Ý thức nữ quyền và sự phát triển bước đầu của văn học nữ Nam Bộ trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc đầu thế kỷ XX

1. Sự manh nha ra đời của phê bình văn học nữ quyền: từ Phan Khôi đến Manh Manh nữ sĩ. Đầu thế kỷ XX là một giai đoạn sôi nổi của tư tưởng nữ quyền Việt Nam trong đó, Phan Khôi là nhà lý luận phê bình đã có công khai phá. Khác với Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Bạch Vân nặng tính chất phong trào, Phan Khôi đã tiến đến bước tiếp nhận văn học từ ánh sáng tư tưởng nữ quyền, nghĩa là ông đi vào những vấn đề thuần văn học, thuộc về văn học. Những khai mở của Phan Khôi có giá trị rất lớn đối với nền phê bình, nghiên cứu theo khuynh hướng này.

Ngay từ số báo đầu tiên, Phan Khôi đã khẳng định ý nghĩa, vai trò và tiềm năng của nền văn học nữ lưu. Phan Khôi cho rằng nguyên nhân gây nên tình trạng rỗng và lép của văn học nữ trong lịch sử văn chương Việt Nam quá khứ là vì họ không đuợc hưởng một nền học vấn như nam giới:

 “Bởi phụ nữ nước ta xưa nay đã chịu dốt nát từ đời nọ đời kia như vậy, cho nên trong đám chị em mình mà được một vài tay biết chữ, biết làm câu thơ, câu văn, thì đời đã cho là một sự lạ lùng hiếm có. Những người biết chữ ấy, hãy còn để tiếng đến bây giờ, làm của báu cho những nhà cầm viết khi nào muốn khoe khoang cho nữ giới thì lại đem ra”.

(Về văn học của phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 1, 2/5/1929).

Ông cho rằng đây là thiệt thòi lớn lao nhất. Thảng đôi lúc cũng có những bậc nữ lưu cải biến hình dạng thành nam nhi để được thụ hưởng nền giáo dục hoặc những kỳ nữ có tài thi ca thiên phú để lại những đứa con tinh thần cho di sản văn học nghệ thuật của dân tộc. Thế nhưng, họ chỉ xuất hiện rải rác, lúc đậm lúc nhạt và tạo nên một dòng chảy văn chương mỏng manh, sơ sài, đứt đoạn mà theo đánh giá của Phan Khôi thì đấy chưa phải là văn học, là một nền văn học “chưa đủ”: “Nếu vậy thì chị em ta phải thú thiệt rằng nền văn học của nữ giới ta, từ xưa tới nay, chưa hề có bao giờ” (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 1 (2.5.1929). Sau khi điểm qua những gương mặt văn chương nữ Việt Nam, chỉ rõ nguyên nhân và tình trạng của nền văn học nữ lưu, Phan Khôi đã cổ xúy mạnh mẽ việc đào tạo học vấn cho người phụ nữ để họ thoát khỏi sự đói nghèo thi ca và tri thức, nghĩa là giải quyết đến triệt để cội rễ sinh ra sự bất bình đẳng của phụ nữ trong đời sống nói chung và trong lĩnh vực văn hoá nói riêng. Tuy nhiên, đóng góp lớn lao, táo bạo, tinh tế và sâu sắc nhất trong tư tưởng của Phan Khôi đối với văn học nữ lưu là ông bênh vực mạnh mẽ quyền của phụ nữ, lên án những tội ác của lễ giáo phong kiến. Đi xa hơn, trên một tư duy mang tính lý luận, Phan Khôi đã tạo tiền đề cho lý thuyết nữ quyền trong văn học Việt Nam, dẫu chỉ mới là những phác họa sơ lược. Loạt bài Về văn học của phụ nữ Việt Nam (Phụ nữ tân văn, số 1, 2/5/1929), Văn học với nữ tánh (Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929), Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh (Phụ nữ tân văn, số 3, 16/5/1929), Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta (Phụ nữ tân văn, từ số 5 đến số 18, năm 1929)… đã thể hiện tầm nhìn và tấm lòng của một bậc thức giả thông tuệ.

Trước hết, Phan Khôi luận giải về mối quan hệ giữa người phụ nữ và văn học. Yếu tố thứ nhất khiến văn học gắn liền với phụ nữ vì người phụ nữ là biểu tượng cho cái đẹp mà văn học cũng như các loại hình nghệ thuật nói chung luôn có thiên hướng mỹ cảm, thiên hướng lấy cái đẹp vừa làm đối tượng vừa làm ngọn nguồn của cảm xúc, cảm hứng sáng tác. Yếu tố thứ hai thuộc về thiên tính đặc trưng của nữ giới. Ông cho rằng phụ nữ mang trong mình bản chất của sự yếu mềm, nhạy cảm, nghiêng về bộc lộ đời sống tình cảm bên trong mà đây cũng là thuộc tính và khuynh hướng của văn học nên người phụ nữ sẽ gần gũi và dễ dàng chiếm lĩnh thế giới văn chương hơn khi họ cầm bút sáng tác:

“Chúng ta có những cái tánh trầm tĩnh, nhẫn nại, dùng những cái tánh ấy mà nghiên cứu văn học, thì không có gì hạp cho bằng, có lẽ chúng ta theo nghề văn học còn dễ dàng hơn đờn ông nữa. Còn có một điều thích hiệp nữa, là văn học chuyên trọng về đường tình cảm, mà chúng ta là giống có tình cảm nhiều hơn đờn ông, thì thật là tiện lợi cho chúng ta biết mấy”

(Văn học và nữ tánh, Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929). 

