Độc lập và duy tân (Kinh nghiệm Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam)

Trần Thanh Đạm (*)

 Vào nửa sau thập niên thứ nhất của thế kỷ XX trong văn học Việt Nam bí mật, dưới chế độ thực dân Pháp, lưu hành rộng rãi một tác phẩm mang tên là “Á-tế-á ca” (Bài ca châu Á). Sự thật đó không phải là một bài ca về châu Á, sở dĩ có tên đó là vì nó là một bài ca truyền miệng mở đầu bằng ba chữ Á-tế-á trong câu mở đầu: “Á-tế-á năm châu là bậc nhất ”. Nội dung chủ yếu nhất của bài ca là ca ngợi thành công của cuộc duy tân Nhật Bản từ thời Minh Trị như một tấm gương của châu Á, nhất là một tấm gương cho Việt Nam và các nước Đông Dương đang đau khổ:

Mênh mông một dải Đông Dương

Nước non quanh quất trông càng thêm đau

Cờ độc lập đứng đầu phất trước

Nhật Bản kia vốn nước đồng văn

Phương Đông nổi hiệu Duy tân

Nhật hoàng Minh Trị anh quân ai bì …

Bài ca này là tác phẩm khuyết danh, không biết ai là tác giả. Hình ảnh của tác giả trong bài ca phần nào có tính cách huyền thoại. Sau khi tán dương các thành tựu và chiến công của Nhật Bản bằng những lời thơ rất hào sảng, nhất là chiến công hải quân Nhật đánh bại hải quân Nga ở Cảng Lữ Thuận (Port Arthur) tác giả tự miêu tả mình là một “bô thần” ở Nam Hải, tòng chinh theo quân đội Thiên Hoàng “ chinh Nga ”, nhân dịp mừng chiến thắng, được vua Nhật Bản ban cho chén rượu “hạ tiệp” nên chạnh nghĩ nhớ đến nước nhà đang trong khổ nạn. Lời thơ rất cảm khái:  

Thân phiêu bạt đã đành vô lại

Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân

Chinh Nga nhân lúc hoàn quân

Xót mình bô bá theo chân khải hoàn

Nâng chén rượu ân ban hạ tiệp

Gạt dòng châu khép nép quỳ tâu

Trời Nam mù mịt ngàn dâu

Gió thu như thổi dạ sầu năm canh…

 Trong bản sao chữ Nôm của cơ quan mật thám Pháp lưu trữ tại Phủ Thông sứ Bắc Kỳ được phát hiện gần đây, bài thơ có tên là “Nam Hải bô thần ca ” và được cho là của Phan Bội Châu. Có người căn cứ vào  đoạn cuối bài thơ mà cho rằng tác giả là Tăng Bạt Hổ. Đúng tiểu sử Tăng Bạt Hổ  có phần tương hợp với thân phận “bô thần” song không có chứng cứ nào ông đã từng có chức phận gì trong quân đội Nhật vào lúc “chinh Nga” và được gặp vua Nhật trong lúc “hoàn quân”. Hơn nữa, không có tư liệu nào nói rõ Tăng có tài làm thơ văn mà chỉ là một thuỷ thủ có lòng yêu nước, đã dẫn đường cho Phan Bội Châu sang Nhật. Theo người viết bài này, thì tác giả bài ca chính là Phan Bội Châu viết vào thời điểm đầu của cuộc Đông Du, khi ông cùng Tăng Bạt  Hổ  đặt chân lên đất Nhật, chứng kiến và khâm phục thành quả của công cuộc duy tân với tất cả tấm lòng. Có lẽ Phan đã mượn thân thế của Tăng, có thêm một vài hư cấu, để viết nên bài ca này. Xét phong cách bài ca, có nhiều đoạn rất giống với “Hải ngoại huyết thư”. Bài ca này cũng rất phù hợp với tâm lý ngưỡng mộ của sĩ phu yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ đối với Nhật Bản thể hiện ở sự thành lập “Đông Kinh nghĩa thục ” theo mô hình “Khánh Ứng nghĩa thục” của Nhật Bản. Song vấn đề là tại sao trong các sáng tác về sau, nhất là các thiên tự thuật, hồi ức, như “ Ngục trung thư ”, “Phan Bội Châu niên biểu”, Phan Bội Châu không có chỗ nào nhắc đến tác phẩm này của ông? Tôi cho rằng có thể giải thích điều này bằng lý do tâm lý: Sau khi bị chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ câu kết với chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương ra lệnh trục xuất Phan Bội Châu khỏi Nhật Bản, giải tán tổ chức lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, làm thất bại chủ trương Đông Du dựa trên sự tín nhiệm vào nước Nhật  "đồng chủng, đồng văn", Phan Bội Châu đã mất hết tin tưởng và hi vọng vào nước Nhật, cho nên ông cũng từ bỏ luôn đứa con văn chương sôi nổi mà ngây thơ của mình mà không muốn nhắc đến nó nữa. Nhưng do đây là một tác phẩm rất hay, có tính nghệ thuật thi ca rất cao  cho nên nó vẫn truyền tụng như  một tác phẩm khuyết danh đồng thời như một illusion perdue (ảo tưởng tan vỡ) của các nhà yêu nước duy tân đầu thế kỷ XX, để lại một bài học sâu sắc cho các nhà cách mạng lớp sau.

