Thuỳ Linh, Ham Let Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích, Kawi Hồng Phương, Bom, Sơn Paris… Nhiều người trong số họ là những tác giả ăn khách, sở hữu best-seller đình đám, được tái bản với tốc độ chóng mặt. Anh Khang là một “hiện tượng xuất bản” những năm gần đây. Tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ được tái bản một tuần sau khi phát hành và hiện đã in đến lần thứ tư với số lượng tổng cộng hơn 20.000 bản. Tác phẩm thứ hai Đường hai ngả, người thương thành lạ được đặt hàng 10.000 bản trước khi phát hành[16]. Tác phẩm thứ ba Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách bán chạy nhất của Hội sách TP HCM lần VIII với 40.000 bản tiêu thụ hết trong vòng 7 ngày và sau đó gấp rút in thêm 15.000 đến 20.000 bản nữa,[17] và cuốn thứ tư sẽ phát hành vào tháng 5 này Đi đâu cũng nhớ về Sài Gòn và…em dự kiến sẽ in 50.000 bản đợt đầu tiên[18]. Dương Thuỵ là một “hiện tượng xuất bản” khác với số lượng sách tái bản không kém như Oxford thương yêu tái bản 11 lần, tổng số phát hành là 44.500 bản, Nhắm mắt thấy Paris tái bản 4 lần, tổng số phát hành là 22.000 bản, Venise và những cuộc tình gondola tái bản 5 lần, tổng số phát hành là 17.000 bản, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình tái bản 2 lần, tổng số phát hành là 11.000 bản[19], v.v…

Phần lớn những tác giả thị trường kể trên đều bắt đầu sáng tác khi còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi, và độc giả của họ cũng là những người đồng trang lứa. Trong khi đó, dòng văn học giải trí ở nhiều nơi trên thế giới không phải chỉ có người trẻ viết và dành cho người trẻ. Một ví dụ tiêu biểu là J.K.Rowling, người đã thành công với sê-ri Harry Potter đình đám khi đã ở tuổi ngoài 30 và là mẹ của một đứa con nhỏ; tiểu thuyết của bà giành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Để giải thích cho sự “thống soái” của người trẻ trong văn học thị trường hiện nay ở Việt Nam, và ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cần nhìn sâu vào hai nguyên nhân: thời điểm trở lại của văn học thị trường, và đặc tính của người trẻ. Nếu như văn học giải trí và best-seller đã phổ biến từ lâu và liên tục ở những thị trường văn học lớn như Âu, Mỹ, đủ cho xã hội cảm thấy đó là một điều bình thường và tất yếu trong đời sống văn học, thì ở Việt Nam văn học thị trường chỉ mới trở lại trong khoảng thời gian chưa lâu. Vì vậy, đón nhận nó nhiệt tình nhất là những người trẻ, những người nhạy bén với cái mới. Họ nhạy bén với công nghệ thông tin và năng động trong không gian toàn cầu hoá, vốn là những thứ đi cùng trong làn sóng văn học thị trường hôm nay. Người đọc trẻ cũng dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông hơn người đọc trưởng thành, vì vậy họ dễ bị cuốn theo trào lưu và góp phần làm nên những con số ấn bản trong mơ kia. Những con số ấn bản trong mơ ấy, đến lượt nó, lại kích thích trí tò mò có sẵn trong những người trẻ tuổi háo hức tìm hiểu thế giới.

Thứ hai, giống như văn học đại chúng ở nhiều nơi khác, văn học thị trường thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có nội dung sáo mòn và kỹ thuật viết đơn giản, mà trong tiếng Anh vẫn gọi là “cliché” (công thức, sáo mòn). Đề tài được quan tâm nhiều nhất là tình yêu, với lối viết lãng mạn, bay bổng, xa rời thực tế. Sự thống trị của đề tài này trong dòng văn học thị trường một phần là để thoả mãn thị hiếu và tâm lý của người trẻ, một phần là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam.