Như vậy, ở đây, bằng những suy luận dựa trên sự tương đồng giữa đặc trưng trọng yếu của sáng tác văn chương và thiên tính bản chất của người phụ nữ, Phan Khôi khẳng định rằng phụ nữ là đối tượng trung tâm mà văn học hướng đến, đồng thời cũng là chủ thể có nhiều ưu thế trong sáng tác văn học.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, Phan Khôi đưa ra những tác phẩm văn học có giá trị lớn trong nền văn học cổ điển nhằm làm điểm tựa để tính tỉ trọng nữ tính của văn học, tính tần suất hiện diện của yếu tố nữ giữa đời sống văn chương. Viện dẫn từ Kinh thi vốn được xem như một “sách Quốc phong đầu” của Trung Quốc, Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo với quyển “Nhã ca của Salomon” đến Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, những kiệt tác văn chương của Việt Nam, Sở từ của Khuất Nguyên, những sáng tác nổi tiếng và trở thành kinh điển của các nhà thơ bậc nhất trong nền đại Đường thi: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…, ông chỉ ra rằng tất cả những tuyệt phẩm thi ca này đều hướng đến người phụ nữ, lấy câu chuyện của người phụ nữ làm trung tâm, miêu tả cuộc đời, số phận, đời sống nội tâm của họ. Nền văn học thuộc về chủ thể nam với các hoạt động sáng tác như là một đặc quyền của nam giới trong xã hội lại tập trung vào đối tượng là người phụ nữ.

“Tôi rất lấy làm lạ rằng xưa nay bất kỳ nước nào cũng vậy, văn học là phần đàn ông, đàn ông đứng vào trung tâm của văn học, thì làm sao trong văn học, lại cứ hay nói đến chuyện đàn bà. Càng làm những áng văn chương hay chừng nào thì lại càng nói tinh về chuyện đàn bà chừng nấy”.

(Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929).

Vì văn học thiên về bộc lộ, giãi bày nên ngòi bút của người sáng tác đã chọn người phụ nữ đưa vào lăng kính của mình, vừa như là đối tượng, vừa là phương thức để thể hiện nội dung và mục đích sáng tác. Hơn nữa, các bậc nam tử thời bấy giờ thường mượn nỗi lòng của người phụ nữ để bộc bạch tâm trạng, hoài bão, nỗi u hoài thời thế và niềm trắc ẩn tự thân của mình. Đồng thời, Phan Khôi cũng nhấn mạnh rằng không phải bất cứ áng văn chương nào cũng ngụ ẩn sự ký thác ấy. Thế nhưng, trên tổng thể, văn chương và nữ tính có mối quan hệ thiết thân ruột rà với nhau, có những điểm tương đồng về mặt bản chất. Dựa trên những suy luận này, tác giả nhấn mạnh vai trò người phụ nữ trong văn học, khẳng định vị thế của họ trong sáng tác văn chương và dự cảm bằng trực giác rằng văn học nữ sẽ tạo dựng nên một thời đại riêng cho mình, trở thành chủ thể trung tâm chứ không chỉ là đối tượng trung tâm của sáng tác văn học: “Nếu vậy thì nữ tánh trở thành ra trung tâm của văn học hay sao? Nữ lưu sau nầy sẽ trở nên người chủ trương nền văn học hay sao? Biết đâu!” (Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929). Những phán đoán cũng như những biện giải ấy, mặc dù, tác giả đã thận trọng chỉ khuôn vào tinh thần “vị quyết”, phỏng định và ước chừng nhưng lại mang nhiều giá trị đối với phê bình nữ quyền, xác lập một nền tảng căn bản cho khuynh hướng phê bình này trong đời sống văn học và có những suy nghĩ, những dự cảm xác đáng đã được lịch sử văn học minh chứng, đặc biệt là giai đoạn văn học hiện đại.

Những quan điểm của Phan Khôi về văn học nữ đã tạo nên cuộc tranh luận với Thế Phụng, một ngòi bút của báo Công Luận và tạo nên không khí học thuật sôi nổi thời bấy giờ về vấn đề này. Qua những trao đổi giữa hai tác giả, có thể thấy rằng mặc dù đã chủ trương đổi mới cái nhìn về người phụ nữ và cổ động sự phát triển bộ phận văn học nữ, quan niệm của Thế Phụng vẫn chưa thực sự triệt để và còn bó hẹp trong con mắt đầy phân biệt và có phần hạ thấp người phụ nữ của những định kiến xã hội.

Phan Khôi khẳng định phụ nữ nên tham gia vào sáng tác văn học và có thể tạo nên một nền văn học vững chãi, dày dặn, có giá trị cho giới của mình. Từ sự tương đồng giữa phụ nữ và tính chất mỹ cảm của văn chương, ông cho rằng phụ nữ thích hợp với văn chương hơn so với nam giới khi dùng ngòi bút bộc lộ đời sống tình cảm bên trong con người, đặc biệt là khi hướng đến đối tượng là chính bản thân họ. Phan Khôi nhận ra sự khác biệt giữa tính chủ thể và tính khách thể trong sáng tác văn chương, sự khác biệt giữa cách thức biểu hiện của tác giả nam khi nhận diện người phụ nữ như một đối tượng sáng tác và tác giả nữ viết về chính mình trong vai trò chủ thể.

Không chỉ dừng lại về phương diện lý luận, Phan Khôi đi sâu hơn vào việc thực hành lý thuyết nữ quyền. Đóng góp có giá trị nhất của vị học giả này thuộc về bài viết “Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta” (gồm 87 trang, đăng trên 11 số báo, từ số 5, 30/5/1929 đến số 18, 29/8/1929). Tinh tường, nhạy bén, Phan Khôi đã sục mình vào kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, rà soát kỹ lưỡng để tìm kiếm từng dấu vết biểu hiện đời sống của người phụ nữ trong tục ngữ, ca dao, dân ca… Mặc dù thời bấy giờ lý thuyết phê bình nữ quyền chưa hoàn chỉnh, nhưng bằng trực giác và kiến văn sâu rộng của một kẻ trí giả, ông đã làm được một cuộc trưng tập khá đầy đủ về lề thói sinh hoạt, phong tục tập quán, vị trí, thân phận… của người phụ nữ qua  tác phẩm văn học truyền miệng.

