Văn học và Văn hoá tâm linh, những biến chuyển xưa - nay

(Toquoc)- Ngày 7/3 tại Hà Nội, Viện văn học cùng với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Văn học và Văn hoá tâm linh. Buổi hội thảo đã khái quát văn hoá tâm linh có vị trí quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn và giá trị nghệ thuật cho văn học.

Dấu ấn sâu đậm của văn hoá tâm linh trong văn học

Vấn đề đầu tiên được Hội thảo đề cập đến là khái niệm văn hoá tâm linh. Nói đến tâm linh, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những gì huyền bí, linh thiêng như thể nó đang tồn tại mà con người không nhìn thấy rõ, thậm chí không lý giải được.

Trong phát biểu khai mạc của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, định nghĩa thế giới tâm linh: “Là một thế giới có nhiều bí ẩn mà khoa học đến nay vẫn chưa thể giải thích hết được. Nhưng về cơ bản, có thể khẳng định, đó là thế giới gắn liền với niềm tin về những giá trị cao cả, thiêng liêng. Hướng đến tâm linh, con người kỳ vọng hướng tới những giá trị chân thiện mỹ”.

Văn hoá tâm linh hình thành từ đời sống thực tế của con người xa xưa. Từ các tập tục, thói quen, đến các nghi lễ tôn giáo. Văn chương cũng không tách khỏi cuộc sống và con người. Vì thế văn hoá tâm linh đi vào văn chương một cách rất tự nhiên.

Dấu ấn của văn hoá tâm linh trong văn học xuất hiện khá sớm trong văn học dân gian. Các tham luận: Nguồn gốc mô típ truyện kể dân gian từ những ý niệm và thực hành nghi lễ nguyên thuỷ của La Mai Thi Gia, “Đạo Trời” và tín ngưỡng dân gian qua ca dao của Nguyễn Thị Kim Ngân đã chứng minh điều đó.

Sau văn học dân gian, đến văn học trung đại, văn học đương đại văn học thế giới cũng xuất hiện khá đậm đặc yếu tố văn hoá tâm linh. Tham luận Giá trị hiện thực của yếu tố tâm linh trong văn học trung đại của Lê Thu Yến đã chỉ ra: Trời phật, thần tiên, cầu cúng, khấn vái, hồn ma, hoá kiếp, phép thuật, tướng số, bói toán, phong thủy, điềm báo, mộng… ở thời trung đại hiện diện như một thế tất yếu trong văn học qua đó thể hiện tư tưởng thời đại.

Còn với tham luận Thi pháp truyện truyền kỳ trong văn học Việt Nam giai đoạn hậu kỳ trung đại của Đào Lê Na thì cho thấy truyện truyền kỳ giai đoạn này ảnh hưởng truyền kỳ đời Đường, truyện thần thoại, chí quái của Việt Nam.

Thiền Đạo và Nghệ thuật thơ ca thời Lý - Trần của Đoàn Thị Thu Vân cho thấy: Quan niệm vạn vật vô thường, cách ứng xử phá chấp, cách biểu đạt vô ngôn của Phật giáp Thiền tông là những điểm cốt tuỷ đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật thơ thiền Lý - Trần từ phương diện ngôn ngữ, hình ảnh đến cấu tứ…

Văn học nước ngoài với các tác giả của nước Nga, Anh, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… cũng được mổ xẻ và đi đến kết luận: Văn học nước ngoài cũng mang trong mình yếu tố văn hoá tâm linh.

Còn với văn học hiện đại, thì các yếu tố văn hoá tâm linh dường như chiếm vị trí chủ đạo ở văn xuôi. Thơ bị lép vế hơn rất nhiều. Chỉ có hai nhà thơ được trở thành đối tượng nghiên cứu đơn lẻ là Hoàng Cầm và Hàn Mặc Tử. Nếu Hoàng Cầm chập chờn trong cái thế giới nửa tỉnh nửa mơ thì Hàn Mặc Tử là những nghi lễ tôn giáo. Tôn giáo được coi như một yếu tố tâm linh.

Từ tham luận Sự thức tỉnh của tâm linh từ góc nhìn văn hoá qua một số tiểu thuyết xuất bản gần đây của Bùi Việt Thắng với việc khảo sát từ 5 cuốn tiểu thuyết, trong đó có Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Ngược mặt trời của Nguyễn Một… đã đưa ra một câu hỏi ngỏ: Liệu chúng ta có dòng tiểu thuyết tâm linh hay không? Nhà phê bình này nói thêm, 5 cuốn tiểu thuyết mà ông khảo sát có thể chưa tiêu biểu nhưng trong văn học có thể một hoặc vài tác phẩm lại tiêu biểu cho một khuynh hướng nào đấy.

Như vậy, nếu nhìn từ trục thời gian thì rõ ràng ở thời điểm nào trong lịch sử yếu tố văn hoá tâm linh cũng xuất hiện và có vị trí trong các tác phẩm văn học.