Với những thể loại hư cấu có cốt truyện như truyện ngắn, truyện dài… các truyện phần đa đều xoay quanh các công thức sáo mòn hai nhân vật yêu nhau nhưng gặp nhiều trở ngại, cuối cùng cũng đến được với nhau. Tình tiết truyện thường có thể đoán được. Có thể lấy ví dụ: Quỳnh Mai trong Nhắm mắt thấy Paris là một cô gái Việt Nam rất trẻ, chỉ mới 25 tuổi, tính tình trong sáng, thánh thiện, làm việc trong một tập đoàn mỹ phẩm đa quốc gia, luôn phấn đấu và nỗ lực để vươn đến thành công. Cô được hai người đàn ông thành đạt, giữ vị trí cao cấp trong tập đoàn đem lòng yêu. Một người là giám đốc quản lý thương hiệu ở châu Á âm thầm để ý cô; một người xuất thân quý tộc Pháp, lãng mạn nhưng cũng ngạo nghễ nên đã phạm sai lầm và làm tổn thương cô. Trên con đường đấu tranh vì tình yêu và sự nghiệp, cô phải chiến đấu với một nhân vật nữ phản diện luôn tìm cách tranh giành với cô và hãm hại cô. Cuối cùng, Quỳnh Mai vượt qua cú sốc của cuộc tình cũ và mở lòng với chàng giám đốc luôn ở bên cô.

Olga Dovbush đã cho rằng những công thức sáo mòn trong văn học đại chúng/văn học thị trường là sản phẩm lấy từ thành tựu của văn học tinh hoa, tước bỏ hết những phức tạp mà nó vốn có trong văn học tinh hoa, chỉ còn lại trơ trụi một bộ khung sườn: “Văn hoá đại chúng chưa bao giờ bỏ qua những cốt truyện, hình ảnh trong nghệ thuật tinh hoa. Nó vay mượn những thứ này và biến chúng thành khuôn sáo, tái sản xuất lại chúng trong tác phẩm. Tuy nhiên, văn học đại chúng ở góc độ nào đó lại hữu ích với văn học tinh hoa, vì chúng kéo dài tuổi thọ của các thể loại và các kiểu hình thức, cũng như toàn bộ các lớp văn hoá vốn đã hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của nó trong không gian văn học tinh hoa”[20].

Bên cạnh đó, văn học đại chúng còn mô phỏng các công thức lãng mạn trong những tiểu thuyết tình cảm ba xu sướt mướt thời trước 1975 và trong sáng tác của những cây bút trẻ thị trường hôm nay. Một ví dụ khác cho việc văn học thị trường học tập một cách đơn giản hoá những thành tựu của văn học tinh hoa là ở thủ pháp trần thuật. Truyện Hoa Linh Lan của Gào có hai góc nhìn trần thuật, một là nhân vật Linh Lan xưng tôi, và hai là một nhân vật ở ngôi thứ ba miêu tả tâm lý của Khánh. Hai góc nhìn trần thuật này được sắp xếp xen kẽ qua mỗi chương. Nhắm mắt thấy Paris của Dương Thuỵ có những bức e-mail kể chuyện, tức là diễn biến của câu chuyện được kể lại dưới hình thức e-mail mà các nhân vật gửi cho nhau. Những thủ pháp này không mới trong văn học tinh hoa, nhưng nếu những tác phẩm nổi tiếng sử dụng các thủ pháp này như một phương thức nghệ thuật để từ đó người đọc khám phá các giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thì trong những sáng tác thị trường, chúng chỉ đơn giản là một cách kể chuyện. Câu chuyện sẽ không khác đi nếu tác giả thay cách kể chuyện này bằng cách kể truyền thống theo trật tự đầu cuối.

