Sách hay: Đọc sử theo một cách khác

Tri Tân nhân vật chí tập chú (Đọc sử theo một cách khác) - cuốn sách do tiến sĩ Nguyễn Phúc An (Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM) biên soạn và chú thích vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM cho ra mắt tập 1.

Những ký giả tài năng

Lựa chọn trong 214 số tạp chí Tri Tân, tiến sĩ (TS) Nguyễn Phúc An đã thống kê và tổng hợp thành 186 đề mục nhân vật. Theo đó, Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977) đứng đầu với 30 bài, Tiên Đàm - Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1973) đứng thứ hai với 23 bài… Dù người góp nhiều, dù người góp ít, tất cả các cây bút đã tạo nên sự phong phú cho đề mục nhân vật trên tạp chí Tri Tân - ôn lại chuyện xưa cũ để biết những điều mới mẻ (ôn cố tri tân).

202408013Sách Tri Tân nhân vật chí tập chú (Đọc sử theo một cách khác) - K.M.S

Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được tiếp cận với những trước tác của ký giả Nhật Nham - Trịnh Như Tấu (1915 - ?). TS Nguyễn Phúc An lựa chọn 22 trong tổng số hơn 300 bài viết của Nhật Nham - Trịnh Như Tấu trên tạp chí Tri Tân, dù chưa đầy 1/10 số lượng bài viết cũng đã đủ làm toát lên chân dung một ký giả tài năng. Khi đọc các bài nghiên cứu "Công dụng của bài minh", "Thánh Thiên công chúa", "Đinh Điền", "Gia tướng Trần Hưng Đạo", "Danh nhân thời Trần", "Ông Nghè tuổi 13 Trịnh Hoa Đường", "Lương Thế Vinh", "Đoàn Thị Điểm",… Nhật Nham thể hiện một phong cách nghiên cứu rất hiện đại: Khai thác tư liệu từ chính sử kết hợp điền dã thực địa tại các địa phương.

Biện ngụy sử liệu

TS Nguyễn Phúc An bỏ công phân loại các đề mục nhân vật theo phương pháp tự sự. Tác giả chia ra tự sự đa chiều với tự sự đối thoại và tự sự tương hỗ. Phương pháp tự sự này có đất diễn là tạp chí Tri Tân trong suốt hơn 5 năm từ số 1 ra ngày 3.6.1941 đến số cuối cùng (Tri Tân loại mới) ra ngày 16.7.1946.

Sách hay: Đọc sử theo một cách khác- Ảnh 2.

Tạp chí Tri Tân - TL

Nhờ phương pháp tự sự của người xưa, ngày nay chúng ta rút ra một điểm sáng cho đến lúc này vẫn luôn thường trực: Phương pháp biện ngụy sử liệu. Từ 80 năm trước, các ký giả đã quan tâm đến tính chân xác của các nguồn sử liệu, từ chính sử đến dã sử. Nổi lên là nhân vật Lê Thiện trong bộ Việt Lam xuân thu do Hoa Bằng nêu trong Tri Tân số 149. Theo Hoa Bằng cung cấp tư liệu từ Việt Lam xuân thu và Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm, Lê Thiện từng đóng vai như Gia Cát Lượng để giúp Lê Lợi đánh quân Minh đô hộ nước ta. Tiếc rằng nhân vật lịch sử từng làm những việc chuyển đất xoay trời này lại không được các bộ chính sử nước ta chép đến. Ý kiến này lập tức bị Ứng Hòe - Nguyễn Văn Tố bác bỏ cũng trên tạp chí Tri Tân số 151 với nhan đề "Trong sử Nam không có ai là Lê Thiện cả". Nguyễn Văn Tố dẫn văn bia Vĩnh Lăng, dẫn sách Lam Sơn thực lục, dẫn Đại Việt thông sử là những nguồn tư liệu chính sử quan phương để chứng minh không có nhân vật nào là Lê Thiện. Cùng với đó, học giả Ứng Hòe cũng chứng minh sách Lịch đại thông giám tập lãm do người đời vua Càn Long nhà Thanh viết sau sự kiện khởi nghĩa Lam Sơn gần 400 trăm năm nên chép việc nước ta "không lấy gì làm đúng cho lắm". Thêm vào đó, Nguyễn Văn Tố còn chỉ ra Lịch đại thông giám tập lãm viết sai địa danh ở nước ta, chép nhầm danh tướng Lê Triện thành Lê Thiện. Cuối cùng tác giả kết luận: Nước ta về đầu triều Lê không có người nào tên là Lê Thiện cả.