 

Sôi nổi tranh luận

Mặc dù cuộc hội thảo có rất nhiều tham luận công phu cũng như quy tụ đông đảo đội ngũ các nhà lý luận phê bình nhưng các tham luận đã được trình bày ngắn gọn, xúc tích và dành nhiều thời gian cho thảo luận. Các nhà lý luận phê bình đã thẳng thắn phát biểu quan điểm của mình, bao gồm cả đồng tình và không đồng tình trong không khí rất… xây dựng, bình đẳng và quan trọng là khá hấp dẫn với người tham dự. Đây là điểm rất đáng hoan nghênh cho một cuộc hội thảo lớn, không bị dàn trải, đều đều mà trước nay chúng ta từng chứng kiến.

Nhà lý luận phê bình Trần Đình Sử thẳng thắn cho rằng, các tham luận dù khá công phu, chỉ ra được nhiều điều liên quan giữa văn hoá tâm linh và văn học nhưng ông cảm thấy dường như các tác giả mới “miêu tả”, “chỉ ra” từ trong tác phẩm văn học chứ chưa thấy bật ra điều gì thật lớn. Theo ông thì tâm linh trong văn học Việt Nam không chỉ có trong nội dung là còn là hình thức tác phẩm. Văn học có những yếu tố tâm linh sẽ mang đến những điều bí ẩn, thậm chí đa nghĩa. Chứ nếu rõ ràng quá, đơn nghĩa quá có khi không hay.

Không đồng tình với nhận định của nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng chúng ta có dòng văn học tâm linh hay không, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ khẳng định, yếu tố tâm linh chưa trở thành dòng văn học tâm linh, mà chỉ là đề tài.

Nhà phê bình La Khắc Hoà bày tỏ mong muốn, hội thảo không nên đặt câu hỏi “tâm linh là gì” và tìm hiểu tâm linh như một bản thể. Mà thời đại hiện nay cần phải nghiên cứu tâm linh như một ngôn ngữ.

Mặc dù không có tham luận, và chăm chú theo dõi nhưng nhà lý luận phê bình Chu Văn Sơn lại đưa ra những nhận xét, đánh giá rất đáng chú ý. Ông không đồng tình với La Khắc Hoà khi bỏ qua việc tìm hiểu tâm linh như một bản thể mà vẫn phải tìm hiểu trước khi đặt ra các vấn đề khác. Chu Văn Sơn hóm hỉnh so sánh, giống như người ta yêu thì cũng phải đặt ra câu hỏi yêu là gì, ngay cả khi đang yêu. Thế nên phải đặt ra, tìm hiểu tâm linh là gì. Vì không thấu đáo thì chỉ là cuộc tìm kiếm vu vơ. Nếu tâm hồn và tâm linh là đời sống tinh thần bản thể con người thì tâm hồn hướng đến cái đẹp, còn tâm linh hướng đến cái thiêng.

Một số tham luận đồng nhất tôn giáo với tâm linh, theo Chu Văn Sơn là một sự đồng nhất rất đơn giản và không đầy đủ. Tâm linh rộng hơn tôn giáo. Tôn giáo chỉ là một phần của tâm linh.

Ý kiến của nhà phê bình Văn Giá và Phạm Xuân Nguyên lại đề cập đến một khía khác, liên quan đến văn học và tâm linh nhưng hầu như lại không được nhắc đến trong các bài tham luận của hội thảo, đó là vấn đề “giải thiêng”, “viết lại truyện xưa”. Việc một số nhà văn viết về những hình mẫu lý tưởng xa xưa bằng cái nhìn hay lý giải của bản thân, bằng cách “giải thiêng” không phải là sự hạ thấp mà có thể được xem là một sự thay đổi và cứu vãn tính thiêng. Nhiều sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một ví dụ điển hình. Còn “viết lại truyện xưa” là trường hợp chuyện cổ tích Tấm Cám. Thời gian vừa qua đã có nhiều tranh luận nên để nguyên hay thay đổi cái kết của Tấm Cám. Hay như chuyện về nàng Châu Long, theo trí nhớ của Phạm Xuân Nguyên thì đến nay đã có đến năm tác giả viết lại.

Cũng theo ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thì trong các tác phẩm gần đây xuất hiện “ma” khá nhiều. Ma được xem như một thủ pháp nghệ thuật để lột tả mọi khía cạnh mà nếu sử dụng hiện thực lo gích thì không thể có được.

Tạm kết luận những tranh luận thú vị, ngồi vị trí chủ toạ, PGS.TS Trương Đăng Dung nói: Tâm linh và văn học, tâm linh trong văn học là một chủ đề rất rộng mà trong khuôn khổ một hội thảo khó bàn hết mọi góc cạnh. Nhưng chắc chắn một điều, văn học không thể rời xa tâm linh. Nhiều người cũng đồng tình với ý kiến của bàn chủ toạ rằng: Dù khoa học kỹ thuật có phát triển thế nào thì đời sống tâm linh vẫn tồn tại. Chừng nào đời sống con người còn có những bất ổn, sợ hãi, bất an, bất lực… thì chừng đó thế giới tâm linh còn tồn tại và cứu rỗi.

Nguồn: http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/49/van-hoc-va-van-hoa-tam-linh-nhung-bien-chuyen-xua--nay/122107.html 

 

Thông tin truy cập

62808973
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3536
14839
62808973

Thành viên trực tuyến

Đang có 257 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website