Điểm thứ ba, văn học thị trường thành phố Hồ Chí Minh không thoát khỏi những trải nghiệm đơn giản của cá nhân người sáng tác. Ngoài những tác phẩm ít ỏi có cốt truyện hư cấu, những tác phẩm best-seller của thị trường Việt Nam đều là tản văn. Toàn bộ gia tài văn học của “hiện tượng xuất bản” Anh Khang đều là tản văn. Tương tự là các tản văn Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Lạc giữa nhân gian, Trên đường rong ruổi của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay, Ai rồi cũng khác, Người yêu cũ có người yêu mới… của Hamlet Trương và Iris Cao, Cà phê với người lạ, Tình yêu là không ai muốn bỏ đi, Người lớn cô đơn của Phan Ý Yên, Anh sẽ yêu em mãi chứ?, Yêu anh vì tất cả những gì em có, mất anh vì tất cả những thứ em cho của Gào, Đôi mắt không còn ướt nước của Keng, Phía sau một cô gái của Ploy Ngọc Bích… Nhiều tản văn trong số đó giống như những status facebook, người viết cảm xúc nhất thời mà viết ra những chiêm nghiệm thoạt nghe có vẻ sâu sắc, nhưng đọc xong lại chẳng đọng lại điều gì. Một số khác là những trang du ký như Venise và những cuộc tình Gondola của Dương Thuỵ, hay tự truyện hoặc truyện hư cấu mang màu sắc tự truyện của người nổi tiếng như Là tôi, Hà Anh của người mẫu Hà Anh, Đời call-boy của Nguyễn Ngọc Thạch, Vết sẹo cuộc đời của diễn viên Ngô Thanh Vân, Cocktail, giày và khói của diễn viên Đinh Ngọc Diệp… Những tác phẩm này thoả mãn sự tò mò của độc giả trẻ về người nổi tiếng và về những chân trời mới mẻ, những đất nước xa lạ.

Có sự giao thoa giữa các thể loại. Tiểu thuyết đã không còn dày dặn và đi vào chi tiết, mà thu lại vào khuôn khổ của truyện dài. Tác phẩm hư cấu (fiction) mang nhiều màu sắc tự truyện, nhiều chi tiết lấy từ trải nghiệm cá nhân của người viết như Oxford thương yêu của Dương Thuỵ, Ký ức Northumbria của Gào. Nhiều tập sách mỏng là sự kết hợp giữ các tản văn, truyện ngắn và truyện cực ngắn. Ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu bị xoá nhoà. Các truyện ngắn khó phân biệt với tản văn, vì tuy có nhân vật mang tên tuổi cụ thể nhưng đều là hình bóng của tác giả, phản ánh suy nghĩ và cảm xúc của tác giả. Những điểm trên đều cho thấy người viết của văn học thị trường hầu như vẫn quẩn quanh trong cái tôi của mình mà không nhìn ra và bước vào thân phận của người khác. Điều này khiến tác phẩm của họ nông cạn, hạn hẹp, không có sự bứt phá và tầm vóc riêng.

Thứ tư, văn học thị trường thành phố Hồ Chí Minh gây bão là nhờ những yếu tố ngoài tác phẩm, cụ thể là sự phát triển của mạng Internet và công nghệ truyền thông, PR. Trước hết, cần phải khẳng định rằng văn học thị trường thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với văn học mạng. Nó là một kênh phát hành, thậm chí là kênh phát hành đầu tiên của văn học thị trường. Nhiều tác phẩm của Gào, Anh Khang đã xuất hiện dưới dạng status facebook hoặc tản văn đăng trên blog cá nhân trước khi được tập hợp in thành sách. Bộ truyện fantasy Huyền thoại Porasistus dày gần nghìn trang của Thảo Dương cũng công bố trọn vẹn trên blog theo từng kỳ trước khi xuất bản. Những bài thơ trong tập thơ Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt lúc đầu cũng cũng chỉ được chia sẻ trên facebook, sau đó nhờ sử cổ vũ của những người hâm mộ mà nó được ra nhà sách. Nguyễn Thế Hoàng Linh, một trong những người tiên phong của văn học mạng Việt Nam cũng đều công bố thơ, nhận phản hồi trên mạng trước khi in sách.

Bên cạnh đó, công tác PR xung quanh những tác phẩm văn học thị trường hiện nay đã rất chuyên nghiệp. Hình thức tác phẩm được thiết kế đặc biệt lộng lẫy, chăm chút đến từng chi tiết, có nhiều ấn bản bìa cứng/ bìa mềm cho một đầu sách, tặng kèm CD sách nói, tranh… Những buổi giới thiệu sách được tổ chức rình rang. Các tác giả trẻ như Anh Khang, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Ploy… rất chịu khó đi giao lưu với độc giả, đến nhiều trường trung học và tổ chức các buổi cà phê giới thiệu sách, xây dựng hình tượng cá nhân long lanh như một nhân vật trong phim thần tượng qua các kênh như facebook, blog cá nhân… Họ nhanh chóng trở thành hotboy, hotgirl trong làng văn học, và độc giả trẻ đổ xô đi mua tác phẩm của họ là vì hâm mộ người viết chứ chưa hẳn đã thích đọc những gì có trong tác phẩm.