Bên cạnh Phan Khôi, còn có nhiều cây bút nữ: Manh Manh nữ sĩ, Vân Hương nữ sĩ, Nguyễn Thị Hồng Đăng, Lệ Hương, Lê Thị Huỳnh Lan, Đạm Phương nữ sĩ, Phan Thị Bạch Vân, Phan Văn Gia, Bùi Thị Út… và các gương mặt nam giới đã khá quen thuộc: Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Nguyễn Phan Long, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ... Tất cả đều bộc lộ quan điểm và tìm tòi về các vấn đề nữ quyền, nhằm trao đổi, tranh luận với nhau. Thế nhưng, phải thấy rằng, tư tưởng nữ quyền đầu thế kỷ XX tập trung vào phương diện xã hội nhiều hơn. Trong lĩnh vực phê bình và nghiên cứu văn học, các bài viết này chỉ dừng lại ở việc khảo sát một số tác phẩm để tìm ra tư tưởng nữ quyền. Vì vậy, về mặt lý luận, phê bình nữ quyền Việt Nam thời kỳ còn ở dạng sơ khai, phác thảo và có tính xã hội nhiều hơn.

Nguyễn Thị Kiêm cũng là một nhà báo sắc sảo trên văn đàn đương thời. Trong bài diễn thuyết nhằm khẳng định vai trò của người phụ nữ đối với văn chương và tri thức của nhân loại, nữ sĩ đưa ra những dẫn chứng khẳng định vai trò “nội tướng” của nữ giới trong sự nghiệp văn học của nam giới các nước, phong trào học thuật của phụ nữ ở các quốc gia tiên tiến:

“(…) cái địa vị của đàn bà ở trong văn học cũng không phải là thấp thỏi gì, theo như nhiều người đã tưởng. Và cái ảnh hưởng của đàn bà đối với những bậc văn nhân tao sĩ cũng rất là nặng nề thâm thiết, nhờ đó mà văn học phát đạt vô cùng”.

(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh,
Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).

Cũng như Phan Khôi, tác giả chỉ ra rằng yếu tố cốt lõi tạo dựng nên năng lực sáng tác của nữ giới chính là đời sống nội tâm phong phú và nhạy cảm, cái mà bà gọi là “kho tàng” của thế giới cảm xúc chủ quan:

“Những của cải tích trữ ở trong cái kho tàng đó, nếu có thể phân phát ra bằng ngọn bút đường văn, thì cái văn ấy là cái hình ảnh của nỗi lòng, khi thường, khi biến, lúc an, lúc nguy, tùy theo với sự kích thích của ngoại cảnh mà thăng trầm, mà theo với cái ca điệu của thiên nhiên mà họa vận”.

(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).

Điểm đáng chú ý nhất trong bài viết này là Nguyễn Thị Kiêm vạch ra những ranh giới tạo nên sự khác biệt về giới trong hành trình sáng tác văn học với các cặp đôi khái niệm: khách quan – chủ quan, nam hóa - nữ hóa và luận giải rằng phụ nữ muốn thay đổi địa vị của mình trong các thang bậc của đời sống thi ca thì phải vượt qua ranh giới của sự khác biệt ấy, nhưng đồng thời vẫn giữ bản sắc giới tính của mình.

“Bởi vậy mà mới đây có sự cách mạng rất đáng chú ý ở làng văn nữ giới là sự nam hóa (masculinisation ) nghĩa là sự đàn bà muốn hóa theo đàn ông. Sự nam hóa nầy là kết quả dĩ nhiên của cái phong trào nữ quyền ở thế giới.

Quyền lợi trong xã hội đã muốn hưởng ngang nhau thì địa vị trong văn học cũng không được cách vị. Đàn ông chê đàn bà không sở trường về lối khách quan nghị luận, đàn bà phải tỏ ra là có.

Mà đã muốn tỏ ra có tư cách khoa học, có tư tưởng triết học, biết nghị luận khách quan thì cái bổn ngã khác thế nào”.

(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).

Những khái niệm mà Nguyễn Thị Kiêm đưa ra trên đây không đơn thuần là sự lập luận của cảm tính mà có những cơ sở của nó, dựa trên nguyên lý bản chất về giới. Trong Giới nữ, Simone de Beauvoir trong khi phân tích bản thể nữ, cũng đã chỉ ra sự khác biệt này. Về bản chất tự nhiên, nam giới thiên về hướng ngoại, phóng chiếu cái nhìn của mình ra thế giới khách quan và tìm kiếm cái khác để soi chiếu và tìm hiểu chính mình. Cái khác đó đi ra từ thuật ngữ “other” và đó là đối tượng thường hằng của nam giới trên hành trình khám phá, chinh phục thế giới bên ngoài, từ đó, khám phá chính bản thể của mình. Ngược lại, nữ giới mang cái nhìn hướng nội, xoay chuyển vào thế giới bên trong bằng hành trình tự khám phá và nhận thức chính mình bằng cảm nhận nội giác. Vì vậy, họ thiên về khuynh hướng chủ quan.

“Theo lẽ sinh lý, thì đàn bà thường nặng về phần hồn và nhẹ về phần trí, cảm tình thì sâu mà tư tưởng thì hẹp nên trong văn học thường sở trường về lối tả cảnh, đạo tình mà ít hay về lối khách quan triết lý”.

(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).

Trên cơ sở phân chia thành hai thể loại văn học chính: văn học khách quan và văn học chủ quan, Nguyễn Thị Kiêm chỉ ra rằng người phụ nữ bị đánh giá thấp và bị loại trừ ra khỏi đời sống văn chương là vì họ không có năng lực của sự khách quan ấy. Do đó, phụ nữ cần phải nam hóa, nghĩa là cải biến mình để giống người nam, mang những đặc tính nam. Khuynh hướng này có phần cực đoan và khiên cưỡng, xóa bỏ sự khác biệt tự nhiên về giới, nhưng trong lịch sử, hành trình này thực sự đã hiện hữu như một quy luật trên mọi lĩnh vực. Nam hóa là một giai đoạn luôn có mặt trong hành trình đấu tranh của người phụ nữ để đòi lại sự bình đẳng và công bằng cho mình. Vấn đề này chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau, khi phân tích về tính chất của dòng văn học nữ thời kì hiện đại.