Bình giá nhân vật lịch sử

Một nội dung quan trọng được các ký giả quan tâm trong bài viết của mình là bình giá nhân vật. Gương mặt nổi bật khi dùng ngòi bút bình giá nhân vật lịch sử là cụ Ứng Hòe - Nguyễn Văn Tố.

Khi bình phẩm nhân vật lịch sử, Nguyễn Văn Tố đã rất thận trọng, cân nhắc, trong hoàn cảnh khách quan, đồng thời cũng thẳng thắn trong việc khen chê. Bạn đọc hãy thử xem một ví dụ khi ông nhận xét về "người Nam làm quan Tàu":

"Người Nam làm quan Tàu thì nhiều, song có bốn ông có thể tiêu biểu cho hai cái quan niệm khác nhau. Bốn ông ấy là Lý Tiến, Lý Cầm, Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ. 

Lý Tiến là Thứ sử châu Giao về đời Hán. Thứ sử là quan đầu tỉnh; nước ta bấy giờ cũng như một tỉnh của Tàu, cho nên Thứ sử châu Giao cũng như ông vua nước Nam về sau. Lý Tiến là người nước Nam, lại được thống trị nước Nam vào thời Bắc thuộc, thật là một việc ít có.

Lý Cầm cũng là người nước Nam, thì lại làm đến Ty lệ Hiệu úy nước Tàu, tức như Thủ tướng bây giờ. Hai ông thường xin với vua quan nước Tàu bấy giờ cho nhân tài nước ta được tuyển cử ngang với nhân tài nước Tàu. Sau, kết quả vua Tàu cho một người mậu tài (tức tú tài bây giờ) làm quan lệnh (tức tri huyện) Hạ Dương, một người hiếu liêm (tức cử nhân) làm quan lệnh Lục Hợp, và Trương Trọng làm Thái thú Kim Thanh.

Thế là cách đây 1.750 năm, nước ta đã có người biết trọng quyền lợi của mình, tuy sinh vào thời Bắc thuộc, mà đã biết đòi lấy quyền ngang hàng, tức như ta nói bình đẳng bây giờ.

Còn như Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ cũng là người nước Nam làm đến Thủ tướng bên Tàu, tuy có sự nghiệp vẻ vang, nhưng chỉ lợi cho nước người mà thôi, không ích gì cho nước mình cả. Vì thế, mới có câu ca dao rằng:

Gáo vàng đem múc giếng tây 

Khôn ngoan cho lắm, tớ thày người ta!

Tức là chê hai ông tuy tài giỏi (ví gáo vàng) mà làm quan với Tàu (ví giếng tây), thực là uổng phí cái đời thông minh xuất chúng!".

Khi cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại (tự Tiểu Cao), nguyên Bố chánh tỉnh Thanh Hóa viết sách Việt Nam phong sử đã có ý bênh vực Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ, cho Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ là biết tùy thời… Đánh giá này liền gặp sự phản bác quyết liệt của cụ Ứng Hòe, cho đó "là ý riêng của ông Mại", chứ "phần đông quốc dân đều chê Lý Ông Trọng và Khương Công Phụ", mà khen Lý Tiến, Lý Cầm.

"Nếu có Lý Ông Trọng thật, thì cũng đáng khen là người có chí khí anh hùng, vì đang là một tên phu làm xâu cho làng, bị người đầu phu đánh, mà tức giận bỏ nhà, bỏ nước, đi học, làm quan, đến khi chết hãy còn nổi tiếng ở nước người, nhưng ngoài ra, không thấy sách chép có công gì với nước ta cả. Còn như Khương Công Phụ và em là Khương Công Phục đều đỗ tiến sĩ đời Đường, thì chỉ là người học giỏi mà thôi, đã không có ích gì cho nước ta, lại còn "bán trực mua danh", làm cho ai cũng phải chê.

Đã là người Nam, mà lại có học, đỗ tiến sĩ đời Đường là đời văn thịnh, thế mà chỉ bôn ba lối lợi đường danh, quên cả quê cha đất tổ, thật không đáng kính phục tí nào! Thiết tưởng những người học giỏi tài cao, phải ích nước, giúp cho dân, ít ra cũng như Lý Tiến, Lý Cầm mới phải".

Ngợi khen Lý Tiến, Lý Cầm vì "đã biết đòi quyền lợi cho người trong nước", thước đo duy nhất của nhà học giả tiên khu Nguyễn Văn Tố đó là lợi ích của dân tộc.

Kiều Mai Sơn

Nguồn: Thanh niên, ngày 27.7.2024.

Thông tin truy cập

62497098
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
10802
20575
62497098

Thành viên trực tuyến

Đang có 441 khách và không thành viên đang online

Danh mục website