Một yếu tố khác ngoài tác phẩm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của tác phẩm chính là môi trường hỗn hợp của văn hoá đại chúng. Nếu văn học tinh hoa luôn giữ một ranh giới tách biệt với những loại hình nghệ thuật khác thì văn học đại chúng không tách khỏi những yếu tố khác của văn hoá đại chúng như phim ảnh, âm nhạc… Hamlet Trương và Iris Cao là nhạc sĩ thị trường, và trong một số sách  của họ có tặng kèm CD các tác phẩm âm nhạc do họ sáng tác như một cách quảng bá sản phẩm lẫn nhau. Thậm chí mọi cuốn sách của Hamlet Trương và Iris Cao đều có kèm theo bookmark (thẻ đánh dấu sách) trên đó ghi rõ đường link download nhạc. Một số tác phẩm như Tay tìm tay níu tay, Người yêu cũ có người yêu mới, Ai rồi cũng khác, Thương nhau để đó còn có cả sản phẩm âm nhạc minh hoạ cho nội dung sách. Cả sách cả nhạc đều gây sốt từ mạng ra nhà sách và kệ đĩa. Nhiều quyển sách chỉ đến khi chuyển thể thành phim thì mới được độc giả quan tâm, như Luật ngầm của Tuệ Nghi, Chỉ có thể là yêu của Hân Như, ngược lại với văn học chính thống khi sự nổi tiếng của sách sẽ bảo đảm cho thành công của phim.

Như vậy, văn học thị trường ở TP HCM hiện nay gắn với lớp người trẻ tuổi, cả tác giả lẫn độc giả, với nội dung quen thuộc và kỹ thuật viết đơn giản, chủ yếu lấy chất liệu từ trải nghiệm cá nhân và gần gũi xung quanh người cầm bút. Văn học thị trường nổi lên nhờ biết chiều theo độc giả, viết về những vấn đề quen thuộc với độc giả, xây dựng một thế giới màu hồng đơn giản, thi vị hoá cảm xúc cá nhân thông thường hoặc chứa đựng những yếu tố câu khách như sex, đồng tính…. Đồng thời những yếu tố ngoài tác phẩm như công nghệ PR và tính liên kết của môi trường văn hoá đại chúng cũng khiến văn học thị trường tạo thành làn sóng.

4.      Thái độ với văn học thị trường

Văn học đại chúng trên thế giới vốn bị xem thường. Peter Swirski trong bài viết “Văn học đại chúng và văn học cao cấp: một góc nhìn so sánh” còn cho rằng văn học đại chúng có những điểm tiêu cực sau:

“1. Tính tiêu cực của hoạt động sáng tác văn học đại chúng: tiểu thuyết đại chúng bị phản đối vì, không giống như văn học tinh hoa, nó được sản xuất hàng loạt bởi những người chỉ biết đến lợi nhuận, chỉ biết thoả mãn thị hiếu tầm thường của những độc giả có tiền.

2.                  Tác động tiêu cực đến văn học tinh hoa: văn học đại chúng ăn cắp từ văn học tinh hoa, làm hạ thấp chất lượng của văn học tinh hoa khi nó lôi kéo nhà văn và độc giả của bộ phận văn học tinh hoa về phía mình khiến văn học tinh hoa bị “chảy máu tài năng”.

3.                  Tác động tiêu cực đến người đọc: việc tiêu thụ văn học đại chúng, ở mức độ khá nhất thì nó mang đến sự thoả mãn giả tạo, còn ở mức độ tệ nhất thì sẽ gây hại đến cảm xúc và nhận thức của người đọc.

4.                  Tác động tiêu cực đến xã hội nói chung: văn học đại chúng lớn mạnh và phân bố rộng khắp sẽ hạ thấp văn hoá đọc và làm gia tăng sự độc tài trong chính trị, xã hội và văn hoá khi nó tạo ra một đám đông độc giả thụ động và lãnh đạm, chỉ còn biết phản ứng với những kỹ xảo tuyên truyền và mị dân hàng loạt”[21].