Nguyễn Thị Kiêm đã thể hiện cái nhìn sắc sảo, tinh tế và đầy tính biện chứng. Thứ nhất, nữ sĩ khẳng định người phụ nữ khi tham gia vào văn nghiệp phải nâng cái nhìn của mình lên cùng tầm với người nam, tri giác thế giới khách quan, nhưng vẫn giữ cái bản sắc chủ quan, vốn gần gũi với thi ca; nghĩa là phụ nữ có nam hóa nhưng không nam hoá tuyệt đối. Thứ hai trong suốt lịch sử văn học, bản thân nam giới cũng đã bộc lộ sự “nữ hóa” của mình, khi tái hiện đời sống chủ quan bên trong, với thế giới nội tâm đầy phức tạp và bằng giọng điệu của xúc cảm, của cảm giác.

“Vả, bây giờ ta mới thấy ở văn học nữ lưu có phong trào nam hóa, mà từ trước đến nay, ở bên nam giới đã có bao nhiêu sự nữ hóa về văn chương ?

(…)

Nay có cái phong trào nam hóa, không biết sự nữ hóa còn được ở trong văn học không. Hai việc đó xét ra không có gì là mâu thuẫn cả.

Đàn bà muốn học cái cứng cỏi của đàn ông cũng chưa bớt cái uyển chuyển của đàn bà. Đàn bà muốn có cái khách quan của đàn ông, thì đàn ông cũng vẫn mượn được cái chủ quan của đàn bà chớ sao?”

(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).

Như vậy, không đơn thuần chỉ ra sự khác biệt, Manh Manh nữ sĩ còn luận ra sự giao thoa trong bản chất giới của người nam và người nữ khi tham gia vào đời sống sáng tác. Từ đấy rút ra một hệ luận rằng, văn học là lĩnh vực dung chứa sự giao thoa của giới, đưa con người đến những giao điểm thuộc về bản chất chung của nhân loại. Đấy chính là điểm tựa lý luận để Manh Manh nữ sĩ đặt lực đẩy đòn bẩy của mình nhằm khẳng định sự tồn tại và sức bật của nền văn học nữ lưu.

2.      Diện mạo văn học nữ Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX

Những năm ba mươi của thế kỷ XX,  phong trào nữ quyền Việt Nam đã thực sự trỗi dậy chứ không chỉ nằm im lìm dưới dạng tư tưởng, đã mang ý thức tự giác chứ không còn đơn thuần là sự tự phát. Các cây bút nữ xuất hiện với nhiều dáng vẻ, nhiều giọng điệu. Họ góp gương mặt mình trong cả lĩnh vực sáng tác thơ ca lẫn tiểu thuyết, nắm bắt nhịp phát triển mới mẻ, sôi nổi và tràn đầy sức sống của thời đại. Người phụ nữ biết chữ và người phụ nữ viết văn, điều lạ lẫm đến ghê gớm trong thời kỳ trung đại, đã trở nên quen thuộc và để lại dấu ấn trong đời sống văn hoá, văn nghệ đương thời. Về lượng, theo thống kê của nhà nghiên cứu Bằng Giang, “tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách”. Con số 20 ấy chỉ mới tính trên chu vi miền Nam, nhưng đã cho thấy những bằng chứng khả quan về sự xuất hiện sôi nổi của văn chương nữ, nếu so sánh với con đường dài quá khứ của gần 10 thế kỷ trước, khi người ta chỉ bấm được trên đầu ngón tay để đếm những cột cây số của sáng tạo thơ ca nữ như: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân công chúa… Văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX, với những cây bút có công mở đầu nền tiểu thuyết hiện đại của Việt Nam như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Bửu Đình, Phú Đức, Nguyễn Bửu Mọc, Lê Hoằng Mưu… cũng phải ghi nhận sự góp mặt của các cây bút nữ xông xáo tham gia vào buổi đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc như: Phan Thị Bạch Vân,  Huỳnh Thị Bảo Hòa, Trần Thị Như Mân, Huỳnh Anh Thị, Ái Lan… Bên cạnh đó, cánh cửa thi ca đầu thế kỷ XX cũng xôn xao những gương mặt: Nguyễn Thị Manh Manh, Đạm Phương Mộng Tuyết, Trần Kim Phụng (Đinh Hương Đặng Thị Hồi), Trần Ngọc Lầu, Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương … Họ đã đứng cạnh những cây bút nam trong thời đại thơ Mới và vẽ thêm vào bức tranh của thời đại thi ca ấy giọng thơ riêng với sắc màu nữ tính mềm mại, uyển chuyển:

“Một Anh Thơ chân tình mộc mạc, một Mộng Tuyết trong trẻo, hồn nhiên, một Ngân Giang tài hoa, cổ kính, một Hằng Phương đằm thắm, ngọt ngào, một Vân Đài duyên dáng dịu nhẹ…và bấy nhiêu thôi cũng đủ góp phần cho cung đàn thơ ca Việt Nam thêm đa dạng về âm sắc và giọng điệu”

(Trang 463, Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Viện Văn học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002)

Cái ngoảnh nhìn lại của nữ sĩ Anh Thơ trên đây về những cây bút cùng thời, cùng giới với mình, đã phác hoạ nên đường nét phong cách của những nữ thi sĩ thời kỳ thơ Mới vốn bị lãng quên hay chỉ được chạm đến, nhắc đến một cách mờ nhạt, tạo nên một sự ứng đối với bức tranh quen thuộc từng in sâu vào tâm thức văn đàn mà Hoài Thanh khắc trổ rất ấn tượng, tinh tế:

“Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.”

(Trang 28, Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội, 2008.)

Văn chương nữ đầu thế kỷ XX thực sự khởi sắc về lượng với sự xuất hiện của những cây bút nữ lưu bước chân ra từ chốn phòng the vốn lâu nay bị niêm phong kín cẩn bởi những quan niệm, những định kiến. Cùng với sự thay đổi và phát triển ý thức về giới, họ đã có thể kề vai sát cánh cùng người nam để hít thở chung không khí của xã hội, của thời đại. Trên một lát cắt ngắn ứng với giai đoạn đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945, sự hiện diện của gương mặt nữ giới đông đảo hơn, xôn xao hơn cả mười thế kỷ trước cộng lại và mỗi gương mặt lại có một nét vẻ riêng, một sắc màu riêng.

