Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam Bộ trước 1932

Lời giới thiệu

Văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vốn là một mảng văn học phong phú, độc đáo và đã góp một phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc, trong đó tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng do nhiều lý do, mảng văn học này nói chung và tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng đã một thời gian dài không được quan tâm nghiên cứu thích đáng.

Những năm gần đây, giới nghiên cứu trên cả nước ngày càng quan tâm đến văn học Quốc ngữ Nam Bộ. Có một số công trình nghiên cứu đã được xuất bản, nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều luận văn luận án đã tập trung nghiên cứu mảng văn học này. Những nỗ lực của các nhà khoa học dần dần đã bổ khuyết được khá nhiều khoảng trống cho mảng văn chương phương Nam này. Tuy vậy cho đến nay, vẫn có nhiều vấn đề còn đang bỏ ngỏ hoặc cần tiếp tục đào sâu hơn bằng những cách tiếp cận mới. Do đó, việc một công trình nghiên cứu như chuyên luận Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam Bộ trước 1932 của tác giả Phan Mạnh Hùng được xuất bản là một việc rất đáng hoan nghênh.

Bằng cách vận dụng lý thuyết tự sự và những lý giải dựa trên cơ sở văn hóa xã hội Nam Bộ vào những năm đầu thế kỷ XX, tác giả chuyên luận đã có nhiều phát hiện mới mẻ về tiểu thuyết Nam Bộ. Tác giả đã không ngại đặt lại vấn đề với các nhà nghiên cứu đi trước, thậm chí phản bác lại một số luận điểm, chẳng hạn như ý kiến cho rằng “quá trình hiện đại hoá khởi phát sớm ở miền Nam nhưng sự kết tụ thành tựu lại là ở văn học miền Bắc”. Bằng những minh chứng thuyết phục, tác giả chuyên luận đã cho rằng những điều mà người ta tưởng là hạn chế của văn học Nam Bộ thật ra chính là cái tạo nên nét riêng, hình thành nên đặc điểm cho tiểu thuyết Nam Bộ.

Chuyên luận này vốn bắt nguồn từ luận án tiến sĩ mà Phan Mạnh Hùng đã bảo vệ thành công với kết quả xuất sắc ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, do đó văn phong hàn lâm là một điều dễ nhận thấy. Nhưng bằng cái nhìn lịch sử cụ thể, uyển chuyển đối với tiểu thuyết Nam Bộ, chuyên luận đã đem đến cho người đọc không ít điều thú vị. Cuốn sách có thể xem là một nỗ lực rất đáng trân trọng của người nghiên cứu trong việc góp thêm một tiếng nói nhằm cắt nghĩa đặc điểm và khẳng định vai trò tiên phong của tiểu thuyết Nam Bộ trong quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60535337
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16830
10018
60535337

Thành viên trực tuyến

Đang có 318 khách và không thành viên đang online

Danh mục website