Đồng quan điểm với Swirski, Macdonald cho rằng “văn học đại chúng phát triển một cách ký sinh và đáng sợ trên cơ thể của văn học tinh hoa”[22] Trong văn hoá đại chúng, những thăng hoa mỹ học biến mất, thay vào đó nó sản sinh ra khái niệm tha hoá, khi mà một đối tượng mỹ học nào đó được chuyển hoá thành sản phẩm hàng hoá. Điều đó đã khiến những nhà nghiên cứu như Theodor W. Adorno, Walter Benjamin, Thomas Stearns Eliot, Herbert Marcuse, José Ortega y Gasset và nhiều người khác không tha thứ cho văn học đại chúng.

Tuy nhiên, vẫn có những người khác bình tĩnh hơn với bộ phận văn học này: “Văn hoá và văn học đại chúng phản ánh trải nghiệm thực thụ của những người bình thường trong xã hội. Điều này giải thích tại sao nó lại trở thành một nguồn quan trọng để tìm hiểu thực tế và ý thức xã hội, nhưng nó không phải là tổng thể của những giá trị tiêu thụ văn hoá hay là một phương tiện tác động tư tưởng lên đám đông, cũng không phải là một sự phản văn hoá”[23].

Không phải quan điểm ở nơi nào trên thế giới cũng giống nhau. Ở Nhật Bản sự phân biệt cao thấp này không thật rõ nét. Giới nghiên cứu Nhật Bản dường như ít quan tâm đến việc vạch ra ranh giới giữa văn học thuần tuý (junbungaku) và văn học đại chúng (taishubungaku). Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng đã viết những quyển sách, bài báo bênh vực văn học đại chúng như Tsurumi, Ito Sei, và Hirano Ken; ngay cả những nhà văn và nhà phê bình xuất hiện từ rất sớm như Kawabata Yasunari cũng viết những công trình chi tiết để xác lập vị trí văn học đại chúng trong lịch sử văn học Nhật Bản[24].

Văn học Nhật Bản giờ đây không chỉ dừng lại ở văn học mạng như phần đông các nước trên thế giới, mà đã sản sinh ra “văn học cell-phone”, tức là văn học viết trên điện thoại di động, cực kỳ ngắn gọn, đơn giản, tạo nên những lối diễn đạt mới do sự hạn chế của số lượng ký tự trên điện thoại di động. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002 với Yêu sâu đậm của Yoshi sớm tạo nên cơn sốt, hiện nay văn học cell-phone đã sở hữu lượng độc giả khổng lồ, trở thành best-seller mới của thị trường văn học Nhật Bản với số bản in lên đến hàng trăm nghìn bản. Nó có cả giải thưởng văn học riêng Kentai novel award do các nhà xuất bản tổ chức hàng năm. Văn học cell-phone cũng vấp phải nhiều sự chỉ trích, giống như văn học thị trường ở Việt Nam, nhưng bất chấp những chỉ trích đó, làn sóng mạnh mẽ của văn học cell-phone vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống dù đã hơn 10 năm.

Ở Việt Nam, thái độ với văn học thị trường cũng không khác với nhiều nơi khác: có bênh vực, có bình thản chấp nhận, và nhiều hơn cả là sự lo lắng, hoang mang, cho rằng văn hoá đọc đang xuống cấp, thị hiếu văn học thiếu lành mạnh, bị tiền bạc thao túng. Những ý kiến trích dẫn ở đầu bài viết này từ các bài phân tích và phỏng vấn trên báo mạng và blog cá nhân cho thấy rõ điều đó. Điều làm cho các nhà quan sát lo lắng không phải vì chính bản thân văn học thị trường, mà vì cơn sốt của nó, với những best-seller và những “ngôi sao” thần tượng trong làng văn. Người ta lo lắng giới trẻ chìm đắm trong thị hiếu tầm thường, thấp kém, nhưng người ta cũng quên mất rằng không phải chỉ riêng ở giới trẻ, mà ở bất cứ lứa tuổi nào, số đông vẫn là những người không chuyên nghiệp, vì vậy không thể đòi hỏi họ đọc và yêu thích những thứ mà chỉ những người chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức và kỹ năng tương ứng mới có thể quan tâm.