Câu chuyện văn chương trên đây rất thú vị, song tôi không muốn đi sâu, kéo dài mà chỉ muốn qua đó minh hoạ một ý tưởng được nêu lên thành chủ đề của bản báo cáo của tôi về sự khác nhau của duy tân Nhật Bản với duy tân Việt Nam và cả với duy tân Trung Quốc nữa. Vì sao bài học thành công của duy tân Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không thể nhân rộng ra các nước châu Á, các nước Đông Phương? Không những Việt Nam và cả Trung Quốc, các nước khác ở Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á đều không thể “nhân ” lên mô hình duy tân Nhật Bản? Trái lại, Nhật Bản “ thoát Á, nhập Âu ” để trở thành một nước từ CNTB tiến lên Đế quốc chủ nghĩa, vào hùa với các cường quốc Phương Tây quay lại xâm lược, thống trị các nước láng giềng “đồng văn, đồng chủng” ở phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, tranh giành các miếng mồi thuộc địa với các nước đế quốc phương Tây, dẫn đến bước đường phiêu lưu trong thế kỷ XX, định lặp lại vinh quang Cảng Lữ Thuận với Nga bằng chiến thắng Cảng Trân Châu (Pearl Harboun) với Mỹ trước và trong thế chiến II (1939-1945), đưa nước Nhật đến nỗi đau nguyên tử Hiroshima và Nagasaki cùng với nỗi nhục đầu hàng trên vịnh Tokyo khi kết thúc thế chiến II năm 1945 cùng với chấn thương của nước Nhật cho đến ngày nay, dù rằng đã duy tân lần nữa để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Chính trong bài “Á tế á ca” nói trên, tác giả đã có hai câu thơ tiên tri:

Khen thay Nhật Bản anh tài

Từ nay vinh dự còn dài về sau

 Tất nhiên vinh dự này có cái giá đắt của nó.

Công cuộc duy tân thành công của Nhật Bản thời Minh Trị cuối thế kỷ XIX là một kỳ công lịch sử và một cơ duyên lịch sử rất đặc biệt do nhìêu điều kiện lịch sử chi phối. Các đặc điểm lịch sử ấy lại hình thành trên một vị trí địa lý độc đáo của một đảo quốc ở tận miền cực viễn và cực đông của Viễn Đông so với phương Tây (kể cả Âu và Mỹ). Các nhà duy tân Việt Nam đầu thế kỷ XX muốn lặp lại mô hình Nhật Bản ở Việt Nam đã sớm thất bại và thất vọng, phải tìm con đường khác. Có thể giải thích điều này bằng nhiều nguyên nhân. Theo tôi một trong những nguyên nhân quan trọng là Nhật Bản duy tân trong điều kiện một quốc gia độc lập thống nhất vừa tiến hành một cuộc cách mạng lớn: Triều đại Minh Trị  được thành lập  từ một cuộc cách mạng (dù rằng hai chữ cách mạng ở đây không thật sự thích hợp lắm), đó là cuộc chính biến: “dẹp Mạc Phủ, bỏ phiên bang” (Á-tế-á-ca) tạo điều kiện trong nước để tiếp thu tác động từ bên ngoài.