Thế nhưng, trên trục vận động của chiều dài lịch sử thi ca dân tộc, sự tồn tại ấy chưa đủ để tạo thành các vết khắc sâu về số lượng, về giá trị vào ký ức văn chương. Người ta nhớ đến sự xuất hiện của họ, nhưng ít ai bình luận và suy ngẫm về những đóng góp của các nhà thơ nữ một cách khoa học, sâu sắc và thấu đáo. Tất cả những ngòi bút nữ ấy như cùng nhau đi dự một buổi hội chợ tưng bừng, rộn rã khí thế trong buổi đầu đổi mới. Và khi hội tan, những tấm vé vào cổng đánh dấu sự hiện hữu đó chứ không phải là những dấu chân tồn lưu của giá trị. Trong non 20 tác giả nữ của văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ XX thì chỉ có ngòi bút của Phan Thị Bạch Vân còn trụ lại được với thời gian và vượt quy luật đào thải của văn chương:

“Tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam Kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách. (…) Các tác giả trên không để lại một tiếng vang nào ngoại trừ Phan Thị Bạch Vân, chủ nhân Nữ lưu thơ quán ở Gò Công”.

(Bằng Giang, Sài Gòn cố sự, NXB Văn Học, 1999)

Dấu ấn của nữ giới trong thơ Mới có đậm hơn, mang nhiều âm sắc và để lại một số nét độc đáo, nhưng khi sánh với những giá trị mà hàng loạt ngòi bút nam sừng sững như những cây đại thụ đã tạo nên cả một thời đại thi ca này: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương… thì họ chỉ như những nét mờ nhạt, đứng nép vào phía sau những vầng hào quang chói lọi của thơ Mới và nhường những tấm huân chương cho các cây bút nam. Hiện trạng này có những nguyên nhân của riêng nó, đồng thời, cũng phản ánh quy luật nội tại trong quá trình vận động lịch sử văn chương nữ, hay nói cách khác, đấy chính là hệ quả tất yếu khách quan của một thời kỳ lịch sử.

Bên cạnh đó, bộ phận tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn với hai ngòi bút chủ soái là Nhất Linh và Khái Hưng cũng đã đi tiên phong trong việc cất lên tiếng nói bênh vực và đấu tranh vì quyền bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội. Hình tượng người phụ nữ tân thời với hệ tư tưởng mới mẻ, chống đối lễ giáo phong kiến thủ cựu nặng nề và chế độ đại gia đình Nho giáo hà khắc là hình tượng trung tâm trong các sáng tác mang tính luận đề của bút nhóm này. Bằng bút pháp lãng mạn, các tiểu thuyết đã đưa người phụ nữ vượt thoát ra khỏi tình trạng tăm tối, bế tắc, chứa đựng nhiều mâu thuẫn gay gắt của các mối quan hệ xã hội, giành lấy quyền sống, quyền tự do cho chính mình và tạo dựng nên một viễn cảnh tươi sáng cho chính họ. Nhiều năm qua, vấn đề trên đã được các nhà phê bình và nghiên cứu văn học khảo sát rất kỹ lưỡng trong những công trình, những bài viết về Tự lực văn đoàn. Công trình này không đi vào tổng thuật chi tiết và cụ thể về nội dung tư tưởng của bút nhóm Tự lực văn đoàn ,nhìn từ góc độ của tư tưởng nữ quyền mà chỉ điểm qua như một thành tựu giá trị đã hòa vào tiến trình chung của dòng chảy văn học, đã đóng góp tiếng nói phản kháng sâu sắc, mạnh mẽ quyện lẫn với khao khát và ước mơ cho một con đường giải phóng phụ nữ, “đoạn tuyệt” với quá khứ và hướng đến tương lai.

3.                  Văn học nữ Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX nhìn trên bình diện giá trị

Giá trị nội dung và tư tưởng

Nhìn một cách tổng quát, đóng góp lớn nhất, có giá trị nhất của bộ phận văn học nữ thời kỳ này chính là giá trị về mặt nội dung – tư tưởng. Bằng sáng tác thơ văn và các hoạt động xã hội khác: diễn thuyết, viết xã luận, thành lập các tổ chức hiệp hội của nữ giới, chủ trì và tham gia vào hoạt động báo chí, lập nên cơ quan ngôn luận riêng cho phụ nữ…, họ đã tạo nên một cuộc thức tỉnh lớn lao, toàn diện, một cơn đại hồng thủy về ý thức hệ nữ giới đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, cùng với các cây bút nam, các tác giả nữ đã bộc lộ tinh thần yêu nước, ý thức về quyền sống, quyền tự do của dân tộc trong hoàn cảnh một đất nước bị thực dân xâm lấn. Đóng góp thứ hai là về mặt thể loại, họ đã nhanh chóng nhập cuộc, góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết hiện đại và thơ Mới. Có thể nói, sự nhạy bén đầy sức sống của nữ giới thời kỳ này đã là một yếu tố quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa tư duy và ngôn ngữ văn học. Và cuối cùng, sự xuất hiện của họ đã khiến cho diện mạo văn học từ đây trở nên đủ đầy hơn, trọn vẹn hơn, với nhiều nét vẻ, giọng điệu, thanh âm và hình hài, được tạo nên từ sự đa dạng về giới chứ không còn là hành trình đơn lẻ và độc chiếm của các tác giả nam như chuỗi thế kỷ dài trong quá khứ vừa qua.