Ta không thể xử lý vấn đề bằng việc đề xuất các cơ quan quản lý văn hoá, các nhà xuất bản phải làm thế nọ, thế kia, vì đó chỉ là cách xử lý đằng ngọn. Thị trường có quy luật lợi nhuận của nó, xử lý như thế vừa tốn công vừa vô ích, nhất là khi mạng Internet đã lan toả đến từng ngõ ngách và là một kênh phát hành rất mạnh của văn học thị trường. Có thể nhìn sang Trung Quốc và Nhật Bản, dù tiểu thuyết ngôn tình và tiểu thuyết cell-phone có bị chỉ trích, chê bai đến đâu đi nữa thì những dòng văn học này vẫn tồn tại, và tồn tại mạnh mẽ. Nhật Bản có giải thưởng văn học cell-phone, còn Trung Quốc thành lập Đại học Văn học mạng vào ngày 30/10/2013 với Mạc Ngôn làm hiệu trưởng danh dự. Cách hiệu quả và lâu dài hơn là can thiệp vào quá trình tạo ra thị hiếu, tức là quá trình đào tạo thẩm mỹ của người đọc từ việc dạy văn trong nhà trường phổ thông, mà đây lại là một câu chuyện rất dài và rất phức tạp. Chúng ta biết rằng văn học đại chúng, văn học thị trường sống dựa vào văn học tinh hoa, vì vậy nó sẽ không tiêu diệt được văn học tinh hoa. Vì vậy, trước mắt cứ chọn những hạt giống tốt, duy trì việc đào tạo ra một nhóm nhỏ tinh hoa để nuôi dưỡng bộ phận văn học tinh hoa. Điều này thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang có những hình thức triển khai tốt. Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi là một trong những hình thức đó. Nhiều cây bút trẻ có triển vọng, có tiềm năng được phát hiện và tạo điều kiện để bước vào thị trường văn học. Sách đoạt giải của họ được xuất bản, được đơn vị phát hành tổ chức quảng bá, PR và học tập từ những cách thức PR của văn học thị trường. Sách đã được thiết kế đẹp hơn, đã có những sự kiện quảng bá rầm rộ hơn, tìm cách thu hút sự quan tâm của người đọc, trước mắt là người đọc có đào tạo chuyên môn, chẳng hạn như sinh viên của các khoa Ngữ văn. Tuy chất lượng những sáng tác này chưa thật sự khiến giới nghiên cứu lạc quan, nhưng nó cũng là sản phẩm của một sự đầu tư nghiêm túc vào văn chương.

Một việc khác trong tầm tay mà ta có thể đầu tư nhiều hơn để giúp người đọc chọn sách trong không gian văn học hiện nay, đó là phát triển hoạt động phê bình và giới thiệu sách trên báo chí và mạng Internet. Có thể thấy hoạt động này ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh lâu nay vẫn chưa thật sự là một kênh tin cậy của người đọc. Những tờ báo lớn trên thế giới như The New York Times của Mỹ, The Guardian, Telegraph của Anh, The Autralian, Courier Mail của Úc… đều có mục điểm sách rất uy tín. Bình chọn sách hay của độc giả những tờ báo này cũng là những giải thưởng rất uy tín. Nếu chúng ta chưa có lực lượng chuyên trách để mở những chuyên mục thường xuyên và tương tự trên các báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, thì Hội Nhà văn TP HCM có thể mở một trang điểm sách riêng trên website của mình, bao quát hết tất cả các loại sách, kể cả văn học tinh hoa lẫn thị trường, không tỏ thái độ thiên vị hay kỳ thị một bộ phận văn học nào, và tránh lối viết cả nể, khen ngợi thân tình.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rằng có những vận động văn học là khách quan, là hệ quả của những thay đổi xã hội mà dù muốn hay không nhà phê bình hay nhà quản lý cũng không có cách nào can thiệp. Vẫn có những giá trị thẩm mỹ vĩnh cửu, và nếu nó vĩnh cửu thì nó không chết, chỉ có điều nó sẽ không phải là điều quan tâm của đám đông vốn thay đổi theo những vận động của lịch sử. Văn chương lúc nào cũng lâm nguy, lúc nào cũng có vẻ như đang đứng trước bờ vực của tha hoá, nhưng nếu nó không thay đổi thì mới chính là lúc nó lâm nguy nhất.