Nói vắn tắt, cả Trung Quốc (phong kiến bán thuộc địa) lẫn Việt Nam (thuộc địa bán phong kiến) đều không có các điều kiện tương tự: Ách phong kiến nặng nề của triều đại Mãn Thanh đã không cho phép Trung Quốc duy tân thành công, mặc dù các trí tuệ như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu rất là xuất sắc. Ách thực dân tàn bạo của thực dân Pháp cũng không cho phép Việt Nam duy tân thành công, mặc dù Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cũng là những nhân cách kiệt xuất. Đông kinh nghĩa thục với Lương Văn Can, Nguyễn Quyền và nhiều sĩ phu ưu tú như ngôi sao tuệ tinh trên bầu trời loé sang rực rỡ rồi vụt tắt để thay thế bằng các “ngôi sao” vệ tinh kiểu Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Số phận của Triều Tiên còn bi đát hơn khi trở thành thuộc địa của chính người láng giềng duy tân của mình là Nhật Bản. Sang thế kỷ XXI, nước này vẫn còn bị chia cắt.

Trung Quốc từ bỏ mô hình Nhật Bản đi tìm mô hình của mình qua cách mạng Tân Hợi (1911), rồi đến Vận động Ngũ Tứ (1919), rồi qua kháng chiến chống Nhật, nội chiến Quốc Cộng  đến 1949 thành lập Cộng hòa nhân dân, đến cuối thế kỷ XX mới tiến hành cải cách, mở cửa để hiện đại hoá mãnh liệt làm thế giới sửng sốt và lo ngại.

Việt Nam cũng thử nghiệm thất bại mô hình:

Nhật là họ, Pháp là cừu

Họ hay phải học, cừu sâu phải đền

của Phan Bội Châu, chuyển sang “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh ” trong quan hệ “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” của Phan Chu Trinh cũng nửa đường đứt gánh, cuối cùng lựa chọn con đường Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh qua 15 năm cách mạng, 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ đến Đổi mới và hội nhập ngày nay. Không thể nói rằng: Con đường Nhật Bản là con đường hạnh phúc và vinh quang mà không có tủi nhục và đau khổ. Vấn đề  là phải biết như con chim phượng hoàng từ tro than hồi sinh mà bay lên. Trung Quốc cũng từ vết thương chảy máu mình gây cho mình để tập hợp, tập trung sinh lực dũng mãnh tiến lên.

Còn Việt Nam? Hàn gắn hai vết thương lớn, vết sau xé thịt, xối máu nhiều hơn vết trước, lại còn vượt qua giông tố, bão bùng của hậu chiến và thiên tai nhân hoạ cuối thế kỷ XX, Việt Nam cũng sẽ tiến lên, mong tiến kịp bạn bè trước hết ở Đông Nam Á, sau đó ở Đông Á và Nam Á, góp phần vào cuộc đại phục hưng, đại duy tân của Châu Á và thế giới ngày nay.

Từ nhiều hướng khác nhau, tiến tới bước chung một con đường bên nhau, cùng nhau khắc phục các điểm bất đồng, mưu cầu tình đoàn kết, bình đẳng, hữu nghị, các nước “đồng chúng, đồng văn ” ngày nào, ngày nay lại cùng nhau đồng duy tân, đồng tiến bộ, đồng phát triển.

 Cờ độc lập đứng đầu phất trước

Nhật Bản kia vốn nước đồng văn

Phương Đông nổi hiệu duy tân

Nhật hoàng Minh Trị anh quân ai bì…

Khen thay Nhật Bản anh tài

Từ nay vinh dự còn dài về sau…

 Sang thế kỷ XXI, Nhật Bản vẫn là nước đi đầu ở Phương Đông. Nếu thực hiện được một “chủ nghĩa Đại Đông Á ” không phải nhằm mục đích chiến tranh, xâm lược (bài học đau thương còn nóng hổi) mà nhằm mục tiêu duy tân thực sự, “vị ngã duy tân, đồng tha duy tân ”, duy tân trong độc lập, tự do, thống nhất vì hoà bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Đó mới là “chân duy tân ”, “đại duy tân ”. Mở đầu thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thời đại duy tân mới này đã đến rồi chăng với các nước “đồng chủng, đồng văn” Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam ?

                                                                                     12-2009


 



* Giáo sư, Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQG-HCM

Thông tin truy cập

60515019
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6530
12997
60515019

Thành viên trực tuyến

Đang có 246 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website