Giá trị phong trào

Tuy vậy, những đóng góp của văn chương nữ lưu thời kỳ này chỉ khuôn trong các giá trị sàn, thuộc về mặt bằng chung chứ chưa thể tạo nên những đỉnh cao, những nhảy vọt tột bậc. Vì vậy, đây là một hệ giá trị phẳng. Họ xuất hiện nhiều và ít nhiều có bản lĩnh, nhưng họ chưa có bệ phóng và chưa đủ nội lực để làm nên một bộ phận thơ ca cho riêng giới của mình. Tính chất giá trị này là hệ quả của hoàn cảnh lịch sử khách quan cụ thể. Có thể thử lý giải điều này trên những nguyên nhân sau:

Trong giai đoạn đầu của quá trình thức tỉnh, về mặt tâm lý chung, người phụ nữ muốn tự khẳng định mình ở vị thế ngang bằng với nam giới trên mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, về thực chất, họ vẫn lấy những cái chuẩn của nam giới làm thước đo giá trị và đưa những giá trị của mình lên ngang bằng với người nam, đứng vào vị thế của người nam. Giai đoạn này quả thực là một quá trình “nam hóa” theo như khái niệm mà Manh Manh nữ sĩ đã sử dụng. Truớc đây, trong xã hội nam quyền, người phụ nữ bị đẩy về phía đối lập và phải ở vào vị trí thấp so với giá trị được xã hội cho là chuẩn. Đầu thế kỷ XX, để cải thiện vai trò và vị trí của mình trên bậc thang giá trị, người phụ nữ nỗ lực tiến gần đến nam giới, trở thành giống như nam giới. Mục đích hàng đầu lúc bấy giờ là phụ nữ có thể ngang bằng với nam giới như thế nào và họ có khả năng thực hiện ra sao những điều mà bấy lâu nay nam giới đã làm, đã gặt hái những thành quả. Hẳn nhiên, như Nguyễn Thị Kiêm đã khẳng định, trong hành trình nam hóa này, người phụ nữ vẫn giữ “bổn sắc riêng” của mình chứ không bị đồng hóa. Thế nhưng, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, cái tương đồng được đặt lên trên cái khác biệt; giá trị chung được đặt lên trên giá trị bản sắc; ý thức về vai trò đi trước ý thức về bản thể. Từ địa vị của kẻ bên dưới, trước hết họ phải ngoi lên vị trí ngang bằng rồi sau đó mới tiến đến khẳng định sự khác biệt. Do đó, văn học nữ thời kỳ này chỉ tạo nên sự khác biệt về giọng điệu: mềm mại, uyển chuyển, tha thiết, đằm thắm và ngọt ngào, vốn là đặc trưng của nữ. Còn lại, nhìn chung, thế giới quan, nhân sinh quan, phương thức tư duy nghệ thuật, cách thức chiêm nghiệm và tái hiện cuộc sống… trong tác phẩm của họ đều không có gì khác với các tác giả nam: người nữ chưa tìm ra được tấm gương của riêng mình, nên phải soi qua tấm gương cũ kỹ của người nam.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở tính chất của vùng đất mở đầu tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc. Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, là vùng đất mới. Bên cạnh tính chất mở, dễ dàng đón nhận cái mới và sự khác biệt, làm thành một trung tâm đa văn hoá, mảnh đất này dễ dàng cách tân, nhưng cũng sớm bão hòa. Hiện tượng ấy nằm ở con người và văn hoá. Con người Nam Bộ chân chất, mộc mạc, giản dị, giỏi hoạt động thực tiễn hơn làm văn chương nghệ thuật. Báo chí xuất hiện trước, là bệ đỡ của văn chương, nhưng đồng thời cũng báo chí hoá văn chương rất nhiều. Sức ép của một công chúng đông đảo thường xuyên mua báo cũng là lý do làm nhà văn chọn cách viết dễ hiểu, quen thuộc. Thêm vào đó, bề dày văn hóa, văn chương nơi đây chỉ cho phép những phong trào cất cánh với đường bay ngắn. Dễ nhận ra hiện tượng này trong đời sống văn học Việt Nam: con đường của tiểu thuyết hiện đại, thơ Mới… đã nói với chúng ta điều ấy. Văn học nữ quyền đầu thế kỷ phần lớn hình thành ở Sài Gòn, và có người ví von rằng văn học thời kì này nở rộ như hoa trong vườn, nhưng chỉ là những đoá hoa mùa đầu sẽ trở thành phân bón màu mỡ cho những mùa hoa rực rỡ về sau (Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX, NXB TP.HCM, 2002).

Nguyên nhân thứ ba, văn học nữ quyền Việt Nam được sinh ra ngay trên ngưỡng cửa của giai đoạn giao thời. Tính chất quá độ đã tạo nên số phận của văn chương. Những người có khuynh hướng cách tân, trong đó, có mặt hầu hết các ngòi bút nữ, một mặt, họ vừa phải dứt bỏ một quá khứ dài gánh nặng hành trang thi pháp văn học trung đại. Mặt khác, họ vừa mang sứ mệnh lớn lao của kẻ đi khai khẩn một không gian văn học mới. Họ là con người của giao thời nên đứa con tinh thần của họ cũng in đậm tính chất cải lương. Đây là tình trạng chung chứ không riêng gì văn học nữ.

Giá trị mô phỏng

Cuối cùng, một đặc trưng khác của thời đại quy định tính chất và giá trị của nền văn học nữ thời kỳ này là hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Đối mặt với nhiệm vụ bức thiết của cộng đồng, giới nữ Việt Nam sát cánh cùng giới nam, những lằn ranh phân cách giới tạm thời bị mờ đi, trong đó có cả lằn ranh xã hội và lằn ranh tự nhiên. Chiến tranh đã kéo lìa người phụ nữ ra khỏi môi trường tự nhiên là cuộc sống đời thường. Cùng gồng mình lên, hướng về một mục tiêu chung, ý thức công dân đặt trên ý thức cá nhân, huy động tối đa ý chí như nam giới, nữ giới chấp nhận một nền văn học mô phỏng, và có lẽ không chỉ mô phỏng nam giới mà mô phỏng tiếng nói, ý nghĩ, xúc cảm của cả một cộng đồng.