 



[1] Nguyễn Xuân Thuỷ (2014), “Phan Việt: Minh bạch thì dễ sống hơn”, http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/phan-viet-minh-bach-thi-de-song-hon-3013166.html

[2] Lam Thu (2014), “Dòng văn học thị trường phát triển mạnh ở Việt Nam”, http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/dong-van-hoc-thi-truong-phat-trien-manh-o-viet-nam-3022145.html

[3] Hồ Hương Giang (2012), “TS Trần Lê Hoa Tranh: Thị hiếu đọc ở Việt Nam quá kém”, http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/96443/-thi-hieu-doc-o-viet-nam-qua-kem--.html

[4] Linh Hoàng (2015), “Văn học nước nhà và quan điểm sáng tác của Nam Cao” http://6hsang.com/giai-tri/freely/van-hoc-nuoc-nha-va-quan-diem-sang-tac-cua-nam-cao-1272331.html

[5] Vĩnh Thông (2014), “Bàn chơi về văn học thị trường”, http://vinhthongts.blogspot.com/2014/06/ban-choi-ve-van-hoc-thi-truong-vinh.html

[6] Nguyễn Khánh Tuyết Vy (2015), “Sách ngôn tình khiến độc giả yếu đuối”, http://datdung.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=14243#axzz3ZYqY6I7t

[7] Dẫn theo Olga Dovbush (2009), “The ideology of mass literature: American model vs Soviet”, Studia Anglica Resoviensia, tr. 145.

[8] Kiều Thanh Quế: Đại chúng văn học, Tri tân, số 151, ra tháng 7 - 1944. Tuyển in trong Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam  (tuyển tập khảo cứu phê bình), Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng biên soạn, NXB Thanh Niên, 2009, tr. 156.

[9] Tùng Lâm: Công luận báo số 45, 21.3.1925.

[10] Phú Đức: Công luận báo số 400, 13.8.1926.

[11] Nguyễn Mộng Giác (1974), “Nghĩ về thơ, truyện 1974”, Bách Khoa, số đặc biệt Xuân Ất Mão 1975, tr. 30.

[12] Huỳnh Như Phương (2015), Chiến tranh, xã hội tiêu thụ và thị trường văn học miền Nam 1954 – 1975, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số  4 – 2015, tr. 33.

[13] Sơn Nam: “Bàn về hiện tượng sách báo”, Đồng Nai văn tập số 7, tháng 7&8 - 1966. Dẫn lại theo Lữ Phương: Mấy vấn đề văn nghệ, Sđd, tr. 114.

[14] Văn phòng Uỷ ban Nhân dân TP HCM (2014), “Thành phố Hồ Chí Minh: trung tâm kinh tế của cả nước”, http://www.vpub.hochiminhcity.gov.vn/portal/Pages/2014-7-23/Thanh-pho-Ho-Chi-Minh--Trung-tam-kinh-te-cua-ca-nuflssk26p08oc.aspx

[16] Gia Hoàng (2015), “Tái bản trước phát hành, Anh Khang nối tiếp Nguyễn Nhật Ánh”, http://baodatviet.vn/doi-song/giai-tri/tai-ban-truoc-phat-hanh-anh-khang-noi-tiep-nguyen-nhat-anh-2355689/

[17] Hồ Hương Giang (2014), “Tại sao lại tức giận với best-seller Việt?”, http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/168942/tai-sao-lai-tuc-gian-voi-sach--bestseller--viet-.html

[18] Gia Hoàng (2015), đd.

[19] Số liệu lấy từ website của Dương Thuỵ, www.duongthuy.net

[20] Olga Dovbush (2009), “The ideology of mass literture: American model vs Soviet”, Studia Anglica Resoviensia 6, tr. 143.

[21] Peter Swirsky (1999), “Popular and highbrow literature”, CLCWeb: Comparative literature and culture, (1), Purdue University, tr. 7-12.

[22] Dwight McDonald (1978), A theory of mass culture, Cambridge, Chadwyck Healey Ltd, tr. 168.

[23] Dẫn theo Olga Dovbush (2009), “The ideology of mass literature: American model vs Soviet”, Studia Anglica Resoviensia, tr. 142.

[24] Peter Swirsky (1999), đd, tr. 3.

 

Nguồn: Nghiên cứu văn học số 9 năm 2015, tr. 89 -104. 

Online Members

We have 610 guests and no members online

Homepage Data

62940748
Today
Yesterday
All
118
28955
62940748

Show Visitor IP: 3.236.112.101
11-10-2024 00:04