Điểm nhìn “lạ hóa” từ xuất phát điểm của bản thể tính nữ chỉ là một vài điểm nhấn, tuy ấn tượng, đầy rung động, nhưng chỉ điểm xuyết một cách lẻ loi. Chỉ có một sự cảm nghiệm nỗi đau thấm thía, đậm đà tính nữ mới có thể rùng mình “khăn trở lạnh đầu voi”, mới làm cho 4 câu cuối trong bài Trưng Nữ Vương của Ngân Giang khiến người ta ngỡ ngàng, rung động, tê tái đến vậy. Và 4 câu thơ cuối ấy trở thành một huyền thoại thi ca mạnh mẽ, u buồn khi kết phận với cơn đột tử của Đông Hồ:

“Ải bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi”

(Trưng Nữ Vương – Ngân Giang)

Thế nhưng, lần ngược lên 4 khổ thơ trên, chúng ta vẫn thấy một giọng điệu bi tráng, hiên ngang, tràn trề khí phách của sự mô phỏng tính nam, mô phỏng con người phận vị vốn là đặc thù của đấng nam nhi thời phong kiến. “Gạt gió chim bằng, đường kiếm mã, thù vạn cổ, lời tuyết hận, bụi trần ai” (Trưng Nữ Vương – Ngân Giang)…, những hình ảnh ước lệ gắn chặt với giọng thơ đã khiến cho thanh âm nữ bị phai nhạt đi, mờ khuất đi. Giọng điệu mang khí sắc riêng của nữ giới: thâm trầm, dịu nhẹ, êm ắng cũng vẫn là một chất giọng chưa đủ để tạo ra bầu khí quyển riêng biệt của thơ nữ lúc bấy giờ, khi con mắt của những nữ sĩ đầu thế kỷ vẫn nhuốm cái nhìn của “người đồng nghiệp” nam giới vốn đã lập thế vững chãi trong văn chương suốt nghìn năm qua.

Chính vì vậy, trên văn đàn nữ nhi lúc bấy giờ, chúng ta nghe thấy cái giọng phỏng cổ tràn trề nam tính, ví như nỗi niềm tự trào bất đắc chí chừng quá quen thuộc trong thơ ca Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ:

“Nghĩ mình lại ngán cho mình

Chẳng có chi mà lại có danh

Không thế, không thần, không sự nghiệp

Dở tiên dở tục dở tu hành

Bầu vơi rượu thánh hồn lai láng

Túi nhẹ thơ tiên trí quẩn quanh

Đạo hữu ơ hay đâu vắng nhỉ

Biết ai đàm đạo mấy câu kinh”

(Tự trào – Cao Ngọc Anh)

Hoặc khi hòa vào không khí chung trong những năm đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, người phụ nữ làm thơ cất giọng lên bằng âm hưởng cộng đồng. Tiếng gọi cổ vũ cho tinh thần yêu nước mang thanh sắc nữ trong trẻo, gần gũi, thanh thoát và nhuần nhị, dịu nhẹ nhưng vẫn là cái giọng chung, giọng cộng đồng, không hùng tráng, lẫm liệt bằng giọng nam nhưng thêm vào rất nhiều cái dư vị thủ thỉ tha thiết:

“Hồng Lạc người chung một giống nòi

Có đâu Nam Bắc đất chia hai

Xót tình máu mủ cơn nguy biến

Xẻ áo nhường cơn ai hỡi ai

 

Máu chảy ruột mềm đau xót lắm

Rách lành đùm bọc lấy cho nhau

Trong nhà đang có người kêu đói

Xẻ áo nhường cơm mau hỡi mau”

(Xẻ áo nhường cơm – Mộng Tuyết)

Như vậy, có thể thấy rằng, văn học nữ thời kì này vẫn chưa tự tách mình khỏi “chiếc xương sườn Adam”. Tiếng nói của họ đã bắt đầu xôn xao trên văn đàn, nhưng chưa rõ rệt hình hài, thanh sắc, chưa mang giọng điệu riêng từ cái nhìn riêng của người phụ nữ. Đôi mắt của họ hướng ra ngoại giới nhiều hơn là xoáy sâu vào nội giới và đấy vẫn là ngoại giới được thẩm thấu qua lăng kính mô phỏng nam giới.

Có những bài thơ bộc bạch tâm tình nữ nhi, phần nhiều là những cảm xúc nam nữ trong trẻo, ý nhị, những nỗi nhớ niềm thương nhỏ nhắn giữa đời thường như “Hai cô thiếu nữ” của Manh Manh nữ sĩ, “Em bị cười”, “Em trả thù”, “Em xấu hổ”, “Làm cô gái Huế” của Mộng Tuyết… gợi nhắc đến những vần thơ của J. Leiba trong “Năm qua”, của Đông Hồ trong “Mua áo”, “Tuổi xuân”, “Bốn cái hôn”… Họ chỉ khác nhau ở ngôi kể, chủ thể kể chuyện, nhưng vẫn là câu chuyện “anh, em” bằng một giọng điệu, một điểm nhìn. Những vấn đề cá nhân của người phụ nữ, những cảm nghiệm riêng thuộc về phạm trù thiên tính nữ chưa thực sự in đậm dấu ấn trong đời sống thi ca nữ giới lúc bấy giờ.

KẾT LUẬN

           Nhìn chung, từ đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Nam Bộ, tiếng nói về người phụ nữ và của người phụ nữ đã thực sự là một tiếng nói có âm sắc, có điểm nhấn, tạo nên nhiều hương vị riêng cho thơ ca lúc bấy giờ. Trên phương diện lý luận, phê bình, ý thức nữ quyền tiếp thu từ tư tưởng nữ quyền đang tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ ở các nước phương Tây lúc bấy giờ đã đặt những viên gạch nền tảng đầu tiên cho nghiên cứu, phê bình văn học nữ quyền của Việt Nam.

Một số vấn đề cơ bản, cốt lõi mang tính lập thuyết đã được Phan Khôi, Manh Manh nữ sĩ đề cập đến. Riêng Phan Khôi đã có sự “thực hành” lý thuyết vào việc nghiên cứu các tác phẩm văn học cụ thể. Thế nhưng, những nghiên cứu của ông chỉ chủ yếu đi vào bộ phận văn học dân gian mà chưa hướng đến nhận định mảng văn học nữ lúc bấy giờ. Đồng thời, càng về sau, những tranh luận về nữ quyền giữa các tác giả, các học giả càng có khuynh hướng đi vào những vấn đề xã hội hơn là những vấn đề đặc thù của văn học. Và cuối cùng, khi thời vàng kim của thơ Mới qua đi, vấn đề văn học nữ quyền cũng lùi ra hậu đài, trở nên im ắng và nhường chỗ cho những khuynh hướng nghiên cứu, phê bình khác. Do đó, ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX chỉ mới ngưng tụ ở dạng phác thảo chứ chưa hình thành nên một hệ thống tư tưởng, một khuynh hướng nghiên cứu rõ ràng, mạnh mẽ.

            Bên cạnh đó, hoạt động sáng tác của nữ giới khởi sắc. Họ nhanh chóng tiếp thu các thành tựu mới mẻ trong thi ca và tham gia vào tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc. Người phụ nữ cầm bút đầu thế kỷ XX đã mạnh dạn và hăm hở đi theo “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” (Phan Khôi), sáng tác bằng phong thái tự do cả về cảm xúc và hình thức. Thế nhưng, hầu hết các cây bút nữ chưa tạo ra được sự đột phá riêng biệt về mặt phong cách, nên không hình thành những đỉnh cao sánh ngang với những gương mặt nổi bật của thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… Sáng tác của họ còn mang nặng tính mô phỏng nam giới và mô phỏng cái nhìn chung của cộng đồng. Đặc biệt, các cây bút nữ ở Nam bộ đã sớm mang ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc và trách nhiệm công dân. Thậm chí, khuynh hướng này bộc lộ ở sáng tác của họ một cách rõ nét hơn cả những tác giả nam thời kì thơ Mới. Thế nhưng, bản thể tính nữ chưa thực sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ, chưa hình thành nên một giọng nói của chủ thể nữ trong sáng tác văn học thời bấy giờ. Người phụ nữ ở đây vẫn nhìn mình như một đối tượng, tức là tự nhìn mình bằng cái nhìn từ bên ngoài vào hơn là nhìn mình bằng cái nhìn về chính bản thân chủ thể, cái nhìn từ bên trong. Và đôi mắt của họ chủ yếu hướng ra thế giới bên ngoài, ra đời sống xã hội cùng với hiện thực sôi nổi của trào lưu đấu tranh giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.

            Tóm lại, văn học nữ thời kì này đã trở thành một bộ phận riêng với sự xuất hiện đông đúc của những gương mặt nữ chứ không còn im ắng, vắng bóng và hiện diện đơn lẻ, “lép kẹp” như trong thời kì văn học trung đại. Thế nhưng, bộ phận văn học này hiện nay vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đặn, đúng mức. Việc nhìn nhận lại những đặc điểm, giá trị của văn học nữ thời kì này sẽ là một điểm mốc quan trọng cho quá trình nghiên cứu văn học nữ của Việt Nam dưới ánh sáng của phê bình nữ quyền. Đồng thời, những kiến giải, nhận định và những vấn đề được đặt ra trong các bài viết của Phan Khôi, Manh Manh nữ sĩ - Nguyễn Thị Kim, Thế Phụng và nhiều cây bút cùng thời cũng cần được khảo sát theo hệ thống để từ đấy xác lập và phát triển những đặc trưng của lý luận, phê bình nữ quyền ở Việt Nam.                      
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                  Trần Thúy An (2008), Người phụ nữ qua cái nhìn hiện đại của một số nhà văn nữ, Luận văn thạc sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM.

2.                  Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng, nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu (2002), Thơ văn Nữ Nam bộ thế kỉ XX, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.

3.                  Nhuệ Anh (2006), “Các nhà văn nữ của “thế kỉ nàng”, Tạp chí Văn nghệ, số 21.

4.                  Nguyễn Đăng Điệp (2006), Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam, Bài viết tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế Hà Nội.

5.                  Bằng Giang, Sài Gòn cố sự, NXB Văn Học, 1999.

6.                  Đặng Thị Hạnh (2006), Các nhà văn nữ và một số thể loại hư cấu trong văn học phương Tây và văn học Việt Nam hiện đại, Bài viết tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế Hà Nội.

7.                  Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà (2002), Nữ thần và thánh mẫu ở Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội.

8.                  Nguyễn Linh Khiếu (chủ biên) (1999), Nghiên cứu và đào tạo giới ở Việt Nam, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

9.                  Nhiều tác giả (1929 – 1932), Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, xuất bản từ năm 1929 đến năm 1932.

10.              Vương Trí Nhàn ghi chép (1996), “Phụ nữ và sáng tác văn chương”, Tạp chí văn học, số 6.

11.              Nhiều tác giả (1929 – 1932), Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, xuất bản từ năm 1929 đến năm 1932.

12.              Hoàng Ngọc Phách (1920), “Văn chương nữ giới – Cái hại văn cảm đối với nữ học sinh”, Tạp chí Nam Phong, số 41.

13.              Lê Ngọc Phương (2006), Sự thức tỉnh của người phụ nữ trong văn học Nam bộ đầu thế kỉ XX (Đề tài nghiên cứu khoa học), Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc Gia TP.HCM.

14.              Phỏng vấn 10 nhà văn nữ trong và ngoài nước (2005), “Có một cách viết nữ hay không”, www.gio-o.com.

15.              Phỏng vấn Y Ban (2006), “Hãy lắng nghe tác phẩm của nhà văn nữ”, http://vietbao.vn.

16.              Văn Tân (1957), Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ và văn học, NXB. Văn Sử Địa, Hà Nội.

17.              Lê Ngọc Văn (1996), Gia đình Việt Nam với chức năng xã hội hóa, NXB. Giáo dục, Hà Nội.

18.              Lê Ngọc Văn (2007), Nghiên cứu gia đình – Lý thuyết nữ quyền, quan điểm giới, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

19.              Trần Hồng Vân (2001), Tìm hiểu xã hội học về giới, NXB. Phụ nữ, Hà Nội.

20.              Phạm Nguyễn Tuyết Vân (2001), Chủ nghĩa nữ quyền dưới cái nhìn của Helen Garner (Đề tài nghiên cứu khoa học), Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc Gia TP.HCM.

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62980901
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4940
18300
62980901

Thành viên trực tuyến

Đang có 308 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website